Pages

Nha Trang ngày về (Tuan Nguyen)

Cứ mỗi lần ghé Nha Trang là tôi nhớ đến ca khúc bất hủ "Nha Trang ngày về" của Phạm Duy. Nhưng mỗi lần về Nha Trang là mỗi lần trải nghiệm những cái mới không hẳn là tốt đẹp. Cái thành phố biển Nha Trang thơ mộng trong ca khúc đó, cái cảnh "mình tôi trên bãi khuya" chỉ còn là hoài niệm trong tâm tưởng mà thôi, vì Nha Trang ngày nay đã thành một Pattaya phiên bản Việt Nam.

Người Nga ở Nha Trang
Ở Nha Trang có rất nhiều du khách người Nga và người Tàu. Tôi sẽ nói cảm nhận cá nhân về người Nga trước. Tôi không biết bắt đầu từ đâu để mô tả cảm nhận cá nhân về người Nga ở Nha Trang. Nhưng cảm giác chung là thấy khó hoà nhập với những người khách này, một phần là do bất đồng ngôn ngữ, nhưng phần khác có lẽ là do phong cách của họ.
Khác với du khách Tàu thích chụp hình, du khách Nga thích tắm biển. Bãi biển nào cũng đầy người Nga, và rất dễ nhận dạng họ. Họ trắng (dĩ nhiên), nhưng rất béo phì, người nào người nấy trông như là thuộc thành phần kinh tế thấp. Không biết mấy du khách này bên Nga thuộc thành phần kinh tế nào, nhưng ở đây họ là những du khách kém thân thiện, kém văn minh, thiếu lịch sự, và có khi thô lỗ. Nghe các nhân viên phục vụ nhà hàng và quán ăn nói về du khách Nga, tôi chỉ biết lắc đầu khó tin.
Chẳng hạn như họ rất tiết kiệm nụ cười. Tôi chưa thấy du khách Nga nào cười, dù chỉ là cười bằng mắt, để chào một người du khách đồng hành trên biển. Họ nhìn mình như nhìn một du khách nào đó với ánh mắt lạnh lùng, thiếu thiện cảm. Hình như đại đa số họ không biết tiếng Anh, nên dù mình có hỏi một câu thân thiện, họ vẫn nhìn mình không trả lời mà cũng chẳng cười, giống như nhìn ... hình sự. Anh bạn đồng hành của tôi than phiền "sao họ mất lịch sự thế", còn tôi thì chặc lưỡi an ủi: họ là con cháu của Lenin mà.
Chẳng hạn như cái đặc điểm béo phì. Khác với dân tắm biển phương Tây (vd Mĩ, Pháp, Anh, Úc, Đức) vốn có thân hình thon thả, quần áo tắm màu mè, hay nói chung là "civilized", người Nga thích phô trương cái thân thể "hộ pháp" béo phì trùng trục của họ, trông rất kì cục; còn đàn bà thì người nào cũng quá cân và nặng nề, giông giống như mấy người phụ nữ Ả rập tôi thấy bên Úc, trông rất ... oải. Một anh taxi nói trước đây có thanh niên thích ngắm biển và tiện ngắm luôn các cô gái Tây Mĩ ở bãi biển Nha Trang, nhưng từ ngày có người Nga đến, các thanh niên địa phương chẳng ai muốn ngắm biển nữa!
Hay chẳng hạn như tính văn minh, lịch thiệp. Có khi sự phiền phức rất nhỏ nhưng nó giúp tôi so sánh cái văn minh của người Âu Mĩ và người Nga. Khách sạn tôi ở có nhiều khách Nga. Cứ mỗi lần tôi bước ra khỏi thang máy là mỗi lần tôi phải nói nhỏ "excuse me", vì những cái thân thể khổng lồ kia đứng ngay trước cửa thang máy chắn lối đi. Hình như họ không có thói quen nhường cho khách trong thang máy (?), nên vô tư đứng như thế. Mà, với những cái thân hình lượng mỡ nhiều hơn cơ và trang phục luộm thuộm như thế thì rất ư là phản cảm. Còn ở các nước khác, kể cả Thái Lan, người ta lịch sự nhường cho mọi người bước ra khỏi thang máy. Có lần trong một khách sạn 5 sao, tôi và anh đồng nghiệp người Úc kinh ngạc khi thấy mấy người Nga trong bộ đồ tắm đầy nước và cát, còn tay thì cầm điếu thuốc lá ngay giữa đại sảnh! Tôi thật sự ngạc nhiên khi thấy mấy người Nga ở đây hành xử kém văn minh như thế, vì tôi nghĩ họ hơn Tàu xa chứ.
Chẳng hiểu sao cứ mỗi lần nhìn mấy người Nga này tôi lại nhớ đến cái nước gọi là "Liên Xô" và những cái hệ quả nó để lại cho VN. Nhớ hôm "tán dóc" với người phụ trách cái hồ bơi của khách sạn, khi được hỏi về du khách Tàu và Nga, anh ta ngán ngẩm than "tôi rầu với mấy ông xhcn này quá, anh ơi!" Cái căn cước của mấy du khách này vẫn còn ám ảnh người Việt Nam và làm hại kĩ nghệ du lịch VN.
Nhớ thời thập niên 1980 Nhà văn Duyên Anh có xuất bản cuốn tiểu thuyết có tựa đề là "Một người Nga ở Sài Gòn". Cuốn tiểu thuyết viết về một kĩ sư dầu khí người Nga sang VN làm "chuyên gia", anh ta gặp và yêu một cô gái Việt xuất thân từ chế độ VNCH. Cô gái khinh bỉ anh kĩ sư và chửi anh thậm tệ, vì cô xem những người Nga như là đám người kém văn minh và đi xâm lăng VN. Thế nhưng chàng kĩ sư vốn xuất thân từ một gia đình trung lưu vẫn yêu cô gái Việt. Tuy nhiên, cơ quan của anh ta phản đối, không chấp nhận cuộc tình dị chủng và nhất là một cô gái "nguỵ". Thế là anh chàng kĩ sư tự sát chết, còn nàng thì cũng "gian nan" với chính quyền.
Sáng tác "Một người Nga ở Sài Gòn" ít được độc giả trong nước biết đến, nhưng đó là một trong những sáng tác có giá trị của Duyên Anh. Trong sáng tác này, Duyên Anh mượn câu chuyện tình dị chủng để nói lên suy tư của ông về thân phận con người trong mối tương quan dằn xé của chủ nghĩa toàn trị và ý thức hệ. Ông tự hỏi "Nhưng liệu con người có được gần gũi, san sẽ và thương yêu con người mà không bị móng vuốt của chủ nghĩa cào cấu chảy máu không?"
Người Nga ở Nha Trang ngày nay sang VN trong một tư thế rất khác với người kĩ sư trong "Một người Nga ở Sài Gòn", vì họ là du khách. Trên lí thuyết, họ giúp làm giàu Việt Nam, vì tạo ra công ăn việc làm cho người địa phương. Nhưng trong thực tế thì sự có mặt của họ làm cho kĩ nghệ du lịch VN nghèo đi. Mấy năm trước khi người Nga (và nay lại thêm người Tàu) đổ bộ, Nha Trang là điểm đến số 1 của du khách phương Tây và Mĩ, nhưng ngày nay hễ chỗ nào có du khách Nga, thì chỗ đó không có du khách Tây. Du khách Tây thậm chí còn khuyên đồng hương họ là nên bỏ qua Nha Trang trong hành trình thăm VN!
Dĩ nhiên, ở VN vẫn còn có nhiều người (nhất là người miền bắc) sùng bái Nga, nên hễ ai nói gì không hay về người Nga là họ sừng sộ phản đối cứ như là họ tự thấy mình bị xúc phạm! Sự trung thành của mấy người này dành cho Nga thật là đáng nể, và nó cũng giải thích tại sao đất nước này có quá nhiều người sẵn sàng xả thân vì ngoại bang và mãi mãi lệ thuộc ngoại bang. (Thú thật, tôi ở Úc hơn 35 năm và mang quốc tịch Úc, mà nếu có ai nói dân Úc xấu xí, ngu xuẩn, tôi không hề thấy buồn lòng dù chỉ 1 giây).

Người Tàu ở Nha Trang
Nha Trang cũng có rất nhiều du khách Tàu. Du khách Tàu đi đến đâu là đem theo những thói hư tật xấu của họ đến đó. Họ ồn ào, họ mất lịch sự, họ thiếu văn minh, họ ngông nghênh, họ phô trương, họ hám ăn, v.v. Nghe các tiếp viên nhà hàng ở đây "hài tội" của du khách Tàu cứ như là nghe một câu chuyện không có hồi kết -- never ending story.
Cái thói háu ăn của du khách Tàu ghê gớm đến nỗi nhà hàng không dám mở buffet cho họ vì chỉ có lỗ! Khi chúng tôi đang ngồi ăn cơm, một đoàn Tàu vào xí xô xí xào chỉ vào chúng tôi, làm tôi giật mình chẳng biết chuyện gì xảy ra. Hoá ra, họ muốn ăn món canh chua và cá kho tộ như chúng tôi ăn. Nhưng cái hành vi chỉ trỏ như vậy thiệt là kì cục, không hiểu nổi. Một hôm, khi chúng tôi đến quán ăn, chúng tôi chọn tầng trên cho yên tĩnh, ai dè sau đó một đoàn Tàu đến làm tan vỡ cái không gian của chúng tôi. Tôi chưa gặp một người dân Nha Trang nào mà có cảm tình với du khách Tàu ở đây.
Cũng như người Nga, du khách Tàu chẳng đem lại lợi ích gì đáng kể cho người địa phương và cho Nha Trang. Họ đến đây theo đàn, và họ dùng dịch vụ du lịch của họ ngay tại Nha Trang. Họ ít khi nào mua hàng VN mà thường thì "made in China". Nếu mua, họ rất thích cà phê và đậu phọng. Thậm chí, còn có quan chức hoặc gia đình quan chức tiếp tay cho những cánh tay nối dài của kĩ nghệ du lịch Tàu.
Sự có mặt của du khách Nga và Tàu ở Nha Trang cũng có nghĩa là thành phố này không thu hút được du khách giàu có từ phương Tây. Du khách Mĩ, Pháp, Úc hầu như vắng mặt ở Nha Trang, vì họ không thích hay không cảm thấy thoải mái trước sự hiện diện của hai nhóm người này. Ngay cả Việt kiều cũng "né" những nơi có đông người Nga và Tàu.
Thành ra, tuy VN nói là có tỉ lệ tăng trưởng cao về du lịch, nhưng tôi e rằng đó chỉ là một mặt của con số, vì sự tăng trưởng đó kém chất lượng, do chỉ thu hút khách có chất lượng kém như Nga và Tàu mà thôi.

Người dân dần dần mất Nha Trang

Ở một khía cạnh nào đó, Nha Trang không còn là của người Nha Trang. Người Nha Trang cảm thấy mất bãi biển, dần dần mất đất cho các tập đoàn buôn bán đất đai. Họ cảm thấy như là người ngoài cuộc trên mảnh đất mà cha ông để lại. Rốt cục là có hai thế giới ở Nha Trang. Một bên là người địa phương và một bên là du khách quốc tế. Một bên là hào nhoáng, ăn chơi, đàn đúm của người Nga và Tàu; một bên là lao động, cặm cụi làm mướn cho cái thế giới ăn chơi kia. Hai cái thế giới này chỉ cách nhau một vài con đường!
Những khách sạn sang trọng dọc theo bờ biển chỉ dành cho du khách (hay những người từ Hà Nội), chứ đâu phải của người địa phương. Chỉ cần không đầy 3 phút đi bộ thì chúng ta sẽ thấy một thế giới khác, thế giới Việt Nam. Người địa phương làm quần quật mỗi tháng cũng chỉ có thu nhập 3-4 triệu đồng mỗi tháng, chưa đủ tiền phòng một đêm ở khách sạn sang trọng trên con đường mang tên người vô sản trần phú. Và, họ cũng chẳng có nhu cầu để ở các khách sạn đó. Bãi biển Nha Trang chỉ thấy toàn người Nga, rất hiếm người địa phương. Có thể nói người Nha Trang (và cả người Việt chúng ta) đang dần dần mất cái bãi biển đẹp này vào tay các "đại gia".
Giá cả ở con đường du lịch Nha Trang đắt đỏ kinh khủng. Một cái quần jean hiệu Levi, không biết thật hay giả, giá gần gấp hai so với giá bên Mĩ (tính bằng USD)! Ngay cả hàng nội địa như An Phước giá cũng rất cao gấp hai hoặc gấp ba lần so với một cái áo của hãng Tommy hay Polo bên Mĩ. Tôi không rõ ai là khách hàng của những loại hàng này. Có lẽ chính vì thế mà du khách cũng ngần ngại tiêu tiền ở đây.
Viết về Nha Trang thì không thể nào viết đủ khi mình chưa có trải nghiệm đầy đủ. Nhưng cái ấn tượng làm tôi thất vọng nhiều nhất là thấy cái phố biển này thành một Pattaya. Trong cái Pattaya phiên bản Việt Nam này trống vắng cái biểu tượng văn hoá hay đang dần dần đánh mất nó. Thử tưởng tượng một thành phố như Nha Trang mà không có tiệm bán báo! Ấy vậy mà đó là một thực tế ở thành phố biển này. Tôi không tìm ra một tiệm bán báo tại khu trung tâm thành phố. Nguyên cái con đường dài dọc theo bờ biển không có một tiệm sách! Quán cà phê, quán ăn, quán nhậu thì đầy; nhà sách thì zero.
Có lẽ thực tế này nói lên sự nghèo nàn về văn hoá đọc. Nhưng tình trạng này xảy ra ở các tỉnh nói chung, và Nha Trang chỉ là một ca điển hình. Một thành phố cắm đầu vào phát triển kinh tế du lịch mà thiếu văn hoá thì có khác gì một thành phố thiếu linh hồn.
 
Theo Tuan Nguyen's Blog

2 comments: