Pages

Friday, August 7, 2015

Theo ai đây?


Cả nước Mỹ chộn rộn cho mùa bầu cử năm 2016. Mặc dù còn một năm nữa nhưng các ứng cử viên đã xuất hiện và đăng đàn diễn thuyết. Đảng Cộng Hòa có 16 vị ra tranh cử, đông nhất từ trước đến nay, “lúc nhúc như nhặng”, đó là chữ của ông chồng! Đảng Dân Chủ lác đác hơn vì chủ trương dồn mọi lá phiếu cho bà Hillrary Clinton với đôi gò má cao vút và sắc lẻm.
Tôi vốn chẳng theo dõi tình hình chính trị trong nước ngoài nước làm gì cho mệt óc. Thậm chí đi bầu để thể hiện quyền công dân thì vui đi, buồn ở nhà, biết chắc không có mình Texas vẫn đổ phiếu cho Cộng Hòa. Nhưng tối hôm qua tình cờ ngồi sơn móng tay và chờ nó khô, tôi xem 10 ông Cộng Hòa bắt đầu tranh biện trên tivi. Mọi người chú trọng đến ông Donald Trump nhiều nhất vì ông trọc phú này nói không sợ trời sợ đất, làm mất lòng không biết bao nhiêu người. Nhưng nếu ông ấy thắng, tôi chẳng lấy làm ngạc nhiên vì dân Mỹ vốn thích những chuyện lạ chưa từng xảy ra. Cũng như thế đối với bà Hillary. Trên thế giới đã có những bà lãnh đạo lừng lẫy như Thatcher Bàn Tay Sắt của nước Anh, Indira Ganhdi của Ấn Độ, một đất nước mà phụ nữ còn phải cun cút đi sau lưng chồng, Benazir Bhutto của Pakistan nơi phụ nữ ra đường vẫn phải núp mặt sau những tấm khăn choàng kín mít, và gần đây là Angela Merkel dẫn dắt nước Đức thành một đất nước có nền kinh tế mạnh nhất Châu Âu, hay bà Yingluck Shinawatra của Thái Lan đang lên bờ xuống ruộng vì phe phái bảo thủ với lại không bảo thủ. Với chừng đó bà thì niềm hy vọng của Hillary Clinton còn tràn trề chán, ăn thua là bà có qua được những câu chuyện đàng sau hậu trường hay trong bóng tối khi bà còn là Bộ trưởng bộ ngoại giao hay không.

Tôi viết những dòng này không phải để cổ động đi bầu phiếu cho ông Donald Trump mặc dù tôi tin ông ta chẳng thắng nổi với cách ăn nói và đường lối mang tính “phát xít” của ông, hay bầu cho bà Hillary được xem là đã từng làm tổng thống khi ông chồng bà đang tại chức!
Tôi viết những dòng này chỉ vì thỉnh thoảng tôi đứng giữa ngã ba đường, hoang mang không biết nên ngả theo phe nào. Ngoài chuyện bầu cử là chuyện lớn, còn là những chuyện vụn vặt khác trong đời sống hàng ngày, tỉ dụ như “binh dây” hay đá banh chẳng hạn.

Cứ tưởng tượng mà xem, khi có khoảng 4, 5 gia đình ở trong cùng ngôi nhà số 7, không ai bảo ai, nhà nào binh dây cho nhà đó, mặc dù con em mình lỗi rành rành ra nhưng bà chị vẫn gân cổ bảo vệ em mình đến cùng. Nhưng nếu người ngoài đụng đến một nhân mạng trong nhà số 7, thì chừng đó cư dân họp lại đi hỏi tội “nạn nhân”. Nhìn lực lượng binh dây đông đảo thế kia, đối thủ chỉ còn biết lặng lẽ rút lui, đầu hàng sớm cho rồi. Thuở ấy  tiếng tăm nhà số 7 nổi như cồn,  thiên hạ bảo nhau thôi “tránh voi chẳng xấu mặt nào”, dân Hoàng Diệu nổi tiếng ngổ ngáo mà còn phải chạy làng đám binh dây từ trên xuống dưới của gia đình tôi kia mà!
Tôi nhớ khi tôi học lớp 3, mùa hè năm đó tôi phải đi học thêm ở trường Mến Thánh Giá gần ấp Ánh Sáng với con em tôi. Con em này bị tật sợ đi học ngay từ hồi mới biết cầm bút đồ lên những nét chấm chấm Ba viết sẵn. Mỗi buổi trưa ông anh tôi có nhiệm vụ phải chở nó đến trường bằng chiếc xe Honda 67. Đến cổng trường thì nó đeo cứng vào lưng ông anh như chằng hiu, không cách gì cạy ra mà thả nó xuống được. Sau 10 phút , anh tôi phải quay xe về nhà, trình cho Má tôi thấy hoạt cảnh “đỉa bám”. Ba Má tôi không cách nào bắt nó đi đến trường cho bằng được, mà nó thì sắp phải đi học lớp một ở trường Hùng Vương rồi. Mùa hè năm đó, không biết Má tôi  nói thế nào mà nó chịu đi học trường Bà Sơ. Tôi đồ rằng chắc Má tôi dấm dúi, dụ khị không đồ chơi thì kẹo bánh, hối lộ sự nghiệp học hành của nó. Con nhỏ này ác, nó chỉ chịu đi khi có tôi đi với nó! Tuần lễ đầu tiên, tôi phải vào ngồi lớp mẫu giáo với nó. Cả lớp hỉ mũi chưa sạch loay hoay tô màu với cắt giấy, Ma Sơ mặc áo chùng đen đi tới đi lui, thấy tôi ngồi không bèn sai vặt! Đầu tiên chuyện nhỏ là đi gọi Ông Ba Bị khi có đứa nào khóc nhè, Ma Sơ ngon ngọt đủ điều không chịu nín. Tôi ra khỏi lớp, đi một vòng tìm ông cai trường. Không thấy ông ấy, tôi quay lại bảo với Ma Sơ, Ông Ba Bị sẽ đến ngay bây giờ! Đứa nhỏ mặt mũi tèm lem đang khóc nghe tôi nói vậy thì im bặt! Sau chuyến đi tìm Ông Ba Bị, tôi còn bị sai đi lấy phấn, lau bảng, đem sổ lên văn phòng, vân vân. Ma Sơ lớp mẫu giáo tận dụng sự có mặt của tôi tối đa. Sau 2 tuần làm “nô lệ”, tôi đề nghị Má cho tôi học lớp ba, khi ấy con em tôi đã quen trường, quen lớp, không dính vào tôi như sam nữa. Tôi không nhớ lớp học này lắm vì chỉ học có ba tháng hè. Tôi nhớ mỗi sáng vào lớp, tất cả mọi học trò phải đứng lên rút cuốn kinh ra rồi ra rả đọc kinh Kính Mừng  Maria. Tôi trợn tròn mắt nhìn chúng nó, câm bặt. Ma Sơ lớp Ba không dễ chịu gì, bà bảo tôi “Sao không đọc kinh?” “Con không có đạo, con không có sách kinh”. “Vậy thì phải mua mà đọc!” Tôi về nói với Má. Má rít lên “Người ta không có đạo mà bắt đọc kinh cái gì!” Nhưng vì sự nghiệp học hành của em tôi, Má vẫn đưa tiền cho tôi mua cuốn kinh cho có với người ta. Tôi không nhớ tôi đã để cuốn kinh này ở đâu, vì thật sự đối với tôi, nó hoàn toàn vô ích. Cả ba tháng trời tôi vẫn không biết đoạn kinh kính mừng Maria nằm ở trang nào! Mà hôm nào có tìm ra, tôi cũng chẳng biết phải ê a ra sao nữa.

Trở lại với chuyện binh dây. Tôi tự cho mình có nhiệm vụ phải binh con em. Giờ ra chơi, tôi và nó đi mua đồ ăn vặt thông qua một cánh cửa sổ do Ma Sơ bán. Tất nhiên hồi đó làm gì có chuyện đứng xếp hàng. Chúng tôi chen nhau kịch liệt để được mua những cục kẹo vớ vẩn hay một mẩu cà rem đầy mùi đường và xi rô xanh đỏ. Em tôi nhỏ người, bị đám lớn hơn đẩy bật ra, tôi lấy thế là chị, hích đứa kia rồi đẩy em tôi vào lại chỗ đứng. Nếu đối thủ của tôi sừng sộ thì tôi trừng mắt nhìn nó, tay lăm lăm chực đánh nhau. Thú thật, tôi chưa từng đánh ai, tát ai bao giờ cả, chỉ làm màu thế thôi.
Khi em tôi quen dần trường lớp nhờ trường Bà Sơ Mến Thánh Giá cũng là lúc chúng tôi nhập học ở Hùng Vương. Tôi tiếp tục lên lớp 4, nó vào lớp Một êm ấm, Má dặn tôi giờ ra chơi nhớ để ý xem chừng nó. Tôi nhớ tôi hay rủ Phương Chi, con ông Luyến, giờ ra chơi đi tìm em tôi xem nó làm gì. Nhìn thấy nó tung người, tốc váy nhảy dây với đám bạn, chúng tôi yên tâm tản ra góc rừng đi bóc vỏ thông hoặc lượm những trái thông nho nhỏ về chơi. Nhiệm vụ binh dây với lại “coi trẻ” của tôi tiếp tục mãi cho đến khi tôi ra khỏi Hùng Vương năm lớp Sáu, sau biến cố 1975.

Chuyện chị em binh nhau là chuyện thường. Rất dễ để biết mình cần theo phe nào mà không chút đắn đo. Nhưng nếu hai đội banh mê mải rượt theo một trái banh thì chính kiến cần phải được xác lập ngay từ đầu, trận banh khi đó mới hồi hộp thích thú. World Cup 1982 chúng tôi phải lội mưa đạp xe đạp đến nhà anh Tinh xem ké. Tôi nhớ cái World Cup này được tổ chức ở Tây Ban Nha mà hình tượng trưng là một trái cam với tên gọi “Naranjito” Chúng tôi liền lấy ngay chữ Zito đặt cho con chó, kỷ niệm những ngày lần đầu được trông thấy dân cư dân khắp thế giới trên tivi mà không phải là dân Liên Xô hay Đông Đức! Năm ấy chúng tôi chưa lập phe chia nhóm để cổ vũ. Đi xem cũng hò hét, la bể họng với đại gia đình đông đúc của anh Tinh nhưng chưa có lập trường rõ ràng. Đến năm 1986, sóng gió ở Mexico cũng là sóng gió trong căn nhà chật hẹp ở Hòa Hưng với bạn bè cá độ ăn uống đá banh. Dạo ấy chúng tôi ủng hộ đội Pháp mặc dù Maradona của Tây Ban Nha đang là thần tượng của khắp thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Lập trường như thế là khá rõ ràng rồi. Nhưng khi Pháp gặp Liên Xô, tôi bị đứng giữa hai ngả đường. Tim bảo phải theo Pháp, nhưng tình bạn bảo nên đi theo Liên Xô. Có lý nào để mình bạn với đội Liên Xô lẻ bóng trong căn nhà tràn ngập dân Pháp thuộc? Thế là tình bạn thắm thiết làm tôi ngả lòng. Tôi phải trả giá cho sự nhập nhằng của mình bằng chầu bún chả giò vì đội Liên Xô thua đứt đuôi con nòng nọc!

World Cup tiếp theo chúng tôi đã ở bên Bỉ. Lại dốc lòng ủng hộ đội Bỉ nhưng không đi đến đâu, khí thế lúc ấy cũng kém hẳn vì chúng tôi không còn bạn bè đông đảo kéo đến cùng xem. Nhưng trận đấu nhất nhì, chúng tôi đang có mặt ở Frankfurt, nhà chị Hằng. Đội Đức đang tung mình làm mưa làm gió, chúng tôi ở giữa nước Đức cũng hưởng lây không khí náo nhiệt đó. Lúc đội Đức đá trái banh quyết định bàn thắng vô địch của mình, cửa nhà các căn chung cư mở toang, dân Đức tràn ra ban công la ó om xòm. Chúng tôi cũng nhào ra la lối, vẫy tay theo. Ngày hôm sau đội Đức về đến phi trường Frankfurt, chúng tôi xem tivi thấy thiên hạ đi đón chật đất. Trở lại về Bỉ, biết rằng đội Quỷ Đỏ thua bét, nhưng cũng được chia vui với bà chị họ vốn là công dân nước Đức, đương nhiên chúng tôi phải theo phe Đức ủng hộ tinh thần chị em.
Những trận World Cup sau này mờ nhạt dần vì dân Mỹ chưa biết đá banh là gì. Cho đến tận World Cup năm ngoái. Ngay từ đầu, tôi đã theo đội Bỉ, ủng hộ màu áo đỏ hết lòng. Dù sao đất nước đó cũng đã cho tôi một cơ hội quý báu nhất trong đời, lý gì không ủng hộ nó?  Tình hình êm thắm cho đến khi Bỉ gặp Mỹ! Cái này mới nguy khốn đây. Ở Mỹ, là công dân Mỹ theo lý tôi phải ủng hộ lá cờ với 50 ngôi sao, nhưng tôi vẫn còn nặng lòng với xứ Bỉ sương mù ẩm ướt cho nên tôi lại phải đứng giữa hai ngả đường lần nữa. Đành gởi email ra hỏi anh chị em tôi nên theo phe nào đây? Kết quả là tôi gần như đứng giữa, tâm niệm bên nào thắng tôi cũng vui, bên nào thua tôi cũng buồn! Khi ấy tôi được nghỉ nhà một tuần vì đi mổ, thế là sáng sáng chiều chiều vui buồn theo các đường banh, chẳng bỏ qua trận nào. Lần này văn minh tiến bộ hơn nên tôi skype với bên Bỉ xem chung trận Bỉ - Mỹ. Mạnh bên nào bên đó hò la, cũng vui chán. Khi Mỹ ngậm ngùi chia tay World Cup vì thua Bỉ, tôi vui buồn lẫn lộn, và vẫn chưa biết thật ra lòng mình đã ngả theo ai.
Khi World Cup đã qua, tôi trở về với đời thường với các trận đấu bóng bầu dục của Mỹ. Lần này không mang tầm cỡ quốc tế nhưng mang màu sắc các tiểu bang. Tiểu bang đầu tiên tôi đặt chân tới là Indiana, tứ cố vô thân nên đành chọn xứ bắp mênh mông làm quê hương đầu tiên vậy. Cho nên mỗi khi đội Colt của Indy gặp Cow Boys của Texas, tôi lại phân vân, lại đôi ngả biết theo ai. Vì không thể chơi trò bắt cá hai tay, giở thói ba phải ra nên tôi vẫn ngầm ủng hộ Colt của Indy, như một món nợ phải trả cho cái tiểu bang tôi định cư đầu tiên.
Các trò thể thao thì dễ tính rồi. Có lỡ theo lộn bên thật ra cũng chẳng chết ai. Nhưng chuyện này mới khó.
Tưởng tượng nhé, nếu Mỹ đánh nhau với Bỉ, tôi phải theo phía nào? Bỉ đập lộn với Việt Nam, tôi đứng ở đâu? Rồi Mỹ tuyên chiến với Việt Nam, tôi phải làm gì? Tôi hoàn toàn không có lời giải cho những câu hỏi này, chỉ thầm mong thế giới hòa bình, đừng ai đánh nhau với ai cho tôi khỏi phải đứng ở ngã ba đường, bứt hết tóc mà không biết phải làm gì.

Chọn cho mình một phía đôi khi không dễ tí nào. Tin tôi đi. Mà trong đời có khi nào mình không phải chọn một bên để theo đến cùng?

Lan Hương (Fort Worth, 08/07/2015)

No comments:

Post a Comment