Thử nhìn sang nước Đức mà xem. Năm 1989 bức tường Bá Linh sụp đổ, Đông Đức gặp Tây Đức, thống nhất làm một. Vì Tây Đức chẳng bắt Đông Đức đi cải tạo, vì Tây Đức không xếp loại công dân nước mình từ hang 1 là Đảng viên đến hạng 14 là sĩ quan Ngụy, vì Tây Đức không lên mặt làm kẻ chiến thắng, mắng nhiếc Đông Đức là lũ Ngụy quân Ngụy quyền Ngụy dân, cho nên họ chẳng cần phải nói chuyện hòa giải hòa hợp gì cả. Tôi sang Đông Đức năm 2005, các thành phố không sầm uất bằng, nét nghèo khó lẩn khuất đâu đây, nhưng dân Đông Đức chẳng có gì mặc cảm với đám phía Tây, ngược lại, đám Tây Đức cũng chẳng có gì là lên mặt với phần đất nước còn lại của họ. Bây giờ thủ đô nước Đức dời từ Bonn về Bá Linh rất êm thấm, chẳng ai lấy làm điều vì chúng tôi chiến thắng, thủ đô phải ở lại nơi nó đã từng ở. Như bây giờ mà bảo dời thủ đô Việt Nam từ Hà Nội vào Saigon xem, chắc vui phải biết.
Nhìn ngược về Việt Nam, 40 năm rồi, chuyện Cộng Hòa với Cộng Sản vẫn cứ mãi râm ran, không ai nhường ai, nhặng xị lên. Dĩ hòa vi quý bảo Việt Nam Cộng Hòa hay Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đều là một. Khát máu hơn thì bảo “Đám dân chủ tư bản chỉ mang tàn tích đế quốc làm hư hỏng nước nhà”. Đám bỏ nước ra đi theo mọi kiểu mọi cách lại thề độc “không bao giờ đội trời chung với đám cộng sản”. Ngày 30 tháng 4, tại các thành phố lớn ở Việt Nam bắn pháo hoa ăn mừng chiến thắng. Ngoài Việt Nam mang cờ vàng ba sọc đỏ làm lễ tưởng niệm ngày quốc hận. Cộng sản bảo 30 tháng 4 đại thắng, Quốc Gia bảo đó là ngày 30 tháng 4 đen.
Với tất cả mọi luận điệu và suy nghĩ ấy, tôi
thấy hai bên chính nghĩa khó mà tay bắt mặt mừng được khi chính quyền Việt Nam xưng
tụng cái chết của 10 cô gái ở Đồng Lộc, bị trúng bom Mỹ. Người Việt hải ngoại
khóc thương cho 32 đứa trẻ chết tức tưởi ở trường học Cai Lậy bị Việt Cộng pháo
kích. Miền Bắc ra rả Mỹ thả bom phố Khâm Thiên nát như tương, dân Huế vẫn còn tức
tưởi với vụ thảm sát tết Mậu Thân. Tượng mẹ Việt Nam anh hùng được dựng lên cho
những bà má hy sinh cho chồng cho con trong kháng chiến, thế nhưng những bà mẹ
khác lặn lội nuôi chồng nuôi con trong nhà tù cải tạo, gian nan không kém mẹ
đào hầm vót chông thuở nào thì chẳng ai nhắc tới. Những mất mát của chiến tranh
đều xảy ra đồng đều cho cả hai phía. Gia đình bên nào cũng đau như nhau, mất
mát như nhau, nước mắt chảy ra cùng một mùi vị, khăn tang đội trên đầu cùng một
màu trắng, di ảnh trên bàn thờ của những người lính trẻ nhìn xuống cùng một kiểu…
Riêng đối với người Việt sống ở hải ngoại, ngày 30 tháng 4 kỷ niệm với cờ vàng ba sọc đỏ số người tham dự ít dần. Các cựu quân nhân, những người cao tuổi của chế độ Cộng Hòa dần dần đã về với giun dế, chẳng còn bao nhiêu. Thế hệ nửa nạc nửa mỡ sinh ra ở Việt Nam, gây dựng sự nghiệp ở nước ngoài có đầu óc cởi mở hơn. Nhìn cờ vàng tung bay với tấm lòng khoan dung vì cha ông đã ngã xuống cho màu cờ này, nhưng không tham gia đi biểu tình dù radio ra rả kêu gọi. Bên cạnh đó họ cũng chẳng chơi với cờ đỏ sao vàng vì ký ức những ngày những đêm lênh đênh trên biển vượt biên hay nỗi đắng cay trong những khu kinh tế mới vẫn còn đọng trong lòng. Con đi học về hỏi cô giáo bảo đem cờ Việt Nam lên trường thì con phải đem cờ gì, bố mẹ ấp úng, mãi không ra được câu trả lời. Thế hệ trái chuối, vỏ vàng nhân trắng thì khỏi cần nói. Sinh ra xứ người, nói tiếng xứ người nhuần nhuyễn hơn tiếng mẹ đẻ, nghe kể chuyện các ông tù cải tạo bắt ăn bất cứ con gì nhúc nhích được nghệt ra như được nghe một huyền thoại. Ông nội ông ngoại hôm nào diện bộ đồ lính xưa đi dự hội cựu quân nhân thì chúng trố mắt nhìn, hỏi ông có bị điên không? Bạn bè chúng đã có những đứa đi du học từ miền Bắc, chơi với nhau không hỏi bố mày là sĩ quan Ngụy hay Đảng viên, không hỏi mày gốc Bắc di cư trước 75 hay sau 75, không hỏi nhà mày vượt biên hay đi bảo lãnh, hay dân sang sau này bằng diện du học, đại loại thế. Ngày 30 tháng 4 đối với chúng chẳng mang bất kỳ một ý nghĩa nào. Và khi lớn hơn một chút, chúng hỏi bố mẹ sao mình chưa về Việt Nam, con muốn biết ở bên đó có gì. Bố mẹ chỉ có thể trả lời, chưa muốn về. Không phải vì chính kiến mà vì cảm thấy mình không còn là một phần của dải đất hình chữ S, vì cảm thấy quê hương thật ra đã ở mảnh đất tạm dung này mất rồi. Đi làm ở đây, đóng thuế ở đây, hưởng mọi phúc lợi từ đất nước này, quyền công dân từ đất nước này, có lý nào gởi hết tâm hồn về nơi mà mình đã bỏ ra đi cả bao nhiêu năm nay? Nếu phải gởi hồn về quê cũ, sao nghe ra có mùi phản bội và tráo trở.
Nếu không có ngày 30 tháng 4, thì tôi hẳn
đã không có ngày sinh nhật của mình ở Petit Chateau. Ngồi chầu chực từ sáng đến
chiều để xin được tị nạn xứ Bỉ với đủ màu sắc dân tứ xứ chung quanh, với đủ mọi
ngôn ngữ lạ tai khác chung quanh. Trời tháng Ba mưa phùn rả rít, gió lạnh từng
cơn, trong căn phòng của Lâu Đài, hơi người bốc lên nồng nặc, đủ thứ mùi trộn lộn,
đến nghẹt thở. Chờ đến trưa vẫn chưa tới phiên được phỏng vấn, đám người chầu
chực được hưởng bữa ăn trưa miễn phí gồm một tô súp lỏng toẹt và hai lát bánh
mì đen. Ăn xong dài cổ chầu chực tiếp. Đến khi được gọi vào lăn tay và phỏng vấn,
nhân viên di trú nhìn hồ sơ tôi rồi nói “À, ngày sinh nhật của cô. Chúc mừng
sinh nhật nhé. Lý do xin di trú của cô là gì?” Vào cái tuổi đó, từ cái đất nước
đó ra đi, lý do chỉ có thể là tị nạn chính trị. Thế tại sao lại xin tị nạn
chính trị? Có tham gia đảng phái gì không? Rất đơn giản, thưa ông, tôi không được
đi học! Nghe thế, nhân viên liền gật gù, à à, ở xứ này bắt chúng đi học chúng không thèm đi,
bên đó muốn đi học lại không được. Mà tại sao không được đi học? Gia đình tôi bị
chính phủ Việt Nam xếp hạng 11, thi vào đại học cơ may trúng tuyển xếp sau 10 hạng
kia, thế thì đến bao giờ mới tới phiên tôi? Mặc dù tài sức học hành của tôi hơn
hẳn 10 đứa trước tôi kìa. Không học đại học, tôi đi xin việc bình thường cũng
khó, vì vẫn phải chiến đấu với mười hạng trước đó. Cho nên đời tôi coi như bế tắc.
Nhân viên mủi lòng, tinh thần hiếu học cao thế kia thôi cho ở lại Bỉ để được học
hành. Ra khỏi Lâu Đài, trời vẫn chẳng sáng sủa hơn, bụng réo óc ách vì tô súp lõng
bõng, ngày sinh nhật thôi thì thấy đời vui hơn một chút vì mình được tị nạn ở xứ
này.
Nếu không có ngày 30 tháng 4, tôi chẳng phải
một lần nữa chầu chực ở sở di trú của tiểu bang Indiana. Lại phỏng vấn, lần này
thì chẳng có mùi chính trị gì hết mà là diện hôn nhân. Giấy chứng nhận kết hôn
chưa đủ, mang thêm hình đám cưới cho chắc. Nhân viên hỏi thăm vớ vẩn rồi cho giấy
cư trú tạm 1 năm. Nhờ giấy này mới được đi thi lái xe. Một năm sau lại vác mặt đến, lại phỏng vấn, mục
đích xem chúng tôi có làm đám cưới giả không, có còn thật sự sống chung với
nhau không. Lần này lãnh cái thẻ xanh sau khi được hỏi sinh nhật chồng bà làm
gì cho ông ấy? Đủ để ghi tên đi học đại học chính thức mà không phải trả tiền
dành cho diện sinh viên nước ngoài. Ba năm sau lại có mặt lần nữa, đem theo thằng
con và một căn nhà đứng tên hai vợ chồng. Nhân viên chẳng bới ra được lý do nào
từ chối cho nên thôi cho vào quốc tịch Mỹ cho rồi.
Ngày 30 tháng 4 làm tôi thay vì là công dân
Việt Nam, đã trở thành công dân Mỹ. Đạo luật của Việt Nam ban hành cách đây hai
năm bắt những ai đang ở nước ngoài muốn tiếp tục giữ quốc tịch Việt Nam thì phải
làm đơn xin, còn không sẽ đương nhiên bị tước bỏ. Đám Việt kiều lăn ra cười bể
bụng, chẳng đoái hoài gì đến “quê hương là chùm khế ngọt” với lại cái quốc tịch
được chăng hay chớ ấy. Nghe đâu đạo luật vớ vẩn này chẳng mấy ai tuân theo nên
dần dần chìm vào quên lãng.
Trở lại chuyện hãy tay bắt mặt mừng với
nhau. Hòa giải đâu không thấy, nghe kể các nhà hàng ở Việt Nam có hai giá tiền,
một cho dân bản địa, một cho Việt kiều. Hòa giải nên bắt đầu từ đó, đâu cho xa.
Hãy đối xử với nhau bình đẳng trước đã, từ những việc nhỏ nhất, rồi hãy nói đến
việc lớn hơn. “Những khúc ruột ngàn dặm” có mang tiền về Việt Nam thì thật sự họ
chẳng hề có ý đồ muốn giúp đỡ nhà nước, mà họ chỉ muốn giúp đỡ chính bản thân
gia đình họ trước tiên. Cho nên đừng nhìn vào các đồng đô la chảy vào Việt Nam
rồi hô hoán lên, Việt Kiều tham gia xây dựng đất nước rất tích cực. Nghe những
lời bánh vẽ đó khó chịu và sặc mùi giả dối lắm. Hãy sòng phẳng và thật lòng với
nhau may ra mới được kẻ kia nắm lấy bàn tay đang giơ ra.
Tháng 4 đen hay tháng tư đại thắng, tùy
theo cái nhìn của mỗi người, tùy theo chỗ đứng của mỗi người, vào thời điểm đó,
bạn ở bên phía thắng cuộc hay bên phía đại bại. Và cũng tùy theo cảm tính của chính
bạn, có muốn chìa một bàn tay cho người không cùng chính kiến với mình hay
không. Cái chính là sau khi bắt tay nhau rồi thì chúng ta sẽ làm gì nữa. Hòa giải
hòa hợp tắc tị ở chỗ này vì không ai biết phải đi bước tiếp theo như thế nào.
Rồi đây, khi thế hệ cha ông chúng ta, ngay
cả thế hệ chúng ta không còn nữa, hòa giải hòa hợp chẳng còn mang ý nghĩa gì nữa
cả. Thế hệ “nải chuối” của chúng ta sẽ tự
động bắc cầu hội nhập với nửa bên kia bán cầu
mà không hề thắc mắc về quá khứ của cha ông, mà chẳng thèm để ý tháng 4
có màu gì.
No comments:
Post a Comment