Hai mươi năm trước, mới đầu tháng Mười Một, Indiana đã vào
mùa đông, trời lạnh ngắt màu chì và cây cối đã trụi lá từ lâu. Mẹ lên đường vào
bệnh viện chào đón con khi cơn đau đẻ bắt đầu đến hồi khốc liệt. Suốt 9 tháng,
mẹ chỉ mong có ngày này. Khi con cất tiếng khóc đầu đời, câu đầu tiên mẹ hỏi là
con có mấy ngón tay. Không hiểu tại sao những bàn tay sáu ngón ám ảnh mẹ suốt
những tháng những ngày mẹ mang con trong lòng.
Con ra đời như là một đứa trẻ bình thường, mặc dù da vàng ệch,
và bệnh viện quyết định giữ con lại một tuần, không biết vì bệnh vàng da hay họ
không quen nhìn màu da vàng của chúng ta. Mẹ xuất viện về nhà trước, không có
con cùng về thấy cả một sự hụt hẫng. Ngày đầu tiên, mẹ nằm khóc bên cạnh cái
nôi trống của con, dẫu biết rằng họ giữ con lại chỉ để theo dõi. Suốt tuần đó,
một ngày 3 buổi mẹ vào bệnh viện nuôi con với chính bầu sữa của mình, theo đúng
sách vở. Sanh con đầu lòng không có lấy một người thân bên cạnh, không theo
sách vở thì biết nghe ai?
Hai mươi năm sau, chúng ta đã sống ở Texas 14 năm trời. Bầu
trời ảm đạm tháng mười một của Indiana chỉ còn là kỷ niệm. Ngày sinh nhật con năm
nay là một ngày trời đẹp tuyệt vời. Nắng trong vắt, trời xanh ngắt, mùa thu đến
muộn nên những hàng cây chưa ngả sang màu vàng. Sinh nhật con, Ba gọi điện thoại
chúc mừng, mẹ gởi cho con một cái text message. Vinh lên facebook gởi một lời
nhắn. Và Mẹ hỏi con, làm gì cho ngày sinh nhật của mình. Cái ngày sinh nhật của
con mà mẹ thường è cổ nấu tiệc, làm bánh, mời bạn bè con và họ hàng gần xa đến
đã qua lâu lắm rồi. Lần chót mẹ làm sinh nhật cho con khi con mười tám tuổi. Cả
con cả mẹ cùng đồng ý đó là lần cuối cùng. Bởi vì, con trai, con đã lớn.
Bây giờ con lái xe đi
học, con ở riêng, cách xa Ba Mẹ 500 miles, cơm nước một cõi, quần áo tự lo tự
giặt, đau ốm tự mua thuốc lấy hay nhờ vả bè bạn. Mẹ không còn quanh quẩn bên
con, lo chằm chằm từ bữa cơm cho đến giấc ngủ, quát tháo khi nhìn thấy căn
phòng bừa bộn, hay rủ rê con đi đạp xe đạp
với mẹ mỗi khi trời đẹp. Con đã là một người đàn ông trẻ với tuổi hai mươi của
mình. Con đã là một người lớn với suy nghĩ độc lập của mình. Theo bao vết chân
của những thế hệ đi trước, mẹ bắt đầu tránh sang một bên con đường con đang đi.
Và rồi rhìn con đi với đầy đủ lo âu, hồi hộp muôn thuở của những bậc làm cha
làm mẹ. Mẹ không mong gì nhiều, mong con hãy biết giữ gìn tuổi hai mươi của mình. Hãy yêu quý nó, con ạ. Tuổi trẻ sôi nổi, nhiệt huyết, nhưng cũng bồng bột và vô tư. Con bảo sao con hai mươi tuổi mà vẫn không biết gì hết. Có những điều nhà trường không dạy, sách vở không chỉ, mà con phải tự hiểu lấy, tự học lấy. Con cũng đã học được kha khá từ hồi đi đại học đến giờ. Nhưng còn rất nhiều thứ phải học. Và chắc đến cuối đời cũng vẫn còn phải học. Một ngày dừng lại không học hỏi chung quanh, là một ngày chúng ta thấy mình chậm lại. Hãy cầm lấy từng phút từng giây, đừng đánh rơi tuổi hai mươi của mình, con nhé.
Chúc con sinh nhật hai mươi vui vẻ. Mọi sự đều thay đổi, chỉ duy có một điều không bao giờ thay đổi, đó là tình yêu của mẹ dành cho con từ khi con sanh ra đời, cho đến khi con hai mươi và mãi mãi về sau này.
Trích đoạn Nói với tuổi hai mươi của thiền sư Nhất Hạnh:
“…. Người đầu tiên dạy cho ta yêu thương là bà mẹ. Ta sinh ra đời nhỏ bé, mong manh, yếu đuối, không có khả năng tự vệ. Những cảm giác đói, khát, đau đớn, thiếu thốn của chúng ta được mẹ hiểu, được mẹ lo lắng, được mẹ đối phó. Ta cần mẹ, ta thiếu mẹ và ta yêu mẹ. Khi ta cần mẹ, thiếu mẹ ta chỉ cần mở miệng khóc. Mẹ xuất hiện liền bên nôi như một thiên thần. Ta cảm thấy đầy đủ sung sướng. Vậy tình yêu phát xuất từ sự cần thiết, từ sự thiếu thốn, từ sự đau khổ. Tình yêu được hình thành rồi lớn lên trong đắng cay, trong ngon ngọt, trong kỷ niệm và trong ân nghĩa. Sự ngọt ngào tự nó không thể hiện hữu. Sự ngọt ngào phải nương trên sự đắng cay, sự khao khát. Một ly nước chanh không thể ngon nếu không có sự khát nước. Khi ta lớn lên, mạnh chân khỏe tay, có đủ sức tự vệ, ta ít cần đến cha mẹ hơn, và theo lý, ta ít yêu cha mẹ như xưa. Nhưng mà cái nguồn suối ngọt ngào ấy ít khi khô cạn. Nếu ta trở về, ta vẫn cảm thấy nó còn là một kho tàng hạnh phúc của ta. Khi con khôn lớn, mẹ vẫn cần con dù con đã ít cần tới mẹ. Con có những thứ cần mới, và con không tập trung cái nhìn nơi mẹ, nơi bầu sữa mẹ nữa. Và nhiều bà mẹ cũng thấy khổ đau vì sự kiện tầm thường nhưng hiện thực đó. Nhưng trong tình yêu ngoài sự ngọt ngào, còn có kỷ niệm, còn có ân nghĩa. Và vậy cho nên tình yêu cha mẹ của một kẻ lớn khôn vẫn có thể còn đậm đà, tha thiết tuy bản chất đã không thể còn giống như bản chất của nó hồi đứa con còn thơ ấu, vụng về. Tình yêu ấy kỷ niệm và ân nghĩa ấy lắm khi đậm đà thiết tha khiến cho nhiều lúc đứa con tuy đã khôn lớn vẫn không chịu nhận mình là khôn lớn trước người đã thương yêu mình, đã là nguồn suối ngọt ngào cho mình từ khi mình còn măng sữa. Dù lớn bao nhiêu, tôi vẫn là con của mẹ.
Có khi những bực dọc những lo lắng những bận rộn những phiền muộn của cuộc đời
làm lu mờ mọi kỷ niệm buồn vui, mọi ân nghĩa thâm sâu, và người con có thể,
trong những lúc đó, nhìn người thương yêu của mình như nhìn người xa lạ. Điều
ta có thể trách cứ là sự dại dột mà không phải là sự bội bạc. Bội bạc thật ra
chỉ là hậu quả của một sự mờ ám, dại khờ. Chỉ cần một sự lắng lòng, chỉ cần một
sự trở về là lòng ta lại tràn ngập yêu thương, và ta lại tìm thấy nguồn hạnh
phúc. Em đã bận rộn quá, em đã phiền muộn quá, tôi biết điều đó nhưng bận rộn
và phiền muộn để làm chi, nếu không phải là để mất hết những gì quý giá nhất
trong đời em? Em than phiền rằng các bậc cha mẹ hiện giờ không hiểu thấu được
lòng em và em có cảm nghĩ là không thể bắc được một cây cầu cảm thông. Có cây cầu
cảm thông nào mà không cần đến chất liệu thương yêu. Em như thế, thái độ em như
thế, tâm hồn em ơ thờ, lạc lõng, nguội lạnh như thế, làm thế nào mà cảm thông.
Cha mẹ có thể không hiểu ta mà vẫn cứ tưởng là hiểu ta. Thì ta cũng có thể
không hiểu được cha mẹ mà vẫn giản dị nghĩ rằng ta hiểu được cha mẹ. Tôi chắc
các bậc cha mẹ có cố gắng và nhẫn nại về phần họ. Chúng ta nên có cố gắng về phần
ta. Em nóng nảy, bực dọc và phiền muộn làm chi. Nên lắng lòng lại, đi tìm yên
tĩnh mà nghĩ đến ân tình và kỷ niệm. Niềm thương yêu sẽ trở lại, rồi em sẽ cố gắng
về phần em. Không nên thất vọng không nên càng lúc càng vùng vẫy một cách tuyệt
vọng Các bậc cha mẹ cũng đã trải qua nhiều đau khổ, thắc mắc và lo âu của họ.
Đôi khi những thứ đó là vì ta, dù là đau khổ thắc mắc và lo âu không đúng cách,
không có hiệu quả. Nghĩ đến điều đó, nghĩ đến những nếp nhăn trên trán họ, nghĩ
đến những ngày tháng sắp đến của cha mẹ, đến sự vắng mặt vĩnh viễn của cha mẹ
sau này, nghĩ đến ân tình kỷ niệm trong suốt một thời gian thương yêu lo lắng
khổ đau mà phát lòng hối hận, rũ bỏ bớt bận rộn phiền não, trở về thương yêu lấy
người đã sinh dưỡng mình.
Tôi biết trong lòng em có thương yêu, nhưng bề ngoài
em lại có vẻ ngủng ngẳng, bất cần, đôi khi tàn nhẫn nữa. Tôi cũng biết rằng cái
bề ngoài ấy là biểu lộ của những khắc khoải, đau xót, oán hờn và cô đơn mà thời
đại đã ghi đậm nét trong tâm hồn em. Và chính những thứ đó đã không cho em tĩnh
tâm nhìn thấy sự thực cũng như mặt hồ nổi sóng không phản chiếu được hình ảnh
tròn trịa của mặt trăng đêm rằm. Tình yêu là thần dược mầu nhiệm có thể chữa
lành những thương tích tâm hồn của em….”
No comments:
Post a Comment