Pages

Thursday, January 29, 2015

Tiếng người, tiếng ta


Đố mọi người hiểu câu này có nghĩa là gì “Tơn ọp ê lếch trích si ty bi pho ju sờ líp”. Biết chết liền!
Bạn mình gởi cho mình một bức hình chụp từ cuốn sách dạy tiếng Anh, xuất bản ở Việt Nam. Đọc xong mình cười muốn té ghế! Coi như được xả stress giữa lúc đánh vật với hai cái projects một lúc. Cười xong mới ngẫm nghĩ, mình cũng đã từng gặp những cảnh éo le với ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ. Nhưng dù sao đi nữa mình cũng không học tiếng xứ người từ những cuốn sách kinh khủng như vậy. Mình nghĩ nếu nó được in ra thì tất sẽ được bán và sẽ có người mua. Mà người mua là những ai vậy nhỉ? Mình tò mò hết sức. Mình không nghĩ đám con nít nhà giàu ở Việt Nam học tiếng Anh trong những cuốn sách như thế này. Còn nếu đám thanh niên học để rồi đi sang Úc sang Mỹ du học thì coi như toi! Mà mình cũng phục luôn người viết sách, chắc họ có đầu óc tếu táo sẵn trong người cộng thêm với tính coi trời bằng vung.
Sợ chưa?
Mình nhớ cái ngày sang Bỉ tị nạn, tiếng Pháp còn lơ tơ mơ. Ngồi trên máy bay từ Thái Lan sang Bruxelles, mình và con em không ngủ nghê gì được một phần vì lo lắng, một phần thì cứ khoảng 2, 3 tiếng đồng hồ lại bị đánh thức để chiêu đãi viên nhồi đồ ăn như nhồi ngỗng. Bà chiêu đãi viên đọc tràng giang đại hải các món, mình chỉ nhận ra được mỗi chữ “boeuf” thế là hùng dũng nói ngay “Boeuf, s’il vous plaȋt!” mà không hề có tí khái niệm món thịt bò của mình giống cái gì. Con em thì nghe thủng chữ “cá” rồi sau đó ngồi ngao ngán nhìn miếng cá hồng hồng bơi lều bều trong váng sữa, đành ăn bánh mì bơ đường cho chắc! Máy bay đổ hai con ngáo ộp vào cái phi trường rực rỡ ánh đèn và muôn nẻo đường đi. Phi trường Tân Sơn Nhất độc đạo, sang đây trăm ngả, biết đi ngả nào? Mà thiên hạ chung quanh thì vội vã chạy tươm tướp. Mình tá hỏa, mắt mũi dớn dác, tính chạy theo, đọc biển báo mà chẳng hiểu gì vì có ngờ đâu tiếng Pháp tiếng Hòa Lan cộng thêm tiếng Anh nằm êm ấm trên một bảng, mình hoang mang nhè tiếng Hòa Lan mà đọc, thấy chẳng quen với thứ tiếng Pháp mình đã khổ công nhồi nhét ở Việt Nam. Làm sao nhìn cho ra "Uitgang" là "Sortie"? Sau cùng một ông cảnh sát đến hỏi mình cần gì, mình gần khóc, tuyệt vọng văng ra đúng  một câu “Je veux sortir!”. Thế là ông ấy dẫn mình đến thẳng cửa exit! Phù, cũng không đến nỗi tệ hả?

Zaventem Airport
Những ai đã và đang sống ở xứ người chắc sẽ có những khoảnh khắc dở khóc dở cười  khi tiếng người chưa là tiếng ta. Như những buổi đầu đến lớp ở trường Paul Lampin.Môn kế toán học trong giảng đường gần 200 đứa sinh viên, mình lọt thỏm vào đó, nhớn nhác. Buổi học đầu tiên, 199 đứa kia ngồi ghi chép lia lịa, mình chỉ vẽ được vỏn vẹn 3 hàng! Ông thầy già trên bục giảng thao thao, ngôn từ tuôn ra như suối, mình ngồi như vịt nghe sấm, chữ được chữ mất. Sau đó thì mình thù luôn môn kế toán này cho đến tận bây giờ.
Tiếng Pháp tạm ổn thì đời mình đụng phải tiếng Anh. Phỏng vấn với nhân viên di trú ở phi trường Chicago, mình tuyệt vọng hỏi “Ông có biết tiếng Pháp không?” Nếu hỏi ông có biết tiếng Mễ không thì may ra mình có cơ hội. Qua đây mình bèn đi học tiếng Anh dành cho dân ngoại quốc. Được  2, 3 tháng gì đó mình quyết định thi GED, bằng trung học tuơng đương. Hôm đó mình vừa mới dẫn con Coco đi ra park về, ghé trường học thì bà cô Carol bảo thôi vào thi luôn đi. Mình đâu sợ gì, quay ra xe vặn cửa sổ xuống cho Coco khỏi chết ngộp rồi vào phòng thi. Toán thì như ăn gỏi, lý hóa sơ đẳng dễ như gì. Đến phần văn chương thì mình trúng tủ, hỏi toàn Mark Twain với con sông Mississipi của ông ấy, mà truyện của ông ấy thì mình đọc tiếng Việt nhẵn rồi. Thế là mình thi đậu vẻ vang. Đám Mỹ ngồi thi cùng phòng phục mình sát đất.
Vào học Purdue University, mình gặp ông thầy Ấn Độ dạy môn kinh tế. Cha mẹ ơi, tiếng Anh của mình chưa tới đâu, gặp giọng Mỹ pha cà ri thì coi như ai nói người đó hiểu. Mình nhìn mấy đứa Mỹ chính hiệu khác cũng đang nghệt mặt ra, lòng yên tâm hẳn. Ông ấy chắc cũng biết , cho nên ra sức vừa nói vừa viết lên bảng, mình ung dung chép lại. Đến kỳ thi cuối khóa, ông ấy gần như bật mí đề thi cho cả lớp. Mình được “A” môn này mà nói thật kinh tế Mỹ hay kinh tế thế giới lên xuống mình vẫn chưa hiểu tại sao.  
Kinh tế xuống dốc!
Khi có con thì bắt đầu vật lộn với các ngôn từ bệnh tật. Trước khi đem con đi khám, mình phải đọc sách tiếng Anh trước để còn biết tên bệnh mà khai. Đọc kỹ quá cộng với mớ cố vấn tham khảo của bà chị, gặp bác sĩ mình kể tên bệnh, tên thuốc ro ro. Sau này mỗi khi đem con đi khám, ông ấy hay hỏi “Tôi cho cháu uống thuốc như thế này, bà thấy có được không?” Làm như mình là bác sĩ không bằng.  
Mấy tháng đầu khởi sự nghề nghiệp của mình, mình sợ cái điện thoại gần chết. Mỗi khi nó reng, mình không dám nhấc lên, sợ bên kia đầu dây tuôn ào ào mà mình bảo đảm không hiểu nổi lấy một nửa. Chi bằng lờ tít đi, người gọi sẽ để lại lời nhắn, sau đó mình nhẩn nha bấm nút replay nghe tới nghe lui xem chúng muốn gì. Và mới đây thôi chứ đâu, buổi trưa mình hay đi bộ trong downtown Fort Worth. Đèn cho người đi bộ đang màu đỏ, nhưng nhìn trái nhìn phải không có xe, mình băng qua đường. Ông Mỹ già đứng bên kia cũng chờ đèn, lúc mình đi ngang qua, ngài buông một câu “You have a beautiful soul!” Mình ậm à, ậm ừ. Đi một quãng mới vỡ óc hiểu ra lão già đanh đá nói móc mình là con liều mạng!  
Nhớ đến Má ngày sang Mỹ năm 1997. Má đi một mình từ Indy xuống Houston, từ nhà bà con này sang nhà bà con khác. Mình đưa Má đến tận cửa máy bay rồi yên chí về nhà. Đến 7 giờ tối thì bà chị gọi điện thoại cho mình hỏi Má đâu! Trời đất! Có lẽ nào Má lại mất tích trên máy bay? Ngay sau đó thì Má gọi điện thoại cho mình, bảo là máy bay bị bão, không đáp xuống Houston được mà phải xuống một phi trường khác, khi nào trời quang mây tạnh sẽ bay về lại Houston. Mình phục Má hết sức, làm sao mà Má có được chừng đó thông tin, và điện thoại ở đâu mà Má có để gọi cho mình? Thì ra Má ngồi cửa sổ thấy máy bay vòng vòng mãi không chịu đáp xuống, mà đã trễ giờ hẹn đến với con, bà bèn xông thẳng vào buồng lái (may mà vụ không tặc ở New York chưa xảy ra, nếu không Má sẽ bị Marshall ập vào đè cổ xuống đất và còng tay lại!). Với mớ tiếng Pháp ít ỏi của mình, Má truy hai ông phi công tại sao không chịu đáp xuống Houston. Một ông ngẩn tò te không biết tiếng Pháp, ông kia biết lõm bõm, rồi kèm với tay, chân, mắt, mũi ông ấy giải thích cho Má hiểu trời đang bão. Má về lại chỗ ngồi, nhấp nhổm, không biết làm sao liên lạc với mình, bèn đưa số điện thoại của mình cho bà Mỹ ngồi bên cạnh xem, rồi nói  “Telephone hả, ma fille hả”. Đôi bên hiểu nhau tuốt. Bà ấy lôi cell phone ra bấm số của mình rồi đưa cho Má nghe. Gặp người tử tế, chứ hồi đó cell phone gọi như thế là phải trả tiền.
Sau này mỗi lần rủ Má sang Mỹ, Má hay nói, ngồi một mình trên máy bay chán chết, không có ai nói chuyện. Mình bảo hay là Má uống thuốc ngủ, ngủ một giấc là đến nơi, chẳng cần ai trò chuyện? Nhưng Má đã ngại đi xa rồi.

Mình thấy những người già tha hương không biết tăm biết tiếng cũng lạc lõng, tội nghiệp. Gặp thành phố nào có người Việt đông thì còn đỡ, những nơi hiếm hoi thì người già cảm thấy cô đơn biết chừng nào. Mẹ chồng mình vốn tiếng Anh chưa đầy một bụm tay, cũng may ở Dallas người Việt giăng ra khắp nơi, ở trong đủ mọi ngành, mọi nghề, bà xoay sở không tệ lắm. Hôm nọ bà vào nhà thương mổ túi mật. Con cái ở với bà gần như suốt ngày. Nhưng có những lúc “giao ca” thì lại không có ai. Một lần như thế cái máy báo dịch truyền nước biển của bà gần cạn, phát tín hiệu vang rân. Bà bấm chuông gọi y tá. Y tá Mỹ ló đầu vào, bà chỉ vào cái máy, điềm tĩnh nói  “Nó bíp bíp”. Thế là y tá thay ngay cho bà túi nước biển khác. Đám cháu bà phục lăn. Nhưng đến bây giờ bà vẫn không dám đổ xăng trả bằng thẻ credit/debit card. “Nó hỏi nhiều quá, mẹ biết đàng nào mà trả lời”, bà nói. Mà đúng thật, nhét thẻ vào rồi cứ thế mà trả lời “yes” với “no” không đến phát chán mới xăng mới chịu bơm ra. Hôm nào nắng chói vào màn hình, không đọc được chữ nào thì mình đành đoán mò. 
Đã qua rồi cái thời gọi điện thoại đặt pizza, nói rõ là pepperoni and cheese, lúc pizza được mang tới thì nó thành ra cái của nợ khác hẳn. Ngậm ngùi ăn và ngậm ngùi cho thứ tiếng Anh u sầu của mình. Mà đến giờ cũng vẫn chưa ra sao, bằng chứng là mấy cái xe hơi đời mới có voice commands, mình ra sức gào “call home”, xe trả lời “Không hiểu. Xin nói lại”. Mình cáu, rủa “Stupid!”, xe điềm nhiên như không “Không hiểu. Xin nói lại”.  Bà chị dâu của mình manh nha muốn mua chiếc xe BMW mà chỉ cần nói vào cái điều khiển “Pick me up”, xe sẽ tự động chạy tới chỗ người gọi. Mình tính can, vì xe hơi với lại smart phone còn dở tệ, chưa nhận ra được giọng tiếng Anh pha nước mắm. Thay vì chạy tới đón thì nó lại chạy đi đâu mất tiêu thì toi của!
Dù cho tiếng Anh tiếng Pháp có khá theo năm tháng, thành thật mà nói, tiếng Việt mẹ đẻ của mình vẫn hơn. Trẹo lưỡi trẹo họng, về với tiếng Việt như cá gặp nước. Đánh tennis với mấy ông Việt Nam, banh văng ra ngoài lằn trắng, mấy ông ấy gọi “Ngoài!”. Mình nghe quen, nhập tâm.  Đến Tennis Club đánh với Mỹ, banh văng ra, mình hô lớn “Ngoài!” Mỹ gật đầu, “Yes, it’s out!”.
“Tí ti dôn, tí ti noa. Lủy xực me xừ, lủy xực cả moa!” Cứ thế, người Việt chúng ta tung tóe khắp mọi ngả trên trái đất này mà không sợ bất cứ cái gì. Ngôn ngữ trở ngại ư? Chẳng là gì cả so với sự sống còn. Hè năm 2008, 18 mạng nhà mình lên đường từ Bỉ đi sang Ý du lịch. Hành trình xuyên qua 4, 5 quốc gia mới tới được Ý. Buổi trưa cả đoàn dừng lại một quán ăn ở Đức. Cả lũ trầy trật với cái menu, tiếng Pháp tiếng Anh được lôi ra, người bán hàng cứ trố mắt nhìn. Bà chị họ của mình bèn tiến vào, gọi đồ ăn bằng tiếng Đức ào ào. Nửa tiếng sau đồ ăn mang ra tới tấp, đâu vào đó. Các bà em họ và cháu họ phục lăn lóc. Lúc đến nơi thì bà chủ nhà trọ ở Ý chỉ biết tiếng…Ý, 4 ngôn ngữ khác nhau của 18 người không cách gì làm cho bà ấy hiểu. Bà chị mình bèn lôi một cây bút với tờ giấy, trở lại ngôn ngữ cổ đại của loài người là hình vẽ. Vẽ hình người xong thì vẽ hình con nít nhỏ hơn một tí, muốn ăn thịt bò thì vẽ con bò, ăn cá vẽ cá, hình giống con giun là cọng spaghetti.Vẽ chai rượu lại còn dễ hơn nữa, nhà mình toàn là chủ xị không mà. Trả giá bữa ăn thì viết con số 8 euro, gạch ngang một cái chách, viết lại 5 euro, chẳng lẽ không hiểu sao? Ăn bữa sáng thì vẽ cảnh mặt trời mọc, ăn chiều thì cũng mặt trời nhưng tô đen thui, cẩn thận vẽ thêm vài ngôi sao vào cho chắc. Chủ nhà khua tiếng Ý không ngớt, người thuê vừa tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức cộng tiếng Việt rôm rả không kém. Cả chủ nhà lẫn người thuê nhà đều hỉ hả. Bà chị mình còn thêm, tiếng Ý dễ ợt, cứ nói tiếng Pháp xong rồi thêm “a” hay “i” đàng sau, tùy ý, là thành tiếng Ý! 
Thôi nhé, cứ vui với ngôn ngữ thứ hai của mình vậy. Dùng nó để kiếm tiền, còn tiếng Việt mẹ đẻ thì để kể chuyện trên trời dưới đất, kể mọi kỷ niệm xa xưa cho mọi người nghe chơi. Riêng “Tiếng Việt mến yêu” mình sẽ viết về nó sau. Còn bây giờ mình mà nói với ông co-worker ngồi bên cạnh rằng “ai wȇch ắp ất sích o cờ lóc dịt mo ninh, xô nao ai pheo sờ líp pình!” thì ông ấy sẽ hỏi mình có bị ấm đầu không!
Fort Worth, 01/28/2015

1 comment: