Tương
truyền Thánh Gióng lên ba tuổi chưa biết đi cũng chẳng biết nói, ăn cơm mẹ phải
đút từng muỗng, uống nước mẹ phải bưng tận
mồm, cả ngày ngồi ì một chỗ không nhúc nhích cục cựa! Cả như bên này thì Gióng
sẽ bị mang đi khám bác sĩ chuyên trị trẻ em, làm cả đống xét nghiệm từ thử máu
đến soi óc xem Gióng có bị autism – tự kỷ, hay retarded – chậm phát triển hay
không. Rồi Gióng sẽ được đưa vào trường đặc biệt học ăn học nói cho đến khi
Gióng hòa nhập được với các bạn cùng lứa tuổi. Bố Mẹ Gióng sẽ hồi hộp xem con
tiến bộ từng ngày, hoặc tối nào cũng cãi nhau như mổ bò không biết có nên cho
Gióng tiếp tục uống thuốc để Gióng kiểm soát được tính khí của mình, lên trường
không la hét vô cớ hoặc gây gỗ với bạn bè. Chẳng qua cái thuốc uống thường
xuyên ấy làm cho Gióng mập phù, thở phì phò như kéo bễ, đã thụ động lại càng ù
lì hơn. Ấy là nói chuyện bây giờ, hồi xưa khác cơ. Chẳng cần trường lớp với lại
cô giáo đặc biệt nào, Gióng chỉ cần nghe giặc Ân tới liền hét to một tiếng rồi
bật ra nói cười vanh vách, ăn một hơi hết mấy tạ cơm, ợ một cái như sấm nổ rồi
vươn vai thành người lớn, leo lên ngựa đi đánh giặc. Đánh xong Gióng bay thẳng
về trời, ở lại mất công bị nhiều người tới hỏi dò sao hay vậy, làm cách nào vậy,
ăn uống trúng cái gì vậy. Mệt lắm. Đấy là Gióng không ở lại mà con nít ở Việt
Nam đã bị nhồi cơm như ngỗng bị nhồi thịt rồi đấy. Gióng huyền bí như vậy nên sau
này tượng Thánh Gióng mọc như nấm ở các bùng binh. Hình như năm nào có người đề
nghị đúc tim vàng để vào tượng Gióng, nhân tiện làm luôn quả tim vàng khác để
vào con ngựa của Gióng cho đồng bộ. Quên không biết có ngày Phù Đổng Thiên
Vương để được nghỉ đi thăm các tượng của Gióng đặng thắp nhang khấn vái cho một
cậu bé có vẻ bị autism mà trở thành anh hùng hay không.
Chỉ
vì dân ta vốn khoái cái khoản đi ngang về tắt, chỉ cần một đêm, một ngày là giải
quyết gọn nhẹ xong tất tần tật mọi việc, hơi đâu kéo dông kéo dài đến suốt đời
mà chẳng thấy cái gì. Không tin thì cứ nhìn vào giấc mơ “Singapore thu nhỏ”
đang lên đồng mà xem!
Nghe
ra có vẻ báng bổ nhưng nếu bạn đã quen với chuyện Mẹ Âu Cơ đẻ ra trăm trứng thì
không nên lấy làm ngạc nhiên. Riêng ông anh tôi bảo 99 trứng thôi, trong đó có
một cái trứng thối! Truy bằng được thì ông ấy ngụy biện trên thế giới này làm gì có xác suất trứng
nở 100%? Phải có một cái trứng ung để đem cái xác suất ấy hạ xuống 99.99% cho gần
với đời thường. Tôi cãi nhây bảo vậy 49 người lên núi hay 49 người xuống biển
vì tỉ lệ 50/50 hoàn toàn đổ bể. Ông ấy nhún vai, chẳng quan trọng. Cãi với ông ấy
chỉ thành cãi chày cãi cối, chấp nhận một trái trứng thối thì cũng vẫn còn lại
99 trứng thành người Việt bây giờ đây này. Còn nếu cãi tiếp Âu Cơ là tiên chứ
có phải là chim hay cá cảnh đâu mà đẻ ra trứng thì e rằng tình anh em đến hồi kết
thúc. Cứ chấp nhận tuốt đi, vì đó chỉ là huyền thoại.
Chỉ
cần đừng ráng biến huyền thoại thành sự thật.
Tôi
không nói đến truyền thuyết Thánh Gióng hay Mẹ Âu Cơ, những truyền thuyết như
thế quốc gia nào mà chẳng có để kể cho trẻ con nghe, kể cho những tâm hồn trong
trẻo không bận tâm đến chuyện bụng đâu chứa nổi cả tạ cơm. Tôi chỉ muốn nói đến
cái tư duy tiến lên một số nơi bằng cách không làm một số chuyện cơ bản khác. Nếu
đã từng sống sau năm 75, chẳng ai mà không thuộc làu cái câu “Tiến thẳng lên chủ
nghĩa xã hội bỏ qua giai đoạn phát triển chủ nghĩa tư bản”. Đấy đấy, cái tư duy
cứ đường tắt mà đi ấy, tư duy vỗ ngực
khoe khoang cả dân tộc chơi nổi đón đầu thế kỷ ấy!
Thế
là bây giờ nhân dân è cổ trả giá cho cái chuyện bỏ qua với lại thẳng tiến. Có
những điều có thể đi tắt, có những việc không chơi màn đón đầu được vì nó là cả
một nền tảng phát triển nhân văn, khoa học nghệ thuật sống còn xuyên suốt hàng
thế kỷ của nhân loại. Rùa thắng Thỏ trong cuộc thi ai chạy nhanh hơn là cả một
sự lừa bịp trắng trợn! Thỏ thua oan ức không biết kiện vào đâu, Rùa thắng vênh
vang với cái trò láu cá của mình! Hạng
người nào mới tự hào vì cái trò lừa đảo đó?
Nhiều
ân oán của những chuyến tàu đón đầu đang được trả giá, tôi miễn bàn, người
trong nước chắc chắn sẽ rõ hơn tôi nhiều. Tôi chỉ nói đến chiến dịch dành lại vỉa
hè cho người đi bộ bằng cách để cho chủ nhà bước khỏi cửa không khéo sẽ bị té
nhào sấp mặt xuống mặt đường, mà có lỡ ở mặt đường thì không cách gì leo lên
nhà mình được. Vì các bậc thềm nhà biến mất. Dân đi trên vỉa hè ái ngại nhìn những
thềm nhà qua một đêm bỗng cao vút, riêng chủ nhà méo mặt kê gỗ, kê gạch để bước
vào nhà. Riêng khách đến thăm thì tốt nhất là mặc quần đừng mặc váy cho chủ nhà
khỏi bối rối!
Nói
đến đây khối kẻ bảo tôi không làm gì được cho đất nước này thì im cái miệng lại.
Thì tôi im, tôi có chống cái giấc mơ biến Saigon thành một Singapore thu nhỏ
đâu nào. Ai cũng có quyền mơ ước mà lại. Saigon sạch đẹp ai mà chẳng thích?
Saigon nhà nhà lịch sự, con người lịch sự, đường xá lịch sự, ai mà không tự
hào? Tôi ủng hộ giấc mơ Singapore thu nhỏ đó bằng cả hai tay, cộng với hai chân
cho thêm phần thuyết phục. Tôi chỉ chống cái cách làm giấc mơ đó biến thành sự
thật.
Tôi
sẽ không có ý kiến nếu như tòa nhà Hát Kịch hơn một trăm tuổi một hôm tự dưng thấy
cái bậc thềm của mình lấn chiếm lòng đường, nó liền bị đập tan nát. Vậy người
đi xem kịch làm sao leo lên được các bậc thềm còn lại để tiến vào cánh cửa
chính? Và hôm đó nếu tôi mặc áo đầm xòe còn đỡ, nếu tôi diện áo đầm chuông bó
sát nơi đầu gối, làm sao nhấc chân quá nửa thước để mà đi xem kịch, cộng thêm
đôi giày cao gót sẽ làm tôi đi đứng bình thường còn lảo đảo, huống chi phải leo
lên bậc thềm hơn quá đầu gối mình? Tôi đọc tin tức thì chưa thấy ai nói tôi phải
mặc cái gì cho phù hợp để đi xem kịch cả. Hình như có một cái cầu gỗ được bắc tạm
thì phải. Thế thì so với cái cầu gỗ khập khiễng, các bậc tam cấp hơn trăm tuổi ấy
không đẹp hơn ư? Chưa kể cả thế giới chuộng đồ cổ, đi đâu cũng nghe nói bảo tồn
văn hóa lịch sử, nâng như trứng hứng như hoa mấy cái tượng mốc, mấy cái nóc nhà
nghiêng ngả. Thế mà dân ta có cái bậc thềm cổ kính thế kia lại phá cho tan
hoang trả lại lề đường cho dân đi bộ, mà theo thống kê thì dân Saigon hình như ngồi
xe máy nhiều hơn là đi bộ!
Đến
đây có vẻ tôi đang cãi nhau với cái đầu gối của mình.
Tôi
nghe nói Saigon dạo sau này cống rãnh không kham nổi chừng đó cư dân thường trú
cũng như tạm trú, cho nên đến mùa mưa là đường xá thành sông ngòi. Thay vì xây
cống, nới mương, nhà nước quyết định nâng cao mặt đường. Dân hai bên đường có
hai lựa chọn: hoặc xây bê tông trước mặt nhà mình để cho nước khỏi tràn vào, hoặc
nâng thềm nhà. Nhà cao 4 mét một hôm thấy trần nhà sà sát xuống đầu, đi đứng
lom khom như thuở vượn chưa thẳng lưng thành người. Nhà một hôm đi làm về phải
nhảy xuống giao thông hào vào cửa như vào lô cốt, tối tăm lù mù, có cằn nhằn
thì bà mẹ nhấm nhẳn “Thế nước lụt có muốn leo lên ghế ngồi không?” Nếu bạn
không tin, xin mời đến khu Khánh Hội!
Đuờng
phố tấp nập, mật độ dân số tăng chóng mặt. Cư dân khắp nơi đổ về theo kiểu đất
lành chim đậu. Chim bay đến hơi nhiều nên nạn giao thông ùn tắc. Đường xá liền được
nới rộng ra, kẻ thêm làn đường. Đất đâu mà nới thế nên lấn vỉa hè. Vì thế mà thềm
nhà Hát Kịch tự dưng nằm chình ình giữa hè đường. Còn bậc thềm nhà của người
dân, nếu có quy hoạch rõ ràng, có tầm nhìn xa hơn cái túi tiền của mình, thì bản
đồ xây nhà rõ ràng bắt đầu từ đó, dài đến đó, ngang đến đó, đừng đút lót bôi
trơn gì cả, thì chẳng có đến nửa bậc lấn ra. Đến đây tôi đâm ra nghi ngờ trình
độ của các bố quản lý đô thị hay quy hoạch đô thị gì gì đó. Đập bỏ những bậc
tam cấp ấy chỉ tổ làm cho chủ nhà phiền hà. Muốn diệt tận gốc những bậc thềm vô
trật tự ấy đi thì nên bắt đầu bằng những kẻ ra tay ký những văn bản sơ đồ cho
xây cất nhà cửa. Nếu các bố làm như thế, tôi ủng hộ liền và dứt khoát là không
thắc mắc oong đơ gì cả! Bây giờ người ta xây lên thành nhà năm sáu tầng, không
thoát được bậc thứ nhất làm sao leo thang lên nốt những tầng nhà còn lại? Đập bỏ
ư? Nhà có đập theo được không? Có xây lại được không? Có bưng cả cái nhà thụt
vô khoảng dăm mét để nhường lại hè phố và xây lại cái bậc thềm cho đàng hoàng tử
tế được không? Dân mình vốn đa mưu túc trí. Cứ nhìn cảnh bà cụ lập cập leo lên
thùng gỗ để vào nhà thì biết! Chỉ đau tim lo bà lão xảy chân té gãy tay bể đầu
thì tội lắm!
Các
bố được thể tiến xa hơn. Các bố song song giải quyết vụ hàng rong một thể. Cấm
hết, dọn sạch hết! Các bố hạ quyết tâm như thế và vung tay thực hiện rất quyết
liệt. Khi hỏi rồi thì những người buôn thúng bán bưng lấy gì sống, các bố hồn
nhiên nói khuyến khích họ buôn bán trên mạng. Bà Năm, dì Ba, bác Bảy hãy bỏ
quang gánh đi mua lấy cái laptop, rồi lập ra cái website mang tên mỹ miều Cháo
Huyết Mạng Bà Bảy rồi ngồi rung đùi chờ order. Riêng cái khoản làm sao cái tô
cháo huyết ấy đến tay người dùng là chuyện khác. Thời buổi bây giờ cái gì cũng ảo
ảo trên mạng mà lại. Tôi có đọc được một phản hồi của một người đang sống ở
Saigon “Đuổi hết bọn dân quê ấy ra khỏi thành phố đi! Để họ buôn bán làm dơ dáy
vỉa hè!” Nếu bạn này ở Mỹ sẽ bị khép ngay tội kỳ thị, láng cháng lên Facebook sẽ
bị thiên hạ “Booo” cho nhức óc. Riêng cái bọn dân quê ấy tôi đồ rằng cực chẳng
đã mới bỏ quê lên tỉnh. Họ hẳn chẳng sung sướng gì khi sống cầu bơ cầu bất với
một manh chiếu nơi góc đường. Họ hẳn cực chẳng đã mới phải buôn thúng bán bưng,
chẳng ai làm giàu được từ những mẹt rau rổ ổi, chẳng ai xây nhà lầu được với
thùng mì, thúng mía. Bán hàng rong song song với chuyện sống ngày nào hay ngày
đó. Và trời ạ, quê với lại chẳng tỉnh, cũng là một mạng người, một cuộc đời, máu
cũng đỏ, da cũng vàng và cũng nói tiếng Việt cả đấy!
Cư
dân ở trong xóm, trong hẻm không bị chuyện lề đường ảnh hưởng đến mình nên mạnh
miệng nói, đập đi là đúng rồi, dọn dẹp lề đường là đúng rồi. Cư dân ngoài mặt
tiền méo mặt vì một hôm đi làm về không làm sao dắt được con xe Honda vào nhà,
mà để trước cửa thì chỉ dăm phút xe bốc hơi! Đã ở đó thì bạn hẳn phải biết câu
châm ngôn “Của đi sát theo người”. Thêm cái chuyện đuổi đám bán hàng rong, dân
có vỉa hè bỗng dưng thấy ngân quỹ nhà mình thiếu hụt vài ngàn mỗi ngày của cụ
bà bán nước. Thế là phe ta cãi nhau ra trò. Ai cũng có cái lý của mình hết.
Nhìn
cảnh xe máy đậu ngổn ngang trên lề đường đúng là không đẹp mắt, điều ấy tôi
không thắc mắc. Nhưng các bố có vẻ mua bò trước khi làm chuồng. Nếu muốn dẹp
hàng hàng lũ lũ xe hai bánh đậu trên vỉa hè, xe bốn bánh dưới lòng đường, các bố
nên xây parking trước đã. Khi ấy xe nào léng phéng ngoài parking, các bố cứ việc
cho cẩu xe và phạt chủ nhân méo mặt. Đàng này không có chỗ đậu xe, phương tiện
giao thông công cộng hạn chế, thôi thì cư dân Singapore thu nhỏ ngồi nhà order
bánh cuốn trên mạng vậy đi nhé, đừng ai ra khỏi nhà vừa hạn chế nạn kẹt xe, vừa
có được cái lề đường đẹp nhức nhối.
Tôi
xa Việt Nam đã lâu lắm rồi, tôi không biết bây giờ họ nghĩ cái gì, nếp sống ra
sao. Tôi và Việt Nam không còn ăn nhập gì với nhau nữa, ngoại trừ tôi vẫn nói
tiếng Việt, viết tiếng Việt, cái thứ ngôn ngữ tôi sử dụng ở trình độ cách đây
30 chục năm ấy. Vì thế tôi không biết dùng từ “khủng”, loạng choạng với từ “con
xế”, “đập hộp”, không biết đặt chữ “bị” ở đâu cho đúng, “bị hay”, “bị đẹp” tôi
nghe mà phân vân, còn từ “đi xỏa”, ăn chơi xả láng thì mới học được từ con
cháu. Tôi chỉ biết rằng dù ở Việt Nam hay ở bất cứ nơi đâu, đơn giản không thể
đập phá trong một tháng là có thể biến Saigon thành Singapore thu nhỏ! Đơn giản
không thể đuổi hết bọn chân quê ấy thì thành phố tự dưng đẹp đẽ văn minh hơn. Đơn
giản không thể dạy cho Má Tám bán hàng qua website trong vòng vài tuần để rồi
má nhàn nhã treo đôi quang gánh góc nhà làm kỷ niệm đẹp được.
Giấc
mơ vươn vai thành người lớn của Thánh Gióng chỉ có trong truyện cổ tích thôi, các
bố ạ! Các bố nên nghĩ ra việc gì thiết thực hơn cái việc mang xe với mang búa
đi tấn công các bậc thềm. Tôi góp ý thế này, bậc thềm nhà nào lấn chiếm vỉa hè
thay vì đập bỏ, bắt nhà đó hàng tháng đóng thuế. Có văn bản luật lệ đàng hoàng.Tiền
thuế được chi dùng một cách phân minh nhất, không có bảo kê hay nhóm lợi ích
nào léng phéng vào đó. Chủ nhà nào không đóng thuế thì cứ thế mà phạt nặng lên.
Hèm, chuyện tuân theo luật thì nghe nói bên đó chỉ có “luật rừng”. Thế thì các
bố hãy chú trọng làm sao cho dân chúng và những người ngồi lên đầu dân chúng nhất
nhất phải tuân theo luật pháp trước đã. Mà ra luật thì cũng phải hợp lý, phải
có phiếu bầu của người dân, đừng ra luật chơi ép người thấp cơ bé miệng. Vậy
thì đầu tiên hết các bố phải chỉnh đốn lại khoản chính quyền với luật pháp. Các
bố phải có một chính quyền sạch, không tham nhũng. Tiếp theo các bố phải thu xếp
cho cái đám dân quê quen với đòn gánh hơn cái laptop có công ăn việc làm. Rồi các
bố phải học cách quản lý đô thị, không chỉ có mỗi việc đi thu phí đường mà còn
chuyện xây cống rãnh như thế nào, xây bãi đậu xe ra sao. Các bố phải...
Hình
như tôi lại nói chuyện với cái đầu gối mình rồi thì phải.
Chúc
may mắn, giấc mơ Singapore và các bậc thềm ở Saigon.
Lan
Hương
Fort
Worth 03/27/2017
No comments:
Post a Comment