Cảnh sát da trắng, thằng nhỏ quay phim da trắng, con nhỏ và đám thanh niên kia da đen. Cư dân trong khu phố 70% là da trắng, khách không mời mà đến ngày hôm đó khoảng 100 người đại đa số da đen, mang theo ngoài màu da của mình, là những tiếng nhạc ầm ĩ, tiếng cãi vã ầm ĩ, tiếng chửi thề ầm ĩ. Da trắng đang vẫy vùng trong hồ bơi đột nhiên thấy lãnh thổ bị xâm lăng ồ ạt bởi một số lượng người khác màu da đáng nể nên nổi khí xung thiên, chỉ mặt văng ra “Cút về xóm nhà lá của chúng mày đi!” Sai be bét và rất bậy bạ cho nên mới thành chuyện. Chửi bậy trước rồi đến vũ lực sau. Màn hạ cẳng tay thượng cẳng chân bắt đầu. Đám thanh niên da đen phía ngoài cổng đang đôi co với bảo vệ liền leo phắt qua hàng rào nhảy vào đánh hôi. Bảo vệ tức tốc gọi cảnh sát. Mười hai ông tới liền. Trong số này tôi không biết có ông nào da đen không, nhưng cái ông đè cổ con nhỏ hỗn hào xuống đất lại là màu trắng.
Trắng đen loạn đả, võ tay chân có, võ mồm có. Đoạn video được tung lên youtube khuấy động dân cư miền Bắc Texas, cộng thêm đám media xúm vào mổ xẻ dưới đủ mọi cái nhìn, đủ mọi góc cạnh. Kỳ thị chủng tộc nổ ra. Như lần nào ở Ferguson, Missouri, như lần nào ở Baltimore, Maryland, ở New York, ở Los Angeles, ở Detroit…Mọi mũi dùi chĩa vào hai điều chính yếu, thứ nhất, màu da, thứ nhì, cảnh sát bạo lực.
Tôi không nói đến chuyện cảnh sát dùng sức mạnh vô tội vạ vì ngoài tầm hiểu biết của mình và chưa có thì giờ tìm hiểu kỹ càng. Chuyện ai đúng ai sai trong cuộc hỗn chiến ở trên, thiên hạ bàn loạn. Da đen và ủng hộ da đen xuống đường, mang khẩu hiệu “Màu da của chúng tôi không phải là tội phạm!” Da trắng kẻ khẩu hiệu dựng bên cạnh hồ bơi “Cảnh sát, ông đã làm đúng. Chúng tôi cám ơn ông”. Kẻ chống người bênh, phần chờ luật pháp ra tay phán quyết như tôi cũng không thiếu.
Tôi không ngả về bên nào, vì xét cho cùng,
tôi không trắng cũng chẳng đen, mà là màu vàng.
“Trái đất này là của chúng mình Vàng trắng đen tuy khác màu da
Bạn yêu ơi, chúng ta là hoa quý
Đầy hương thơm nắng tô màu tươi thắm
Màu hoa nào - Cũng quý cũng thơm!
Màu da nào - Cũng quý cũng thơm!”
Lời bài hát năm nào tôi lải nhải mỗi khi có
kỳ họp thiếu nhi quàng khăn đỏ, vẫn còn lảng vảng trong đám ký ức một thời khó
quên. Nhưng tất nhiên mọi sự đâu có dễ dàng và lý tưởng như thế. Nếu vậy đã
không có những cuộn khói đen ngùn ngụt từ các cửa tiệm không may nằm giữa cơn
cuồng nộ, xe hơi không tự bốc cháy vì vô tình đậu trên con đường tuần hành. Bạo
động hẳn không nổ ra, cảnh sát chẳng phải vũ trang tận răng, lăm lăm vũ khí, da
đen đi biểu tình không cần dùng đá, chai ném thẳng vào đầu cảnh sát cho bõ tức.
Thiên hạ chứng kiến màn bạo động trên tivi, facebook, không khỏi ngậm ngùi “Ôi,
kỳ thị chủng tộc!”. Khi các vụ bạo động sắc màu nổ ra liên tiếp, tôi chợt nghĩ
phải chăng tổng thống nước Mỹ có màu da khác với các vị tiền nhiệm của ông nên
“nước đục thả câu”? Tôi biết chắc một điều, ông Obama ngồi ở Nhà Trắng chẳng
thoải mái gì khi thấy đám thanh niên da đen bình tĩnh châm lửa đốt tiệm, thản
nhiên đập bể cửa đi hôi của, vác đồ ăn cắp đi đầy đường, miệng cười nham nhở như
đang ở chốn không người, như đang ở một thành phố vô chính phủ. Tôi ủng hộ chuyện
mọi người xuống đường vì cảnh sát mạnh tay, tôi ủng hộ mọi người có quyền nói
lên chính nghĩa của mình, nhưng tôi cực lực chống màn tiện thể xuống đường
chúng tôi đi cướp bóc, đập phá. Nó làm cho cuộc tuần hành mất chính nghĩa, người
ngoài nhìn vào chỉ thấy rặt một lũ đầu trộm đuôi cướp, hơn là hình ảnh những
người đi tìm công lý cho mình.
Bạn sẽ hỏi tôi, có kỳ thị màu da hay không
trên xứ sở được gọi là hợp chủng quốc, nhiều màu da nhất thế giới này. Tôi sẽ
không ngần ngừ mà trả lời, có đấy. Đừng tưởng ai cũng là thiên thần, giang đôi cánh
sống chung hòa bình với người hàng xóm có màu da hơi khác với mình. Những người
thuộc loại “hàng độc” này đã được gọi tên là “Red Neck”. Họ không chỉ kỳ thị
màu da, họ còn kỳ thị đủ mọi thứ khác nữa, kỳ thị tất cả những gì họ cho là
không giống mình. Chẳng hạn một tên Cổ Đỏ ở New York sẽ không thích làm bạn với
một mạng sinh trưởng ở Texas, chê Texas dân chăn bò, kém hiểu biết, không văn
hóa, mặc dù chẳng biết cái tên cao bồi Texas đó làm giống gì, có con bò, con ngựa
nào cột đầu giường không, hay cũng chỉ là một tên thợ cạo văn phòng, sáng vác ô
đi tối vác về như hắn. Nếu bạn đã từng đọc “Cuốn theo chiều gió” thì hẳn phải
biết đảng KKK, Klu Klux Klan, đội mũ chóp che kín mặt, lòi hai con mắt đen
ngòm, mặc áo choàng trắng và chuyên treo cổ dân da đen lên cành cây, đốt nhà cửa,
bắn chết vợ con họ vô tội vạ vào những năm sau nội chiến. Đảng KKK này vẫn còn
hoạt động lén lút ở Mỹ chứ không phải đã bị khai trừ mất tăm mất tích. Còn hơn
thế nữa, mục tiêu của họ được mở rộng
ra, nạn nhân của họ bây giờ là những người “da không phải màu trắng”.
Nhưng bạn phải hỏi tôi thêm nữa là, có thật
là dân Mỹ ghét người không cùng màu da với họ không. Tôi sẽ không ngần ngại trả
lời, không. Theo thống kê, dân thuần một màu da trắng ở Mỹ chỉ chiếm 77.7% mà
thôi. Phần còn lại chia cho dân Châu Mỹ La Tinh, 17.1%. Đừng quên dân Á Đông tóc
đen hay tóc đen đã được nhuộm nâu vàng, mắt xếch, mắt một mí, mắt lá dăm, nhỏ
con nhưng nhanh như cắt, chiếm 4.4%. Riêng dân Mỹ gốc da đen, chiếm 13%. Tưởng
tượng xem, nếu bạn là người da trắng, làm sao ra đường mà không nhìn thấy bất kỳ
một màu da nào khác màu da của chính mình? Làm sao bạn có thể không chung sống
vui vẻ với một ông hàng xóm phía tay phải gốc Mễ, mỗi khi bạn vắng nhà lâu, ông
ấy tự động mở cửa sau, đem thùng rác ra đổ cho bạn. Hay ông hàng xóm bên tay
trái, Mỹ trắng trăm phần trăm, đã về hưu và là cái security camera tự động. Khi
nào cửa garage mở toác, quên đóng khi bạn vắng nhà, ông ấy sẽ điện thoại cho bạn
báo liền, bạn chỉ việc nói, ông làm ơn đóng giùm thì bạn yên chí ông ấy sẽ đóng
cửa lại rất cẩn thận cho bạn. Hoặc khi dẫn chó ra park, làm sao bạn làm lơ một
ông da đen răng trắng xóa từ đàng xa đã cười toe với bạn? Đôi khi bạn gặp một
lão da trắng cực kỳ khó chịu, một bà chằn da màu hung hãn, nhưng chẳng vì vậy
mà ông ấy hay bà ấy làm cho một ngày vui vẻ của bạn mất toi. Vì bạn hãy nhìn ra
chung quanh, còn khối người tử tế đấy kìa.
Màu da, xét cho cùng, chỉ là lớp vỏ bên
ngoài. Cái bên trong của bạn khẳng định tính cách của bạn. Cách sống của bạn,
tri thức của bạn, tầm nhìn của bạn, ước mơ của bạn, nó sẽ đánh bật tất cả mọi
nghi ngờ về câu hỏi da bạn màu gì.Khi bạn cho rằng mình đang bị kỳ thị, tôi lại
nghĩ, bạn đang mất tự tin vào chính bản thân bạn. Bạn có thể đang hoang mang
khi hội nhập vào một nền văn hóa lạ lẫm, một ngôn ngữ lạ lẫm, một môi trường sống
lạ lẫm, rồi tự ái của bạn trở nên rất dễ bị tổn thương. Khi đó lá bài “kỳ thị”
trở thành lá chắn cho bạn nấp kỹ đàng sau để tìm cho mình mọi biện minh.
Dân da vàng Việt Nam chúng ta sau năm 1975,
đã sang đây theo đủ mọi ngả. Từ vượt biên, được gọi là “boat people” với những
câu chuyện nát lòng trong hành trình tìm tự do, đi bảo lãnh, đi bán chính thức,
sau này theo diện HO, diện đoàn tụ, diện vợ chồng, đi du học ở lại, đi du lịch
rồi quyết định nhận nơi này làm quê hương. Đủ kiểu. Chúng ta làm đủ mọi ngành
nghề để sống còn, để nuôi con cái, để hoàn thiện ước mơ của mình. Nếu bạn bảo Mỹ
kỳ thị da vàng, thì xin mời ghé mắt nhìn vào các trường trung tiểu học của Mỹ,
các trường đại học của Mỹ. Cuối năm ra trường, các em Việt Nam tiếng Việt lúng
búng, tiếng Mỹ như gió, đại diện toàn trường lên đọc diễn văn kết thúc 12 năm
đèn sách. Bố mẹ rưng rưng nước mắt cảm động, bõ công còng lưng trên những móng
tay, móng chân, bõ công mờ mắt trên những mạch điện gắn chip cho cell phone, bõ
công đi làm hùng hục đêm ngày để đặt ước mơ của mình vào con cái. Con số này
khá nhiều, để cho riêng khu học chánh của nhà tôi quyết định không phân biệt học
sinh tốt nghiệp với điểm số nằm trong “top” 10% với phần còn lại khi chia chỗ
ngồi trong lễ bế giảng. Nếu chia chỗ ngồi theo điểm số học tập, bạn sẽ thấy
ngay họ Nguyễn, họ Phạm, họ Trần, họ Lê ngồi chật các hàng ghế phía trước, khoảng
giữa sẽ là màu da trắng tóc vàng tóc nâu, rồi da đen sẽ phải ôm những dãy ghế
sau cùng. Khi quyết định để các em ngồi theo thứ tự họ tên, nhà trường đã vô
hình chung không đối xử phân biệt màu da của bất kỳ học sinh nào rồi. Ngưỡng cửa
đại học có khó khăn với da vàng một tí. Bởi vì đại học là chia tay với những
ngày tháng cặm cụi học vẹt, nếu chịu khó ngồi mòn ghế rốt cuộc sẽ có con A. Ở
đây, các em phải học một cách thông minh hơn mới mong thành công. Tóc đen chúng
ta vẫn lẫy lừng nhưng không bằng khi ở trung học. Da trắng vượt trội lên với bản
tính tự học, tự tìm hiểu, cách học thông minh hơn, không sợ thử thách, chấp nhận
rủi ro, và không từ bỏ ước mơ của chính mình. Da vàng mang nặng ước mơ của bố mẹ,
đôi khi đi học những ngành nghề mà bố mẹ thích, không phải con thích, thành thử
cũng cặm cụi đến lớp đến trường, nhưng lòng không vui. Riêng da đen sau 12 năm
phổ thông, phần lớn tuyên bố, con mệt lắm, con cần phải nghỉ học ít nhất một
năm để dưỡng sức và để suy nghĩ xem con tính làm gì tiếp theo cho đời mình. Điều đáng buồn là tỉ lệ dân da đen học tiếp lên cao không nhiều. Tôi biết khi nộp đơn vào đại học, màu da cũng là một phần để khai báo. Nếu màu da bạn không phải là trắng, bạn sẽ được xếp vào hạng “dân tộc thiểu số” và được thêm vài điểm đặc cách nhận vào trường. Vừa dân tộc thiểu số vừa nhà nghèo vừa học giỏi, bạn sẽ được học đại học miễn phí, được bao luôn tiền ăn ở, ra trường không lo đi làm trả nợ. Và nếu khéo “nằm co ấm cật”, bạn còn dư tiền gởi về nhà cho cha mẹ đi shopping nữa kìa. Chừng đó điều kiện, tôi nhận thấy dân da đen dư sức có đủ, nhưng không hiểu tại sao họ tắc tị trước ngưỡng cửa các đại học. Đại đa số nếu có vào được nơi này, thường theo ngả chơi thể thao hơn là lối vào bằng điểm thi SAT, bằng thứ hạng học tập. Họ là các cầu thủ bóng chày, bóng rổ, bóng đá, bóng bầu dục xuất sắc nhận được học bổng, vừa học vừa chơi cho các đội của trường đại học. Để rồi khi các cơn bão sắc tộc bùng ra, phần lớn thanh niên tràn ra đường là những người không công ăn việc làm, thất nghiệp dài hạn, tỉ lệ đói nghèo khá cao khiến các cuộc biểu tình mang nặng thêm màu sắc phân biệt nhà giàu nhà nghèo. Như vụ ở Baltimore, dân biểu tình đổ hô chính phủ đã không làm gì để cho đời sống của họ khấm khá hơn. Xem tivi, khi thấy một người đàn bà da đen xỉa xói vào đám phóng viên, bảo “Con tôi không được ăn học, làm lớn như các người”, tôi tự nhủ, con bà không chịu học hay không được học? Đó là một câu hỏi dành cho các bậc cha mẹ trước khi kết tội xã hội bất công. Hãy nhìn các bậc phụ huynh người Việt chúng ta xem. Đố có đứa con nào dám trốn học nằm nhà chơi bắn game từ sáng chí tối! Nhiều đứa đi học về than thở “Bạn con được điểm C, thoát nạn thi lại môn toán, bố mẹ nó dẫn nó đi nhà hàng ăn mừng. Con mang về con B, Ba phạt không cho con vào internet một tuần, còn Mẹ thì chửi con một trận!” Đôi khi tôi thấy mình cũng chơi hơi ép khi đặt tiêu chuẩn cho các con quá cao. Nhưng tâm niệm cây muốn uốn thẳng phải uốn khi còn non được rèn giũa từ Ba Má tôi, thế cho nên, tôi làm lơ những câu than thở ỉ ôi đó đi và tiếp tục theo sau các ông con, hỏi điểm A đâu, mẹ biết con dư sức làm được, nếu con bớt lười và chịu khó một tí. Và nhất là nếu có chuyện gì xảy ra, con không thể đổ vấy vào xã hội là đã chẳng cho con một cơ hội.
Thần làng của Havasupai Tribe |
Năm 2013 làm một chuyến đi Grand Canyon,
Arizona. Chúng tôi đi bộ xuống chân hẻm núi, ngang qua bộ lạc da đỏ Havasupai để
đến ngọn thác Havasupai xanh biếc lừng danh. Nói tới nước Mỹ, không thể bỏ qua những
người đã từng ở đây trước khi đất nước này dùng tiếng Anh là ngôn ngữ chính. Một
buổi dành ra để đến thăm bộ lạc. Đầu tiên hết chúng tôi ghé vào ngôi trường được
xây cất khá đẹp. Hôm đó trường học hơi náo loạn một tí vì có một em học sinh trốn
học, bỏ đi chơi đâu đó, cả cô giáo và hiệu trưởng cộng thêm bố mẹ, họ hàng túa
đi khắp ngả lùng cho ra “em học trò sách vở chẳng cầm tay”. Sau đó chúng tôi xin
gặp ông tù trưởng. Đừng tưởng bạn sẽ được gặp một ông tù trưởng quấn khố đầu đội
mũ lông gà. Ông tù trưởng này áo sơ mi dắt trong quần tây, điện thoại dắt tay,
bận rộn vô cùng. Than thở với chúng tôi rằng chúng nó, khoát tay chỉ đám lương dân
của ông đang gà gật ngồi ngủ trên những bậc thềm nhà, hay nhẩn nha đứng ngồi dưới
bóng cây trong sân, không chịu học hành gì cả. Bộ lạc có ngân quỹ dành riêng
cho những ai muốn đi học đại học, sẽ được đài thọ từ A đến Z, chẳng phải lo điền
đơn xin mượn tiền học, nhưng chẳng ma nào muốn ra khỏi cái làng này. Thi thoảng
có một đứa chịu đi, nhưng học xong nó không về lại làng, coi như bỏ, nuôi ong
tay áo! Con tôi năm ấy vào đại học, sáng mắt lên, hay con nhận làm con nuôi của
ông tù trưởng nhé, con sẽ được đi học không tốn tiền! Dân trong bộ lạc được trợ
cấp trăm phần trăm, từ lương thực được chở xuống bằng trực thăng, bằng lừa ngựa,
cho đến cả phương tiện đi lại.Ngoài chuyện cưỡi ngựa chạy phom phom trên con đường
hiking của chúng tôi để mang thư từ, trực thăng lên xuống đều đặn hai ba lần một
ngày chở các bà vợ đi shopping, các ông chức sắc trong làng đi họp, dân làng cần
đến nhà thương, vân vân. Với tất cả những điều chính mắt tôi thấy trong cái bộ
lạc này, tôi chỉ có thể nói, cả làng đều làm biếng như hủi, chẳng chịu động tay
động chân, con đường chính qua làng đầy rác không chịu quét, cây cầu bắc qua
con suối cạn chỉ cần thay một tấm ván mà ba ông da đỏ làm cả tuần không xong, họ
còn không muốn động óc nhét chữ vào đầu, chỉ ỉ lại vào mớ tiền trợ cấp vô thời
hạn của chính phủ.Thế cho nên, một ngày nào đó nếu bộ lạc Havasupai có đi biểu
tình, giăng biểu ngữ bảo nước Mỹ phân biệt chủng tộc, tôi biết tôi sẽ ngả về
phe nào.
Cách đây mấy năm xảy ra một vụ một em sinh
viên du học từ Việt Nam sang học ở bên Cali. Em này bị cảnh sát ập vào còng tay
bắt đi vì lấy con dao chỉ vào bạn cùng phòng, bảo, coi chừng tao cắt mày bây giờ!
Đối với Việt Nam mình có thể là chỉ đùa chơi, nhưng đối với thằng bạn da trắng
bóc, tóc vàng hoe, không quen cảnh dao chĩa vào mình, nó hoảng lên gọi cảnh sát
báo nguy. Dân Việt cả hai bên bờ biển vội vàng hô hoán cảnh sát Mỹ kỳ thị người
Việt! Riêng tôi thấy mọi sự là vì em sinh viên này còn lạ nước lạ cái, không
quen phong tục xứ người, chớ có mà đùa giỡn người khác với một con dao trong
tay. Cảnh sát ập vào em còn cầm con dao, bảo bỏ dao xuống, em ngơ ngác chưa kịp
hiểu, nhắc lại hai ba lần em vẫn không có phản ứng, thế là bị quật xuống đất,
còng ngược tay dắt thẳng vào nhà tù. Tôi nghĩ có thể em tự nhủ em không có lỗi,
tại sao phải bỏ dao, em không làm gì hại ai tại sao phải nằm xuống đất cho cảnh
sát khám xét, và thật sự, em có hiểu hết những điều cảnh sát quát với em không.
Vì thế đây cũng là một lời cảnh báo cho những ai có ý định cho con mình đi du học,
bất cứ nơi đâu, bất cứ nơi nào: ngoài chuyện học ngôn ngữ, hãy dạy cho con mình
tìm hiểu tập quán, phong tục nơi con mình sẽ đến ở trong một thời gian dài. Chỉ
để cho chúng khỏi lâm vào cảnh dở khóc dở cười và thấy tự tin hơn trong môi trường
xa lạ.
Xin thôi hãy đổ hô cho màu da của mình, hãy
nhìn xem mình sống như thế nào để cho cả xã hội này phải kính trọng mình, cho
dù mình ở bất kỳ đâu, trên trái đất này. Tôi đã gởi thông điệp đó cho các con
tôi, và tôi cũng muốn gởi thông điệp này cho tất cả mọi người khác trên khắp nước
Mỹ, nhất là đám thanh thiếu niên tuổi trẻ bồng bột. Cơ hội trước mắt của mỗi
người là bằng nhau ở đất nước tự do này. Hãy nắm lấy nó để làm chìa khóa mở cánh
cửa đưa chúng ta đến một tầm nhìn cao hơn, nhân ái hơn, hòa hợp hơn và bao dung
hơn.
Và rồi trái đất này sẽ là của tất cả mọi
người, không phân biệt màu sắc của da dẻ, của mái tóc hay của màu mắt.
Lan Hương Fort Worth 06/12/2015
thế giới có nhiều màu da nhưng có chung một tình người
ReplyDeleteBài viết rất ý nghĩa, cám ơn bạn đã chia sẻ
click xem thêm Trung tâm gia sư chất lượng cao uy tín nhất tại Biên Hòa