Pages

218 - Tran Thi NgH

218 là ba chữ số màu đen đính cạnh một cửa ra vào màu đỏ bằng kim loại nặng chịch có hai cánh nhưng chỉ mở được một bên. Sẽ nghe tiếng “tách” sau khi bấm mã số 75b48. Hành lang tối om nếu không bật đèn dù ban ngày. Mò mẫm 3 thước sẽ chạm cửa kính ngăn hành lang với cầu thang gỗ lâu đời đã lên nước bóng, từng nấc kẽo kẹt dẫn lên các tầng, mỗi tầng cách nhau 18 nấc, tõe đôi cho hai căn hộ hai bên phải, trái, với thảm chùi chân khác nhau tại mỗi ngạch cửa. Vì các tầng không được đánh số, gằm đầu hì hục leo lầu rất dễ lơ đãng không nhận ra mình đang ở tầng thứ mấy, nếu không căn cứ vào dấu vết riêng của từng tấm thảm chùi chân. Hôm nào chủ nhà thay thảm, rất có nguy cơ đi lạc.
Lên đến tầng 5 đếm đúng 90 nấc. Mở khóa trên 2 vòng, khóa dưới 2 vòng, khóa giữa 2 vòng, ghìm chìa khóa ở ổ giữa, túm lấy tay nắm, rịt cửa vào người để nẩy cái khấc. Thế là vào được bên trong chuồng gà công nghiệp 35 mét vuông, gặp liền bên phải nhà tắm chung với nhà vệ sinh, bên trái là phòng ngủ. Đứng chàng ràng giữa nhà tắm và phòng ngủ quét mắt 180 độ sẽ thấy phòng khách bên trái chung vách với phòng ngủ, nhà bếp bên phải khít nhà tắm. Tìm một chỗ gần nhất để ngồi xuống thở, thả ngược các nấc thang xuống tầng trệt. Của thiên trả địa. Từ thiên đàng, nhoài người ra cửa sổ sẽ thấy địa ngục trần gian cách 90 nấc trèo lên trèo xuống tùy nghi.
Tùy nghi nhưng phải có kế hoạch. Không nên lôi thôi quên cái nọ sót cái kia mỗi khi rời nhà. Khi đã chạm cõi trần rồi mà đổ đường trèo ngược lên cõi trên chỉ để lấy cái giỏ đi chợ hay cái thẻ đi xe công cộng thì thôi thà nằm lăn ra đớp không khí mà sống.
Ở con đường này ai cũng có thể sống hùng sống mạnh nếu có tiền. Không cần nhiều, vài đồng một món đã đủ bữa. Gà rô-ti 8 đồng rưỡi một con thừa mứa cho 4-5 người ăn nhin nhín, tùy nhu cầu có thể chỉ cần chọn vỏn vẹn 2 đùi be bé giá hai đồng ba mươi xu, khoai tây nướng 6 đồng một ký, với 300 gờ-ram đã mắc nghẹn lòi họng, siêu thị City bán thịt gà tây một miếng mỏng te đủ nấu canh hay xào rau quả, chỉ với giá một đồng tám mươi xu, hương vị không khác chi thịt gà ta. Ngoài ra thì phó-mát, pizza, bánh mì kẹp thịt, bánh ngọt, trái cây, nhà hàng Tàu, Ả-Rập, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha…cứ loạn cả lên. Ngó trước ngó sau đều thấy có cái để nhá, không phải cất bước đi đâu xa nếu chịu khó vừa xách nặng vừa hít vào thở ra cho đều trong hành trình lên tiên cảnh.
Vậy mà đùng một cái, không có dấu hiệu báo trước, hai khớp gối bỗng sụm bà chè, kỳ lạ là vào một ngày thời tiết cực lý tưởng, ra ngoài không phải quấn khăn mang vớ trùm áo khoác. Sụm đúng ngay cánh cửa đỏ có số 218, phải gọi là hên, sau khi tay xách nách mang từ siêu thị về. Truy nguyên nguồn gốc không rõ bà chè là bà nào, nhưng bà già 70 đã hết đường sống. Có một ông vai u thịt bắp tình cờ đi ngang đã tử tế bấm hộ mã số rồi đẩy cửa kê vai cho bấu lên đến tầng 5.
Từ phòng ngủ, để lê 6 bước vào nhà vệ sinh phải dùng cả hai tay nâng chân phải lên cao vài mi-li-mét đặt nhích 10 phân về phía trước, xong lập lại thao tác đó với chân trái, lưng khòm khòm, đầu lắc lắc theo nhịp khắc khoải của Khúc Định Mệnh số 5. Sol sol sol mì, fa fa fa rề… Có hôm cái-tồn-tại-trong-bụng đã không thể chờ. Trong điều kiện di dịch nhiêu khê, tự dọn sạch xú uế trên sàn gỗ đòi hỏi một nỗ lực chết người.
Thôi thì chết cho rồi chứ sống sao nổi, bà già 70 nào có trí óc còn minh mẫn mà lại không nghĩ như thế? Trần gian dưới kia vẫn luôn khi nhộn nhịp. Từ trên nhìn xuống thấy rần rần ông đi qua bà đi lại bước chân nhịp nhàng không vướng khớp, xe cộ xẹt tới xẹt lui tràn trề sức sống mãnh liệt.
Không thể vì tiếc của đến mức chờ thanh toán xong mớ thực phẩm tồn kho rồi mới nghĩ tới việc tự xử. Gẫm mà xem, rõ ràng đã sống đủ nếu không nói vượt xa định mức đến cả chục năm. Phải tính sao cho không ai có thể nhân danh tổ chức, đoàn thể, xã hội, an sinh hay thiện nguyện xía vô cuộc đời bấy lâu nay do chính mình làm chủ. Lòng tự trọng đâu mà phải vô nhà già sống theo bầy đàn với các cụ ông cụ bà cùng cảnh ngộ? Sĩ diện đâu mà kêu cứu nơi lũ con cháu ích kỷ vô ơn? Lòng kiêu ngạo đâu mà không rơi tự do xuống dưới kia, nơi mọi người vẫn sẽ hàng ngày an nhiên bước tới bước lui? Có đường tắt đi từ thiên đàng xuống địa ngục đó, chớ quên! Nhưng liệu mà xoay sở để có thể nhấc chân lên khỏi chiều cao 7 tấc của cái ban-công.
Chuông cửa hư đột ngột kêu rẹt rẹt vào cái giờ ai cũng hối hả về nhà sau một ngày làm việc. Có người biết mã số hoặc bằng cách chi đó đã lọt qua cửa chính, tự ý lên thẳng tầng năm. Lưng quá khòm, khớp quá khô để có thể rướn lên ngó qua lỗ kính tròn nhỏ xíu lắp trên cửa ra vào, tuy cách mặt đất chỉ một mét rưỡi.
Bà già lấy hơi cất giọng rè rè:
– Ai?
Giọng nam trầm đục ồm ồm thấm qua lớp cửa gỗ:
– Tôi.
– Tôi nào?
– Tôi là người giúp cụ leo lầu ngày hôm kia.
– A…a….
Người bước vào cửa tuổi khoảng ba tám, bốn mươi, vóc dáng tầm thước rắn rỏi, vai u thịt bắp chỉ là một cách nói; so với cái hôm đưa vai cho bà già mượn thì trông nho nhã hơn nhiều. Tóc tai hơi bờm xờm nhưng các đường nét trên mặt là một kết hợp nhịp nhàng thanh tú với phong sương tạo nên một thần thái gợi cảm đủ gây tò mò. Không phải trang phục của nhân viên hành chính, cũng không phải kiểu ăn mặc tàng tàng quai quái của một nghệ sĩ. Nhân vật này tự xóa nhòa trong đám đông nhưng rồi một ai đó có thể bỗng cảm thấy toàn thân bị dòng điện 5mA giật nhẹ khi sóng từ trường dưng không xô ngã nhào vô tia nhìn trực diện xoáy trôn ốc, nó đâm trúng phóc chỗ có trái tim.
Phòng khách mười hai mét vuông bày biện gọn, kệ sách chiếm trọn hai mặt tường. Có mùi gỗ trầm từ bộ sưu tập nến thơm bày lủ khủ trên bệ lò sưởi. Gần đó, dăm chậu xương rồng be bé, và một cây yucca mua ở Truffaut đã chết khô. Vừa được mời ngồi, không đợi bà già thắc mắc, ông ta liền nói:
– Tôi nhặt được cái ví của cụ ở chân cầu thang trên đường đi xuống, nhưng rồi … sinh lòng tà giữ nó hai ngày.
Bà già nín thinh đánh giá tình hình, tự dưng đưa mắt vu vơ ra cửa sổ để tránh tia nhìn xoáy trôn ốc của người đối diện. Ngoài đó có một cây phong đang ngã sắc thu. Người đàn ông, thay vì trả ngay cái ví cho sở hữu chủ, không biết làm gì trong quãng lặng bất ngờ nên cứ ngồi ngây người, mười ngón tay đan khít nhau, kẹp giữa hai đùi.
Cuối cùng, xoay người nghiêng nghiêng, bà già hỏi:
– Vậy lòng tà hôm nay ra sao?
– Vẫn tà. Tôi đã tiêu sạch mấy chục bạc lẻ. Căn cước và các loại thẻ cùng vài tấm ảnh vẫn còn y nguyên đây, kính cụ.
Ông ta mở dây kéo túi đeo lưng, móc ra cái ví trân trọng đưa trả bằng cả hai tay, xong nói tiếp:
– Tôi biết cụ là ai.
Bà già ngửa người tựa hẳn vào lưng ghế, thở hắt một cái như trút hơi lìa đời:
– Là ai?
Làm như đấu tay đôi, hai người nghiêm nghị nhìn trực diện một lúc rồi cùng phì cười. Người đàn ông chần chừ vài giây trước khi mở lời:
– Hmmm…Tôi đọc của cụ cũng nhiều, không ngờ duyên đưa đẩy cho gặp được tác giả.
– Nhân vật thường già đi theo tuổi của người sáng tác, trẻ như cậu mà cũng đọc truyện về các ông bà lẩm cẩm ở viện dưỡng lão?
– Tôi thấy cụ đâu có viết về tuổi già mà về cách một người già nhìn những người trẻ; các vấn đề cụ nêu lên cũng…trẻ. Cụ giống Miss Marple của Agatha Christie ở cái khoản …rình mò, soi mói, bóc tách. Rất nhiều ngóc ngách đã được moi ra một cách tàn nhẫn không chút khoan nhượng, tuy nhiên…khác với Jane Marple, cụ hài hước hơn nhiều….và không hề có ác tâm đưa ai vào vòng lao lý.
Bà già cười tủm tỉm:
– Tôi đã từng là một người viết trẻ moi móc những phần tối tăm của các vị cao niên. Với những người cùng thế hệ, tôi cố tình tránh phanh phui do ngại đụng chạm đến…chính tôi.
– A….tôi nhớ có gặp đâu đó một câu na ná….”tôi viết như tự cởi trói, đồng thời sợ cuộc đào tẩu bị bắt quả tang, với tôi – chứng cớ hết chối cãi”.
– Thì của tôi chứ ai! Cậu đọc tiểu thuyết mà còn bày đặt học thuộc lòng chi vậy? Vất vả quá!
– Tự nhiên nó đậu lại rồi đọng lại, không riêng gì tác phẩm của cụ. Tôi hay bị ám bởi quan điểm của người khác. Những cuộc tình ngất ngư, tàn bạo trong truyện của cụ đã từng làm khó tôi. Nó biến tôi thành một kẻ đa nhân cách, thỉnh thoảng lại đứng phắt dậy ngó mình đang nằm.
– Trời đất! Giờ cậu sẵn dịp bắt đền tôi?
– Trái lại, tôi rất nên cảm ơn cụ đã nhắc nhở: …lãng mạn là một phẩm chất nhưng không phải lúc nào cũng móc trái tim ra cắm lên đầu, nhìn ngắm cái tôi nhưng phải canh chừng đừng để nó phình ra thành một đống thù lù, và thỉnh thoảng thì nên ngồi dựa lưng vào cuộc đời để nghỉ mệt….
– Chết dở! Cơ mà…tôi không hề nhận ra bấy lâu này mình nhân danh viết lách để rao giảng. Chứ còn quan điểm của cậu đâu?
– Quan điểm của tôi là…đến đây trả lại cái ví, ngó xem hai cái chân của cụ ra sao, tò mò một tí về mấy tấm ảnh cụ ép trong đó, thắc mắc tự hỏi sao cụ sống lủi thủi không người giúp đỡ; và với tư cách độc giả, mạo muội hỏi thăm cụ có còn đủ sức khỏe và cảm hứng để sáng tác…vì lâu rồi sau Trầm Tích do Ngưỡng Cửa xuất bản, không thấy có thêm quyển nào mới. Ngoài ra thì… thú thật là lúc nãy tôi đã nói đùa về vụ mấy chục bạc lẻ. Lẽ ra tôi đã tiêu sạch và không trở lại đây.
Ngó tay này không phải kẻ gian. Bất cứ ai cũng sẽ mở cửa tiếp đón vui vẻ cái người đã kê vai cho mình bấu lên 90 nấc thang. Nhưng mà gì thì gì cũng nên có chừng mực của nó. Để yên thân, phải quyết tâm giới hạn việc thiết lập các mối quan hệ. Tung hứng qua lại giữa người viết và người đọc kiểu này biết đến bao giờ kết thúc. Thật nguy hiểm. Tiểu thuyết chỉ là cái bóng của sự thật, dây dưa một hồi coi chừng sự thật sẽ biến thành ảnh ảo và ngược lại. Chẳng lẽ tác giả, đến một lúc, bỗng nghẹn ngào tức tưởi thổ lộ với độc giả… ư mà ….tôi viết một đường nhưng làm một nẻo… Chiều sẫm rồi. Đỉnh cây phong ngoài kia đã co lại thành một hình thù quái dị in đậm nét trên nền trời đục. Bà già đứng dậy, lịch kịch lê bước đến góc phòng bật công-tắc điện. Ánh đèn vàng 200W quét đều lên từng chi tiết của căn phòng y như ống kính camera vừa lia sang một phân cảnh khác. Không trở lại chỗ ngồi, bà già từ tốn:
– Thật quí hóa. Vô cùng biết ơn cậu đã có nhã ý ghé thăm và còn trả lại cái ví. Các khớp chân già như ốc vít khô dầu. Thằng con trời đánh của tôi lấy nhằm ác phụ; vợ chồng nó với ba đứa con đã dọn nhà sang Anh sinh sống. Ảnh mấy đứa nhỏ chụp cách đây năm năm, giờ hẳn chúng đã lớn phổng phao. Sống một mình làm được nhiều việc riêng hơn sống bầy. Sức khỏe tất nhiên ảnh hưởng đến cảm hứng sáng tác, nhưng tôi sẽ viết lại câu chuyện này. Nhân tiện cậu làm ơn bê giùm cái ghế cậu đang ngồi đến đặt cạnh cửa sổ, chỗ bước ra ban-công đó. Rồi. Cám ơn.


clip_image004

Trần Thị NgH
Gambetta, 08.2017

(Theo Da Mau)

No comments:

Post a Comment