Pages

Monday, November 17, 2014

Gió Alaska



Ớt ngọt nhà mình
Mới mấy ngày trước còn than van “mùa thu dài lắm ở chung quanh” thì hôm qua gió đông đã nổi lên ầm ầm. Mình đi làm về thì việc đầu tiên là hộc tốc mang các chậu cây ôn đới, nhiệt đới vào nhà tránh rét. Kỳ này đợt gió lạnh từ Alaska thổi xuống nước Mỹ sớm hơn mọi năm. Mới đầu tháng mười một mà nhiệt độ ở đây đã mon men ngưỡng cửa đông đá! Mà có lâu la gì cho cam. Hôm chủ nhật còn t-shirt quần short phơi phới xe đạp, thì thứ ba đi làm đã áo len áo choàng, găng tay, giày bốt, khăn phu la. Gió ở bên ngoài tha hồ mà khóc thét vì biết chui vào đâu được? Ấy cẩn thận như thế vì mùa cảm cúm đang thập thò quanh đây, chen lẫn với lá vàng bay, mà mình thì quyết tâm nếu có đau thì đau cho ra hồn, nằm nhà nghỉ ngơi cho sướng, chứ nhất định không chích ngừa flu fliếc gì sất, chích vào chỉ tổ đau thật không ra đau thật, đau giả không ra đau giả, vật vờ như con nghiện, khó chịu lắm.

Chậu quất của Má
Trở lại với mấy chậu cây của mình. Đầu tiên là khiêng chậu quất trái vàng chưa kịp hái vào nhà. Cái chậu quất này mình đã có cả hơn mười năm nay, chỉ lớn có bấy nhiêu, sắp thành bonzai tới nơi rồi. nhìn nó là nhớ tới Má năm 2010 sang Mỹ, chậu quất để trước cửa nhà dùng đánh dấu để khi Má đi dạo ngoài park mỗi buổi sáng về, Má biết nhà nào mà vào. Má bảo ở đây nhà nào cũng giống nhà nào, tao không nhìn ra được nhà mày, thế là mình bưng chậu quất ra, bảo đảm với Má cả xóm này chỉ có nó độc nhất vô nhị, làm sao Má lầm lẫn được. Một hôm Má đi lạc. Quất không biết đường nào tìm Má vì Má phải đi ngang qua nó mới biết nhà nào là của mình, mà Má thì lại mê mải lạc vào cái mê hồn trận sau nhà cả tiếng đồng hồ. Báo hại cả nhà cộng với hai ông cảnh sát đổ ra bốn hướng đi tìm.


Hoa sứ nhà nàng
Sau quất là hai chậu bông sứ mùa hè nở hồng một góc vườn. Thật ra mình có 3 chậu, một hôm ông phát hàng của UPS bấm chuông xin cắt một cành về trồng. Mình nhìn cái cành cây khẳng khiu, chẳng biết bao giờ ông ấy mới có hoa mà xem, thế nên mình bảo nếu ông muốn, cầm luôn cái chậu này về trồng đi, khi nào ông chán, đem cả chậu lẫn cây trả lại cho tôi chứ đừng vứt thùng rác. Thế mà ông ấy ôm chậu cây đi thật. Lâu lâu phát hàng gặp mình, hân hoan báo tin cây sứ của bà nở hoa đẹp lắm, vợ tôi thích lắm. Thôi thì làm cho người khác vui mình cũng thích vậy. Sứ thì làm sao kham nổi với những cơn gió lạnh buốt da, vào nhà là phải rồi. Mình nhớ ngay cả Dalat sứ cũng không chịu nổi thì phải. Suốt mùa hè, các loại hoa khác im lìm chịu cơn gió nóng, sứ phởn phơ coi nhiệt độ 100oF như pha.

E hèm, hoa rụng hết rồi
Sau 3 cái chậu lưng mình bắt đầu thấy rêm rêm, nhưng danh sách chậu cần đem vào còn dài mà gió đã nổi lên rồi. Thế là vớ tiếp em bông giấy. Trồng em để tưởng nhớ giàn hoa giấy màu đỏ, nhưng hoa của mình màu tím nhạt, chứ mình lục khắp Fort Worth, chẳng thấy đâu có màu đỏ như giàn hoa năm nào. Hoa giấy rõ ràng mình thấy nó mọc ở Saigon, ở Honduras, ở Cozumel, nghĩa là xứ nóng ra mặt, vậy mà về ở với mình, mùa hè mình phải đem nó giấu dưới bóng râm của hàng rào chứ không em sẽ lả ra vì nóng và lá sẽ khô quắt lại. Được cả tháng nay trời mát, em mới hồi sức, nhưng chưa kịp ra hoa lại thì gió Alaska lại về. Đúng là đời bông giấy! Mình hy vọng sang năm em sẽ khấm khá hơn. Trồng hoa ở Texas khi nào cũng phải nuôi cao hy vọng và hầu bao.
Huỳnh anh màu hồng


Hết chậu bông giấy đến hai thằng hoa leo huỳnh anh. Gọi thế thôi cứ cây của mình một thằng màu đỏ đậm một thằng màu hồng, chẳng thấy màu vàng đâu ra cả. Lúc mua về trồng, mình chấp nhận rủi ro nó sẽ chết với nhiệt độ mấp mé 0oC, cho nên thôi ẵm nó vào nhà cho chắc. Hai cái chậu này nhẹ, không thành vấn đề. Riêng cây hoa huỳnh anh thật sự với hoa vàng, ở Texas này mình chưa thấy. May ra dưới Houston có chăng? Cũng là để tưởng nhớ giàn huỳnh anh leo cửa sổ phòng Ba Má với giàn lá xanh mướt và những bông hoa vàng quanh năm cuốn hút không biết bao nhiêu là ong với bướm. Mình nhớ nhất khoảng giữa trưa, đứng bán hàng qua cái cổng nhỏ bên hông nhà, dưới dàn huỳnh anh, các em học trò ra sức gào kem chuối, kem dâu, với lại ngòi bút, với lại bút chì. Ba khinh khỉnh nhìn cái quán tạp hóa của hai mẹ con mỗi khi Ba đi ngang qua để ra tiệm Nhật Tân thật. Nhật Tân bên hông nhà nuôi mình học đàn piano với ma soeurs ở đường Hai Bà Trưng được gần nửa năm trời, làm sao mình quên cho được?
Phong lữ thảo trốn đông



Trên đường ra sân trước mình thấy chậu phong lữ thảo. Thôi thì đang nở hoa thế kia mà để nó chết lạnh trong một đêm cũng tội nghiệp. Lại  ì ạch mang vào nhà. Phong lữ thảo nhà mình chỉ trồng trong một chậu thôi, chứ không có màn rực rỡ cả ban công như ở bên Bỉ. Mình vốn ái mộ loại hoa này nên mùa xuân nào cũng khệ nệ mang về trồng, rồi mặc dù mùa đông mình cũng tử tế đem nó vào nhà nhưng nó sẽ lả đi mà chết vì thiếu ánh sáng. Nhà mình chứ có phải vườn kính đâu mà có được ánh sáng khắp mọi nơi? Đấy là mình đã kéo rèm cho nắng vào nhà tối đa rồi đó, ở nhà em dâu mình quanh năm buông rèm the tối lù mù chắc hoa chết còn nhanh hơn. Màu đỏ tươi thắm của phong lữ thảo thấp thoáng trong những vườn hoa trên khu Lê Lai là kỷ niệm một thời thơ ấu của mình. Ngày ấy chỉ mong bẻ trộm được một cành đem về trồng….
Đồng tiền trong nhà


Mà phong lữ thảo vào nhà rồi thì đồng tiền cũng theo chân cho chắc. Trên lý thuyết, mà đúng như vậy, đồng tiền chịu đựng được sương giá và nhiệt độ dưới 0oC. Nhưng cái chậu đồng tiền của mình đang có năm cái hoa vàng nở rực rỡ thế kia, nỡ lòng nào ngày mai đi làm về nhìn hoa hóa cà rem chết đứng? Đem đồng tiền vào để dưới hồ cá, êm ái chán. Chờ gió Alaska qua cơn, mình sẽ đem nó ra sân lại. Mình không nghĩ đến chuyện cắt hoa đem cắm, để chậu ngoài trời. Cũng là một giái pháp nhưng thôi khiêng quách vào rồi cắt hoa sau. Khổ thật, mùa thu đến, cộng với 2 ngày mưa dài lê thê, hoa hòe hoa sói đang đua nhau nở rộ, thì ông Alaska về. Chủ thì mang mền mùa đông ra không kịp, hoa cũng chẳng kịp nở cho xong đã vội chạy trốn gió lạnh. 
 

Để tưởng nhớ hàng cây hoa trắng!



Đến chậu bông loa kèn trắng thì phải xài đến cái đồ đẩy hàng. Chậu to đùng mình ôm nó cứ như cóc ôm bình hoa, chẳng vần nó nhúc nhích được lấy một ly. Đấy cũng là cái tội để tưởng nhớ hàng bông trắng  trước nhà số 7 mới ra nông nỗi. Mình cất công mua cây trên internet (ở Fort Worth có ai can đảm trồng cái giống này đâu nào?). trồng được hơn một năm mang ra mang vào mùa đông với mùa xuân, thì cách đây một tháng nó có nở cho được 3 cái hoa bông trắng hẳn hoi, cũng có mùi hoa năm xưa hẳn hoi. Tiếc là đến lúc đó thì mình hết hơi, không chụp hình nổi nữa. Bây giờ è cổ khiêng nó vào nhà, lại nuôi hy vọng sang năm nó sẽ cho mình  4 cái hoa chăng? Giàn cây hoa trắng ở Dalat mà nhìn cái chậu cây này của mình sẽ cười vỡ mũi ra mất. Thôi kệ, có còn hơn không, người ta nói để tưởng nhớ thì chỉ cần một bông hoa cũng đủ, mà mình có những tới 3 cái kia mà.


Bình hoa quế
Save the best for last, đó là vườn rau của mình. Năm nay mình trúng rau thơm. Suốt từ hồi tháng 3 đến giờ mình chẳng tốn đồng nào mua rau thơm ăn với các loại thit nướng, bún chả giò, bánh cuốn, cá nướng, vân vân. Cái vườn rau vuông vức mỗi bề thước rưỡi cung cấp cho mình đầy đủ, thậm chí hàng tuần phải cắt đem cho chứ nhìn rau già đi lại thấy tiếc. Trong cái vườn bé tí tẹo đó mình có một cây quế, sau này hoa chín rụng hột xuống thì mình có khoảng một chục cây, một cây tía tô, mà bây giờ trở thành 4, 5 cây to đùng bị sâu gặm nham nhở nhưng vẫn đủ lá cho mình xơi, một bụi rau húng, một góc rau răm, hai cây ớt ngọt… Thế đã đủ rau thơm cho một bữa bánh xèo chưa nào? Để cứu vườn rau khỏi ngọn gió Alaska thì chỉ có nước…cắt vào nhà ăn dần. Sáng nay mình đã đem một cái mền ra đắp cho nó thì không lòi đầu này cũng lòi đầu kia, chẳng đâu vào với đâu. Mình đang có một bình rau quế trong bếp. Trước là làm đẹp phòng ăn, sau là để ăn dần vậy. Mỗi lần đi ngang qua nó, mình lại ngửi thấy mùi phở, đi về lại, ngửi thấy mùi bánh cuốn, đi lên lầu, thấy mùi bò kho phảng phất, đi xuống nhà thấy đâu đây mùi canh chua! Riêng cây rau húng thì mình chào thua. Nó đã rụng hết lá từ lâu. Muốn ăn một cái lá của nó thì phải tìm cho kỹ vào trong cái 1m rưỡi vuông vườn đó. Nhìn nó mình nhớ đến những chậu cây rau húng của Má trên ban công. Ngày Má mất, mình vừa khóc vừa tưới cho chúng, nhìn những chiếc lá xanh mơn mởn, lòng mình đau quặn. Chậu nước đầy với cái gáo màu đỏ gác một bên, đám rau húng tươi tốt bên cạnh, mà Má thì đã đi biền biệt.

Sau khi nhét được chừng đó thứ vào nhà thì mình có thể yên tâm đón ngọn gió đông Alaska. Chỉ hy vọng nó đừng kéo dài quá vì ngoài vườn mình có khoảng 5 bụi hoa ngũ sắc đang nở rực rỡ, và nguyên vườn hoa trước nhà đang tưng bừng với các loại hoa marguerite, hoa cẩm chướng, hoa cúc đủ màu. Mà những thứ này khiêng vào nhà luôn thì có nước mình dọn ra vườn ở chứ chỗ đâu mà chứa hết?
Hoa hồng dưới tuyết


Chồng mình bảo trời hành, mình tự bảo kỷ niệm với lại hoài tưởng nó hành cho. Đừng sống ở Dalat, đừng yêu thương giàn hoa giấy, hàng cây trắng trước mái nhà xưa, đừng vì một màu hoa thời thơ ấu, thì đã khỏi phải trồng khỏi phải khiêng ra khiêng vô theo mùa, khỏi phải mùa đông thấp tha thấp thỏm không biết đêm nay sẽ lạnh xuống bao nhiêu, mùa hè không biết ngày mai trời có mưa hay không. Trồng cây trồng hoa, không phải ai cũng làm được, mình nghĩ mình có niềm vui thú này chắc thừa hưởng của cả Ba với Má, những nhà trồng tỉa không biết mỏi mệt. Từ vườn su su, cho đến khu vườn trải dài dưới Hal, và cuối cùng là những chậu cây rau húng trên ban công. Trồng cây trồng hoa, cũng là để nhớ đến Ba đến Má vậy.  
P.S. Tối hôm qua tuyết đầu mùa rơi. Không nhiều nhưng đủ để cho các em học trò cầu nguyện cho sáng nay đuờng phố đóng băng trường học đóng cửa! Đừng có ma` mơ! Mình đi làm xe chạy phom phom, tuyết chỉ bám gọi là cho có mà thôi!

 


Thursday, November 13, 2014

Hoa Anh Đào

  


Những lúc hồi tưởng về Dalat , thành phố của một thời ấu thơ hoa mộng , của những cánh rừng thông xanh ngắt vơí đôì nuí chập chùng , của sương mù ban mai , của nắng ráng buôỉ chiều , hình ảnh khiến cho tôi bồi hồi xúc  động nhất là mùa hoa anh đào nở vào dịp cuối năm , từ khoảng trứơc  Giáng Sinh đến qua Tết DươngLịch .

Tôi không biết cây anh đào đã có mặt ở Dalat từ bao giờ , là môt giống cây rừng tự nhiên của vùng sinh thái đặc biệt này  hay đã do một ngừơi nào đó mang giống đến trồng như  phần lớn các loại hoa và rau quả ở đây .Cây ở rải rác khắp trong thành phố , khi thì ở bên vệ đừơng , khi trên các sừơn đồi thoai thoải , khi bên hàng rào hay trong sân nhà , không có một thứ tự nào nhất định , như thể những hạt mầm đã được môt cơn gió đem tới rải ngẫu nhiên lên thành phố vốn đã xanh ngắt màu thông. Có đôi khi cây anh đào cũng còn  được bàn tay người chăm bón đem trồng dọc hai bên một số những con phố chính của thành phố , đẹp nhất là ở con đường dốc từ bờ hồ Xuân Hương dẫn lên khu Hòa Bình



Hoa anh đào của Dalat không giống bất cứ môt loại anh đào nào mà tôi đã từng biết . Ở Việt Nam , Dalat là nơi duy nhất có anh đào. Nó thuôc loài cây Prunus trong họ Rosaceae , prunus cerasoides cho ra hoa năm cánh màu hồng phơn phớt , nhẹ nhàng và mong manh , nở kín cả cây , chứ không như hoa đào của miền Bắc chỉ nở lác đác , hoa thì dầy và to hơn , hoặc hoa anh đào Nhật Bản là những chùm hoa kép nhiều cánh , rất to và rất khoẻ . Cây có trái nhưng không ăn được vì rất đắng;  trẻ con thường hái những trái chín về dầm làm nứơc màu để vẽ ,tô màu hay pha ra giả làm nước ngọt chơi bán hàng , hoặc để ...sơn móng tay !

Mỗi độ mùa hoa nở , vào những ngày cuối năm , thành phố như tươi hẳn lên với những đốm màu hồng rải rác khắp nơi . Những con phố chính thật tuyệt đẹp với những tán hoa hồng nổi bật trên nền xanh lơ của bầu trời ,tất  cả hòa trộn trong ánh nắng se lạnh của trời  đông . Nhưng chỉ cần  nhìn một cây anh đào nở hoa thôi tôi cũng đã thấy trong lòng rộn rã một nỗi vui khó tả , cái vui hưng phấn báo hiệu mùa Xuân sắp đến  mang theo những hy vọng và ước mơ tràn trề .

Du khách đến Dalat không thể quên được hình ảnh của hoa anh đào nở . Bởi vậy mà đã có những bài hát ca tụng hoa trong đó tôi chỉ còn nhớ được mt vài câu :

   " Ai Lên Xứ Hoa Đào "  đừng quên mang về một cành hoa ,
    cho tôi bớt mơ mộng chiều chiều nhìn mây trôi xa xa ...

và " Bài Thơ Hoa Đào " :  Ngày nào dừng chân phiêu lãng ,
                                         khách đến đây thấy hoa nở trên má ai .....


Nhưng với người dân địa phương đã ngụ cư lâu đời ở Dalat thì hoa anh đào chính là hoa mai . Những người di dân đầu tiên đến thành phố vào cái thuở sơ khai đã góp phần khai phá một nơi hoang vu trở thành một thành phố xinh đẹp ; họ đã đến từ nhiều miền của đất nước , mang theo trong lòng nỗi nhớ thương quê hương cũ nên đã gọi anh đào là hoa mai để tưởng nhớ đến đóa hoa năm cánh màu vàng tươi , nhụy đỏ báo hiệu xuân về ở quê nhà .Hoa anh đào chính là hoa mai của lòng họ vậy .

 Ba tôi đã chọn loài hoa này để đặt tên khi tôi ra chào đời vào một  ngày cuối năm . Lúc ấy hoa mai -anh đào - đang nở rộ khắp nơi  thành phố .sau này khi tôi đã có một chút trí khôn tôi thường hỏi ba sao không chọn cho tôi một cái tên khác đẹp hơn hay cùng lắm cũng cho tôi thêm một chữ đệm như Ngọc Mai , Thanh Mai v.v... ông đã cáu kỉnh gắt lên : hoa mai thì gọi là mai chứ còn muốn gọi là cái gì nữa ?!! Thấy thế các bác tôi và các ông anh họ trong gia đình bèn cho tôi một cái tên lót , gọi tôi là Tố  Mai nhưng lại kèm theo một bài vè :

                            Tố Mai ăn khoai cả vỏ , ăn chó cả lông , ăn hồng cả hột  ...

Các anh thường hát để trêu ghẹo tôi như thế làm tôi tức phát khóc lên được ! Ăn tham thì cũng có , nhưng cái viễn ảnh ăn chó cả lông thì quá ghê ! Cuối cùng tôi phải năn nỉ xin bỏ chữ Tố để được yên thân .
Từ thuở bé tôi đã rất say mê hoa  anh đào. Nhà tôi thì chẳng có cây nào ; cứ mỗi lần mùa hoa nở nhìn sang nhà hàng xóm có một cây to , khỏe , gốc cằn cỗi cho ra những chùm hoa hồng tươi rực rỡ trên nền trời xanh tôi chỉ ước ao mình cũng có một cây như thế . Tôi bèn tìm cách trồng lấy một cây . Đầu tiên là đem hột về vùi xuống đất , hằng ngày chạy ra xem đã có được một cái mầm nào chui lên không . Tuyệt nhiên không , chẳng có cái mầm nào cả, ngày qua ngày khiến tôi thất vọng vô cùng .Sau tôi nghĩ là phải đánh cây con về trồng , bèn vác cuốc xẻng đến mấy gốc mấy cây anh đào mọc dại ở bìa rừng cố tìm trong đám cỏ xung quanh một vài cây con cao chừng 10 cm. Tôi đào lên, cẩn thận lấy theo một ít đất mang về trồng ở sân đằng trước nhà. Nhưng cây rất khó sống , có lẽ vì là cây dại không thể trồng như loài hoa làm cảnh nên cây cứ héo dần và chết đi . Không nản chí tôi lại trồng một cây khác. Có khi cũng có được một cây sống sót , lá to ra và mọc thêm những chồi mới; tôi sung sướng vô cùng đã vi nghĩ đến lúc cây sẽ to vượt mái nhà và nở hoa hồng cả một góc sân . Song đến lúc cây được chừng 20- 30 cm thì không tránh khỏi con mắt nghiêm khắc của ba tôi : cái gì thế này , đây là vườn hoa chứ có phải là vườn cây đâu , mai mốt cây lớn lên sẽ che mất nắng và làm chết hoa ! Thế là ba tôi thẳng tay nhổ đi những cây anh đào bé bỏng như nhổ một loài cỏ dại . Tôi ấm ức lắm tự nhủ thầm sau này lớn lên tôi sẽ trồng cả một vườn anh đào với cả chục cây ở sau nhà , để khi mùa hoa đến tôi sẽ có nguyên cả một rừng hoa tha hồ dạo chơi trong đó và ngắm cho đã mắt ! Ước mơ đó tôi đã không bao giờ thực hiện được ...

Sau này trong một số tài liệu viết về Dalat tôi thấy hoa anh đào còn được gọi là mai anh đào , tên khoa học là Prunus cerasoides . Vậy thì dù là hoa mai , hoa anh đào, hay mai anh đào cũng vẫn là loài hoa dã nở hồng các phố phường của Dalat mỗi độ cuối năm , trong cái se lạnh của mùa đông sắp tàn và mùa xuân gần đến, dưới bầu trời xanh trong của nắng Cao Nguyên . Hàng chục năm sau khi tưởng nhớ lại thành phố mến yêu đã ôm ấp trọn tuổi thơ, những cây anh đào ấy vẫn là một hình ảnh  sâu đậm nhất làm cho tôi xao xuyến .

Giờ đây ở một nơi đã cách xa quê huơng  cả chục ngàn cây số , tôi cũng đã được thấy hoa anh đào nở  .Anh đào ở đây thường là loại anh đào Nhật Bản , đã được lai tạo và chọn giống rất kỹ  , nở hoa vào mùa xuân,  tháng 4 , cho ra những chùm hoa kép rất to , kín cả cây với những cành xòe rộng làm thành những vòm màu hồng  rực rỡ dọc theo những con đường yên tĩnh hoặc trong các công viên được chăm sóc kỹ càng . Có nơi hoa lại màu trắng như những bông tuyết mùa đông . Cũng có loại anh đào cánh đơn , hoa nhỏ  hơn và  màu hồng nhạt hơn hoa của Dalat  nhưng đặc biệt lá lại có màu đỏ đậm . Hoa cũng nở vào đầu tháng tư báo hiệu mùa xuân đến .Vào những lúc ấy tôi thường hay đi dạo qua những khu phố ngập hoa anh đào nở , nhìn những cánh hoa rơi trên lối đi mà lòng bồi hồi nhớ về những cây anh đào ngày trước ở quê hương cũ , không biết nay có còn hay không ?

Và nếu  có những  người dân bản xứ  tò mò hỏi tên tôi nghĩa là gì , tôi không khỏi nhớ đến những cây anh đào đã điểm tô cho một thời đã mất  : đó là hoa anh dào


PTM 

Khi con hai mươi tuổi


Hai mươi năm trước, mới đầu tháng Mười Một, Indiana đã vào mùa đông, trời lạnh ngắt màu chì và cây cối đã trụi lá từ lâu. Mẹ lên đường vào bệnh viện chào đón con khi cơn đau đẻ bắt đầu đến hồi khốc liệt. Suốt 9 tháng, mẹ chỉ mong có ngày này. Khi con cất tiếng khóc đầu đời, câu đầu tiên mẹ hỏi là con có mấy ngón tay. Không hiểu tại sao những bàn tay sáu ngón ám ảnh mẹ suốt những tháng những ngày mẹ mang con trong lòng.

Con ra đời như là một đứa trẻ bình thường, mặc dù da vàng ệch, và bệnh viện quyết định giữ con lại một tuần, không biết vì bệnh vàng da hay họ không quen nhìn màu da vàng của chúng ta. Mẹ xuất viện về nhà trước, không có con cùng về thấy cả một sự hụt hẫng. Ngày đầu tiên, mẹ nằm khóc bên cạnh cái nôi trống của con, dẫu biết rằng họ giữ con lại chỉ để theo dõi. Suốt tuần đó, một ngày 3 buổi mẹ vào bệnh viện nuôi con với chính bầu sữa của mình, theo đúng sách vở. Sanh con đầu lòng không có lấy một người thân bên cạnh, không theo sách vở thì biết nghe ai?
 
Hai mươi năm sau, chúng ta đã sống ở Texas 14 năm trời. Bầu trời ảm đạm tháng mười một của Indiana chỉ còn là kỷ niệm. Ngày sinh nhật con năm nay là một ngày trời đẹp tuyệt vời. Nắng trong vắt, trời xanh ngắt, mùa thu đến muộn nên những hàng cây chưa ngả sang màu vàng. Sinh nhật con, Ba gọi điện thoại chúc mừng, mẹ gởi cho con một cái text message. Vinh lên facebook gởi một lời nhắn. Và Mẹ hỏi con, làm gì cho ngày sinh nhật của mình. Cái ngày sinh nhật của con mà mẹ thường è cổ nấu tiệc, làm bánh, mời bạn bè con và họ hàng gần xa đến đã qua lâu lắm rồi. Lần chót mẹ làm sinh nhật cho con khi con mười tám tuổi. Cả con cả mẹ cùng đồng ý đó là lần cuối cùng.  Bởi vì, con trai, con đã lớn.
 Bây giờ con lái xe đi học, con ở riêng, cách xa Ba Mẹ 500 miles, cơm nước một cõi, quần áo tự lo tự giặt, đau ốm tự mua thuốc lấy hay nhờ vả bè bạn. Mẹ không còn quanh quẩn bên con, lo chằm chằm từ bữa cơm cho đến giấc ngủ, quát tháo khi nhìn thấy căn phòng bừa  bộn, hay rủ rê con đi đạp xe đạp với mẹ mỗi khi trời đẹp. Con đã là một người đàn ông trẻ với tuổi hai mươi của mình. Con đã là một người lớn với suy nghĩ độc lập của mình. Theo bao vết chân của những thế hệ đi trước, mẹ bắt đầu tránh sang một bên con đường con đang đi. Và rồi rhìn con đi với đầy đủ lo âu, hồi hộp muôn thuở của những bậc làm cha làm mẹ.

 
Mẹ nghĩ đến tuổi hai mươi của mình, đêm sinh nhật hai mươi của mình, nhìn ra ngoài cửa sổ thấy vầng trăng tròn vằng vặc, nghĩ mãi không ra tương lai mình sẽ như thế nào. Con có khi nào dừng lại một chút trong một ngày bận rộn của con để mà tự hỏi rồi mình sẽ ra sao trong mười năm nữa, trong hai mươi năm nữa? Mẹ không thể so sánh tuổi hai mươi của mình với tuổi hai mươi của con bởi chúng ta đã lớn lên ở hai môi trường hoàn toàn khác nhau, mẹ có những ưu tư năm hai mươi tuổi của mẹ, con có suy nghĩ của riêng con. Nhưng cho dù chúng ta có sinh ra và lớn lên ở đâu chăng nữa, chúng ta có khác nhau đến thế nào chăng nữa, vẫn có một điều rất giống nhau:  tuổi hai mươi của chúng ta rất đỗi dấu yêu. Hai mươi tuổi là cột mốc trong đời của chúng ta, đánh dấu sự trưởng thành của chúng ta. Mang tuổi hai mươi trên vai, cái khôn ngoan cần thiết nhất là ý thức về sự quý giá của hạnh phúc, của sự may mắn, để con thận trọng đừng vụng dại , đừng làm đổ vỡ những gì quý báu con đang có trong tầm tay. Thường thường khi mất đi một hạnh phúc người ta mới biết là hạnh phúc đó quý giá đến chừng nào.
Mẹ không mong gì nhiều, mong con hãy biết giữ gìn tuổi hai mươi của mình. Hãy yêu quý nó, con ạ. Tuổi trẻ sôi nổi, nhiệt huyết, nhưng cũng bồng bột và vô tư. Con bảo sao con hai mươi tuổi mà vẫn không biết gì hết. Có những điều nhà trường không dạy, sách vở không chỉ, mà con phải tự hiểu lấy, tự học lấy. Con cũng đã học được kha khá từ hồi đi đại học đến giờ. Nhưng còn rất nhiều thứ phải học. Và chắc đến cuối đời cũng vẫn còn phải học. Một ngày dừng lại không học hỏi chung quanh, là một ngày chúng ta thấy mình chậm lại. Hãy cầm lấy từng phút từng giây, đừng đánh rơi tuổi hai mươi của mình, con nhé. 
Chúc con sinh nhật hai mươi vui vẻ. Mọi sự đều thay đổi, chỉ duy có một điều không bao giờ thay đổi, đó là tình yêu của mẹ dành cho con từ khi con sanh ra đời, cho đến khi con hai mươi và mãi mãi về sau này.

Trích đoạn Nói với tuổi hai mươi của thiền sư Nhất Hạnh:
“…. Người đầu tiên dạy cho ta yêu thương là bà mẹ. Ta sinh ra đời nhỏ bé, mong manh, yếu đuối, không có khả năng tự vệ. Những cảm giác đói, khát, đau đớn, thiếu thốn của chúng ta được mẹ hiểu, được mẹ lo lắng, được mẹ đối phó. Ta cần mẹ, ta thiếu mẹ và ta yêu mẹ. Khi ta cần mẹ, thiếu mẹ ta chỉ cần mở miệng khóc. Mẹ xuất hiện liền bên nôi như một thiên thần. Ta cảm thấy đầy đủ sung sướng. Vậy tình yêu phát xuất từ sự cần thiết, từ sự thiếu thốn, từ sự đau khổ. Tình yêu được hình thành rồi lớn lên trong đắng cay, trong ngon ngọt, trong kỷ niệm và trong ân nghĩa. Sự ngọt ngào tự nó không thể hiện hữu. Sự ngọt ngào phải nương trên sự đắng cay, sự khao khát. Một ly nước chanh không thể ngon nếu không có sự khát nước. Khi ta lớn lên, mạnh chân khỏe tay, có đủ sức tự vệ, ta ít cần đến cha mẹ hơn, và theo lý, ta ít yêu cha mẹ như xưa. Nhưng mà cái nguồn suối ngọt ngào ấy ít khi khô cạn. Nếu ta trở về, ta vẫn cảm thấy nó còn là một kho tàng hạnh phúc của ta. Khi con khôn lớn, mẹ vẫn cần con dù con đã ít cần tới mẹ. Con có những thứ cần mới, và con không tập trung cái nhìn nơi mẹ, nơi bầu sữa mẹ nữa. Và nhiều bà mẹ cũng thấy khổ đau vì sự kiện tầm thường nhưng hiện thực đó. Nhưng trong tình yêu ngoài sự ngọt ngào, còn có kỷ niệm, còn có ân nghĩa. Và vậy cho nên tình yêu cha mẹ của một kẻ lớn khôn vẫn có thể còn đậm đà, tha thiết tuy bản chất đã không thể còn giống như bản chất của nó hồi đứa con còn thơ ấu, vụng về. Tình yêu ấy kỷ niệm và ân nghĩa ấy lắm khi đậm đà thiết tha khiến cho nhiều lúc đứa con tuy đã khôn lớn vẫn không chịu nhận mình là khôn lớn trước người đã thương yêu mình, đã là nguồn suối ngọt ngào cho mình từ khi mình còn măng sữa. Dù lớn bao nhiêu, tôi vẫn là con của mẹ.

 







Có khi những bực dọc những lo lắng những bận rộn những phiền muộn của cuộc đời làm lu mờ mọi kỷ niệm buồn vui, mọi ân nghĩa thâm sâu, và người con có thể, trong những lúc đó, nhìn người thương yêu của mình như nhìn người xa lạ. Điều ta có thể trách cứ là sự dại dột mà không phải là sự bội bạc. Bội bạc thật ra chỉ là hậu quả của một sự mờ ám, dại khờ. Chỉ cần một sự lắng lòng, chỉ cần một sự trở về là lòng ta lại tràn ngập yêu thương, và ta lại tìm thấy nguồn hạnh phúc. Em đã bận rộn quá, em đã phiền muộn quá, tôi biết điều đó nhưng bận rộn và phiền muộn để làm chi, nếu không phải là để mất hết những gì quý giá nhất trong đời em? Em than phiền rằng các bậc cha mẹ hiện giờ không hiểu thấu được lòng em và em có cảm nghĩ là không thể bắc được một cây cầu cảm thông. Có cây cầu cảm thông nào mà không cần đến chất liệu thương yêu. Em như thế, thái độ em như thế, tâm hồn em ơ thờ, lạc lõng, nguội lạnh như thế, làm thế nào mà cảm thông. Cha mẹ có thể không hiểu ta mà vẫn cứ tưởng là hiểu ta. Thì ta cũng có thể không hiểu được cha mẹ mà vẫn giản dị nghĩ rằng ta hiểu được cha mẹ. Tôi chắc các bậc cha mẹ có cố gắng và nhẫn nại về phần họ. Chúng ta nên có cố gắng về phần ta. Em nóng nảy, bực dọc và phiền muộn làm chi. Nên lắng lòng lại, đi tìm yên tĩnh mà nghĩ đến ân tình và kỷ niệm. Niềm thương yêu sẽ trở lại, rồi em sẽ cố gắng về phần em. Không nên thất vọng không nên càng lúc càng vùng vẫy một cách tuyệt vọng Các bậc cha mẹ cũng đã trải qua nhiều đau khổ, thắc mắc và lo âu của họ. Đôi khi những thứ đó là vì ta, dù là đau khổ thắc mắc và lo âu không đúng cách, không có hiệu quả. Nghĩ đến điều đó, nghĩ đến những nếp nhăn trên trán họ, nghĩ đến những ngày tháng sắp đến của cha mẹ, đến sự vắng mặt vĩnh viễn của cha mẹ sau này, nghĩ đến ân tình kỷ niệm trong suốt một thời gian thương yêu lo lắng khổ đau mà phát lòng hối hận, rũ bỏ bớt bận rộn phiền não, trở về thương yêu lấy người đã sinh dưỡng mình.  
Tôi biết trong lòng em có thương yêu, nhưng bề ngoài em lại có vẻ ngủng ngẳng, bất cần, đôi khi tàn nhẫn nữa. Tôi cũng biết rằng cái bề ngoài ấy là biểu lộ của những khắc khoải, đau xót, oán hờn và cô đơn mà thời đại đã ghi đậm nét trong tâm hồn em. Và chính những thứ đó đã không cho em tĩnh tâm nhìn thấy sự thực cũng như mặt hồ nổi sóng không phản chiếu được hình ảnh tròn trịa của mặt trăng đêm rằm. Tình yêu là thần dược mầu nhiệm có thể chữa lành những thương tích tâm hồn của em….”

Tuesday, November 11, 2014

Toussaint 2014 (Tố Mai)


C’est exceptionnel , pour un 1-11, il a fait beau toute la journée avec du soleil , et agréable avec 18-20 °C . la mer est bleue , pas trop de vent et on est même parfois en T-shirt !

on a dispersé les fleurs à la mer et cette année-ci les fleurs ne sont pas revenues sur la plage comme l’année passée . On a été jusqu’au bout de la digue ( avec pas mal de difficulté ! ) pour lancer les fleurs au loin et on voit bien que les flots les a emportées vers le large . Cette fois-ci elles sont bien parties vers nos parents qui les ont certainement accueillies avec nos pensées en ce moment de recueillement .

Après on a marché vers la plage à côté , on a passé par le resto qu’on a été boire un café l’année passée , le resto est bondé de gens , on n’est pas été là pour manger car le souvenir glacial de l’année passée ne nous as pas inspiré . On a été sur la digue et a trouvé un resto plus sympa . On a bu une bonne bière blonde de Grimbergen ; pour la première fois je trouve que la bière est vraiment bonne , surtout après une longue marche au soleil . Il n’y a pas beaucoup de monde , c’est une petite plage , c’est Midelkerke , mais c’est agréable de flâner et profiter du temps exceptionnel pour cette fête de Toussaint . Quand on est revenu , on a été allé vérifier et les fleurs ne sont revenues , il ne reste plus rien que des flots sempiternels et la nostalgie du moment .



enfin , nous sommes contents d’être là ce jour et pour une fois le temps n’est pas sinistre mais très beau , ça nous a réchauffé le coeur et vous verrez sur les photos , c’est une simple joie de se retrouver ensemble pour un moment de souvenir pour nos chers parents disparus .



Mai (11/01/2014)

Hương dịch sang tiếng Việt như vầy nhé:
Tảo mộ 2014

Ngày đầu tiên của tháng mười một năm nay rất đặc biệt.  Nắng đẹp và dễ chịu một cách bất ngờ suốt cả ngày, mặt trời rực rỡ và nhiệt độ lên tới 18-20oC. Biển xanh biếc, gió nhè nhẹ  và mọi người thoải mái mà diện áo t-shirt!

Theo thông lệ, những bông hoa dành cho Ba Má được thả ra biển, riêng năm nay chúng không trôi dạt tiêu điều trở về bãi cát như năm ngoái. Ai cũng ráng sức ra tận ngoài mỏm bờ đê để liệng hoa cho thật xa và rồi nhìn những con sóng mang hoa ra khơi, xa dần, xa dần. Lần này những đóa hoa thật sự đã đến tay Ba Má, Ba Má đón nhận chúng  như đón nhận những cảm nghĩ, những mất mát của các con.

Sau khi đi dạo trên bãi biển gần đó, mọi người quyết định không thèm ghé vào cái quán nước  mà năm ngoái đã dừng lại để uống một tách cà phê, tiệm đông nghẹt, chẳng ai muốn ăn uống gì cả ở chỗ này vì  hồi ức lạnh lẽo của lần trước đã làm cho mất cả hứng. Mọi người đi xuống bờ đê và tìm được một tiệm ăn nhỏ dễ thương hơn. Một ly bia vàng Grimbergen thật tuyệt vời. Bia không đến nỗi tệ, nhất là sau khi đi bộ một quãng dài dưới ánh nắng mặt trời ấm nóng. Midelkerke chỉ là một bãi biển nhỏ, vắng vẻ thôi, nhưng thật dễ chịu khi được đi bộ tà tà và tận hưởng một ngày lễ Toussaint đặc biệt với trời xanh mây trắng. Khi mọi người quay trở lại bãi biển, những bông hoa đã thật sự ra đi, chỉ còn lại những con sóng muôn thuở và nỗi niềm thương nhớ.

Ai cũng hài lòng khi ra biển thăm Ba Má ngày hôm đó, một ngày hiếm hoi trời nắng đẹp chứ không ảm đạm đìu hiu, và điều đó thật sự an ủi cho mọi người rất nhiều. Còn gì hơn niềm vui nho nhỏ khi tụ tập lại với nhau một chút để tưởng nhớ Ba Má, những người đã không còn ở với chúng ta nữa.




Monday, November 10, 2014

Thu Bruxelles (Tố Mai)

Trời thu - Hình của Quỳnh
 Vàng ơi  mấy lá bay ngoài ngõ ,

Mây xám chân trời trôi tới đâu  ?

Mưa bụi xóa mờ  khung kính nhỏ ,

cây gầy trụi lá  đứng nghiêng sầu !

 
Thu ơi về nhắc lời năm trước ,

Ru mãi hồn ta mot cõi mơ,

Đàn trong tiếng gió lùa chân bước ,

Ngập lá vàng thu ...nên ý  thơ !

Sắc lá chen lẫn sắc trời - hình của Chân



Rôì gió nôỉ lên gió cuốn  nhanh ,

xóa đi mây xám lỡ xây thành .

Mặt trời lấp ló vài tia sáng

thắp nến vàng lên  nhuộm nắng hanh .

Mùa thu - by Hương Quỳ

(Hình chụp của Quỳ)

Tôi sinh ra  ở một xứ sở không có bốn mùa xuân hạ thu đông . Thành phố tôi lớn lên quanh năm chỉ thấy xanh ngắt màu thông  . 

Vào độ thu về tại những nơi khác , Dalat chỉ có sương mù và heo heo gió lạnh của những ngày đầu tựu trường . Hoặc những đợt mưa dầm ảnh hưởng bão rơi rớt từ những vùng biển xa  .Thi thoảng thấy được vài màu úa trên  cây hoa anh đào , nhưng loại cây này cũng không ở cùng nhau nhiều trong thành phố , nên tôi chỉ thấy mùa thu qua tranh ảnh.

Những năm bắt đầu phải đi học xa nhà , tôi đã thấy được cảnh rừng thay lá  trên những đồn điền cao su dọc con đường gần đến đến Saigon . Những hàng cây thẳng tắp  , dài hun hút , chấm dứt bằng một ô nắng nhỏ  đàng tít xa . Rặng lá vàng thành những vết màu quét theo tốc độ của xe chạy , đưa tôi đến mong ước một ngày nào đó được đặt chân đến một khu rừng đang vào thu .

Dù với cảnh thu hiếm hoi được nhìn tận mắt , tôi vẫn quyết định sẽ chọn mùa thu là mùa yêu thích nhất trong năm. Có lẽ do ảnh hưởng của tiểu thuyết và phim ảnh tôi đã nhồi nhét trong đầu.



Tôi đặt chân đến Bỉ vào tháng 3 vài chục năm trước . Trên đường rời phi trường về nhà , tôi hân hoan thu vào mắt mình những dáng cây trơ trụi  y như những tấm thiệp Noel và bầu trời xám chì,( niềm hãi hùng của ông anh qua đây du học đã từ lâu) . Trời vẫn còn đổ lạnh . Lúc đó mới thấu hiểu thế nào là cái lạnh đến cắt da  khi ở trong căn biệt thự của ông anh , nơi những lò sưởi điện không đủ sưởi ấm tất cả các phòng . Tôi đứng trước khung cửa sổ của phòng khách , ngắm những chậu  penssée tươi tắn khoe những bông hoa như những nét cười trên khuôn mặt , tự hỏi sao hoa còn tươi được trong cái lạnh rút người đến thế . Những căn nhà hàng xóm đối diện có vườn tược tuy trơ trụi  mùa đông , nhưng đã được thu dọn gọn gàng , còn lượn lờ làn khói trên mái nhà từ những lò sưởi , gợi trong tôi một chút se lòng khi nghĩ đến quê hương vừa rời bỏ với hoạt cảnh chia tay đẫm nước mắt giữa kẻ ở lại và người đi  , người đi dạo ấy , là không có ngày về . Nghĩ mình như cánh chim trời , chỉ nhờ một chuyến bay xa , đã được ở trong một đất nước khác , khung cảnh khác , không thể không  thấy tương lai còn mịt mùng trước mắt .

Đó cũng là lần đầu tiên vợ chồng ông anh tôi dẫn cả nhà đi dạo trong rừng Halle . Rừng khoe cảnh trơ trụi , với thảm lá khô của mùa thu năm trước , chưa thấy mầm xanh ló đầu lên ở đâu . Cả những cây dương xỉ , điển hình cho đợt tiến hóa đầu tiên cho thảm thực vật của sự sống của trái đất , như bài học xưa kia ở trường sinh lý sinh hóa , vẫn ngã gục với những cành lá nâu đen . Rừng êm đềm và trật tự ,  cho tôi cảm giác thân quen với Dalat  nhờ những đám thông um tùm xanh ngắt ở bìa rừng , dù vẫnkhông phải là loài thông ba lá.

Cuộc sống của những năm tháng tiếp theo kéo chúng tôi quay cuồng , bận tíu tít để gầy dựng một tương lai mới . Những lúc rảnh rang tận hưởng cảnh lạ xứ người , chỉ giới hạn trong những lần thăm viếng những công viên , những ô xanh trên bản đồ thành phố của bà chị sưu tầm . Hoặc quẩn quanh ở Halle , nơi có căn nhà của ba má tôi , điểm hội tụ cho những bữa ăn tối thứ bẩy cùng con đường đi dạo dưới dòng kinh nối liền Bruxelles và Charleroi ở gần đó.


Lạ lùng , trong hồi tưởng của tôi về những tháng năm ấy , không có một ấn tượng nào ghi lại về những mùa thu đã đi qua . Có lẽ vài chục năm trong chế độ đổi đời , cho tôi một cái nhìn khác về chung quanh. Chúng tôi không hề bị thiếu thốn trong những năm sau giải phóng , nhưng chúng tôi đã nhìn thấy sự cùng cực chung quanh . Nên ở đây , tôi choáng lộn với những đường phố trật tự , những dòng xe như đèn kéo quân , thi thoảng mới nghe thấy một tiếng còi , không ầm ĩ náo nhiệt  bởi tiếng động cơ cộng thêm tiếng bóp kèn liên tục như ở quê nhà . Những khu nhà cao tầng tân tiến , thường là nền cho tôi trong những bức hình chụp tượng trưng cho đất nước tạm dung. Và hoa lá bạt ngàn của mùa xuân , trong công viên , trên đường phố , trên các balcon nhà cửa , trong những khu vườn , vẫn kéo bước chân tôi đi ngắm nhìn không chán mắt . Mùa hạ còn đặc biệt hơn với mặt ánh sáng mặt trời đến cả 10 giờ tối; gặp những hôm trời đẹp , có thể ngồi ngoài vườn rất khuya để tán gẫu , tuyệt vời hơn nữa là chả thấy bóng dáng muỗi mòng đến quấy rầy những đêm dài như thế . Mùa đông , hăm hở rượt đuổi theo tuyết rơi , kéo cả Ba Má đi ngắm khung cảnh phủ màu áo trắng , kể cả tìm đến các bờ dốc ở sườn đồi trong các công viên để say mê theo tốc độ lao xuống của những xe trượt tuyết của trẻ con .Hương xưa của phiên chợ cuối năm tại Dalat còn tìm lại được qua khu kermesse của thành phố  với những trang trí và các bản nhạc Noel , cùng mùi bánh bột chiên tỏa ra thơm ngát trong không gian.

Mùa thu , trong ký ức tôi chỉ là những lần vào rừng tìm hạt dẻ về nướng , mắt  cúi xuống đất để tìm , có ngẩng lên cao , thì cũng để định hướng lá hạt dẻ đang nằm trên cây nào để đến dưới gốc cho nhanh ! Cũng có đi dạo trong rừng , nhưng màu lá rừng đổi sắc , như thiên nhiên tung ra hào phóng những đám pháo hoa , không cho tôi cảm giác hài lòng vì đã đạt được một ước mơ thuở thiếu thời. 



Chỉ đến khi cuộc sống ổn định hơn , có thì giờ thong thả hơn , tôi mới thấy xôn xao khi nhìn lịch thấy là ngày bắt đầu của mùa thu

Trước hết là màu nắng xiên của mặt trời xuống thấp , điển hình của những đất nước nằm trên phương bắc . Những hôm trời có mây , tôi đã ngắm nhìn không chán mắt màu tím thẫm , chuyển sang ửng đỏ , rồi xuất hiện màu cam , cuối cùng là những đám mây vàng óng tươi tắn báo hiệu bình minh . Cả một khung cảnh rực rỡ trên ngay cả những nóc nhà của thành phố , không cần phải ở giữa một thiên nhiên mênh mông . Màu nắng vàng đặc biệt theo tôi cả ngày , có quấy rầy lúc lái xe thật đấy , nhưng gợi nhớ trong tôi những lần lên sân cù Dalat , tình cờ thấy màu nắng ấy trải dài trên những triền cỏ nâu.

Chiều tà , rất sớm , khoảng 6 giờ , lại là một cảnh khác . Nắng chỉ còn trên đầu ngọn cây , chia không gian làm hai cảnh sắc , phía dưới đã là bóng dâm , chỉ còn trên cao màu nắng tô thêm ánh vàng óng cho hàng cây vào thu . , 

Nắng chiều lung linh trên lá , lấp lánh như ánh phản chiếu của mặt trời trên mặt nước hơi gợn sóng . Tôi như nghe được cả ngàn tiếng chuông phong linh đang reo lanh canh  trong không gian , như lời chào giã biệt đợt nắng cuối cùng cho một ngày . Đi dạo những buổi chiều như thế , mới thấm thế nào là tâm tư lắng đọng , cứ thấy nao lòng vì những điều chưa hẳn có duyên cớ .

Và tôi nghĩ , tâm trạng này , chắc chỉ có ở những người tuổi đời bắt đầu bước vào tuổi xế chiều như tôi , đi theo những bước chân mình , là những hồi tưởng về tháng ngày qua . Tương lai nhìn tới , cũng chỉ còn là những tính toán không còn sôi động nữa.


Tôi đi trong khu rừng Foret de Soignes , cũng là những hàng cây được trồng thẳng tắp , cũng thấy những ô nắng nằm xa xa ở cuối con đường . Cảnh trí y hệt mùa thu được vẽ trong những bức tranh "sến" bên quê nhà . Lúc nào cũng phải là một cặp tình nhân đi dạo dưới màu lá vàng . Cảnh thật ở đây cũng vậy , đầy những người đi dạo , đầy những họa sĩ cố nắm bắt sắc màu trên bức tranh của mình , đầy những người lăm lăm máy ảnh như tôi , tìm cách ghi lại nhưng nét độc đáo của thiên nhiên trao tặng . Khó lắm , theo cảm nhận của mỗi người , làm sao diễn tả được hết cái đẹp trong từng chiếc lá vàng như thế.

Trước cổng nhà tôi , vừa được trồng một cây maple . Cây còn bé , lá cây cũng bé oặt . Cũng có đổi màu lá , nhưng chả hùng tráng tí nào , chả tạo được cảnh thu cho đường phố . Lại thêm vài trận gió , thì đã trơ trụi cành . Trong vườn nhà đồng quê , những cây cho bóng mát thì lá khô đen rồi rụng xuống , cộng với lá rơi từ những cây của hàng xóm , chỉ thấy một cảnh quét lá đến phờ phạc cả người , mất cả thơ mộng ! 

Mùa thu những năm sau này còn được nhớ tới qua ngày lễ Các thánh vào đầu tháng 11 . Những chậu hoa cúc đủ màu sắc được bày bán khắp nơi . Thiên hạ mua chúng một cách hào phóng để đi viếng mộ người thân . Mỗi lần đi qua các nghĩa trang vào dịp này , thấy hoa bạt ngàn bên cạnh các mộ chí , làm mất đi vẻ ảm đạm của nơi đây . Ba Má tôi mất đi , tro được rải ra biển , mong rằng sẽ theo biển khơi quay lại được chốn quê nhà . Dịp này , chúng tôi mang hoa ra biển , tính toán giờ giấc thủy triều lên xuống để tung những bó hoa  thân tặng cho sóng nước cuốn đi . Có năm hoa quẩn quanh trên bờ , không nỡ rời những ghềnh đá của bờ đê , có năm hoa trôi ngược lại vào bờ , nằm tơi tả khiến chúng tôi thấy quặn thắt trong lòng như Ba Má không còn ở đó chờ đón chúng tôi . Năm nay , hiếm hoi được một ngày đẹp trời . Biển vẫn xám ngắt , nhưng bầu trời rất xanh cùng những tia nắng ấm khiến chúng tôi tưởng như mình đang ở giữa mùa hè , và những bó hoa tung ra , được sóng nước êm ả cuốn ra khơi , thấy an lòng hơn .

Thế đấy , sẽ còn có dịp đếm những mùa thu trôi qua trong cuộc đời , đến giờ , trong hồi tưởng của tôi , không thấy hối tiếc những thời gian đã trôi qua , chỉ mong rằng tương lai sẽ vẫn là như thế mãi , tre già măng mọc , luật sinh tồn của đời sống , thấy lòng êm ả hơn trong sắc lá đổi màu . thấy những chiếc lá cuối cùng còn trên cây , tự nhủ , ráng chờ cho đến mùa xuân , hoa lá sẽ đâm chồi nẩy lộc ....
(11/10/2014)
 

Friday, November 7, 2014

Thu sang cho lá vàng rơi

Ngọn gió thu phong rụng lá hồng  (Ozark, AR) - hình của Quỳnh
Mùa thu đến cùng với bầu trời xanh biếc, lá vàng chen lẫn lá đỏ, bầu không khí se se lạnh, và lãng đãng mùi khói củi đâu đây.
Ở đâu cũng thế, từ Ozark Arkansas, cho đến Fort Worth Texas, và ngay cả Clabecq bên xứ Bỉ. Chúng ta chia xẻ một màu lá, một màu trời, chúng ta chia xẻ cảm xúc với mùa thu xứ người.

Có nghe không, mùa thu? Lá thu rơi xào xạc, con nai vàng ngơ ngác.....




Rừng phong thu đã quan san nhuộm màu? 
Clabecq - hình của Quỳ
 

Sắc màu lá úa níu kéo lá xanh, như mọi sự phải đến hồi kết thúc. Vạn vật chuẩn bị vào giấc ngủ mùa đông bằng cơn chuyển mình màu sắc, tưng bừng, rực rỡ, như đốm lửa bừng lên trước khi lụi tàn. dù cho có ở nơi đâu, mênh mông bát ngát như Ozark, hay một góc khuất lánh ở Clabecq, màu lá luôn làm lòng người chùng lại, xao xuyến và choáng ngợp. Cả rừng cây đổi lá, hay chỉ đơn lẻ một cây phong đổi lá, đều làm xúc động lòng người.





Và nơi đây rất đỗi bình yên (Ozark, AR) - hình của Chân
Bỗng dưng buồn bã không gian
Mây bay lũng thấp giăng màn âm u
Nai cao gót lẫn sương mù
Xuống rừng nẻo thuốc nhìn Thu mới về
Sắc trời trôi nhạt dưới khe
Chim đi lá rụng, cành nghe lạnh lùng
Sầu thu lên vút song song
Với cây hiu quạnh với lòng quạnh hiu
Non xanh ngây cả buổi chiều
Nhân gian e cũng tiêu điều dưới kia
                                                                                     (Huy Cận)


 Có phải gió làm cho màu lá đổi?
Có phải mây làm cho nắng phai đi?
(Canal Clabecq  - hình của Quỳ)
Sầu thu sầu lên vút mịt mù...Mà e nhớ hương mùa thu...Hương mùa thu, mùi lá mục, mùi cành khô, mùi đất ẩm ướt, mùi củi lửa reo vui, mùi hạt dẻ nướng cháy, mùi sương khói lãng đãng, mùi thời gian, mùi không gian. Mùi của hoài niệm. Còn chăng bóng nắng xuyên rừng? Còn chăng sắc nước lung linh dưới trời?

Bóng nắng (hình của Quỳ)


Thu đến, cảnh vật chợt êm đềm, một góc khuất đâu đó rất đỗi bình yên, đời thường dường như bớt xao động, chậm lại chờ mùa thu.
Lá đang chín vào tận cuống
Gió khua xào xạc trên đường
trời co vắng mây hóa rộng
Nắng vàng chừng cũng nhạt hơn.
Nhận ra dáng cây gầy thêm
Lá gió rơi đầy quanh gốc
Nhận ra nắng mưa còn nhắc
Mùa đông, mùa hạ...qua đây
Chừng như nhịp tim chậm lại
Mùa thu tôi nhìn lên cây..
(Nguyễn Hoa)


Con suối nhỏ chở lá vàng trôi  (hình của Quỳnh)
Nghe chăng con suối mùa thu? Róc rách đôi bờ, chầm chậm dòng chảy cuốn theo lá chết. Con suối mùa thu đợi lá vàng, như trời xanh chờ mây trắng, cho không gian và thời gian ngừng trôi. Con suối mùa thu vẫn lặng lờ, những lá thu vàng rụng ngẩn ngơ....


 
Lối nhỏ thu sang - hình của Chân






 "Một mình đi lang thang trên đường 
 Hoàng hôn xuống chiều thắm muôn hương
 Chiều hôm qua mình tôi bâng khuâng
 Có mùa thu về, tơ vàng vương vương
 Chiều hôm qua lang thang trên đường
 Nhớ nhớ, buồn buồn với chán chường
 Chiều hôm nay trời nhiều mây vương
 Có mùa thu vàng bao nhiêu là hương"



Ráng chiều bên Canal - hình của Quỳ

Trong đời thường tất bật, có mấy ai dừng lấy một phút để nhìn mùa thu đang đến? Sẽ chẳng biết đâu nếu không tình cờ bắt gặp một chiếc lá vàng, một làn gió nhẹ lành lạnh, và nhất là chút ánh nắng cuối ngày hắt lên hàng cây thay lá. Ráng chiều ở Clabecq rực rỡ, ngày tàn trên White Rock huy hoàng. Hạnh phúc thật đôi khi không ở đâu xa, mà chỉ là một màu lá đẹp, một áng chiều tà...Hạnh phúc là thế khi mình biết cảm nhận vẻ đẹp của thiên nhiên, vốn rất ưu đãi con người.

Chiều trên núi White Rock AR - hình của Chân

"Anh mong chờ mùa thu
Trời đất kia ngả màu xanh lơ
Đàn bướm kia vui đùa trên muôn hoa
Bên những bông hồng đẹp xinh
Anh mong chờ mùa thu
Dìu thế nhân vào chốn thiên thai
Và cánh chim ngập ngừng không muốn bay
Mùa thu quyến rũ anh rồi"




trời thu xanh ngắt mấy tầng cao - Fort Worth, TX


Và như thể, mùa thu đang đến. Và như thể nắng thu đang đến. Chút bồi hồi xao xuyến với trời đất rồi cũng sẽ hết. Dù cho
"Anh gọi mùa thu mơ
Một sớm thu mờ
Nai vàng đạp trên lá
Bước từng bước xa xa
Anh gọi mùa thu mơ
Trời sớm sông không bờ
lá vàng rơi lác đác
Dịu dàng cơn gió bay
Anh hẹn mùa thu sang..."


Êm đềm - hình của Quỳ




Thôi nhé, mùa thu dài lắm ở chung quanh...

Les sanglots longs
Des violons
De l'automne
Blessent mon coeur
D'une langeur monotone
Tout suffocant
Et blȇme, quand

Sonne l'heures
Je me souviens
Des jours anciens
Et je pleure....
(Paul Verlaine)