Nhân đọc bài của Hương viết về chuyện
ra riêng năm 13 tuổi với căn phòng bác
Thìn ở nhà số 7 Dalat tôi chợt tự hỏi thế căn phòng riêng đầu đời của tôi là ở đâu và bao giờ ? Tôi cũng chợt bàng
hoàng nhận ra rằng mãi đến năm 40 tuổi tôi mới
thực sự có một cái phòng riêng cho mình , mà không phải ở Dalat hay Saigon , trên quê hương của mình mà là ở
nơi miền đất mới đầu là tạm dung , sau này dần dần đã trở thành quê hương thứ hai của
mình . Nói thế để đừng có ai phải ganh tị
là sao mình không có được một căn phòng
riêng cho mình thế này !!!
Mà thật ra bây giờ ngồi ngẫm nghĩ lại tôi
cũng chẳng lấy gì làm phật lòng về chuyện đó , chẳng hề tiếc nuối hay hờn trách gì tại sao
mình không có ; chỉ đơn giản là
mình không có thế thôi , cũng chẳng bao
giờ tự đặt cho mình câu hỏi . Mà chỉ ngạc nhiên , ừ nhỉ nửa cuộc đời mình vẫn luôn ở chung với
ai đó , khi thì người dưng , khi thì cùng người
trong gia đình , rồi cũng có sao đâu
nhỉ ? chuyện ấy không ảnh hưởng đến những dự kiến về tương lai của tôi ; tôi vẫn bình an thực hiện được
những ước mơ của mình và rồi ngày nay , khi đã bước qua bên kia con dốc của cuộc
đời tôi
tôi rất hài lòng với những gì mình đă có được cho đến hôm nay . Có lẽ vì
vậy mà tôi không phải là người tôn thờ chủ nghĩa cá nhân tuyệt đối , ngược
lại tôi chủ trương chan hòa với mọi người
chung quanh với cái nhìn thoáng rộng mà
ngày này thường gọi là Open mind .
Lúc còn nhỏ sinh ra trong một đại gia
đình ( một tiểu gia đình trong một khối
nhiều gia đình túm tụm lại với nhau thì đúng hơn ) lúc nào chung quanh tôi cũng có đầy người từ
người lớn đến người nhơ nhỡ và con
nít , ở nhiều lứa tuổi khác nhau , một
thứ « melting pot » đầy thú vị
và cả thi vị nữa . Rất tiếc lúc đó tôi còn quá nhỏ để có thể ghi lại hết ;
bây giờ ngồi nhớ lại thì cái còn cái mất
, quá khứ dường như đã quá xa và đầu óc tôi cũng bắt đậu mụ mằn đi mất rồi ! Nhưng trở lại chuyện phòng riêng thì
trong hoàn cảnh đó làm gì mà ai
có được cái gọi là riêng tư đâu ! Từ nhà số 12 và số
10 , sau đó tất cả lại dính chùm kéo nhau qua nhà số 7 đã được khơi thêm lên một tầng nữa , quân số chỉ có tăng chứ
không có giảm ! Ở đây mỗi gia đình
là một phòng , bếp chung , phòng ăn ,
phòng giặt , phòng vệ sinh đều chung hết
, đại khái như những cái « kot »
cho sinh viên thuê bây giờ .
Riêng gia đình tôi thì chất hết lên 2
cái giường ,một cái là giường Ba , một cái là giường má rộng hơn như cái thuyền
Noé vây . Tôi khi đó đã lớn nên phải nằm giường Ba , không được bén mảng đến giường Má lúc
nào cũng lúc nhúc con nít ! Những gia đình khác thì tản mạn đâu đó nơi
các căn phòng khác , riêng trên lầu là nơi ngự trị của Me và bác Nội vớí một
cái giường đại tôi chưa từng thấy bao giờ , ở đây người nào mà không có chỗ ngủ
thì cứ việc vén mùng chui vào , khi nào cũng có chỗ để ngả lưng . Tôi với chị Hà đôi khi cũng lén xin lên nằm chung với mấy
bà chị họ đã lớn và có nhiều chuyện hấp dẫn để kể , chúng tôi xem như là đặc
ân được ngủ chung với mấy chị .
Quây quần với nhau được ít năm thì gia
đình bác Tự bắt đầu ra riêng , bác đã cất
được một cái nhà to đùng ở ngoài hàng , vừa làm nhà hàng ăn , vừa có đủ chỗ chứa
cả 10 người con và cả Me cũng quyết đinh
đi theo bác , người em trai cầu tự yêu
quí của Me . Còn lại gia đình bác Thìn
và bác Nội , và mấy chị Thúy , Dung , Hạnh vẫn còn nấn ná ở lại nhà số 7 một thời gian nữa trước khi lấy chồng và cũng ra riêng .
Rồi đến bác Thìn cũng theo gia đình
anh Phương về Cần Thơ , và cuối
cùng tôi không còn nhớ năm nào thì bác Nội với anh Doãn cũng mua được căn
nhà đường Hòang Diệu và dọn đi luôn . Khi đó gia đình tôi mới riêng mình một
cõi , trong căn nhà rộng thênh thang . lẽ
ra thì tôi phải được một căn phòng riêng rồi , nhưng lại đúng lúc tôi thi đậu vào Y Khoa và phải về
Saigon học .
Đây mới là một
điều hoàn toàn mới lạ với tôi . trước giờ chỉ quấn quýt với gia đình ,
ít tiếp xúc với người ngoài , Saigon chỉ biết có Bà Bông và Cậu Thọ . Cuối cùng
thì Ba Má cho tôi ở trọ nhà bác cả Kỳ ,
cũng là chỗ thân tình với bà Bông , lại là bố vợ của anh Tinh , con bác Nội ,
như vậy cũng có tí chút họ hàng cho tôi bớt sợ . Ngày đầu xách va li đến
nhà bác cũng thật bỡ ngỡ vì chưa quen ai hết , mặc dù 2 bác đón tiếp tôi rất là
chân tình . Nhất là bác trai khi đó đi làm công chức ngày 2 buổi bằng xe
mobylette , trưa ghé về nhà ăn cơm và tôi là người duy nhất được bác kêu lên ăn
cơm cùng mâm với bác . Những người khác
trong gia đình không hiểu sao đều né bác
tối đa , chẳng ai chịu ngồi ăn chung với bác mà chỉ túm tụm với nhau dưới
hàng hiên nhà bếp , bên cạnh cái giếng
trời và bể nước để rửa chén và giặt giũ .
Nhà bác có 4 cô con gái , chị Thúy lấy
anh Tinh , chiếm một phòng ở dưới nhà ,
nhưng mọi người vẫn phải đi qua đây khi
từ dưới bếp lên nhà trên và đi ra đường nên là chỗ qua lại thường xuyên của mọi người .
còn Ánh , Nhung , Phượng cùng bác
gái và bà cụ mẹ bác trai được giao cho nguyên một căn gác trên lầu , nay có thêm tôi vào nữa thì cũng chẳng
sao , tối đến cứ việc trải 2- 3 cái chiếu
xuống sàn nhà và giăng mùng ra ngủ chung
với nhau , xếp lớp như cá mòi sardine của Maroc vây ! Những đêm
Saigon nóng nực , quạt trần bay vù vù trên đầu , khỏi cần giăng mùng đuổi muỗi , nằm trên chiếu mà ướt hết lưng , lúc
đó mới nhớ đến cái lạnh của Dalat cùng chăn êm nệm ấm làm sao ! Thi thoảng
mới có cơn gió lùa vào từ 2 khung của sổ nhỏ mở
xuống cái giếng trời chỗ rửa chén . Chỗ này là chỗ tôi thường ngồi nhổ
lông quặm cho bà cụ mẹ của bác trai , bà
cụ bị toét mắt kinh niên , nói hay rít lên với các người khác , nhất là với bác
cả Kỳ gái ( con dâu ) và chị Ba vợ anh
Chử ( con thứ của bac cả Kỳ ) nhưng riêng với tôi thì bà rất tủ tế và rất chiều
tôi , chả là tôi chịu khó ngồi hàng giò
đế nhổ lông quặm và tóc bạc cho Bà . Với bà tôi đã học được lòng kiên nhẫn và
cách đối xử với người già . Sau
ngày 30-4-75 tôi được biết hai Bác đã gửi bà cụ về quê ngoài bắc cho bà
thăm lại xứ sở quê hương và bà đã mất ở đây .
nhà Bác Cả Kỳ |
Còn góc học tập của tôi ư ? Là một
cái bàn kê trong góc, cũng trên căn gác làm phòng ngủ chung đó . Tôi nhớ phần lớn
thời gian tôi thường nằm bò trên chiếu để học chứ ít khi ngồi bàn vì góc tối có
nhiều muỗi chích , thà năm dài trên chiếu và kéo sát đến khung cửa sổ mở ra giếng trời , vừa sáng sủa , vừa mát mẻ . Từ căn gác lửng này có một hàng gạch lỗ mở xuống phòng
khách dưới nhà ; nơi đây là đài quan sát của tôi để xem khách
khứa ra vào cùng hoạt cảnh 2 gia đình
sinh sống bên dưới là gia đình anh Tinh , chị Thúy , và gia đình anh chị Chử , con thứ bác cả Kỳ . Cũng từ đài quan sát
này tôi thường canh để đón ba tôi mỗi tháng xuống Saigon cất hàng . ba thường ở
bên nhà bà Bông , và buổi tối mới sang
thăm tôi và cũng để gửi tiền trọ của tôi cho bác cả Kỳ . Khi thấy bóng dáng nhỏ nhắn của ba mở của bước vào hàng hiên tôi mới
từ trên nhà phóng xuống để chào ba . Ba chỉ hỏi thăm tôi sơ sơ rồi quay sang
nói chuyện với bác cả Kỳ trai . mà biết nói gì với ba nhỉ ? Tôi vốn đã
không gần Ba lắm để có có thể tâm sự vắn dài điều gì . Không lẽ lại kể lể những
vui buồn của đời sống sinh viên xa nhà , ba làm sao mà hiểu được . Nhưng khi nào là má xuống thì cứ như mở
hội trong lòng , tôi cũng chẳng tâm sự
gì nhiều với má nhưng thích nhất là được má dẫn
ra chợ Bến Thành để mua sằm quà cáp cho các em ở nhà .
Từ căn phòng ngủ chung này có mấy bậc
thang để lên một gác lửng nữa là nơi để bàn thờ. Ngay giữa có một cái tủ thật to bày hương vị các bậc tổ tiên của giòng
họ nội ngoại , thẳng góc bên trái là một bàn nhỏ hơn để thờ Phật . Đây là giang
sơn của bác cả Kỳ gái , chiều nào bác cũng lên thắp nhang đánh chuông gõ mõ. Thực
ra tôi không thấy bác tụng kinh bao giờ
nhưng chắc chắn là bác có mở cassette và cho chạy cuốn băng đọc kinh Nam Mô A Di Đà Phật với tiếng mõ tiếng chuông gõ
đều đặn . Anh Tinh thường diễu bác là băng
« Diễm Kệ » để nhái lại bài Diễm Xưa của Trịnh Công Sơn lúc đó đang thịnh hành nhất ở
Saigon . Bác không đọc kinh nhưng vẫn chắp
tay vái lạy cùng với tiếng xuýt soa Nam
Mô trong màn khói hương nghi ngút .Điều
còn gây ấn tượng cho tôi nhất là ngày rằm mùng một Bác thường mang về những
đóa hoa hồng màu cánh sen , bứt ra từng
cánh và bày lên dĩa để lên bàn thờ . Tôi
chưa từng thấy cách cắm hoa như vậy bao giờ .
Mai , Nhung , Ánh ở Sở Thú Saigon |
Một ngày kia khi leo lên khu trang thờ
của Bác tôi chợ khám phá ra đằng sau cái
tủ thờ vĩ đại là một khoảng trống ngập ánh sáng ; là
vì trên đầu là một khung của sổ mở ra trên mái nhà và trên cao là bầu trời xanh ngắt , cộng với những luồng gió lùa vào lồng lộng . A Ha
, đây là chỗ ngồi lý tưởng để gạo bài học
thi đây ! Thế là tôi rinh cái bàn và một cái ghế lên kê vào chố trống , nghiễm nhiên trở thành góc học tập lý tưởng của tôi , và tôi
còn đặt tên là Gác Gió . Nơi này ít người bén mảng tới trừ bà cụ Nội thường lò
mò với đôi mắt toét đi giám sát mọi nơi mọi chốn và Phượng thỉnh thoảng cũng lên thăm tôi để chị em cùng
tâm sự vắn dài , xa hẳn cái ồn ào của
thành phố và cái xôn xao của sinh hoạt gia đình ở dưới kia chỉ cách nhau 2 căn
gác .Có thể đây là một góc riêng tư nhất
của tôi cho đến lúc đó : ở đó chỉ có một cái bàn ngập sách , một cái ghế ,
một cái đèn bàn . sau này không biết tôi kiếm đâu ra được một cái ghế bố nhà binh , hình như là do anh
Tinh cung cấp , thế là thành căn phòng đằng sau cái tủ thờ . Chỗ này tối
ngủ rất mát vì gió lồng lộng cả ngày đêm
, nhưng hiềm một nỗi là có muỗi ,
nhiều khi bị pháo kích nhiều quá tôi phải
chạy xuống nộp mình vào cái giường
chung bên dưới .
Vài năm sau đó , khi cậu Thọ xin được
chỗ cho tôi vói Hà trong Đại Học xá Trần Quí Cáp thì tôi hân hoan dọn đi . Thật
ra tôi cũng có nhiều cảm tình với gia đình bác cả Kỳ và mọi người từ bà cụ nội khó tính đến mấy
đứa cháu nhỏ lắt nhắt đều quí mến tôi nhưng tôi vẫn thích ở trong môi trường đại học của mình vì ở trong nhà này , trừ tôi
với Phượng ra , không kể bọn con nít lau nhau thì không còn ai đi học cả .
Ở Đại Học Xá , những tưởng rồi cũng sẽ được một căn phòng
riêng cho ra hồn , ai ngờ đâu nơi đây là một cư xá bình dân mà các phòng không phải cho 1 hay 2 người mà cho 10 người trở lên . Tôi được xếp
ở phòng H , căn phòng ở trên lầu cao nhất ; mỗi đứa sở hữu một cái giường
sắt , một cái tủ cao để đầu gường , một cái bàn nhỏ ở chân giường , quần áo
treo chung ở một góc đâu đó . Bước vào
đây như bước vào một căn phòng ở bệnh viện với một dẫy giường xếp song song , đến cuối phòng quẹo phải là phòng tắm và
phòng vệ sinh chung . Phòng H này thật
ra cũng chỉ là một cái gác lửng ,thành thử
nhìn xuống bên dưới là một căn phòng rộng gấp đôi và với số người cũng gấp
đôi . Thế là có thể nói chuyện thông tầm từ trên xuống dưới với nhau , cũng vui
chán !
trong phòng H đại học xá Trần Quí Cáp |
Còn những góc học tập ư ? là những cái bàn kê ngoài hành lang
nhìn xuống đường . Hàng lang này khá rộng
, mặc dù bàn học có kê san sát nhau rồi mà vẫn đủ chỗ để cho Qùy, những lần từ
Caritas đến thăm tôi , có chỗ để trượt patin lả lướt . Góc học tập còn là những góc quẹo
ở cầu thang lên lầu . mạnh ai nấy
chiếm cứ một chỗ riêng cho mình . Nếu không chịu được thì đã có nguyên một phòng học lớn ở dưới nhà cạnh
phòng ăn , nhưng thường chỗ này không mấy có người xuống học vì ai cũng thích
có một góc riêng của mình . Riêng tôi mới dọn vào thì chẳng
còn góc nào riêng nữa nên cuối cùng lại
nằm dài trên giường để học . Nhớ lại thời đi học Đại Học của tôi thời gian nằm
có lẽ nhiều hơn là ngồi ! Thời gian ở Đại Học xá cũng rất vui và đầy ắp kỷ
niệm với
những sinh hoạt chung như văn nghệ
tất niên với những bản hợp ca hùng tráng
như Bài hát Sông Hồng ( hay Hồng Hà Reo ) hay những vở
kịch tôi từng tham gia hay tự dựng lên . Các bạn bè cùng phòng hay khác
phòng cho đến bây giờ tôi vẫn còn giữ được liên lạc như Xuân Sương , Hồng , Toàn , chị Thu Đàm , Thúy
Doan . Chị Hà thì đã mất nhưng còn bạn thân của chị là Như Nguyện nay đã phiêu bạt về đâu mà giọng Huế ngọt
ngào như vẫn còn lanh lảnh bên tai tôi .
Tôi chấm dứt học trình Y Khoa ở đây ,
sau đó phải dọn ra khỏi cư xá . Chị Hà lúc đó đã lấy chồng về ở bên chồng vùng Khánh Hội và bà con bên chồng chị là bà
Ngọc đang có phòng cho thuê . Đồng thời lúc này Lân cũng phải về Saigon học
Nông Lâm Súc , chị em phải ở chung với
nhau ; thế là tôi dòn đến một căn
phòng mới . Tôi không còn nhớ tiền nhà hồi
đó ở Saigon là bao nhiêu nhưng lần đâu tiên dọn vào căn phòng này thì thật
là kinh hoàng vì nhỏ tí và tối tăm hết sức . Căn phòng khoảng 12 mét vuông là cùng , chỉ kê được một tấm nệm
dưới đất và một cái tủ commode để quần áo ; tôi
không còn nhớ là có bàn ghế hay không nữa mà mọi sinh hoạt đều ở dưới đất hết . Cũng may có bếp ở bên
ngoài , cửa sổ mở ra một cái giếng trời
, vì căn nhà này cũng đến 4-5 tầng nên
cao ngất , và ánh sáng cũng chỉ le lói đến
căn phòng tôi ở , cho nên nếu tôi có mặt ở nhà là phải thắp đèn 100
% . Cũng may là tôi và Lân cũng chỉ về để
ngủ , Lân thì học ở Thủ Đức , khi về khi không , còn tôi suốt ngày cũng đóng đô
ở bệnh viện với các phòng nội trú . Xin lưu ý là phòng nội trú bệnh viện tôi
cũng không được ở một mình mà phải chia
với 2 hoặc có khi 4 người .
Ấy vậy mà tôi nhớ cũng đã từng tổ chức ăn Noel ở trong căn
phòng tối tăm đó và chúng tôi đã trịnh
trọng mời bác cả Kỳ và cậu Thọ đến tham dự
. Có lẽ đây là cái Noel đầu đời của tôi khi ra khỏi căn nhà số 7 ở Dalat .Cũng đủ các món bánh
trái , và lại còn văn nghệ văn gừng , mọi
người rất vui vẻ hả hê không nề hà phải ngồi dưới đất trong căn phòng chật chội
. Bây giờ nhìn những đồ vật của mình chung quanh so sánh với cái mới bắt đầu ra riêng đó mới thấy hồi xưa mình sống
đơn giản biết bao , chẳng có gì cả mà tâm hồn lúc nào cũng phới phới đầy tự tin
. Vật chất có là gì đâu nhỉ ? Cũng chẳng có đến một cái tủ quần áo ; mà hồi đó làm gì mà có nhiều
quần áo như bây giờ đâu ! Vậy rồi cũng thu vén được hết trong 12 mét vuông
này !
Thế rồi cuộc đổi đời đã xảy đến khi
tôi đang ở căn phòng này : ngày 30 tháng Tư 75 . Mấy hôm trước đó có lúc cả
nhà chị Hà và anh Vinh cùng các cháu kéo qua đây để tránh pháo kích nếu có , rồi
những bàn tính đi hay ở . anh Vinh thì cứ quính quáng như gà mắc đẻ còn tôi thì
chắc như đinh đóng cột chẳng đi đâu cả
vì còn gia đình và ba má và các em còn ở lại Dalat , dứt khoát là không , tôi không thể ra đi một
mình , mà đi đâu cơ chứ ! Cuối cùng gia đình Hà và chúng tôi không ai đi
đâu cả . Mấy đứa con bà Ngọc ở trên lầu cũng đủ mặt , để hôm sau ngày 1-5 ra đường
là một cảnh hỗn loạn không thể tưởng được . Xe cộ , đồ đạc quần áo giầy dép vứt
đầy đường , người ta thì lớp đi hôi của , lớp chạy đôn chạy đáo tìm đường
thoát thân vào giờ thứ 25 . Chúng tôi ra bến Bạch Đằng , ở đây cảnh tượng còn hỗn
loạn gấp 100 lần ; mấy cái tàu đậu dưới bến đã nêm chặt người mà vẫn còn người cố bám leo lên . Lúc đó tôi
nhìn họ mà lòng rất bình thản : đi
làm gì nhỉ , hòa bình rồi , hết chiến tranh rồi , có lẽ đất nước còn cần đến sự
giúp tay của mỗi người chúng ta . Có biết đâu là sau này thì hoàn toàn vỡ mộng ! Ngày mồng 2 hay 3 tháng 5 gì đó thì Má từ Dalat xuống , mừng vui vì thấy
các con vẫn còn đủ mặt và không suy suyển gì cả . Má nói tao chỉ sợ chúng mày nghe lời dụ
dỗ mà lên tàu ra đi thì còn biết đâu mà
tìm nữa ! Nỗi mừng vui hội ngộ trong cuộc đổi đời đang diễn ra từng dây từng
phút mà không ai lúc đó có thể ngờ tới .
Sau đó thì chúng tôi được bà Ngọc đề
nghị cho dọn ra căn phòng bên ngoài phía sau , có balcon nhìn xuống con hẻm sau
nhà . Ở đây phòng rộng hơn , có cửa sổ , có bao lơn và chúng tôi bắt đầu nghĩ đến
trồng cây cảnh cho có màu xanh sau mấy năm chỉ thấy ánh đèn néon . Bàn tay xanh
của tôi cũng bắt đầu từ đây . Từ balcon nhìn sang đối diện là một cái sân thượng rất lớn
với đầy hoa lá và cây kiểng rất đẹp
, hẳn là một nhà tư sản đã chạy đi nên sau đó bắt đầu thấy bộ đội nón cối
xâm chiếm căn nhà và sử dụng cái sân thượng
như
là quê ta có con sông đào xinh xắn ! Tự do chặt
hết bàn ghế trong nhà nhóm lửa nấu cơm , và cả thui chó nữa … Những hoạt cảnh này hàng ngày diễn ra và
đánh dấu cho sự bắt đầu một cuộc phá hủy có nguyên tắc thật ghê gớm của phe thắng cuộc .
Lại nói về căn phòng của chúng tôi ,
tôi vẫn chưa được một căn phòng riêng vì
ngoài Lân còn có thêm Quỳnh từ Dalat xuống thi Tú Tài Pháp , sau đó thi
tuyển vào đại Học và ở lại học Bách Khoa Phú Thọ . Chúng tôi 3 chị em sẽ còn ở dài
dài trong thành phố đã đổi tên nhưng vẫn còn gắn bó với chúng tôi với biết bao nhiêu là kỷ niệm
vui buồn .Ở đây cũng đã có những buổi văn nghệ bỏ túi rất vui với tiếng
đàn của Lân , giọng hát của Hằng , cũng từ Dalat xuống học và ở nhà chị Hà, thường xuyên có mặt bên chúng tôi
, có Hoài Nguyên , Thu Tâm , 2 cô học trò của tôi cũng đầy máu văn nghệ . Càng cấm chúng tôi lại càng ra sức hát nhạc Vàng và những bản nhạc thời thượng lúc bấy giờ như
Saigon Vĩnh Biệt , Em còn nhớ hay Em đã Quên
, Nguoì di Tản Buồn …mặc dù bộ đội ở ngay trước mặt . Đôi khi còn có cậu Thọ đến góp mặt trong bộ cánh bà ba trắng muôn thuở của cậu .
Rồi một lúc nào đó chúng tôi lại được
dời qua một căn phòng phía trước nhìn ra
mặt đường Hoàng Diệu . Phòng ngày càng lớn hơn , sáng sủa hơn và biệt lập hoàn
toàn với những người khác trong căn nhà hầu như tôi chảng bao giờ gặp mặt .
Nhưng đó cũng là lúc bắt đầu của những năm đói khổ : gạo phải độn bobo , bắp
, bột mì được phát thay gạo trên nguyên
tắc là để làm bánh mì , nhưng làm gì mà có nguyên liệu làm ra ổ bánh mì thơm phức
như trước ngày 30 -4-75 , thành thử phải
đem luộc lên thành một thứ bánh bột chấm nước mắm , hoạc là bán đổ bán tháo cho
người ta lấy it tiền còm . Thời gian này chúng tôi thường tự sản xuất ra 2 món
trường kỳ kháng chiến là ruốc dừa và phô mai chao , cứ thế ăn với cơm độn , rồi
cũng qua cầu được hết , chúng tôi lúc đó
còn trẻ và ăn để mà sống chứ không sống
để mà ăn nên cũng chẳng bao giờ phải kêu than với ai , cả nước đều như vậy hết mà !
Sau vài năm tạm ổn , qua thập niên 80 , Ba má quyết định
phải mua một căn nhà ở Saigon cho lũ con xếp hàng rắp tâm xuống đây để tiếp tục
con đường học tập : Hương , rồi Thảo . Thế là chiến dịch tìm nhà để mua bắt
đầu , tôi với Quỳnh lăn lộn khắp hang cùng ngõ hẻm đi xem nhà
, cái nhỏ quá , cái to quá khong đủ tiền , cái xa quá , cái thì ở những khu phố chưa đặt chân đến bao giờ , rồi
mặc cả , rồi dẫn má đi xem v.v. cuối
cùng chúng tôi chọn được một căn nhà trong hẻm đường Hòa Hưng gần khám Chí Hòa .
phòng khách nhà ở Hòa Hưng |
Hẻm này khá rộng , cũng không phải
đi vào sâu lắm , căn nhà có cửa lưới ,
vách tường biệt lập với những nhà chung quanh
, có 2 tầng , có bao lơn trên gác
, hiềm một nỗi là nguyên cái sàn nhà của tầng lầu đã bị cưa đi bán gỗ từ cái
thuở nào mất rồi ! Thử tưởng tượng một căn nhà 2 tầng mà khi bước vào thì ở trên trống hoác nhìn thẳng lên mái
tôn ! Nhà có 2 gian ,bên ngoài là phòng khách , bên trong là bếp khá rộng
và phòng tắm , nhà vệ sinh riêng biệt , như thế cũng là cao sang lắm rồi vào cái thời
bấy giờ . Chúng tôi tự nhủ trần cao thế thì càng mát , nhưng còn chỗ ngủ thì sao ?!! Vẫn phải
có một cái phòng ngủ cho ít nhất là 2 đứa con gái chứ ! Lúc đó tôi đã 30 tuổi hơn rồi mà vẫn chưa được một căn phòng
riêng đâu nhé ! Cuối cùng phải
thuê thợ làm lại sàn nhà một nửa tầng trên
với cầu thang đi lên thành một
cái gác lửng , có cả trần để chống cái
nóng hắt xuống từ mái tôn . Thế là đã có
một cái phòng ngủ chung ra hồn cho lũ
con gái , có bao lơn để ra ngồi ngắm thiên hạ qua lại bên dưới , có trồng cả một
cây hoa giấy màu đỏ sau đó còn leo lên tận mái nhà để gợi nhớ lại cây hoa giấy ở cổng nhà số 7 Dalat .
Lan can gác lửng trở thành chỗ vắt quần áo , và từ đây chúng tôi có thể ngồi
canh nồi cơm hay nồi canh đang sôi sùng sục bên dưới . Cái gác lửng này còn là
đài quan sát rất hữu hiệu của chúng tôi . Chả là sàn bằng gỗ chưa kịp khô hết nên mùa hè nó thu lại
, để lộ ra những khe hở tự nhiên dưới sàn , từ đây chúng tôi có thể nằm quan
sát phòng khác bên dưới , nhất là khi có những vị khách không mời
mà đến , trong khi chúng tôi thì quá chán nên rút lên lầu chỉ để lại một
đứa bên dưới chịu trận và tiếp chuyện khách . Khi nào chịu hết nổi thì gọi với
lên lầu cầu viện đế có người xuống tiếp cứu !
một bữa tiệc ở nhà Hòa Hưng , có má và các bạn ở Chợ Rẫy |
Đây là nơi đóng đô cuối cùng
của tôi ở Việt Nam cho đến ngày tôi rời
khỏi đất nước . Cũng có rất nhiều kỷ niệm
ở đây , khách khứa cũng nhiều , những bữa
tiêc trong gia đình họ hàng hay cùng bạn bè cũng thường xuyên diễn ra ;
đây cũng là nơi lui tới của các anh chị em họ
, cứ đến đây sẽ được đón tiếp chỗ ăn chỗ ở tương đối tử tế . Bác cả Kỳ cũng đã
từng đạp xe xuống thăm chúng tôi , cho thấy mối thân tình giữa tôi với bác
không phải là nhỏ ! Ngoài ra còn
hàng xóm láng giềng cũng rất tốt với chúng tôi , và ngược lại , chả là
tôi đã là bác sĩ nên vẫn thường có hoạt cảnh khai bệnh và bán thuốc qua khung cửa lưới , ngay cả khi tôi không có mặt
ở nhà . Hoạt cảnh thường ngày của một khu xóm nhỏ mà thân tình , những người
lao động chân tay cuộc sống khó khăn , chúng tôi cũng thường tiếp cận mà không
hề thấy xa cách bao nhiêu , tình hàng xóm cũng là đây . Vậy mà tôi chẳng có lấy
một hình ảnh nào của căn nhà này , lúc
đó khó khăn làm gì có máy hình mà chụp , mà có máy hình thì cũng để dành cho mỗi
kỳ nghỉ hè hay ngày Tết trở về đoàn tụ ở Dalat – Dalat La Belle - mới được đem
ra xử dụng , còn ở đây Saigon , coi như là một chỗ tạm dung không
đáng kể , dù là hôm nay ngồi nhớ lại thấy cũng đầy ắp kỷ niệm khó quên đã đi qua
nơi này .
Thế rồi cùng với thời cuộc xoay vần con đường phiêu lưu của gia đình chúng tôi bắt
đầu . Trước tiên là tôi với Quỳnh hai đứa
ở Saigon được lên đường sang Bỉ sớm nhất . Không kể hết những bỡ ngỡ khi bước
chân ra khỏi đất nước đã bao năm bị bế
quan tỏa cảng cắt rời với thế giới bên ngoài , chúng tôi như 2 con mán
trong rừng ra rớt cái tõm xuống một nơi thật xa hoa lộng lẫy ngoài sức tưởng tượng
, đầu tiên là phi trường Bangkok , sau đó là phi trường Zaventem . Nước
Bỉ đón chúng tôi trong cái se lạnh và một
bầu trời xám đang trở sang thu một ngày
tháng 9 . Chỗ ở đầu tiên là nhà Quí ở
Sanatorialaan , một ngôi biệt thự nhỏ xinh sắn
như nhà của Bạch Tuyết vậy , với
vườn cỏ và cây cối xanh um chung quanh .
Sau này tôi sẽ được chứng kiến mùa thu đầu tiên ở đây và mùa
xuân với mấy cây anh đào Nhật Bản nở hoa
trắng xóa trên nền có xanh mướt , đẹp tuyệt vời ! Nhưng trở về chuyện phòng ốc thì sau một thời gian ngắn tá túc ở nhà
Quí , chị em chúng tôi dọn lên Bruxelles
ở trọ trong một phòng của căn hộ của Lut
, chị của Rita , để tiện việc đi lại
vì chúng tôi phải mau đi ghi tên
học lại đại học ở đây . Tôi không nhớ bao nhiêu về căn phòng này ngoại trừ căn bếp đầy đủ tiện nghi của Lut lúc nào cũng ngăn nắp với hàng nồi niêu bằng đồng sáng loáng ; Hầu như chằng có ai nấu nướng gì ở đây , bởi vậy mới sạch và đẹp đến vậy .
Sanatorialaan mùa đông |
Khi cả đại gia đình qua tới nơi thì
chúng tôi dọn đến một căn hộ với 3 – 4
phòng ngủ ở trên tầng áp mái của một căn
nhà cổ rất lớn ở đường Livourne . Mỗi phòng ngủ chứa được 3-4 người
, cả nhà dồn hết vào đây , có một
căn bếp lớn và phòng tắm và vệ sinh đàng
hoàng .Ở đây là nỗi vui đoàn tụ cùng các em và ba má . Đối với tôi là cả một hạnh phúc lớn lao vì tôi vốn là đứa đã phải xa nhà từ năm
18 tuổi đi học xa , mỗi năm chỉ về gặp mặt
gia đình 2 lần trong dịp Tết và nghỉ hè . Lúc bấy giờ chúng tôi chẳng có gì cả
từ quần áo đến vật gia dụng , phần lớn
là công góp nhặt từ bạn bè của Quí và
Rita . Không có bao nhiêu nhu cầu , niềm
vui là được ở chung trong một mái nhà với những bữa cơm vui như
Tết ; mỗi đứa có một con đường riêng , một mục đích phải theo đuổi để tiến lên phía trước . Chúng tôi lúc đó đều hết sức tự tin và có nhiều cố gắng để đi trên con đường
mới mẻ này mong đến ngày có thể tự lực
cánh sinh . Có lẽ vì vậy mà chúng
tôi đã thành công sau này trong việc hội nhập được với xã hội mới và tự tìm cho mình một chỗ đứng an toàn .
Thế rồi cả nhà lại được dời về một căn nhà riêng biệt thuê được ở Halle . Nhà có 2 tầng , mỗi tầng
2 gian , với một miếng đất đằng sau rộng
thênh thang , tha hồ cho ba má trồng cây làm vườn . Chỗ này tương đối ổn định cho ba má nhưng
các con , tùy nhu cầu công việc và học hành mỗi đứa lại phải tìm cách trở lên
Bruxelles . Quỳnh đã xin được phòng
trong campus của đại học Louvain La Neuve , là đứa đầu tiên ra khỏi nhà , sau đó đến gia đình Lân lên
Lambermont ở vì có việc làm trên đó .
Còn lại gia đình Quỳ , Lộc , Hương , Thảo và tôi lại trở về Bruxelles , thuê được một căn hộ
có 3 phòng ngủ ở đường Louvain , ngay đằng sau tòa nhà quốc hội . Tôi còn nhớ đây là một ngôi nhà cổ , có lối
vào rất rộng ( đủ cho xe ngựa vào được
bên trong thời xưa ) . các phòng trên
gác đều rộng và có trần thật cao với các hoa văn mỹ thuật ; có được một phòng khách
rộng , một phòng ngủ lớn cho gia đình Quỳ
, một phòng áp mái cho Hương , Thảo , và một phòng ở lơ lửng giữ 2 tầng cho tôi
.Thế là đến năm 40 tuổi tôi mới có được
một không gian riêng cho mình . Phòng
cũng nhỏ , không khí ẩm thấp vì mặt
trời vốn đã hiêm hoi ở xứ Bỉ này không rọi vào tới được mặc dù có một cử sổ mở ra cái giếng trời ( lại giếng trời !
đời tôi thường gắn bó với mấy cái giếng trời ! ) Tầng
trên ngay đầu tôi là phòng tắm bởi vậy
mà ẩm thấp , chắc là có nước rò rỉ đâu đây . Nhưng lúc đó tôi cũng không quan
tâm lắm , miễn có chỗ để bàn ghế học tập
, có giường để ngủ và có một tủ của « bà sơ » để quần áo là được rồi . Mục đích là phải thi
đậu , phải ra trường để đi làm tự nuôi
thân . Ngày cuối tuần chị em tôi đều kéo nhau về nhà ba má ở Halle , lại tụ tập ăn uống ở đây , làm vườn , chơi đùa với các cháu , đi
dạo đi xe đạp dọc con kinh ở sau nhà .
Nơi đây là chỗ nghỉ ngơi sau 1 tuần mệt
nhọc , cũng là chỗ nghỉ hè lý tưởng chẳng
cần đi đâu xa , cùng với nỗi vui đoàn tụ
và cảm thấy an tâm trong vòng tay bao bọc của ba má . Ba Má lúc ấy cũng đã lớn
tuổi và hằng ngày mong ngóng cuối tuần
các con hội tụ đông đủ . Không thể quên lũ con và lũ cháu cũng từ nơi này được
bồi dưỡng đủ lông đủ cánh đến ngày cất cánh tự bay lên .Ngôi nhà như một cái trụ
cho chúng tôi bám vào , không khác
gì nhà số 7 Yagut ngày xưa .
Tôi ra trường cầm mảnh bằng trong tay
phải mau chóng tìm nơi chỗ để mở phong mạch và làm việc . Cuối cùng tôi cũng kiếm được một chỗ ở gần
căn nhà tôi đến trọ đầu tiên ở Bruxelles nơi
nhà của Lut . Hình như vô hình chung mình vẫn muốn quay trở về một chốn cũ nào đó .
Căn hộ này có 2 tầng , tầng trên để làm phòng mạch , tầng dưới để ở . Từ
đây trở đi tôi mới thực sự ra riêng và
bươn chải với đời . Ở đây mới đúng là một mình một cõi và cũng không còn ba má
bên cạnh , không còn các em đã từng đi
theo với mình mấy chục năm nay . Nhưng trước khi dọn đến nơi ở mới này , còn phải
sơn sửa cho ra hồn một phòng mạch bác
sĩ cái đã . Trong khi đó thì một ngày
kia , trong căn phòng cũ đầu đời của tôi
ở đường Louvain , đột nhiên nguyên cái trần nhà đã đổ sập xuống , có lẽ do nước rò rỉ bao ngày từ phòng tắm bên trên mà không biết
. Cũng may lúc đó tôi không có mặt ở đó
, chỉ còn biết bàng hoàng nhìn một đống gạch , vôi , rữa tung tóe trong phòng . Thế là tiêu
căn phòng đầu đời của tôi , như thể đánh
dấu một bước ngoặt quan trọng nhất trong
cuộc đời mình !
Tố Mai ( Bruxelles 16/7/2015
)
Hay lắm! Bao nhiêu kỷ niệm với những ngày đầu đặt chân đến xứ Bỉ!
ReplyDelete