Nó đó. Ngôi nhà hai tầng, cửa chớp, ban
công, tường vôi vàng và cây hồng cổ thụ giận dữ. Ngôi nhà đã và đang từng ám ảnh
tôi suốt những năm tháng tôi xa xứ. Bắt đầu từ một buổi sáng đẫm sương năm 1989
cho đến tận bây giờ, và không chút nghi ngại nào, sẽ đến tận ngày tôi nhắm mắt.
Tôi đồ rằng đến khi tôi về già, nếu có bị bệnh dementia, chắc suốt ngày tôi ngồi
kể về ngôi nhà này. Theo các nghiên cứu, khi đầu óc bị lẫn lộn, cái gì ám ảnh
mình nhất thì lúc đó sẽ được lôi ra kể vanh vách.
Nhìn nó chăm chú, tôi chợt thấy sao quá đỗi
xa lạ, tôi không cảm thấy đủ gần nó như những khi tôi bồi hồi nhức nhối mơ về
nó. Tôi lạnh lùng quan sát nó kỹ càng. Cái ban công dạo nào tôi ngồi nhìn ánh hỏa
châu được phủ một tấm sáo màu xanh lạc lõng vô duyên vì thiếu giàn hoa giấy. Tôi
tưởng tượng mãi không ra hình ảnh một con bé ngồi thu lu sau giàn hoa năm nào.
Cái sân trước thuở nhỏ cầm chổi quét mãi không xong giờ bé tí, chật chội, tôi
có cảm giác nó muốn lấn luôn các bậc thềm để leo vào nhà. Cửa sổ tầng dưới đóng
im ỉm làm tim tôi thoáng nao lòng chợt nhớ đến những khung cửa luôn luôn mở
toang hứng những tia nắng ban mai từ bên kia đồi. Tôi tỉ mỉ xăm soi con dốc dẫn
lên cổng. Dàn hoa trắng đã đi đoong, mang theo cây trạng nguyên hoa đỏ nở rộ vào
mùa Giáng Sinh, những dây vervene tím thơm ngát không còn để lộ ra những viên
đá tả ly trơ trẽn. Tôi rảnh rỗi căng mắt tìm hộc đá tôi thường cất một viên sỏi
vào trong đó chơi nhưng tuyệt nhiên không nhớ nó ở đâu. Tôi không nhìn sang
hàng xóm hai bên của nó. Những ngôi nhà xa lạ đó chẳng nói với tôi điều gì cả.
Ngày 30 tháng Tư, Ba Má chu du từ Mỹ sang Bỉ
ăn đủ mọi món của các con, ngửi đủ mọi hương trầm của các con, nghe đủ mọi khấn
vái của các con. Di ảnh của Ba Má lập lòe dưới ánh nến của ba cái bàn thờ ở ba
ngả. Má vẫn cười như muôn thuở, Ba vẫn nghiêm khắc như muôn thuở. Các con thắp
nhang, cúi lạy, những mái đầu đã điểm bạc, những nếp nhăn đã hằn trên đuôi mắt.
Riêng các cháu của Ba Má, thế hệ thứ ba xuất hiện, bò lê la trong phòng. Thế hệ
thứ hai tất bật với đời sống, đứa đến được, đứa không về nhà được. Thế hệ thứ
nhất chỉ còn lại năm bà con gái, quật ra nấu nướng tưng bừng, bưng lên bàn thờ
thầm nghĩ nếu Ba Má ăn hết chừng này món chỉ có bội thực! Riêng hai ông con
trai trôi nổi ở hai ngả, đến ngày này chắc chắn hai ông sẽ nhớ những nỗi mất
mát cả đời của mình nhưng sẽ không cụ thể hóa nỗi nhớ thành những món cà ri, gỏi
xoài, gà quay bày lên bàn thờ rồi thắp nhang. Thời gian qua, ký ức qua, nỗi đau
đã lắng xuống tận đáy lòng, nhớ đến Ba nhớ đến Má nước mắt đã thôi lưng tròng.
Bây giờ nghĩ lại những lúc Ba Má còn sống, thấy thông cảm hơn với những cái đau
lưng, nhức mỏi, tê tay, đau đầu gối của cả hai người. Giá mà cả hai còn sống,
tôi nhất định sẽ không cằn nhằn bảo cả hai đi có một chút mà đã than mệt, sẽ chậm
chân mình lại chờ đợi, không nôn nóng, không thúc giục, sẽ kiên nhẫn với những
tính khí trái gió trở trời, sẽ lắng nghe những câu chuyện không đầu không đuôi,
sẽ không trợn mắt khi nghe mãi một câu chuyện được kể đi kể lại. Sẽ thường
xuyên gọi điện thoại về hơn chỉ để nghe Má nói “Hương đó hả?” hay là nghe Ba
nói “Ba vẫn khỏe”. Thường là khi hiểu ra thì đã quá muộn. Đó là cái chu kỳ của
đời sống. Nếu bây giờ tôi than thở chân đau với các con, chúng sẽ đối xử với
tôi y hệt như tôi đối xử với Ba Má ngày nào. Tôi tự hỏi khi mình chết, chúng có
nhớ lại như tôi đang nhớ và thầm nghĩ giá ngày đó chịu khó kiên nhẫn với tuổi
già của các bậc sinh thành hơn nữa, giá ngày đó thông cảm với nỗi buồn và nỗi
cô đơn vốn thường có của tuổi gần đất xa trời hơn nữa. Bởi vì dù sao chăng nữa,
tôi đang đến gần những nỗi buồn và cô đơn đó, song song với những cái nhức nhối
của chân tay khi mình chẳng còn trẻ trung gì, đồng hành với những nỗi lo sợ cực
kỳ vô cớ. Và nhất là một sáng thức dậy, tự dưng thấy mình chẳng còn thích gì,
chẳng còn muốn gì. Thiên hạ hỏi hè này đi đâu thì mãi không ra một câu trả lời,
tự dưng thấy đi đâu cũng chán dù trái đất vô cùng mênh mông. Thiết thực hơn quay
sang nghĩ bây giờ chọn một công việc thích nhất để làm thì chọn mãi không ra,
đành đi đọc sách!
Như thế tôi đã hiểu phần nào tại sao Ba
không sang Mỹ thăm chúng tôi nữa. Ba bảo đi rồi, biết rồi thế là đủ. Dù cho tôi
năn nỉ, dụ dỗ Má hết hơi, Má không quay lại. Má bảo ngồi máy bay suốt mấy tiếng
đồng hồ buồn không có người nói chuyện. Ba về thăm Việt Nam đúng một lần duy nhất.
Má đi được hai lần. Lần sau không có Ba, Má đi đúng hai tuần thì gọi điện thoại
bảo đổi vé cho Má về lại Bỉ sớm! Sau này các con có hỏi thì Ba Má đều trả lời
chẳng vui thú gì. Tôi không nghĩ tình hình chính trị Việt Nam làm cả hai chồn
chân, tôi không nghĩ bà con làng xóm làm cả hai không muốn quay về. Tôi nghĩ vì
cả hai đã mỏi mệt. Hành trình đi tìm lại kỷ niệm khi gối đã mỏi, chân đã chồn
thật không dễ dàng chút nào.
Năm nay ngày 30 tháng Tư, đất trời Fort
Worth nổi cơn gió chướng. Tôi ngồi im trong nhà nghe gió hú tứ phía, trời lúc
sáng lúc tối, mây kéo đến đen nghịt, rồi tản ra rất nhanh, trả lại những tia nắng
quái. Lúc ba giờ chiều trời oi ả đến nỗi tôi quyết định nhảy xuống hồ bơi. Sau
đó 2 tiếng đồng hồ thì gió đem cơn lạnh về, ngỡ mình đang vào mùa đông. Gió hú
như thế đủ hai ngày, tôi yên tâm ngồi nhà nấu đủ mười món hân hoan đem cúng.
Món này cho Ba, món kia cho Má, món chung chung ai ăn cũng được. Gió to không
ra ngoài tôi dư thì giờ nấu nồi chè trôi nước, cái món cách rách từ lúc nấu đậu
xanh làm nhân đến khi nhồi bột làm vỏ. Gió tiếp tục hú, tôi làm thêm nồi cà ri
gà béo ngậy nhờ nguyên lon nước cốt dừa, không nhớ Ba hay Má ai thích món này.
Trời chưa lặng gió, tôi cắt thịt bò cực mỏng làm bò tái chanh, dư giả thì giờ
quyết định để cho bò tái bằng nước cốt chanh thật, không hề bắc bếp ăn gian xào
cho thịt đủ chín. Nhưng vẫn nhớ ra Ba không ăn ớt nên dừng con dao ở cái khoản
băm tỏi. Thêm cái bánh đa bỏ vào microwave một phút dòn rụp không phải quạt
than mà nướng. Tôi nhớ Má thích ăn tôm kho với thịt ba chỉ, nên nhẩn nha lột
tôm thái thịt. Tôi nhớ Ba thích ăn vịt quay, mỗi lần Ba về Saigon đi cất hàng,
khi nào ở Chợ Lớn về Ba cũng mua một con vịt quay da căng mọng nhờ bơm nước, đến
khi chặt thành từng miếng thì con vịt xẹp xuống như bong bóng xì hơi, Ba chép
miệng bảo thế là bị lừa! Tôi bèn làm vịt quay thịt quay bánh hỏi. Tất nhiên gió
có hú một tuần tôi cũng quay nổi một con vịt nên mua sẵn ngoài chợ cho rồi. Nếu gió còn lồng lộng tiếp, chắc mâm cỗ của
tôi thay vì mười món có thể lên tới mười hai! Bày mâm, tôi tự nhủ đúng ra mỗi
tuần nên cúng một món, rỉ rả nguyên năm, chơi cái kiểu ăn dồn này thì cả người
sống lẫn người chết phải có cái bao tử co giãn cực kỳ! Nói thế thôi, sau khi cả
Ba lẫn Má ăn hương ăn hoa, mười món của tôi đã yên tâm nằm trong tủ lạnh, chiều
đi làm về không bận tâm phải nấu món gì trong vòng 2 tuần!
Tôi hân hoan dọn mâm cúng, tôi đồ rằng dưới
Houston cũng hân hoan không kém khi đốt nến thắp nhang, và bên Bỉ đã gởi hình
ngày giỗ Ba Má mâm cúng hoa nhiều hơn đồ ăn. Các con khắp phía cúng Ba giỗ Má.
Trong cái hân hoan có nỗi buồn lẫn lộn nhưng cứ nghĩ rằng cả Ba với Má đang ở rất
gần với mình, trong tâm tưởng, qua ánh nến, qua nhang khói, qua những lời mời cả
hai về ăn cỗ.
Buổi tối, khi nhang tàn, nến tắt, giỗ quảy
đã xong, tôi xem tin tức biết rằng cách Dallas khoảng 30 miles, gió lốc đã thổi
bay 5 sinh mạng, tàn phá cơ man nhà với cửa. Ngày 30 tháng Tư một lần nữa lại
là một dấu ấn khác cho “ngày này năm xưa” của thiên hạ. Đối với tôi, cái ngày
không còn Mẹ đã lấn lướt tất cả, cái ngày không còn Cha đã làm lu mờ tất cả. Ngày
này năm xưa của tôi nhức nhối lắm.
Riêng trong ngôi nhà của Ba Má, ngày 30 tháng
Tư cửa trước đóng, cửa sau đóng, vườn bỏ hoang và rất lạnh. Tôi cầu mong cả hai
không ai về đó làm gì.
Lan Hương
Fort Worth 04/30/2017
No comments:
Post a Comment