Thế là lão phắn thẳng về Việt Nam. Tôi mừng, như trút được gánh nặng, dù trong lòng vẫn cảm thấy một chút ấm ức. Trước khi lão được “phép” cho về, lão làm trận làm thượng với cả nhà. Lão đi ra đi vào, mồm lải nhải “Về Việt Nam ta có tự do, là la lá, về Việt Nam ta có tự do, lá la là”. Chỉ để chọc tức tôi. Tôi làm ngơ, không nói năng gì. Lão giở trò bẩn, ra đứng tè vào giữa bãi rau thơm xanh ngắt. Đến nước này thì tôi không nhịn được nữa. Tôi bảo con “Mua vé cho bố mày, để lão đi cho khuất mắt tao!” Vé chưa kịp đặt, một tối tôi nhìn dáng lão gầy xơ xác, ngồi lom khom đọc báo, tự dưng buột miệng “Khổ, không biết sức khỏe thế liệu có chịu nổi chuyến đi hay không, xa chứ có gần đâu”. Lão lập tức quăng tờ báo, quắc mắt chỉ tay vào mặt tôi “Tao đập vỡ cái mặt mày! Mày cấm không cho tao đi hả? Mở cái miệng thối của mày ra để cản tao hả?” Tôi ngỡ ngàng nhiều hơn là giận dữ. Mà tôi có ngăn cản gì lão, lão cứ việc đi về Việt Nam làm phước, tôi mặc kệ. Phước phần gì ở đây, tôi biết chứ, chỉ là cái cớ. Lão bảo tôi “Mình nói về Việt Nam làm từ thiện, đi đi về về nhiều lần thì tụi CIA với FBI không nghi ngờ gì mình”. Bố khỉ. Lão có cái gì mà CIA phải theo dõi ngoại trừ cái bệnh hoang tưởng của lão? Tôi muốn chỉ chửi đổng lên một tiếng. Đã từ lâu đầu óc lão đã có vấn đề, tôi không dám đi cùng lão đến chỗ đông người, phát xấu hổ lên được. Lão oang oang kể những câu chuyện trời ơi đất hỡi để rồi mọi người nghe xong nhìn vào giữa mặt tôi ra điều ái ngại. Tôi không cần những sự thương hại đó. Đạo vợ chồng dạy vui buồn có nhau, sướng khổ có nhau, lấy nhau thời son trẻ, ở cùng nhau đến tóc bạc răng long, dù cho tôi gần phát điên theo lão. Bác sĩ của lão bảo tôi “Nếu là bệnh ung thư, bệnh lao, bệnh phổi, mọi người sẽ hết sức nâng niu người bệnh, chìu chuộng người bệnh, cưng như trứng hứng như hoa. Riêng bệnh của chồng bà làm cho người ta chỉ có ghét, có bỏ, chứ không thương nổi”. Thật vậy. Lần cuối cùng đi với lão đến thăm người bạn, vừa ra khỏi cửa nhà bạn, lão đã quát tôi “Bạn bè gì cái thứ này? Thằng chồng là CIA, mắt mũi láo liên, suốt buổi ngồi nấp trong góc nhà rình mò tôi. Rồi đấy, xem nó tâu hết lên với chủ nó đấy. Tôi cấm bà từ nay không được lai vãng tới nhà chúng nó, không được mời chúng nó đến nhà này!” Tôi chẳng buồn cãi. Đã từ lâu nhà tôi không có khách khứa gì cả, tôi dám mời ai đến? Còn ai dám đến nhà tôi? Tôi im lặng nuốt cục giận vào bụng, nghĩ công tôi đốt nhang thắp khói suốt ngày, tụng kinh từ trong tâm, thành ra lời, không vì câu nói của lão mà buông tất cả. Tôi biết thừa lão mong về Việt Nam “làm việc thiện” chẳng qua có con cháu bá vơ nào đó của đứa học trò ngày trước của lão, nó bảo “Thầy về đi, con sẽ chăm sóc thầy”. Thế là lão một hai đòi lên đường. Lão văn vẻ bảo tôi “Đang đi giữa đường đời, ngơ ngẩn bước một bước, dừng một bước vì dòng xe cộ xuôi ngược tất bật, có người khoác tay mình dẫn qua đường, tình cảm thật đáng quý biết bao!” Ừ thì cứ việc khoác tay lão, dẫn dắt lão đi, tôi cóc cần. Nhưng khổ nỗi cái đứa khoác tay lão là cái con bé tào lao, nó biết lão nhẹ dạ nên bám theo lão moi cho bằng sạch. Nó biết lão mê tín dị đoan hay đi coi bói, nó dẫn lão đi bói quẻ, bà thấy bói chỉ thẳng vào nó nói với lão “Cái cô này kiếp trước là con của ông. Ông bỏ bê nó, đời nó khổ lắm, kiếp này ông phải trả cho nó nếu không ông sẽ chết bất đắc kỳ tử”. Thế là lão có bao nhiêu đồng giao hết cho con thần nanh mỏ đỏ để trả nợ kiếp trước. Khi nó vét hết tiền của lão, nó mặc xác lão, để cho lão lang thang khắp nơi chỉ với một chai nước lạnh, một ổ bánh mì khô. Thiên hạ biết chuyện nói cho tôi nghe, tôi cười khà khà “Không cái ngu nào giống cái nào! Thôi kệ ông ấy, miễn ông ấy vui vẻ là được”. Tôi là vợ mà lão còn đòi đấm vào mặt tôi thì tôi có nói bất cứ điều gì phải trái, liệu lão có nghe? Lão về Việt Nam ngày hôm trước, hôm sau tôi lấy hết can đảm mở cửa vào phòng lão và xém chết ngạt! Căn phòng hôi nồng lộn tùng phèo quần áo dơ quần áo sạch, nền nhà vương vãi giấy rác trộn lộn, giường nằm trơ tấm nệm ố vàng, không trải drap, chăn mền gối quấn một cục, sàn nhà cáu ghét đi vào rợn cả chân. Đã từ lâu tôi từ chối không giặt quần, giặt áo gì cho lão. Tôi mặc kệ lão vì lão dở hơi, tôi có cố làm bất cứ điều gì lão cũng không bằng lòng, ngược lại đem đủ mọi chuyện ra chì chiết tôi. Thậm chí tôi còn không muốn nấu cho lão ăn nữa kia, nhưng vì con gái, vì thể diện gia đình phải có đông đủ vợ chồng con cái, nên thôi, ngày 2 bữa cơm tôi nấu cho tôi, nấu thêm tí gạo đủ cho lão một chén, cũng không mệt nhọc gì. Chị bạn của tôi có ông chồng cũng bị chạm thần kinh như lão, nhưng chị ấy bảo chồng em còn tệ hơn anh nhà chị, ông ấy không tắm rửa hàng tháng trời, đầu tóc không cắt, râu ria không cạo, cứ như kẻ đầu đường xó chợ, phòng ốc ông ấy chuột chạy vù vù, gián bò tung tóe. Một hôm hai vợ chồng cãi nhau, chị bạn giận quá bảo sẽ ly dị, ông chồng nói thằng thừng “Muốn ly dị thì đi xuống âm phủ mà ly dị!” Chị bạn tôi cười khẩy, dọn quần áo ra khỏi nhà. Mấy ngày sau quay trở lại lấy thêm đồ thì khám phá ra ông chồng đã uống thuốc tự tử, chết cứng. Chị bạn tôi chết dở sống dở với cái câu “xuống âm phủ” đến tận bây giờ. Đúng là người đâu mà ác thế, đến chết cũng còn không tha cho người sống. Thôi, tôi chẳng tội gì mà chọc vào lão nhà tôi. Mặc xác ông ấy.
2. Hai
Trời mưa bão ba ngày nay không dứt. Nhiệt độ tuột xuống, đang nóng như lửa chuyển sang lạnh lẽo. Bầu trời xám màu chì, sương mờ một góc vườn. Tôi ngồi nhìn ra cửa kính và nhớ Dalat da diết. Tôi chỉ mới đi khỏi Việt Nam có ba tháng mà tôi đã muốn quay về rồi. Về ngay lập tức ấy chứ. Biết thế này tôi đã không sang đây. Biết thế này tôi đã không bỏ hết ở Việt Nam để cắm đầu qua cái xứ sở xa lạ này làm gì. Cái thân ăn nhờ ở đậu tủi thân trăm đường. Chẳng ai nói cho tôi biết sự thật. Mọi người dấu diếm nói điêu, nói quàng làm tôi hoang tưởng. “Nhà này bây giờ như cái trại tị nạn!” bà ấy lu loa với mọi người như thế trước mặt tôi. Tôi uất nghẹn tới tận cổ. Thì ra tôi bây giờ không khác người tị nạn là bao, nhỉ? Tôi biết thế mà. Thôi thì vì con, tôi phải cắn răng lại. Giá như nó được như con chị, chồng con đàng hoàng, nhà cửa ấm êm thì tôi đâu đến nỗi phải khổ với nó như thế này. Đàng này nó dang dở một đời chồng, hơn bốn mươi mà đời nó vẫn chưa ổn định. Tôi đi theo giúp đỡ cho con, cùng lúc mang nỗi nhục ăn nhờ ở đậu với con. Tôi trách bà ấy mười thì cũng tự trách mình hết chín. Vì nhẹ dạ, vì cả tin. Bà ấy gọi điện thoại nói với tôi, vì việc lớn, có cần phải bán nhà, vứt đồ vứt đạc thì cũng làm đi, đừng có tiếc cái gì hết. Chúng tôi nghe theo, mớ bán đổ bán tháo, mớ đem cho không. Riêng cái nhà tôi đem giấy tờ giao cho con chị, dặn nó khi nào mẹ gọi, con đem giấy tờ nhà đi bán, chuyển tiền sang cho mẹ. Tài sản cuối cùng của tôi, tôi chẳng tiếc. Số tôi không có nhà, tôi đi xem bói mười người nói như một. Khi tậu căn nhà này, tôi hỉ hả đám thầy bói nói mò, ngờ đâu tôi trắng tay thật. Tôi cố hình dung ra khuôn mặt bà ấy lúc nghe tin chúng tôi được Mỹ cho sang một năm, tôi thật muốn cười phá lên cho hả dạ. Bà ấy không ngờ chúng tôi đi được nên nói hươu nói vượn, nói thánh nói tướng. Ai ngờ chúng tôi đến bấm chuông cửa nhà bà ấy, bà ấy mới té ngửa. Và tôi cũng té ngửa theo vì chẳng có tí gì giống như bà ấy đã hứa với chúng tôi. Tôi đành chịu, đã bước chân đến đây rồi, ở cũng dở mà về cũng dở. Dưới cùng một mái nhà, đi ra đi vào chạm mặt nhau, những lúc vui không nói, những khi buồn bực, thật khó chịu. Trước mặt tôi, bà ấy với con xổ tiếng Anh tràng giang đại hải, tôi ngồi nghe như vịt nghe sấm. Tôi hiểu họ đang nói về mình đấy thôi, chỉ có nói xấu nhau mới phải dùng đến ngôn từ thứ hai như thế. Mặt mũi tôi đỏ phừng phừng nhưng tôi chẳng làm gì được cả. Tôi trốn tránh không khí nặng nề trong nhà bằng cách ra làm vườn. Tôi trồng được cây mướp, hoa vàng ra mơn mởn, ong bướm bắt đầu kéo đến và tôi hồi hộp chờ những trái mướp đầu tiên. Một hôm ra vườn tôi phát khóc khi thấy những bông mướp vàng bị bứt sạch vứt la liệt dưới đất. Ông chồng bà ấy trả thù vặt bằng cách phá tan hoang vườn rau của tôi. Bây giờ ông ấy đi rồi, tôi bắt đầu lại từ đầu bằng cây tía tô với ba cái lá bé xíu, bằng cây rau kinh giới èo uột dưới cái nắng bỏng gắt của Texas, bằng cây rau răm ngắc ngoải chìa ra bốn cái cành nhỏ như que tăm. Một ngày tôi đi ra đi vào năm mười bận chỉ để ngắm chừng đó cái lá trong vườn rau của tôi. Cho qua ngày….Nghĩ đến những tháng mùa đông sắp tới, trời lạnh không ra khỏi nhà được, tôi rùng mình muốn đổ bệnh. Cô em họ hứa cho tôi một chậu cây trồng trong nhà. Tôi sẽ bám vào đó cho qua từng giờ, từng ngày ở xứ người.
Tôi khóc hết nước mắt vì bố vì mẹ. Ai là con một mới hiểu được gánh nặng trách nhiệm đè trên vai tôi làm tôi chìm nghỉm đến mức nào. Tôi làm sao quên được những năm tháng đầu đặt chân đến Mỹ, tôi vô tư chỉ có việc cắp sách đến trường, để toàn bộ chuyện mưu sinh cho bố mẹ tôi lo. Cả hai quyết không cho tôi biết tình cảnh khó khăn, chật vật trong nhà, chỉ hối thúc tôi học cho thật giỏi. Tôi làm theo, rất vô tư trên mọi nỗi lo âu của bố, của mẹ. Rồi khi cả nhà chuyển về Houston, tôi cũng chỉ biết cắm đầu vào sách vở, học đến mụ mị người ra. Mẹ tất bật, bươn chải với tiệm làm móng tay, tôi chẳng giúp được lấy một ngày. Bây giờ bố mẹ đã già, tôi đã có công ăn việc làm, chuyện tôi lo cho cả hai người là việc đương nhiên. Lắm lúc tôi cũng giận mẹ vì mẹ chen vào đời sống riêng của tôi nhiều quá. Nhưng nhìn khuôn mặt bà, nhìn mái tóc bạc trắng của bà, tôi không đành lòng. Hôm nọ đang làm việc thì tôi bị gọi về nhà ngay giải quyết chuyện bố tôi khăng khăng đòi lái xe, mẹ tôi ngăn cản không được. Trời mưa như trút, bà nhảy ra khỏi nhà đứng trước mũi xe cản không cho ông lái, nhưng ông nhất định một hai phải đi cho bằng được, ông nhăm nhăm vào bà lao xe tới, bà hết hồn nhảy sang một bên, ông phóng xe chạy biến, bà hổn hển vào nhà gọi cho tôi. Tôi phải bỏ hai ba cuộc hẹn tiếp theo, về nhà để thấy mẹ mình ướt sũng từ đầu xuống chân, nước chảy tong tong, ôm ngực ho sù sụ, con bé con sợ sệt đứng nép trong góc nhà nhìn mọi người, còn bố thì đã đi mất biệt. Tối hôm đó tôi quyết định tịch thu bằng lái xe của ông, đem cất đi. Rồi ông bắt đầu giấm giẳn với tôi, bóng gió rằng tôi là đứa con bất hiếu, cột chân ông trong nhà, không cho ông tí tự do nào. Tôi biết ông khó chịu lắm chứ, nhưng giữa chuyện để cho ông cảm thấy bị tù túng với chuyện ông lái xe tông người ta, tôi đành phải đánh lờ đi thôi. Rồi ông quấy rầy mẹ, đòi về Việt Nam. Mẹ khăng khăng không cho ông về, sợ ông bị kẻ xấu lợi dụng lột hết tiền, sợ ông bệnh tật không ai chăm sóc. Hai người cãi nhau như cơm bữa. Làm con đóng vai trung gian giảng hòa mãi tôi phát điên. Tôi mệt mỏi nói với mẹ, cho bố về đi, hàng tháng con gởi tiền cho bố, bố có dại để cho người ta lấy hết thì bố ráng chịu, con không thể làm gì được hơn. Tôi quá mệt với lịch trình làm việc dài dằng dặc của mình, một ngày hơn 10 tiếng, một tuần hết 6 ngày. Mọi người hỏi tôi sao làm nhiều thế, tôi cười trừ. Thà tôi vắt mồ hôi ra ở đây còn hơn về nhà để thấy những khuôn mặt không vui vẻ quanh mình. Tôi cốt hành xác mình để khi tối về đến nhà, tôi chỉ còn sức lết vào buồng tắm rồi thả người trên tấm nệm. Lắm tối tôi bỏ ăn, mẹ lo lắng, những người khác nhìn tôi dò hỏi. Nhưng thôi thà vậy đi, chứ ở trong nhà, tôi không chịu nổi cái không khí tù túng, không khí của những con người bất mãn lẫn nhau, bất mãn chính bản thân mình. Đôi khi tôi cảm thấy chính xác bố tôi nói gì khi ông tuyên bố ông không có tự do.
4. Bốn
Tôi sang đây gần 3 tháng,
vẫn quanh đi quẩn lại trong nhà. Tôi thấy bức bối, cuồng chân quá nhưng chẳng biết
phải làm sao. Ở cái xứ này không biết lái xe thì đúng là như bị treo chân, chẳng
làm gì được. tôi đã lên online học thi bằng viết, đến khi thi bằng thực hành
thì tôi bị đánh rớt cái oạch. Tôi lạ nước lạ cái, không biết nhờ vả ai dạy lái
xe, đọc trong báo quảng cáo dạy người lái xe 400.00, tôi bèn nhấc máy gọi. Ông
ta mang xe tới dạy tôi được đúng 10 tiếng 10 ngày rồi bảo tôi ghi tên đi thi. Tôi
năn nỉ ông ấy dạy thêm cho tôi mấy tiếng nữa, tôi sẽ trả thêm tiền. Ông ấy vặc
lại liền “Ngồi bên cạnh cho cô lái có mà chết sớm ấy à?” Khi tôi báo cho bà cô
họ tôi sắp đi thi lái xe, bà ấy nhảy dựng lên “Không có ai mới học có 10 tiếng
mà thi được cháu à” rồi bà ấy lôi tôi về nhà nhờ ông chồng dạy thêm cho tôi được
8 tiếng nữa. Nhưng vẫn không đủ. Tôi biết vậy, bà cô họ tôi biết vậy. Nhưng đã
trót ghi tên đi thi, tôi gồng mình. Khi tôi báo cho bà ấy biết tôi thi rớt, bà ấy
an ủi “Ồ, bạn cô ở đây mấy năm đi thi 3 lần mới đậu, cháu đừng lo”. Tôi không
lo, tôi chỉ muốn thi cho đậu để tôi có thể đi làm, để tôi có thể thoát ra khỏi
cái nhà này. Tôi không phải là đứa vô ơn, nhưng thôi, ở nhờ ăn nhờ đến một lúc
nào đó rồi tôi phải tự lực cánh sinh chứ. Làm sao tôi có thể níu áo em họ tôi
mãi được? Làm sao tôi có thể chịu mãi được cảnh tiếng bấc quăng đi tiếng chì
ném lại mãi? Tôi mang ơn em họ tôi, nhưng tôi nào có muốn làm gánh nặng của nó?
Lắm lúc cục tự ái nổi lên, tôi muốn bỏ
quách mọi thứ đi về Việt Nam lại, nhưng rồi tôi nén lòng. Tôi đã đi được xa đến
mức này rồi còn gì, không nên đánh đổi tương lai của con mình bằng những chuyện
tự ái hão như vậy. Tôi dặn mình hàng trăm lần, hàng ngàn lần “Hãy nhẫn nại” hay
là như bà cô họ tôi nói “Nín thở qua sông”. Tôi sẽ nín thở, cho dù tôi có chết
ngạt, tôi cũng sẽ cố nín thở qua sông. Vì con tôi. Tội nghiệp thằng bé. Sang
đây bị vứt cái đùng vào lớp hai, tiếng Anh lõm bõm, nó cũng khổ mà tôi cũng đến
khổ. Mấy ngày đầu mẹ con bà cháu lội bộ hơn 2 miles đi học, một ngày 4 lần cho
tôi, hai lần cho nó. Mẹ con tôi muốn tắc thở. Sau nhờ ông chồng của em họ con
tôi mới được xe buýt đến đón đưa. Tôi mừng hết lớn và coi đó như là một điều
thuận lợi đầu tiên của mình trên xứ người. Hàng ngày tôi ngồi lần giở những tờ
báo tiếng Việt cho không vứt đầy ngoài chợ, ráng tìm có công việc gì thích hợp
cho mình không. Hôm nọ bạn của cô họ tôi có dẫn tôi đi giới thiệu tìm việc làm.
Có việc đó nhưng tôi không có xe cũng chịu chết, thêm nữa họ bảo làm từ trưa đến
nửa đêm. Giờ giấc này thì tôi không thể làm được. Buổi tối tôi phải kèm thằng
nhỏ học thêm, không có tôi kèm, nó sẽ ngồi chơi lông bông với cái ipad, rồi lơ
tơ mơ chẳng học hành gì cả. Tôi không thể tưởng tượng nổi chuyện con nít không
có người dạy kèm. Thằng nhỏ đã không có cha rồi, tôi một người đóng hai vai, vừa
là mẹ vừa là bố, vừa quát vừa xoa. Đến khổ cho tôi, khổ cho con tôi. Nhưng tôi
đã quyết chí chọn con đường này, tôi sẽ đi tới cùng. Tôi sẽ chứng minh cho moi
người biết là tôi có thể làm được. Tôi chỉ mong có một cơ hội được gặp gỡ người
nào ở đây để tôi có thể chính thức ở lại, rồi sau đó tôi sẽ ổn định đời mình. Nhìn
tóc mẹ tôi bạc hàng ngày, lòng tôi cũng xót xa lắm chứ. Tôi biết mẹ đang ngộp
thở nhưng mẹ ơi, vì con “hãy nín thở qua sông” lúc này.
5. Bé con
Lan Hương
Fort Worth (11/03/2015)
No comments:
Post a Comment