♦ Chuyển ngữ: Trần Đức Tài ( 5.10.2017 )
Nguyên tác tiếng Nga, dịch theo bản tiếng Anh “Unnecessary Things” của Anya Migdal
Rồi một đời đã qua đi, Tôi mua căn hộ mới ở St. Petersburg và về nhà cha mẹ vừa đi lòng vòng gom áo quần, sách vở vừa năn nỉ xin mẹ cho đủ thứ món linh tinh trang trí và các đồ vải vóc cũ cất trong những va-li còn cũ kỹ hơn. Chẳng ai cần dùng chi tới thứ này – mẹ tôi và chắc chắn là cả tôi nữa – nhưng tôi thích những vật không cần thiết: mọi ý nghĩa thực dụng, thương mại hay tạo tác của chúng đều đã mất hết, công dụng nào cũng đã tiêu tan, chỉ còn lại những linh hồn trần trụi, những bản thể đích thực của chúng, tất cả những gì lâu nay đã khuất lấp vì bao tháng ngày hối hả, tất bật trôi.
Khi bới tìm trong nhà kho đứng dưới cầu thang, chung quanh là mớ bao bố bám đầy bụi và những cây sào trượt tuyết mà chúng tôi không ai nỡ lòng vứt đi, mò mẫm trong vùng tối ở chỗ giữa vách tường và cái rương đựng đồ, tôi tìm thấy con gấu ấy, hay đúng hơn, di hài của nó: một khung gỗ có bộ lông chỉ còn độc một chân trước, một nút nhựa là con mắt và mấy sợi chỉ đen lòng thòng thay cho con mắt kia.
Tôi chụp lấy nó, siết chặt, ôm ghì thân hình bụi bặm, lông lá ấy và nhắm mắt lại ngăn cho dòng lệ bất chợt tràn mi không tuôn xuống mình con gấu. Tôi cứ đứng đó, trong vùng âm u ngột ngạt và chật chội, lắng nghe tim mình đập loạn. Hay lẽ nào là nhịp tim của con gấu này – đâu biết của ai chứ?
Cảm giác thế nào ấy nhỉ? Có thể nói đại khái thế này: chẳng hạn ta có con cái, chúng lớn lên và rồi sang tuổi bốn mươi, và ta đã quen với thực tế này, và chấp nhận điều đó, và rồi khi ta lục lọi trong kho và kìa, nó đó, đứa con đầu tiên, vẫn như ngày xưa – mới một tuổi rưỡi, vẫn chưa biết nói, thơm tho như bột yến mạch và xốt táo, khóc sưng cả mặt, thất lạc nhưng tìm lại được, đang chờ ta bao chục năm nay đằng sau cái rương đồ cũ trong kho, không thể nào lên tiếng gọi ta – và bây giờ rốt cuộc ta đã được đoàn tụ.
Tôi mang gấu về căn hộ mới với tôi. Ở đó mọi thứ đều mới mẻ đến xấc xược – có nghĩa là, lạ lẫm và khác biệt. Nơi này đầy các thứ mua ở những tiệm bán đồ xưa cũ, các thứ trước đây thuộc về người khác và chúng vẫn chưa thích nghi với môi trường mới. Tôi cố hết sức xoa dịu vẻ xa lạ của những chiếc kệ hộc, tủ ngăn bằng mớ đồ trang trí linh tinh và đồ vải vóc của mẹ tôi. Tôi đặt con gấu trên giường, không biết phải làm gì với nó nữa.
Đêm ấy, tôi ngủ một tay ôm nó; nó yếu ớt đáp lại vòng ôm của tôi bằng cái chân độc nhất. Đêm ấy đang mùa hè vùng cực nên vẫn sáng, trời cứ mãi chạng vạng nhờ nhờ, không hề có giấc ngủ, chỉ có lòng mong được ngủ. Con gấu có mùi bụi, bụi bặm và già nua, thân hao gầy, mười năm, trăm năm, nghìn năm. Mở mắt trong ánh lờ mờ như chìm dưới làn nước của đêm trắng đục, tôi vẫn thấy được những sợi chỉ đen lòng thòng trên hố mắt nhỏ đáng thương của nó. Tôi vuốt ve cái đầu bằng gỗ của gấu; cái đầu đầy sẹo. Tôi mân mê hai tai gấu.
Không, tôi nghĩ, điều này không thể tiếp diễn. Có một truyện ngắn của William Faulkner tựa đề là “Bông hồng cho Emily”. Truyện kể về một người đàn bà đầu độc tình nhân để không cho chàng ta lìa xa mình, và về sau người đó tự giam mình trong nhà nhất quyết không chịu rời bước suốt bốn mươi năm cho đến khi bà ấy qua đời. Sau đám tang bà, người ta tìm thấy một cái xác đàn ông mục rữa mặc chiếc áo ngủ mục rữa nằm nghiêng trên giường như thể đang ôm choàng ai, và cạnh ông ta, trên chiếc gối có hằn dấu lõm một mái đầu đã nằm lên, có một sợi tóc dài duy nhất màu xám bạc.
Sáng ra tôi lên đường đi Moscow. Và khi tôi quay về, một tháng sau, con gấu đã biến mất. Nó không ở trên giường, hay dưới giường; nó không hề nằm trong bất kỳ ngăn tủ nào, hay trong ngách hầm bắt đường ống dưới sàn nhà. Không tìm thấy nó ở đâu cả. Biệt tăm.
– Trần Đức Tài chuyển ngữ
No comments:
Post a Comment