Alton
Sterling, một thanh niên da đen 37 tuổi, đang bán CD các loại trước cửa tiệm
Food Mart ở Baton Rouge, Louisana thì một ông tứ chiến giang hồ lang bạt, không
nhà không cửa, đến chìa tay xin tiền. Sterling bảo hầy để cho tôi yên đi. Ông
kia năn nỉ ỉ ôi, một đồng thôi mà, chỉ một đồng thôi . Sterling bực mình bảo
tôi có súng đấy và rút ra dọa liền. Ông vô gia cư hết hồn liền gọi cảnh sát. Kết
quả Sterling nằm chết giữa vũng máu của mình, đạn bắn ra từ phía cảnh sát. Cảnh
sát bảo Sterling có ý định rút súng, vậy cũng đủ cho cảnh sát đi trước một bước.
Bằng chứng không gì rõ ràng cả. Cả nước một lần nữa lại như nồi nước sôi. Vì
màu da.
Dân
chúng ở Baton Rouge trước, rồi đến những thành phố khác, bắt đầu xuống đường, ầm
ầm biểu tình vì kỳ thị màu da, vì cảnh sát vô cớ giết người . Sự việc chưa đâu
vào đâu, chưa đầy 48 tiếng đồng hồ, Philando Castile ở Minnesota ngã xuống.
Castile
lái xe chở đứa con ngồi đàng sau, vị hôn thê ngồi bên cạnh. Xe của Castile bị
chặn lại vì đèn sau không sáng. Cảnh sát đến gần, Castile bảo tôi có súng nhưng
tôi cũng có thẻ được quyền mang súng, rồi ông cúi xuống lục lọi tìm thẻ. Cảnh
sát ngỡ ông tìm súng, liền bắn ông. Castile gục ngã trước đôi mắt hãi hùng của đứa
con.
Dư
luận cả nước căm phẫn. Chẳng có gì ngăn cản được các vụ xuống đường ở các thành
phố lớn. Từ New York, Washignton DC, Los
Angeles, và trong đó có cả Dallas.
Ngày
07 tháng 7 cả ngàn người đổ vào downtown Dallas, giương cờ, biểu ngữ, rầm rập
hô vang khẩu hiệu chấm dứt việc bắn chúng tôi, để chúng tôi sống, chống kỳ thị
chủng tộc, màu da đen được quyền sống như màu da trắng, chống cảnh sát giết người
vô tội, đại khái thế. Xe cảnh sát dàn ra khắp nơi, phòng ngừa chuyện đốt nhà
hôi của như năm nào ở Missouri.
Thế
rồi súng nổ. Lần này không phải từ phía cảnh sát mà từ tay súng bắn lẻ, núp
trên tầng lầu gần đó. Hắn máu lạnh chĩa súng thẳng vào đám cảnh sát da trắng,
siết cò. 5 ông cảnh sát nằm xuống, 11 ông bị thương. Dân đi biểu tình cũng bị bắn
lây, bị thương lây. Hung thủ nấp trong tòa nhà tuyên bố sẽ bắn đến viên đạn cuối
cùng vì không chịu nổi cảnh người da đen là nạn nhân của đám cảnh sát da trắng.
Điều đình không xong, cảnh sát Dallas phái em robot đem bom nổ cái đùng trên đầu
hung thủ, kết thúc vụ bắn lẻ. Dù sao thì cũng đã có người mãi mãi nằm xuống rồi.
Nước
Mỹ loạn. Tổng thống da màu dường như chẳng giúp gì được cho vụ việc kỳ thị này.
Các ứng cử viên tổng thống tương lai ra rả chuyện cấm súng với cho phép mang
súng. Hillary Clinton bảo, thấy chưa, tôi lên làm tổng thống thì việc đầu tiên
là ra luật cấm súng ống ngay lập tức. Donald Trump cao bồi phản pháo, cấm cái
gì, chúng ta phải bảo vệ chính bản thân mình trước, nó bắn mình, mình bắn nó, nợ
máu trả bằng máu, sòng phẳng đến từng giọt. Dân tình chia đôi ngả, ngả theo
phía phải mang súng để tự vệ, ngả kia bảo đi vào chốn đông người nhìn người
khác mang súng ớn xương sống. Bên thì bảo
tôi quen cầm súng như mọi người quen cầm cell phone, ra đường không súng như
không mặc quần áo. Bên chống lại nói nhìn xem, tự mình bắn mình chết trước,
khoan hãy nói đến khủng bố giết ai!
Chuyện
súng ống chưa ngã ngũ ra sao, các cuộc điều tra của đáng tội, đến khi ra tòa
thì hơn 60% là phía cảnh sát sẽ thắng. Nếu mình mang màu da đen, chắc mình cũng
phải xuống đường với khẩu hiệu “Xin đừng bắn tôi vì màu da” mất. Chính vì vậy
mà các tay súng bắn lẻ tự giải quyết khúc mắc bằng cách bắn quách cảnh sát vì sôi
gan.
Nói
đến chuyện cảnh sát, ở Mỹ đã bao lâu mà mình chỉ mới gặp trực tiếp các ông có 2
lần. Lần đầu tiên khi còn trên Kokomo. Đang lái xe thì thấy xe cảnh sát dí đàng
sau quay đèn sáng chói. Mình hốt hoảng tắp vào lề. Ông cảnh sát lừ lừ lại gần. Mình
đọc sách dậy lái xe kỹ càng nên hai tay để trên vô lăng, cái khoản nín thở thì
sách không có nói, nhưng mình cứ nín thở cho chắc. Ông ấy ra hiệu quay cửa kính
xuống, khi ấy mình mới run run bấm nút cửa sổ. Ông ấy hỏi bà có biết tại sao
tôi dừng bà lại không. Mình lắc đầu lia lịa, cho đến lúc này vẫn chưa mở miệng
nói được câu nào. Ông nói tiếp, bà chạy quá tốc độ, đường chỉ có 30 mà bà phóng
đến 40. Mình vẫn còn ú ớ, không nói được một câu. Ông ấy nhìn cái bản mặt tái
xanh tái xám của mình, hỏi bà có biết tiếng Anh không. Mình gật đầu lia lịa, lấy
hết thần hồn ra mở miệng, có chứ, nhưng lần đầu tiên bị cảnh sát bắt, tôi sợ lắm.
Ông ấy thương hại bảo thôi cho bà một cái cảnh cáo, lần sau cẩn thận. Về nhà hú
vía, không vì cái mặt tái xanh tái tử, mình phải nộp phạt toi mất mấy chục rồi.
Lần
thứ nhì là bị tông xe ngay trước cửa chợ Việt Nam. Mình đã dừng xe, bật đèn báo
hiệu quẹo trái, thế mà con mụ lái đàng sau mắt mũi tớn tác, tay dính vào cái điện
thoại, không thấy mình, tông cho cái rầm sau đít xe. Mình ngồi trong xe la chói
lói. Quay lại giận dữ nhìn thủ phạm, ra dấu tắp
xe vào parking chợ. Mình cũng theo đúng luật, ngồi yên trong xe, chờ cho
mụ ấy chui ra đến nói chuyện với mình. Chờ hoài không thấy, mình đành bò ra đến
xe mụ xem sao thì mụ đang ngồi khóc tu tu. Air bag của mụ nổ cái đùng, úp vào mặt
mụ. Mình thương hại hỏi bà có sao không, rồi bắt đầu gọi phone cho cảnh sát, rồi
cho ông chồng. Mình cũng bảo mụ thôi bà gọi cho chồng bà đi, có cần tôi gọi xe
cứu thương không thì mụ lắc đầu, không tôi bị sốc thôi. Mình là người bị tông không sốc lấy gì mụ ấy? Chờ một hồi
thì ông chồng đến trước, cảnh sát đến sau. Cảnh sát hỏi mình chuyện gì xảy ra,
mình có sao nói vậy. Ông ta lừ lừ tiến tới khổ chủ chiếc xe gây ra tai nạn. Nói
năng với nạn nhân một hồi thì ghi ngay cho mụ ấy một cái giấy phạt vì tội tông
sau đít xe mình, rồi ngài bươn bả quay lại nói với mình, đây là report của cảnh
sát, bà nộp cho bảo hiểm, bảo hiểm sẽ đền cho bà, trong vụ này người có lỗi là kia kìa, ngoắc ngón
tay cái chỉ vào cái con mụ nước mắt nước mũi đầm đìa.
Thế
thôi. Lần đầu sợ cảnh sát vì dư âm các vị công an áo xanh ở Việt Nam đi theo đến
tận nước Mỹ. Nhớ những ngày phải chầu chực trên đồn công an làm giấy tờ, xin giấy
chứng nhận như ăn mày xin của bố thí, áo xanh thích thì cho, không thì hoạch họe
cho bõ ghét. Nhớ những đêm hôm khuya khoắt công an xộc vào nhà khám xét, mặt
mũi đằng đằng sát khí, nhìn hai ông bà già, hai đứa trẻ ranh mũi chưa vắt sạch
như nhìn bóng quân thù, thì mới biết tại sao nhìn cảnh sát ở đây vẫn còn thấy sợ.
Hay những tên quản giáo trong trại tù những lần đi tiếp tế cho bà chị bị bắt vì
tội vượt biên. Oai lắm nhé, nghênh ngang lắm nhé, một lần nữa, thích thì cho gặp
người nhà, không thích thì bảo anh hay chị hôm nay không được gặp người thân, không
thêm thắt bất kỳ một lời giải thích nào cả. Trời con có khác.
Trở
lại chuyện cảnh sát với màu da ở Mỹ. Đã mấy trăm năm rồi, đã có một ông tổng thống
da màu rồi, mà kỳ thị vẫn còn đó. Vẫn cảnh da đen đi biểu tình, đốt nhà, đốt tiệm,
rồi cảnh sát bị bắn lẻ…Mình đã từng ôm những quyển sách như Cội Rễ, Túp lều của
chú Tom, Thương…nên có phần nào thông cảm cho màu da đen. Nhưng sống ở đây một
thời gian, xem tivi đọc báo một thời gian, nhận thấy tỉ lệ phạm tội trong màu
da đen cao vọt hơn hẳn trong những màu da khác. Bảo sao không có thành kiến cho
được.
Thôi
đành thở dài tự nhủ thế giới đang rất bất ổn. Tìm chiến tranh thế giới thứ ba
đâu cho xa, theo mình, nó đang xảy ra từng ngày, ngay tại đây.
Ngày
hôm qua, viên cảnh sát trong năm ông được đưa đến nơi yên nghỉ cuối cùng. Suốt
cả tuần, Dallas chìm trong đau buồn, dân tình cũng tạm thời ngưng vụ đi biểu
tình chống kỳ thị màu da. Da trắng da đen, cảnh sát dân thường cùng nhau thương
khóc những người ngã xuống. Nhưng ở các thành phố khác, bước chân của những người
biểu tình vẫn còn rầm rập và sôi sùng sục. Con trai của Sterling bảo mọi người
thôi hãy giết chóc lẫn nhau, chúng ta cần phải đoàn kết lại. Obama trong buổi lễ
tưởng niệm ở Dallas cũng kêu gọi đừng vì vậy mà chia rẽ mọi người, mọi giới. Mặt
khác, một cái youtube của một con bé tuổi teen hát nhạc rap được lan truyền
phát khiếp, nó lên tiếng hát màu da trắng của tôi rất đặc trưng…Lại quay ra cãi
nhau như mổ bò.
Những
trận cãi vã sẽ không bao giờ dứt, lúc này và mãi mãi về sau, vì những màu da
khác nhau, vì những cuộc đời khác nhau, vì cuộc sống không phải bao giờ cũng được
san sẻ đồng đều cho tất cả mọi người. Chủ nghĩa cộng sản của Marx đã từng mơ tưởng
đến thế giới đại đồng. Cái chủ nghĩa đó sập mất tiêu rồi vì thế giới ấy làm gì
có thật. Dù cho tất cả mọi người chúng ta có sắp hàng đứng trước mặt Thượng Đế
chờ lời phán quyết cuối cùng, thì cũng không bao giờ là công bằng cả.
Khi
viết những dòng này, khủng bố tấn công Nice,thành phố du lịch của Pháp ngay vào
ngày quốc khánh. Lại máu chảy, lại người chết. Những em bé nằm im lìm, những
chiếc xe đẩy bẹp dúm, những chiếc ví đầm văng tung tóe, nhưng đôi giầy không
còn chủ nhân. Nhân loại thở dài:
Je
suis Charlie
Je
suis Paris
Je
suis Bruxelles
Je
suis Orlando
Je
suis Istanbul
Je
suis Nice
Và
rồi mai đây chúng ta sẽ là gì? Phải chăng là
Nous
serons Le Monde?
Chưa
bao giờ cảm thấy bất an trên hành tinh này bằng bây giờ, khi chung quanh mình
chỉ còn thấy người giết người.
Lan
Hương
Fort
Worth 07/15/16