Pages

Friday, December 1, 2017

Lá đổ muôn chiều


Ste Anne
Tôi chưa đến Hà Nội bao giờ, không hề biết mùa thu ở đó ra sao, có thật sự như Trịnh Công Sơn đã tả?

“Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ,
nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu.”

Màu như thế là đẹp rồi, nhưng tôi cho rằng nó ẩm ướt và lạnh lẽo lắm chứ chẳng ngon ăn, vì thế mới ra nông nỗi này:

Mauricie
“Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi
Trời lắng u buồn mây hắt hiu ngừng trôi
Nghe gió thoảng mơ hồ trong mưa thu
Ai khóc ai than hờ!

Vài con chim non chiêm chiếp kêu trên cành
như nhủ trời xanh
Gió ngừng đi
mưa buồn chi
cho cõi lòng lâm ly”

Nghe xong nổi da gà, ngỡ nhà mình có ma! Nghe trong tâm trạng u uất không khéo lại gieo mình xuống sông!

Tôi biết Dalat quanh năm xanh rì vì các rừng thông, nhưng còn những hàng mai? Đến mùa xuân hoa chi chít đầy cành, không một cái lá, thì tất nhiên lá phải rụng trước đó rồi, nhưng lá có đổi màu không với sắc trời mát lạnh cuối năm? Trong đầu tôi không hiện lên được bất kỳ hình ảnh nào của một cây mai lá vàng ở Dalat. Và sao tôi chẳng nhớ gì cả đến màu lá của nó trước khi nó lìa trần?

Mont Orford
Khoảng những năm 1992 - 2000, phong trào karaoke rộ lên trong đám Việt lưu vong, khiến người người biến thành ca sĩ nghiệp dư, các bữa tiệc khi nào cũng kết thúc bằng “hát cho nhau nghe” dù lắm khi đó là cả một sự tra tấn. Các dàn mixer theo phong trào tiến bộ dần, không chỉ còn là hai cái micro mà cả một bộ đồ sậu khi hát có đèn xanh đèn đỏ chớp chớp, tiếc thay không vì thế mà làm cho ca sĩ hát hay hơn! Nhưng tôi muốn nói ở đây là khi bài hát “Lá đổ muôn chiều” cất lên, bạn sẽ thấy cảnh hai anh chị cầm tay nhau đi trong rừng lá vàng, rồi anh hoặc chị dừng lại, người còn lại sẽ đi tiếp cho đến khi…ra khỏi màn ảnh, và lời bài hát vẫn chạy đều đều cho ca sĩ nỉ non:

“Thu sang cho lá vàng rơi

Lá rơi cho đám cưới về…

Lá đổ muôn chiều ôi lá úa
phải chăng là những cánh đời em
đêm đêm lìa xuống trần
tình vương hoen úa ôi những cánh đời mong manh”


Mont Tremblant
Tôi ngồi xem thắc mắc chuyện không đâu, cái rừng thu lá ngập lối đi ấy moi ở đâu ra? Chị tôi bảo rừng cao su ở Long Khánh gợi cho tôi nhớ đến những hàng cây thẳng tắp, tối mù ở cuối dãy mà không thể nhớ lá của nó có đổi sang màu vàng rồi lìa cành không. Tôi không nghĩ ra được hình ảnh cả một cánh rừng cao su trụi lủi trơ cành!

Xem chừng các ông nhạc sĩ mơ mộng đến màu lá ở một nơi chốn nào khác. Chẳng hạn như vườn Luxembourg Paris có người em mắt ướt môi mềm. Dân mình vào khoảng 1960 đi Tây nhiều lắm nên mang hơi hướm lãng mạn kiểu Paul Verlaine đem vào thi ca.

“Les sanglots longs
Des violons
De l'automne
Blessent mon cœur
D'une langueur
Monotone.

Tout suffocant
Et blême, quand
Sonne l'heure.
Je me souviens
Des jours anciens,
Et je pleure...

Et je m'en vais
Au vent mauvais
Qui m'emporte
De çà, de là,
Pareil à la
Feuille morte...”

Rental house
Vì vậy chúng ta có “mùa thu chết theo lá vàng” để cầm micro, mặc quần short bật quạt cho mát mà hát.

Nhưng sao không ai nói gì đến mùa thu ở Canada cả? Phải chăng lúc đó dân Việt chưa tha hương đến xứ sở có tới những 6 tháng mùa đông?

Sau năm 1975, chỉ có vài quốc gia bắt đầu bang giao với Việt Nam, sớm nhất là Pháp, rồi đến Canada. Phi trường Tân Sơn Nhất mỗi thứ hai đón độc một chiếc Air France chở người đi xuất cảnh, thứ năm đón độc một chiếc Air Canada chở người viễn xứ. Tôi khi ấy nhìn đuôi máy bay ba sọc trắng đỏ xanh của Air France hay hình chiếc lá phong đỏ chói của Air Canada chỉ mong mình là một trong những kẻ đi mãi không về đó.

Thế mà đi mãi chưa một lần về thật, bởi tôi bận khám phá nơi chốn tôi chưa từng đến, những cảnh quan tôi chỉ thấy trong sách vở. Bucket list – giỏ ước mơ của tôi chẳng bao giờ vơi nổi. Như biết bao nhiêu người quanh tôi, trong giỏ có chứa niềm mơ một lần được thấy mùa thu ở Canada.

Tôi ở Mỹ khá lâu, Canada là nước láng giềng, sát biên giới con nít chơi Pokemon vượt biên lúc nào không hay được cảnh sát dìu về tận nhà trả lại. Thế mà mãi đến tháng 10 vừa rồi tôi mới nghe theo tiếng gọi của mùa thu, đến Montreal.

Canada là xứ sở sản xuất mật cây phong chiếm 83% thị trường trên toàn thế giới, vì thế cờ Canada chẳng cần mang màu máu đằng đằng sát khí, chỉ một chiếc lá phong đơn giản thế thôi, con nít học màu cờ các quốc gia nhận ra cờ Canada đầu tiên. Mà lá phong thì bạn biết rồi đó, mùa thu nó sẽ đổi sang màu vàng, màu cam hay màu đỏ, tùy giống và tùy chỗ nó mọc trong rừng, nhiều nắng hay ít nắng. Sản xuất ra chừng đó mật thì phải là những cánh rừng phong mênh mông ngút ngàn.Tôi lên đường theo tiếng gọi của màu lá phong thôi.


Thousand Islands
Thường khi phải quyết định điều gì, bạn hay chạy theo số đông, theo nguyên tắc đi bầu đa số thắng thiểu số. Theo đa số, xem lá phải đi vào khoảng hai tuân đâu tháng 10. Vì thế tuần thứ hai của tháng mười, máy bay còn la đà trên bầu trời Montreal, tôi đã săm soi nhìn xuống nhà cửa, phố xá vườn tược và nhất là những cánh rừng thì chẳng thấy cái gì bốc lửa cả, đây đó chỉ vài vệt vàng, vài vệt đỏ, làm gì có chuyện “Lá vàng ngập lối đi”. Đám đông đôi khi cũng lầm lẫn chứ chả chơi. Đành tự an ủi có gì xem nấy, Montreal vừa qua một đợt nóng kỷ lục trong vòng 50 năm, heat wave này đến sau khi tôi mua vé, thuê nhà, đành chơi theo kiểu lỡ ngồi trên lưng cọp.

Thế mà ngày hôm sau trên đường đến Thousand Islands, lá vàng dọc xa lộ làm mọi người xôn xao, kể cả dân bản xứ là bạn chị tôi, người bẽn lẽn nói “Trời ơi xấu hổ quá, qua đây đi xem mùa thu mà lá còn xanh rờn hà”.  Thousand Islands, xứ sở của hàng nghìn hòn đảo nằm ở hồ Ontario, một trong Ngũ Đại Hồ của thế giới, bên này Canada, bên kia là Mỹ, đường biên giới nằm dưới đáy hồ. Đi trên hồ nhớ cầm theo passport, thời Trump láng cháng không về lại được mà Canada cũng không có ý định cưu mang, quốc tịch Việt Nam thì sau năm 2015 đã được tự động bãi bỏ mất tiêu rồi, thành người vô tổ quốc thời này dễ lắm. Tôi thì chả bận tâm đến giấy với tờ với biên giới với đâu là Mỹ đâu là Canada, tôi còn mải mê với những căn nhà xây biệt lập trên đảo, một đảo một nhà không chung đụng hàng xóm, nghe có lý lắm. Về nói với con nó bảo “Nhưng mà nếu mẹ có family issue, you are stuck!” Ừ nhỉ, nhỡ không muốn nhìn mặt ai trong nhà thì chỉ có nước nhảy xuống hồ bơi vào bờ chứ làm gì có chuyện xách xe đi shopping cho qua sầu đời. Thu trên hồ chỉ lác đác lá vàng vì hồ rộng mênh mông khó thấy bờ, đảo lại nhỏ mọc dăm cây đã muốn hết diện tích cho nên ngày hôm sau trực chỉ Parc National de Mont Tremblant.

Month Tremblant
Trên đường đi đến parc, tức là phương Đông chênh chếch lên phương Bắc, lá vàng nhiều hơn và đỏ hơn. Cả lũ hí hửng bảo nhau có lá đấy chứ chẳng chơi. Và rồi con đường vào parc đúng là ngập trong lá vàng bay, gió nhẹ nổi lên thì không có chuyện “lá rơi từng cánh rơi từng cánh, rơi xuống âm thầm trên đất xưa ” đâu nhé mà là cả một cơn mưa lá vàng. Tôi đi theo con đường hiking tuốt lên đỉnh núi, dọc theo suối thu róc rách chở lá vàng, nhờ nó mà đường đi lên đỡ mệt, lá vàng thì thích nhìn đấy nhưng leo dốc mãi thì lá biến thành sao hỏa quay vòng vòng trong đầu. Trên đỉnh Tremblant nhìn xuống, nhìn sang phải nhìn sang trái thì đúng là mùa thu quá rực rỡ với đủ mọi tông màu, từ vàng nhạt đến cam rồi đỏ, chen lẫn là màu xanh của những cây “chậm chân”, thu đến rồi mà còn đủng đỉnh không chịu thay lá. Một ngày tưng bừng với lá, buổi tối xem thời tiết bảo ngày mai trời mưa.  

Basilica Notre Dame
Mùa thu thường mang đến những cơn mưa bất chợt, riêng mưa ở Montreal ngày hôm sau dưới ảnh hưởng của bão nhiệt đới từ phương Nam tràn lên, đúng là trút nước xuống đầu, không có kiểu “thánh thót từng giọt”. Mưa không xem lá được thì đi xem nhà thờ cho đỡ ướt. Nhà thờ Saint Joseph’s Oratory hiện đại chiếm nguyên một quả đồi ngạo nghễ nhìn xuống thành phố Montreal, giáo đường hai cái nằm hai tầng tôi không hiểu làm sao biết tầng nào mà đến? Nếu trời không mưa đi theo con đường vòng bên ngoài tòa nhà chắc cũng thích lắm. Tiếc là mưa mù trời, có mang dù đấy tôi cũng chẳng đảm bảo mình không ướt. Thì trời mưa chủ nhật chỉ có nhà thờ mở cửa cho nên làm luôn cái Basilica Notre Dame. Đến đây có không khí “châu Âu” vì phố cổ chật hẹp, nhà cửa xây sát rạt, riêng nhà thờ to đùng rồng rắn người che dù xếp hàng. Thật ra mộ đạo chẳng bao nhiêu nhưng tò mò thì nhiều. Basilica Notre Dame hai tòa tháp hai bên đúng kiểu truyền thống Notre Dame de Paris hay Vương cung Thánh đường ở Saigon, riêng bên trong mang màu xanh rất đặc biệt dưới vòm trần vòng cung cao vút. Nó có cả một lịch sử đấy nhưng tôi quên rồi, chỉ nhớ đến dàn nhạc 7000 ống, 4 keyboards và một bàn đạp!

Staint Joseph Oratory
Sau nhà thờ các kiểu trời vẫn mưa nên đành shopping Underground City, giống y chang mấy cái shopping bên Mỹ. Chán chê với quần áo, té sang chợ Jean Talon vào tầm 4 giờ xế chiều mưa lướt thướt nên chợ dọn dẹp sạch sẽ hơn một nửa! Chợ này người Việt hay đi nên người bán hàng tóc vàng hoe đon đả “Chào bà, chào cô, chỉ có năm đồng thôi!” Tay xách nách mang ra về với một đống rau quả tươi rói dành cho mấy ngày ở Quebec khỏi đi chợ.

Ngày hôm sau lên đường đi Quebec, cách đấy chỉ hai tiếng rưỡi lái xe nhưng tụi tôi làm luôn cả 6, 7 tiếng mới tới nơi vì ghé đàng đông, ghé đàng tây, bận thăm thú thành phố Trois Rivieres mà tôi ngỡ được thấy ba dòng sông gặp nhau té ra chỉ có hai dòng St Lawrence và một cù lao nằm giữa dòng Matawin chia nước chảy đôi ngả. Thế là thành ba nhé! Ghé qua nơi này chớp nhoáng đủ mua hai cái mũ len đan hình lá phong làm quà rồi thì trực chỉ Parc National de la Mauricie.

Thì đã bảo chuyến đi này chỉ có đi săn lá vàng thôi cho nên ngỡ ngàng nơi cửa parc khi ông gác cổng bảo oh la la, parc đóng hết một nửa chuẩn bị cho mùa đông (tôi đang mặc tshirt dài tay nhé, không áo khoác mũ lông khăn quàng gì cả), quý vị cứ đi thưởng ngoạn nhưng chúng tôi không lấy tiền vào cửa. Xem bản đồ thấy dù parc không đóng hơn một nửa chúng tôi vẫn chẳng có sức mà đi bằng hết, chỉ một rẻo lên núi với xuống núi cũng hết ngày giờ rồi. Như Mont Tremblant, Mauricie lá vàng bay khắp nơi khắp chốn, chỗ này có nhiều cây bạch dương nên màu vàng tươi của lá nổi bật trên nền đỏ của lá phong. Có những khoảng trong rừng bạn thấy tứ phía quanh mình chỉ độc một màu vàng của lá. Đoàn Chuẩn với Từ Linh hay thi sĩ xứ mình vào đây đếm lá rơi mệt xỉu!


Mont Tremblant
Đến Quebec khi thành phố lên đèn, đường vào nhà trọ tối mù mịt leo ba tầng cầu thang mới lên được cửa chính và tôi thì chỉ thèm một ly bia mát lạnh! Thế là cầm phone theo GPS đi mua bia, phải chọn đúng bia Canada để biết xứ người xứ ta, để so sánh với bia của các ông cha bên Bỉ vừa đọc kinh Kính Mừng vừa thăm chừng mẻ cất!

Khi trong đầu bạn ngập lá vàng thì cũng nên “take a break”, cho các màu đỡ lẫn lộn, vì thế ngày kế tiếp trực chỉ khu trung tâm của Quebec với tòa lâu đài vĩ đại Chateau Frontenac, nằm bên con sông St Lawrence. Tòa lâu đài khách sạn này có 611 phòng, cổ kính, lộng lẫy và tôi thì chẳng có ý đồ nhét đại loại như “được ngủ một đêm ở Frontenac” vào bucket list của mình làm gì.

Bạn có biết món ăn đặc biệt của dân Canada là gì không? Poutine hay là khoai tây chiên dội nước sốt gravy và một mẩu cheese tan chảy trên cùng. Ăn Poutine cho ra vẻ đi du lịch không chỉ thấy toàn lá vàng với lại suốt ngày lặn lội trong rừng! Đó là bữa trưa ở Quebec, trong một tiệm ăn khá nổi tiếng.

Quebec
Ngày tiếp theo tôi lại lôi cả nhà đi Parc National de la Jacques-Cartier. Về phương Bắc lá càng đỏ càng rực rỡ hơn vì khí hậu lạnh hơn. Đường lên núi toàn các cụ lớn tuổi, da mặt nhăn nheo, tóc bạc phất phới, chân đi ào ào. Mới đầu tôi bảo đi nhanh lên vượt các cụ chứ lối mòn một người đi mà lẽo đẽo sau các cụ bao giờ mới tới. Té ra tôi phải dạt qua một bên cho các cụ qua mặt! Con sông suối Jacques Cartier dàn trải dưới chân núi, uốn quanh một góc rừng chảy ào ào, đôi chỗ chỉ róc rách tùy theo bề ngang và các tảng đá lớn nhỏ. Tôi thò tay đo thử nước lạnh cỡ nào, nếu chẳng may té sông thì không biết chết vì lạnh trước hay chết vì nước cuốn trước.

Jacques Cartier
Có sông có núi thì tất nhiên sẽ có thác. Thác Monmorency nằm sát ngay xa lộ, hơi vô duyên vì trốc lốc nhưng du khách đến ào ào vì gần Quebec nhất. Tôi chỉ ngưỡng mộ dàn cầu thang bám theo vách đá để cho dân tình leo lên. Vắt ngang qua đỉnh thác là cầu treo, một đặc trưng khác của Canada. Cầu treo dây cáp giăng đầy tôi chẳng sợ nó đứt.

Một cái thác khác cũng nổi tiếng không kém ở gần đó là Thác St Anne. Thác này nằm trong rừng xa chốn thị thành nên mang màu sắc hoang dã hơn, nhưng vẫn phải vẹt du khách Tàu sang một bên mới thấy nước đổ! Du khách đi theo tour nên vội vàng xem cảnh, vội vàng chụp hình bằng phone, bằng tablet các loại. Du khách kiểu này rất vội nên khi bạn giơ ống kính lên nhắm cảnh để bấm thì chợt thấy bên góc hình của mình một khuôn mặt tóc đen mắt một mí hồn nhiên cười toe toét đang đứng lấy dáng cho khung nền thác chảy sau lưng. Cũng may họ sợ cầu treo đứt dây nên không có màn chen lấn qua cầu.

Jacques Cartier
Nhưng chỉ cần lái xe băng ngang con sông St Lawrence, bên kia bờ là thác Chaudiere, đẹp không kém nhất là ít du khách nên chẳng phải vội vàng lấn chỗ chụp hình. Lá vàng ở bên này ngả sang màu cam nhiều hơn. Tôi đoán chừng vì nó nằm phía nam, nơi sau bốn giờ chiều vẫn còn có nắng.

Trên đường quay trở lại Montreal, tôi lại khèo cả nhà đi Parc National du Mont Orford. Thật ra vùng đồi núi này dành cho dân đi ski mùa đông, mùa thu các ski lift biến thành phương tiện kéo dân đi bộ chỉ có đi xuống không đi lên được lên đến đỉnh núi. Cảnh ở đây vẫn còn đẹp như tranh vẽ và người đi bộ đông đúc hẳn. Màu lá ở đây đôi chỗ đã khô rụng vì đợt nóng kéo dài, đôi chỗ chưa đỏ thắm như bên Quebec vì mùa thu chỉ mới chạm ngõ, nhưng thiên hạ vẫn đi ào ào, chụp hình ào ào.

Sau chừng đó ngày ngắm lá các loại, tôi vẫn không hề chán màu của nó, hình dáng của nó, vẻ đẹp của nó khi trời trong xanh, khi trời xám xịt, lúc trời mưa hay nắng vàng ngả về chiều.

Quebec
Khi quay về lại xứ Mỹ,  tôi biết mùa thu ở Montreal sẽ có đầy đủ lá vàng lá đỏ, sẽ rực rỡ và đủ để cho biết bao người để “đi thăm mùa thu ở Canada” vào bucket list.

Tôi về lại Texas ngắm hàng cây elm trên con đường Main Street, lá chớm vàng đã rơi lả tả vì gió mạnh. Tôi ngắm cây sồi trên trường học dần dần đổi lá sang màu đỏ rồi nâu đậm, tôi ngắm cây phong trồng trong vườn nhà người ta khoác chiếc áo đỏ, tôi ngắm cây mận dại lốm đốm lá cam chen lá vàng bên nhà hàng xóm. Mùa thu đến, quanh tôi cây cối thay màu lá. Không bằng Canada nhưng cũng đủ cho tôi thốt lên “Thu đã đến!”

Tôi ước gì có ông nhạc sĩ nào đó lặn lội đủ chừng đó cái parc tôi đã đi, rồi cất lên lời hát về màu lá phong. Tôi không biết sáng tác nhạc, tôi chỉ biết dùng lời để nói về nó. Và chừng đó ngôn từ vẫn không tả nổi cái chết của một chiếc lá phong, từ lúc nó chớm đổi màu cho đến khi nó nằm im trên con đường tôi đi.  

Thu Canada, thu quyến rũ. Rồi tôi sẽ trở lại bởi một lần nhìn lá như thế vẫn chưa đủ.

Lan Hương

Fort Worth 12/01/17


Mauricie

No comments:

Post a Comment