Pages

Tuesday, August 23, 2016

The Sound of Music


Nếu ai đã từng học piano với các ma soeurs hay là gõ phím rầm rầm qua những bài tập của cuốn sách piano vỡ lòng La Rose, không thể không biết đến bài hát “Do Re Mi”:  

Do re mi fa sol la te

Do- a deer, a female deer
Re- a drop of golden sun
Mi- a name i call myself
Fa- a long long way to run
So- a needle pulling thread
La- a note to follow so
Te- a drink with jam and bread
That'll bring us back to do oh oh oh…

Một trong những bài hát nổi tiếng trong vở ca nhạc kịch The Sound of Music. Bài hát vỡ lòng Maria Rainer dạy cho bảy đứa trẻ, những đứa chưa từng biết đến những nốt nhạc trước đó. Và khi gõ những phím đàn, hay khảy những dây đàn guitar, do re mi fa sol la si (hay là te) là bảy nốt nhạc căn bản. Từ bảy nốt này, như Maria đã nói, cả triệu bài hát ra đời, và tha hồ mà đặt lời cho từng nốt. Và vì thế chúng ta có những bài hát lừng danh, những bản nhạc bất hủ. Đơn giản như “Frère Jacques”, phức tạp và huyền bí hơn như “Water Under The Bridge” của Adele chẳng hạn. Và dưới mọi ngôn ngữ có thể có trên thế giới này. “Trường Làng Tôi” cũng phải qua bảy nốt để mọi người có thể ngâm nga:

Trường làng tôi cây xanh lá vây quanh
muôn chim hót vang lên êm đềm.
Lên trường tôi, con đê bé xinh xinh
len qua đám cây xanh nhẹ lướt.

Mình biết đến The Sound of Music khi còn nhỏ, không nhớ khi đó mình bao nhiêu tuổi. Đó là bộ phim do diễn viên lừng danh Julie Andrews đóng. Đến bây giờ mình còn nhớ mãi cái cảnh bảy đứa con nít leo trên cành cây cộng thêm cô giáo Maria, trong khi xe ông bố từ từ lăn vào cổng lâu đài. Nếu biết bảy đứa nhỏ chỉ quen nghe còi triệu tập của ông bố, chỉ biết dậm chân đi đều bước chứ không hề biết chạy nhảy trước khi gặp Maria, thì cảnh chúng vắt vẻo trên cành cây mới làm cho Captain Georg Von Trapp sửng sốt làm sao. Nhưng có lẽ cảnh khó quên nhất là hình ảnh Maria vừa chạy vừa hát trên sườn núi của dãy Alps với cỏ rất xanh, trời rất xanh và đàn bò ung dung gặm cỏ, chuông cổ kêu leng keng.

Sau đó vở nhạc kịch này được dựng lên một lần nữa vào năm 2013 do đài truyền hình NBC tài trợ với ca sĩ nổi tiếng Carrie Underwood đóng vai Maria. Thầm so sánh với Julie Andrews thì thấy kỷ niệm bao giờ cũng đẹp hơn dù rằng Carrie đã hát rất chuẩn. Chẳng qua không thể nào mang nguyên những sườn dốc xanh mướt điểm những bông hoa cúc trắng của dãy núi Alps lên sân khấu được và Carrie không truyền tải nổi tình yêu của Maria với những ngọn đồi của nàng. The Sound of Music gắn liền với hình ảnh một vùng núi rạng danh, nơi tuyết trắng còn đọng trên ngọn dù giữa mùa hè, nơi đi bất cứ chốn nào, sườn dốc nào cũng thấy một thác nước chảy róc rách. Nơi những con đường đi bộ được liệt kê vào danh mục 10 con đường đi bộ đẹp nhất thế giới.

Kersin Anderson
Và ngày hôm qua là The Sound of Music ở Bass Hall, Fort Worth. Lần này khi ngồi vào ghế, mình quyết tâm rũ bỏ hình ảnh Julie Andrews với triền đồi cỏ xanh mướt trong đầu, nhất định không so sánh bà với diễn viên Kerstin Anderson, người hãy còn trẻ và mới bắt đầu sự nghiệp. Chỉ như thế thì mới thấy toàn bộ cái hay của vở ca nhạc kịch này. Phông màn hiện ra và mình xúc động khi thấy hình ảnh dãy núi Mont Blanc làm nền. Mình chỉ muốn la lớn, mình đã ở đó, đã đi lang thang trên những triền dốc của Maria Rainer cách đây đúng hai tuần!

Đúng vậy. Có đi trên những con dốc của dãy núi Alps mới thấy tại sao Maria suốt ngày leo trèo trên núi, đến nỗi quên cả giờ cầu nguyện, mới thấy tại sao Maria yêu thích ca hát. Vì chỉ có âm nhạc mới diễn tả nổi cảm xúc của Maria với vùng đồi núi Alps. Và nàng đã cất cao lời:

Climb every mountain,
Search high and low,
Follow every byway,
Every path you know.

Climb every mountain,
Ford every stream,
Follow every rainbow,
'Till you find your dream.

A dream that will need
All the love you can give,
Every day of your life
For as long as you live.


Rồi Maria tự hào nói với Mẹ Bề Trên, Mẹ ơi, đó là ngọn núi của con! Làm sao con có thể đi lạc trên đó được. Con quen thuộc từng khe núi, từng ngọn suối, ngay cả từng bông hoa. Con có thể kể cho ngọn núi của con nghe những ước mơ của mình, con có thể thì thầm với nó những nỗi niềm thầm kín của mình, tình yêu của mình…Nó là của con, và con cũng chính là nó!

Ngày xưa mình cũng đã từng có một “ngọn núi” của mình, dù nó không hùng vĩ bằng dãy núi Alps, dù rằng nó chỉ mới ở cấp độ “đồi”  nhưng mình cũng thông thuộc mọi ngóc ngách của nó, đến với nó mỗi khi có thể. Kể cả lúc quyết định cúp cua giờ tiếng Pháp, mình kéo đám bạn thẳng tiến ra nó. Mình cũng như Maria, chạy lên chạy xuống triền đồi không mệt mỏi, đi tìm những bông hoa dại màu vàng, những ngọn cỏ sâu quăn màu nâu, xắn quần lội trong khe nước róc rách, băng băng qua những trũng đồi, rồi cuối cùng là nằm lăn ra bãi cỏ nhìn lên bầu trời xanh ngắt mây trắng trôi lừng lững.  Đồi Cù Dalat! Ngọn núi của mình, nơi mình đã từng đến để tìm những giấc mơ của trẻ con. Tiếc rằng khi lớn lên, mình xa dần Đồi Cù. Bắt đầu chỉ là 300km Đalat Saigon, sau đó là cả ngàn kilomet, giữa các lục địa. Và đến tận bây giờ mình vẫn chưa trở lại với những vạt cỏ hồng của nó.

Maria Rainer sau khi dẫn bảy đứa trẻ leo núi vượt biên trốn quân Đức Quốc Xã, thế nào bà ấy cũng quay trở lại ngọn núi của bà khi chiến tranh chấm dứt. Mình thì chẳng có chiến tranh gì cả, chẳng có gì ngăn cấm mình ngoài trừ chuyện phải đi làm visa để trở về, nhưng sao lòng thấy lạnh tanh khi nghĩ đến Đồi Cù của mình nếu có gặp lại. Mà nghe nói bây giờ nó đã bị quây lại làm sân gôn. Nghĩa là chẳng còn được tự do đi vào đi ra như thời trước, nghĩa là chẳng còn gặp lại những đàn bò được thả rong ăn cỏ, nghĩa là chẳng bao thấy bà bán đậu hũ miệt mài băng qua những ngọn đồi trọc, lác đác bóng những cụm thông, nghĩa là không tìm đâu thấy bóng dáng những đứa trẻ bán cà rem lang thang khắp đồi, một tay vung vẩy cành cây, tay kia lắc cái chuông cà rem liên hồi, nghĩa là những kẻ trốn học ra góc đồi ngồi thơ thẩn không còn chốn đến, nghĩa là nếu vào đó đi lang thang, nguy cơ lãnh một trái banh golf vào đầu rất cao. Thế thì mình đã mất ngọn đồi của mình rồi.

Và biết lấy gì thay thế để có thể cảm nhận được âm nhạc như Maria đã từng cảm nhận từ ngọn núi của nàng?

My day in the hills has come to end I know
A star has come out to tell me it's time to go
But deep in the dark green forest
Are voices that urge me to stay
So I pause and I wait and I listen
For one more sound for one more lovely thing
That the hills might say

The hills are alive
With the sound of music
With songs they have sung
For a thousand years

The hills fill my heart
With the sound of music
My heart wants to sing ev'ry song it hears

My heart wants to beat like the wings of the birds
That rise from the lake to the trees
My heart wants to sigh like a chime that flies
From a church on a breeze

To laugh like a brook when it trips and falls
Over stones on it's way
To sing through the night
Like a lark who is learning to prey

I go to the hills
When my heart is lonely
I know I will hear
What I've heard before

My heart will be blessed
With the sound of music
And I'll sing once more

The Sound of Music, âm thanh của âm nhạc. Âm thanh của tâm hồn. Âm thanh của vùng đồi núi Alps, hay âm thanh thuở xa xưa của Đồi Cù. Đồi Cù của mình đã không còn, nhưng The Sound Of Music thì vẫn còn đó.

Lan Hương

Fort Worth 08/21/2016

Friday, August 19, 2016

Đi săn ảo ảnh


Nếu bạn ra đường bắt gặp thiên hạ mắt dán chặt  vào cái cell phone, đi vài bước rồi ngừng, ngẩng đầu nhìn quanh quất, lại bước tiếp vài bước, đứng sựng lại, mắt vẫn dán vào cái màn hình nhỏ tí, rồi bất thình lình quay ngoắt người đi ngược lại, nhìn dáo dác, tay bấm lia lịa…Thì trăm phần trăm người đó đang đi săn ảo ảnh. Hay gọi một cách hoa mỹ hơn, đang chơi Pokémon Go.

Trò chơi này được công ty Nintendo tung ra ở Mỹ vào đầu tháng Bảy. Mình không biết nó cho đến khi mỗi lần đi bộ ngoài downtown xém bị thiên hạ trằn lên vì mắt mũi để ở đâu đâu, mình đâm ra thắc mắc sao có người vừa đi vừa đọc email, đọc tin tức, facebook, message… nhiều đến vậy. Mà đa phần là giới trẻ. Cái kiểu bước vài bước lại ngừng, thêm vài bước nữa lại ngừng, không tông cột đèn hay bị xe chẹt cũng là may. Rồi một buổi chiều dẫn chó đi bộ dưới cái park gần nhà, tự dưng thấy một đám con nít tụ tập ở trên cầu, đứa nào cũng cầm cellphone chĩa xuống con suối cạn bấm lia bấm lịa. Mình cẩn thận nhìn xuống dòng nước lượn lờ xem có con gì không mà đứa nào cũng đưa máy xuống như đang chụp hình. Ngoài mấy con rùa mốc, mình thấy chẳng có cái gì đáng chụp cả. Mình thắc mắc nhưng không hỏi chúng, chỉ đi ngang qua.

Cho đến khi đọc tin tức thấy các tiêu đề đại loại như “Chơi Pokémon Go bị rắn cắn”, “Vì Pokémon Go mà rớt xuống cống”, “Một cô gái xém bị xe tông vì ráng bắt Pokémon Go giữa ngã ba đường”…Cái tên trò chơi này bây giờ mới lọt vào đầu mình.

Một hôm đi ăn trưa với chồng và bạn chồng. Mình ngồi cạnh ông già Mỹ râu tóc trắng phau. Vừa đặt đít xuống ghế, ngài lôi phắt cái cellphone ra. Mình nhìn thấy màu xanh lá cây và cái bản đồ của Pokémon Go bèn hỏi thăm. Ông ấy hào hứng hẳn, bảo cái tiệm ăn này là một cái Pokémon Stop. Mình bắt đầu hoang mang. Lão nói thêm, vào đây vừa ăn vừa nạp banh. Mình không dám hỏi banh gì. Lão một tay lùa bún bò, tay kia bấm thoăn thoắt trên màn hình chỉ cho mình xem chơi như thế nào. Bất thình lình lão kêu lên “Nó đây nè” rồi cho mình xem cái màn hình có hình một con vật kỳ cục tròn quay màu tím, đôi mắt lồi màu hồng đang nhảy nhót trên tô bún bò của bạn lão. Lão sung sướng bảo “Con Venonat. Nó được nhiều điểm lắm. Mình chụp hình nó được đó” rồi bấm cái chách vào cái nút tròn màu trắng trên màn hình. Mình đang tròn mắt nhìn một con vật ảo đậu trên tô bún bò thật thì lão nói thêm “Thử bắt nó xem nhé” rồi hẩy trái banh màu đỏ bay trúng đầu con vật. Sao sáng bay tung tóe, con kia biến mất, trái banh quay vòng vòng và hàng chữ “Gotcha!” xuất hiện. Phông nền vẫn là tô bún bốc khói. Lúc này mình thật sự ấn tượng lắm rồi! Lão bảo lão đang ở cấp 5. Thỉnh thoảng có đi Pokémon Gym để đổi màu. Mình đã đủ tẩu hỏa nhập ma với cái trò chơi này rồi nên chẳng còn hiểu lão nói gì cả. Lão bảo nhờ có trò này mà mấy đứa cháu lão mới chịu đi ra đường với  lão. Chiều đi làm về lão có nhiệm vụ chở khoảng 3 đứa cháu ra đường đi thu thập banh. Về nhà nạp điện vào phone xong là cả ông cả cháu tung ra đường đi bắt Pokémon. Vì ngày hôm sau ông phải đi làm nên sau nửa tiếng ông đòi về đi ngủ, cháu bảo ông về trước đi, cháu còn đi thêm, và thế là tụi nó đi đến nửa đêm mới mò về nhà!

Mình nghĩ bụng mình là cái đứa hay đi bộ ngoài đường, buổi trưa lòng vòng trong downtown, tối về dẫn chó lòng vòng dưới park, để mình thử cái trò đi săn ảo ảnh này xem sao. Thế là download xuống. Trò chơi này không tốn tiền nên đã có khoảng hơn hai triệu người sống ở Mỹ download xuống máy của họ vào khoảng tháng Bảy. Cứ thử tưởng tượng xem, cả thế giới hàng triệu người ở khắp nơi ngày ngày xài chỉ một cái apps, chơi cùng một trò, đi bắt cùng một loạt những con vật mang tên khó đọc Squirte, Eevee,Staryu…Trong kỹ nghệ chơi game online, hiện tượng này có một không hai. Và cứ tưởng tượng các servers phải chạy rầm rập suốt ngày suốt đêm như thế nào.

Lần đầu tiên ra đường với cái cellphone cầm tay, mắt mình cũng dính vào màn hình nhưng vẫn còn tỉnh táo để mỗi khi qua đường biết nhìn trước nhìn sau, mỗi khi dừng lại cũng biết đứng xích về một bên khỏi vướng đường người khác. Và rồi mình ra ngồi ở Sundance Square, tự dưng thấy cái gì vàng vàng xuất hiện nơi góc màn hình. Mình mày mò bấm vào nút chụp hình, chụp ngay được một em “giống như nai” khá đẹp. Đó là con Pokémon Ponyta đầu tiên mình bắt được. Chụp không biết bao nhiêu là hình mới bắt đầu quăng banh vào nó. Điện thoại rung bần bật vì bầy dơi ảo ảnh Zubat bay vù vù chung quanh. Rồi thêm các em sâu Weedle bò dưới gầm bàn…Mình nghĩ đi bộ đâu xa, cứ ra cái Sundance này tha hồ mà bắt. Mà đúng thật. Sau đó xem bản đồ mới biết đây là nơi lý tưởng để đi bắt các con vật không bao giờ có thật ấy. Thiên hạ buổi trưa đổ ra đây đi săn Pokémon náo nhiệt hẳn. Ở cái quảng trường này khá an toàn, bóng mát đầy, bàn ghế sẵn cho nên các cao thủ không hẹn mà gặp. Chưa kể các Pokémon Stops quay mòng mòng đầy chung quanh để thiên hạ đến nạp banh vào.

Pokémon Stop là một địa điểm, một tòa nhà, một vị trí mang tính chất lịch lịch sử nếu như ở khu downtown, hoặc đơn giản hơn, chỉ là một tấm bảng gỗ ở park, bảo loại cỏ cao mọc đầy ở đây là một biểu tượng đặc trưng của vùng Fort Worth, nơi khí hậu ẩm ương mang hơi hướng miệt vùng Mexico. Tới bất cứ một cái Stop nào cũng có cái để mà đọc hay mà nhìn, ngoài chuyện nạp thêm banh. Chẳng hạn như làm việc ở downtown hơn mười mấy năm, đi bộ trong đó hàng ngày, vậy mà nhờ có Pokémon Go mình mới nhìn thấy một cái tượng bằng đồng bé tí đặt tít trên cao nơi góc đường!  Hoặc qua lai mòn gót trước tòa nhà màu đỏ gạch bây giờ mới biết nó là tòa nhà đầu tiên được xây dựng ở thành phố này!

Những người chống đối trò chơi này bảo hay ho gì cái màn đi ngoài đường mà cắm mặt vào cell phone, không bị xe chẹt chết cũng uổng. Người ủng hộ lại bảo bây giờ muốn con nít ngồi dán đít vào ghế suốt ngày mắt dính vào màn hình suốt ngày hay là muốn chúng nó đi ra ngoài? Vận động chân tay không bao giờ là chuyện vô ích cả. Nhờ có các con vật ảo màu mè vẽ rất đẹp, rất dễ thương mà đám con nít mới chịu khó ra ngoài đi bộ. Tệ lắm chúng cũng leo lên được cái xe đạp đạp vù vù giữa các Stops. Riêng cái khoản bố mẹ phải theo con đi bắt Pokémon thì thấy đông đảo hẳn ra. Cảnh một bà mẹ ngáp ngắn ngáp dài chăn hai mống con vừa đi vừa hí hoáy với cái điện thoại, thỉnh thoảng bà mẹ hỏi thế có bắt được con nào chưa là chuyện thường tình mình hay gặp ở park rồi. Riêng trong downtown toàn dân đi làm, buổi trưa thay vì ngồi lì tiếp tục dán mắt vào cái màn hình vi tính, các ông các bà tung ra đi săn Pokémon cho đỡ chán. Cũng vì buổi trưa săn ở downtown, chiều về dẫn chó đi săn ở park, mình được nâng cấp vù vù. Trung bình mỗi ngày mình có một cái trứng nở bốp cho ra một con Pokémon mới. Chuyện cái trứng là như vầy. Các Stops ngoài chuyện cho banh thỉnh thoảng cho một cái trứng. Trứng thì phải ấp. Lồng ấp đã có sẵn trong game. Tất nhiên phải có thì giờ cho trứng nở. Thì giờ của Pokémon được tính bằng cây số đi bộ. Ở đây nếu đi được đúng 5 miles cái cell phone rung bần bật, trái trứng hiện ra “Oh?” Bấm vào đó sẽ thấy trứng nở ra một ảo ảnh, đại khái như con Seel, giống cá voi. Nhờ vậy mình có 2 con Pikachu thứ thật chứ biết nó ở đâu mà bắt? Có những cái trứng đòi phải đi tới 10 miles, ngược lại trứng lười  thì chỉ cần đi 2 miles. Giống cái kiểu tiền nào của đó, trứng 10 miles sẽ cho ra rồng, trứng lười 2 miles cho ra một con sâu cung quăng bé tí.

Mình chơi Pokémon Go chỉ là đi thu thập cho bằng hết các loại ảo ảnh trong danh sách. Mình không biết phải làm gì với cái Gym, nơi mà phải tranh giành quyền lực, đổi màu gì gì đó. Mình lạnh lùng đi qua nó trong khi đám cao thủ rú rí hò hét đầy phấn khích. Thỉnh thoảng nhờ thằng con dẫn chó đi bộ giùm, mình đưa nó cái phone của mình, thế là ông con đi tranh giành màu sắc quyền lực cho mẹ. Lắm khi về nhà bảo Pokémon của mẹ gần chết rồi!

Cái thế giới ảo này, nếu tỉnh trí thì đó là một trò chơi bình thường. Nếu điên rồ vì nó đến nỗi như một bà nọ phải leo lên cây, không biết bắt con gì mà khổ thế, để rồi không leo xuống được, đành gọi 911 mang thang ra cứu thì mình chào thua. Hay như bốn thằng nhóc ở England quyết định ra hòn đảo vào lúc chạng vạng để bắt Pokémon thuộc dạng thủy quái, lúc ra thì nước đang rút, đường đi dễ như gì, sau đó 3 tiếng thủy triều lên, các ông hết đường về mà đảo thì dần dần chìm dưới nước, đành gọi cho cảnh sát mang xuồng ra cứu. Còn chuyện “vượt biên” vì mải mê theo đuổi con Nidoran là chuyện xảy ra không dưới một lần ở biên giới Canada với Mỹ. Hai đứa trẻ Canada say sưa đi theo một con vật màu mè Bulbasaus, mang hơi hướng của Dinosaur, vượt qua biên giới Mỹ lúc nào không hay. Bà mẹ ở nhà nghe nói cảnh sát biên phòng Mỹ cần nói chuyện với mình thì nhảy dựng lên, vội vàng qua bên kia biên giới đón con về.  

Mình đồng ý không nên vào những chốn nghiêm trang như nhà thờ, chùa, nghĩa trang mà chơi. Nhưng tung Pokémon đầy parks cho con nít đi săn là chuyện không tệ. Arlington Park system vừa mới quảng cáo đã cho cả loạt Pokémon Stops với Gym vào hệ thống công viên của họ. Thế là lượng người đổ đến các công viên này đông đảo hẳn. Đi bắt Pokémon ở ngoài park an toàn hơn, chẳng lo xe cán hay tông cột điện. Người không chơi nhìn thấy người chơi cũng dễ dãi hẳn, sẵn sàng đứng qua một bên kiên nhẫn chờ người chơi quăng banh ráng bắt con Pigley đang nhảy nhót choi choi rồi cả đôi bên vui vẻ đi tiếp. Thỉnh thoảng còn hỏi thăm nhau thế đã tóm được con gì rồi.

Đó là chuyện đi bắt bình thường. Đám trẻ không bao giờ tính đến chuyện bình thường cả. Thế là hì hà hì hụi “hack” vào system. Đang ở Fort Worth nhưng trên màn hình xuất hiện bản đồ ở San Francisco. Rồi chỉ ngồi một chỗ mà giống như người ta đang đi cả mile. Chơi như thế mình không ham. Mục đích của mình là đi bộ. Đi bộ ngắm cảnh hàng ngày phát chán, bây giờ vừa đi vừa nhìn trời nhìn đất, thỉnh thoảng nhìn màn hình xem có con gì quanh đây không để bắt thì thú vị hơn. Chơi ăn gian thì được lên cấp vù vù nhưng chẳng “fair play”. Nghe nói bây giờ nếu ai chơi ăn gian kiểu đó sẽ bị loại, nghĩa là không cách chi vào được game để tí ta tí tởn cho cái bản đồ của châu Phi lên đi bắt Pikachu, ngay cả bản đồ con đường trước mặt nhà mình cũng cấm có được vào. Thế mới gọi là công bằng .

Đây là một trò chơi mình thấy cuốn hút cả già trẻ lớn bé, cuốn hút mọi thành viên trong gia đình. Dễ gì mà nói không với con khi nó ỉ ôi đòi dẫn ra park? Bình thường lạy lục nó ra khỏi nhà thì nó than vắn thở dài bảo mệt lắm, trời nóng thế mẹ có điên không? Bây giờ chưa đến giờ đi đã rối rít sợ thiên hạ bắt hết Pokémon của nó. Lắm hôm say máu ngà nó nhất định không chịu quay về nhà mà đòi đi tiếp là đàng khác.

Thôi thì chống hay không chống, Pokémon chỉ là một trò chơi. Chơi như thế nào là chuyện của từng người. Mà không chơi cũng chẳng chết ai cả.

 Lan Hương

Fort Worth 08/16/16

Wednesday, August 17, 2016

Chọn mặt gởi vàng


Tôi liếc qua vai thằng bé. Nó mê mải với cái màn hình cell phone, dí mắt vào đó, tay bấm lia lịa. Tôi hỏi “Cháu có bao nhiêu bạn trên Facebook rồi?” Nó liếc nhìn tôi “Khoảng gần một trăm”. Tôi thốt lên “Ô, cháu là người nổi tiếng rồi nhỉ?” “Không bằng thằng anh họ cháu, nó có bạn nhiều lắm. Gần như hết cái trường này là bạn của nó rồi”. Thằng bé tầm mười, mười một tuổi, nói chuyện với tôi mắt không rời cái màn hình màu xanh nước biển. Tôi hỏi tiếp “Cháu làm gì trên Facebook?”  “Cháu đăng hình lên rồi chờ bạn cháu vào xem, đếm  coi mình được mấy cái like. Hoặc cháu xem bọn chúng bỏ cái gì. Cháu cũng chơi game trên đó luôn. Cô có biết Candy Crush không? Chơi trên đó vui lắm. Đại loại thế”. “Cháu không sợ bỏ hình cháu lên Facebook à?”  Bây giờ nó mới ngước nhìn tôi ngạc nhiên “Sao phải sợ? Hình mình chứ hình ai?”

Ừ, đúng vậy. Hình mình chứ hình ai. Nếu tôi giảng giải cho nó rằng các cao thủ hackers sẽ lấy hình của nó làm những chuyện gì có trời biết thì nó sẽ cho rằng tôi bị điên. Trên Facebook một ngày có bao nhiêu tấm hình được bỏ lên? Có bao nhiêu người bị hệ lụy vì nó? Thằng bé không biết và cũng chẳng có vẻ gì muốn biết. Ngay cả tôi cũng không biết nốt nhưng ít nhất tôi không hề muốn cái mặt mình chình ình trên màn hình điện thoại, màn hình tablet hay màn hình máy tính của những người tôi không hề quen biết.  Những ai đã từng có Facebook chắc rành rẽ lắm. Bạn của bạn của bạn của bạn, nối dài thành một chuỗi dây mơ rễ má bất tận. Mình có viết bất cứ cái gì lên Facebook thì cả cái chuỗi rễ má này sẽ biết ngay, dù rằng người ở tận cùng cái chuỗi “bạn” này chưa từng biết mình là ai. Facebook kết nối mọi người với nhau, như một cái mạng nhện chằng chịt, nửa khép kín, nửa để hở. Kiểu như muốn làm gì thì làm, và nếu có làm gì thì phải tự chịu hoàn toàn trách nhiệm. Bạn bè lâu ngày không gặp bảo tôi bỏ hình lên, tôi rất ngần ngại. Một cái hình sẽ đi kèm vô khối thông tin đàng sau nó. Thời đại máy tính nhanh như chớp, internet chạy vù vù. Ở Mỹ ho khan một tiếng, lên Facebook viết ngay một dòng cảm thán tự thương thân “Ôi hôm nay mình không được khỏe”. Đúng hai giây sau bên Việt Nam sẽ gởi lời hỏi thăm, cũng chừng đó thời gian bên Bỉ sẽ hỏi đau lâu chưa, và Đức sẽ an ủi ngay tắp lự, mong bạn chóng bình phục. Tự dưng bạn sẽ cảm thấy khỏe khoắn hẳn vì được chừng đó người quan tâm đến cái ho khan của mình. Bảo sao không thích? Ngược lại, đang để hình mình chụp với anh bồ cười toe toét khoe đủ hai hàm răng trên dưới ở trang nhà, đùng một cái chia tay, đường ai nấy đi. Đang cắm cảu, khóc ngày khóc đêm, chưa kịp lên Facebook đổi hình profile thì thiên hạ đã bàn tán loạn lên “Bảo là chia tay nhau rồi sao còn hai cái mặt ở đó?” “Thằng đó đã post hình con bồ mới của nó lên Facebook rồi đó!” “Gớm, chia tay rồi mà còn để cái hình đó lên!” Bố mẹ thấy con nằm trùm mền suốt ngày, vội lò mò vào Face của con để tìm hiểu, thấy hình hai đứa còn tươi roi rói, bán tín bán nghi. Riêng khổ chủ thì phải qua cơn thống khổ mới có thì giờ đi lục tung tất cả những hình chụp chung với anh bồ đã lỡ để lên Facebook đem xóa, lại thêm cái màn xóa luôn bạn bè chung của hai người vì mình nhất quyết không muốn biết cái thằng kia sau khi chia tay mình đang bồ bịch với ai.

Tôi vốn thuộc thế hệ cổ, chỉ muốn chia xẻ suy nghĩ của mình với những người được tôi lựa chọn. Tôi không dễ dàng mang nỗi niềm tâm sự của mình quăng vào không gian ảo, kẻ thật người hư ai là người thông cảm cho mình? Không phải với bất cứ người nào tôi cũng có thể nói rằng “Hôm nay tôi vui lắm” hay “Trời hôm nay buồn quá”. Mấy ai trong số đó sẽ đủ hiểu tại sao tôi vui, tại sao tôi buồn? Hay chỉ đọc cái dòng tâm trạng của tôi một cách rất đỗi thờ ơ? Có mấy ai trong số cả trăm bạn sẽ đủ kiên nhẫn nghe tôi tả tại sao tôi buồn? Nhưng thật ra, tôi không muốn mọi người phải nhìn thấy cái mặt tôi chình ình ra mỗi khi tôi đi chơi đâu đó, ăn uống đâu đó, hay làm bất cứ cái gì ở đâu. Tôi có cảm giác như mình đang bị cả một đội quân FBI theo dõi vậy. Và nếu không muốn bị theo dõi, bạn chỉ nên “âm thầm” trên Facebook mà thôi, nghĩa là không đăng hình, không phát biểu lung tung, không “like” đầu này, “unlike” đầu kia…Bạn bè vì thế sẽ chán mình, sẽ bỏ mình. Tùy bạn thôi đấy nhé.   

Facebook được tung ra vào năm 2004 bởi Mark Zuckerberg và đám bạn trong trường Harvard. Mới đầu chỉ quanh quẩn trong khuôn viên trường đại học, sau đó lan qua những trường đại học khác ở vùng Boston. Đến năm 2006, ở Mỹ gần như bất kỳ ai từ 13 tuổi trở lên cũng có một cái Facebook account.  Tôi vốn chậm chân, đến năm 2012 hay 2013 gì đó mới bắt đầu mở account. Chẳng qua chỉ vì muốn thấy mặt đứa con của con cháu mình, thế hệ thứ tư đầu tiên trong đại gia đình. Cả họ nôn nóng muốn xem mặt mũi thế hệ mới toanh này. Như cái thuở mẹ nó được chào đời, cả nhà hồi hộp chờ mong đứa cháu đầu tiên. Nó bảo nó để hình con lên Facebook rồi, mọi người vào xem đi. Đừng mong nó gởi hình qua email cho mà xem, in ra bỏ vào phong bì gởi cho mọi người là chuyện không tưởng. Thế là cả họ lục tục vào Facebook. Không vào thì không biết mặt con nó tròn hay méo. Tôi bắt đầu Facebook từ đó.

Trong khi bạn bè kết nối cả trăm người, tôi quanh đi quẩn lại vài mạng, phần lớn là trong gia đình. Của đáng tội, thế hệ sau này coi cái chuyện nhấc phone thông báo tin tức của mình cho cả làng nghe là chuyện không tưởng, còn viết thư là một cái gì đó thuộc thế kỷ trước nên muốn biết chúng đang làm gì, ở đâu, thì phải mò vào Facebook.  Hai thằng con cũng có Facebook đàng hoàng, nhưng tôi chẳng bao giờ xin kết bạn với chúng vì tôn trọng khoản riêng tư, mặc dù lắm lúc cũng tò mò gần chết, chỉ muốn “đi do thám” hai ông con đang làm gì.

Nếu xài Facebook như tôi đang xài thì có lẽ “chán chết” đi được, như nhiều người nói. Tôi gần như chẳng viết cái gì, chẳng “like” cái gì. Như một bóng ma vậy. Trong khi bạn tôi ấy à. Vừa mới mang con gà tây Thanksgiving trong lò ra, nó rú lên, chị khoan hãy chặt để em chụp hình cho lên “phây”!  Khoai tây vừa trút trong nồi cũng bị nó chặn lại cho lên “phây” luôn một thể. Ngay cả đến mấy cọng đậu nướng của tôi cũng được hân hạnh đưa lên màn hình màu xanh . Điện thoại với chức năng chụp hình cộng thêm Facebook làm cho bữa ăn của mọi gia đình hình như chậm lại vì cần phải chụp hình, cho lên Facebook, chờ xem có ai “thích“ hay không. Chưa kể đi ăn nhà hàng thì tha hồ mà chụp vì những món ăn được dọn ra rất đẹp mắt mặc dù không biết ngon hay dở. Người được xem hình nhìn đồ ăn thì sẽ comment bên dưới “Ngon nhỉ?” rồi tặng cho một ngón tay cái. Thật ra cũng lắm kẻ bĩu môi “Đồ khoe khoang!” nhưng vẫn hào phóng cho một ngón tay dơ lên. Facebook bây giờ tiến bộ rồi, ngoài cái ngón tay cái ra còn bộ mặt đỏ au vì giận dữ, bộ mặt méo xệch vì buồn rầu. Nhưng hiếm khi thiên hạ dùng đến nó. “Like” hay ngón tay cái là vô thưởng vô phạt. Người ta để hình lên Facebook có mục đích được “thích”, không ai muốn nhận một cái mặt đỏ bừng bừng! Cứ thử gởi cái mặt đó mà xem, bạn sẽ bị “unfriend” ngay tắp lự!

Hình đồ ăn đã đành. Hình đi chơi mới là nhiều. Tôi ngồi một chỗ ở đây chứ vẫn biết mọi người đang đi chơi ở đâu, đang ăn cái gì nếu chỉ cần bỏ ra 10 phút liếc qua Facebook. Người chụp hình sau khi post lên sẽ hồi hộp chờ đám bạn của mình vào xem, rồi đọc comment “Đi chơi sướng thế” “Ôi trông chị trẻ quá” “Chị em càng ngày càng đẹp”, vân vân và vân vân. Dĩ nhiên tôi chẳng rỗi mà đọc hết chừng đó cái comment nếu không vì vô tình lỡ tặng một cái ngón tay cái vào hình của ai đó, thế là sau đó tất cả những comment của bức hình này sẽ nhảy vào email của tôi, không muốn cũng phải liếc qua để còn vứt vào thùng rác. Nghe có vẻ trắng trợn lạnh lùng nhưng nếu là bạn, bạn có muốn nghe người khác nói về một người khác mà mình chưa từng gặp mặt bao giờ hay không? Một người bạn không hề quen biết nói về người mình quen biết sơ sơ, hoặc cái kiểu bạn của bạn của bạn? Tôi còn nhớ một người bạn ở Việt Nam một hôm phải kêu lên, xin đừng tự tiện bỏ tên tôi vào các trang trên Facebook! Cuối tuần nào tôi cũng phải mất cả tiếng đồng hồ để tự loại mình ra khỏi các trang mà tôi không thích! Thế mới khổ, chừng đó trang cộng thêm bạn bè, mỗi lần vào Facebook phải đọc hết chắc mệt xỉu!

Năm ngoái ở Houston xảy ra một vụ đẫm máu trong bữa tiệc sinh nhật của con bé 18 tuổi. Mẹ của nó  hơi ngu, lên Facebook gởi lời hiệu triệu mời bạn bè đến nhà ăn tiệc. Theo cái kiểu chuỗi dây chuyền, kết cuộc có khoảng hơn 50 mạng đến nhà bà, trong đó không biết có bao nhiêu đứa mới thật sự là bạn của con mình. Rồi thì cãi nhau rồi thì đánh nhau, kết thúc là rút súng và cái đứa bé 18 tuổi ấy, chẳng bao giờ biết được sinh nhật 19 ra sao, đã ngã xuống trong ngày sinh nhật cuối cùng của mình mà không biết vì sao nông nỗi.

Facebook, nếu biết dùng là phải biết chọn mặt gởi vàng. Nếu không biết dùng, chẳng khác nào rước kẻ cướp vào nhà. Nhưng nếu bạn muốn có khoảng hàng trăm bạn bè thì đành “rước cướp”, nếu kỹ càng chọn bạn mà chơi thì chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Như vậy thì thôi hãy gởi một cái email cho bạn mình nhân ngày sinh nhật chẳng hạn, vì nếu là bạn thân, ngày sinh của nó không cần đến Facebook nhắc nhở. Vậy chứ viết một dòng nhắn trên Facebook vẫn nhanh hơn hì hà hì hục gởi một cái email. Và lắm khi trong đời, mình cũng muốn la lên cho toàn bộ thế giới biết, trời đất ơi, tôi đang phát chán đến tận óc đây!

Nhiều người sử dụng Facebook như một nơi để quảng cáo. Thằng con tôi chẳng hạn. muốn buôn bán cái gì, nó thảy lên Facebook. Tôi chọn Facebook để đọc tin tức. Những loại tin thật ngắn gọn, thật nhanh chóng. Và một lần nữa, mình cũng phải biết mình muốn đọc cái gì và ở mức độ tin tưởng đến đâu. Đọc tin tức trên Facebook có một cái tôi không thích, đó là những lời comments. Đủ loại hạ vàng thượng cám. Như nội cái chuyện con bé người Mỹ Gabe khi nhạc quốc ca trổi lên ở Olympic Rio, nó không để tay lên tim như bốn đứa kia mà cả nước nhâu nhâu nhặng cả lên. Đúng là có rỗi hơi mới vào bình luận mọi thứ chuyện trên trời dưới đất. Thôi thì đành phớt lờ mọi lời bàn ra tán vào, chú mục vào những mẩu tin cực kỳ ngắn gọn và từ những nguồn tin thật đáng tin cậy.  

Nói thế chứ cả ngày hôm nay tôi ngồi ôm cầm chừng cái Facebook để liên lạc với thằng con bên Tàu. Giờ này tôi chẳng biết nó đang ở đâu. Trên giấy tờ thì nó đang ngồi ở Bắc Kinh nhưng không cách gì liên lạc, tôi đồ rằng nó chưa vào internet được. Trước khi nó đi, tôi bảo nó làm sao liên lạc được thì nó bảo mẹ gởi message cho con qua Facebook. Thế đấy.

Có muốn bỏ Facebook cũng không được.  

Fort Worth

(06/23/2016)