Lúc ấy tôi khoảng tám hay chín tuổi, tôi vớ
lấy quyển sách Cậu Hoàng Con trên tủ, mừng vì sách không dày lắm và chữ in khá
to, rõ ràng. Ngỡ là truyện cổ tích, tôi háo hức mở ra xem nhưng rồi thất vọng
ngay. Hình vẽ thì xấu òm, truyện không đầu không đuôi, mà cái chính là chẳng có
hoàng tử đeo kiếm oai phong trên lưng ngựa, không có công chúa với áo đầm xòe
chấm đất, chẳng lâu đài lộng lẫy, không có mụ phù thủy mũi khoằm gớm ghiếc nào cả.
Chỉ độc hình một cậu bé tóc vàng, quấn khăn phu la, nhỏ bé và lạc lõng đến tội
nghiệp. Còn cốt truyện thì toàn rặt những chuyện trời ơi gì đâu, tôi đọc chữ được
chữ mất. Tôi không hình dung ra được một hành tinh có ba ngọn núi lửa mà nhân vật
chính trong truyện có thể chùi rửa chúng mỗi ngày để chúng không ám khói, rồi cậu
lại còn đổ ốp la trên miệng ngọn núi lửa, pha cà phê trên miệng ngọn núi lửa
khác, cứ đơn giản như cái bếp ba lò của nhà cậu vậy. Núi lửa phải to đùng, phải
nhả nham thạch cuồn cuộn, bụi than mù mịt trời đất, hễ bắt đầu nhả khói phì phì
thì dân cư chung quanh chạy trối chết, cứ nhìn ngọn Etna đang phun lửa bây giờ
mà xem! Lật thêm vài trang, tôi nhìn hình vẽ Ông Vua với hai tà áo của ông ôm
chầm lấy gần hết hành tinh mà chợt ngán ngẩm, trong đầu thắc mắc vậy thì nhà cửa
xây ở đâu, đường xá cho xe cộ sao không thấy, rồi cây cối mọc chỗ nào? Riêng
người Thắp Đèn làm tôi phát ớn. Tôi tự nhủ ông ta đi ngủ vào cái lúc nào, ăn uống
vào cái lúc nào nếu ông ấy cứ thắp rồi tắt đèn liền liền mỗi phút như thế? Tôi
đọc được chăng hay chớ, đầu óc toàn những thắc mắc rất thiết thực. Exupéry bảo
quyển sách này viết cho trẻ con nhưng tôi nghĩ trẻ con như tôi còn xơi mới hiểu
được ông ấy muốn kể chuyện gì. Rồi mặc cho ông ấy phân trần mãi là ông không biết
vẽ, tôi vẫn không chấp nhận được hình một cái hành tinh bị ba cây bao bắp làm
cho sắp nổ tung ra. Mò mẫm đến đoạn Cậu Hoàng Con vào vườn hoa hồng thì tôi xin
đủ, tôi xếp quyển sách lại cất vào tủ và quên hẳn nó, hoặc nếu có phải lựa chọn
sách để đọc, tôi tránh nó sang một bên.
Khoảng những năm mười hai, mười ba tuổi, tôi
khát truyện. Bao nhiêu sách trong nhà không đủ cho tôi, tôi đã từng phải mở tự
điển ra đọc, say mê Petite Larousse với các trang in hình màu các loại nấm độc,
rồi hình các loại hoa mà tôi nhận ra được vài thứ. Tôi mò đến đống sách y khoa thì
chỉ biết nhìn hình, sau cùng tôi vớ luôn cuốn Kinh Thánh không biết tại sao có ở
trong nhà, đọc một mạch, thắc mắc chỗ này chỗ nọ, nhưng chẳng phải đạo của
mình, tôi cho qua. Và rồi một hôm tay tôi chạm đến cuốn Cậu Hoàng Con. Tôi lôi
nó ra khỏi giá sách và mở ra xem.
Lần này bức hình vẽ con trăn đang tiêu hóa
một con voi làm không làm cho tôi chê ỏng chê eo nữa mà tôi thật sự buồn cười. Tại
sao không ai nhìn ra có cái gì bên trong bụng con trăn, phải đợi đến khi tác giả
vẽ huỵch toẹt một con voi đang đứng lừng lững và đặt tên là “trăn đóng” “trăn mở”
cho hai bức hình của mình thì mới ồ à lên? Tôi chấp nhận ba ngọn núi lửa của Cậu
Hoàng Con một cách dễ dàng hơn, nhưng vẫn không hiểu nổi tại sao cậu lại phải cố
chiều Đóa Hoa Hồng đỏng đảnh ương ngạnh của cậu, phải tay tôi, tôi đã nhổ béng
cô nàng lên từ đời nào. Tôi không hiểu điều này cho lắm chỉ vì lúc đó tôi chưa hề
bỏ nhiều thời gian của mình cho bất cứ một ai, bất cứ cái gì để nó hoặc họ trở
nên vô cùng quan trọng đối với tôi, để cho mỗi khi đi xa, tôi băn khoăn không
biết nó hay họ đang vui hay buồn, rồi lòng quay quắt mãi khôn nguôi. Cũng như
chính tác giả thú nhận, tôi không hiểu làm sao một người có thể sống trong sa mạc
chỉ với một chút nước và một chút mặt trời, riêng đối với một cậu bé mỏng manh
như thế, chuyện đó lại càng không tưởng. Tôi đã vui thích hơn khi biết cậu du hành từ hành tinh này sang hành tinh
khác cùng với đàn chim di. Chuyện cậu bay theo đàn chim nghe thật thú vị và chính
cậu đã nhận xét “Với cái máy bay ấy, nó chẳng mang mình đi đâu xa được”. Tôi đã
phì cười khi cậu bảo hình con cừu được vẽ hẳn hoi trông già quá, cậu cần một
con khác nhỏ hơn, và cậu hả hê với hình cái hộp có ba cái lỗ, cậu nhìn vào bảo
đó chính là con cừu cậu muốn và nó đang ngủ. Óc tưởng tượng của tôi tốt hơn lần
trước, tôi đã có thể thấy được con cừu của cậu nằm ngoan ngoãn trong ấy. Lần
này tôi đã đọc đến trang chót của quyển sách, nhưng tôi ấm ức mãi vì đoạn cuối
khi cậu gặp Con Rắn. Cậu đến trái đất này bằng đàn chim trời, tại sao cậu không
thể trở về hành tinh của cậu cùng với những con chim đó? Tại sao lại để con rắn
tuy làm cậu sợ nhưng cậu vẫn phải chọn nó để nó đưa cậu về với đóa hoa hồng của
cậu? Tôi bất mãn với Exupéry. Tôi không chấp nhận cậu đã để cho con rắn cắn. Truyện
cho con nít gì mà buồn thảm quá…Thế rồi tôi lại xếp quyển sách cất vào trong tủ.
Tôi vẫn chưa cảm được hết vẻ đẹp của Cậu Hoàng Con. Tôi vẫn chưa hiểu thấu đáo
làm sao nhìn thấy những chùm sao và nghe chúng cười.
Lần đọc tiếp theo, tôi đã lớn hơn, hiểu biết
nhiều hơn. Tôi đã biết Cậu Hoàng Con muốn nói gì khi cậu luôn bảo “Người lớn thật
là kỳ cục!” Đã là người lớn theo một ý nghĩa nào đó, tôi thông cảm với cậu khi
trên trái đất này có những loại người mà thế giới của trẻ em không dễ dàng chấp
nhận được. Thế giới người lớn với những mâu thuẫn luẩn quẩn của nó mà một đứa
trẻ như cậu không tài nào hiểu nổi, những người không thèm đi làm nên chán đời
rồi lại chán đời vì không đi làm, cũng như vì chán đời nên uống rượu, rượu vào
lại chán đời! Hay những người chỉ thích
nghe người khác xưng tụng mình, những người chỉ tuân theo lề lối của điều lệnh mà
không hề thắc mắc tại sao phải làm như vậy. Cậu lạc lối trong cái vòng tròn
không lối thoát ấy, rồi thốt lên “Người lớn thật lạ lùng!”. Cậu đã đi qua biết
bao nhiêu hành tinh và một hôm cậu đến trái đất. Cậu đã gặp cả một vườn hoa hồng
nhưng không tìm thấy đóa hoa của riêng mình, cậu nằm xuống cỏ và khóc. Cho đến một hôm cậu gặp con chồn:
“Đời tớ tẻ nhạt. Tớ săn gà, người săn tớ. Tất cả loài gà đều giống nhau, và tất cả loài người đều giống nhau. Vì thế, tớ hơi chán. Nhưng nếu cậu cảm hóa tớ, coi như cậu đã chiếu sáng đời tớ. Tớ sẽ nhận ra một bước chân khác hẳn mọi bước chân khác. Các bước chân khác sẽ làm cho tớ chui ngay xuống đất. Nhưng bước chân của cậu lại sẽ gọi tớ từ hang chạy ra, như là một điệu nhạc. Và cậu hãy nhìn kia! Cậu thấy không, ở kia, những đồng lúa mì ấy? Tớ không ăn bánh mì. Lúa mì đối với tớ là vô dụng. Các cánh đồng lúa mì đối với tớ chẳng có gì gợi nhớ cả. Cái đó buồn lắm. Nhưng cậu có mái tóc màu vàng kim. Thế thì sẽ rất tuyệt một khi cậu cảm hoá tớ! Màu vàng kim lúa mì sẽ gợi cho tớ kỷ niệm về cậu. Và tớ sẽ yêu tiếng gió reo trong lúa mì...”
Đến lúc cậu phải chia tay với con chồn, cậu bảo: “Mình chẳng muốn làm cậu khóc! Cậu chẳng được gì cả!” Con chồn đáp “Có chứ, màu vàng của lúa mì ấy!”
Mẩu đối thoại tuyệt vời này đã đi theo tôi qua biết bao nhiêu năm tháng, đến tận bây giờ, thi vị như một bài thơ. Và từ đó tôi biết Cậu Hoàng Con là một trong những cuốn sách yêu thích nhất của tôi. Khi con tôi lên mười, tôi mua cuốn sách cho thằng nhỏ đọc. Sau một buổi chiều, nó đưa sách trả lại tôi rồi nói “Truyện này hơi lạ nhưng mà hay.”
Cuối hè vừa
rồi, nó dọn phòng gọn gàng sạch sẽ đi vào ký túc xá. Nó lựa những quyển sách
không đọc để sang một bên cho tôi đem tặng thư viện, cầm cuốn The Little Prince
lên, nó bảo tôi “Mẹ giữ lại cuốn này cho con”. Tôi không nói gì, tôi mong con
mình cảm được cuốn sách như tôi đã từng. Và khi nó lớn lên, tôi muốn nó hiểu ít
nhất một điều khuyên mà cuốn sách mang lại cho đời sống thực sự của mỗi người: “Người ta chỉ nhìn thấy thật rõ ràng bằng trái
tim. Điều cốt yếu vô hình với con mắt”.
Bao nhiêu
triết học lớn nhỏ trên đời, theo tôi, đã gói gọn ghẽ trong cuốn sách này, một
cách đơn giản nhất, tinh tế nhất. Người đọc sẽ lôi ra được vô khối những điều
đương nhiên trước mắt nhưng chẳng ai thấy. Chẳng đi đâu cho xa, hiểu được câu
chuyện cảm hóa giữa cậu bé với con chồn đã đủ làm cho tâm hồn người ta cao đẹp
đến thế nào. Tình yêu của cậu với đóa
hoa hồng như một ánh sao thắp sáng cho đời sống hàng ngày tưởng như vô vị. Như
cậu triết lý “Mọi cái cây xấu hay tốt đều bắt đầu bằng một hạt mầm”. Và cậu
chăm chỉ thu dọn hành tinh của cậu để bọn bao bắp không lấn chiếm. Cậu bảo “Đó
là một việc làm chán lắm, nhưng mà thật dễ”. Cậu sợ nếu sao lãng, bọn bao bắp sẽ
làm nổ tung hành tinh của cậu. Cứ thử ngẫm nghĩ mà xem, trong đời sống hàng
ngày của mình, nếu sơ sảy một tí, mình sẽ bị nổ tanh bành vì một hạt mầm xấu đã
không được nhổ ngay tắp lự!
Và như cậu,
tôi đã có đóa hoa hồng riêng của chính tôi, để rồi quay quắt, để rồi lo lắng, để
rồi nhớ nhung. Để cho đóa hoa trở thành quan trọng khi tôi đã bỏ không biết bao
nhiêu thời gian cho nó. Để cho đóa hoa thành độc nhất vô nhị. Để cho giữa một
vườn hồng ngát hương, tôi buông tiếng thở dài không tìm được đóa hoa của mình,
như Cậu Hoàng Con. Tôi tin rằng trong mỗi người chúng ta, ai cũng có riêng một
đóa hoa của mình nếu có một lúc nào đó trong đời, mình đã bỏ công sức, thời
gian chăm chút nó, làm cho nó trở thành quan trọng và độc nhất vô nhị.
Cuối tuần
rồi tôi lái xe một mình năm tiếng xuống Houston, nghe theo tiếng gọi của vở
Opera The Little Prince. Nghĩ đến đoạn đường cộng với cái project mới toanh,
tôi đã muốn bỏ cuộc, nhưng rồi tôi vẫn quyết chí ra đi trong khi những người
quanh tôi bảo tôi có điên không. Hơn hai tiếng với Cậu Hoàng Con thật không uổng
phí. Tôi lái xe về lại Fort Worth, highway 45 ùn tắc xe cộ, trời đã nhập nhoạng
tối, nhưng tim tôi vẫn còn bồi hồi khi nghe cậu thủ thỉ “Tôi không mang nổi cái
thân xác này. Nặng lắm” Rồi cậu nói tiếp “Nhưng nó cũng sẽ chỉ như một cái vỏ bỏ
lại mà thôi. Những cái vỏ thì có gì đáng buồn…”. Lần này tôi không cãi với Exupéry
nữa. Đoạn kết của ông quá tuyệt vời! Đúng
thế, cần gì phải than khóc những cái vỏ, những thứ bên trong cái vỏ ấy mới là
điều đáng kể, những thứ không nhìn thấy qua cái vỏ ấy mới làm mình thổn thức.
Và nếu mình yêu chúng thì chúng đã ở trong tim mình rồi.
Cậu về lại
hành tinh của cậu và để lại muôn vàn tiếng cười như chuông của cậu, làm cho mỗi
vì sao ngân nga vì tiếng cười của cậu.
“ - Mọi người có những
ngôi sao không của ai giống ai. Đối với một số ưa thích đi xa, các ngôi sao là
những kẻ dẫn đường. Đối với số khác, chúng chỉ là những đốm sáng nhỏ. Đối với
những nhà bác học, chúng là những bài toán. Đối với nhà doanh nghiệp, chúng là
vàng. Nhưng tất cả loại ngôi sao ấy đều câm lặng. Ông, ông sẽ có những ngôi sao
trước đây không ai có...
-
Em
muốn nói sao?
-
Khi
ông nhìn trời, ban đêm, bởi vì ở một trong những ngôi sao đó có tôi ở, bởi vì
tôi cười trên một trong những ngôi sao đó, cho nên đối với ông tưởng chừng như
tất cả các ngôi sao đều cười. Ông, ông sẽ có được những ngôi sao biết cười.
Rồi cậu lại cười nữa.
- Xem như tôi đã tặng ông, thay vì những ngôi sao, hàng đống những cái chuông nhỏ biết cười...”
- Xem như tôi đã tặng ông, thay vì những ngôi sao, hàng đống những cái chuông nhỏ biết cười...”
Thỉnh
thoảng tôi nhìn lên trời đêm và tôi đã thấy khi một ngôi sao cười sẽ như thế
nào.Bởi vì tôi biết những người thân yêu của tôi, những người đã để cái vỏ bọc
nặng nề ở lại, đang ở trên các ngôi sao đó, làm cho chúng lấp lánh và ngân nga.
Những
khi có dịp ngắm hoàng hôn, tôi thường nhớ Cậu Hoàng Con đã từng bảo mỗi khi cậu
buồn cậu đều bắc ghế ngồi ngắm mặt trời lặn, có hôm cậu nhìn tới 43 lần. Ngày
hôm đó hẳn là cậu rất buồn. Trong chuyến du hành của mình, có lần cậu tiếc
không được ở cùng hành tinh với người Thắp Đèn, là vì nó có đến một nghìn bốn
trăm bốn mươi lần mặt trời lặn trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ! Nhưng mà nó bé
quá, không đủ chỗ cho hai người. Cậu tiếc nuối ra đi và rồi cậu trèo lên ngọn
núi cao ngất, la lớn “Tôi cô đơn quá!”. Đó là trước khi cậu gặp con chồn, hay
trước khi cậu được đưa tới giếng nước với cái ròng rọc kêu róc rách. Hay nói
cách khác, trước khi cậu tìm được một người bạn.
Riêng tôi, có đôi lúc tôi ước gì mình có thể được ngắm hoàng hôn 43 lần trong một ngày. Như Cậu Hoàng Con. Vào cái hôm Ba rồi Má mất…
Cám ơn Exupéry vì đã để lại một tác phẩm đi theo tôi từ hồi còn nhỏ đến tận bây giờ. Để lại cho tôi những dòng chữ mà mỗi khi đọc đến, tim tôi vẫn thổn thức:
“Cảnh ấy đối với tôi, là cảnh đẹp nhất và buồn nhất trên thế gian. Nó cũng là cái cảnh ở trang trước, nhưng tôi đã vẽ một lần nữa để bạn nhìn rõ hơn. Chính tại nơi đây cậu hoàng con đã xuất hiện trên Trái Đất, rồi lại biến đi.
Hãy nhìn chăm chú cảnh này cho đến khi bạn chắc chắn rằng bạn có thể nhận ra nó, nếu ngày kia bạn du hành sang châu Phi, trong sa mạc. Và nếu bạn tình cờ đi ngang qua đó, tôi xin bạn, xin bạn đừng vội, hãy nán lại một chút ngay dưới ngôi sao! Nếu bấy giờ có một đứa bé đến bên bạn, nếu cậu cười, nếu cậu có mái tóc vàng óng, nếu cậu không trả lời khi người ta hỏi, bạn sẽ đoán ra đấy là ai. Bấy giờ bạn hãy thương tôi! Đừng để tôi buồn quá thế này: hãy viết thư cho tôi báo rằng cậu đã trở lại…”
Lan Hương
Fort Worth
12/18/2015