Pages

Tuesday, January 13, 2015

Je suis Charlie


Đang liu riu kể chuyện đi ski cuối năm, thì súng nổ và máu chảy ở Paris. 17 người buổi sáng đi làm mà không hề biết mình sẽ mãi mãi chẳng bao giờ trở về nhà vào buổi chiều muộn. 12 người ngồi quanh bàn họp, không hề đoán trước tử thần đang đội lốt đến từ ba người khác.  Một nữ cảnh sát mới vào nghề được 13 ngày bị bắn mà không kịp hiểu tại sao. Hai cảnh sát khác tình cờ có mặt không đúng chỗ, và rồi bốn thường dân đi chợ đột nhiên thấy mình vướng vào một cơn điên cuồng khát máu. Riêng tôi tự hỏi, tất cả bọn họ có kịp biết vì sao mình chết?

Cuộc nổ súng khởi sự vào thứ tư với 12 sinh mạng, thứ năm với một sinh mạng và thứ sáu kết thúc với 4 sinh mạng khác, cộng với sự trả giá của ba kẻ sát nhân. Thế giới theo dõi nước Pháp hàng giờ, tin tức cập được nhật hàng giờ. Từ lúc súng nổ ở tòa soạn báo Charlie Hebdo cho đến khi kẻ khủng bố cuối cùng ở siêu thị Do Thái bị hạ gục. Thời buổi internet cộng với smart phone, có muốn làm ngơ cũng không được.

Eiffel tắt đèn để tưởng niệm các nạn nhân
Paris bàng hoàng, nước Pháp rúng động, cả thế giới sực tỉnh. Tấn công tòa báo Charlie Hebdo giữa lòng thủ đô ánh sáng Paris như một đòn “ngày 9 tháng 11” giáng vào nước Pháp và giáng vào những người cầm bút. Cả thế giới sửng sốt vì hết 14 trong 17 người nằm xuống không hề có bất cứ một thứ vũ khí nào trong tay. 10 người chỉ có đầu óc trào lộng của họ, cây  bút vẽ của họ, cái máy tính của họ, 4 người còn lại lúc ngã xuống chắc tay còn đang cầm giỏ đi chợ. Cầm súng bắn vào đám đông không vũ khí tự vệ, ở bất cứ nơi đâu, bất cứ chốn nào, là sự tồi tệ nhất mà con người có thể nghĩ ra.

Rất tiếc bọn khủng bố đã không đạt được mục đích. Đêm đông lạnh không đủ ngăn bước hàng trăm ngàn người Pháp và người nước ngoài trên hàng trăm thành phố khắp châu Âu đang xuống đường hô lên sự công phẫn của họ, đoàn kết với các nhà báo Charlie Hebdo nói riêng, các nhà báo nói chung. Họ đã nói nên lòng tin không lay chuyển vào những giá trị của tự do, dân chủ. Họ đã không hề khiếp sợ như bọn khủng bố hằng mong muốn. Nổ súng vào 17 người, nhưng làm sao giết hết được những người đã đổ ra đường giơ cao khẩu hiệu Je Suis Charlie?

Khi kẻ sát nhân cuối cùng đã bị bắn hạ, dân chúng đổ ra đường ủng hộ cho sự tự do báo chí, tự do ngôn luận mà đỉnh điểm là ngày tuần hành hôm chủ nhật vừa rồi đã quy tụ được 4 triệu người trên toàn nước Pháp, riêng ở Paris có khoảng 3,1 triệu người. 50 vị nguyên thủ quốc gia cộng với tổng thống Pháp làm cho cuộc tuần hành thêm màu sắc và sức mạnh. Riêng nước Mỹ chỉ cử đại sứ Mỹ ở Paris tham dự. Phóng viên CNN bình luận “Chúng ta có nên xấu hổ không khi không có một đại diện cao cấp nào có mặt với 50 nguyên thủ quốc gia kia?” Dân Mỹ phản pháo liền. Một số kẻ bảo CNN đừng có rỗi hơi, chuyện nước Pháp để nước Pháp lo, không dính dáng gì với xứ Mỹ đang yên ấm bên này đại dương. Một số kẻ khác bảo, vì lý do an ninh, tránh voi chẳng xấu mặt nào, lỡ đi dự rồi thì là bị trả thù vì tội đồng lõa với “Je suis Charlie” thì sao. Lại có người nói, tôi là người Mỹ, làm việc tại Paris, hôm chủ nhật tôi cũng xuống đường với mọi người, gặp bạn đồng nghiệp hỏi thế tổng thống, phó tổng thống của anh đâu thì tôi xấu hổ, chỉ muốn độn thổ mà thôi. Mỗi người mỗi ý, nhặng xị cả lên. Cuối cùng thứ hai vừa rồi, White House mới thỏ thẻ “Ừ thì đáng lẽ ra Mỹ cũng nên cử đại diện cao cấp tới Paris để cùng xuống đường, nhưng vì lý do an ninh không kịp tổ chức cho thật chặt chẽ cho nên chẳng ai đi cả”. 

Mọi sự đã rồi. Dư âm của cuộc tàn sát rồi cũng lắng dịu. Chỉ còn thân nhân của nạn nhân vẫn còn từng ngày bàng hoàng với những gì đã xảy ra cho con em, vợ chồng của họ. Như cái video quay cảnh viên cảnh sát bị tên khủng bố bắn chết trên đuờng phố Paris đã được tung lên youtube rồi các đài truyền hình mua lại, chiếu tới chiếu lui mà không nghĩ rằng, mỗi lần chiếu ra như thế là làm đau lòng người thân đến thế nào. Đến nỗi anh trai của viên cảnh sát phải thốt lên “Tại sao lại làm như vậy? Tại sao lại đưa cảnh em trai tôi bị bắn chết lên tivi? Tôi nhìn thấy nó, tôi nghe thấy nó, tôi thấy nó ngã xuống và không bao giờ đứng dậy được nữa? Và tôi chẳng thể làm gì để giúp nó ngoại trừ nhìn thấy nó chết?” Tác giả của video này cũng lên tiếng hối tiếc vì việc đã phát hành nó một cách rộng rãi mà không để ý đến những gì thân nhân của nạn nhân phải chịu đựng.
Và rồi quay ra nhìn xung quanh mình, những người cùng làm việc với mình, những người không cùng tôn giáo với mình. Để xem nhé, trong cái sở này, cụ thể là cái IT department này, Tin Lành chiếm đa số, kế tiếp là Thiên Chúa giáo, cũng có cả Bà La Môn, rồi thì Phật giáo một mạng, nửa Phật nửa thờ cúng ông bà một mạng nữa! Riêng đạo Hồi thì không biết có ai không. Màu da có đủ trắng vàng đen, ngôn ngữ ngoài tiếng Anh ra có tiếng Ấn, tiếng Việt, tiếng Tàu, tiếng Mễ. Họp nhau lại chỉ nói chuyện thời tiết nắng mưa, chuyện football thắng thua, hoặc cùng lắm than thở project ngập đầu. Không ai bảo ai, tuyệt  nhiên cấm kỵ tán dóc chuyện màu da, chuyện tôn giáo. Khủng bố sẽ chẳng biết chen chân vào chỗ nào được. Nếu cả thế giới cứ như cái IT department này, sẽ chẳng có ai phải nằm xuống vì bất kỳ một chính nghĩa nào mà mình cho là duy nhất tồn tại và duy nhất đúng.
 Hoặc hành xử như dân Paris. Khi đổ ra đường tuần hành hôm chủ nhật vừa rồi, họ không la hét, cuồng nộ hay đằng đằng sát khí, đòi máu trả nợ máu chẳng hạn. Thậm chí họ còn nhảy múa trên đuờng phố nữa kia, rất đỗi vui vẻ, chẳng có gì là buồn rầu. Nhưng khẩu hiệu “Je suis Paris” đã nói lên tất cả. Và thế là đủ.
 Vị tiên tri Muhammed sẽ tái xuất hiện trên tờ báo Charlie Hebdo vào thứ tư này tay cầm bảng “Je suis Charlie”, đứng dưới hàng chữ “Tha thứ cho tất cả”.  Đã phục bộ óc châm biếm của người Pháp chưa?

P.S. Ngày 15 tháng 01, súng lại nổ ở Viviers, Belgique. Lần này không một thường dân nào phải nằm xuống, chỉ có ba mạng Hồi giáo cực đoan phải trả giá cho chính nghĩa cực đoan của mình. Ba kẻ này là đồng lõa với tên sát nhân trong siêu thị Cacheri, và để trả thù, chúng đã lên kế hoạch tấn công nước Bỉ mà mục tiêu là cảnh sát. May mà âm mưu đã được phá vỡ, nếu không máu lại chảy nữa.
Riêng tờ báo Charlie Hebdo xuất bản 3 triệu bản bán hết vèo, nên họ đã quyết định xuất bản thêm 2 triệu bản nữa . Tiền lời sẽ được dùng để giúp đỡ gia đình nạn nhân. Bên Mỹ, tờ báo đã được đưa lên EBay bán với giá 1200 đô la. Con buôn nào được lợi trong chuyện này?

No comments:

Post a Comment