Tất
nhiên là chẳng có dây mơ rễ má gì với Lê Lợi lẫn Lê Lai. Chẳng có gì dính dáng
đến chuyện phất cờ khởi nghĩa. Chẳng ai liều mình cứu chúa và cũng chẳng có ai
áo vải lên làm vua.
Chỉ
có kỷ niệm mà thôi và nó dính tới ngôi trường cấp 2 nằm bên rìa Domaine de
Marie. NgôI trường này ngày xưa thuộc về các Ma Soeurs dành dạy cho trẻ mồ côi.
Sau năm 75, trường Hùng Vương giải tán, lũ mồ côi trường như bọn mình phải dạt
về đây, còn các trẻ em thật sự mồ côi thì không biết đi về phương nào. Ngôi trường
hễ mưa to cả lớp túm tụm tránh chỗ nóc dột, tránh chỗ nước mưa hắt qua khung cửa
sổ kính bể không còn một mảnh. Ngôi trường có vườn khoai lang khoai mì do học
trò bỏ công lao động, mỗi tuần một buổi cong lưng nhổ cỏ, lên luống. Cái đám
lau nhau đi lao động ấy đào bới luống trồng theo kiểu gà bươi, cắm dây khoai
cho có lệ, cắm ngược thân cây củ sắn mì mà không buồn sửa lại, thì tất nhiên lấy
đâu ra củ khoai nào gọi là cho có. Vậy mà đều đặn mỗi tuần một buổi, thầy trò có
mặt tay cuốc tay liềm, như bằng tra tấn nhau. Ngôi trường có ông hiệu trưởng là
dân bộ đội chuyển ngành gốc người Nghệ An. Thầy hùng hổ ra oai quang quác trên
micro trước dàn giáo viên, trước đám đông học sinh nhìn ông chằm chằm, ông vừa
quay lưng đi đã có cả chục đứa bắt chước giọng Nghệ của ông, trọ trẹ với nhau rồi
lăn ra cười. Buổi chiều thầy ra nhóm bếp dầu nấu cơm trước căn phòng tập thể,
lũ học trò rắn mắt chờ thầy vào phòng, nhảy bổ ra tắt bếp. Thầy đi ra nhóm lại,
thầy đi vào trò tắt. Chừng ba bận thì thầy vừa chửi vừa chống nạnh canh chừng, trò nấp sau lớp học
cười rớt răng! Chuyện thầy giăng dây phơi quần áo ngang qua sân trường, xéo bên
góc lớp 9P, học trò len lén đến gần rút ra cái kéo. Thế là thầy gầm lên, đi nhặt
nhạnh quần áo rơi xuống đất, trò chạy biến, nhanh hơn tên bắn. Mình không dám tắt
bếp cũng chẳng dám xài kéo, nhưng chính mắt thấy thủ phạm mà không tố cáo thì cầm
bằng như đồng lõa rồi còn gì. Ngôi trường ấy năm 1978 có khoảng 20 đứa con gái
được cô giáo dạy Lý Hóa gom góp khắp ba lớp 9 đi múa quạt múa bướm, mang niềm tự
hào về cho trường. Lúc đó áo dài trắng dư âm ngày xưa chưa kịp chật, hoa giấy tím
mọc đầy các cổng nhà Dalat, cả bọn hái lấy chỉ xâu thành vòng đeo quanh cổ tay,
thế là cả đám hiên ngang lên sân khấu. 20 đứa ở tuổi dễ cười, một đứa bắt đầu
rúc rích thì 19 đứa kia khó lòng cưỡng lại. Cô giáo đứng trong cánh gà nghiến
răng, các em nghiêm chỉnh nào! Một đêm đi biểu diễn về khuya, cô Bình lôi đội
múa về nhà cô ở cây số 6 ngủ lại. Sáng hôm sau cô lấy cơm nguội với canh khoai
môn ra đãi. Vậy mà mình nhớ món này cho đến tận bây giờ! Ngôi trường ấy buổi tối
đặc biệt âm u vì nó nằm biệt lập dưới chân đồi, chung quanh nhà cửa chẳng bao
nhiêu, đèn đuốc lại mù mờ. Mình đi họp ban đêm phải bám theo một lũ bạn, vì đường
về vòng qua nhà thương rồi nhà xác. Ban ngày không sao, ban đêm lỡ gặp ai đi lơ
lửng chân không chạm đất thì kinh lắm. Vì thế Trang mới hỏi sao hồi đó tụi mình
không sợ. Thì có ba đứa đi chung quanh mình đi giữa lấy gì sợ? Riêng cô Cúc đã
có Thu làm roomate chắc không còn sợ bất kỳ bóng tối lạ lẫm nào.
Riêng cái buổi tụ tập cách đây một tuần nó dính
dáng đến lớp 9 Pháp văn, lớp 9 Anh văn. Nó dính đến cô dạy Toán, cô dạy Sử Địa,
cô dạy Sinh Vật. Nó dính đến một thuở làm học trò, làm cô giáo. Chuyện học trò
cô giáo ấy xảy ra vào khoảng năm 1977, 1978. Có nghĩa là cách đây 40 năm. Lại
thở dài thời gian có tha ai bao giờ.
40
năm sau cô trò gặp lại nhau ở Dallas Fort Worth lúc trời đất bước vào mùa thu.
Lá đang ngả màu, lác đác đây kia chứ chưa bừng lên. Đêm thứ tư mưa như trút, chậu
ăn của Max để quên ngoài sân nước đầy tràn. Dân Dallas FortWorth thở dài, đón
khách bằng cơn mưa lụt nhà lụt cửa thế này là không xong. Theo dõi tình hình thời
tiết thấy cơn bão dần trôi về phương Bắc, để lại 10% cơ hội mưa cho 2 ngày gặp
mặt. Thầm mong mình ở trong cái con số 90% không mưa ấy. Thế mà ước gì được nấy
thật, đã bảo ở hiền gặp lành là vậy. Hai ngày tổ đãi, sáng đi chơi trời xanh biếc,
nắng rực rỡ phải đeo kính mát (cứ xem hình chụp đố có nói sai), tối về ngồi yên
ấm tán dóc thì 10% cơ hội mưa mới kéo đến đổ ào ào trên nóc nhà. Mà nói thật, nếu
có mưa chắc mình cũng phát cho mỗi người một cây dù rồi lôi cả cô cả bạn đi ra
ngoài. Tính mình vốn thế, ít chịu ngồi yên trong nhà. Các cô đọc đến đây cũng mừng
là trời không mưa, phải không ạ?
Quay
trở lại 3 cô 3 trò. Các đấng mày râu chung quanh không kể. Vì họ biết gì về những
năm tháng cô đứng trên bục giảng, học trò cắm cúi trên bàn? Họ biết gì về nỗi
niềm mê nhảy dây của đám con gái tuổi 13, 14? Chịu khó lau chùi sàn lớp bóng
loáng rồi chăng dây ra, chân búng tanh tách như châu chấu. Ngày hôm sau đi học
trời mưa, cái đứa phải è cổ ra lau bảo những đứa khác bỏ dép ra đi chân đất thì
lũ con trai mặt câng câng dậm đôi dép dính bùn lên mặt sàn gạch bông sáng loáng.
Đám con gái chửi rủa và thề không bao giờ
nhìn mặt “lũ mất dậy” ấy nữa. Thế mà trong đám mất dậy ấy có đứa ra người thiên
cổ rồi, làm cho những đứa còn lại bâng khuâng suốt ngày khi nghe tin, dẫu biết
đời người có tất cả các sắc màu khác nhau.
Đúng
thế, hội ngộ là để quay đầu nhìn lại những năm tháng mình bỏ lại sau lưng. Thật
ra có lần mình đã nói, cái đám học trò ấy cũng chẳng tử tế gì, tốt nghiệp cấp 2
là một đi không trở lại. Lên đến Bùi Thị Xuân, Thăng Long thì cô giáo cũ vẫn
còn ở đó chứ có đi đâu đâu, vẫn cùng dân Dalat với nhau đấy thôi. Vậy mà học
trò không một lần quay lại thăm thầy cô, cứ thế mà phom phom tiến về phía trước,
xếp lại những năm cấp 2 sau lưng một cách dễ dàng. Rồi 40 năm sau nhìn nhau hỏi
nhau sao vậy cà. Mình chỉ biết đổ tội cho tuổi trẻ mà thôi.
Người
ta bảo 2 bà cộng thêm con vịt là thành cái chợ. Ở đây có những 6 bà (vâng cô ạ,
tụi em cũng đã trên 50 rồi) không có vịt, cho nên chợ họp từ sáng đến tối. Bao
chuyện ngày xưa lôi ra kể. Có những chuyện cô biết trò không hay, hoặc trò biết
dấu cô, không cho cô biết. Chuyện bài thơ trò lượm ở mảnh báo vụn được đem đăng
báo của cô Xuân làm cả bọn cười rũ rượi. Đến nỗi cô Khuê mới xuất khẩu thành thơ
cả bọn đã bảo để cô Xuân duyệt chưa, không lại bị kiểm điểm nữa bây giờ. Ngày xưa
ấy thầy Thanh bị gọi là Thầy Babylac. Gặp Thầy tháng tư vừa rồi hỏi Thầy có biết
không thì Thầy bảo ờ thầy có nghe phong phanh! Thầy Trịnh Minh Đức bị đổi tên
thành Tôn Thất Đức. Thầy Chiến hiệu trưởng bị gọi là Thầy Chiến Răng Hô! Còn
đám học trò cũng đầy tên đệm đấy thôi, Định Đề, Doanh Kều, Dậy Khùng, Sơn Điệu,
Phụng Đen vân vân. Mình là tác giả của vài cái tên cúng cơm ấy, không dám khai
ra đây dù đầu đã hai thứ tóc, vẫn sợ cô sợ thầy như thường, và nhất là sợ bị chửi
mất dép vì tên đệm cũng hơi ác ý! May mà 3 cô giáo kỳ này của mình thuộc loại
được học trò yêu nên không dính “nick name” nào. Chứ bây giờ mà cho cô biết thì
không biết phải lãnh hình phạt nào cho đủ với cái tội rắn mắt!
Chuyện
bây giờ mới kể là chuyện mình và cô Cúc toa rập với nhau. Hễ có buổi dự giờ,
mình được cô xi nhan trước, ngày hôm sau câu hỏi nào mình cũng giơ tay rõ cao. Cô
đi thi dạy giỏi, mình ngồi ngay bàn đầu cho cô dễ thấy, rồi hùng dũng xung
phong lên bảng giảng toán phăng phăng, nhờ thế cô chắc qua đận hạch sách của phòng
giáo dục dễ dàng. Về nhà kể cho Má nghe Má bảo hay thật đấy, cả cô cả trò! Mình
còn nhớ các buổi học sinh vật, mình rảnh rang ngồi vẽ lại tim gan phèo phổi, động
mạch, tĩnh mạch, ghi chú rõ ràng, rảnh hơn đánh bóng quả tim vẽ bằng bút chì,
chỗ đậm chỗ nhạt theo đúng cách nghệ thuật. Thầy Dũng thấy thế bắt cả lớp cũng
phải vẽ lại vào vở giống mình. Mình tự hỏi sao mình không bị chặn đường đập cho
một trận cũng là lạ đấy! Mà nếu là thằng con mình thì đã giàu to, một hình vẽ một
đồng, chắc khối kẻ nộp vở cho mình vẽ giùm. Mình vốn không giỏi buôn bán từ thuở
nhỏ là vậy.
Và
2 ngày thì chưa đủ buôn chuyện cho nên Lam Sơn đang bàn tính hội ngộ tiếp vào
năm 2019 tại Atlanta, sau khi cô Xuân lật đổ chính quyền, là mình với Trang, vì
cả hai đứa tính họp mặt ở San Jose. Cô Xuân với giọng Huế nhẹ nhàng bảo, San
Jose thì cô đi nhiều rồi, Atlanta cô chưa tới nì, với lại ở Atlanta còn có thầy
Mười, Thầy Thanh với cô Kỳ Lang nữa nì. Học trò làm sao dám cãi cô giáo vả lại
mình nghĩ bụng ở đâu cũng được, miễn là có nhau, phải không ạ?
Nhân
tiện đây mình cũng nói thêm, các buổi hội họp khi nào cũng khởi xướng bằng Minh
Trang. Nó hô hào, mua vé, động viên thiên hạ, làm cho mọi người nô nức lên đường.
Rồi cái đứa khóa lại dư âm mấy ngày gặp nhau lại là mình, qua những bức ảnh chụp
cho mọi người. Sau này nếu có lúc nhìn lại hình, sẽ nhớ lại cảnh, nhớ lại người.
Nhưng cả hai đứa mình thì không đủ làm nên cơm cháo gì, kiểu như hai con én chưa
là mùa xuân. Thu từ Houston, cô Cúc từ Atlanta, cô Xuân từ Dallas, cô Khuê từ
California là những nhân tố khiến cho hội ngộ đặc biệt khó quên.
Khi
chia tay Thu rơm rớm nước mắt, Trang đã ra phi trường, còn mình lái xe một mình
về nhà, để lại cô Cúc và cô Khuê ở nhà bạn, cô Xuân yên ấm trên Allen, lòng mình
không khỏi bồi hồi và thấy trống trải. Rồi cuộc sống hàng ngày sẽ cuốn chúng ta
theo nhịp điệu của nó, sẽ làm chúng ta bận rộn với tỉ việc không tên. Nhưng hy
vọng khi bất chợt nhìn thấy một màu trời, một màu lá, mọi người sẽ nhớ đến hai
ngày chúng ta ở bên nhau. Hoặc khi lật giở những tấm ảnh, mọi người sẽ bảo ngày
ấy mới vui làm sao!
Hẹn
gặp lại Lam Sơn nhé.
Lan
Hương