Pages

Wednesday, February 4, 2015

Câu chuyện Tết (Hương Quỳ)


Nếu nghĩ về Tết như một cơ hội để gia đình đoàn tụ, thì tôi có may mắn hơn người khác là cả gia đình ở bên này, chị em ở quây quần trong bán kính khoảng xa nhất là 20 km với nhà Ba Má Tôi làm trọng tâm (ngoài hai đứa em gái theo chồng đi xa, chuyên tham gia tết qua điện thoại  hoặc webcam).

Nên tôi không thấy nặng lòng lắm trong suy nghĩ về cụm từ "tết tha hương", và cũng chưa có ý định lũ lỹ dắt tiểu gia đình của mình về trải qua một mùa tết ở quê nhà.
Chúng tôi không da diết nhớ về tết xưa, vẫn đón tết như vẫn cần đón, với màn gói bánh chưng, cúng giao thừa, con nít vẫn hoan hỉ với phong bì lì xì và bàn chơi bầu cua cá cọp, vẫn là dịp duy nhất trong năm lôi mấy cái áo dài ra tròng thử vào người xem còn vừa không (trừ mấy lần cưới hỏi của con cháu trong nhà).
Mọi cái còn đơn giản hơn khi chuẩn bị tết ở đây. 
Chả hạn như gói bánh chưng. Chỉ việc chạy ra cửa hàng bán thực phẩm á châu đặt mua lá giong (đến từ Thái Lan), lá chuối đã có quanh năm dưới dạng đông lạnh, đậu xanh đã hết màu ... xanh của vỏ, vàng tươi và sạch sẽ trong từng bao dán kín. Thịt thì chạy ù ra các siêu thị, đầy đủ. Có cái tìm mấy lạng mỡ cũng hơi chật vật, vì kẻ thù của bệnh cholesterol không được bày chình ình ra trong quầy. May mà tôi có người giao thịt cho nhà hàng để nhờ tìm giúp.
Có cái vừa mua vừa suýt xoa về giá cả, tiền lá gói đắt gấp mấy lần tiền thịt. Lá giong ngay từ hồi còn ở Việt Nam, tôi đã không biết thiên hạ tìm chúng ở đâu ra, chứ còn lá chuối... không xót tiền sao được khi nhớ đến Đèo chuối bạt ngàn trên đường đi Saigon - Dalat. Hoặc ngay ở khu vườn hoang cạnh nhà Ba Má tôi ở Dalat, nơi Má tôi trồng rất thành công mấy bụi chuối La Ba. Mỗi lần chuối trổ bông và thành buồng chuối, cả nhà hò nhau ra chặt xuống, y như hoạt cảnh được vẽ trong cuốn sách học vỡ lòng của tôi với bài thơ: 
" Hai khỉ đói nhăn
Lau lá dong
"Đi ăn chộm chuối
"Khiêng đầu khiêng cuối
" Về tổ cùng ăn ....
(Có ai cùng thế hệ tôi còn nhớ cuốn sách này không? Tôi đã quên tên tác giả).

Vậy đó, có lúc nào nghĩ đến loại lá là dụng cụ của mấy bà bán xôi để gói hàng, của bà cai trường tiểu học phía trên nhà tôi gói me ngào, của tụi tôi hái chơi bàn hàng hoặc làm dù che đi nghịch nước mưa ... lại moi của chúng tôi một số xu kếch xù đến vậy
Qua đây, giã từ luôn hoạt cảnh "thú đau thương " mỗi lần phải đãi đậu xanh chuẩn bị gói bánh. Vất vả khôn cùng, nhưng không làm thì thấy nhớ, bằng chứng là những năm đi học xa nhà ở Saigon, chị em phải bằng mọi cách chạy về cho kịp, tha thiết yêu cầu người lớn đừng giao cho người làm giúp mà phải chờ chúng tôi về. Nhà tôi là trung tâm sản xuất bánh chưng cho cả đại gia đình hồi còn xưa. Bánh chưng mặn phải trên 200 chiếc, bánh chưng chay cho các bà Bác đi thân tặng nhà chùa phải là 50 em. Để cho mọi người tưởng tượng ra số lượng đậu xanh cần phải đãi vỏ. Cả một hoạt cảnh sôi nổi ở khoảng sân trước hiên nhà. Mấy đứa con nít ham lội nước thì được nghịch một cách hợp lệ trong mấy chậu nước ngâm đậu, đạp cho vỏ đậu tróc ra. Các bà chị lớn  miệng vừa huyên thuyên chuyện trò, vừa gạt bớt chân bọn chúng sang một bên, để lấy mẻ đậu đầu tiên đãi trong chậu nước đầu tiên, dành cho những đứa chưa có tay nghề cao  và thiếu kiên nhẫn (trong đó có tôi!) xoa xoa nhẹ nhàng mớ đậu, sung sướng thấy  vỏ màu xanh ào ào trôi đi. Xong chuyền qua cho chậu nước thứ hai, đã thấy hơi vất vả vì vỏ đậu núp kín, xua mãi không chịu rời, phải dùng tay nhặt bớt. Giai đoạn này phải tăng cường nhân công, kẻo những đứa không có "lương tâm nghề nghiệp " sẽ nhanh nhẹn trút sang chậu thứ ba, khâu cuối của dây chuyền đãi đậu, nơi năm nào cũng đầy tiếng riết róng của mấy bà chị công dung ngôn hạnh quen tỉ mỉ, phải mò nhặt từng mảnh vỏ đậu còn sót lại. Trong ký ức của chúng tôi, những đứa phải đi xa nhà dạo ấy, là bầu trời xanh rất xanh, nắng vàng trong sưởi ấm giá lạnh tháng đầu năm, và cành mai hồng đơm nụ của nhà hàng xóm... những hình ảnh  vẫy gọi chúng tôi về. Chưa khi nào chúng tôi bị đãi đậu dưới màn trời ủ dột hoặc mưa rả rích. Và những câu chuyện vắn dài không dứt, những tiếng cười và tiếng la hét ồn ào vẫn làm nhói lòng tôi mỗi khi nhớ lại.

Đến màn nêm muối cho gạo nếp, trước đây vẫn do một bà Bác phụ trách .Năm Bác đột ngột qua đời, Má tôi vất vả nêm nếm trong từng chậu gạo để tìm lại hương vị gia truyền. Mẻ bánh chưng năm bà Bác mất mặn nhạt khác nhau ,vì Má tôi quên đánh dấu, không biết bánh nào làm từ chậu gạo nào, . Qua đến đây , Má tôi giữ thói quen đo lường muối trộn vào gạo bằng một cái ly nhỏ uống rượu đế, gạo thì đong trong một chậu nhựa mua từ hồi mới lập nghiệp. Nên đến lúc Má tôi mất đi, con cái thút thít đi don dẹp căn hộ của Má, vẫn còn nhớ không được vất chậu đãi gạo và ly đong muối. Bà chị sợ ngày kia vật dụng thất lạc, đã qui muối và gạo ra thành trọng lượng, cất trong chương trình máy tính, mỗi năm bấm một phát là công thức hiện ra đâu vào đấy, không phải nêm nếm đến phờ cả người.
Lúc gói bánh, cho đến giờ tôi vẫn chỉ dừng lại ở vai trò đưa gạo và đậu cho người gói. Tôi cũng ráng thử, nhưng bánh tôi gói, nếu không hình chữ nhật thì cũng hình bình hành, chịu thua .Bà chị tổ chức thi tập gói bánh chưng cho đám cháu, rốt cuộc tốt nghiệp chỉ có hai đứa, là con gái tôi và một đứa cháu trai, xưa kia còn bé toàn làm những trò điên rồ như leo lên mái nhà kho, hoặc nằm dài trên con đường nhỏ cạnh dành cho xe đạp đi dọc theo con kênh gần nhà để ... ngắm mây trời, hoặc soạn hết áo quần của người lớn để tròng vào người đóng kịch, đến độ trong nhà lấy ngay tên của hai nhân vật bị mắc bệnh tâm thần hay đi lang thang ở Dalat xưa để đặt cho chúng, là "Ông Nút (vì ông này đính đầy nút áo vào ngực của tấm áo khoác, giả làm huy chương) và Bà Bền (chuyên hát quan họ ngoài đường!) Đến giờ số lượng bánh cần sản xuất bên này đã hạ xuống một cách thảm hại là chưa đầy 20 cái, vừa đủ chất đầy hai cái nồi cỡ to nhất  mà chúng tôi đã tìm ra trong mấy cái chợ trời. Buổi gói bánh  chỉ kéo dài trong vài tiếng đồng hồ, không còn phải thức rất khuya như xưa kia nữa, và luộc bằng bếp gaz, nên không còn màn dậy chêm nước và củi như xưa.

Chị em chúng tôi không biết và không thích làm mứt. Cứ đến nhà mấy đứa bạn chơi, thấy chúng đang tỉ mỉ gọt vỏ quất, rồi xâm , hay căng mắt xêu ruột trái sen là đã muốn nổi da gà. Ngày tết, chỉ cần mua một mớ về bày trong phòng khách, là yên ấm rồi. Ba tôi hồi xưa hay ăn mứt bí, kẻ thù của tôi, một thanh mứt này, tôi cắn rỉ rả cũng không thể nào xong miếng .  Chỉ có tí tách hạt dưa là không bỏ qua, chả hiểu tại sao lại chỉ cắn hạt dưa vào dịp tết, có lẽ cho đỡ phí thời giờ, vì đã cầm một gói hột này, thì không biết lúc nào mới chấm dứt ăn được.
Tết cũng là dịp để tổng vệ sinh lại nhà cửa. Tôi luôn luôn phụ trách lau kính của mười mấy khung cửa trong nhà. Thời ấy làm gì có thuốc rửa kính, cứ với một mớ giấy báo để lau khô, mục này xơi mất của tôi cả mấy ngày như chơi. Bên này, nhà cửa gọn gàng sẵn, chỉ ráng tìm cho ra một nhánh đào, đào hồng không có, tụi tôi chặt mấy nhánh mai vàng hay nở rộ ở đây vào đầu tháng 3, đem vào trong nhà trước tết mấy tuần, đế cạnh lò sưởi, đánh lừa cho hoa không biết, tưởng xuân đã về, nở đẹp ra trò. 
Tết chơi khăm người tha hương, hầu hết cứ rơi vào giữa tuần. Lúc sắp giao thừa, đứa thì còn đang chúi đầu trong sở, đứa thì đang giữa giờ học, có tôi hên làm nghề tự do, được đón trọn vẹn giao thừa trong nhà mình lúc 18 giờ chiều. Cũng thắp một bàn thờ hoa quả, khói hương nghi ngút đón Ông Bà, dù lòng cũng hơi nghi hoặc, không biết Ông Bà có biết đường qua đến tận đây không? Cũng thấy lòng chùng xuống khi thời gian nhích dần sang năm mới, mà thiên hạ ngoài đường qua khung cửa kính, vẫn nhộn nhịp xe cộ qua lại, chứ không phải vắng teo đúng kiểu tối giao thừa bên mình. Còn thiếu tiếng pháo bên quê nhà dòn tan nổ khắp nơi để tiễn năm cũ đi, những nhà hàng Á Châu bên này cũng có lúc đem treo phong pháo trước cửa tiệm, nhưng chả dám châm ngòi vì sợ cảnh sát đến viếng. Ai cũng đón năm tháng sắp đến với vạn điều ước, lúc nào cũng chân thành mong muốn ước muốn thành sự thật, để còn đủ hân hoan và niềm tin nhìn đến tương lai.

Sau đó, muốn đủ mặt gia đình tham dự, thì tết được dời đến ngày cuối tuần, hỉ hả ăn uống,  lũ lỹ mọi món lớn bé trên bàn , những món chỉ làm cho dịp tết, như chân giò hầm măng khô, sú xào miến và lòng gà, thịt đông, xôi vò, chè hoa cau  .... nghĩa là những món xưa kia thấy Má tôi vẫn hui hem sửa soạn.
Tôi lại còn có mấy lần đón giao thừa trên núi những lần đi trượt tuyết, vì tết rơi tình cờ vào dịp nghỉ lễ hóa trang (carnaval), nếu muốn đi với những đứa con thì chỉ có mỗi dịp này là đảm bảo có tuyết. Quên sao được lần đón giao thừa một năm tổ đãi cho nắng cả tuần trên núi. Chúng tôi ở trên đỉnh cao đợi đến giờ giao thừa, ngắm những bóng người đủ màu sắc đang ý ới gọi nhau trượt xuống núi, tiếng la hét cười nói  chìm theo bóng tối lan dần lên từ thung lũng. Đến đúng giờ, trượt xuống núi, vượt qua lằn ranh giới giữa ngày và đêm, cứ như mình vừa qua một đoạn đời khác. Và vác theo được cái bánh chưng để ăn sau giao thừa, thì ngon gấp mấy lần món thổ sản của địa phương nơi đây  là món fromage nấu chảy ra ăn với bánh mì.
Nếu còn nhớ đến tết xưa, đậm nét trong tôi  là hình ảnh đường phố ngập màu sắc quần áo mới 3 ngày đầu năm. Mọi người ăn mặc đẹp, đi đến thăm nhà nhau hoặc lượn lờ qua phố xá. Còn ở đây, áo quần mới sắm sửa không còn thành vấn đề, không còn qui định một năm, bảo đảm ngoài dịp tựu trường, sẽ có được quần áo mới vào dịp tết, nên con nít không thấy dài cổ chờ mong tết đến như chúng tôi hồi còn bé.
Nếu có gì còn tiếc nuối tết xưa, là những lúc cần soạn chương trình để tiêu cho hết ba ngày tết đầu năm. Ngày mùng một, lúc nào cũng hết nửa ngày chờ "tụi ngoài hàng" nghĩa là anh chị họ của tôi ở cách đó khoảng nửa tiếng đi bộ đến chúc tết. Rồi cả lũ ồn ào như ong vỡ chợ như cả thế kỷ chưa gặp nhau, dù chỉ mới  chia tay nhau lúc buổi chiều cuối năm để  ai về nhà nấy. Sau đó chất hết lên các xe honda hoặc mướn đứt một chuyến xe lam để trực chỉ ấp Thái Phiên ,cách Dalat khoảng 8 km thăm gia đình người Bác, nơi có những bà chị họ khác rất khéo tài bếp núc đang chờ mọi người bữa trưa . Buổi chiều còn lại, chúng tôi đi thăm hết các họ hàng, và tối, chị em xúm lại chơi bài xì lác hoặc bầu cua bằng những đồng tiền lì xì.
Mùng hai, thường khởi đầu năm bằng màn đi picnic ở khu hồ Đa Thiện, hoặc có năm, đi nhờ một chuyến xe của hàng xóm, chúng tôi  xuống tận đập nước Đa Nhim để lội nước trong những dòng suối nhỏ. Sau giải phóng, nhà không còn xe, chúng tôi lôi ngay cái máy cày tay với cái remorque chứa hàng đằng sau để đi hết cả vòng thành phố, từ nhà đến thác Cam Ly, rồi trực chỉ Suối Vàng, không xấu hổ gì về phương tiện tự chế đó, lâu lâu còn nhảy xuống khỏi xe để chạy bộ theo cho đỡ cuồng cẳng .
Mùng ba, đi lên Sân Cù tìm những bãi cỏ nâu, hoặc đứa nào gan dạ lắm thì thuê ngựa cưỡi. Còn không thì xếp hàng mua vé đi xe đạp nước ở Hồ Xuân Hương. Rồi lang thang trên những con đường chính của thành phố, thấy cũng dâng lên một nỗi tiếc nuối là ba ngày tết sao trôi đi cái vèo.
Từ đầu năm, chúng tôi đã đi tìm đến thiên nhiên, và mãi cho đến giờ, chốn phồn hoa đô hội không quyến rũ được tôi mãi, chỉ trong chốc lát, rồi vẫn phải đi tìm một không gian im lắng để nghe bước chân mình, hoặc nghe những tiếng động của thiên nhiên hào phóng trao tặng.
Năm cuối cùng của bậc trung học, chúng tôi đến thăm nhà bạn bè nhau. Tôi nhớ mãi giò thủy tiên trong phòng khách nhà một đứa bạn. Loại hoa được mô tả như một thú chơi tao nhã và cầu kỳ của giới thượng lưu. Sang đây có lần tìm gặp lại được nhỏ bạn, tôi nhắc đến chậu hoa này, nó gửi đươc ngay tắp lự cho tôi tấm hình xa xưa cả gần 40 năm. Tôi ngỡ ngàng nhận ra đó là loại hoa Narcis, nở tràn ngập nơi đây vào mùa xuân. Bấm thêm một phát vào máy tính, thì thấy bạt ngàn những cánh đồng hoa này ở Hòa Lan, trong vườn hoa tulipe nổi tiếng Kokenhof, bỗng thấy buồn như cậu hoàng con, trong bước chân lưu lạc xuống trần thế, thấy cả một vườn hồng bất tận, chỉ còn cứu vãn được nỗi thất vọng về đóa hồng vẫn tự hào là duy nhất trên đời của hành tinh của Cậu, là đó vẫn là hình ảnh duy nhất lưu lại trong mình, ở một đoạn đời nào đó. Sau tôi vẫn tự đi mua củ về, đẽo gọt, nhưng không uốn nắn, để có được những chậu thủy tiên của riêng mình. 

Nếu nhớ đến tết ở Dalat,  là nhớ đến những thân mai già cỗi nhưng lại trổ hoa rất đẹp, nhất là những gốc mai quanh hồ Xuân Hương, chả biết giờ có còn không, hay đã được thay thế bằng loại hoa khác rồi,. Mùa tết, cũng là mùa du khách đổ xô lên thành phố. Có một dạo, tôi hay thích ngồi ở một gốc cây cạnh bờ hồ, đếm số xe du lịch đang tung tăng đi vào thành phố, và sau đó là những hoạt cảnh nháo nhào ngoài khu chợ Hòa Bình, và dân địa phương rên xiết vì giá cả thị trường theo mức độ tràn ngập của du khách để tăng lên một cách vô tổ chức. 
Cứ như vậy, tết tại tâm có lẽ, tôi không thấy buồn vì tết không giống như xưa, không cố gắng gây dựng lại những hình ảnh đã qua đi, và có lẽ cũng đã mất luôn trên quê hương mình, nên sẽ không tâm sự với con của mình, hồi đó, tết nhà mình như vầy và như vầy , mà sống với chúng trong hiện tại, chia xẻ với chúng một vài truyền thống còn giữ lại  để chúng không quên cội nguồn, thế thôi .Nhưng không khỏi thấy đằm thắm trong lòng, khi thấy bọn trẻ trong nhà xôn xao hỏi " chừng nào đến tết hả Mẹ ?"

 Hương Quỳ ( Bruxelles, 02/04/2015)

 

 

 

2 comments:

  1. Hoạt cảnh lau lá dong với rọc lá chuối năm nào còn nhớ đến tận bây giờ!

    ReplyDelete
  2. Tết đến bất cứ ở đâu, quê hương hay tha hương, nếu chung quanh ta có những người đi cùng một nhịp điệu.
    Quynh

    ReplyDelete