Bà vừa mới đóng cánh cửa phòng tắm lại, lật
cái bàn cầu xuống, bắt đầu kéo lưng quần thì nghe ông hét lanh lảnh ngoài phòng
khách:
-
Nó té kìa! Bà ngoại đâu rồi?
-
Ông không đỡ nó lên được à? –
Bà tuyệt vọng hỏi với ra, tay vẫn còn cầm cạp quần.
-
Cháu té thế kia mà BÀ ĐÂU RỒI?
– ông hét to hơn và tiếng con bé bắt đầu gào lên, có lẽ giọng thét muốn vỡ nhà của ông làm nó hoảng kinh hơn là
cú té đập mặt xuống tấm thảm dầy dặn.
Bà lật đật kéo quần lên rồi mở cửa:
-
Bà ra đây, bà ra đây. Ôi, chết
chết, cháu bà té đau ở đâu?
Ông ngồi vắt vẻo trên ghế, bình chân như vại, thản nhiên giở
trang báo. Con bé chạy chơi vấp tấm thảm có té thật nhưng nó đã tự đứng lên, miệng
vẫn còn ngoạc ra, mắt sợ sệt nhìn ông.
Bụng bà thắt lại, nhức nhối. Hơn nửa ngày rồi bà không có thì giờ
vào phòng tắm làm cái công việc rất chi ư là thiết thực: đi tiểu. Hễ mỗi lần bà
rời con bé ra, nó không ngã thì lại vói lên mặt bàn chụp lấy bất kỳ thứ gì ngay
tầm tay, hoặc lăm le đòi trèo lên ghế, lên bàn. Bà không cách gì gởi nó cho ông
để chạy nhoáng nhoàng vào phòng tắm. Như mọi ngày, ông ngồi ở ghế sa lông, tay
cầm tờ báo đọc chăm chú, hoặc dính mắt vào cái tivi xem chương trình động vật
hoang dã. Thỉnh thoảng ông cũng liếc nhìn con bé rồi hô hoán lên, nhưng nếu nó có
té ngay trước mặt ông, ông vẫn tỉnh bơ ngồi gọi bà chứ đố hòng ông đứng dậy đỡ
cháu. Bà biết thế nên đành tự nhủ thôi ráng nhịn, chờ khi nó đi ngủ rồi hẵng
hay. Bà đã nghĩ đến chuyện hay chính bà mặc tã để không phải chạy ra chạy vào
phòng tắm mất công mà chẳng được gì. Cuối tuần này đi chợ, chắc chắn bà sẽ đi
mua tã loại dành cho người già lớn tuổi dùng.
Con bé lên hai, cái tuổi phá như giặc, tay chân lúc nào cũng quơ
loạn lên. Nó như một trái banh, nảy tưng tưng khắp nhà. Lúc nó ngủ, “trái banh”
mới chịu nằm yên một chỗ và bà mới được ngồi thở một chốc. Khi nó tỉnh dậy, dù muốn
hay không bà cũng phải quay vù vù khắp nhà theo cháu. Không theo nó sát như thế,
nó lại leo tót lên lầu, leo luôn lên bàn thờ của bà, một tay lật úp mấy bát
nhang xuống nền thảm chơi, tay kia lấy mõ gõ boong boong lên đầu Phật thì đến
là phải tội cả bà cả cháu.
Bà tội nghiệp nó ốm yếu. Lúc mới sinh, con bé bị hẹp ống thực quản,
ăn uống khó khăn. Nhưng chỉ mấy tháng đầu thôi, bây giờ dù cho bác sĩ hay bố mẹ
nó có bảo với bà cả trăm lần là ống thực
quản của nó đã bình thường, bà vẫn chẳng tin. Tin gì cái lũ bác sĩ đầu óc như
ngỗng như ngan ấy? Chỉ cần nhìn con bé ăn uống là phải biết nó không bình thường
chứ? Đời thuở nhà ai lên hai mà nó không ăn hết nổi lưng chén cơm, đấy là bà đã
kiên nhẫn cầm chén chạy theo nó như đèn kéo quân từ phòng trong ra phòng ngoài,
từ nhà trên xuống nhà dưới, cả hai tiếng đồng hồ ròng rã. Chẳng được mấy muỗng
vào miệng. Bà sốt ruột sợ cháu đói, đành “ăn gian”, pha bình sữa thật đặc, ép
con bé uống. Sữa có đầy đủ chất bổ, bà không lo. Cơm canh mình nhìn vậy chứ chẳng
bao nhiêu chất vào người. Còn cái khoản thịt cá thì ôi thôi, con bé có chịu ăn
đâu, nhét miếng thịt gà vào miệng, nó ngậm chặt lại, chạy loăng quăng năm mười
phút, quay về nhả toẹt ra trước mặt bà, nguyên miếng. Bà đem thịt xay nhỏ nấu
cháo, đút vào miệng nó, nó liền phun phèo phèo ra, cả cháo cả thịt bắn lên mặt
bà. Bà giận điên nhưng thấy khuôn mặt xinh xắn nhìn bà cười hả hê, bà chẳng nỡ
la cháu. Một hôm cáu tiết, bà quát lên,
thế là mẹ con bé bực dọc ra mặt:
-
Tại sao cần phải to tiếng với
nó chứ? – Bà im bặt, không muốn đôi co với con vì có một lần bố mẹ nó đang cãi
nhau, con bé chạy tới bám chân mẹ bị lãnh luôn một cái phát vào mông tê điếng
mà chẳng hiểu tại sao, bà trông thấy mà xót trong lòng.
Thấy cháu mình nhỏ người so với những đứa trẻ cùng tuổi, bà lo lắng
lắm. Ban ngày nó chẳng nhét được bao nhiêu đồ ăn vào bụng, nhất là thiếu chất đạm,
nên đêm đến nó ngủ không yên giấc vì đói. Bà thương cháu, biết rằng với cái tuổi
này, chuyện ăn đêm là không cần thiết, nhưng bà vẫn đánh thức nó dậy hai lần
đem bình sữa cho con bé bú. Nó con nít, bú xong quay ra ngủ liền, bà lớn tuổi rồi,
đã thức thì khó lòng ngủ lại. Vừa mới chợp được mắt, dỗ được giấc ngủ thì cháu
bà ú ớ, bà lại quáng quàng ngồi dậy đi lấy bình sữa khác đưa cháu. Đêm này sang
đêm khác, bà gần như thức trắng. Có bữa bà đang ngồi ăn trưa, mắt tự dưng díp lại,
bà thiếp đi ngay trên bàn ăn, tay vẫn còn cầm đôi đũa. Ông la lên:
-
Này, làm cái gì thế?
Bà mở choàng mắt, nhìn thấy chén cơm trên tay mình đang chực tuột
đổ xuống đất, còn đôi đũa đã rơi từ lúc nào. Bà thẫn thờ lượm đũa cầm chén, và
nốt chỗ cơm vào miệng, ăn cho qua bữa, chẳng ngon lành gì. Bà thèm được ngủ một
giấc 24 tiếng đồng hồ, không ai làm phiền, không ai đánh thức, không ai kêu réo
bên cạnh. Có lần bà nói thế với con gái, nó quát lại:
-
Con bảo mẹ để gởi nó đi nhà trẻ
mẹ không cho, bây giờ mẹ than thở cái gì?
-
Gởi cái gì mà gởi? Tao nuôi
không hơn nhà trẻ à? Ở nhà trẻ cả đống con nít dơ bẩn, đứa này trét nước mũi
lên đứa kia, tởm! Tao đã bảo là để tao coi nó. Mày không phải lo.
Đúng thế, nhà trẻ sao bằng bà. Một cô giáo nhà trẻ coi đến 6, 7
đứa, mắt mũi đâu canh chừng từng đứa một. Đàng này bà ở nhà rảnh không làm gì thôi
thì coi cháu cho con gái mình nhờ. Đầu tiên hết là không phải tốn tiền gởi. Giời
ơi, có rẻ đâu, tốn tỉ tiền mà đứa nhỏ không được chăm nom kỹ càng thì đem con
đi gởi có phải là hành nó không? Nhà trẻ ấy à, một đứa đau là chừng đó đứa còn
lại trước sau gì cũng lây bệnh. Mà có phải con ai cũng sạch sẽ như cháu bà, đừng
tưởng nhìn tóc vàng mắt xanh, mặt mũi như thiên thần thế mà sạch nhé, chí rận đầy
người đấy. Ôi thôi, nói tới cái nhà trẻ, bà nghĩ ngay đến một ổ bệnh lúc nhúc
vi trùng, chí rận chạy lung tung. Nhắc đến chuyện sạch sẽ, bà chợt nhớ mấy hôm
nay tay bà đau nên không cách gì tắm cho con bé được. Tóc nó đổ dầu ra, bết vào
nhau từng lọn, người nó trộn lộn mùi
chua lè của sữa đổ, của mồ hôi, của cái tã nặng trĩu mà bà chưa kịp thay. Hôm
qua bà có bảo mẹ nó nhưng mẹ nó bận đi học piano, nên quấy quá:
-
Ờ, khi nào mẹ tắm được cho nó
thì mẹ làm, nó cũng chẳng ra đường gặp ai nên không sao đâu.
-
Con xem có bộ đồ nào sạch không
thay cho nó hộ mẹ tí.
-
Làm gì còn bộ nào sạch? Cả tuần
nay có ai giặt đồ đâu? Thôi mẹ mặc đỡ cái áo hôm qua này cho nó vậy. Không dơ lắm…
Đành tạm lấy khăn ướt lau
cho nó rồi thay cho nó bộ đồ, khi nào tay hết đau, bà sẽ tắm cho nó. À, mà con
gái bà có biết tắm cho con đâu? Bà quên mất. Từ hồi con bé được sinh đến giờ, mẹ
nó chưa bao giờ tắm con, ngay cả thay tã cho con cũng vậy. Mà đấy là tại bà. Bà
sợ con gái bà làm việc nhà thêm mệt, hôm sau không thức dậy đi làm nổi. Thế nên
bà dành cả phần thức đêm thức hôm với con bé, thêm phần tắm rửa, cho ăn cho uống
nữa. Con gái bà đi làm về, chỉ chơi với con được khoảng một tiếng thì cả hai
lên giường. Bà cũng vội vàng vào giường theo, vì bà biết, hai giờ sáng con bé sẽ
đánh thức bà dậy, rồi bốn giờ sáng, nó sẽ réo bình sữa thứ hai. Ừ, có bà bên cạnh,
con gái bà đi làm yên tâm hơn. Giao con cho bà chắc chắn là hơn giao con cho
người lạ nuôi rồi, phải thế không? Con bà chỉ việc đẻ con, phần còn lại bà lo tất.
Bà có mệt một tí nhưng giấc ngủ của con gái bà quan trọng hơn. Nó là người làm
ra tiền duy nhất trong cái nhà này, gánh nặng trên vai nó đã oải lắm rồi, giúp
cho con được tí nào, bà cảm thấy yên lòng tí đó.
Con gái bà rất nghe lời bà. Lúc mới lấy chồng, bà bảo nó, chẳng
tội vạ gì về ở nhà chồng, nó có hai đứa con riêng, mày lấy nó rồi về hầu nó đã
đành, còn làm mọi cho con nó nữa a. Từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ, có khi nào mày
động móng tay móng chân cơm nước cho ai đâu. Thôi cứ ở nhà mẹ, cơm tao lo, nước
tao rót, không sướng à. Nó nghe theo. Đến bây giờ hai vợ chồng nó chỉ gặp nhau mỗi
hai ngày weekend mà thôi còn thì suốt tuần nhà ai nấy ở. Mới đầu nhìn thấy cũng
kỳ kỳ, nhưng vợ chồng nó không lấy thế làm phiền thì thôi chứ. Khi con gái bà
sanh con, bà bảo liền, để tao nuôi! Chồng nó không phản đối, biết rằng có mở miệng
ra cũng không lại mẹ con bà. Mà tự dưng bà không thích ông con rể này tí nào. Mỹ
đấy nhưng mà hỗn láo lắm. Vừa bước vào nhà nó đã tí tởn xưng xưng gọi bà “Hi
Mom!”, rồi ôm quàng lấy bà ra chiều thân thiết. Hai với ba cái gì, phải xưng hô
lễ phép, phải biết trên biết dưới chứ, bà với nó đâu có bằng vai phải lứa? Đã
thế nó còn dám vỗ vai ông già vợ bồm bộp, bỗ bã. Láo lếu thế là cùng! Sau mấy lần
bà mặt nặng mày nhẹ với ông con rể, ông con biết ý, không dám kêu réo mom miếc
gì cả, chỉ dám đứng xa xa gật đầu “Chao, Mrs Le!”
Để đổi lại với đứa cháu, bà đưa con chó cưng giống Chihuahua của mình cho thằng con rể nuôi. Con chó này có tật hay sủa bậy. Con bé đang ngủ mà nghe chó sủa thì nhảy dựng lên, khóc muốn sập nhà! Giấc ngủ của con bé quan trọng lắm. Bà nhớ một buổi tối bà gội đầu xong, vừa bật máy sấy tóc, tiếng máy vù vù không to lắm thế mà con bé nghe thấy, giật mình khóc váng lên. Con gái bà bực bội nói vọng ra:
Để đổi lại với đứa cháu, bà đưa con chó cưng giống Chihuahua của mình cho thằng con rể nuôi. Con chó này có tật hay sủa bậy. Con bé đang ngủ mà nghe chó sủa thì nhảy dựng lên, khóc muốn sập nhà! Giấc ngủ của con bé quan trọng lắm. Bà nhớ một buổi tối bà gội đầu xong, vừa bật máy sấy tóc, tiếng máy vù vù không to lắm thế mà con bé nghe thấy, giật mình khóc váng lên. Con gái bà bực bội nói vọng ra:
-
Ở cái nhà này không ai biết giữ
im lặng là gì à?
Thế là bà ra điều lệ cho tất cả mọi người trong nhà. Khi con bé ngủ,
không ai được làm bất cứ cái gì gây ra tiếng động, đi đứng phải khẽ khàng trên
đầu ngón chân, đi vệ sinh không được giật nước, không được ra vào đóng cửa lớn
cửa nhỏ, không được mở quạt, bật đèn, không máy giặt, máy sấy, máy sấy tóc, máy
rửa chén, không được ho khan, khạc nhổ, nói to, điện thoại phải tắt đi, tivi
không được mở. Đấy, có lần ông bật ho ầm nhà, con bé đang ngủ vùng dậy, nhảy ra
khỏi giường chạy đi chơi. Đến tầm năm giờ chiều nó mệt lả, thức không ra thức,
ngủ không ra ngủ, báo hại bà hết bồng lại bế, nó ở trên tay bà vặn vẹo tứ phía,
đầu hết ngoặt ra sau lại ngả ra trước, miệng kêu khóc léo nhéo rên rỉ không ra
hơi, bà đến gẫy lưng với nó. Khi nào chạy theo con bé không nổi, bà sẽ bồng tắp
nó lên, cắp ngang nách. Con bà có lần bảo:
-
Mẹ à, mẹ bế nó như vậy chân nó
bị vòng kiềng đấy!
Ở đó mà vòng kiềng với
không vòng kiềng, tay đau, làm sao bà bế nó cho đàng hoàng được? Với lại cắp nó
trên nách, tay còn lại của bà mới rảnh rỗi làm việc khác được chứ? Chẳng hạn
như quét cái nhà, rửa cái ly. Ông có cái tật ngồi đâu uống nước là để cái ly y
nguyên ở đấy, đố hòng cầm được cái ly đem vào để trong bồn rửa chén. Thế nên nội
trong phòng khách không thôi đã có khoảng một chục cái ly rải rác khắp nơi. Con
bé khi chưa biết đi thì không nói, bây giờ nó chạy thoăn thoắt, tay gặp cái gì
cũng vơ lấy, nhanh như cắt, bà sợ nó vớ phải cái ly làm bể mảnh chai văng tung
tóe. Nghĩ thế bà lạnh cả người, đang ngồi thở dốc, bà vội vàng đứng lên đi thu
vén các ly chén đem vào bếp. Hôm bữa đến nhà cô em họ chơi, bà thấy có mấy cái
ly nhựa uống trà rất bắt mắt, bà phải nhắc con gái mua chừng chục cái như vậy để
xài, ly thủy tinh nguy hiểm quá. .
Có ông ở trong nhà không được việc gì ngoài việc bới thêm chuyện
cho bà làm. Cả tháng nay ông làm mình làm mẩy với vợ con để được về Việt Nam
cho có không khí tự do. Chỉ vì con gái
ông cấm ông không được lái xe, tịch thu luôn bằng lái của ông đem giấu, ông như
người mất chân, không đi đâu được. Thật ra chuyện chẳng có gì mà nó làm ầm ĩ
lên. Ông lái xe ra chợ, lúc lùi xe, ông
không nhìn thấy cái xe bé tí đậu đàng sau, thế là đuôi xe ông quẹt vào cánh cửa
xe người khác. Thay vì dừng lại để xem xét, ông lại lái chạy tuốt về nhà. Chủ
nhân cái xe bé tí ấy không phải tay vừa,
hắn rượt theo ông đến tận nơi. Hắn bấm chuông gọi cửa, ông không dám mở sợ gián
điệp theo dõi, hắn bèn gọi cảnh sát đến. Con gái ông đang làm việc phải bỏ dở
chạy về nhà giải quyết. Nó mất hết vài ngàn đền cho cái xe bị đụng để họ không
kiện ông ra tòa vì tội tông xe rồi bỏ chạy. Ông than thở với mọi người rằng không
có xe ông như bị ở tù, đi ra đi vô hết ngày không làm được gì, trong khi bên Việt
Nam rất cần ông về để ông viết chuyện biển Đông, chuyện đảo Hoàng Sa thuộc quyền
của ai cho ngã ngũ. Vợ ông mới đầu cũng cản không cho ông về. Để phá thối, ông
ra giữa vườn rau thơm của bà đứng…tè! Bà hét toáng lên, mở vòi nước xịt rửa đám
rau xanh mướt. Ngày hôm sau ông tiếp tục “tưới rau”. Sau hai hôm, rau bắt đầu
ngả vàng. Bà đào đâu ra thì giờ đi “giặt” rau ngày ba bận? Mà nghĩ cho cùng, có
hái đem vô nhà rồi rửa dăm bảy lần nước, ngâm cả ký muối cũng chẳng ai dám ăn. Công
trình bà còng lưng tưới nước nhổ cỏ thế là toi. Bà điên ruột nhổ hết cây lớn
cây bé đem vứt vào thùng rác và đuổi tắp ông về thẳng Việt Nam! Ông cũng chỉ
mong có thế.
Bà thở dài nhìn thấy cái mặt bàn bếp dơ hầy, dính một lớp dầu mỏng
bắn ra lúc bà chiên đậu hôm nọ. Lâu lắm rồi bà không có thì giờ dọn căn bếp cho
gọn gàng. Bà mà than với con thì nó sẽ nói:
-
Để con gọi người tới lau chùi
cho.
Rồi bà sẽ gạt phắt đi:
-
Đương không rước người lạ vào
nhà rồi thì nó ăn trộm ăn cướp cho, có điên không?
-
Đúng đấy, tụi điệp viên trá
hình sẽ lợi dụng trà trộn vào nhà để dò xét bố đấy. Bố đang có mấy cái tài liệu
quan trọng tụi nó muốn ăn cắp của bố đây này – ông hưởng ứng liền.
-
Vậy thì mẹ đừng than nữa nhé –
nói xong con bà ngoay ngoảy vào phòng, bỏ ra hơn tiếng đồng hồ trang điểm kỹ
càng để đi làm.
Con bé đã lên hai vẫn còn bập bẹ ngôn ngữ con nít, nghĩa là chẳng
hiểu nó muốn nói cái gì. Bà nghĩ chắc tại bố nó là Mỹ, đầu óc nó đang rối tung
lên với hai ngôn ngữ. Bà không biết rằng nó ở với bố nó không quá 4 tiếng đồng
hồ một tuần, lấy đâu ra mà kịp học tiếng Mỹ? Làm sao bà biết được con bé cần có
người ôm nó vào lòng, lật sách cho nó xem, chỉ hình con cá đang bơi dậy cho nó
nói “cá”, chỉ trái banh tròn màu đỏ, dạy cho nó nói “banh”. Mà xét cho cùng, đó
là chuyện của mẹ nó chứ. Con không học ở mẹ thì học ở đâu? Bà chạy theo cháu toát
hết mồ hôi rồi, lấy đâu ra hơi sức mà dạy cháu nói? Cái chuyện cần thiết hơn là
dạy cháu ngồi bô thay vì mặc tã bà còn chưa làm được nữa kia. Mẹ nó đi làm về
là lử cò bơ ra, ít rờ đến con nên con bé không bám mẹ, chỉ theo bà mà thôi. Bà
cũng hơi băn khoăn một tí nhưng may ra khi con bé lớn lên, cả hai mẹ con nó sẽ
thay đổi.
Ngày xưa khi bà sinh con,
trong nhà có người làm, mấy chuyện giặt tã, nấu cháo, đun sữa đâu đến tay bà? Bà
chỉ có mỗi việc nằm trên giường, hơ lửa, bôi nghệ cho trắng da. Khi con khóc,
bà chỉ việc réo chị người làm. Thời đại bây giờ, con gái bà sinh con xong là phải
quay lại đi làm liền nên mọi thứ cứ đổ hết lên đầu bà.
Tóc bà đã hai màu, trắng nhiều hơn đen, mắt quầng thâm, môi khô
héo, mặt bà vô khối nếp nhăn, và đụng đâu bà quên đấy, cái kéo cầm ở tay mà cứ
quanh quẩn đi tìm. Từ khi có cháu, bà gầy xọp đi, ăn không đủ no, ngủ không yên
giấc. Bao nhiêu sức lực của bà, bà dồn cho cháu. Thế mà nuôi mãi nó không lớn,
bảo sao bà không sốt ruột? Thôi thì vì thương con, bà hy sinh chính bản thân
mình. Vì muốn cho con mình không cực nhọc,thức hôm thức khuya, bà gánh lấy tất
vậy.Còn gì hơn bằng có người coi con cho mình ngủ một lèo thẳng giấc, còn gì
hơn bằng sinh con mà không phải thay tã, đút cơm, tắm rửa cho con. Không biết
con gái bà có hiểu thế không. Nhưng thôi bà sẽ không kể khổ cho nó nghe nữa, nó
sôi máu lên mang cháu bà đi gởi vào cái ổ vi trùng nhà trẻ thì nguy mất.
Bà sẽ cố gắng làm hết sức mình, nuôi con bé khôn lớn thay cho mẹ
nó.
Lòng mẹ thật vô cùng bao la.
Lan Hương (Fort Worth 10/10/2015)
No comments:
Post a Comment