Anh lớn hơn tôi đúng 5 tuổi. Khi tôi chập chững bước vào
ngưỡng cửa trung học thì anh đã hiên ngang ở năm đệ nhị, chuẩn bị thi tú tài một.
Không biết Má tôi nhắn gửi tôi cho anh ra sao mà cứ đến giờ ra chơi, anh hay đi
tìm tôi, hỏi thăm tôi có đứa nào ăn hiếp không thì chỉ mặt cho anh! Lũ bạn tôi
thấy anh thì sợ re, tôi vì thế đâm ra cũng có thớ trong lớp. Bọn con gái xếp de
đã đành, bọn con trai nhìn khuôn mặt ngầu với dăm vết sẹo của anh, tự thấy ơn ớn nên
không dám chọc ghẹo gì tôi. Tôi vào trung học với cả một cái khiên chắn bảo vệ
như vậy nên yên tâm vô cùng.
Chiếc xe màu cam của ông Mười Hòm đưa rước tôi hàng ngày
từ nhà đến trường, từ trường về nhà. Thỉnh thoảng lớp được ra về sớm, tôi phải
nấn ná chơi ở sân trường chờ đến giờ xe đón. Những lúc đó mà gặp anh thì mừng hết
lớn. Anh bảo chờ xe làm gì, lên anh chở về nhà. Thế là tôi vén áo dài nhảy phóc
ngồi sau chiếc xe Honda 67 của anh, để anh phóng vù vù xuống dốc Nha Địa Dư, lạng
lách quanh hồ Xuân Hương, vòng vèo trên khu Hòa Bình, tuôn dốc Duy Tân rồi anh
thả tôi ở trước tiệm sách của Ba tôi. Coi như anh hết nhiệm vụ với cô em họ. Tôi
còn nhớ một lần trường tổ chức triển lãm những nguy hại về việc dùng các loại
thuốc gây nghiện và khuyên răn học sinh tránh cho rõ xa. Anh thấy tôi đang léng
phéng ngoài sân, liền lôi tắp tôi vào phòng triển lãm, chỉ cho xem hình một ông
nghiện gầy nhom dơ bẩn đang nằm vật vờ bên lề đường, bảo “Xem này, đừng có dại
mà đụng đến thuốc phiện nhé!” Tôi gật đầu lia lịa mặc dù chẳng biết thuốc phiện
tròn méo ra sao.
Thông xanh mãi - Hình Dũng chụp |
Đầu tháng 4 năm 1975, Dalat hấp hối. Thành phố lác đác có
người đem cả gia đình chạy về Saigon. Tuy vậy trường lớp vẫn kiên gan tiếp tục
mở cửa dạy dỗ chúng tôi. Buổi chiều hôm đó là giờ thể dục, cả lũ đang đứng lên
ngồi xuống, hít vào thở ra thì cửa lớp xịch mở. Anh hùng dũng bước vào, nói gì
đó với ông thầy thể dục của tôi rồi tiến đến chỗ tôi ngồi, bảo “Giờ này mà còn
học hành gì nữa, đi thay quần áo rồi lên xe anh chở về nhà!”. Tôi hoang mang đi
theo anh, lần đầu tiên trong đời tôi bỏ học ngang xương như thế. Đám bạn nhìn
tôi nể nang thán phục ra mặt. Coi như tôi là đứa đầu tiên bỏ trường bỏ lớp, mở
màn cho những khuôn mặt thân quen biến dần trong lớp học. Buối học cuối cùng của
tôi được anh kết thúc rất bất ngờ và gọn gàng.
Mây trôi về đâu? - Hình Dũng chụp |
Di tản 1975, nhà tôi tan tác. Các anh chị lớn đã về
Saigon, một bà chị khác thất lạc đâu đó ở Buôn Mê Thuột. Ba Má tôi thương con
không muốn bỏ Dalat, nấn ná ở lại chờ chị tôi về. Tôi và con nhỏ em út cũng ở lại
với Ba Má tôi. Nhà đâm ra neo đơn hẳn. Bác tôi bèn cử anh vào ở với gia đình
tôi, coi như để bảo vệ cô chú và các em trong cơn loạn lạc, tối lửa tắt đèn mà
nhà chỉ trơ ra hai ông bà già và hai đứa con nít. Ban ngày anh đi đâu chơi
không thấy mặt, buổi tối khoảng chín giờ anh gọi cửa rồi ở lại ngủ cho đến 7, 8
giờ sáng hôm sau lại biến mất. Ba Má tôi cũng chả phiền hà gì, bác tôi cũng coi
là chuyện tự nhiên. Khi Dalat, thất thủ, người lớn hoang mang, lo lắng đứng ngồi,
không biết chuyện gì sẽ xảy ra, riêng anh rất đỗi vô tư, phóng xe rủ tôi và con
em đi lên Tiểu Khu nhặt đồ lính vứt lại. Anh khoe với tôi đã lượm một khẩu súng
lục và cho tôi cầm chơi một chốc. Khẩu súng lạnh lẽo nặng trịch trong tay làm
tôi khiếp vía hơn là thích thú nên tôi vội vàng trả lại cho anh ngay. Sân Tiểu
Khu giấy tờ bay trắng xóa, áo quần, mũ nón vứt lung tung, ngổn ngang bàn ghế khắp
nơi. Chúng tôi gom góp được vài cái mặt nạ heo, đeo vào dọa nhau cười nắc nẻ,
dăm bình nước bi đông mà sau này rất tiện dụng để đi lao động xã hội chủ nghĩa,
một hai cái ba lô lính dày dặn, và tuyệt nhiên chẳng thấy súng ống gì cả, chắc
thiên hạ lượm hết rồi. Tôi vớ được một vỏ đạn rỗng. Anh bảo, đạn bắn rồi nhặt
làm gì, nhưng vỏ đạn đồng đỏ sáng bóng rất bắt mắt, tôi tha thẩn cho vào túi
làm kỷ niệm.
Suối vàng - hình Dũng chụp |
Cái vỏ đạn này tôi phải vội vàng vứt vào thùng rác vì không
lâu sau đó, anh bị bắt. Tôi ngây thơ sợ chính quyền lần ra cái vỏ đạn rỗng của
tôi nên hốt hoảng đem vứt luôn. Họ kết án anh tội phản động chống phá nhà nước.
Một nhúm học trò, mặt búng ra sữa, đang tuổi nổi loạn nên chuyện cãi cọ thầy cô
là chuyện thường, tất cả những gì anh thấy trong trường lớp đều trái tai gai mắt
nên ra sức chống đối lại. Không tấc vũ khí trong tay, tôi không hiểu anh và đám
bạn anh phá hoại nhà nước cái nỗi gì. Bác tôi lo đứng lo ngồi. Cả họ lên ruột với
anh, nín thở chờ anh được thả ra. Ngày anh ra tù, bác tôi mừng rơi nước mắt, mọi
người trong họ đón chào một ông cháu mặt mày còn non choẹt, xanh lướt và gầy
nhom như que củi. Tôi nhìn anh có phần nể phục và hơi sợ. Kể từ đó anh quyết định
bỏ trường luôn, không đi học lại nữa.
Những năm đói khổ ấy, kinh tế đời sống khốn đốn, nhà nào
thủ thân nhà đó, lo một ngày hai bữa đã hết hơi, không còn để tâm đến chuyện
thiên hạ nhiều. Riêng tôi bận bịu với trường lớp, các loại kế họach lớn nhỏ, các
buổi lao động cuốc đất trồng khoai, không còn gần anh như trước nữa. Thỉnh thoảng
gặp tôi anh hỏi “Đã được kết nạp thiếu niên tiền phong chưa?” rồi cười nửa miệng.
Tôi tức anh ách vì lúc ấy tôi là một đứa ham vui, thấy thiên hạ được quàng khăn
quàng đỏ thì tôi cũng muốn được đeo một cái như thế. Anh còn bảo, khi nào thành
thiếu niên khăn quàng đỏ, nhớ đừng cắt quần ống loe của anh, đừng bắt anh phải
đi cắt tóc ngắn, rồi anh phá ra cười khành khạch. Tôi càng tức hơn. Khi lớn hơn
một chút, một hôm đi học về, tôi thấy anh dung dăng dung dẻ với chị ngoài đường.
Gặp tôi, anh trịnh trọng nói “Đây là bạn gái của anh”. Tôi hãnh diện vì được giới
thiệu một cách rất người lớn và rất đàng hoàng nghiêm chỉnh với chị. Riêng Tết
năm đó cả lũ được anh mời tới nhà chị chơi. Hình như ba chị là đầu bếp một tiệm
ăn Pháp nên cả bọn đánh bay các món bánh mứt chị bày ra không chút khách khí.
Ăn hết sạch lại dám hỏi chị có còn nữa không!
Dalat sương khói - Hình Dũng chụp |
Tôi gặp lại anh bên Bỉ cách đây một năm. Anh vẫn như ngày nào, vẫn gầy còm nhom, có điều lớn tuổi anh càng giống bác trai tôi ở cái tính khề khà, không đi đâu mà vội. Tóc anh đã hai màu, tóc tôi cũng lấp ló những sợi bạc đâu đó. Đã có một khoảng cách hơn hai mươi năm chúng tôi không gặp lại nhau rồi còn gì. Anh hỏi tôi có nhớ trường Hùng Vương nơi hai anh em học hồi còn nhỏ không, rồi anh rút cell phone mở hình trường cũ cho tôi xem. Kỷ niệm ùa về làm tôi bồi hồi nhớ lại một thuở. Đã lâu lắm không ai gởi hình mái trường thơ ấu cho tôi coi. Anh nhắc lại tên những người bạn ngày xưa cùng trường nhưng tôi đã quên rồi, chẳng còn nhớ được ai. Anh cho tôi xem hình Núi Bà bị chẻ làm hai, bảo người dân tộc sợ lắm, sợ hồn ma núi trả thù. Anh nói với giọng rất chân thành nên làm tôi cũng đâm tin là có ma núi thật. Thấy anh hút thuốc nhả khói như một cái đầu xe lửa, tôi kêu lên “Trời đất, anh không sợ lao phổi sao?” Anh khào khào bảo, ừ, hút quen rồi, không bỏ được giống như nghiện vậy, rồi anh cười khà khà. Anh nói thêm thôi để hè năm 2014 anh sang Mỹ, nhất định đến chỗ tôi để tôi dẫn anh xem cao bồi Texas chính hiệu hiên ngang trên lưng ngựa chăn đàn bò sừng dài. Hoạt cảnh lùa bò này diễn ra mỗi ngày một lần trên con phố chính để cho du khách chụp hình. Tôi chia tay anh với lời hẹn sẽ gặp lại nhau lần nữa.
Xanh màu lá, biếc màu trời - hình Dũng chụp |
Năm Giáp Ngọ gần hết, Tết Ất Mùi gần kề, chỉ còn mươi ngày nữa thôi là tống cựu nghinh xuân. Ngỡ sẽ được xem những tấm hình chụp Tết 2015 của anh, nào ngờ nửa bên kia bán cầu anh ra đi, nửa bên này trái đất tôi bàng hoàng. Những người quen thân anh buột miệng, đời sao ngắn ngủi chi lạ. Riêng lời hẹn anh em gặp lại nhau thế là chẳng bao giờ thành.
Giờ phút này chắc anh đã gặp lại Bố Mẹ anh, gặp lại Ba Má
tôi, gặp lại tất cả những người đã rời bỏ chúng tôi để đi biền biệt, đi mãi không
quay về. Nhìn lên bầu trời cao thăm thẳm, tôi hình dung anh vác máy ảnh bảo các
cụ đứng xích lại gần nhau cho anh chụp và…rồi gởi cho chúng tôi xem, trong tâm
tưởng.
Riêng trong đáy lòng tôi, anh mãi luôn là người anh họ năm
nào, đến giờ ra chơi tìm tôi để xem tôi có
bị ai hà hiếp không. Và nước mắt tôi chảy tràn…
Dũng ơi, thôi hãy ngủ ngon, anh nhé. đường xưa lối cũ - hình Dũng chụp |
Fort Worth, 02/12/2015
No comments:
Post a Comment