Pages

Wednesday, May 10, 2017

Bạn xưa (Hương Quỳ)


Lý thuyết ra, một đứa dễ dàng làm quen những người lạ gặp mặt lần đầu như tôi phải có một số bạn kếch xù theo cấp số nhân của tuổi đời. Nhưng lạ quá, đến giờ, hơn 60 mùa xuân đã đi qua, đếm được người gọi là bạn chỉ trên đầu ngón tay. 
Dễ dàng làm quen ? Hừm  hừm, không chắc lắm.
Hồi còn bé, nhìn bà chị họ kết thân với những đứa trẻ của bạn bè người lớn trong nhà, rồi được đi chơi với chúng, tôi thèm nhỏ rãi. Mở miệng ra nói một câu làm quen, sao mà khó đến thế, cái gì khiến một đứa toàn thích chơi những trò của con trai như tôi, hùng hổ đến vậy, lại nhũn như chi chi, không nở được đến một nụ cười thân thiện với những đứa trẻ lạ.
Đến lúc đi học tiểu học, giờ ra chơi, không gặp được những chị em họ học cùng trường, tôi lại lén chui hàng rào ngăn cách trường với nhà về vắt vẻo trên hai cây cà phê, hay rượt đuổi lũ gà vịt trong sân nhà đợi kẻng báo hiệu chấm dứt giờ ra chơi lại chui qua hàng rào về lớp học. 
Lên đến trung học, lẽ ra phải tha thướt trong tấm áo dài đồng phục, tôi lại thấy vướng víu với hai tà áo, chả hiểu sao phải dài xuống đến tận gót chân, nên sẵn sàng cuộn lại nhét vào áo len để ngồi xe honda cho ông anh chở đi học, hoặc để nhảy lò cò không vướng mắt khi cần phải biết đặt chân mình vào ô nào. Tôi cũng không dễ dàng có bạn. Giờ ra chơi, tha thẩn một mình sau trường, bị mấy bà lớp lớn chọc ghẹo em gái cô đơn, chơi trò chị em học bàn, thì gặp một bà  học khác buổi ngồi cùng chỗ, thay vì để quà vặt trong hộc để dành cho em, lại toàn là những bức thư gây hấn, chiến tranh chị và em tiếp diễn cả năm học  bằng cách gọt xóa tên của nhau ở cạnh bàn. Rồi không biết sao lại biến thành lớp trưởng từ năm đệ tứ, tôi trở thành một đứa nghiêm túc, nhìn bạn bè với những trò đùa nghịch ngợm, muốn tham gia ghê lắm mà không dám. Năm cuối trung học, biết sau đây mỗi đứa sẽ văng đi một ngả theo tương lại của mình, cũng lập một cuốn lưu bút, ghi hết lý lịch trích ngang của bạn học cùng lớp, bây giờ đâm tiếc sao lại đốt mất ngày bỏ nước ra đi, lúc ấy, cứ như muốn xóa di một đoạn đời. 
Vài năm đại học, sáng sớm lên đường đến trường khi mặt trời chưa mọc, vì trường ở cách Saigon 20 km, trưa lo chạy về cho nhanh, không tính toán xa hơn như những đứa bạn gái khác, tình nguyện đi học đợt trễ hơn, đầy tụi con trai, tha hồ kết bạn. Xa nhà, ngơ ngác với những đứa cùng lớp đến từ các tỉnh khác nhau, lẽ ra mà khéo làm quen, thì đã được ăn ngập bụng trái cây của những đứa ở miền lục tỉnh, đã được theo chúng về Vũng Tàu cuối tuần, hoặc chí ít thì cũng có vài cái địa chỉ để đến chơi với nhau ở Saigon. Vậy mà trơn lu, không còn dính được đến một em nào cho đến giờ. 
Vài năm trường cán sự xã hội, học chung, ở chung, dễ dàng kết thân lắm, vậy mà cũng chả còn ai, chắc vì bài thớ tôi làm dán trên tường, không biết nhân dịp đứa nào làm cái gì, trong đó có giòng : "Bạn tôi ,
" Những diễn viên đang say sưa trên sân khấu 
"Không biết
"Có ngày
"Màn rồi hạ xuống "
Thế là hết. Cả mười mấy năm còn lại sau giải phóng, cơ cực trong cơm áo gạo tiền, tương lai đứa nào đứa nấy tối đen thui, không còn hứng thú đâu mà tìm đến nhau, dù vẫn còn ở chung một thành phố.
Tôi chạy theo những niềm vui bạn bè mong manh, đốt hết tuổi thanh xuân của mình trong những kiếm tìm vô vọng. Nên nói mà không ai tin, tôi lên xe bông, như để chấm dứt một chuỗi ngày đều đều như tiếng dế kêu trong thành phố ngập một màu xanh của thông, ít thấy đổi thay của đất trời, khiến đời mình cứ như bị trì trệ xuống, ngộp thở, bí bách. Bảo sao một đứa thiếu kiên nhẫn như tôi, lại có thể chờ đợi ông phát thư mỗi buổi sáng, mang tin lành đến cho việc xuất ngoại, mỏi mòn đến cả 10 năm. 
Qua đây, tha hồ bận bịu để xây dựng lại cuộc đời. Có những ngày tôi chấm dứt một buổi làm việc, tha thẩn trên đường về, cứ mong có ai đó trên đường gọi tôi, phát âm rành rọt tên của mình, họ và tên đầy đủ một cái tên vốn là niềm hãnh diện của tôi, vì trật ra ngoài những cái tên chung chung thường dành cho con gái. 
Đó là lúc gửi về cho những đứa tôi nghĩ vẫn còn là bạn những bức thư cả tháng hơn mới đến, lại phải kèm thep phiếu tem cho chúng hồi âm, vì tiền tem dám xơi trọn cả tháng lương của chúng, rồi dài cổ đợi thêm hơn tháng mới có hồi âm. 
Nên đành quay qua đi quan hệ bạn bè với những đứa ngoại quốc cùng làm, tiếng tây tiếng u cũng chỉ nhỉnh hơn mình một chút, nhưng cũng phải chọn lọc ghê gớm, vì tôi thấy cách xử dụng pháp ngữ của chúng, thích hợp với môi trường làm việc tay chân của tôi, nhưng xa vời vợi với những bài đọc pháp văn  trích ngang  thuở xa xưa.  
May sao đất nược mở cửa, thiên hạ được quyền hồi hương, không còn phải cầm cái visa được đi khắp thế giới, trừ Việt Nam như xưa.
Cộng thêm internet, facebook, email .... Phong trào tìm bạn xưa nổi lên rầm rộ, nhanh chóng. Cứ như vừa bị động đất, thiên tai chôn vùi hết, giờ bất đầu đào xới lên tìm lại vết tích xưa.
Các buổi họp bạn tầm cỡ thế giới bắt đầu. Nào là họp bạn trung học, nào là họp bạn đại học, nào là họp bạn cùng sở làm xưa. Ai ở xó xỉnh nào, hễ lên tiếng là được moi ra trình làng, hả hê hết sức, có thêm mục mới cho dân, dù đã nhận được quốc tịch của đất nước thứ hai, vẫn thấy chưa bén rễ, chỉ muốn quay đầu về cội nguồn.
Sốt cả ruột vì chị em trong nhà tìm ra được bạn, dễ đến cả trăm, tôi thì trơ mắt ếch cho đến ngày hồi hương đợt đầu tiên, làm vài bữa tiệc họp bạn,  ghi được một mớ địa chỉ bạn tha hương như tôi.
Thế là đến phiên lên đường săn lùng bạn xưa.
Bắt đầu là hai đứa bạn cán sự xã hội, một đứa từ Đức sang, đến ở nhà tôi để hôm sau qua Paris gặp đứa khác. 26 năm mới gặp lại chúng, con bạn bên Đức vẫn kiểu nói chuyện cà kê, tôi gán ngay cho bà chị họ đến từ Việt Nam để chuyện nổ như bắp rang về những đề tài tôi không biết và không muốn biết. Paris là con bạn một thời bay bướm lái xe jeep phóng ào vào sân trường, sỏi nghiến kèn kẹt vì nó thắng gấp, lượn một vòng đẹp mắt rồi đậu xe ngay trước lớp học có 22 đôi mắt nhìn ra vào những buổi trưa nắng gắt. Con bạn lai tây, nghệ sĩ đàn địch, đang dợt dở dang hoạt cảnh Chinh Phụ Ngâm chuẩn bị cho lễ ra trường, mỗi buổi chiều ôm con búp bê đứng trên ghế giữa phòng ngủ cư xá, lõ mắt ngóng chồng chinh chiến xa chả thấy mặt mũi đâu. Lần nào nó cũng rưng rưng nước mắt được khi nhạc eo óc nổi lên, khiến lũ chúng tôi phen này chắc mẩm là sẽ làm khán giả sụt sùi đâu ra đấy. 
Thì nó đây, rù rù bước vào phòng khách của khách sạn với tấm lưng còng xuống, dù ví đầm, giầy cao gót, tóc tai như một Parisienne thứ thiệt. Tôi hết hồn, dĩ nhiên lưng nó còng thế kia không thể nào là vì đi gánh củi. Hóa ra sụp dàn vì thiếu vôi trong dàn xương! 
Nó tiếp đãi chúng tôi rất là ân cần, chu đáo,  đã chiên sẵn một mẻ cơm Dương Châu, làm một nồi vịt tiềm, tối đó, nó không có nhà vì bận tham gia một gala Việt Nam, nó cử thằng con thứ hai ở lại giúp dọn món ăn. Thằng nhỏ vừa đi khuất là nồi cơm với vịt tiềm được chui vô thùng rác vì làm sớm quá bị thiu, cả lũ tự lục lọi có gì ăn nấy trong bếp.
Quan hệ với hai đứa này sau ngày hội ngộ không kéo dài được lâu, vì đứa thì chồng đi về dưới, đứa thì ly dị chồng, gia cảnh chả có gì vui để kể, so với tôi, tôi thấy mình còn nhiều may mắn, giao tiếp với chúng, không khéo lại thành ra khoe mẽ nhà mình, nên tình cảm nhạt nhòa dần đi như tranh phong cảnh của Monet rồi mất hút, không còn tăm hơi nữa.
Tôi lại hăng hái tìm thêm một địa chỉ khác, tình cờ cho một chuyến nghỉ hè, tôi đến ở cách chỗ nó chỉ khoảng 30 km. Gọi điện, thấy giọng hững hờ, tôi phải nhấn mạnh là chỉ ghé thăm, chứ tôi đang ở trong một cái nhà thuê, thì nó vẫn ầm ừ. Ngày chót trước khi quay về Bỉ, tôi còn ấm ức gọi điện thêm lần nữa, để tìm ra lý do tại sao nó không muốn gặp mặt tôi, thì lúc đó nó mới nhận lời khi tôi bảo đảm sẽ chỉ ghé tạt qua.
Nó đấy, con nhỏ rời trường sớm, đi làm ngân hàng quốc gia, có lúc có trực thăng đưa đi công tác xa. Lấy chồng Việt Kiều, từng ở Bỉ trong thời gian tôi đã đến, không xa nhà tôi mấy, vậy mà chả lần nào đối đầu nhau trên đường phố. Qua Pháp, có lúc làm ra bạc triệu, nhưng giờ tan tành hết vì thằng chồng lợi dụng, nó tuyên bố cho cửa hàng phá sản. Bây giờ gia tài sinh hoạt vỏn vẹn trong 25m vuông. Đúng là không có chỗ để ngồi. Tôi nghẹn họng, nói gì bây giờ? Lại một số phận hẩm hiu. Vậy mà còn kêu trời lên vì thấy tôi dang nắng. Tôi thì kêu trời trong lòng, rằng, trau dồi sắc đẹp làm gì, rồi chỉ gặp rặt một lũ sở khanh.
Bẵng một thời gian, tôi không đi tìm bạn nữa, êm ấm với người bạn rất thân tôi đã xả thân hồi còn ở Việt Nam, chả chút nghi ngờ khi thấy nó cứ kêu rêu đời nó sao buồn thế. Có lúc tôi nghĩ hay tại con trai nó là homo ? Vì nó cứ xài cụm từ "đứa con trai mái mái của Tớ". Không chắc lắm, vì xem hình thì thấy một em mày râu bảnh bao. Sau bỗng dưng trong thư nó viết có gì là lạ, nhận xét chả thấy tôi diện quần áo đẹp, vòng vàng nữ trang, mà lúc nào, hễ không quần short thì cũng quần jean, tóc tai dẹp lép không xịt keo cho phồng lên như punk. Đến đận nó gửi cho tôi hình hoa quì Dalat, nói hoa đang nở rộ, mà tôi lại nhìn thấy hình chú thích chụp từ vài năm trước là tôi bức, bàng hoàng nhận ra bạn không phải là nói chuyện bâng quơ, mà phải giúp đỡ bằng vật chất, cụ thể là tiền để nó giải quyết nỗi buồn không nguôi. Nó nói tôi, đầy đủ quá nên có thì giờ ngắm hoa, ngắm cảnh, nhưng cũng không chắc là tôi thành công bên này, vậy chả bõ cho nó khoe là có một con bạn thành đạt. Tôi điếng người vội vàng cắt đứt liên lạc, cỡ Lan cắt đứt dây chuông cho Điệp khỏi vương vấn vậy.
Nghe ra tôi toàn gặp không may trong tình bạn, giờ chỉ còn xót lại đúng hai đứa tình cờ lục ra được, tồn tại cho đến giờ, chắc vì hoàn cảnh sống cũng same same nhau.
Một đứa còn có cơ hội sang thăm tôi năm ngoái. Tôi  chóng mặt đọc chương trình thăm Âu Châu express của nó. Tất cả gói gọn trong 10 ngày, mà nào là thăm Paris, nào là thăm Londre ,nào là thăm Amsterdam, nào là thăm Cologne. Vậy lúc nào nó dừng chân ở Bỉ đây ?Tôi bực quá, sắp xếp mua vé hết cho nó, nhưng không tham gia. Chỉ nhận đón đưa nó ra nhà ga. Tối nào gặp nhau được ở nhà, chả thấy kể chuyện đi thăm cảnh đẹp ra sao, mà chỉ nói xấu cặp vợ chồng đi cùng!
Bõ công tôi tỉa tót cái terrasse của mình, chăm chút hoa lá, lỡ đóng màn cửa lại ngụ ý cho nó biết là đóng như vậy cho khỏi có ánh sáng vào. Vậy là màn cửa cứ như thế từ ngày đến tới ngày đi! Nó không một lần tò mò hé cửa ra xem có gì đằng sau nữa là ....
Mới đây nữa, lại một con bạn, 46 năm chưa gặp. 
Tôi lại sắp xếp một chương trình lau chùi nhà cửa, đèn cổ với tranh treo được dịp phủi bụi. Mệt đứ đừ đến hết cả mấy ngày. Sắp xếp giữa thì giờ trông cháu, bán hàng để tỉa tót vườn tược, lại trau chuốt cái terrasse với một mớ chậu buxus hình mấy con thú vật, è cổ ra cắt cỏ ,nhổ cỏ vườn Clabecq cho chỉn chu, sơn lại cửa hàng, không phải để cho nó ngắm, nhưng cũng là một động cơ thúc tôi. 
Xong xuôi hết, thở cái phào ngày hôm sau ra ga xe lửa đón vợ chồng nó. 
Nó đây, một em mập kếch xù chống cây gậy đi bộ. Tôi tá hỏa tam tinh dợt hết trong đầu mình những chương trình soạn thảo đi chơi, và biết là phải skip hết. Bối rối cực kỳ!
Chương trình bắt đầu bằng rừng Halle đang bạt ngày hoa tím Jaccinthe. Phải đi chiều thứ sáu vì bây giờ vĩnh viễn không còn nhảy vô nhảy ra như chúng tôi vẫn tững làm từ mấy chục năm qua. Rừng nổi tiếng lắm rồi, khách ngoại quốc kéo đến ầm ầm, bị chặn từ ngoài cửa rừng. Những kẻ yêu hoa phải hành hương chừng hơn 2km mới đến được thảm hoa. Đi ngày không phải weekend thì còn lái xe được đến sát tận bãi hoa.
Nó bước xuống, ập ềnh một hình tam giác chưa đến 500m, cũng biết lên tiếng khen hoa đẹp, xong đức ông chồng quyết định là nó không đi được nữa cần phải về. Tôi nghĩ, có thật đẹp đối với họ không? Vì ngày trước đó họ từng đi thăm vườn tulipe Kokenhof ở Hòa Lan. Màu sắc chắc chắn là hơn đứt ở đây. Không sao, rừng Halle đẹp không phải chỉ nhờ hoa tím, mà còn nhiều cái khác nữa mà tôi không cần thiết phải giải thích. Ông chồng hươi máy điện thoại, hiện hết bản đồ của rừng Halle, thốt lên "Ối giời ! Rừng rộng quá, mình mới đi được 1/30 diện tích, nhưng thôi... vậy đủ rồi, Chi(tên con bạn ) sẽ mệt ". Sẽ thôi nhá, còn bản thân người tên Chi thì thấy yên lặng, no comment. Tôi nhớ đến anh chàng tài xế năm xưa chở gia đình tôi đi thăm Suối Vàng, tôi muốn đi đến tận cùng con đường, chắc chắn sẽ đến được chân núi Bà, nhưng em ta gạt ngang"Cũng dzậy thôi hà, đi tới nữa cũng chỉ có gừng dzí lại suối, gồi lại gừng dzí lại suối, dzậy dzậy thôi ha". Màu tím ngan ngát của rừng hóa ra chỉ là một mảng màu vô hồn trước mặt, thế thôi.
Đến lúc thăm Grand Place của Bruxelles, di sản thế giới trong danh sách của Unessco thì còn kinh hoàng hơn. Y hệt nhóm bạn năm ngoái, những vách tường xám xịt và những tượng đài lổn nhổn trên mặt tiền tòa nhà chính không thu hút sự chú ý và không ăn ảnh bằng tòa nhà kế bên đang lóe ánh vàng viền kẻ khắp nơi, vậy là những nụ cười toe toét được gán vào những tòa nhà không ăn nhậu gì đến lịch sử của nơi đây. Tôi cứng họng, không thốt lên được một lời giải thích nào. Đến lúc đi thăm tượng thằng bé cởi truồng, thì còn thảm hại hơn. Tượng bé quá, không gây được ấn tượng gì, thua hẳn tượng bằng chocolat trong tiệm bán hàng bên cạnh, chụp ở đây vừa rõ vừa to, việc gì phải chen chúc với đám du khách Tàu đang náo loạn dưới chân tượng thật !
Thấy nó mầy mò mấy con búp bê Stroumph, tôi bảo để mua cho con nó làm quà, hai vợ chồng kêu ầm, "thôi thôi, valise chật cứng rồi, để qua Pháp mua cũng được " lại cứng họng, chả lẽ lại không biết cha đẻ của Stroumph là ở Bỉ à ? Tính mua gì tặng cũng dãy nảy lên, khách sáo vô cùng đến nỗi tôi phát chán, bèn mua cho mỗi em một cái bành gauffre, ai ngờ lại đúng ý, chắc giống thằng cháu bên Mỹ năm nào qua đây hồi còn bé tí, được tôi mua cho đúng lúc bụng đói, nhớ mãi kỷ niệm đẹp về gauffre của Bỉ cho đến giờ.
Cả ngày thứ bảy, trời đẹp lộng lẫy, chỉ đủ sức leo lên nóc của L’arc De Triomphe ở Cinquantenaire bằng thang máy, xong thì quật vào nộp mạng cho một quán ăn Bồ đào Nha ở sát rạt nhà. Nghỉ ngơi mấy tiếng đồng hồ mới có sức xuống nhà Clabecq, nắng đã tắt, gió lạnh nổi lên, cứ đứng trong nhà ngắm vườn cũng được rồi. 
Chủ nhật đi qua serre của Hoàng Gia mở cửa đúng dịp này, nhìn thấy thiên hạ tấp nập trước cửa, đức ông chồng lại xua tay, "Thôi Chi đi không được đâu", vậy là nhảy vào vườn Botanique ở Meise vì tôi biết ở đây có một cái tít tít train. 
Tới nơi, xe lửa đã nhổ neo mới 10 phút trước, một tiếng đồng hồ nữa mới có chuyến sau, không ai muốn leo lên cái dốc thăm vườn cây nhiệt đới, ừ, mà họ từ bên VN qua, cần gi phải đi thăm cây chuối với lại cây giong nhỉ ? Chồng tôi ngổi như mèo già gù gù sưởi nắng, bạn tôi với đức ông chồng rón rén chống gậy tiên bà ra tới mép hồ nước viền quanh tòa lâu đài, tôi thì oải mình vì chưa bao giờ dẫn một phái đoàn đi chơi kinh dị đến vậy. Kể cả ba Má tôi hồi còn sống cũng chưa cho tôi một cảm giác trì trệ đến thế.
Nên sau một vòng tít tít train vô duyên, tôi bức luôn tuyên bố giải tán, cho hai vợ chồng ở nhà, còn tôi với đức ông chồng sải chân đi bộ cho đã từ nhà ra tới trung tâm thành phố, rồi đi về đến tận hàng, rồi tận nhà cho bõ sức.
Sáng hôm sau, tôi sung sướng được chia tay với bạn, nghĩ lại, cũng nhói lên một chút thương hại con bạn bị núp bóng quá kỹ đức ông chồng, ổng quyết định hết, nó như chim nhốt trong lồng son, với hai người hầu, với balcon đi trên lầu từ nhà nó qua nhà con trai, khu nhà ở có hồ bơi, sân tennis, tôi mới thấy hết lòng hối tiếc của nó khi nhìn thấy hình ảnh lăng quăng của tôi, và tôi hiểu, sao nó hay lên facebook, ông chồng với một cái GPS cộng với một chuỗi chuyện vô tận để tán dương chính mình. Không, tôi thà có một người chồng không tài giỏi, nhưng chí ít chia xẻ với mình gánh nặng vậtchất cụ thể, thế là đủ rồi.
Tôi như chim đang bị thương, có còn dám đi tìm bạn không nhỉ ?
Tay đang cầm một quyển tập san cựu học sinh trường Bùi thị Xuân mới ra lò nóng hổi, đầy đủ địa chỉ, số tel với email, nhưng cứ như có cái gì đã tắt đi, cần phải có thời gian để khôi phục lại.
Tìm đâu ra một người bạn sẵn sàng đi theo tôi để nhìn nhưng viên đá lót trước bậc thềm mỗi căn nhà nghệ nhân ở đây, và rặng cây houx cổ xưa cả trăm năm cho trái đỏ thắm mỗi dịp noel về, chắc vẵn chỉ có tôi độc hành nhìn ngắm ....
Hương Quỳ (Bruxelles, 05/09/2017)




Monday, May 1, 2017

30 tháng Tư ngang qua nhà Ba Má


Nó đó. Ngôi nhà hai tầng, cửa chớp, ban công, tường vôi vàng và cây hồng cổ thụ giận dữ. Ngôi nhà đã và đang từng ám ảnh tôi suốt những năm tháng tôi xa xứ. Bắt đầu từ một buổi sáng đẫm sương năm 1989 cho đến tận bây giờ, và không chút nghi ngại nào, sẽ đến tận ngày tôi nhắm mắt. Tôi đồ rằng đến khi tôi về già, nếu có bị bệnh dementia, chắc suốt ngày tôi ngồi kể về ngôi nhà này. Theo các nghiên cứu, khi đầu óc bị lẫn lộn, cái gì ám ảnh mình nhất thì lúc đó sẽ được lôi ra kể vanh vách.

Nhìn nó chăm chú, tôi chợt thấy sao quá đỗi xa lạ, tôi không cảm thấy đủ gần nó như những khi tôi bồi hồi nhức nhối mơ về nó. Tôi lạnh lùng quan sát nó kỹ càng. Cái ban công dạo nào tôi ngồi nhìn ánh hỏa châu được phủ một tấm sáo màu xanh lạc lõng vô duyên vì thiếu giàn hoa giấy. Tôi tưởng tượng mãi không ra hình ảnh một con bé ngồi thu lu sau giàn hoa năm nào. Cái sân trước thuở nhỏ cầm chổi quét mãi không xong giờ bé tí, chật chội, tôi có cảm giác nó muốn lấn luôn các bậc thềm để leo vào nhà. Cửa sổ tầng dưới đóng im ỉm làm tim tôi thoáng nao lòng chợt nhớ đến những khung cửa luôn luôn mở toang hứng những tia nắng ban mai từ bên kia đồi. Tôi tỉ mỉ xăm soi con dốc dẫn lên cổng. Dàn hoa trắng đã đi đoong, mang theo cây trạng nguyên hoa đỏ nở rộ vào mùa Giáng Sinh, những dây vervene tím thơm ngát không còn để lộ ra những viên đá tả ly trơ trẽn. Tôi rảnh rỗi căng mắt tìm hộc đá tôi thường cất một viên sỏi vào trong đó chơi nhưng tuyệt nhiên không nhớ nó ở đâu. Tôi không nhìn sang hàng xóm hai bên của nó. Những ngôi nhà xa lạ đó chẳng nói với tôi điều gì cả.

Ngày 30 tháng Tư, Ba Má chu du từ Mỹ sang Bỉ ăn đủ mọi món của các con, ngửi đủ mọi hương trầm của các con, nghe đủ mọi khấn vái của các con. Di ảnh của Ba Má lập lòe dưới ánh nến của ba cái bàn thờ ở ba ngả. Má vẫn cười như muôn thuở, Ba vẫn nghiêm khắc như muôn thuở. Các con thắp nhang, cúi lạy, những mái đầu đã điểm bạc, những nếp nhăn đã hằn trên đuôi mắt. Riêng các cháu của Ba Má, thế hệ thứ ba xuất hiện, bò lê la trong phòng. Thế hệ thứ hai tất bật với đời sống, đứa đến được, đứa không về nhà được. Thế hệ thứ nhất chỉ còn lại năm bà con gái, quật ra nấu nướng tưng bừng, bưng lên bàn thờ thầm nghĩ nếu Ba Má ăn hết chừng này món chỉ có bội thực! Riêng hai ông con trai trôi nổi ở hai ngả, đến ngày này chắc chắn hai ông sẽ nhớ những nỗi mất mát cả đời của mình nhưng sẽ không cụ thể hóa nỗi nhớ thành những món cà ri, gỏi xoài, gà quay bày lên bàn thờ rồi thắp nhang. Thời gian qua, ký ức qua, nỗi đau đã lắng xuống tận đáy lòng, nhớ đến Ba nhớ đến Má nước mắt đã thôi lưng tròng. Bây giờ nghĩ lại những lúc Ba Má còn sống, thấy thông cảm hơn với những cái đau lưng, nhức mỏi, tê tay, đau đầu gối của cả hai người. Giá mà cả hai còn sống, tôi nhất định sẽ không cằn nhằn bảo cả hai đi có một chút mà đã than mệt, sẽ chậm chân mình lại chờ đợi, không nôn nóng, không thúc giục, sẽ kiên nhẫn với những tính khí trái gió trở trời, sẽ lắng nghe những câu chuyện không đầu không đuôi, sẽ không trợn mắt khi nghe mãi một câu chuyện được kể đi kể lại. Sẽ thường xuyên gọi điện thoại về hơn chỉ để nghe Má nói “Hương đó hả?” hay là nghe Ba nói “Ba vẫn khỏe”. Thường là khi hiểu ra thì đã quá muộn. Đó là cái chu kỳ của đời sống. Nếu bây giờ tôi than thở chân đau với các con, chúng sẽ đối xử với tôi y hệt như tôi đối xử với Ba Má ngày nào. Tôi tự hỏi khi mình chết, chúng có nhớ lại như tôi đang nhớ và thầm nghĩ giá ngày đó chịu khó kiên nhẫn với tuổi già của các bậc sinh thành hơn nữa, giá ngày đó thông cảm với nỗi buồn và nỗi cô đơn vốn thường có của tuổi gần đất xa trời hơn nữa. Bởi vì dù sao chăng nữa, tôi đang đến gần những nỗi buồn và cô đơn đó, song song với những cái nhức nhối của chân tay khi mình chẳng còn trẻ trung gì, đồng hành với những nỗi lo sợ cực kỳ vô cớ. Và nhất là một sáng thức dậy, tự dưng thấy mình chẳng còn thích gì, chẳng còn muốn gì. Thiên hạ hỏi hè này đi đâu thì mãi không ra một câu trả lời, tự dưng thấy đi đâu cũng chán dù trái đất vô cùng mênh mông. Thiết thực hơn quay sang nghĩ bây giờ chọn một công việc thích nhất để làm thì chọn mãi không ra, đành đi đọc sách!

Như thế tôi đã hiểu phần nào tại sao Ba không sang Mỹ thăm chúng tôi nữa. Ba bảo đi rồi, biết rồi thế là đủ. Dù cho tôi năn nỉ, dụ dỗ Má hết hơi, Má không quay lại. Má bảo ngồi máy bay suốt mấy tiếng đồng hồ buồn không có người nói chuyện. Ba về thăm Việt Nam đúng một lần duy nhất. Má đi được hai lần. Lần sau không có Ba, Má đi đúng hai tuần thì gọi điện thoại bảo đổi vé cho Má về lại Bỉ sớm! Sau này các con có hỏi thì Ba Má đều trả lời chẳng vui thú gì. Tôi không nghĩ tình hình chính trị Việt Nam làm cả hai chồn chân, tôi không nghĩ bà con làng xóm làm cả hai không muốn quay về. Tôi nghĩ vì cả hai đã mỏi mệt. Hành trình đi tìm lại kỷ niệm khi gối đã mỏi, chân đã chồn thật không dễ dàng chút nào.

Năm nay ngày 30 tháng Tư, đất trời Fort Worth nổi cơn gió chướng. Tôi ngồi im trong nhà nghe gió hú tứ phía, trời lúc sáng lúc tối, mây kéo đến đen nghịt, rồi tản ra rất nhanh, trả lại những tia nắng quái. Lúc ba giờ chiều trời oi ả đến nỗi tôi quyết định nhảy xuống hồ bơi. Sau đó 2 tiếng đồng hồ thì gió đem cơn lạnh về, ngỡ mình đang vào mùa đông. Gió hú như thế đủ hai ngày, tôi yên tâm ngồi nhà nấu đủ mười món hân hoan đem cúng. Món này cho Ba, món kia cho Má, món chung chung ai ăn cũng được. Gió to không ra ngoài tôi dư thì giờ nấu nồi chè trôi nước, cái món cách rách từ lúc nấu đậu xanh làm nhân đến khi nhồi bột làm vỏ. Gió tiếp tục hú, tôi làm thêm nồi cà ri gà béo ngậy nhờ nguyên lon nước cốt dừa, không nhớ Ba hay Má ai thích món này. Trời chưa lặng gió, tôi cắt thịt bò cực mỏng làm bò tái chanh, dư giả thì giờ quyết định để cho bò tái bằng nước cốt chanh thật, không hề bắc bếp ăn gian xào cho thịt đủ chín. Nhưng vẫn nhớ ra Ba không ăn ớt nên dừng con dao ở cái khoản băm tỏi. Thêm cái bánh đa bỏ vào microwave một phút dòn rụp không phải quạt than mà nướng. Tôi nhớ Má thích ăn tôm kho với thịt ba chỉ, nên nhẩn nha lột tôm thái thịt. Tôi nhớ Ba thích ăn vịt quay, mỗi lần Ba về Saigon đi cất hàng, khi nào ở Chợ Lớn về Ba cũng mua một con vịt quay da căng mọng nhờ bơm nước, đến khi chặt thành từng miếng thì con vịt xẹp xuống như bong bóng xì hơi, Ba chép miệng bảo thế là bị lừa! Tôi bèn làm vịt quay thịt quay bánh hỏi. Tất nhiên gió có hú một tuần tôi cũng quay nổi một con vịt nên mua sẵn ngoài chợ cho rồi.  Nếu gió còn lồng lộng tiếp, chắc mâm cỗ của tôi thay vì mười món có thể lên tới mười hai! Bày mâm, tôi tự nhủ đúng ra mỗi tuần nên cúng một món, rỉ rả nguyên năm, chơi cái kiểu ăn dồn này thì cả người sống lẫn người chết phải có cái bao tử co giãn cực kỳ! Nói thế thôi, sau khi cả Ba lẫn Má ăn hương ăn hoa, mười món của tôi đã yên tâm nằm trong tủ lạnh, chiều đi làm về không bận tâm phải nấu món gì trong vòng 2 tuần!

Tôi hân hoan dọn mâm cúng, tôi đồ rằng dưới Houston cũng hân hoan không kém khi đốt nến thắp nhang, và bên Bỉ đã gởi hình ngày giỗ Ba Má mâm cúng hoa nhiều hơn đồ ăn. Các con khắp phía cúng Ba giỗ Má. Trong cái hân hoan có nỗi buồn lẫn lộn nhưng cứ nghĩ rằng cả Ba với Má đang ở rất gần với mình, trong tâm tưởng, qua ánh nến, qua nhang khói, qua những lời mời cả hai về ăn cỗ.  

Buổi tối, khi nhang tàn, nến tắt, giỗ quảy đã xong, tôi xem tin tức biết rằng cách Dallas khoảng 30 miles, gió lốc đã thổi bay 5 sinh mạng, tàn phá cơ man nhà với cửa. Ngày 30 tháng Tư một lần nữa lại là một dấu ấn khác cho “ngày này năm xưa” của thiên hạ. Đối với tôi, cái ngày không còn Mẹ đã lấn lướt tất cả, cái ngày không còn Cha đã làm lu mờ tất cả. Ngày này năm xưa của tôi nhức nhối lắm.   

Riêng trong ngôi nhà của Ba Má, ngày 30 tháng Tư cửa trước đóng, cửa sau đóng, vườn bỏ hoang và rất lạnh. Tôi cầu mong cả hai không ai về đó làm gì.

Lan Hương

Fort Worth 04/30/2017