Khi
có người hỏi tháng Tư có màu gì, đỏ hay vàng theo màu cờ chính trị tôi
nghĩ ngay tháng tư có màu trắng. Với những xôn xao của cả hai phía thắng và thua về ngày 30-4, đối với
tôi đã rất xa, và trong tôi chỉ còn lại một màu trắng. Màu trắng của hoa mơ,
hoa mận, hoa anh đào, hoa linh lan...mọi thứ hoa đang nở rộ đón mùa xuân
tới. Nhưng tôi chỉ còn thấy màu trắng của vòng hoa tang và giải khăn sô quấn vội lên đầu một ngày
tháng tư năm nào.
Viết
về Má ư ? Viết về người mẹ đã đột ngột ra đi, nay đã 4 năm, viết về nỗi
đau không thể nói thành lời, viết về những kỷ niệm với Má, những hình ảnh
bất chợt trở về trong mơ hay ngoài đời
thật? Thật thế, Má đã không còn nữa nhưng trong tâm tưởng của tôi
Má vẫn ở đâu đó, lúc ẩn lúc hiện, lúc vui vẻ, lúc tư lự, lúc buồn phiền, lúc trách móc, lúc mãi mãi hoài niệm về
một quá khứ xa xăm. Không bút nào tả xiết, không lời nào nói hết được tâm tư của những đứa con ngỡ ngàng đã mồ côi mẹ. Nỗi
đau đến bàng hoàng, nỗi đau đến vô cùng và bất tận.
Những năm đầu tôi không hề nằm mơ thấy Má bao giờ, làm như đã bị hoàn toàn tê liệt không còn cảm giác gì. Nhưng gần đây tôi lại hay nằm mơ thấy Ba và Má trong những sinh hoạt hàng ngày, khi thì ở nhà số 7, khi thì ở nhà Ba Má dưới Halle , nhưng không bao giờ trong căn hộ của Ba Má. Hàng tuần tôi vẫn đến đây một mình, thắp một nén hương trên bàn thờ, châm nước cho những chậu hoa lan trắng hay hồng mà ngày xưa Má rất thích, và rồi ngồi nhìn lên hình ảnh của Ba Má, nhìn thật lâu. Sao mà êm ắng thế này, tiếng xe cộ ngoài đường cũng không thể vọng lên làm tan đi được cái im lặng của những nguời đã khuất bóng. Ba Má vẫn bất động nhìn xuống, bình thản nhưng vô hồn làm sao! Tôi không có cảm giác Má còn ở quanh quẩn đâu đây nữa mặc dù vẫn là căn phòng này, nơi chốn này. Những vật dụng phần lớn đã được dời đi nhưng dấu ấn của Má vẫn còn đó. Mở ngăn kéo bàn phấn của Má vẫn còn lược gương kim chỉ. Mở các ngăn tủ ở bếp vẫn còn bát đĩa, muỗng đũa y nguyên, nồi niêu xoong chảo vẫn còn xếp đầy trong tủ. Trong cái tủ buffet bằng gỗ sồi trong bếp vẫn còn bộ tách trà cổ màu xanh với hoa văn rồng phượng. Ngày xưa Ba Má quí bộ tách trà này như vàng, chỉ ngày tết mới được đem ra lau rửa kỹ càng và bày lên cái khăn bàn trắng tinh để giữa phong ăn. Chỉ khách quý mới được uống trong tách trà này. Những chai lọ có chữ viết của Má như tiêu, muối, bột ngọt, đường...đã được các con chia nhau lấy đi giữ làm kỷ niệm. Nồi nấu cơm điện nhỏ xíu vẫn còn đó như gợi lên nỗi cô đơn của người sống một mình. Vì công việc và cuộc sống gia đình của mỗi đứa, Má đã tự động đứng qua bên lề của các con. Có những lúc tôi dẫn Má về nhà mình ở một hai đêm, Má như bứt rứt thế nào, Má không thoải mái, đi ra đi vào rồi cũng muốn mau mau trở về căn hộ của mình. Ở đó là giang sơn của Má, những thói quen của Má, những sắp xếp theo cái hợp lý của Má. Ở với các con thế nào cũng chẳng được tự do như ở nhà mình.
Bây
giờ mỗi buổi chiều chủ nhật lái xe từ Clabecq về nhà ở Bruxelles, trên đường
đi tôi vẫn nhớ xưa kia có Má ngồi bên cạnh, khi huyên thuyên kể chuyện ngày
xưa ở ngoài Bắc, có đến cả trăm lần rồi, nhưng với Má vẫn như mới hôm
qua, khi thì Má đột ngột im lặng trầm tư trong những suy nghĩ của riêng mình.
Lúc mùa đông, nhìn hàng cây trơ trụi Má
suýt xoa sao mà lá rụng hết không còn đến một cái nào. Mùa xuân đến cây lá đâm chồi rất
nhanh và Má lại nói sao mà nhanh thế, mới
đó mà đã đầy lá rồi. Khi hoa mai vàng Forsethia nở rộ hai bên đường đi Má khen
đẹp, khi đến đường Molière với những hàng cây cổ thụ bên đường tỏa rộng
vòm lá che khuất cả mặt trời, Má nói, nhìn đến mát mắt. Đến đường Vleurgat với hàng cây sao thẳng tắp như tháp nến hai bên
đường, Má khen hàng cây này đẹp quá, cứ
như là cây Noel! Đó là những
nơi Má thường để mắt đến và mỗi lần, từ năm nay qua năm khác Má thường lặp đi
lặp lại như vậy. Bây giờ lái xe một mình qua những con đường quen thuộc đó,
tôi vẫn còn nghe văng vẳng đâu đây từ trong tiềm thức tiếng nói của Má. Năm đầu
tiên khi Má mất, tôi vẫn thường trở lại những con đường quen thuộc này và lặng đi
trong những hồi ức khiến mình xốn xang quặn thắt cả tâm can. Sau đó thì tôi
không đi con đường này nữa. Nhưng trên xa lộ khi sắp đến
ngã rẽ đi về Uccle, Drogenbos, tôi không còn quẹo vào đó nhưng mỗi lần tôi đều nhìn về hướng con đường
này và tự nhủ trong lòng ngày xưa còn Má mình thường rẽ vào đây, bây giờ Má
không còn nữa mình phải đi thẳng thôi. Đã 4 năm trôi qua nhưng không lần nào
qua đây mà tôi không nhớ về Má.
Trước
đây mỗi khi đưa Má về đến trước của nhà, Má xuống xe và bước đến mở khóa cửa. Tôi nhìn theo đợi Má mở được cửa
rồi quay lại vẫy vẫy tay với tôi, Xong,
cánh cửa
nhẹ khép lại phía sau hình ảnh Má với chiếc áo cánh màu tím Má ưa thích
nhất, thế là Má đã trở về nơi chốn
của Má, cái không gian riêng biệt của mình mà ngay cả tôi đứa con gần Má nhất
cũng phải ở lại bên ngoài. Bao lần tôi tự hỏi sao mình không lại gần Má
hơn. Nhớ những lần trước kia đến ăn cơm trưa với Má, rau đậu giản đơn
nhưng Má thật vui khi có ai đó cùng ngồi với mình. Nhưng lúc sau này Má cũng
không còn muốn ai đến ăn vơi Má nữa, có hỏi Má sẽ nói tao chẳng có gì ăn đâu,
có khi Má ngại phải nấu thêm món này món kia, nếu có ai đến. Má chỉ muốn ăn uống
qua loa rồi đắm mình trong những cuộn băng video ông Trung thu cho Má. Niềm
vui của Má chỉ còn thu hẹp lại như thế và tôi cũng không còn dịp nào lại gần Má hơn để « nhìn mẹ thật lâu và noi nói với mẹ rằng, mẹ ơi, mẹ có biết là con thương mẹ không? »
Trong
đời sống hàng ngày, thỉnh thoảng cũng có người nhắc đến Má. Một bà bênh nhân
già của tôi nay đã phải vào viện Dưỡng lão vẫn thường nhắc với tôi "Tao bằng
tuổi Má mày đó, năm nay tao 90 rồi, nếu bà ấy còn sống cũng đã 90 tuổi như tao" . Ông Trung, một bệnh nhân
khác của tôi và cũng là bạn trung thành của Má khi xưa cũng thường nhắc đến Má
với những số điện thoại Má hay nhờ gọi, ông ấy còn đọc ra vanh vách số của chị
Thúy ở Việt Nam, chị Nga, chị Bình ở
bên Mỹ, số bà Bảy ở Manage …Còn số của hai con Quỳnh Hương thì không cần nhớ vì tụi nó gọi về hàng tuần
rồi, Má nói vậy.
Cuốn
sổ địa chỉ của Má tôi vẫn còn cất giữ, thỉnh thoảng mở ra tìm kiếm những số điện
thoại, những địa chỉ số nhà của những người thân quen khi xưa của Ba Má. Vậy
mà nó cũng giúp tôi được ối việc! Kể cả ngày mất của Ba, Má đã cẩn thận
ghi vào sổ với một tờ lịch với cả ngày ta và ngày tây. Tôi chỉ việc mở ngăn kéo và giở ra là biết ngay ngày ta âm lịch. Vậy mà đến
ngày mất của Má, không còn ai ghi vào cuốn sổ nào. Tờ lịch oan nghiệt tôi đã
cất thật kỹ trên cao ở bàn thờ Má và mỗi khi muốn tìm kiếm tôi lại phải nhờ đến internet để
chuyển đổi ngày tháng .
Má
không làm thơ như Ba, Má không mơ mộng và hoài niệm như Ba, Má là người thực tiễn, cái gì Má làm là có mục đích, và những gì Má để lại cũng thực tiễn và đã
giúp tôi được rất nhiều việc! Má có biết không nhỉ, khi Má mất đi đã để
lại một khoảng trống to lớn dường nào trong lòng mỗi đứa con? Không , Má
không biết được đâu, người chết là hết, là vĩnh viễn ra đi không ngoái đầu lại bao giờ. Má sẽ không bao giờ biết
được nỗi đau của các con hôm nay đâu! Có thể như thế là hơn chăng,
vương vấn làm gì chỉ lại làm cho Má thêm khổ tâm mà sẽ không được thanh thản
bình yên ở một góc trời nào đó!
Mùa
Xuân đến với hoa anh đào hồng nở rộ khắp
đường phố, hoa rừng Halle ngát một màu
tím, hoa linh lan đang nhú lên trong rừng đợi chờ ngày lễ mẹ sắp tới. Lẽ
ra tôi phải hân hoan đón chờ những ơn phúc của thiên nhiên đang hào phóng ban
phát. Nhưng không, từ 4 năm nay, mùa xuân với tôi luôn mang hình dáng của
một vết dao sắc cứa đứt trong tim ngày mất
mẹ, và những giọt lệ hồng nhỏ xuống
không nguôi, cho đến bao giờ ….cho đến mãi mãi về sau !
TỐ MAI
Bruxelles
ngày 24/4/2015
No comments:
Post a Comment