Pages

Tuesday, January 26, 2016

Đêm Sa Mạc

 Đi Dubai vào giữa mùa đông , từ  sau Noel đến Tết Tây quả là một ý tưởng quá hay , để trốn cái bầu trời xám nặng như chì và những cơn mưa rả rích  của Bruxelles dịp cuối năm . Thèm khát mặt trời , thèm một tia nắng ấm áp là tâm lý chung của dân Bắc Âu này. Lúc trước tôi đành chịu trận ở nhà cầm cự, cũng may còn có  những ngày lễ tết tưng bừng, từ Noel đến Tết Dương Lịch, rồi mấy cái sinh nhật các cháu cũng đủ để qua cơn bỉ cực của mùa đông nơi đây. Nhưng năm nay, Quí và Rita không về nhà ăn Noel chung với cả gia đình được  nên tôi mới nảy ra ý định bay qua Dubai  trước là thăm gia đình, sau là tìm đến ánh mặt trời mùa đông  nơi xứ sở của sa mạc. Và nhất là đề nghị của Quí sẽ  đi camping trong sa mạc  để đón giao thừa ở đây. Ý tưởng lạ lùng và đặc biệt khiến tôi cũng nô nức muốn thực hiện ngay tắp lự! Sông biển núi đồi tôi cũng đã đi qua nhiều nơi nhiều chốn rồi nhưng sa mạc thì chưa bao giờ  đặt chân đến. Xem phim ảnh về những đồi cát trùng trùng điệp điệp với những đoàn lữ hành với lạc đà chầm chậm cất bước dưới cái nắng gay gắt, rồi cảnh khát nước cực kỳ gồm những ảo giác về một vùng oasis với cây  xanh và nước giếng mát lạnh, điều này khiến tôi trước giờ vẫn sợ phải lạc vào sa mạc chứ không bao giờ là một địa điểm hấp dẫn mình đi đến đó. Nhưng nay thì quả thật muốn phiêu lưu một chuyến xem sao . Vả lại bây giờ sa mạc cũng tân tiến rồi đầy dấu chân người chứ không phải hoang sơ như ngày xưa nữa đâu mà sợ phải chết khát giữa …sa mạc !
Từ chiều ngày 31, Qúi và Rita đã chuẩn bị lều chõng, mền gối, bàn ghế và đồ ăn thức uống các loại chất lên chiếc xe 4X4. Đã có kinh nghiệm nên hai người làm rất nhanh rất gọn, sắp xếp hết được vào trong xe. Tôi tự nhủ chỉ qua có một đêm và chỉ có ba người mà sao phải đem lắm đồ đạc đến thế. Sau này tôi mới hiểu ra là cần phải có những món ấy, không có gì là dư là thừa cả!

 
4 giờ chiều chúng tôi lên xe ra khỏi nhà, trên đường tấp nập xe cộ từng dòng trên xa lộ như những sợi spaghetti quấn vào nhau. Mọi người như hối hả mau trở về nhà như chiều 30 Tết, nhưng chợt nhớ ra đây là xứ đạo Hồi  họ đâu có ăn tết Tây như mình đâu . Thậm chí ngày chủ nhật cũng không phải là ngày nghỉ, ngày của Chúa  thì ăn nhằm gì đến Allah! Họ lấy ngày thứ sáu là ngày nghỉ để tất cả người người phải đến mosqué để cầu nguyện. Nhưng ở Dubai quá nửa dân số lại không phải là người địa phương của vùng sa mạc này mà toàn là khách thập phương tứ xứ đến đây để làm ăn và góp phần vào việc phát triển một vùng đất toàn cát với cát trong vòng hơn 4O năm đã trở thành một thành phố văn minh vào bậc nhất nhì thế giới thu hút biết bao nhiêu là tài lực và nhân công  đến đây tìm cơ hội tiến lên . Nhưng đây lại là một chuyện khác nữa , tôi chỉ muốn trở về sa mạc , mục tiêu ngày hôm nay của mình .

Cả giờ đồng hồ mới ra khỏi những con đường đầy nghẹt xe, chúng tôi hướng về phía Đông Nam của Dubai , xe cộ thưa dần và thấp thoáng xa xa  đã thấy những đồi cát nhấp nhô . Phải  đến cho kịp giờ , còn phải dựng lều sắp xếp bàn ghế trước khi mặt trời lặn lúc 5  giờ 40, và chúng tôi không thể thiếu màn đón xem mặt trời lặn trên sa mạc được ! Cảm giác hối hả sao cho kịp đến nơi trước khi màn đêm buông xuống . Trời đã về chiều , qua mấy tụ điểm cho thuê xe đạp thấy cũng còn vài xe đậu ở đây, và đã thấy con đường tráng nhựa cho xe đạp thẳng tắp xuyên qua cánh đồng sa mạc . Rời đường lộ để vào đường cát  đến địa điểm cắm trại . Quí đã đi nhiều lần rồi nên không sợ lạc , đã thuộc như lòng bàn tay mình rồi , mặc dù đôi khi gió cát sa mạc cũng làm thay đổi địa hình nơi đây và cũng có khi phải tìm kiếm vì mất  mấy điểm tựa để nhận ra đường đi .

Sa mạc đã về chiều, ánh sáng đã bớt chói chang và trở nên êm dịu hơn . Vào đến nơi cắm trại , mặc dù không xa con đường nhựa cho xe đạp bao nhiêu , cảnh vật hoàn toàn êm ắng không một bóng người . Nơi chúng tôi sẽ cắm lều là một vùng trũng lòng chảo, bao bọc bởi các đồi cát  . Xe đậu ở bên trên, cạnh một gốc cây trơ trọi . Chúng tôi bắt đầu chuyển đồ đạc xuống .
Việc đầu tiên là phải cởi đôi giầy ra; đặt chân trần xuống lòng cát còn ấm  hơi nắng mặt trời, một cảm giác sảng khoái lâng lâng chợt dâng lên . Cứ thế  mà lội vào lòng cát , chỉ hơi lún xuống dưới sức nặng của mình , sao mà êm ái lạ thường! Chẳng  bõ cho những lúc đi ra biển các nơi , đã phải đi rõ xa như bờ biển phía Nam Tây Ban Nha để tìm bãi cát thì chỉ thấy tuyền bãi sỏi, mà lại còn đen hay xám nữa chứ , làm gì có được màu vàng óng như ở đây. Nơi đây mới thật là thiên nhiên , chung quang không có bóng con người chỉ trừ 3 chúng tôi ! Thi thoảng  phải lắng tai lắm mới nghe tiếng  xôn xao  đằng xa gió đưa lại. À thì ra cũng có người cùng ý nghĩ đi cắm trại trong lòng cát như mình . Vội trèo lên ngọn đồi trước mặt phóng tầm mắt ra xa thì thấy tít nơi chân trời một nhóm hình đen đen nổi lên màu cát vàng . Mặc kệ , họ cũng ở xa mình lắm, không ai làm phiền đến ai ! Chúng tôi tiếp tục chuyển đồ đạc ra khỏi xe , dựng hai cái lều nhỏ ở một bên, và  chuẩn bị các thứ cho bữa tiệc tất niên. Rita và Quí đã chuẩn bị rất chu đáo mọi thứ , cũng không có gì lạ vì hai người hầu như cuối tuần nào cũng  đều vào sa mạc để tìm sự yên lặng sau những xô bồ ồn ào của một thành  phố không bao giờ ngủ như Dubai .

Nhìn đồng hồ đã quá 5 giờ 30, chúng tôi chạy vội lên đỉnh đồi chuẩn bị đón một cảnh sắc  tuyệt vời mà mỗi người phải trải qua một lần mới thấm hết được vẻ đẹp của thiên nhiên đã dâng tặng cho mình . Đó là hoàng hôn trên sa mạc. Đến nơi mặt trời vẫn còn to và tròn nơi chân trời, còn khá cao nhưng ánh sáng bắt đầu có màu đỏ vàng , sau đó sẽ thẫm dần dần ; Rita nói nó xuống nhanh lắm đó ! Quả thật vậy , mỗi phút ánh sáng mỗi thay đổi, nhìn xung quanh đã có màu thẫm của bóng đêm, riêng nơi mặt trời lặn ráng hồng vẫn còn cố  vươn lên , sau cùng cũng lặn xuống dần . Tôi nhớ có lần cũng ngồi ngắm hoàng hôn trên biển cả, khi đó đường chân trời là một đường thẳng tắp  phân biệt trời và biển, còn ở đây là đường nét của đồi núi nhấp nhô .Chỉ vài phút là ánh sáng cuối cùng đã tắt để lại sa mạc êm ắng với sắc màu của màn đêm đang bắt đầu .Tôi tự  nhủ ngày mai sẽ là một ngày khác , và một năm khác  , một năm mới ,  Bonne Année !

Trở lại lều , Quí bắt đầu nổi lửa trại lên. Củi đã mua sẵn và mang theo, chứ không thể tìm thấy củi trong sa mạc mà nhóm lửa đâu ! Trong ánh lửa bập bùng cháy, chúng tôi sửa soạn bữa tiệc đón năm mới. Thức ăn đã chuẩn bị sẵn, nào là tôm cỡ đại mua ở chợ cá hôm trước , đùi gà nướng , salade trộn và nhất là món foie gras Rita tự làm lấy. Chúng tôi mở chai champagne và cùng nâng ly đón mừng một năm mới sắp đến . Cũng không cần phải chờ đến 12 giờ đêm đâu , sẽ chẳng có pháo hoa nổ ngập trời nhưng trái lại chúng tôi lại có ngàn vì sao  lấp lánh trên đầu mình .

Bữa tiệc xôm tụ giữa lòng sa mạc dưới ánh lửa bập bùng mới ấn tượng làm sao ! Thức ăn ngon đã đành , nhưng tuyệt vời nhất là cảm giác mình ta một cõi giữa trời mênh mông . Tôi đang tiếc nếu biết trước đã mang theo vài quả bắp cho vào lò nướng , hay mấy củ  khoai lang vùi vào than hồng , sau đó vừa gặm bắp nướng , hay bóc khoai nướng thơm lừng , vừa chuyện vãn rôm rả thì  sẽ còn tuyệt đến đâu nữa chứ ! Lần sau phải bảo Quí chuẩn bị thêm món khoai và bắp nữa .
Ban đêm sa mạc khá lạnh , ai cũng bảo vậy. Rita cũng sợ bị lạnh nên đã chuẩn bị một đống chăn bông, túi ngủ , áo len và vớ len dầy . Ngồi khoác áo len bên bếp lửa hồng , có ai nghĩ là mình đang ở giữa sa mạc không ? Lại hồi tưởng về những lần đốt lửa trại ở Dalat hay lúc canh bánh chưng ngày Tết  ở nhà mình hồi xưa , cũng tí tách lửa reo , cũng cái không khí se lạnh của thành phố núi về đêm .
Hôm nay không phải là rằm, không thấy trăng đâu, chắc chưa mọc. Nhưng khi màn đêm đã thực sự buông xuống , tôi chợt nhìn lên bầu trời thì chao ơi , phải nói là choáng ngợp với ngàn vì sao đang lấp lánh . Lần đầu tiên , trong một tích tắc tôi đã nhận ra ngay  Ceinturion vói cái đai và lưỡi kiếm bên cạnh, chùm sao Pleiade, chùm sao hình chữ W, những thứ mà Quí đã nhiều lần chỉ cho chúng tôi khi trời đêm trong không có mây ở Clabecq mà chị em thì cừ ờ ờ mơ hồ không biết có thấy thật không nữa! Nhưng ở đây thì nó rõ mồn một. Sao ngập trời, cảm giác choáng ngợp vì tinh tú sao mà nhiều quá và sáng quá như thể mình đang ngụp lặn trong chốn ngàn sao ấy . Ngoài ánh lửa bập bùng dưới chân , không còn một thứ ánh sáng nào hết cho nên trời sao mới sáng rõ như vậy . Cảnh tượng tuyệt vời, hỏi sao không có kẻ lãng mạn muốn bay lên đến tận nơi! Và lại chợt nhớ đến truyện Cậu Hoàng Con. Từ khi bước chân vào sa mạc tôi thường nghĩ về cậu bé lạc lõng trong sa mạc , những đường chân trời cậu tìm kiếm, cây baobab trên hành tinh của cậu và cuối cùng khi cậu quyết định giã từ trái đất  để trở về nhà, tức là một trong những vì sao lấp lánh trên kia .Thế mới hiểu thấm được làm sao ngàn sao lại là tiếng cười trong vắt như thủy tinh của cậu Hoàng Con của Saint Exupery !


Lửa đã tắt , trời đã tối đen , vẫn chưa đến 12 giờ  đêm nhưng mọi người quyết định phải chui vào lều đi ngủ thôi . Chui vào túi ngủ đắp thêm một cái chăn bông dầy cộm, tôi đã nằm êm ấm trong cái lạnh của trời đêm sa mạc, cảm giác thật bình yên và an toàn . Một đêm lặng lẽ qua đi .  Không biết bao lâu sau tôi giật mình tỉnh giấc , không phải vì tiếng động gì mà vì …nóng quá , toát mộ hôi trong cái túi ngủ ! Đành phải chui ra khỏi túi và chỉ đắp một cái chăn thôi . Sờ lên mặt chăn thấy mát lạnh , vậy mà bên trong tôi nóng gần chết !  Nhìn ra ngoài trời , ngạc nhiên thay, không phải là bóng đêm dầy đặc mà là một thứ ánh sáng huyền hoặc đang tỏa xuống mọi cảnh vật . Tôi vội chui ra khỏi lều ; thì ra là ánh trăng  đang chiếu rọi xuống lòng sa mạc . Trên trời chỉ là nữa vầng trăng thôi vì không phải ngày rằm mà ,  nhưng trăng vẫn sáng vằng vặc . Thật đẹp !
Trong cái se lạnh về đêm và dưới ánh trăng đêm, tôi đi dạo lên tận đỉnh đồi cát, hoàn toàn yên ắng, một bên trời là sao lấp lánh, bên kia là trăng sang vằng vặc, thứ ánh sang lạnh mà huyền hoặc mơ hồ soi lên những đồi cát xung quanh. nhìn xuống là hai cái lều nhỏ xíu như hai cái dấu chấm, cảm giác yên bình làm sao! Ngồi một lúc nhìn đồng hồ đã 4 giờ sang, tôi trở xuống lều và đi ngủ tiếp trong đống chăn bông êm ái.
Khi thức giấc thì trời đã sáng. Uổng quá không thức kịp để xem mặt trời mọc. Quí nói không đẹp bằng mặt trời lặn, khỏi tiếc làm gì. Mặt trời buổi sáng cũng êm dịu cứ không gắt gao như tôi tưởng, vẫn còn phải đi vớ và mặc áo len, cái lạnh của đêm qua mặt trời chưa đuổi đi hết. 


 
Sau bữa điểm tâm với bánh mì bơ và cà phê sữa nóng , chúng tôi bắt đầu đi dạo quanh vùng . Là những đồi cát lên xuống , những đường cong uốn lượn tùy theo tốc độ của gió , những nếp nhăn trên cát lúc dọc lúc ngang khiến mình ngần ngại không dám bước chân qua , sợ xóa đi mất một bức tranh  tuyệt đẹp mà thiên nhiên đã vẽ lên . Rất nhẹ , rất khẽ , bước chân trên cát vàng êm ái lạ thường . Thỉnh thoáng có một gốc cây với loại lá tròn và dầy,  gốc cũng cằn cỗi không biết đã đứng ở đây từ bao giờ , mà qua năm tháng vẫn trụ lại được nơi đây trong khi các đồi cát thì di chuyển không ngừng . Màu nắng trên cát cũng thay đổi luôn , tùy vị trí hình học với tia sáng mặt trời, lúc màu vàng , lúc màu hồng , lúc màu tím hay trắng chói lòa khi mặt trời xuyên thẳng vào. Cứ thế mình có thể đi mãi đi mãi trong sa mạc . Tự nhiên tôi không còn cảm giác sợ hãi  sa mạc như khi trước nữa với những cảnh khát nước đến chết người và  những de dọa của ảo giác mirage  trong các phim ảnh . Tự nhiên thấy gần gũi thân thương , như đã cảm nhận được những gì thiên nhiên đã tặng cho mình, dĩ nhiên là vì mình cũng yêu thích thiên nhiên lắm lắm .


Qua một đêm trong sa mạc là một trải nghiệm thật tuyệt vời , vội ghi lại vài dòng cảm xúc để chia xẻ với mọi người  , mong rồi ai đó cũng sẽ có lúc được trải qua những phút giây tuyệt vời này ;  và cũng để cảm ơn Quí và Rita đã cho tôi một cơ hội  hiếm có.






Tố Mai  ,

Bruxelles , 27/1/ 2016 

Monday, January 25, 2016

Tham Sân Si


Bà giận ngôi chùa nhỏ, không đến thắp nhang cả hơn năm nay. Khi được hỏi tại sao, bà buồn rầu “Tại Ông Thầy tham lam quá!” Người nghe giật mình. Sao bảo những người đi tu không còn sân si? Sao bảo những người khoác áo tu hành cho nhiều hơn là nhận?

Chùa nhỏ của bà chỉ một ngôi nhà bình thường nằm giữa mảnh đất khá rộng rãi. Nó đã được sửa sang, tu bổ nhiều, chỉ phần bếp được giữ lại, còn thì phòng khách phòng ngủ đã được đập tường biến thành chánh điện. Bên trong hơi chật nhưng vẫn đủ chỗ cho vài chục Phật Tử quỳ lạy khấn vái. Mãi sau này khi chùa có tiền, hàng hiên bên hông nhà trở thành nơi nấu nướng mỗi cuối tuần, rồi rợp mái tôn, kê thêm bàn ghế, mảnh sân sau thành chỗ ngồi ăn uống cho tín hữu sau khi tan lễ tụng niệm. Riêng sân trước cửa chùa, xếp hàng dài dài khoảng hơn 30 bức tượng Phật trắng toát, bức nào như bức đó, đúc từ một khuôn. Đó là do các Phật tử hảo tâm cúng dường, tặng cho chùa tượng Phật bằng thạch cao để lấy công đức. Dân Mỹ đi qua mắt tròn mắt dẹt ngạc nhiên, chưa từng thấy sân nhà nào có kiểu thiết kế vườn tược lạ lùng như thế. 

Ngày thường chùa không đông, nhưng Chủ nhật Phật tử dập dìu ra vô, xe đậu chen chúc trong mảnh đất trống cạnh chùa hoặc đậu bậy bạ ngay đàng trước cửa. Cảnh sát đi dẹp mấy lần, phát giấy phạt mỏi tay nhưng thân chủ đánh liều, nếu không thì không biết vứt cái xe đi đâu để mà rảnh tay thắp nhang khấn vái? Hàng xóm hai bên kêu rên vì mùi nhang khói,  vì người người nhộn nhịp tấp nập, vì mùi đồ ăn thức uống xa lạ phảng phất trong không khí, vì tiếng Việt ơi ới gọi nhau đầu ngõ cuối ngõ, lên bổng xuống trầm. Cứ như thế quanh năm suốt tháng. Đến dịp Tết, Phật Đản hay rằm tháng Bảy, nhang khói nhiều hơn, bếp núc khói lửa bập bùng nhiều hơn, bầu không khí lại càng đậm đặc hơn, “đầu đen” đổ về nhiều hơn, cảnh sát hai ba xe bật đèn nhấp nháy, cứ như  đang có án mạng đẫm máu đâu đó. Cộng thêm màn múa lân xập xình, phèng la inh ỏi điếc tai, trống gõ boong boong long tóc gáy, hàng xóm chào thua, đành ngậm ngùi bán nhà ra đi, không địch nổi với lòng thành tâm hướng về Đạo Pháp của đám cư dân xứ lạ. Chùa bèn manh nha muốn mua hai ngôi nhà hai bên để cơi chỗ.

Mà muốn mua đất mua nhà thì phải có tiền. Đây là lúc bà bắt đầu nghi ngờ màu áo vàng cà sa Thầy mặc và phán “Thầy tham lam quá!”.

Hộp cúng dường của chùa rất khiêm tốn, nằm nép một bên tượng Phật Bà Quan Âm ngay nơi cửa ra vào chánh điện. Phật tử cũng siêng năng bỏ tiền vào, nhưng người năm bảy đồng, người vài chục, không đều. Chùa không như bên Tin Lành, cắt béng 10 phần trăm tiền lương, ai cũng như ai, khỏi thắc mắc kiện tụng. Chùa tùy tâm tùy hỉ cho nên thu nhập của chùa thất thường, khi có khi không. Mà bây giờ hai mảnh đất hai bên đang rao bán, chùa không mua, sợ người khác mua mất nên ban Trị Sự bắt đầu xắn tay áo vào cuộc.

Thường các ngày chủ nhật, chùa bán đồ ăn chay do Phật tử tự bỏ tiền túi ra đi chợ, tự bỏ sức ra nấu nướng, tự bỏ thì giờ ra đứng bán. Tiền thu được nộp vào hết cho quỹ của chùa. Những người làm công quả như bà hỉ hả ra về, coi như công mình bỏ ra vừa mang đức về cho con, cho chính bản thân mình, mà còn có lợi cho chùa chiền nữa. Không biết bao nhiêu cái chủ nhật bà túi bụi với nấu với nướng, với rửa bát xắt rau. Hôm nào có con cháu lên thăm, bà mua thêm dăm hộp gỏi chay, đồ xào chay đem về cho chúng ăn, một công đôi chuyện. Rồi cảm thấy chưa đủ, bà bắt đầu nói về kế hoạch mở chùa cho con nghe, say mê, hào hứng. Con nghe xong dúi vào tay bà ít tiền bảo để con góp phần. Ngày Tết đến, bà kéo con cái về chùa của bà thắp hương. Con cháu bà lạy Phật xong mang tiền cho vào hộp cúng dường, ủng hộ ngôi chùa nhỏ của bà hết mình. Bà khấp khởi mừng trong lòng.

Nhưng như muối bỏ biển. Tiền thu vào vẫn thiếu hụt. Nhìn sang phía nhà thờ mà phát thèm, các Cha bên đó chẳng lo vấn đề tiền nong như bên này, nhà thờ vững mạnh theo năm tháng nhờ tín đồ đông  đảo hơn, giàu có hơn, cho nhà thờ cả bạc ngàn mà mặt lạnh như tiền. Chùa nghèo, đạo hữu nghèo nên mới phải chi ly, thu vén đi tìm từng đồng. Khổ cái chùa chỉ bán toàn đồ chay. Chẳng bù cho bên nhà thờ, những dịp Tết về họ kiếm không biết bao nhiêu tiền từ những chiếc bánh chưng, đòn bánh tét. Đón Tết thiên hạ rộng lòng, hỉ hả mua bánh phần ăn phần đem cho. Ăn chay chỉ có người theo đạo, người thường khát món mặn cho nên trong khi nhà thờ gói bánh bán bánh không kịp, chùa chỉ có bán bánh tét nhân chuối, con cái nể nang mua giùm ba bốn cái là nhiều lắm rồi.

Ban Trị Sự quyết định kiếm tiền cách khác, phải mời ban nhạc ở Cali về kiếm tiền gây quỹ cho chùa. Thầy đắn đo, chùa là chốn tu hành, tu tâm dưỡng đức, ban nhạc về đánh trống thổi kèn ầm ĩ, sao còn ra cửa chùa yên tĩnh nữa? Trị Sự bảo không làm như thế không có tiền Thầy ạ. Chỉ có ban nhạc mới thu hút được mọi người mọi giới đến cửa thiền mà thôi. Nhất là các ca sĩ nếu bảo đi hát lấy tiền cho chùa, thường là họ hát không phải trả tiền cát sê, còn các khoản vé máy bay, ăn ở, Phật tử chia nhau lo đâu vào đấy. Thầy hỏi sao lại là ca sĩ Cali xa xôi quá, Trị Sự nhỏ nhẹ bụt nhà không thiêng, thưa Thầy. Văn nghệ cây nhà lá vườn không ai thèm mua vé đi xem, ấy thế mà chỉ cần nghe ca sĩ có chút tiếng tăm từ Cali sang là bao nhiêu tiền cũng bỏ ra. Thiên hạ muốn được thấy tận mắt, sờ tận tay thần tượng của mình mà lại. Thầy chép miệng đành gật đầu.

Bà và dăm người nữa rít lên, “Còn ra cái thể thống gì nữa? Mời phường chèo về múa sân chùa như thế ư?” Bà không dám sơn móng tay, móng chân đi chùa, sợ sặc sỡ quá, phô trương quá. Gặp cô nào điệu đàng lỡ bôi mắt xanh môi đỏ, hì hụp khấn vái, các bà háy mắt hích nhau “Con cái nhà ai thế? Bảo nó lên chùa thì chùi mặt sạch trước đi đã”. Các bà khoác áo lam sòng, đơn giản như đạo như đời, không chịu nổi cảnh quần lòe áo loẹt ngồi tĩnh tâm. Bây giờ rước luôn ban nhạc về, ca sĩ làm sao lên sân khấu mà không kẻ mắt bôi môi, trát phấn, dù rằng có hát giữa ban ngày, dưới ánh nắng mặt trời chói chang? Rồi chẳng lẽ hát mà không cho họ nhún nhảy, uốn éo trên đôi guốc cao vút? Bắt họ đứng nghiêm như chào cờ để hát bài “Tình cho không biếu không” thì còn ra cái gì? Thêm nữa ca sĩ phải hát những bài tình ca diễm lệ, chia tay nhau ướt đẫm nước mắt từ đầu bài đến cuối bài, thiên hạ mới huýt gió vỗ tay, ca nhạc Việt Nam vốn chẳng có bài nào kiểu “sắc sắc không không ” huyền ảo thấm đậm triết lý nhà Phật cả, cho nên ca sĩ muốn hát bài gì thì phải chịu thôi, ai mà quản nổi. Các bà kéo nhau lên gặp ban Trị Sự. Ban Trị Sự điềm nhiên bảo nếu các bà không muốn thuê ban nhạc thì bỏ tiền túi ra bù vào khoản này để xây chùa. Đấy, cần chừng này, chừng này, các bà lo được thì chúng tôi khỏi phải gọi điện thoại năn nỉ ỉ ôi mời ca sĩ, rồi đi đưa đi đón, lo chỗ ăn chỗ ở, chúng tôi khỏi phải in vé, phát vé, đi bán lấy tiền. Trăm chuyện phải lo chứ đâu có dễ ăn? Các bà tuổi đã đều trên sáu mươi, tóc bạc, da nhăn, bà nào còn lái xe được là ngon lành lắm rồi, không thì nhờ vả con cháu chở đi chùa cuối tuần cũng khổ lắm, các bà lại còn sống bằng tiền chính phủ trợ cấp cho người già, tiền con cái cho, tiền túi để dành được đồng nào thì các chủ nhật đã mang đi chợ nấu ăn cho chùa, đào đâu thêm tiền để xây chùa  bây giờ? Các bà đuối lý đành lủi thủi ra về, mặc cho ban Trị Sự bắt đầu gọi người tới dựng sân khấu.

Được dăm lần dựng sân khấu như thế, chùa mua được mảnh đất bên tay trái, đã phá tan được căn nhà cũ, san móng xây sửa thành bãi đậu xe đàng hoàng, Phật tử khỏi lo bị cảnh sát phát vé phạt đậu xe bậy bạ. Mảnh đất bên tay phải vẫn còn cắm bảng rao bán chờ chùa có tiền. Thầy không còn hấp háy mắt mỗi khi ban Trị Sự bàn nên mời ban nhạc nào về để thu hút đông người đến nhất nữa. Riêng bà vẫn đều đặn, kiên nhẫn đến chùa mỗi chủ nhật, góp phần công quả nhỏ nhoi của mình vào việc nấu đồ chay, bán được đồng nào hay đồng nấy cho chùa. Rảnh tay bà khoác áo lam lên đọc kinh trong chánh điện,quỳ gối thành tâm trước tượng Phật hiền lành nhìn xuống nhân gian.

Một hôm bà đi về, mặt mũi đỏ gay, thở không nổi, nói không ra hơi. Con cái xúm vào đổ nước, quạt mồ hôi, bàn nhau gọi xe cấp cứu chở bà vào nhà thương. Bà khoát tay thều thào “Tao không sao. Tao chỉ tức Ông Thầy…” Mãi sau bà mới thốt lên được “Đi tu sao còn tham lam quá vậy chớ. Bao nhiêu tiền với của với công đổ vào chùa mà không bao giờ đủ cho Thầy!” Thì ra vì mấy ngàn đồng Phật tử đưa cho, sẵn sân khấu, sẵn bếp Thầy cho Phật tử mượn chùa làm đám cưới. Đôi trẻ trao nhau nhẫn cưới dưới chân Phật từ bi, họ hàng bạn bè hai bên thay phiên nhau thắp nhang mờ mịt cả chánh điện. Đám cưới không thể đãi ăn chay nên mùi thịt, mùi cá từ bếp xông lên khu thờ phượng. Ban nhạc bắt đầu so dây đập trống gảy đàn. Các bàn tiệc bắt đầu “Dô dô nâng ly mừng cô dâu nè, mừng chú rể nè, mừng hai họ nè”, hò hét om xòm cả một góc chùa. Được vài cuốc uống mừng như thế thì đám trẻ bắt đầu nóng máu, rủ nhau ra nhảy. Nhưng mảnh sân trước sân khấu đã đầy kín những bàn với ghế, chúng nhìn quanh chỉ thấy còn mỗi chánh điện sàn cẩm thạch bóng loáng, bèn kéo vào. Phật ngồi mỉm cười hiền hòa nhìn đám trẻ nhảy nhót từ valse đến cha cha cha, đổi sang rumba rồi disco, rồi slow rồi rock-n-roll, rồi chicken dance, không thiếu mục nào. Một đứa treo ngay ngọn đèn xoay đủ màu đủ sắc lên giữa trần nhà, không khí náo nhiệt hẳn. Bây giờ không chỉ có đám trẻ, giới trung niên sau chừng ba lần chén chú chén anh cũng kéo vào. Chánh điện chật chội, kinh kệ được xếp gọn vào một góc, rộng chỗ cho thiên hạ giơ tay giậm chân, hỉ hả. Đúng là đám cưới ra trò.

Mặt Phật chốc đỏ chốc xanh, chuyển từ vàng sang trắng, từ trắng sang tím, nhấp nháy, lung linh mọi sắc màu mỗi khi quả đèn cầu xoay tít. Và Phật vẫn khép hờ mắt, mỉm cười độ lượng.

Hôm đó bà đi ngang qua có chuyện cần ghé vào, trông thấy Phật điềm nhiên bấm ngón tay, ngồi thế hoa sen tọa thiền giữa đám người nhảy nhót như phát rồ thì bà lên cơn cao máu, chóng mày chóng mặt muốn xỉu. Bà chạy hộc tốc về nhà và giận chùa, giận Thầy từ đó đến bây giờ. Khi hoàn hồn bà bắt đầu gọi các “chiến hữu” kể những điều tai nghe mắt thấy. Các bà lại kéo nhau đến gặp Thầy, gặp ban Trị Sự. Thầy lúng túng bảo hôm đó Thầy đi vắng, không ở chùa nên không biết có chuyện gì. Riêng mẹ cô dâu kiêm thành viên chính trong ban Trị Sự quắc mắt bảo chừng đó tiền đem xây gian nhà nhỏ để Thầy ở cho đàng hoàng, Thầy có an cư thì mới vực được đạo, sao các bà không hiểu? Không có tiền lấy đâu ra mà xây với sửa, với lại mở chùa cho to cho lớn? Nào, ai ngon bỏ chừng đó tiền ra tôi xem cái? Các bà bị dồn vào thế bí, rủ nhau bỏ chùa, dễ hơn là đương đầu với lý lẽ của đồng tiền.

Nếu có hỏi thăm bà về ngôi chùa bà đã từng đều đặn đi lễ, đi làm công quả cả hơn mười năm nay, không thiếu một ngày chủ nhật, một ngày lễ Tết nào, bà chỉ thở dài. Bà nhớ có những cái Tết thay vì đến nhà con cháu, bà hy sinh đến chùa để đứng nấu rã cả chân rồi đứng bán hàng mỏi cả gối, làm cho các con phát giận, bảo ngày Tết ở đây có mỗi một ngày, mẹ không buông chùa ra, sum họp gia đình được à. Có những hôm trời mưa gió lạnh lẽo, không bao nhiêu người đến viếng,  chùa vắng vẻ lạnh tanh, bà vẫn lặn lội đến tận nơi nấu nước thắp nhang cho chùa ấm cúng. Bây giờ bà đi lễ ở ngôi chùa khác, lớn hơn, giàu có hơn, đông Phật tử hơn. Nhưng ban Trị Sự không cần bà đến làm công quả nữa, họ đã dư người rồi. Bà chỉ đến thắp nhang, tụng kinh, ngồi hết buổi lễ rồi ra về. Trong lòng thấy thiếu thốn, hụt hẫng. Như thể bà chưa làm tròn một điều gì, cho chính bản thân mình, cho chính niềm tin của mình. Con cái bảo mẹ lớn tuổi rồi, nghỉ ngơi thôi, đi công quả làm gì cho mệt. Chúng không hiểu, khi làm việc thiện nguyện cho chùa, bà cảm thấy mình gần với Phật hơn là lúc bà ngồi gõ mõ, lần tràng hạt. Bà lăn lộn với ngôi chùa nghèo biết bao năm, từ lúc chùa chỉ là ngôi nhà ba gian trống huơ trống hoác, cho đến khi sân trước của chùa tượng Phật trắng toát xếp hàng đều đặn, bên hông chùa đã có hòn non bộ với dăm con cá vàng để con nít ra xem trầm trồ, thọc cả tay xuống nước thử vớt cá lên chơi. Chùa có lớn có mạnh, bà mới cảm thấy công lao mình đổ vào không uổng phí. Về với chùa lớn, bà cảm thấy lạc lõng, vô tích sự mặc dù Phật vẫn nhìn bà từ trên cao, hiền từ, tha thứ và khoan dung.

Phật ở trong tâm, bà tâm niệm như thế để giữ mình không bỏ nốt ngôi chùa mới này.

Lan Hương

Fort Worth (01/25/16)

Friday, January 15, 2016

Hồ Nước Mặn



SnowBird
Salt Lake City của Utah được biết đến không phải vì những khu trượt tuyết nổi tiếng bao quanh thành phố, hay thậm chí cái hồ to đùng được gọi là Hồ Nước Mặn – Great Salt Lake, mà là vì “Vương Cung Thánh Đường” The Church of Jesus Christ of the Latter-day Saints của đạo Mormon tọa lạc ở đây. Nói cách khác, đó miền đất thánh của các tín hữu Mormon trên toàn thế giới. Nếu người Thiên Chúa Giáo vọng về Jerusalem, người Hồi Giáo đau đáu với Mecca thì người Mormon một lòng hướng tới Vương Cung Thánh Đường này.  Nhưng nhà mình vốn chẳng rõ ràng cho lắm về chuyện tâm linh các loại, về chuyện đạo đời, nên đến Salt Lake City mùa đông năm nay chẳng phải vì Temple Square rộng mênh mông, Thánh Đường cao vút giữa trời xanh, mà là vì nghe theo tiếng gọi của các đường trượt tuyết diễm lệ ở SnowBird, Brighton, SnowBasin, Alta, Park City, Deer Valley….

Khoảng đầu tháng 10, sau khi bỏ công nghiên cứu hiện tượng El Nino xem tuyết sẽ rơi sớm ở vùng nào, nhà mình quyết định đến Salt Lake City. Hai tuần trước khi đi, vé thì đã mua, nhà thì đã mướn, mà tuyết chỉ rơi lất phất gọi là trên rặng núi Cotton Wood Canyon, mình đâm lo, không biết Nha Khí Tượng của Mỹ có lầm lẫn gì không đây. Trong khi ở New Mexico bão tuyết ào ào, Angel Fire gởi email cho mình hàng ngày báo cáo bao nhiêu inch tuyết, bao nhiêu đường trượt đã mở, làm mình sốt cả ruột. Tự giận mình mắc gì phải đi xa đến thế, mắc mớ gì phải theo đuối cái El Nino như vậy. Thế rồi đúng một tuần trước khi lên đường, cơn bão tuyết lịch sử đổ vào vùng núi Utah, kéo dài sang tiểu bang Wyoming. Trong một ngày, tuyết rơi hơn 15 inches, rồi ngày tiếp ngày, tuyết liên tục đổ lên Utah. Dân đi ski mừng hú vía, dân địa phương méo mặt. Chả bù cho năm ngoái, giữa mùa Noel, nhiệt độ của Salt Lake City lên đến 50 độ F, các ski resorts phải phun tuyết giả phèo phèo ngày đêm, khốn đốn giữ cho tuyết khỏi tan và đến cuối tháng 3 họ đành ngậm ngùi đóng cửa sớm.

Quay lại Salt Lake City, nơi bọn mình  mướn nhà để có thể “bắn” đến các khu trượt tuyết khác nhau, như mọi thành phố tiêu biểu của nước Mỹ, nó được bao bọc bởi  hệ thống xa lộ ba bốn làn đường, building cao ngất ngưởng trong khu downtown, một bên là núi trùng trùng điệp điệp, bên kia bằng thính với cái hồ đâu đó. Trời mùa đông xám màu chì, cây cối trụi lá, thành phố nhìn chán ngắc. Hy vọng đến mùa xuân hay mùa hè, màu xanh của lá làm những khối nhà bê tông đỡ phần xấu xí chăng? Salt Lake City hay còn được gọi là Kids City, chuyện này mình mới biết nhờ ngồi cùng ghế ski lift với một ông già lắm chuyện, ông ta nói  ngoại trừ những chuyến bay đến các thành phố có Disney Land, Disney World đầy nhóc con nít, những chuyến bay đổ đến đây cũng ngập thành phần nhi đồng. Thấy mình ngạc nhiên, ông ta buông gọn lỏn, Mormon mà. Mà đúng thật, trong cả chuyến đi lẫn chuyến về, mình lọt thỏm vào giữa khoảng ba bốn gia đình con cái nheo nhóc, kêu khóc như ri, hoặc bắn games ầm ĩ suốt 3 tiếng đồng hồ. Cư dân ở đây không theo tiêu chuẩn hai vợ chồng hai đứa con mà gia đình có ít nhất bốn đứa. Tỷ lệ sinh sản của Utah luôn luôn cao nhất nước Mỹ. Mình nghĩ trộm, muốn tôn giáo thêm đông đảo tín đồ, không gì bằng đông con. Bố mẹ theo đạo nào, con theo đạo nấy, cho đến khi chúng lớn, mọc lông mọc cánh ra riêng, khi đó chúng sẽ tự quyết định tiếp tục giữ đạo cho khỏi mệt, đỡ cãi nhau với đấng sinh thành, hoặc chúng đổi đạo, đổi đời, đi biến luôn.



Thánh đường của Mormon tọa lạc trên một khu đất rất rộng mênh mông, bao gồm vô số những tòa nhà khác nhau, gọi là Temple Square. Đến đây thăm thú, du khách được lùa vào một trong những tòa nhà đó, rồi khởi sự đi vòng vòng tìm hiểu lịch sử của đạo qua những mô hình, hình ảnh. Khoảng nửa tiếng sau, một tín đồ đến dẫn từng nhóm nhỏ đi thăm thú riêng, mọi thắc mắc xin cứ hỏi tín hữu này, người cứ lăm lăm đòi đổi đạo cho tất cả mọi người ngay tắp lự. Mình chỉ thẳng vào tòa nhà lộng lẫy nhất, The Church of Jesus Christ of the Latter-day Saints, đòi vào bên trong xem, tín đồ cười ruồi, bảo chỉ có theo đạo mới được vào. Mình nhủ thầm, chẳng bằng đạo Thiên Chúa hay đạo Phật, cửa nhà thờ, cửa chùa luôn rộng mở cho thập đạo bá phương, chẳng ai đứng ngoài cửa lục vấn thế có đạo hay không đấy rồi mới cho vào xem. Hay cứ như đạo Hòa Hảo Cao Đài nhà mình, Chúa, Phật và Victor Hugo yên ấm hòa bình bên nhau dưới một con mắt nhìn suốt trần gian. Cứ tưởng thăm thú cho thỏa trí tò mò thế là xong, ngờ đâu về đến tận Texas, tín đồ còn gọi điện thoại, hỏi có thắc mắc gì không, có muốn tìm hiểu thêm gì nữa không. Tín đồ có nằm mơ tới Tết Công Gô mới hòng đổi được đạo của mình qua đường dây điện thoại như thế.

Mormon hùng cứ một phương, Thiên Chúa không chịu thua. Cách Mormon Temple khoảng 2 dãy đường, lừng lững Thánh đường Cathedral of the Madeleine và Cathedral Church of St. Mark  bề thế và uy nghiêm. Các đạo hữu ở đây cũng đi ra đi vào rầm rập, khí thế lắm. Tự ngẫm bản thân mình chỉ biết cúng giỗ ông bà, đi chùa mỗi một lần vào đầu năm, cho nên không ghé vào các nhà thờ này làm gì. Vả chăng, mỗi lần về Bỉ, không có chuyến nào mà mình không ghé vào một cái nhà thờ cổ kính nổi tiếng nào đó. Không khéo mình đặt chân vào nhà thờ nhiều hơn là đến cái chùa Hương Đạo ở Fort Worth này.

Chán các loại đạo, cả nhà quyết định đến Utah State Capitol nằm trên đỉnh một ngọn đồi. Đứng ở đây, có thể nhìn thấy  vùng núi Little CottonWood Canyon nơi có Park City, Deer Valley ski resort, hay Big CottonWood Canyon, nơi ẩn náu của Alta, Snow Bird, Brighton và Solitude. Nhìn xuống chân đồi là thành phố Salt Lake, nhưng không thấy được cái hồ to đùng được vẽ màu xanh đậm trên bản đồ. Trên đường đi đến Snow Basin, nhìn vào GPS mình thấy cái hồ sát cạnh bên, nhỏm người nhìn qua cửa sổ xe thì chẳng thấy gì cả. Có lẽ trời mù, tuyết, băng giá làm cho mình nhìn hồ mà cứ tưởng vẫn là những cánh đồng bằng phẳng bất tận chăng? Capitol của Utah lộng lẫy, hoành tráng lắm, không như Capitol ở Austin, nhỏ nhắn khiêm tốn hơn nhiều. Các ông các bà nghị sĩ làm việc ở đây thích chán, có thể ngắm bình minh trên rặng CottonWood hay hoàng hôn xuống trên những nóc nhà thờ của Thiên Chúa hay của Mormon, nếu họ có thì giờ. Mình đến thăm vào một ngày cuối năm, lúc mười giờ sáng, Capitol vắng như chùa bà đanh, tuyết ngập khắp nơi. Đánh một vòng quanh khuôn viên, mệt bở hơi tai vì đường trơn đóng băng, chẳng ma nào dọn đường cho du khách. Gặp một ông già dẫn chó đi  dạo, ông ta chỉ vào hàng cây khô cằn, buồn hiu, không một chiếc lá, bảo mình mùa xuân ở đây đẹp lắm, những cây mai này sẽ nở hoa trắng rợp một góc trời. Nhìn bầu trời xanh biếc ngăn ngắt, tiếc rằng mình chẳng đến vào mùa xuân.



Nhưng mục đích của chuyến đi của nhà mình không phải là Salt Lake City mà là những đường trượt tuyết của các khu resorts quanh đó. Đầu tiên là Brighton. Cách đây khá lâu, khi còn là tay mơ chỉ dám ôm những đường màu xanh lá cây mệnh danh Baby Slopes, cả nhà đã đến Utah cho một mùa ski rồi đó chứ. Mình nhớ sau khi đánh nhau vất vả với Alta và Snow Bird, mình thở dài nhẹ nhõm với những con dốc đỡ chóng mặt của Brighton. Lần mò theo ký ức, mình quyết định cả nhà phải đi lại chỗ này. Nhiệt độ ngày hôm đó rất lạnh, khoảng  4 độ F, mà theo khoa học thì nước đóng băng ở 32 độ F đấy nhé. Ngồi trên ghế ski lift răng va vào nhau lập cập, nước mắt nước mũi bắt đầu rỉ rả. Đã thế lại đòi lên núi cao nhất cho nên vừa ra khỏi ghế là cả lũ vội vàng tuôn thẳng xuống chân núi cho ấm. Lên xuống một ski lift mãi cũng chán, hai vợ chồng mình tìm đường sang núi bên cạnh. Bây giờ trình độ ski có khá khẩm hơn nên những con đường cắt ngang những triền núi đối với bọn mình là những “cat walk”, đường mèo đi, hơi bằng phẳng, phải dùng gậy chống chèo lấy chèo để mới tiến tới được. Lũ đi snowboard thì đã tháo quách board ra, vác trên vai đi cho nhanh, đám đi ski lạch bạch mãi mới thoát. Nếu là mình, mình sẽ đặt tên là đường Vịt Đi. Nếu không muốn mỏi tay chèo chống, phải biết trước nó nằm chỗ nào đặng lấy trớn phóng từ trên cao xuống với một vận tốc kinh hồn may ra lướt qua được khúc “mèo đi” này. Trên đường băng sang ngọn núi bên cạnh, gặp hai ông con vác ski vác board trên vai đi ngược về, bảo bên đó đông như gì, mà toàn là đường “mèo đi”, ba mẹ ở bên này vắng, đường dốc dễ đi hơn. Thế mới biết khi bắt đầu vào trò, toát mồ hôi hột với đôi giày ski nặng trình trịch, lọng ngọng với hai cái ski chỉ chực tréo vào nhau làm mình ngã bổ chỏng, những đoạn dốc của Brighton mới êm ả làm sao! Còn bây giờ hùng dũng đứng trên những đường trượt mang màu xanh da trời, bắt đầu chê ỏng chê eo những đoạn màu xanh lá cây êm ái rồi.


Ngay bên cạnh Brighton là Solitude, cái tên làm mình chỉ muốn nhảy vào nhưng hai thằng con gạt phắt bảo rằng nó nhỏ quá, chỉ đi một buổi là đã hết cả núi. Tụi nó nói hơi quá và riêng mình thì đành ngậm ngùi đi ngang qua Solitude, tự hẹn khi nào đi ski không có con, sẽ ghé vào.

Hai ngày tiếp theo, cả nhà đến Snow Bird, một trong những khu ski resort nổi tiếng của Utah. Snow Bird rộng lớn hơn, dành cho khách phương xa với đầy đủ những khu appartments chung quanh, giá mướn cắt cổ, rồi nhà hàng tấp nập, cửa tiệm sáng loáng khắp mọi ngóc ngách. Snow Bird có một cái Tram đưa khoảng mấy chục mạng lên ngọn núi Hidden Peak, cao khoảng 11 ngàn feet. Trời lạnh, đứng chen chúc trong cái “lồng” đó không tệ chút nào.Từ chỗ đổ bộ của cái tram, nhà mình trượt xuống Lòng Chảo, Mineral Basin. Kỳ cục thay, nhiệt độ ở trên đỉnh núi khoảng 4 độ F, trong các hẻm núi được 9 độ, nhưng khi xuống tới Lòng Chảo, trời ấm sực, lên đến 38 độ! Ở đây có 2 ski lifts, khoảng 10 đường trượt xanh đen, và vô số những đường trượt tự đi lấy, nếu muốn thử tuyết mịn. Ông chồng mình theo hai thằng con nhảy vào con đường chưa ai đi, tuyết dày ngập thắt lưng. Chưa đầy 30 giây, cả con cả bố lún trong đó vẫy vùng chán chê, rốt cuộc phải cởi ski bò lổm ngổm đi ra. Nguyên tắc đi trên những con đường sơ khai này là phải phóng cho thật nhanh, không được đừng lại, vì nếu dừng sẽ bị lún tuốt, và cái ski phải hơi to bản một chút. Ông bố bỏ cuộc, hai thằng con vẫn tiếp tục hụp lặn trên triền núi dốc trắng xóa, không mệt mỏi, tự vẽ lấy những đường ski riêng của mình. 



Sang ngày thứ hai, chán Lòng Chảo, mình bắt đầu mon men ra phía bên kia núi. Nhiệt độ đã khá hơn một chút, mặc dù ngồi ghế đi lên núi, tay chân buốt cóng, mình phải nhúc nhích mấy ngón tay liên tù tì cho máu lưu thông. Phía núi này đông người hơn nên mình nhảy vào hàng single để lên ghế cho nhanh. Ngồi chung với 3 đứa nhóc khoảng 10 đến 12 tuổi, mình hỏi các em đi với bố mẹ à? Thằng bé ngồi gần mình bảo, không tụi con ở trong team. Nói chuyện với cậu một hồi mình mới biết đó là những mầm non của Thế Vận Hội Mùa Đông. Sáng sớm 6 giờ rưỡi, trong khi 2 thằng con mình còn ngủ, đánh thức không nổi, thì bọn nhỏ đã bắt đầu xỏ giầy, đeo ski lên núi rồi. Cậu giải thích  những thứ cậu mang trên người, cái tay gậy ski có vỏ bọc, đầu gối cậu có đeo một cái đệm cứng để lỡ đập vào những cây cột mốc, cậu không què chân, gãy cẳng. Cậu đang luyện ski slalom, nghĩa là phải lượn rất nhanh và rất khéo qua hàng cột mốc. Cậu chỉ cái dốc đứng dưới chân ski lift, phủ đầy tuyết, lổn ngổn những tảng đá thẳng đứng và những cây thông mọc chằng chịt, cậu bảo, đến hai giờ chiều xong buổi tập, coach mới cho con vào đây đi ski, con thích đi chỗ này hơn, vui hơn nhiều. Mình nhìn cậu phục lăn. Thảy mình vào đó, dễ đến cả ngày mình mới tháo ski bò ra được. Nhìn cặp má đỏ hồng vì lạnh của cậu, mình hỏi cậu không lạnh à, cậu bảo cậu quen rồi, có hôm còn lạnh hơn thế này mà vẫn phải dậy sớm ra đây đúng giờ. Thôi thì rừng nào cọp nấy, mình nể cậu với  cái lạnh của xứ cậu, giá cậu có đến Texas, mình dẫn cậu đi bộ dưới cái nóng mùa hè hơn 100 độ khoảng 15 phút, cậu sẽ lè lưỡi xin bỏ cuộc mất thôi. Cậu bảo cậu ít khi được đi nghỉ hè, bao nhiêu thì giờ rảnh phải dành cho việc tập luyện như thế này. Cậu nói đến chuyến đi New York của gia đình cậu hè năm 2013, lái xe hơn 5 ngày mới đến nơi. Mình hỏi cậu thấy New York ra sao, cậu nhún vai, đông quá! Trước khi chia tay cậu, mình hỏi cậu tên gì để sau này khi cậu thành nhà vô địch Thế Vận Hội Mùa Đông, mình có quyền nói là mình đã gặp cậu. Cậu lỏn lẻn cười, mặt đỏ lựng. Biết đâu?



Đến chiều hôm đó, đôi chân mình bắt đầu đình công, bảo nó quẹo phải, quẹo trái thì nó lười biếng không nhúc nhích lấy một ly, thế là lại vô cớ té bổ chỏng ngay giữa con dốc màu xanh lá cây, chẳng ai tông, mà cũng chẳng tại vì cái gì. Mình biết đã đến lúc phải dừng, mình quyết định làm một chuyến ski chót xuống núi. Trên đỉnh núi, đang thong thả thả phanh thì nghe tiếng hét lanh lảnh của hai thằng con “H…i...i… M...m….e….e..”, rồi chúng phóng vút qua, thắng cái réc ngay trước mặt mình, tuyết văng tung tóe. Mình  bảo chân tay rời rã, không làm việc nữa, mình sẽ xuống nhà hàng dưới chân núi ngồi chờ thôi, chồng con cứ tiếp tục mà vui chơi. Ski tiếp được đúng ba phút thì mình vấp vào cái ụ tuyết do mấy đứa đi snow board cày lên, té đập mặt xuống đất. Nhờ có đội nón nên đầu không sao, nhưng nguyên cái đầu gối của mình táng vào mặt tuyết cứng, ê ẩm và nóng ran lên. Thằng lớn lao đến giúp mình cởi ski ra, còn ông chồng thì gào váng lên “Có sao không?”  Mình nằm thẳng cẳng, yếu ớt vẫy tay, bảo gọi ski patrol giùm. Cũng may có một ông ski patrol lảng vảng gần đó, ông ấy lấy hết sức đi ngược lên chỗ mình nằm và gọi medic. Mình bảo ông chồng với thằng con út cứ tiếp tục đi, thằng lớn sẽ ở lại với mình, chân tay nó cũng mỏi nên nó cũng tính xuống chân núi ngồi nghỉ. Ngồi trên tuyết lạnh khoảng 10 phút, hai ông medic đến với một cái cáng. Họ giúp mình đứng dậy, rồi mình dậm chân không thấy đau chỗ nào biết là không gẫy không trật, nhưng mình chẳng muốn tự ski xuống. Hai ông bảo tốt nhất là bà ngồi vào đây chúng tôi sẽ đưa bà xuống núi. Mình run run ngồi vào cái cáng có hình dáng giống cái xuồng, rồi mặc dù được cài dây cẩn thận mình vẫn lo bị văng ra ngoài. Trong những trò chơi mạo hiểm, những cái món lao từ trên cao xuống với vận tốc khủng khiếp là không có tên mình rồi, mình sẽ bị thót tim, chóng mặt và ngưng thở mất. Ngồi trong cáng để một ông đi trước cầm cáng lái xuống, một ông đeo dây rị đàng sau là cả một trải nghiệm nhớ đời. Đừng tưởng các ông ấy đi nhẹ nhàng, chậm chạp cho mình nhờ. Hai ông phi như bay từ trên núi xuống, đi thẳng tắp chứ không lượn vòng cắt ngang cắt dọc gì cả. Phần lớn thời gian mình ngồi trong xuồng chỉ biết nhắm chặt mắt, tay bấu chặt thành xuồng, khấn vái cho mình đừng rơi ra ngoài hoặc một trong hai ông tuột tay! Mình phục hai ông sát đất. Thằng con thuộc loại ski giỏi chạy theo họ cũng bở hơi tai. Mình hỏi nó có thích làm ski medic như thế này không, nó bảo, mấy ông ấy siêu đẳng rồi, ski với một cái cáng đâu có dễ! Sau đó mình phải ký giấy là mình không sao để khỏi bị điệu vào phòng cấp cứu, chứ không xe nhà thương chờ sẵn chỉ lăm lăm đòi chở tắp mình vào bệnh viện. Mình biết cái đầu gối này chỉ cần một viên Advil và một tí dầu nóng là xong ngay, chẳng cần chụp xương chụp cẳng làm gì.

Cũng trên cái ski lift, ông chồng tán chuyện với một gia đình khác, họ bảo thử đi Snow Basin resort đi, hơi xa nhưng mà được lắm. Cách Salt Lake City khoảng 45 phút lái xe, Snow Basin nằm phía sau ngọn núi Mt Ogden, ít người tới vì xa chốn thị tứ, kinh thành. Vừa đặt chân vào tòa nhà dưới chân núi, mình thấy hơi quen quen. Thảm đỏ trải suốt, cầu thang với tay vịn bằng đồng bóng láng, cầu tiêu mạ vàng, lót cẩm thạch trắng tinh, thơm tho sạch sẽ, phòng ăn với ghế tựa bọc nhung, đèn chùm tỏa từ trên trần xuống, mỗi góc nhà là một cái lò sưởi to đùng bập bùng lửa cháy. Khi nhìn thấy tờ khăn ăn, mình nhận ra Snow Basin với lại Sun Valley ở Idaho là cùng một chủ. Các đường trượt của Snow Basin rất thú vị, trong đó có một con đường mình”kết”  tên là Main Street. Thả từ trên đỉnh núi xuống, con đường thỉnh thoảng vút lên dốc, rồi đổ xuống, rồi lại vút lên, giống như đi roller coaster. Con đường bên cạnh, Sun King, có một đoạn giống như  máng nước, những đứa liều mạng thì làm một mạch thẳng tắp giữa máng tuôn đi , mình không dám chơi dại nên đánh võng hai vách máng đổ xuống. Thời tiết vẫn lạnh như cắt nhưng nhờ các gondola đưa đón, ngồi trong đó ấm áp, tha hồ chùi mũi, chùi kính, thậm chí kịp lôi phone ra chụp hình, gởi text om sòm. Không đông người lắm cho nên vào hàng là gặp gondola ngay, có lúc mình  còn được nằm thằng cẳng duỗi tay duỗi chân khi lên núi nữa kìa. Vào năm 2002, Snow Basin được chọn cho cuộc thi Men and Women Downhill. Xem bản đồ, thấy con đường màu đen không ghê gớm lắm, nhưng phải tận mắt nhìn cái vách núi mới biết tại sao họ chọn nó cho cuộc thi Olympic Downhill này. Hai ông con leo đến Women Start, đứng ở đầu dốc nhìn xuống chóng mày chóng mặt, hai ông vốn liều mà còn lạnh cẳng thối lui, không dám lao mình. Con dốc thẳng tuột, dài thăm thẳm, các nhà vận động viên Olympic chỉ trượt có đúng 3 phút là tới chân núi. Thế mới biết tại sao mới có 10 tuổi mà sáng sáng 6 giờ đã phải có mặt trên từng cây số như vậy.

Chia tay với Salt Lake City ngày cuối năm, tuyết vẫn rơi đều đều trên highway, trên đường phi đạo. Máy bay về lại Dallas FortWorth vẫn đầy nhóc con nít. Giày ski đã lau rửa cất vào hộp, quần áo ski đã giặt sạch sẽ cho vào tủ. Mọi thứ lại sẵn sàng để cho một mùa ski kế tiếp. Riêng Salt Lake, hẹn gặp lại nhé, nhưng phải cùng với El Nino, vì cái mửng không có tuyết hay không có tuyết, tính khí bất thường làm dân đi ski hồi hộp, đau tim, đau túi tiền lắm. 

Một chuyến đi ngay sau ngày Noel, cả nhà với nhau, hùng hục trên các đường trượt, là một điều không dễ làm và cũng không dễ quên. Nhất là hai ông con đã đi đại học, chỉ có những chuyến đi lớn như thế này tụi nó mới đi theo. Bây giờ mà bảo chúng đi camping với mình ở Lost Maple thì đứa nào cũng viện cớ con mắc học, con mắc đi làm! Khi các con lớn, thời gian cả nhà xum họp với nhau cứ ít dần đi, mà vợ với chồng cả mấy chục năm nay, quen hơi quen tính, chỉ cần nhìn nét mặt cũng biết tỏng nhau rồi, đâm ra không còn gì để chia xẻ nữa, tự dưng ít nói hẳn đi. Khi con về là lúc tất cả mọi người bắt đầu mở miệng, khi con vác ba lô về lại trường nhà cửa im ắng dần. Ra vào chỉ còn hai người. Nếu không có hai con chó đôi khi sủa vu vơ, nói trắng ra là sủa nhảm, thì không hiểu ngôi nhà còn im lìm đến thế nào nữa.  

C’est la vie!

Lan Hương

Fort Worth 01/15/2016