Pages

Friday, November 13, 2015

Quỳ ơi, nở chưa?


Có khi nào bạn tỉnh giấc sau một giấc mơ, rồi bàng hoàng cả buổi chỉ vì một màu sắc, một dáng hoa trong cơn mộng mị đã đem bạn về lại những ngày tháng xa thật xa? Có khi nào bạn mơ về một màu hoa đã lâu lắm bạn không gặp lại? Một màu hoa bạn tình cờ thấy trên facebook cách đây ba năm, trong một tấm hình đám cưới của đứa cháu họ, cô dâu mặc áo đầm trắng, cười rạng rỡ, ôm trong tay bó hoa vàng và đàng sau cô là cả một vạt hoa man mác? Khi nhìn tấm hình đó, bạn chẳng chú ý gì đến cô dâu, nhân vật chính trong hình, mà chỉ bật kêu lên “Hoa quỳ!” Thật vậy, đã lâu lắm rồi bạn mới nhìn thấy bông hoa với những cánh hoa vàng mong manh xếp lớp đều đặn chung quanh chiếc nhụy vàng, giống như mặt trời ngày nắng đẹp. Đó là bông hoa quỳ mộc mạc ở thành phố tuổi thơ của bạn. Đó là những mặt trời nhỏ nở rộ ven con đường đi học của bạn, thuở nào.

 Và rất lâu sau này, một hôm bạn bần thần tự hỏi “không biết hoa quỳ đã nở chưa?” khi buổi sáng bạn thức dậy, mở cửa ra sân sau và bạn cảm nhận ngay cái không khí se se lạnh này sao quá đỗi quen thuộc. Cái không khí rất đặc trưng của Dalat vào những ngày cuối năm mà bầu trời sẽ rất xanh, sẽ rất cao, bạn ra khỏi nhà ôm cặp đi học sáng sớm và bỗng dưng nhìn thấy những vệt hoa màu vàng ven đường lấp ló sau màn sương mù mỏng tanh. Ngày đó bạn nhìn hoa quỳ nở và sẽ tự nhủ “Cuối năm rồi, sắp đến Tết rồi”. Chỉ thế thôi. Khi còn nhỏ, bạn chẳng bao giờ chú ý đến những bông hoa quỳ vàng tươi này vì bạn bận rộn với cả trăm điều khác. Hoa quỳ chỉ là một trong muôn vàn đám hoa dại nở quanh nhà bạn. Hoặc chăng bạn sẽ sẵn sàng chặt phăng ngang thân cây, tuốt hết lá, cắt luôn bông hoa tươi rói, biến thân quỳ thành cây kiếm đi đánh nhau với đám anh chị em họ của mình. Khi kiếm tơi tả, cũng là lúc mùi hôi của thân cây bám vào người bạn, nhựa quỳ bắt đầu dây bẩn trên áo, trên quần bạn, nhưng bạn có xá gì. Nếu trận chiến chưa hồi ngã ngũ, bạn lại đi chặt tiếp một cây quỳ khác, cho đến khi áo quần nhoe nhoét màu xanh của thân quỳ, từ đầu đến chân của bạn toàn một mùi hôi hăng hăng của hoa quỳ, và trong đám chiến binh, dăm đứa bắt đầu ho rũ rượi vì phấn quỳ, trận chiến mới thực sự kết thúc. Trong những trò chơi bán hàng bên hông nhà hay dưới gốc cây đào, bạn tìm kiếm những bông hoa bìm bịp màu tím làm bánh bèo, hoa ngũ sắc màu cam làm xôi vò, hoa dâm bụt đỏ giã nát đem trộn với nước làm si rô, những bông hoa nở quanh năm suốt tháng trên hàng rào lên trường Trần Bình Trọng, nhưng bạn chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện ngắt một bông hoa quỳ cho những trò chơi buôn bán không bao giờ chán của bạn. Chỉ vì mùi hôi mà bạn xa lánh nó đấy thôi. Suốt những năm tháng ở Dalat, bạn chưa một lần đi hái những bông hoa quỳ đem vào nhà cắm, nhại theo kiểu “Tournesols” của Van Gogh. Chỉ vì chẳng ai làm thế, bạn cũng chẳng làm thế, và nếu có làm thế, mọi người sẽ nói “Đẹp gì cái thứ hoa dại đó, lại còn hôi ình”. Ấy thế mà hình ảnh cái thứ hoa dại tầm thường ấy lại làm bạn ngẩn ngơ rồi buồn vu vơ khi bạn đã cách xa nó cả hơn nửa vòng trái đất, trong một buổi sáng sớm tinh mơ bạn đứng khoanh tay để cho cái lạnh thấm vào người. Bạn bâng khuâng, bồi hồi đến nỗi một hôm bạn phải hỏi mọi người “Có ai ở Dalat cho mình biết hoa quỳ đã nở chưa?”.   



Chỉ vì một hôm bạn tình cờ nhìn thấy màu hoa quen thuộc nơi cuối góc sân trường trung
Quỳ Texas
học, khi dẫn chó đi dạo. Lại gần, bạn thảng thốt “Á, hoa quỳ!” Đúng vậy, ở cái xứ Texas này, bạn tìm thấy lại đóa hoa thuở nào. Bạn hăm hở nhào vào bụi hoa, ngắt một cành. Chỉ tích tắc sau đó vài giây, tay bạn bắt đầu ngứa râm ran. Nhìn kỹ xuống thân cây, bạn sẽ thấy cả ngàn, cả triệu những cái gai nhỏ li ti. Quỳ Texas nhìn xa trông giống quỳ Dalat, lại gần mới thấy quỳ Dalat hiền lành hơn, nhỏ nhẹ hơn, thân cây trơn láng, không gai không góc. Về nhà, tay bạn bắt đầu nổi những vệt mụn lấm tấm và ngứa điên lên. Bạn nhúng tay vào nước, chẳng ăn thua, bôi kem ngứa, chẳng thấm thía. Rốt cuộc một viên Zyrterc mới trị được những nọc độc của hoa quỳ Texas. Bạn thầm bảo “Quỳ Texas ác thế”. Từ đó, muốn hái quỳ Texas, bạn phải đeo găng tay, cầm kéo và mang theo một cái bao rác cho chắc. Quỳ hái đem vào nhà không còn tươi sắc nữa dù cho bạn có chăm chỉ đổ nước đều đặn. “Tournesols” theo kiểu Van Gogh cứ lả dần rồi héo úa sau khi đã làm rơi rụng không biết bao nhiêu phấn hoa màu vàng xuống tấm lót khăn bàn của bạn. Hoa thiếu ánh sáng nên thế đấy thôi. Sau đó bạn chẳng bao giờ hái hoa quỳ đem vào nhà.  Để cho nó tươi thắm nơi cuối sân trường, dọc đường đi trong park, để cho nó ngạo nghễ vươn lên giữa cái nhiệt độ nhấp nhổm 90 độ nóng gắt, để cho nó khoe những cành lá cứng cáp, dầy dặn, để cho nó tồn tại và để cho bạn nhớ. Mỗi mùa hoa nở, bạn lại nhìn nó bảo “hoa quỳ đây này” và thầm nghĩ đến những bông hoa tương tự như thế ở một nơi chốn thật xa, nơi chốn khi nghĩ về nó, mọi nỗi buồn, mọi mất mát không còn nữa, bạn chỉ thấy lại tuổi thơ trong sáng và bình an của mình. Như sáng nay, khi đứng chờ đèn xanh ở ngã tư, bạn liếc sang một bên và thấy những bông hoa quỳ Texas vẫn kiên trì lấp ló bên cạnh đường rầy xe lửa. Ở đây không có những vạt hoa bạt ngàn để mọi người nhảy bổ vào đứng đủ kiểu đủ dáng chụp hình. Ở đây, muốn ngắm hoa quỳ, bạn phải một mình bạn, đứng trước bông hoa đang đu đưa trong nắng, trong gió, không hái về làm của riêng mà lặng lẽ giơ cái cell phone ra. Không cả selfi luôn vì có thể bạn sẽ ngã tõm vào cái rãnh nước đàng sau lưng khi cố giơ máy ra chụp cả hoa cả bạn.  Vả lại, quỳ bản thân đã đẹp lắm rồi, chẳng cần cái mặt bạn vào làm gì.

Những bông hoa quỳ làm bạn đôi khi nhớ lại hình dáng của Má lom khom chặt cắt những bụi quỳ ven rãnh nước dưới đường để cho vườn tược gọn gàng, ống cống thông thoáng chuẩn bị cho những cơn mưa rào như trút. Bà đội nón, đeo găng, chân đi đôi ủng cao su, tay cầm liềm và lao đi chiến đấu với những bụi quỳ mọc vô trật tự. Hôm nào nổi hứng làm đứa con ngoan ngoãn, bạn sẽ đi theo bà, gom góp những thân cây quỳ bị đốn ngã đem quăng vào hố rác sau vườn để làm phân bón. Khi cùng với Má ra tay triệt hạ bụi quỳ, bạn chẳng bao giờ thắc mắc sao Má không để cho quỳ nở hoa tươi thắm một góc đường. Màu vàng của quỳ ấn tượng lắm chứ. Có thể dạo ấy Má không có tâm trí cho một màu hoa, cho một mùi hương. Những thứ mà khi rảnh rỗi người ta mới nhớ tới. Những thứ chỉ đến sau cơm áo gạo tiền. Những thứ khi trà dư tửu hậu…Mà Má ngày ấy chẳng bao giờ rảnh, chẳng bao giờ bận tâm cho một loài hoa, cho một mùi hương, thật vậy. Mãi đến sau này, khi bước vào tuổi già rảnh rang, bà mới bắt đầu yêu thích những bông hoa trong vườn của bà ở dưới Hal, những bông hoa bà bắt gặp đâu đó trên xứ người gợi cho bà nhớ đến quê hương  xa ngàn trùng. Rồi bà gởi những hạt hoa trong vườn bà cho bạn đem trồng ở một xứ người khác, vì cả bạn cả bà đều yêu một loài hoa đã từng nở tưng bừng rực rỡ nơi bạn sinh ra, những đóa hoa bleuet yểu điệu đủ màu nở ở Dalat, ở Hal, và ở Kokomo. Sau này khi bà đã mất, bạn tình cờ tìm được một vạt bleuet nở tưng bừng ở Dallas, đứng trước những bông hoa tròn xoe xanh hồng trắng tím, bạn bỗng thấy cổ họng mình thắt lại, đau buốt.   

"Hoa quỳ" quảng trường Lâm Viên
Thế rồi cách đây một tháng, trong một tấm hình chụp ven hồ Xuân Hương ở Dalat, bạn thấy một cái gì tròn tròn kỳ cục được xây ở ngay nơi ngày xưa là sân vận động thành phố. Nhìn tới nhìn lui, rồi phải đọc phải đoán, bạn mới khám phá ra đó là quảng trường Lâm Viên mới được thiết kế theo mẫu hoa quỳ. Bạn kêu lên “Đây là hoa quỳ sao hả trời?” khi nhìn cái kiến trúc rất chi ư kỳ quặc đó. Đúng là mỗi người có một cái nhìn riêng về loại hoa này, nhà kiến trúc đã nhìn hoa quỳ ra như thế rồi cứ thế mà xây lên. Mà cũng nhờ thế bạn mới được biết Dalat lấy hoa quỳ làm loại hoa tượng trưng cho thành phố. Chẳng phải lan hay hồng hay mai, mà là đóa hoa dại mọc vất vưởng bất cứ chỗ nào, từ hàng rào, đến dọc cống rãnh, trải dài trên những triền đồi, tưng bừng bên những con đường đất bụi đỏ. Có lẽ vì quỳ chẳng đòi hỏi gì nhiều để mà sinh sôi nảy nở, một chút nắng ấm, một chút gió lạnh, một chút đất ẩm, thế là đủ cho loài hoa nhiều cánh màu vàng này bung ra, mạnh mẽ và hoang dã.

Hay thật đấy, cái bông hoa dại ngày nào chẳng ai chú ý, lại còn bị đám học sinh ra sức triệt hạ để làm phân bón trong những giờ lao động, bây giờ được mọi người lao đi săn đón. Trên facebook tràn ngập những mẩu tin đại khái như “Những cung đường hoa dã quỳ đẹp nhất Dalat”, “ Dã quỳ nở, kéo dân săn ảnh về Dalat”, “Chuẩn bị máy hình nhé, dã quỳ nở rồi” vân vân…Và bạn đâm ra ngỡ ngàng cộng với hụt hẫng. Dã quỳ ư? Từ ngày xưa đến tận bây giờ, bạn chỉ gọi những bông hoa trông giống mặt trời ấy là hoa quỳ, đơn giản thế thôi. Không hiểu sao cái tên dã quỳ làm cho bạn liên tưởng đến một cái tên Hán ngữ ngoại lai nào đó và bạn thật sự không thích tí nào. Mà quỳ đâu phải của riêng mình bạn? Những con đường ngập hoa quỳ đâu phải của riêng mình bạn? Quỳ trong tâm tưởng của bạn mới chỉ là của một mình bạn mà thôi, hoa quỳ trong kỷ niệm của bạn mới chỉ riêng là của bạn mà thôi. Thế nên nếu nhìn thấy hình ảnh hoa quỳ được chụp dưới một ống kính lão luyện, khoan hãy vội thất vọng. Mắt bạn làm sao bằng mắt ống kính được? Ống kính chỉ cho bạn thấy một màu hoa quá tươi, một thân cây quá hoàn hảo, trên một khung cảnh quá tuyệt vời. Quỳ của bạn là những cánh hoa thật đơn giản, thật khiêm tốn, nở lặng lẽ nơi cuối vườn, run rẩy theo cơn gió heo may nơi đầu dốc, rũ rượi dưới một trận mưa nơi góc rào, mờ ảo trong màn sương trắng những sáng tinh mơ. Quỳ của bạn khoe sắc vàng trên nền trời xanh, trên nền lá xanh, và với đôi mắt trần của bạn, chẳng cần ống kính hay photoshop, bạn vẫn cảm nhận được màu hoa thật sự và mang nó đi theo bạn suốt cuộc đời. Vì bạn đã sinh ra và lớn lên với hoa quỳ vàng mỗi độ đông về, với hoa mai man mác hồng ngày Tết, với phong lữ thảo đỏ thắm một góc vườn nhà trên đường Lê Lai, với màu nắng vàng xuyên qua rừng thông, và với tiếng lá reo trên triền đồi. Chỉ có thế cũng đủ để màu vàng hoa quỳ theo bạn đi mãi đến tận bây giờ, xuyên qua bao nhiêu năm với tháng, xuyên qua bao nhiêu dặm với đường, đi qua biển cả, đi qua núi non. Cũng đủ để cho một buổi sáng thức giấc, cảm thấy cái không khí se lạnh của Dalat, nhìn bầu trời xanh ngắt chớm thu của Texas, bạn thầm thì cho chính mình “Quỳ ơi, nở chưa?”




Lan Hương

Fort Worth 11/13/2015

1 comment:

  1. Rat tuyet voi hoa quy Dalat , to chua thay noi nao khac co dung loai hoa do!

    ReplyDelete