Pages

Friday, June 17, 2016

Chúa Phật đã bỏ loài người?


Chưa đầy 3 tháng sau vụ “Tintin bật khóc” trước cửa nhà ga Maelbeek ở Bruxelles, thì hôm qua tại Orlando, Florida máu lại chảy chỉ vì những giáo điều khủng khiếp. Người vô tội một lần nữa lại nằm xuống mà không biết vì sao. Người sống lại bàng hoàng vì cái ác lên ngôi. Cả thế giới thêm một lần nữa, thắp nến với nhau, khóc với nhau, đặt hoa cho nhau, cùng nhau phẫn nộ.

Lật giở bất kỳ các cuốn kinh của bất kỳ tôn giáo nào trên đời này cũng sẽ tìm thấy được hai chữ “từ bi”. Hai chữ này được diễn giải dưới những ngôn từ rất khác, màu sắc rất khác, văn phong rất khác, nét chữ rất khác, nhưng cả thảy đều chung một kết luận “hãy biết thương yêu nhau”. Tôn giáo nào cũng dạy con người phải biết thương yêu nhau trước. Không thương yêu nhau làm sao rủ nhau theo đạo với mình? Khổ thay, người theo đạo đôi khi đã diễn giải sai tình thương yêu đồng loại khi niềm tin tôn giáo của mình trở thành cuồng tín, đến độ biến thành cực đoan. Thì cứ việc đặt hết niềm tin của mình vào những đấng cứu thế đó đi, cứ việc xì xụp khấn vái ở chùa, quỳ lạy mỏi gối ở nhà thờ, cứ việc sáng sáng quay về hướng mặt trời mọc, trải thảm đọc kinh Coran. Nhưng xin đừng bắn vào người khác chỉ vì người ta có niềm tin khác với niềm tin của mình. Xin đừng bắn vào người khác vì người ta chọn lẽ sống khác với mình. Xin đừng bắn vào người khác vì người ta hạnh phúc hơn mình. Xin đừng bắn vào người khác vì người ta đã sống quá đỗi bình thường. Trời ạ!

Đầu năm 2016, tháp Eiffel thắp đèn trắng xanh đỏ tưởng niệm 129 người nằm xuống một tối thứ sáu khi đang dự buổi trình diễn ca nhạc ở nhà hát Bataclan, hay hân hoan vào sân vận động hò hét cho một trận đá banh, thậm chí đơn giản hơn, đi ăn tối ở nhà hàng. Những tưởng được nghe tiếng trống tiếng đàn, tiếng còi trọng tài, ngờ đâu là hàng loạt tiếng đạn nổ. Màu đỏ của máu làm lu mờ ánh đèn sân khấu. Họ đã nằm xuống. Mãi mãi.  

Cuối tháng 3, tháp Eiffel chiếu sáng ba màu vàng đỏ đen, nhớ đến 32 người một sáng đi làm trên sân ga Maelbeek, xếp hàng ngoài phi trường Zaventem chuẩn bị cho những chuyến đi xa. Thế rồi máu tuôn trào, tiếng nổ long trời, bụi rơi mù mịt. 32 người ấy đã chẳng bao giờ đến được công sở, lên được máy bay hay quay về nhà. Họ đã nằm xuống. Mãi mãi.

 Ngày hôm qua, tháp Eiffel bật đèn bảy sắc cầu vòng, tưởng nhớ đến 49 người một buổi tối thứ bảy nhảy nhót trong câu lạc bộ. Súng đã nổ hàng loạt trộn lẫn với tiếng nhạc ầm ầm. Một số người ngã xuống, số còn lại không hề hay biết, vẫn quay cuồng trong điệu nhảy…Cho đến khi đám đông chợt thức tỉnh, nhận thấy mình đang bị tấn công bởi một tên cuồng tín. Biết ra đã quá trễ. Họ đã nằm xuống. Mãi mãi.  

Những bà mẹ của các nạn nhân, từ Paris, đến Bruxelles, qua Orlando, nhận được tin nhắn tuyệt vọng của con mình “Mẹ ơi, nó đang tới…Con sẽ chết…”. Nó đang tới. Cái đứa vừa xả súng vừa cười ấy. Cái đứa sinh ra từ chính quốc gia đã cưu mang gia đình nó, đã cho nó một cơ hội, đã nuôi nấng nó. Và bây giờ nó nâng cao súng, lạnh lùng nhả đạn vào đám đông vô tội. Cái đám đông một buổi tối đi nghe hòa nhạc, cái đám đông một buổi sáng đi làm đóng thuế nuôi nó và gia đình nó, cái đám đông tối thứ bảy tiệc tùng trong quán rượu… Cái đám đông rất đỗi bình thường ấy, đã ngã xuống. Chẳng hiểu đám đông ấy đã kịp mang theo mình sự tức giận vì bị phản bội hay chưa.

Câu hỏi sau vụ xả súng ở Bruxelles là chừng nào mới chấm dứt, chừng nào mới hết chảy máu người vô tội, lần nữa lại được tiếp tục hỏi cho sau vụ Orlando, chừng nào mới chấm dứt, chừng nào máu ngừng rơi. Hả trời?

Riêng những người cầm súng xả vào đám đông ấy, các người nhân danh cái gì mà cướp đi sinh mạng chừng đó con người? Các người nhân danh tín điều gì mà đột nhiên cắt đứt mọi nụ cười, của người chết đã đành, mà còn của những thân nhân nạn nhân, những người sẽ không bao giờ còn cười lại được như trước nữa? Tất cả chỉ làm cho mọi người trên thế giới thêm căm ghét đạo giáo của các người mặc dù biết rằng kinh Coran không dạy phải giết chóc. Tất cả chỉ làm cho những người phụ nữ ra đường khăn trùm kín mặt nhận được những ánh mắt căm ghét khắp phía dù họ chẳng làm gì nên tội. Tất cả chỉ làm cho khi lên máy bay biết mình ngồi chung với một khuôn mặt râu quai nón, màu da ngăm ngăm, bỗng dưng ớn lạnh. Chính các người đã tự cô lập mình bởi những tiếng súng bắn vào thường dân. Chính các người đã tự cô lập mình với thế giới xung quanh vì làm máu rơi vô tội. Để rồi khi có bất kỳ một vụ bắn giết nào, mọi người lại hỏi nhau “Lại là sản phẩm của bọn nó à? Cái bọn khủng bố ấy?” Điều đó làm các người hung hãn thêm, khát máu thêm. Nhân loại tiếp tục lao vào nhau bắn với giết. Đi vào cái vòng luẩn quẩn hận thù mãi không ngừng.

Mọi người đều có nhu cầu và mong muốn được hạnh phúc. Hạnh phúc của đại đa số chúng ta phải chăng là được sống bình thường, một tuần đi làm năm ngày, tối thứ sáu, tối thứ bảy đi xem nhạc, đi uống rượu, đi coi đá banh? Phải chẳng hạnh phúc của đám thiểu số còn lại là nhìn thấy những người bình thường ấy ngã xuống, nhìn thấy máu thường dân chảy, máu của “kẻ thù”, không cần biết cái đám “kẻ thù” ấy có cái gì trong tay để làm vũ khí tự vệ? Để chứng minh tôn giáo của mình cao cả hơn chăng? Trên thế giới này chẳng ai tin điều đó và nó cũng chẳng được viết ra từ bất kỳ cuốn kinh nào cả. Có chăng là từ những cái đầu bệnh hoạn, nhìn đâu cũng thấy tội lỗi và tự nhân danh chính bản thân mình, núp dưới chiêu bài tôn giáo, đi chỉnh đốn lại trật tự thế giới.   

Bắn vào người vô tội, dưới bất cứ nhân danh nào, lý lẽ nào, niềm tin nào, cũng đều đê hèn và đốn mạt.
Một lần nữa, lại nghiêng mình thành thật chia buồn với gia đình nạn nhân. Không nỗi đau nào giống nỗi đau nào. Mọi mất mát chỉ nguôi ngoai chứ không bao giờ biến mất.
 Niềm tin vào hòa bình một lần nữa lại lung lay. Niềm tin vào tình thương yêu nhân loại không còn đứng vững được nữa.  

Thế rồi tháng sau, năm sau tháp Eiffel sẽ thắp đèn màu gì, cho ai, cho quốc gia nào, và vì đâu?
 Phải chăng Chúa đã bỏ loài người? Phật đã bỏ loài người? Allah đã bỏ loài người?

Lan Hương
Fort Worth 06/12/2016

Wednesday, June 8, 2016

Là Giả Hay Là Thật?


Nó gọi điện thoại cho tôi bảo 9 giờ sáng cô lên nhà cháu nhé, 10 giờ mình đi chùa chụp hình, 11 giờ rưỡi ra nhà hàng ăn trưa. Cháu đã đặt hai bàn rồi, lên thực đơn luôn rồi cô, mẹ cháu lựa tới mười món lận cô ạ, mình tha hồ ăn. Nó cười ha hả rồi cúp điện thoại. Chương trình nó đặt ra chắc cú như bắp, không chê vào đâu được.

Tôi y lời hẹn. Bảy giờ sáng hò hét cả cha cả con, bắt lên đồ đẹp, áo sơ mi, quần tây ủi thẳng tắp. Thằng con lớn nhìn cả ba cha con không hẹn mà mặc cùng màu áo vest đen thui, tuyên bố “Sao giống đi đưa đám ma quá!” Tôi quát lên “Ăn với nói! Mình đi đám cưới đấy!” Quát xong ngẩn người . Đám cưới nhưng không phải đám cưới, chỉ là dàn cảnh chụp hình đánh lừa sở di trú. Tôi biết, nó biết, ai cũng biết, ngoại trừ hai thằng con tôi chẳng hiểu đầu cua tai nheo gì cả. Tôi tiếp tục chui vào cái áo dài kéo phẹc mơ tuya, ngất ngưởng trên đôi giày cao gót 4 phân, tiếp tục hò la để cả nhà lên xe ngồi de ra khỏi ga ra đúng boong 8 giờ!

Chín giờ tôi bấm chuông cửa nhà nó kính coong. Không ai mở cửa. Tôi nhìn qua khung cửa kính mờ thấy trong nhà tối om, im phăng phắc như tờ! Tôi hơi giật mình không biết có lầm lẫn ngày tháng không. Khi tôi đang phân vân hồ nghi giữa giờ giấc và ngày tháng thì hai thằng con nhìn tôi oán thán, mẹ có chắc không vậy? Lại bấm chuông, lại chờ. Mất năm phút sau bà chị họ mới xuất hiện trong dạng “bà la ma”, nghĩa là quần áo ngủ, đầu bù tóc rối, y như mới trong giường chui ra. Vừa trông thấy tôi, bà ấy cầm tay dẫn thẳng vào bếp, chỉ vào hai bình hoa hồng bé tí bảo “Cả ba tiếng đồng hồ chị ấy chỉ cắm được có hai bình hoa đặt bàn như thế này đây!” Tôi nhìn kỹ, có cắm hay tỉa tót gì đâu, chỉ là hai cành hoa hồng đỏ loại đầy bông cắm thẳng vào cái ly thủy tinh, thế thôi. Mất ba tiếng để làm cái trò “nghệ thuật cắm hoa” này thì cũng hơi quá, hoặc bà chị thuộc loại rùa bò cực chậm, hoặc bà em thuộc loại siêu phóng đại. Bà em tiếp tục kêu rên “Chị ấy đi ra chợ rồi, nhất định phải tìm hoa tú cầu! Tú cầu cái gì? Chợ có hoa nào thì mua hoa đó chứ? Đến giờ tới nơi mà hoa cho cô dâu còn chưa có! Tú cầu với chả tú cầu! Mới gọi điện về cho chị bảo không có màu xanh! Giời ạ, còn xanh với đỏ! Bây giờ phải đi sang chợ khác tìm màu xanh!” Tôi đồ rằng bà mẹ cô dâu đang nhớ đến bụi tú cầu màu xanh lơ tươi thắm nở rực rỡ trong sân nhà ở Thái Phiên. Tôi xoa dịu tình thế “Có cần em phụ cái gì không?” “Có gì mà phụ? Có mấy cái hoa thì cả nhà như gà mắc dây thun từ sáng sớm rồi, đến giờ cũng không có cả hoa đem cúng nữa!” Tôi bèn hỏi “Thế cô dâu đâu rồi chị?” “Đi làm đầu làm tóc rồi, nó đi từ hồi sáng sớm lận. Thôi em gọi điện thoại hỏi nó xem nó ở đâu giùm chị. Từ sáng đến giờ cứ rối lên mà không ra đâu vào với đâu”. Tôi không hiểu chị muốn ám chỉ người nào trong đám bốn mạng đàn bà ở cái nhà này. Không chừng là cả bốn bà cũng nên.

Cả nhà chẳng có vẻ gì là đang chuẩn bị cho một cái đám cưới, dù thật hay giả, ngoại trừ họ đàng gái là gia đình tôi đã được lên khung đủ lệ bộ. Tôi bèn lên lầu, lôi thằng con nó trong giường ra, bắt đi đánh răng rửa mặt rồi diện cho cu cậu bộ áo dài khăn đóng. Một lát sau mẹ cô dâu về, dúi vào tay tôi hai bông tú cầu nhợt nhạt bảo em làm hộ chị bó hoa cô dâu! Mẹ cha ơi, hồi nào tới giờ tôi có biết làm bouquet đâu cơ chứ. Nhưng cũng phục là bà ấy đã moi ra được đúng loại hoa mình muốn, tuy vậy không có được màu xanh thắm tự nhiên của hoa Dalat  mà là một thứ màu xanh giả tạo được ngoài tiệm phun sơn lên, vụng về đến mức nhuộm luôn cả những chiếc lá chung quanh thành một thứ màu xanh lơ tái mét! Bà ấy bảo không có nơ xanh, thôi em cột nơ hồng vậy, và ấn theo một tờ giấy bóng kính màu tím nhờ nhờ. Tôi đành tìm kéo tìm giây thun ráng cột hai cái hoa dính chặt vào nhau, cột túm dưới đáy bằng nơ hồng rồi bọc ngoài bằng giấy bóng mờ. Nếu mấy bà nhờ tôi hôm trước thì hẳn tôi đã làm cho nó một bó hoa cầm tay đàng hoàng tử tế hơn rồi! Vừa làm tôi vừa nhìn cả nhà chạy quanh, không ai biết mình phải làm cái gì trước cái gì sau. Cô dâu đã về, vừa bước vào cửa đã được bà dì bình luận ngay  “Trông cứ như bà Ngô Đình Nhu ấy!” “Khi cô dâu xuất hiện trong bộ áo dài màu vàng, khăn vành dây chễm chệ trên đầu, bà dì lại kêu lên “Lần này đóng vai Thái hậu Dương Vân Nga rồi!” Tôi vốn coi trọng khiếu thẩm mỹ của mấy bà chị họ, nhưng cái khoản áo dài vàng cầm hoa màu xanh nhạt thì tôi đâm ra hơi nghi ngờ khả năng pha màu sắc của mấy bà.

Tôi tự hỏi ngày hôm qua là thứ bảy, cả ngày các bà làm cái gì mà phải chờ đến bảy giờ sáng chủ nhật mới bắt đầu đôn đáo chạy đàng đông té đàng tây cho một cái đám cưới giả, cốt ý chụp hình chỉ để nộp cho sở di trú? Và nếu không phải đám cưới thật thì cô dâu hờ chú rể hờ cứ việc diện đồ đẹp, hẹn gặp tôi đâu đó tôi chụp hình cho, photoshop thêm vào đố mấy ông mấy bà sở di trú tìm ra được chút gian trá nào trong đó. Tôi thắc mắc chẳng hiểu tại sao cả nhà lại phải mắc công tốn của phí sức cho một cái gì đó không thật đến thế.

Khi cô dâu đội khăn vành dây lên đầu, chân xỏ vào đôi giày cao cỡ 6 phân, tôi bắt đầu giơ máy lên chụp cho nó vài kiểu trong nhà, dưới một thứ ánh sáng lờ mờ dọi vào qua những khuôn cửa sổ đóng kín. Nó bảo cháu may bộ này mất cả hai trăm đồng cô ạ. Tôi hỏi sao không nhờ bên Việt Nam may giùm cho, vừa rẻ vừa đẹp. Nó bảo gấp quá. Tôi hoang mang tợn. Cả mấy tháng vừa rồi làm gì, thêm mấy tháng nữa sắp tới sẽ làm gì, đàng nào nó cũng không được phỏng vấn di trú cho đến tận cuối năm nay hoặc qua năm 2017, có gì phải gấp đâu nào? Nó kêu lên, mẹ cháu coi lịch bảo hôm nay là ngày tốt mà cô. Tôi tự cắn lưỡi mình, giữ lại câu “Nhưng đâu phải là thật đâu cháu!” Đến lúc này thì cả mẹ cả con nó đã làm tôi tẩu hỏa nhập ma, chẳng còn biết cái gì là thật cái gì là giả nữa.

Chuông điện thoại bắt đầu đổ hồi. Khách mời đã ra chùa mà cô dâu với chú rể không thấy mặt mũi đâu. Cả nhà nháo nhào đổ túa ra xe, quên mất con bé con đang trong dạng có quần không có áo. Mẹ nó đã tròng cho nó cái áo dài vàng, quần trắng, đi đôi hài xinh xinh. Nó mặc đúng 2 giây thì tự cởi áo vứt đi, tuột luôn hài chạy chân đất khắp nhà! Riêng thằng bé con xúng xính trong bộ áo dài khăn đóng ra vẻ công tử lắm, nếu tôi không túm nó lại kịp thì nó sẽ lên xe ngồi với đôi dép lê hình dáng hai con gấu to xù dưới chân! Tôi đành để hai bà chị họ đi ra chùa sau với những khuôn mặt mới trang điểm có một nửa, áo mặc nhưng quần chưa thay, hoặc đang rối tung lên đi tìm đôi giầy! Tôi chở nó ra chùa cho kịp. Nó lên xe ngồi vứt thẳng bó hoa sang một bên, tay bấm điện thoại lia lịa đi tìm chú rể lạc đường đâu đó, khăn vành dây được cởi ra để trên đầu gối cho nó dễ áp cái điện thoại lên tai nghe cho rõ ràng.

Có bao giờ bạn đến một cái chùa “chết” chưa? Nghĩa là trước sân tượng Phật la liệt nhưng cỏ dại mọc đầy, chánh điện khóa cửa tối om, và dưới chân tượng Phật chính, một cái loa mở kinh đọc âm thầm, ê a không ngừng suốt 24 tiếng đồng hồ, bảy ngày một tuần! Và tuyệt nhiên không nhang không khói, không tiếng gõ mõ, chẳng sư trụ trì, không bóng ông từ. Khách đến tản mạn sân trước, vòng ra sân sau, hàng xóm nhìn sang tự hỏi chùa đóng cửa cả mấy tháng nay không biết đám này đến làm gì. Đây là cái chùa mà mẹ chồng tôi đã từ bỏ vì “tham sân si”. Tôi không ngờ sau một năm mà nó đâm ra như thế này! Thế mới biết lòng tham đã bị quả báo như thế nào, hay là Trời Phật có mắt như thế nào.  

Nó bảo tôi phải ra chùa này chụp hình chứ còn chùa lớn thì khách thập phương đi ra đi vô đông quá , người ta nhìn thấy không được. À, cái này là giả đây. Nó chỉ cần mấy tượng Phật sau lưng cho ra vẻ có tôn giáo trang nghiêm, chứng minh lòng thành của hai họ cho sở di trú nhìn thôi. Hai bà chị họ lục tung xe tôi lên đi tìm hoa cúng Phật. Tôi nghĩ thầm cửa chùa đã đóng kín thì cúng vào cái chỗ nào nhưng hai bà ấy nhất định vác hoa mang nước ra để dưới chân tượng Phật. Lên chùa không thắp nhang cũng phải dâng hoa, bất kể chùa có chết hay không chết. Cái này thì là thật trăm phần trăm.

Chú rể đến.

Lúc này người cầm máy ảnh là tôi bắt đầu phân vân. Làm sao chụp hai kẻ xa lạ thành ra một cặp cô dâu chú rể trong ngày cưới? Làm sao tôi có thể bảo nó hay chồng hờ của nó rằng hai đứa đứng sát lại gần nhau tí, hay là cụng đầu với nhau, hay là nhìn nhau say đắm, thậm chí nắm tay nhau để tôi bấm máy? Loay hoay một hồi tôi bảo thôi cứ tự nhiên để mặc tôi xoay sở vậy. Miễn sao có cái gì bỏ vào thêm  vào mớ giấy tờ của nó là được. Đến cái khoản chụp hai họ thì rối tung lên. Họ đàng gái ra đâu vào đấy, họ đàng trai thì người này dành đóng vai bố chú rể, người kia bảo vậy thì không hợp với người đóng vai mẹ chú rể, người đã có bộ tóc bạc trắng xóa. Cả đám quay ra cãi nhau ai đóng vai gì váng cả chùa lên. Tôi bảo thôi cứ xếp hàng vào chụp, càng đông càng tốt, chắc khi đi phỏng vấn họ không hỏi kỹ ai là ai đến thế đâu. Ở đây thiếu gì những cái đám cưới chỉ trần xì có mỗi hai người thôi?

Thiên hạ lang thang một lát giữa ngôi chùa lạnh tanh thì bắt đầu đổ về nhà hàng ăn tiệc trưa. Bà chị họ dúi vào tay chồng tôi hai tấm giấy khổ lớn in chữ Song Hỷ nhờ ông ấy dán lên tường nhà hàng. Khổ nỗi khi đến nơi thì đã trễ toét. Nhà hàng chật nhóc những người là người. Đầu tiên hết số người tự ý đi ăn đám cưới nó lên quá mười người. Chuyện này làm tôi bất mãn vô cùng. Có muốn đi ăn cũng phải nói trước với chủ nhà để người ta còn xếp bàn xếp mâm, đàng này vô tư xuất hiện rồi vô tư ngồi vào ghế, dạt đám khách được mời chính thức ra đứng lang thang giữa tiệm. Khổ nỗi đây là tiệm Tàu điểm sấm, những chiếc xe chở đồ ăn phóng vù vù khắp ngả, cán cả vào chân thực khách! Hai cái bàn cho hai chục người của nó đã bị người khác chiếm mất vì tội đến trễ. Bà chị họ cứng đầu bảo chồng tôi cứ len vào dán chữ Song  Hỷ vào vách tường sau lưng thực khách làm cho chúng biết ý mà ăn nhanh rút đi. Tôi ngán ngẩm nhìn 20 cái miệng vừa nhai vừa nói không ngừng nghĩ bụng họ chẳng có việc gì phải vội. Đành gọi chủ tiệm ra bảo xếp cho chúng tôi bàn khác. Bây giờ đến phiên mẹ cô dâu đổ chướng, nhất định đòi phải tuyên bố với hai họ trong khi đám khách mời của bà rải ra đủ ba bàn hai góc. Bà bảo tôi gom mọi người lại cho bà tuyên bố thì tôi lắc đầu lia lịa, em không làm được đâu, thôi chị nói được với ai thì nói vậy, rồi tôi dẫn tắp bà đến một cái bàn tương đối đỡ nhặng xị nhất cho bà muốn nói gì thì nói. Xin thề là tôi bận chụp hình nó với chồng nó với cái chữ song hỷ đàng sau lưng (lại cho sở di trú) nên không nghe bà ấy nói gì. Cả ngày hôm nay bà ấy đã làm tôi hoang mang giữa thật và giả quá nên rốt cuộc tôi không biết mình phải nghĩ như thế nào nữa. Riêng cái bàn của nhà gái, nơi tôi bị ấn vào ngồi, còn đáng chán hơn. Con bé con leo đủ các ghế ngồi, leo cả lên bàn, rốt cuộc bà ngoại nó phải vớ một món điểm sấm nhầy nhụa dầu ăn trên cái xe đẩy gần nhất cho nó nghịch chơi thì nó mới ngồi yên. Tôi ngồi cạnh một khuôn mặt tuổi trăng rằm sưng như cái mâm vì con bé không muốn đến dự cái đám cưới này chút nào. Bố nó nói gì cũng bị nó vặc lại, tôi cố hòa hoãn thì nó trả lời bằng sự im lặng sưng sỉa. Thằng con của cô dâu ngồi húp liền tù tì năm chén súp đầy bột ngọt không cách gì can ngăn nổi, riêng tôi thì đói meo vì đã quá giờ ăn trưa khá lâu, đâm ra óc ách với thịt gà, thịt vịt, xá xíu không rau không cơm. Mười món ăn của nó được chăng hay chớ. Nhà hàng nấu được món nào ăn món đó. Rốt cuộc tráng miệng là món cơm chiên được bưng ra hộc tốc, cái món đáng ra phải được dọn ngay từ lúc đầu cho người ta ăn với món chính hay là để đám con nít ngồi yên. Tôi vừa ăn vừa tiếc tiền  cho nó. Nếu nó chỉ làm cho sở di trú có hình xem chơi thì đâu cần phải mời ăn tốn tiền như thế này? Chưa kể nó cần phải tiết kiệm để trả nốt tiền đợt hai cho thằng chồng hờ của nó nữa chứ.

Thật giả lẫn lộn, tôi chẳng biết đâu mà lần. Bây giờ ngồi chỉnh lại những bức hình chụp cho nó, tôi vẫn còn hoang mang. Có những bức nó chụp một mình, tôi muốn ghép ảnh hoa cưới đàng sau, tránh những bức tường trắng toát vô hồn ở nhà nó, thì bỗng dưng thấy ngượng ngập, có thật đâu mà? Tôi lên Google tìm được những bức hình phông chụp thật đẹp hai cái nhẫn cưới lấp lánh giữa muôn triệu đóa hồng, tôi muốn để hình “vợ chồng” nó lên thì bỗng rụt tay lại, cả buổi có thấy trao nhẫn gì đâu. Tôi đã phải dàn dựng cảnh hai đứa giả bộ trao nhau cái bó hoa cưới tái mét để chụp hình tượng trưng rồi còn gì. Có bức hình tôi chụp hai đứa đứng hai nơi, tính dùng photoshop kéo chúng lại gần nhau thì tự dưng chựng lại. Và bây giờ khi viết “vợ chồng” nó, tôi vẫn còn để trong ngoặc kép thế kia.   

Khổ cái thân tôi. Lần đầu tiên được đi chụp hình đám cưới thì vớ phải một loại hư hư ảo ảo, không ra thật cũng chẳng ra giả, chẳng biết đâu mà lần. Mà nói cho cùng, nếu đám cưới thật thì cũng không đến tay tôi đi chụp hình.

Lan Hương

Fort Worth, 06/08/2016