Thiệt là sướng, khi người ta đến một nơi hoàn toàn không có
ý ức. Mợ nghĩ vậy, khi bạn đồng hành cứ xuýt xoa khi xe đò sắp vào thành phố,
ui trời đẹp quá chừng, chị ơi coi kìa, rừng thông. Con nhỏ đeo kính dày như đít
chai, mới vừa thi xong, thấy hè dài nên thưởng cho mình chuyến đi xa đầu tiên
trong đời. Nó nói nghe Đà Lạt trong thơ trong nhạc lâu rồi, giờ mới hít hà được
khí trời, chạm tay vào xứ sở.
Mợ thì bứt dứt. Không muốn đọ cảnh xưa cảnh nay, nhưng hồi
ức lợp xanh đồi trong tâm trí mợ. Thông, và chỉ thông, thứ cây thẳng lưng kiêu
hãnh. Hồi đó phim Titanic đang sốt, mợ và bồ hì hụi trèo lên tận đỉnh, ra chỗ
cái mõm đồi trống, rồi bắt chước anh Jack và chị Rose căng hai tay ra trong
lộng gió trời. Nhắm mắt, mợ nghĩ mình đang bay, liệng một vòng dũng mãnh giữa
không gian khoáng đạt nức mùi nhựa thông và hoa dại, cảm giác tự do và an toàn,
mợ biết mình không bao giờ rơi vì có bồ bay bên cạnh. Sau này chia tay bồ rồi,
mợ vẫn nghĩ về ổng với những ý nghĩ dịu dàng, vì đã từng bao lượt bay chung.
Trên những lần xuôi ngược lúc yêu và sau yêu, mợ vô tình
làm chứng cho nhiều đổi thay phố núi. Thành phố phình ra, đồng nghĩa những rừng
thông bọc quanh nó thưa dần, hệt như tóc bà già mỗi tuổi mỗi thưa. Người đông
lên, phố dày dạn lời chào mời, những bà chủ quán dữ tợn hơn, cả những cô bé con
má cũng bớt hồng, vì tiết trời không còn lạnh như trước. Con người đi đến đâu,
hơi ấm bừng lên ở đó, nhưng ấm đến mức thay đổi cả khí hậu của một vùng đất,
cũng ghê.
Mợ đến xứ lạnh lần đầu vào năm mười tuổi. Hồi đó công đoàn
luôn làm cho người ta nhớ là trên đời có công đoàn khi họ tổ chức cho cán bộ
viên chức đi nghỉ mát mỗi năm. Cha mợ làm lính văn phòng, cũng được suất dắt
con đi, như ông giám đốc (ừ thì hồi ấy cả hai ông cuối chiều cùng đi đổ cơm cặn
nuôi heo, chẳng phân biệt trên dưới). Đà Lạt của năm mười tuổi, là cây rừng bất
tận và cuộc cãi nhau giành khách của hai quán cơm. Vẫn còn tấm hình chụp con
nhỏ cắt tóc hệt gáo dừa úp ngược đứng giữa phong cảnh hữu tình, nhưng mỗi khi
nhìn lại, cách nào cũng nhớ giọng Bắc chua thanh chửi đến rát cành thúi củ.
Lần thứ hai trở lại, ký ức xúi mợ tìm đúng dãy hàng quán ấy
để…tránh đi, mặc thức ăn của họ thơm ngon bỗ dưỡng. Muốn giữ lại ký ức đẹp
thôi, nhưng những thứ xấu xí mợ không cách chi buông bỏ. Cũng như khó kìm giữ
so đo hiện tại với quá khứ, kiểu như góc đường kia hồi xưa đẹp hơn, dốc chợ hồi
xưa thanh cảnh mát lành hơn, cây cỏ hồi xưa đượm hương hơn.
Thứ ý nghĩ đó, nhỏ bạn đường của mợ chưa từng có. Với nó,
đương nhiên là thác có nhiều rác (dãi dất này đâu chẳng rác), vườn hoa hơi diêm
dúa (gì chớ diêm dúa thì nước Việt mình rất ưa), mùi mỡ động vật khét lẹt trên
đường (chỗ nào chẳng vậy). Con nhỏ có thể hơi thất vọng một chút, nhưng không
mất mát, áy náy như mợ cảm thấy. Như thể mảnh đất này của ông cố tổ mợ để lại,
mà mợ thì không cách chi giữ gìn cho nó mơ mộng như xưa.
Học quen với mất mát, xem những biến động của đời chuyện
tất nhiên, mợ chỉ có thể làm được vậy. Mà sau này cũng nên thôi làm khó mình,
khi đi hoài một chỗ, chỉ vì nhớ bồ xưa. Những du khách một đi không trở lại, có
phải khỏe lòng hơn không. Thế giới này thiếu gì điểm đến, quay lại chi nơi chốn
dãi dề.
Mợ nghĩ vậy, khi xe lăn bánh bỏ lại
thành phố (đã cạn) sương mù. Bạn đường ngoái nhìn chị chủ quán cháo gà ngồi
thêu tranh chữ thập, nó nói “chỉ thêu Phật Bà Quan Âm mà chặt chém khách như
thường”. Vậy đó, ấn tượng phố núi trong con nhỏ rốt cuộc là cảnh đẹp như bài
hát và tô cháo trăm rưỡi ngàn.
(Theo Nguyen Ngoc Tu - 2015)
No comments:
Post a Comment