Pages

Sunday, December 3, 2017

Thiên Nhiên Trong Khoảnh Khắc




Không biết,  từ lúc nào  tôi chợt nhận thấy , mình đi tìm hình ảnh của thiên nhiên chỉ qua từng khoảnh khắc
Phải chăng do  những năm tháng xa xưa , ở Dalat , một thành phố nhỏ ít có sự đổi thay , êm đềm trong một màu thông xanh ngắt quanh năm , khung cảnh an bình qua nhũng khu nhà , phần lớn là biệt thự , ít thấy nhà  chung cư , với những con đường quanh co lên xuống , Những góc cạnh đẹp như vẫn từng như thế từ thiên niên kỷ , khiến tôi chả cần kiếm tìm đâu xa  . Cứ an nhiên tận hưởng
Đến lúc rời xa , mới thấy thấm thiá những cái đương nhiên đó , tìm mãi chả thấy đâu 
Chả hạn giống thông ba lá  , vây bọc núi đồi qua góc nhìn từ  những khung cửa sổ của căn nhà số 7 Yagut ,loại thông  vẫn được chặt mang về hàng năm làm cây giáng sinh ,  cành lá không dầy đặc   , vẫn dấy trong  tôi một mơ ước có lúc tìm được một cây tùng thật sự như trong nhũng tấm carte Noel để trồng trước cửa nhà hoặc làm cây Noel cho thêm phần sang cả
Khi xa xứ , mỗi lần đi qua những rặng thông , thấy mừng vui như gặp lại cố nhân , nhưng thất vọng ngay , vì không phải loại thông ba lá . Phải đi mãi tận đến một khu di tích cổ hoang tàn đổ nát , chỉ còn trơ ra những cột đá chứng minh cho một thời oanh liệt tại một vùng ở trung tâm đảo Corse , mới thấy in cắt trên nền trời những dáng hình quen thuộc , Cầm trong tay những lá thông đã từng nghe vi vu hát ,nhớ những thảm lá nâu trong những cánh rừng đi phiêu lưu mạo hiểm thuở còn bé ,bỗng thấy nghẹn ngào trong hồi ức của một thời . Nhưng thông ở đó mọc xơ xác lắm ; không như ở quê tôi 
.Hiện giờ , tuổi trẻ Việt Nam hò reo nhau trên mạng thông tin rằng ,  nếu lên Dalat , phải tìm đúng đến một cây thông nằm trơ trọi đâu đó trên đỉnh núi Lang Biang , nhất định phải leo lên ngồi vắt vẻo , mắt không nhìn về phía thành phố đang trải dài dưới thung lũng xa xa , mà nhìn thảng vào ống kính phó nhòm , tay hươi lên dấu hiệu chữ V của hòa bình dù đất nước đã hết chiến tranh từ lúc chúng sinh ra đời . Thế  mới chứng minh là mình đã đi "phượt" ở Dalat . Y như du khách qua Paris phải nhất định có một tấm hình dưới chân tháp Eiffel 
Rồi nào là đi "phượt" thung lũng cỏ hồng . Tôi lục lọi trong rương ký ức , xem đây là giống cỏ gì , vì nhìn các tấm hình đã qua photo shop , hồng lườm , bẹp dí dưới những gót chân du khách đi tìm góc cạnh để đời   . Sau mới nghĩ ra , là giống cỏ nâu từng phủ kín đồi cù , bị lũ chúng tôi không thèm đếm xỉa đến vì khai mùi "nước đái mọi "!
Không  biết bao nhiêu lần lúc còn ở Dalat , ngồi bậc thềm trước hiên nhà số 7 , nhìn qua ngọn đồi trước mặt , thấy mặt trời lên , thấy trăng tròn mùa rằm , thấy sương mù lãng đãng giãng kín . Đẹp thì có đẹp , nhưng chỉ  nhìn thoáng qua , bởi còn bận tâm đi tìm những cái gì khác hơn nữa 
Sau này mỗi lần muốn giang hồ tung cánh ,  , điểm son cần phải có ,ở nơi sắp đến  là có vị trí nào đó  ngắm mặt trời lên hoặc xuống , i 
Đất Bỉ này , hết 300 ngày là mây và bầu trời xám . Nên lúc nào có được vài ngày đẹp trời  là cả nước sôi lên sùng sục , các đài kênh truyền hình tạm quên đi hình ảnh máu đổ lệ rơi của ta bà thế giới , để quay những cảnh phơi nắng trên thảm cỏ xanh, cảnh hân hoan xơi một cây kem với áo tee shirt chứ không phải với áo choàng và mũ len . Lòng dạ mọi người phơi phới , tận hướng từ lúc mặt trời lên đến lúc mặt trời lặn , quyết không bỏ qua phút nào . Dĩ nhiên , nếu ngày đẹp trời rơi vào giữa tuần , thì thiên hạ sẽ gầm gừ trong các bureau và tôi , chỉ nhìn đất trời tưng bừng  qua khung kính lớn trước cửa gian hàng
Tôi vẫn nói đùa với khách , hàng tôi mang tên hoa hướng dương , nhưng lại rất kỵ mặt trời , vì ngay cả mùa đông , hễ trời đẹp là vắng khách 
Được dịp nghỉ hè , là thiên hạ , trong đó có cả tôi , sẵn sàng chịu nạn kẹt xe khủng khiếp trên quãng đường tòm tèm gần 900km , được mệnh danh là " tuyến đường đến mặt trời " tìm  đến các nước phía nam , với  nắng , nóng , biển xanh 
Hai đứa em tôi sống ở Texas , con bạn tôi sống ở Miami , sợ nắng và nóng như sợ cọp . Đến nhà bọn chúng , sáo cửa kéo xuống âm âm u u , ngồi trong nhà với cảm giác bí bách , nhưng thử thò ra ngoài xem , giỏi lắm là một tiếng , lại nhảy ngay vào trong đi tìm máy lạnh . Bao nhiêu lần đến thăm bọn chúng vào mùa hè , tất cả hoạt động ngoài trời phải bắt đầu lúc 6 giờ sáng  . Có cầm vợt đánh tennis thì đến 7 giờ là hết xíu quách , về đến nhà nhảy vào hồ bơi , còn nghe rõ ràng một tiêng "xèo" khi thân hình nóng chạm nước mát ,
Đến lúc học làm phó nhòm , lại càng đi tìm những khoảnh khắc  chợt đến chợt đi quanh mình
Lần đi hiking ở Thụy Sĩ với gia đình con em . Tháng 6 trời vẫn còn mưa dầm ,  Di chuyển  bằng xe lửa , tôi tẩu hỏa nhập ma , thấy lúc nào mình cũngngồi trên một chuyến đi  , ngang dọc sao đó không biết theo tính toán của con em để đến được hết những đỉnh núi cao nhất ở đây , đến độ tôi hình dung ra nước Thụy Sĩ rộng mênh mông , hóa ra chỉ nhỉnh hơn Bỉ tí chút . Lần đi dưới mưa dầm đến khách sạn núp mình trong sườn núi ở Aescher ,rửa mặt trong lavabo hứng nước rỉ từ vách đá xuống lạnh buốt cả tay , qua khung cửa sổ , chỉ thấy sương mù khắp nơi. Phải đợi đến lúc trời hửng sáng , nhìn cảnh mây trôi qua các đỉnh núi , dưới thung lũng , mới thấy mừng là mình đã có dịp đến đây nhìn ngắm . Vị trí tốt nhất để chụp hình , thì đã có một em Tàu dàn máy móc ra từ tối hôm trước , đứng khơi khơi xăm soi , nhất định không nhường chỗ cho ai hết , tha hồ cho thiên hạ lườm nguýt
Sau đó là hành trình đi săn lùng ngọn núi Zermatt . Leo tuốt lên cao , đứng chờ cóng cả người cả gần 2 tiếng đồng hồ mà lúc nào cũng có những đám mây che khuất đỉnh núi . Tôi đưa cho con em xem tấm hình con bạn tennis gửi cho chụp được đỉnh núi này lúc chiều tà , thế là phái đoàn quyết tâm chờ tiếp , chửi rủa ra mặt đám mây không hiểu sao muốn trêu ngươi cứ nhất định vờn quanh . Sau đành bỏ cuộc để tiếp tục con đường hiking . Đến tận chiều , trời bỗng nắng rực rỡ , và đỉnh núi hiện ra , đẹp toàn vẹn trong sự hùng vĩ của nó , tha hồ mà xăm soi ống kính và nhìn bằng mắt , vì biết rồi đây đám mây bên cạnh lại sáp đến phủ kín hết
Năm ngoái đi hè , bên Espagne , với gia đình hai con em khác cộng bà chị . Nhà thuê trên tuốt một vùng cao nhất của  Begur , sát cạnh một lâu đài với thành trì chung quanh đã đổ nát đã được trùng tu lại 



Với mấy trận nổ bom , trằn người bằng xe camion , ở khắp nơi tại Âu Châu của dân phá hoại ,, Espagne biến thành địa điểm được du lịch tấn công nhiều nhất trong năm này , chả bù với chỉ vài năm trước , cũng đến đây , nhà cửa rao bán khắp nơi , và giá cả sinh hoạt hạ xuống hết vì thiếu du khách , và dân địa phương đang bị khủng hoảng kinh tế  ,nên trầy trật lắm mới mướn được căn nhà này
Chỉ cần 5 phút từ nhà là đã đến chân lâu đài . Nên tôi và con em , hằng sáng , vác máy hình  như dân chuyên nghiệp , dù tôi chỉ có một loại ống kính standard cho máy , leo lên ngồi vắt vẻo trên tường thành đợi bình minh . 6 ngày ở đây là 6 ngày ngắm mặt trời lên , nhìn lại các hình chụp , không buổi bình minh nào giống buổi bình minh nào  . Mây trời , bóng nước , ánh sáng , khác hẳn nhau , và những mái nhà đón những đợt ánh sáng đầu tiên trong ngày , không giống hệt nhau , bảo sao không đi tìm những khoảnh khắc đến rồi đi , không còn tìm lại được nữa
Buổi chiều , ngồi bàn ăn tối ngoài trời , rượu thịt đầy đủ , đợi mặt trời lặn , đẹp một cách úa tàn , nhưng tâm trạng tôi lại khởi sắc , chắc chắn không giống cậu Hoàng con những lần ngồi đếm mặt trời lặn một mình trên hành tinh của mình , vì tôi có khung cảnh đầm ấm của gia đình sum họp
Gia đình sum họp .... 9 người 10 ý . Chưa ra khỏi nhà , mỗi người đã muốn đi theo hướng của mình . Tôi nhớ ngày đầu đặt chân đến Charmonix sau một tuần lễ ở Espagne , chả hiểu nguyên nhân gì , tôi nổi cáu lên ,la hét um sùm , xong vùng vằng lên phòng mình , đến lúc nhìn ra cửa sổ ,  thấy một đỉnh núi hiện ra tắm mình dưới ánh trăng , giận hờn cáu kỉnh biến đâu mất hết , chạy vội xuống nhà gọi chị em lên nhìn một khoảnh khắc đất trời đang ban tặng trước mắt mình
 Dãy núi Mont Blanc theo chúng tôi suốt cuộc hành trình  . Nhuộm sắc hồng lúc bình minh , bừng sáng màu tuyết trắng trên con đường hiking mện danh là " Lan can của Mont Blanc " . Leo trèo hì hục , lúc muốn tắc thở , ngắm nhìn rặng núi , thấy mệt mỏi tan biến hết . Trong lúc chờ bà chị lớn tuổi chậm rãi rượt theo chúng tôi , đã có những bụi myrtille xanh tím nhâm nhi . Đất trời hoa lá quyện vào như tiên cảnh , còn muốn gì hơn ?
Cũng năm này , được dịp quay trở lại một bãi biển mùa hè mới đến LLa Franc nhân dịp đám cưới của đứa cháu . Nhìn bãi biển sôi sục mùa hè , bây giờ vắng ngát lúc vào thu , gió lạnh và mưa bay bay , mới biết khoảnh khắc hè qua , đã được xếp vào rương ký ức

Năm nay đi Irlande với vợ chồng con em . Dublin , thành phố con gái tôi đã ở 6 tháng nhân dịp trao đổi du học sinh . Lần đến thăm nó , chỉ còn nhớ mưa , mưa và mưa , còn kinh hơn ở Bỉ . Trước lúc lên đường , xem thời tiết ở đây , xếp vào trong hành lý hai áo mưa , toàn quần áo mặc mùa thu trong khi đang ở giữa tháng 8 cho chắc ăn
Irlande- glaieul sauvage
Con em tham dự marathon , tôi tài lanh cầm smart phone của nó , yên trí vào trí nhớ của mình với số code , coi bộ ngon ăn , hình tam giác , với vỏn vẹn 4 số . Kết quả là bloc luôn cả điện thoại , vì ráp số nào cũng không đúng . Hai chị em lạc nhau ngay chỗ marathon  không biết tìm ở đâu , 2 tiếng đồng hồ tôi đi hiking trên những con đường thiên hạ chạy qua mà không tìm thấy được đích đến , thiên hạ đã chạy xong , đi trở ngược ra với huy chương lấp lánh . Tôi cũng có hỏi thăm , người thì chỉ đằng đông , người thì chỉ đằng tây , đến lúc tối đến được đích , thấy đám đông vây quanh , có lõ cả mắt ra cũng chả biết nó đâu mà tìm , không có điện thoại liên lạc , chịu chết . Con em thì sắp khóc vì nghĩ đang bị bỏ rơi ra mặt . Sau rốt cũng đủ mặt , chỉ tiêc chầu bia lúc nó chạy đến đích
Thiên nhiên ưu đãi chúng tôi những ngày ở đây . Tôi nhìn thấy vách núi Mahoe dưới ánh mặt trời cùng với những triền đồi hoa bruyère và hoa đậu vàng như đã từng thấy ở Bretagne . Điều bất ngờ là ở Dingle , đến nơi lúc trời đã sập tối , nhìn thấy ánh đèn xe quét những vệt hoa ven đường , không tưởng tượng được  sáng hôm sau  vẻ rực rỡ của những con đường viển tuyền một loại hoa Glaieuil dại màu đỏ cam rực rỡ  tôi đã từng thấy ở trong nghĩa địa Tây ở Dalat Và hoa lồng đèn sắc đỏ , viền kín các hàng rào chia ô vườn tược trên khắp nẻo đường đi . Sao trong các tài liệu tôi đọc , không thấy nhắc đến mùa hoa dại ở đây , đẹp gấp bao nhiêu lần đảo Madère của Portugal , hòn đảo được mệnh danh là hòn đảo hoa , nhưng chỉ đơn điệu  một giống hoa túc cầu màu xanh
Irlande - Moher clift
Những ngày ở đây trôi qua như một giấc mơ , nháo nhào trong không khí sôi nổi của cac Pub , nơi ai cũng có thể bắt chuyện với ai ,những câu chuyện chỉ cần ra khỏi quán là quên hết , nhưng khi mình đã ở trong , thấy bị cuốn vào, quên hết phiền toái của cuộc đời , cơm áo gạo tiền rũ sạch , tận hưởng cái khoảnh khắc vô ưu dễ gì mà có 




Quên sao được quán ăn ven đường tình cờ đến , với chai rượu trắng ngoài sân cỏ , cảnh mây nước xa xa , và sự tiếp đãi chân tình của mẹ con bà chủ quán , rối nùi gỡ không ra vì hàng đông bất ngờ , khiến tôi nghĩ đến tôi và căn hàng ăn của mình , khi đông khách , tôi có cảm giác như mình đang ở trong vạc dầu !
Irlande - Bruyère


Nhờ vé máy bay rẻ bất ngờ , tôi còn thực hiện đươc một trong những mơ ước của mình , là đến Canada vào mùa thu
Trước khi lên đường , bà chị tự hỏi "Ở Montréal có mưa không cà ? " Tôi thấy ngay là điềm báo trước sẽ lãnh đạn mưa . Y như rằng . Bà bạn của bà chị cho ở nhờ dõng dạc thông báo , thang 10 , thường thì Montréal mưa khoảng ...20 ngày !
Bên cạnh những cơn mưa dầm dề , mới thấy quí những khoảnh khắc trời ngưng mưa , trời hửng nắng để hiking đi ngắm lá vàng . Dân địa phương thì lo y như xưa kia chúng tôi lo đi picnic ở Đa Thiện sẽ gặp trời xấu , sợ lá vàng không đủ cho khách phương xa


Trong Montréal thì lá vẫn xanh , còn khỏe ra phết , không thấy triệu chứng gì muốn lìa cành . Đén lúc lên đường đi Québec ,mới ngỡ ngàng với những rừng lá thu chào đón hai bên . Ban đầu là màu lá đỏ đập vào mắt tôi , vì bên Bỉ , rừng thu chỉ vàng hoặc nâu . Nhung trong những con đường đi hiking, sắc lá tôi thích nhất là màu cam . Đến lúc hiking ở parc National Jacques Cartier, nơi ông gác rừng đã vội phân bua là lá ở đây không có màu đỏ ,và sắp rụng hết tới nơi rồi , thì tôi lại bất ngờ với những cánh rừng tuyền một ton màu vàng rực rỡ hiện ra trước mắt  . Đẹp lắm , ngắm không chán mắt , và tha hồ chụp hình lá các loại , chụp cả dòng suối ánh sắc vàng của lá úa , chụp cả dòng lá chết trôi lững lờ dưới chân đập nước , chụp cả chiếc lá lẻ loi lìa cành còn sót lại cho đời màu sắc bất hủ của mình . Cả rừng lá phong lớn bé  đủ màu , phong khắp nơi , khong lạ gì mà sirop erable ngập tràn trên các chợ địa phương 


Canada -Mont Sainte Anne


Về đến Bỉ , lá vẫn xanh cho đến cuối tháng 11 , bất ngờ đổi màu trong một tuần lễ , mưa gió quật tơi bời , mới thấy mừng có một khoảnh khắc trời ngưng mưa , còn hửng nắng để còn kíp đi một vòng rừng Halle , hạt giẻ bận đi chơi đã có người nhăt hết  , chỉ còn đi nghe tiếng chân mình xào xạc trên thảm lá


Parc Josaphat
Tuần lễ rồi dẫn hai cháu vào  cái parc chỉ cách nhà 10 phút , mới thấy lại đủ màu sắc thu Canada gói gọn trong công viên chỉ có 1km chiều dài .


Josaphat

Không cầm máy hình nữa , tôi ngắm bằng mắt mình để nhớ lại đồi núi chập chùng sắc thu ở một nơi cách đây cả bao nhiêu ngàn cây số . Tôi lang thang cả tiếng đồng hồ không chán trong cai mini parc , về kể cho bà chị nghe , vài ngày sau khong kịp xem , chả còn đến một chiếc lá trên cành vì cơn bão hôm trước



Hôm nay ,quyết định mò xuống rừng Clabeq chặt một cành khô mang về trang trí hàng , tuyết đầu mùa trút xuống một cách hào phóng , cảnh trí bừng lên mới dáng cành đọng tuyết , cũng chỉ đứng ngắm chưa đến 10 phút là quay về , đúng một khoảnh khắc , chỉ 15 phút sau , tuyết tan hết , như chưa bao giờ có 
Bảo sao cái chân vẫn ham đi , bảo sao mắt mũi cứ láo liên trên khắp các nẻo đường , dù ngay cả trên tuyến đường quen thuộc hàng ngày , vì biết , bất chợt , sẽ tìm thấy một khoảnh khắc đến rồi đi ở khung cản quanh mình








HƯƠNG QUỲ , Bruxelles 2/12/ 2017




Friday, December 1, 2017

Lá đổ muôn chiều


Ste Anne
Tôi chưa đến Hà Nội bao giờ, không hề biết mùa thu ở đó ra sao, có thật sự như Trịnh Công Sơn đã tả?

“Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ,
nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu.”

Màu như thế là đẹp rồi, nhưng tôi cho rằng nó ẩm ướt và lạnh lẽo lắm chứ chẳng ngon ăn, vì thế mới ra nông nỗi này:

Mauricie
“Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi
Trời lắng u buồn mây hắt hiu ngừng trôi
Nghe gió thoảng mơ hồ trong mưa thu
Ai khóc ai than hờ!

Vài con chim non chiêm chiếp kêu trên cành
như nhủ trời xanh
Gió ngừng đi
mưa buồn chi
cho cõi lòng lâm ly”

Nghe xong nổi da gà, ngỡ nhà mình có ma! Nghe trong tâm trạng u uất không khéo lại gieo mình xuống sông!

Tôi biết Dalat quanh năm xanh rì vì các rừng thông, nhưng còn những hàng mai? Đến mùa xuân hoa chi chít đầy cành, không một cái lá, thì tất nhiên lá phải rụng trước đó rồi, nhưng lá có đổi màu không với sắc trời mát lạnh cuối năm? Trong đầu tôi không hiện lên được bất kỳ hình ảnh nào của một cây mai lá vàng ở Dalat. Và sao tôi chẳng nhớ gì cả đến màu lá của nó trước khi nó lìa trần?

Mont Orford
Khoảng những năm 1992 - 2000, phong trào karaoke rộ lên trong đám Việt lưu vong, khiến người người biến thành ca sĩ nghiệp dư, các bữa tiệc khi nào cũng kết thúc bằng “hát cho nhau nghe” dù lắm khi đó là cả một sự tra tấn. Các dàn mixer theo phong trào tiến bộ dần, không chỉ còn là hai cái micro mà cả một bộ đồ sậu khi hát có đèn xanh đèn đỏ chớp chớp, tiếc thay không vì thế mà làm cho ca sĩ hát hay hơn! Nhưng tôi muốn nói ở đây là khi bài hát “Lá đổ muôn chiều” cất lên, bạn sẽ thấy cảnh hai anh chị cầm tay nhau đi trong rừng lá vàng, rồi anh hoặc chị dừng lại, người còn lại sẽ đi tiếp cho đến khi…ra khỏi màn ảnh, và lời bài hát vẫn chạy đều đều cho ca sĩ nỉ non:

“Thu sang cho lá vàng rơi

Lá rơi cho đám cưới về…

Lá đổ muôn chiều ôi lá úa
phải chăng là những cánh đời em
đêm đêm lìa xuống trần
tình vương hoen úa ôi những cánh đời mong manh”


Mont Tremblant
Tôi ngồi xem thắc mắc chuyện không đâu, cái rừng thu lá ngập lối đi ấy moi ở đâu ra? Chị tôi bảo rừng cao su ở Long Khánh gợi cho tôi nhớ đến những hàng cây thẳng tắp, tối mù ở cuối dãy mà không thể nhớ lá của nó có đổi sang màu vàng rồi lìa cành không. Tôi không nghĩ ra được hình ảnh cả một cánh rừng cao su trụi lủi trơ cành!

Xem chừng các ông nhạc sĩ mơ mộng đến màu lá ở một nơi chốn nào khác. Chẳng hạn như vườn Luxembourg Paris có người em mắt ướt môi mềm. Dân mình vào khoảng 1960 đi Tây nhiều lắm nên mang hơi hướm lãng mạn kiểu Paul Verlaine đem vào thi ca.

“Les sanglots longs
Des violons
De l'automne
Blessent mon cœur
D'une langueur
Monotone.

Tout suffocant
Et blême, quand
Sonne l'heure.
Je me souviens
Des jours anciens,
Et je pleure...

Et je m'en vais
Au vent mauvais
Qui m'emporte
De çà, de là,
Pareil à la
Feuille morte...”

Rental house
Vì vậy chúng ta có “mùa thu chết theo lá vàng” để cầm micro, mặc quần short bật quạt cho mát mà hát.

Nhưng sao không ai nói gì đến mùa thu ở Canada cả? Phải chăng lúc đó dân Việt chưa tha hương đến xứ sở có tới những 6 tháng mùa đông?

Sau năm 1975, chỉ có vài quốc gia bắt đầu bang giao với Việt Nam, sớm nhất là Pháp, rồi đến Canada. Phi trường Tân Sơn Nhất mỗi thứ hai đón độc một chiếc Air France chở người đi xuất cảnh, thứ năm đón độc một chiếc Air Canada chở người viễn xứ. Tôi khi ấy nhìn đuôi máy bay ba sọc trắng đỏ xanh của Air France hay hình chiếc lá phong đỏ chói của Air Canada chỉ mong mình là một trong những kẻ đi mãi không về đó.

Thế mà đi mãi chưa một lần về thật, bởi tôi bận khám phá nơi chốn tôi chưa từng đến, những cảnh quan tôi chỉ thấy trong sách vở. Bucket list – giỏ ước mơ của tôi chẳng bao giờ vơi nổi. Như biết bao nhiêu người quanh tôi, trong giỏ có chứa niềm mơ một lần được thấy mùa thu ở Canada.

Tôi ở Mỹ khá lâu, Canada là nước láng giềng, sát biên giới con nít chơi Pokemon vượt biên lúc nào không hay được cảnh sát dìu về tận nhà trả lại. Thế mà mãi đến tháng 10 vừa rồi tôi mới nghe theo tiếng gọi của mùa thu, đến Montreal.

Canada là xứ sở sản xuất mật cây phong chiếm 83% thị trường trên toàn thế giới, vì thế cờ Canada chẳng cần mang màu máu đằng đằng sát khí, chỉ một chiếc lá phong đơn giản thế thôi, con nít học màu cờ các quốc gia nhận ra cờ Canada đầu tiên. Mà lá phong thì bạn biết rồi đó, mùa thu nó sẽ đổi sang màu vàng, màu cam hay màu đỏ, tùy giống và tùy chỗ nó mọc trong rừng, nhiều nắng hay ít nắng. Sản xuất ra chừng đó mật thì phải là những cánh rừng phong mênh mông ngút ngàn.Tôi lên đường theo tiếng gọi của màu lá phong thôi.


Thousand Islands
Thường khi phải quyết định điều gì, bạn hay chạy theo số đông, theo nguyên tắc đi bầu đa số thắng thiểu số. Theo đa số, xem lá phải đi vào khoảng hai tuân đâu tháng 10. Vì thế tuần thứ hai của tháng mười, máy bay còn la đà trên bầu trời Montreal, tôi đã săm soi nhìn xuống nhà cửa, phố xá vườn tược và nhất là những cánh rừng thì chẳng thấy cái gì bốc lửa cả, đây đó chỉ vài vệt vàng, vài vệt đỏ, làm gì có chuyện “Lá vàng ngập lối đi”. Đám đông đôi khi cũng lầm lẫn chứ chả chơi. Đành tự an ủi có gì xem nấy, Montreal vừa qua một đợt nóng kỷ lục trong vòng 50 năm, heat wave này đến sau khi tôi mua vé, thuê nhà, đành chơi theo kiểu lỡ ngồi trên lưng cọp.

Thế mà ngày hôm sau trên đường đến Thousand Islands, lá vàng dọc xa lộ làm mọi người xôn xao, kể cả dân bản xứ là bạn chị tôi, người bẽn lẽn nói “Trời ơi xấu hổ quá, qua đây đi xem mùa thu mà lá còn xanh rờn hà”.  Thousand Islands, xứ sở của hàng nghìn hòn đảo nằm ở hồ Ontario, một trong Ngũ Đại Hồ của thế giới, bên này Canada, bên kia là Mỹ, đường biên giới nằm dưới đáy hồ. Đi trên hồ nhớ cầm theo passport, thời Trump láng cháng không về lại được mà Canada cũng không có ý định cưu mang, quốc tịch Việt Nam thì sau năm 2015 đã được tự động bãi bỏ mất tiêu rồi, thành người vô tổ quốc thời này dễ lắm. Tôi thì chả bận tâm đến giấy với tờ với biên giới với đâu là Mỹ đâu là Canada, tôi còn mải mê với những căn nhà xây biệt lập trên đảo, một đảo một nhà không chung đụng hàng xóm, nghe có lý lắm. Về nói với con nó bảo “Nhưng mà nếu mẹ có family issue, you are stuck!” Ừ nhỉ, nhỡ không muốn nhìn mặt ai trong nhà thì chỉ có nước nhảy xuống hồ bơi vào bờ chứ làm gì có chuyện xách xe đi shopping cho qua sầu đời. Thu trên hồ chỉ lác đác lá vàng vì hồ rộng mênh mông khó thấy bờ, đảo lại nhỏ mọc dăm cây đã muốn hết diện tích cho nên ngày hôm sau trực chỉ Parc National de Mont Tremblant.

Month Tremblant
Trên đường đi đến parc, tức là phương Đông chênh chếch lên phương Bắc, lá vàng nhiều hơn và đỏ hơn. Cả lũ hí hửng bảo nhau có lá đấy chứ chẳng chơi. Và rồi con đường vào parc đúng là ngập trong lá vàng bay, gió nhẹ nổi lên thì không có chuyện “lá rơi từng cánh rơi từng cánh, rơi xuống âm thầm trên đất xưa ” đâu nhé mà là cả một cơn mưa lá vàng. Tôi đi theo con đường hiking tuốt lên đỉnh núi, dọc theo suối thu róc rách chở lá vàng, nhờ nó mà đường đi lên đỡ mệt, lá vàng thì thích nhìn đấy nhưng leo dốc mãi thì lá biến thành sao hỏa quay vòng vòng trong đầu. Trên đỉnh Tremblant nhìn xuống, nhìn sang phải nhìn sang trái thì đúng là mùa thu quá rực rỡ với đủ mọi tông màu, từ vàng nhạt đến cam rồi đỏ, chen lẫn là màu xanh của những cây “chậm chân”, thu đến rồi mà còn đủng đỉnh không chịu thay lá. Một ngày tưng bừng với lá, buổi tối xem thời tiết bảo ngày mai trời mưa.  

Basilica Notre Dame
Mùa thu thường mang đến những cơn mưa bất chợt, riêng mưa ở Montreal ngày hôm sau dưới ảnh hưởng của bão nhiệt đới từ phương Nam tràn lên, đúng là trút nước xuống đầu, không có kiểu “thánh thót từng giọt”. Mưa không xem lá được thì đi xem nhà thờ cho đỡ ướt. Nhà thờ Saint Joseph’s Oratory hiện đại chiếm nguyên một quả đồi ngạo nghễ nhìn xuống thành phố Montreal, giáo đường hai cái nằm hai tầng tôi không hiểu làm sao biết tầng nào mà đến? Nếu trời không mưa đi theo con đường vòng bên ngoài tòa nhà chắc cũng thích lắm. Tiếc là mưa mù trời, có mang dù đấy tôi cũng chẳng đảm bảo mình không ướt. Thì trời mưa chủ nhật chỉ có nhà thờ mở cửa cho nên làm luôn cái Basilica Notre Dame. Đến đây có không khí “châu Âu” vì phố cổ chật hẹp, nhà cửa xây sát rạt, riêng nhà thờ to đùng rồng rắn người che dù xếp hàng. Thật ra mộ đạo chẳng bao nhiêu nhưng tò mò thì nhiều. Basilica Notre Dame hai tòa tháp hai bên đúng kiểu truyền thống Notre Dame de Paris hay Vương cung Thánh đường ở Saigon, riêng bên trong mang màu xanh rất đặc biệt dưới vòm trần vòng cung cao vút. Nó có cả một lịch sử đấy nhưng tôi quên rồi, chỉ nhớ đến dàn nhạc 7000 ống, 4 keyboards và một bàn đạp!

Staint Joseph Oratory
Sau nhà thờ các kiểu trời vẫn mưa nên đành shopping Underground City, giống y chang mấy cái shopping bên Mỹ. Chán chê với quần áo, té sang chợ Jean Talon vào tầm 4 giờ xế chiều mưa lướt thướt nên chợ dọn dẹp sạch sẽ hơn một nửa! Chợ này người Việt hay đi nên người bán hàng tóc vàng hoe đon đả “Chào bà, chào cô, chỉ có năm đồng thôi!” Tay xách nách mang ra về với một đống rau quả tươi rói dành cho mấy ngày ở Quebec khỏi đi chợ.

Ngày hôm sau lên đường đi Quebec, cách đấy chỉ hai tiếng rưỡi lái xe nhưng tụi tôi làm luôn cả 6, 7 tiếng mới tới nơi vì ghé đàng đông, ghé đàng tây, bận thăm thú thành phố Trois Rivieres mà tôi ngỡ được thấy ba dòng sông gặp nhau té ra chỉ có hai dòng St Lawrence và một cù lao nằm giữa dòng Matawin chia nước chảy đôi ngả. Thế là thành ba nhé! Ghé qua nơi này chớp nhoáng đủ mua hai cái mũ len đan hình lá phong làm quà rồi thì trực chỉ Parc National de la Mauricie.

Thì đã bảo chuyến đi này chỉ có đi săn lá vàng thôi cho nên ngỡ ngàng nơi cửa parc khi ông gác cổng bảo oh la la, parc đóng hết một nửa chuẩn bị cho mùa đông (tôi đang mặc tshirt dài tay nhé, không áo khoác mũ lông khăn quàng gì cả), quý vị cứ đi thưởng ngoạn nhưng chúng tôi không lấy tiền vào cửa. Xem bản đồ thấy dù parc không đóng hơn một nửa chúng tôi vẫn chẳng có sức mà đi bằng hết, chỉ một rẻo lên núi với xuống núi cũng hết ngày giờ rồi. Như Mont Tremblant, Mauricie lá vàng bay khắp nơi khắp chốn, chỗ này có nhiều cây bạch dương nên màu vàng tươi của lá nổi bật trên nền đỏ của lá phong. Có những khoảng trong rừng bạn thấy tứ phía quanh mình chỉ độc một màu vàng của lá. Đoàn Chuẩn với Từ Linh hay thi sĩ xứ mình vào đây đếm lá rơi mệt xỉu!


Mont Tremblant
Đến Quebec khi thành phố lên đèn, đường vào nhà trọ tối mù mịt leo ba tầng cầu thang mới lên được cửa chính và tôi thì chỉ thèm một ly bia mát lạnh! Thế là cầm phone theo GPS đi mua bia, phải chọn đúng bia Canada để biết xứ người xứ ta, để so sánh với bia của các ông cha bên Bỉ vừa đọc kinh Kính Mừng vừa thăm chừng mẻ cất!

Khi trong đầu bạn ngập lá vàng thì cũng nên “take a break”, cho các màu đỡ lẫn lộn, vì thế ngày kế tiếp trực chỉ khu trung tâm của Quebec với tòa lâu đài vĩ đại Chateau Frontenac, nằm bên con sông St Lawrence. Tòa lâu đài khách sạn này có 611 phòng, cổ kính, lộng lẫy và tôi thì chẳng có ý đồ nhét đại loại như “được ngủ một đêm ở Frontenac” vào bucket list của mình làm gì.

Bạn có biết món ăn đặc biệt của dân Canada là gì không? Poutine hay là khoai tây chiên dội nước sốt gravy và một mẩu cheese tan chảy trên cùng. Ăn Poutine cho ra vẻ đi du lịch không chỉ thấy toàn lá vàng với lại suốt ngày lặn lội trong rừng! Đó là bữa trưa ở Quebec, trong một tiệm ăn khá nổi tiếng.

Quebec
Ngày tiếp theo tôi lại lôi cả nhà đi Parc National de la Jacques-Cartier. Về phương Bắc lá càng đỏ càng rực rỡ hơn vì khí hậu lạnh hơn. Đường lên núi toàn các cụ lớn tuổi, da mặt nhăn nheo, tóc bạc phất phới, chân đi ào ào. Mới đầu tôi bảo đi nhanh lên vượt các cụ chứ lối mòn một người đi mà lẽo đẽo sau các cụ bao giờ mới tới. Té ra tôi phải dạt qua một bên cho các cụ qua mặt! Con sông suối Jacques Cartier dàn trải dưới chân núi, uốn quanh một góc rừng chảy ào ào, đôi chỗ chỉ róc rách tùy theo bề ngang và các tảng đá lớn nhỏ. Tôi thò tay đo thử nước lạnh cỡ nào, nếu chẳng may té sông thì không biết chết vì lạnh trước hay chết vì nước cuốn trước.

Jacques Cartier
Có sông có núi thì tất nhiên sẽ có thác. Thác Monmorency nằm sát ngay xa lộ, hơi vô duyên vì trốc lốc nhưng du khách đến ào ào vì gần Quebec nhất. Tôi chỉ ngưỡng mộ dàn cầu thang bám theo vách đá để cho dân tình leo lên. Vắt ngang qua đỉnh thác là cầu treo, một đặc trưng khác của Canada. Cầu treo dây cáp giăng đầy tôi chẳng sợ nó đứt.

Một cái thác khác cũng nổi tiếng không kém ở gần đó là Thác St Anne. Thác này nằm trong rừng xa chốn thị thành nên mang màu sắc hoang dã hơn, nhưng vẫn phải vẹt du khách Tàu sang một bên mới thấy nước đổ! Du khách đi theo tour nên vội vàng xem cảnh, vội vàng chụp hình bằng phone, bằng tablet các loại. Du khách kiểu này rất vội nên khi bạn giơ ống kính lên nhắm cảnh để bấm thì chợt thấy bên góc hình của mình một khuôn mặt tóc đen mắt một mí hồn nhiên cười toe toét đang đứng lấy dáng cho khung nền thác chảy sau lưng. Cũng may họ sợ cầu treo đứt dây nên không có màn chen lấn qua cầu.

Jacques Cartier
Nhưng chỉ cần lái xe băng ngang con sông St Lawrence, bên kia bờ là thác Chaudiere, đẹp không kém nhất là ít du khách nên chẳng phải vội vàng lấn chỗ chụp hình. Lá vàng ở bên này ngả sang màu cam nhiều hơn. Tôi đoán chừng vì nó nằm phía nam, nơi sau bốn giờ chiều vẫn còn có nắng.

Trên đường quay trở lại Montreal, tôi lại khèo cả nhà đi Parc National du Mont Orford. Thật ra vùng đồi núi này dành cho dân đi ski mùa đông, mùa thu các ski lift biến thành phương tiện kéo dân đi bộ chỉ có đi xuống không đi lên được lên đến đỉnh núi. Cảnh ở đây vẫn còn đẹp như tranh vẽ và người đi bộ đông đúc hẳn. Màu lá ở đây đôi chỗ đã khô rụng vì đợt nóng kéo dài, đôi chỗ chưa đỏ thắm như bên Quebec vì mùa thu chỉ mới chạm ngõ, nhưng thiên hạ vẫn đi ào ào, chụp hình ào ào.

Sau chừng đó ngày ngắm lá các loại, tôi vẫn không hề chán màu của nó, hình dáng của nó, vẻ đẹp của nó khi trời trong xanh, khi trời xám xịt, lúc trời mưa hay nắng vàng ngả về chiều.

Quebec
Khi quay về lại xứ Mỹ,  tôi biết mùa thu ở Montreal sẽ có đầy đủ lá vàng lá đỏ, sẽ rực rỡ và đủ để cho biết bao người để “đi thăm mùa thu ở Canada” vào bucket list.

Tôi về lại Texas ngắm hàng cây elm trên con đường Main Street, lá chớm vàng đã rơi lả tả vì gió mạnh. Tôi ngắm cây sồi trên trường học dần dần đổi lá sang màu đỏ rồi nâu đậm, tôi ngắm cây phong trồng trong vườn nhà người ta khoác chiếc áo đỏ, tôi ngắm cây mận dại lốm đốm lá cam chen lá vàng bên nhà hàng xóm. Mùa thu đến, quanh tôi cây cối thay màu lá. Không bằng Canada nhưng cũng đủ cho tôi thốt lên “Thu đã đến!”

Tôi ước gì có ông nhạc sĩ nào đó lặn lội đủ chừng đó cái parc tôi đã đi, rồi cất lên lời hát về màu lá phong. Tôi không biết sáng tác nhạc, tôi chỉ biết dùng lời để nói về nó. Và chừng đó ngôn từ vẫn không tả nổi cái chết của một chiếc lá phong, từ lúc nó chớm đổi màu cho đến khi nó nằm im trên con đường tôi đi.  

Thu Canada, thu quyến rũ. Rồi tôi sẽ trở lại bởi một lần nhìn lá như thế vẫn chưa đủ.

Lan Hương

Fort Worth 12/01/17


Mauricie

Tuesday, November 28, 2017

Chữ quốc ngữ tiếng nước ta..

Dân tình đang sôi sung sục vì đề xuất cách tiếng Việt của Phó Giáo Sư Tiến Sĩ Bùi Hiền. Không biết ông nghiên cứu những gì, ở đâu mà đại khái ngài "sáng tạo" ra một loại chữ rất mới như thế này.

Tiếng Việt
Ngài biện minh bảo muốn giúp người dân tộc thiểu số và người nước ngoài dễ học tiếng Việt hơn. Còn hơn 90 triệu người Việt thì ngài cho đi học lại mẫu giáo.
Ngài bảo tiếng Việt không hoàn hảo. Mình đồ rằng có cầm đuốc đi tìm cũng không ra bất cứ ngôn ngữ nào là hoàn hảo. Xem tiếng Anh thì biết, một chữ "I" ba hồi đọc là "I" bốn hồi đọc là "e". Tiếng Pháp thì nội cái giống đực với giống cái cũng đủ khùng. Tiếng Đức mang động từ vứt vào cuối câu thành ra đừng hấp tấp mà nhảy vào họng người ta khi chưa nghe hết đầu đuôi!
Ngay từ những năm 1930 Hồ Chí Minh manh nha cải cách chữ "C" thành chữ "K", thành ra có cuốn "Đường Kách Mệnh" dùng để gói xôi sau năm 1975, giấy rất tốt và trắng bóc. Dân độc miệng bảo ông ta viết sai chính tả chứ hay ho gì.
Ngu Ý trong miền Nam cũng muốn biến tất cả những chữ "y" thành "I", kết quả ca sĩ Thanh Thúy thành Thanh Thúi và thiên hạ bảo nhau lão ấy có điên không! Vì thế chữ 'y" hiên ngang sống tiếp đến tận bây giờ.
Ngôn ngữ nào cũng có những luật bất thành văn, hãy yêu mến nó rồi bạn sẽ học được tại sao lại là "believe" mà không phải là "beleive", tại sao "la maison" cái nhà mà không phải là "le maison". Bạn sẽ biết "nguồn"tồn tại, nhưng "nguồng" thì tra tự điển không ra. Bạn sẽ yêu các ngôn từ đẹp đẽ mà không thể nào dịch ra tiếng nào được, ví dụ như "hết tình còn nghĩa", "ánh trăng mơ màng"...
Sau khi phù phép cho tiếng Việt được trong sáng và dễ học hơn thì đố ca sĩ nào hát được bài này. Riêng mình thì thấy đau cả "zăq" (răng) vì nghiến quá mạng!

Mưa côi kả bầu Cời nắq
Cượt weo n'ữq nỗi buồn

Wấm ướt lệ sầu môi dắq
Vì dán' mất hy vọq
Lần dầu gặp n'au zưới mưa
Cái tim zộn zàq bởi án' n'ìn
Tìn' kảm zầm mưa wấm lâu
Em nào qờ
Mìn' hợp n'au dến n'ư vậy
Wế n'ưq xôq fải là yêu
Và em muốn hỏi an' zằq
Cúq ta là wế nào
Zồi lặq qười dến vô tận
Các sao dượk sự tàn n'ẫn
An' cót vô tìn'
Wươq em n'ư là em gái
Dừq lo lắq về em
Xi mà em vẫn kòn yêu an'
Kàq xa lán' kàq cốq vắq
Tim kứ dau và n'ớ lắm
Dàn' fải buôq hết tất kả wôi
Nụ kười mỉm sau bờ môi
Ấm áp zịu zàq vai an'

Đủ rồi, Tiếng Việt mến yêu đang bị tra tấn thê thảm.
Thôi, ai muốn hiểu sao thì hiểu, riêng mình chắc chắn không có ý định đi học lại tiếng Việt! Và "good luck" cho toàn thể 90 triệu nạn nhân trong nước nếu đề xuất này thành luật!
Lan Huơw
Fort Worth 11/28/2017

Monday, November 20, 2017

Một ngày đẹp trời để chết



Trời Fort Worth đã chính thức vào thu với lá vàng lác đác đó đây, bầu trời xanh hơn cao hơn và mây trắng lững thững hơn. Lá vàng năm nay quanh khu Park Glen không nhiều và rực rỡ bởi vì trận gió lốc tháng 5 vừa rồi đã đốn ngã vô số cây hoa mận. Thêm phần thiên hạ "mất bò mới lo làm chuồng" nên sau đó một số cây vô tội khác bị đốn bỏ hoặc gọt cành đến không còn gì. Vì thế mùa thu đến thiếu vắng hẳn sắc lá cam đỏ của những cây mận cành lá xum xuê. Riêng sân sau nhà mình nhìn về phía tay trái thấy trống huơ trống hoác, hai cây mận mọi mùa xuân ra hoa trắng muốt, mọi mùa thu khoe lá vàng đỏ tươi đã hoàn toàn biến mất, để lại một bầu trời xanh và một mái nhà xám xịt vô duyên!

Riêng ngày hôm nay trời rất đẹp. Gió hiu hiu lạnh buổi sáng, mặt trời hứa hẹn sẽ lên cao và nắng hứa hẹn sẽ rất vàng. Thế mà đọc tin tức lúc bảy giờ đã thấy những cái chết xảy ra vào ngày chủ nhật, đến thứ hai thì ngập tràn trên news.

Đầu tiên là Charles Manson, một trong những kẻ giết người hàng loạt khét tiếng nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, chết hôm chủ nhật ở tuổi 83, sau hơn bốn mươi năm ngồi tù. Thì thôi chết cũng phải, nhưng nên chết trước đây 40 năm có lẽ sẽ đỡ cả đống tiền thuế. Thật ra ông ta đã bị tuyên án tử hình, nhằm ngay lúc đó Cali bãi bỏ luật này cho nên ngài ngồi bóc lịch ná thở từ năm 1971 vì tội gây nên cái chết của bảy người trong hai đêm năm 1969, cộng thêm một số tội danh khác. Tội ác của Charles Manson đã được diễn dịch ra vô số phim ảnh và truyện mà mình tuyệt nhiên không nhớ đã coi cái gì hay đọc cái gì về lão hay chưa. Nhiều như thế nhưng các nhà tâm lý học vẫn chưa diễn giải được điều gì khiến ông ta có thể nghĩ đến chuyện giết người như ngóe ấy.

Kế tiếp là nữ danh thủ tennis người Tiệp Khắc, Jana Novotna, người đã từng thắng giải Wimbledon 1998, còn quá trẻ để chết lúc 49 tuổi. Bà bị ung thư và ra đi “trong sự bình yên, và trong vòng tay gia đình”. Cái chết nào cũng làm người thân đau như nhau. Có điều cái chết trẻ làm đau lòng những người lớn tuổi hơn, kiểu lá vàng khóc lá xanh sao sớm rụng cành! Riêng Jana nổi tiếng vì đã khóc nức nở trên vai của nữ Công Tước Kent khi thua giải vô địch Wimbledon năm 1995.  

Đọc thêm một tí nữa thì đến cầu thủ football của đội Cowboy, Terry Glenn. Cái chết đến lúc 43 tuổi vì tai nạn xe hơi. Terry ngồi sau tay lái, được nghe kể rằng chiếc xe của anh ta rời freeway, đâm vào bức tường rồi lộn tùng phèo. Vợ chưa cưới bị trầy xước xơ xơ, riêng Terry chết trong bệnh viện. Cảnh sát đang điều tra tại sao xe lại đâm đầu vào bức tường chia đôi freeway, một bên phải trả tiền để đi nhanh hơn, bên kia không tiền nên ì ạch với nạn kẹt xe. Mình tự hỏi lúc ấy Terry tính đi đường nào, ngoại trừ con đường anh ta không ngờ tới là tiến thẳng lên Thiên Đàng!

Facebook thì bạn biết rồi đó. Tin tức khắp thế giới, trong đó có một mẩu tin phi công Việt Nam sang Anh thực tập thì sau mười lăm phút bay, cả người lẫn máy bay biến mất tăm mất tích ra khỏi màn radar và rồi tai nạn xảy ra. Ông ta bị một chiếc máy bay khác cũng đang bay huấn luyện ở độ cao 600m, giảm độ cao đột ngột đâm vào đuôi máy bay của ông, gây ra cái chết ở độ cao 330m. Vợ và con thơ ở lại sẽ còn bàng hoàng mãi với cái chết đột ngột trên cao ấy.

Ngày hôm nay không phải là ngày đẹp trời để chết, thế nhưng tin tức lại cho thêm một cái chết khác: Camera Operator Mark Milsome, người từng quay những bộ phim lừng lẫy như Game of Thrones, Saving Private Ryan cũng không thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Và ông ta chỉ có 54 tuổi, bằng tuổi mình mới ghê. Sinh nghề tử nghiệp, ông chết khi đang quay một đoạn trong The Forgiving Earth, cảnh quay xe hơi vào ban đêm ở Ghana. Chi tiết không cho biết ông chết cách nào, nhưng dù sao ra đi bất tử như thế cũng làm cho những người quen ông ta bàng hoàng.

Nói về giới Hollywood, ngày hôm nay cũng không tha bà Della Reese, nữ diễn viên trong bộ phim dài hơi “Touched by an Angel”. Mình không xem phim bộ này vì chưa tin vào Chúa nhưng bà vốn là một gospel-influenced singer nổi tiếng. 86 tuổi thì không thể nói là chết trẻ, cái gì rồi cũng đến hồi kết thúc thôi. Ngày hôm nay bà đã được “thiên thần gọi đến” rồi.

Và để kết thúc danh sách của Tử Thần ngày hôm nay, lúc 8 giờ rưỡi, cả team họp cấp tốc vì mẹ của boss ra đi! Cả đám họp để bàn chuyện mua hoa phúng điếu, riêng boss lúc mười giờ lót tót vào sở làm việc như thường lệ thì mặt mày boss tỉnh bơ như ruồi, chẳng có vẻ gì là mẹ mình mới chết ngày hôm qua! Chẳng bù cho mặt mình lúc 3 giờ chiều ở phi trường Zaventem khi biết mình không còn mẹ nữa.  

Tất nhiên là những cái chết đây kia trên toàn thế giới riêng ngày hôm nay, vì đau yếu, bệnh tật, vì tai nạn xe cộ, vì tự kết liễu đời mình, vân vân. Những cái chết còn rất trẻ, kiểu như bé sơ sinh, những cái chết rất non nớt, kiểu các em thơ, hoặc lớn thêm tí nữa, tuổi teen, tuổi trưởng thành, tuổi trung niên, tuổi xế chiều, tuổi già. Ngay cả những kẻ chán sống khi chết cũng không biết rằng cái chết nào cũng mang đến nỗi đau cho một ai đó. Ngay cả một cái lá chết khi lìa cành cũng làm xao xuyến dù cho chúng làm nên mùa thu vàng rực rỡ ở chung quanh.

Riêng ngày hôm nay quá đẹp để cho một cái chết, dưới bất kỳ hình thức nào.  

Lan Hương

Fort Worth 11/20/2017

P.S. Các hình chụp đều là mùa thu ở Canada. Lá vàng nằm chết ở Canada hay ở Fort Worth gần giống nhau, có khác chăng là ở Canada cả khu rừng bốc lửa, ở Fort Worth chỉ lốm đốm đây kia vài cây!


Wednesday, November 8, 2017

Khi chủ blog vắng nhà

Bận tít mù nên không có thì giờ cho blog! Blog không có bài mới, hình mới giống như chợ...chiều, chẳng ma ghé thăm. Làm chủ blog đôi khi cũng khổ. Một mình từ A đến Z, mong ngóng ai viết gì cho blog mình còn hơn con mong quà mẹ. Rồi thì cũng tự hiểu "ta riêng mình ta" thôi. Tự nhủ viết blog như viết nhật ký, chỉ có khác là thay vì giấu giếm nó thì mình mở nó ra cho mọi người đọc chơi.
Viết blog giờ đây như viết ký sự. Để sau này có lỡ bị dementia, thì có cái đọc lại để mà nhớ!
Năm 2017 là năm "chân đi" của mình, nhiều và bận đến nỗi không kịp viết lấy môt dòng bảo rằng mình đang ở Alabama và đã tìm lại được bạn học cách đây 42 năm, thuở Lam Sơn bạn leo cây đào và mình thì suỵt con John ra đuổi, bạn chạy trối chết, còn mình thì tịch thu đôi dép dưới gốc cây!
Bận đến nỗi gặp lại cô giáo lớp Chín không viết nổi lấy một dòng bảo rằng nhờ Cô mình nhớ lại khung trời Dalat những năm 1977 - 1978.
Thôi thì một ngày nào đó mình sẽ viết lại vậy.
Mùa hè trôi qua, mùa thu đang ở đây và mùa đông thập thò ngoài ngõ. Thế mà chẳng rảnh để vào blog cho một tấm hình thu Canada lên, hay vài dòng về mùa thu ở phương Bắc.
Hè thì khỏi nói, kết thúc với Sweet Home Alabama chỉ là kết thúc những chuyến đi đi về về hơn hai tháng mà thôi. Vì thế hè trôi qua và mình thì không kịp ngắm hoa quỳ Texas rực rỡ dưới bầu trời màu xanh. Trên một chuyến đi vội ra phi trường, có thấy quỳ nở dọc theo đường rầy xe lửa, tự nhủ khi nào quay về phải đi thăm quỳ. Thế rồi khi về nhà bị níu kéo đủ mọi chuyện, không ra park không thấy quỳ, để rồi sáng tiếp ra phi trường lại thấy màu vàng vẫn nở bên đường rầy xe lửa và mình thì không có lấy một tấm hình, dù chỉ chụp bằng cell phone! Mùa hè đã đi qua không có hoa quỳ như thế.
Nên mùa thu quyết định đi Canada. Thu Canada sẽ được viết sau.
Đây chỉ là ngẫu hứng vào blog và thấy nó vắng teo!
Vì chủ blog vắng nhà....

Lan Hương
Fort Worth 11/08/2017
P.S Cách đây 23 năm, mình nằm nhà thương sanh con đầu lòng!



Thursday, August 24, 2017

Buster



Nhìn tấm hình X-Ray của Buster, tôi sững sờ. Ông thú y hỏi “Bà có biết nó bị bắn bằng BB gun không?” Tôi ú ớ “Tôi biết nó có bị lão chủ cũ dọa bắn chết, nhưng tôi không tin là lão làm thế”. “Bà thấy đấy, những vết sáng này là đầu đạn còn nằm trong người nó”. Tôi gần khóc khi nhìn thấy hằng hà sa số những chấm sáng rực như những ngôi sao chung quanh vùng mông của Buster. Ông thú y nói thêm “Mình chẳng làm gì được, nó đã có ở đó bao nhiêu năm rồi, thôi cứ để vậy. Cũng may là đạn thật, không bị sét rỉ chứ không thì Buster đã bị nhiễm trùng chết từ lâu rồi. Bây giờ mình nói chuyện cái đầu gối của nó”. Thì cũng chính lão chủ cũ đã bẻ gần gẫy chân của nó đấy thôi, làm cho hai bên hông của nó yếu hẳn, mà hông yếu sẽ ảnh hưởng đến đầu gối. Chuyện thời thơ ấu của Buster tôi đã biết lúc đón nó về nhà, nhưng khi ấy tôi không cảm nhận được tất cả những bạo hành mà thằng khốn nạn chủ cũ đã đổ lên đầu nó. Tôi thầm cám ơn trời đã khiến tôi nhận nuôi Buster mặc dù ông chồng khi đó không thích thú lắm vì đã có Max. Nó vào nhà đi theo tôi như hình với bóng và căm ghét bóng dáng đàn ông các loại. Bây giờ tôi càng hiểu hơn tại sao nó lại thủ thế như thế. Ký ức của một con chó tồn đọng lâu lắm, nhất là khi bị đối xử dã man, nó làm sao quên? Phải mất gần cả năm trời nó mới cho chồng tôi đụng đến nó. Bây giờ thì khá hơn nhiều rồi vì nó đã lấy được niềm tin của những người chung quanh nó, nó đã hiểu con người không phải khi nào cũng đồng hành với sự tàn nhẫn.

Từ nhỏ đến lớn, tôi khi nào cũng có hơn một con chó ở chung quanh. Bắt đầu từ John, hung thần đường Yagut và nỗi niềm kinh hoàng của đám leo trộm cây đào. Rồi Polki, con chó phốc màu nâu có vệt thằn lằn bám cổ theo tôi như hình với bóng, nhưng khi lên cơn rượt đuổi đàn gà, tôi khóc lóc chạy theo nó năn nỉ nó buông con gà ra, nó nào có nghe tôi! Sau này có thêm Rita, Milou, Yippy, Kapi và Zito. Buster giống y chang Zito, con chó chúng tôi mua ở chợ cũ Saigon. Sang đến Mỹ, tôi nhận Coco từ Animal Shelter. Coco giống John bốn mắt nhưng không có cái sống lưng lúc nào cũng dựng đứng lên khiến kẻ yếu bóng vía thất kinh. Chồng tôi yên tâm đi công tác, để lại tôi với hai thằng con và niềm hy vọng Coco sẽ bảo vệ chúng tôi với cái dáng vẻ hung dữ của loại chó berger. Thiên hạ có biết đâu rằng Coco hiền như đất, chỉ được mỗi cái ăn hiếp ông ghi điện, ông này mỗi lần vào sân sau nhà tôi phải mang theo mấy cái bánh xương hối lộ cho nó. Trước khi Coco mất vì ung thư, tôi nhận Max về vì biết rằng mình sẽ đau ghê gớm khi Coco ra đi.  

Tôi lên internet, vào cái website Petfinder lục tung tìm bạn cho Max. Hình Buster để lên đó khá lâu nhưng không có ai nhận nó vì nó không còn là chó con nữa. Tôi kết nó liền vì nó giống Zito, con chó tôi để lại ở Dalat vào một sáng tháng giêng trời mù sương. Tôi liên lạc với bà mẹ nuôi của Buster và được nghe kể lại tuổi thơ của nó ở Louisana. Có con chó nào mà không thích đi rượt bất cứ cái gì nhúc nhích, nhất là chó con? Nó ở trong một cái trang trại, nghĩa là gà qué, ngỗng ngan đầy ra trước mặt. Chó con ra sức rượt gà, chủ ra sức quát tháo nó không tha. Hậu quả nó bị bẻ chân, sau đó là bị bắn. Đến khi nó bị dọa giết chết, bà em vội vàng mang nó đi bảo để cho người khác nuôi. Tôi cũng đã từng lếch thếch chạy theo sau con John và Polki khắp sân sau, sang đến nhà bà Chanh, lên đến trường Trần Bình Trọng vì chúng rượt gà. Tôi cũng đã từng chưởi rủa hai con chó này ra trò nhưng điên tiết lắm thì cũng chỉ xách roi quật cho vài cái rồi thôi, cái ác của tôi cũng chỉ đến thế là cùng. Tôi không ngờ sự tàn nhẫn của con người không có giới hạn.

Thế rồi tôi đón Buster vào nhà. Ngay ngày đầu tiên, nó đã lẽo đẽo theo tôi khắp nơi, nghi ngại không tin tưởng các thành phần còn lại của gia đình. Tôi dẫn nó ra park cùng với Max. Max đã được tôi luyện rồi, thả cho chạy rông nhưng gọi là quay về. Buster thả cho chạy rông thì tôi phải xất bất xang bang chạy theo nó lôi nó về vì tôi càng gọi nó càng chạy xa hơn. Lúc ấy thật tâm nó vẫn chưa tin tưởng tôi hoàn toàn, nó sợ tôi bắt về đập cho một trận. Nhưng nó khá thông minh, sau một tháng, chỉ gọi một tiếng thôi là nó quay về nộp mạng ngay lập tức trong khi Max còn bận hít hoa ngửi bướm đủng đà đủng đỉnh về sau.

Buster lai giữa Corgi và Bulldog. Nữ hoàng nước Anh chỉ nuôi độc loại chó Corgi vì nó nổi tiếng trung thành. Buster cũng thế. Chỉ cần nhìn nó là  biết tôi ở đâu, ngay cả khi tôi vào cầu tiêu, nó cũng chịu khó nằm ngoài cửa chờ. Mấy hôm tôi đau phải ôm cái giường từ sáng đến tối, nó nằm bên cạnh tôi suốt, đến giờ ăn cũng không xuống ăn, mà nó vốn là con chó có thể nhét bất cứ thứ gì vào bụng, không thuộc loại khảnh khọt như Max.

Hôm nay chúng tôi đưa Buster đi mổ. Đó là hậu quả của những gì tên chủ cũ đã gây ra. Bên hông của nó bị trẹo, làm cho các khớp xương cọ vào nhau. Tôi thấy nó đi cà nhắc nhiều nên mới quyết định mang đi thú y. Sau khi móc hầu bao trả tiền Xray và nghe giảng phải làm gì cho nó, tôi quyết định lôi tiền để dành cho những chuyện như thế này đem Buster đi mổ. Thay vì mua bảo hiểm sức khỏe cho chó, mà tôi thấy đó chỉ là một hình thức trấn lột trá hình, mỗi tháng tôi lôi 100 đồng ra khỏi cái pay check, bỏ vào nhà băng của hãng. Sau đó tôi quên béng password của cái thẻ rút tiền này nên số tiền nằm im ắng hầu như tôi không đụng tới. Bây giờ tôi hân hoan đem nó ra xài cho Buster, con chó tôi đặc biệt yêu mến vì nó rất có cá tính.

Hôm Buster đi mổ, buổi sáng tôi dặn dò nó đủ điều, những là không ai bỏ rơi Buster, không ai làm đau Buster, nếu có thì chỉ để cho Buster khỏe mạnh, có thể theo tôi và Max trên những con đường hiking dài dằng dặc, rồi thì là ai cũng thương Buster, rồi tôi sẽ đón nó vào ngày mai, vân vân. Nó nhìn tôi chỉ hỏi mỗi một điều, sao sáng nay tôi không cho nó ăn. Buổi chiều đi làm về tôi mua gà về nấu cháo cho Buster. Chồng tôi nghe thì cười lăn. Buster hơn là một con chó, nó là một thành viên trong gia đình. Và với tất cả những gì nó đã trải qua, nó xứng đáng với tình yêu tôi dành cho nó. Những chuyến xa nhà liên miên hai tháng vừa rồi, thật tâm tôi nhớ nó và Max nhiều hơn cả. Bởi vì chồng con tôi còn nói chuyện được, còn hai con chó chỉ biết tôi không có ở nhà và không hề có khái niệm khi nào tôi về lại.

Buster đi mổ về đeo cái nón trên đầu ngăn không cho nó liếm vết thương. Hậu quả là bàn ghế trong nhà phải dẹp gọn nếu không nó sẽ va đập lung tung. Nó nhìn tôi ai oán và chịu đựng. Tôi nhìn nó không biết liệu số tiền tôi bỏ ra cho nó có đem lại kết quả gì không mặc dù ông thú y đã cam đoan với tôi nó sẽ khá hơn. Riêng bây giờ một phần bên hông bị cạo lông sát sạt bôi thuốc sát trùng vàng khè, một chân phải băng lại đệm thêm miếng độn hòng giúp đỡ phía bên chân mổ vì nó còn có ba chân. Nhìn nó thảm lắm, nhưng cả tôi và nó đều hy vọng vào một ngày mai tươi sáng hơn. Sau dăm ngày nó đã biết dùng cái nón đập vào chân mọi người để gây sự chú ý. Cả nhà ngồi ăn phải rút chân lên ghế nếu không nó sẽ phang cái nón nhựa vào chân! Riêng Max không dám lại gần nó vì sợ cái nón ấy và sợ luôn mùi thuốc sát trùng trên người Buster.

Sáng sáng tôi và Max lén Buster ra khỏi nhà đi chạy bộ, nó biết nhưng nằm im không nói. Chiều về không còn những chuyến đi dạo vì nếu tôi dẫn Max đi để nó ở nhà một mình nó sẽ khóc lóc ra trò, rên rỉ ỉ ôi cho đến khi tôi quay về. Nghĩ rằng nó bị bãi bỏ những chuyến đi ra park cũng tội, tôi bèn mua cái xe đẩy chó. Đầu tiên tôi nghĩ đến xe đẩy con nít, nhưng đứng nhìn một hồi tôi nghĩ con nít và chó đâu có giống nhau, xe đẩy con nít chằng chịt dây đeo và cạn queo, xe của chó sâu lòng hơn có vậy chó mới không nhảy ra được. Thế là chiều chiều dân đi bộ Park Glen thấy tôi một tay đẩy xe Buster, tay kia dẫn Max. Thiên hạ bảo “Oh, it’s so cute!” Riêng Buster ngồi trong xe lườm cho một phát! Và tôi nhớ lại ngày xưa đẩy con đi dạo với Coco!

Thế đấy. Ai nói gì thì nói, tôi đi đâu, Buster sẽ theo tôi đến đó.

Lan Hương

Fort Worth, 08-24-2017