Pages

Friday, May 13, 2016

Hương Linh Quy Y Phật

Đầu  tháng 5 mùa xuân lại đến với  hoa các loại từ từ  nở rộ khắp nơi  , hoa anh đào , hoa  tulipe , hoa muguet , trong vườn ngoài phố  , trong các cửa hàng bán hoa ; người người đang rộn ràng với ngày lễ mẹ ; hoa đủ các loại ,các kiểu khoe sắc khắp mọi nơi . Lòng tôi cũng chộn rộn với mùa  xuân đang tới nhưng  vẫn như bao lần cũ vẫn gợn lên một nỗi buồn  sâu lắng , nỗi buồn  mất cha và mất mẹ vào dịp này . Oái oăm thay ngày các cụ ra đi lại là ngày hoa lá đâm chồi nẩy lộc rộn ràng đón xuân về !
Năm nay chúng tôi đã làm giỗ Ba Má vào ngày 1 tháng 5 ; tránh ngày 30 tháng Tư vì bên Mỹ nhà Quỳnh đã làm giỗ vào ngày này . Để các cụ sau khi viếng nhà Quỳnh còn kịp bay vèo qua  Đại Tây Dương về kịp ăn cỗ với con cháu bên này .Xong rồi lại kíp quay về bên kia nhà Hương  , hứa là sẽ giỗ tuần sau . Mọi người đến đông đủ ; có cả Quí và Rita đến nữa . Quí  ít khi về kịp những ngày giỗ chạc  của Ba Má . Còn nhớ sau ngày Má mất , Quí phải đi làm ở Dubai  , rồi giỗ 49 ngày , 100 ngày , lúc rải tro trên biển cho Ba Má Quí cũng không có mặt , kể cả ngày giỗ đầu 1 năm sau đó . Năm nay thì có đủ mặt nhưng lại thiếu Lân  , thôi đành vậy , bù lại có thêm 3 cháu , chắt mới phải  , năm nay lần đầu trình diện ông bà cố trên bàn thờ . Tre già măng mọc  mà lại . Ông Bà giá còn sống chắc là sẽ vui lắm , con đàn cháu đống cứ thế mà nở ra !

Bất ngờ làm sao , vài hôm sau đó tội có dịp sống lại những kỷ niệm khó quên ngày Má mất . Dọc đường đi Hòa Lan để đạp xe cùng  Cúc ,Thảo, Quỳ  qua các ruộng hoa tulipes , tôi nhận được  một cú điện thoại của người con của một bệnh nhân của tôi báo tin ông cụ đang hấp hối trong bệnh viện  .
 Người này cũng là chỗ quen biết với  Má trước đây , ông nhỏ tuổi hơn Má  , cũng từng hay lui tới trên chùa Linh Sơn  những ngày rằm hay các ngày lễ Má lên chùa . Ông bị tai biến mạch máu não  liệt nửa người đã  9 năm nay rồi ,  ngồi một chỗ , không nói được rõ ràng nữa chỉ bập bẹ vài câu không ai hiểu nổi  và hoàn toàn dựa vào bà Bùi tức bà vợ  đảm đang lo săn sóc cho ông rất chu đáo . Bà Bùi khi xưa cũng đã từng đến thăm Má ở căn hộ trên lầu , có khi Má làm cơm đãi , có khi Má dẫn xuống hàng  Quỳ ăn . Xưa bà rất điệu  , khi nào  cũng ăn mặc  đẹp đẽ chỉnh tề , quần áo  giầy dép rất model với tuổi của bà  và lúc nào cũng đội một cái mũ rất Tây  kiểu của những năm 60 , khiến chúng tôi phải suýt  soa  khen  . Vậy mà mấy năm sau này khi ông ngã bệnh  không biết bà có còn thì giờ diện như vậy nữa không ? Mỗi lần tôi đến thăm bênh cho ông ở nhà thấy  bà cũng vất vả đầu tắt mặt tối để  lo chăm sóc ông . Đã đành có y tá mỗi ngày đến phụ giúp  nhưng không có bàn tay chăm sóc và kề cận ngày đêm bên ông của bà chưa chắc ông đã sống nổi đến hơn 9 năm sau . Tôi cũng đã từng chứng kiến những cơn giận của ông , không nói được thành câu nhưng ông quát vào mặt bà , lông mày cau lại , mắt long lên sòng sọc rất dữ dằn nếu có điều gì không vừa ý . Bà không nói gì chỉ lẳng lặng và nhẫn nại chiều theo ý ông  . Chín năm trời bà có lúc nào rảnh để nghĩ đến mình không ?  Có đâu được 2 lần bà đi Mỹ ăn cưới  con cháu  thì ông được gửi tạm vào một viện dưỡng lão khoảng độ 2 - 3 tuần . Ông cũng đành chịu vậy  , giải phóng cho bà được ít ngày xả hơi bên Mỹ  . Bà nói nào có yên tâm đâu mà đi cũng phải vội vàng để về  lo cho ông vì không biết trong viện dưỡng lão ông ra sao , có yên không hay là lại sinh sự với người ta . Nhưng không  ông cũng  vốn là người hiền lành và biết điều , chỉ dám la mắng vợ chứ không dám la người ngoài !

Bệnh ông trở nặng cũng mấy tháng nay rồi ; ông ra vào bệnh viện cấp cứu cũng năm lần bẩy lượt rồi . Lần cuối đến thăm ông thấy ông khó  thở , mặt mày bơ phờ mà bà còn than là ông không chịu ngồi dậy tập kiné . Thấy tình hình không  xong , tôi làm giấy để đưa ông vào bệnh viện vì bà không thể một mình chăm sóc ông ở nhà nữa rồi. Suy thận rồi qua suy tim , tôi cũng biết trước ông khó qua khỏi kỳ này ; vậy mà gọi điện thoại hỏi thăm bà vẫn còn hy vọng có ngày ông trở về nhà . Có bị  mắng , bị chửi  , có phải trăm tay lo cho ông bà vẫn muốn ông sống thêm với bà ít lâu nữa .
Khi về lại Bruxelles rồi  thì nghe điện thoại bà báo tin ông đã ra đi êm ả ngày hôm qua và hiện còn được quàn tại bệnh viện ; giọng bà có vẻ nghẹn ngào tuy cố chịu đựng  , bác trai cũng lớn tuổi rồi lại bệnh nhiều thứ quá ; tôi cố gắng lấy lời an ủi bà biết  rằng nỗi đau mất một người thân chẳng có gì an ủi được . Tôi tự nhủ phải đến viếng ông  . Những lần Ba Má mất bà cũng từng có mặt . Cố gắng sắp xếp tôi đến thăm ông ở bệnh viện vì ở gần nhà , mai kia ông được đem đi khâm liệm và hỏa táng tôi sẽ không có thì giờ đến viếng nữa . Trả ơn nghĩa cho các đấng sinh thành  của mình vậy , và dù sao đi nữa ông cũng là bênh nhân  của mình trong vòng hơn 10 năm nay .


Thế là lần thứ hai trong đời tôi  lại đến nhà xác của bệnh viện  . Không phải bệnh viện nơi Má mất  nhưng nhà xác bệnh viện nào cũng giống nhau hết , luôn nằm ở dưới tầng hầm ,  - 2  hay – 3  , mở của thang máy ra là một không gian tranh tối tranh sáng , không khí lành lạnh và đặc biệt im ắng  khác hẳn cái không khí  xô bồ rầm rập bước chân ở trên kia . Các hành lang hẹp chia 5 chia 7 ngoằn ngoèo  qua các khung cửa đóng kìn có để số 1 , 2 , 3 , 4 . Tôi đang hình dung phải tìm cho ra người để mở của phòng lạnh và đưa xác người mình muốn  thăm ra ngoài ; nghĩ cũng hơi ớn một mình  ở dưới này với một  cái xác  thì nghe tiếng lao xao ; hình như là tiếng Việt minh , thôi đúng rồi , tôi lần tới nơi thì ra mọi người đã đến để chuẩn bị cầu siêu cho ông .  Thi thể ông đã được mang ra , chưa liệm vì  còn phải đợi mang đến nhà quàn  ngày hôm sau . Ông nằm  yên như ngủ nhưng vẫn có cái sắc trắng xanh của người  không còn máu chảy trong tim .  Ban tụng niệm được  mời từ chùa đến đang chuẩn bị khoác áo lam , sư cô thì áo vàng ,  cùng  2-3 người trong gia đình đang sắp bàn thờ có hoa , nhang và nến . Bà Bùi đến gặp tôi mắt đỏ mọng nhưng không gào khóc như trong những đám ma ở VN , bà bình tĩnh kể về những giây phút cuối của ông . Tôi vô tình rớt vào đám cầu siêu cho ông nên  đành nán lại tham gia cho trọn nghĩa tình . Trong tôi bỗng nổi lên nỗi niềm thương cảm vì hoạt cảnh này tôi đã từng trải qua với sự  ra đi của Má . Mọi người cũng tề tựu , đông hơn ,  trong nhà quàn của bệnh viện , lúc đó má chưa được liệm  , cũng nằm yên  như ngủ  ,áo dài nhung tím với bó hoa muguet trắng trong tay để trên ngực . Hôm đó Hương cũng vửa từ phi trường về đến nơi , khóc òa lên «  sao mà lại như vầy đây ?! » Chúng tôi mọi người  có mặt cũng không cầm được nước mắt  , có lúc lặng đi trong tiếng nhạc từ  cái cell phone bài  Bông Hồng Cài Áo  . Nỗi đau  không vỡ òa ra được  mà thấm thật sâu vào lòng mọi người như những nhát dao sắc cắt ngang tim .


Kéo tôi về với thực tại là tiếng chuông mõ đã nổi lên  , ai đó dí vào tay tôi cuốn kinh cầu siêu . Lại nhớ về những cuốn kinh tôi đã làm photocopie để phân phát cho mọi người  năm nào . Cũng kinh trí độ , kinh A di đà , cầu ha cầu ha đế , bà la ni đế , ma ha già đế ta bà ha .Mỗi câu kinh như vang dội  lên trong tôi từng vùng ký ức đã chôn chặt nơi nào bao năm qua . Từ cái dạo ấy tôi có lần nào đọc lại cuốn kinh cầu siêu này nữa đâu ; lần cuối cùng là lễ trăm ngày Má trước khi đưa Má ra biển . Hương linh quy y Phật , hương linh quy pháp , hương linh quy y tăng  , nguyện cùng chúng  sinh , mười phương  chư Phật .
Hương linh của Ba , hương linh của má , giờ này ở nơi nao ? chác là chẳng còn vương vấn nơi đây với chúng tôi các con các cháu nữa đâu ! Ba má đang ở ngoài biển khơi , mà là biển nào ? Biển phương Bắc  hay biển Thái Bình Dương ? Ba Má đã về thăm nhà chưa ? Căn nhà số 7 vẫn còn đó , có tiêu điều tàn tạ hơn không ? Ba má có lên nghĩa trang Du Sinh nơi mộ chí của tất cả các bác đã được tụ tập về đây . Ba Má có làm một vòng  xuống Thái Phiên không ? giờ này đã đổi thay rất nhiều rồi , chắc chẳng còn nhận ra nhà Bác Chính Lầu nữa đâu  , giữa hàng hàng lớp lớp nylon bọc nhà kính  trắng xóa trồng rau và hoa . Ba Má đã về thăm quê ngoài Bắc chưa ? có gặp được ai quen không ? có ai còn nhớ đến Ba Má không ? Tất cả đã lạ lẫm rồi và không còn gì của những  ngày xa xưa nữa ! Muốn tìm lại những kỷ niệm cũ Ba Má chỉ còn có thể  đến Houston nhà Quỳnh , đến Fortworth nhà Hương hay về Bruxelles  nhà Ba Má và các con  , những nơi này vẫn còn nguyên kỷ niệm  của Ba Má trong từng góc  , từng phòng,  nhưng nhất là kỷ niệm Ba Má  vẫn còn mãi mãi trong trái tim từng đứa con không thay đổi , không suy suyển . Huong linh đã quy y Phật , huong linh đã quy y pháp  , hương linh đã quy y tăng …Cầu mong Ba má được mãi bình yên miền cục lạc .



Tụng kinh có lúc phải niệm Nam Mô A di Đà Phật  , trong  sách kinh ghi tùy hỷ , trong cuốn kinh tôi photocopie là 30 lần .Ở đây tôi hy vọng là sư cô sẽ đọc 10 lần hay cùng lắm là 30  thôi vì cũng sắp hết giờ viếng ở nhà quàn rồi . Nhưng không , sư cô cứ  thế gõ mõ đều đều không thấy dứt . Niệm mãi đến mỏi cả miệng , tôi lại nhớ ở nhà những lần đọc kinh chúng tôi cũng thường ăn gian cái  mục này chắc chẳng bao giờ đến 30 lần đâu . Nhưng hôm nay ở đây thì hằng hà sa số , có đến 100 lần hơn hay kéo dài đến bất tận …Bắt đầu mất tập trung tôi nhìn chung quanh quan sát  , may mà không có đám nào khác chứ ở bên cạnh mà nghe tiếng Phạn và tiếng Việt thế này cũng phiền lắm .Nhưng phải phục cách cấu trúc của nơi này , có ít nhất là hai phòng đế làm lễ mà không bên nào đụng với bên nào với những hành lang uốn cong rất khéo  khiến  không ai làm phiền ai cả . Xong lễ chúng tôi cũng phải xá lậy 3 lần úp mặt dưới đất  . Cho trọn đạo với người đã khuất .Trước khi ra về tôi đến nhìn mặt ông , sờ vào tay ông  , bàn tay trái thường đưa ra cho tôi  bắt lúc đến và lúc ra về ;  bây giờ bàn tay ấy đây với các dấu vết chích bầm để truyền nước biển , thấy lạnh ngắt và hoàn toàn vô cảm  . 
Thật hết rồi , đến đây âm dương đã rõ ràng cách biệt . Cũng xong một kiếp người !




Tố Mai

Bruxelles  13/5/2016

Thursday, May 12, 2016

Tấn Trò Đời



Một buổi chiều Chủ nhật rất đỗi bình thường, hơi tẻ nhạt một tí, nhân vật A bắn một cái email cho toàn bộ cư dân trong đại gia đình, ngoại trừ thế hệ thứ ba, dĩ nhiên, vì trình độ tiếng Việt của chúng chỉ đủ để đọc thực đơn trong các tiệm phở, tiệm mì. Email như hồi còi tập trận, gióng lên “Ba gia đình ở Dallas, Mẹ muốn mua bảo hiểm xe một mình Mẹ, không dính dáng đến ai, Mẹ không muốn nhờ vả ai. Vậy mình lập quỹ công cho Mẹ, mỗi gia đình góp 50 đồng hàng tháng, bỏ vào quỹ công rồi tự ý Mẹ trả tiền bảo hiểm, hoặc Mẹ dùng để mướn người chở Mẹ đi bác sĩ, tránh việc khi Mẹ nhờ mà không rảnh thì Mẹ tủi thân. Tiền này cũng dùng để chi trả việc thay dầu nhớt, sửa xe.  Please answer”.  Kết thúc bằng cái hình Happy Face tươi roi rói.
 
Hơn một nửa email của người nhận là email chốn công sở, không phải yahoo hay gmail công cộng. Vào ngày cuối tuần, họa có điên mới vào lò mò vào email sở, lỡ vớ phải cái câu “Gấp! Gấp! Xin vui lòng xem xét việc này gấp!” thì coi như toi nguyên ngày  nghỉ, cho nên dân “sáng vác ô đi tối vác về” rất kỵ mở email ở sở ra xem chơi ngày chủ nhật, sợ đạp phải mìn! Vì thế nhân vật A chờ dài cổ chẳng ma nào trả lời, bèn gọi điện thoại cho nhân vật B “Mày đọc email chưa?” Nhân vật B đang lái xe, hỏi “Có gì quan trọng không?” “Có. Đọc email lẹ lẹ lên”. Nhân vật B quay sang bà vợ, người được gọi là nhân vật C, đang ngồi cạnh, bảo “Đọc email coi bả nói gì” rồi tắt điện thoại. Nhân vật C mắt nhắm mắt mở, chả là chuyến đi đường dài cả mấy tiếng đồng hồ mà, lui cui vào yahoo mail “Nè, nghe nè”. Nghe xong nhân vật B rít lên “Mẹ lộn xộn quá! Cái gì mà tủi thân với không tủi thân? Làm gì cũng không vừa lòng bả. Thôi bả không muốn dính tới mình thì kệ bả. Trả lời email đi: OK, chừng nào có account thì cho biết”. Nhân vật C vẫn còn ngái ngủ, đánh y chang từng chữ “OK, chừng nào có account thì cho biết “ rồi bấm nút “SEND” gởi đi.

Hai phút sau, nhân vật A lại gởi email cho toàn gia, nhưng người cần phải đọc nhất đã được nêu đích danh không chạy đi đâu được “Em (nhân vật C ấy) không vui hả? Chị chỉ muốn tìm biện pháp dễ dàng cho mọi người, con em còn nhỏ, bla bla bla…Có gì không thoải mái thì gọi cho chị”.

Nhân vật C bừng tỉnh ra khỏi cơn ngủ vật vờ, trả lời “Không có chuyện gì hết. Ngồi trên xe trả cho chị em quên là email chứ không phải là text ngắn gọn”.

Nhân vật A hôm ấy không biết ăn phải cái gì, bị hội chứng khó tiêu trầm trọng, nhất định không tha, nổ luôn phát súng kế tiếp “Chị rất ngạc nhiên vì xưa nay, dẫu là email hoặc text cho chị, em cũng rất đàng hoàng và chị thiết tưởng chị công bằng và không chèn ép gì em, phải không? Lâu nay em vẫn kính trọng, và thương mến mẹ, vậy đóng góp một chút, giúp cho cuộc sống của mẹ được thoải mái không sao chứ?”

Toàn gia bừng tỉnh ra khỏi một buổi chiều chủ nhật khá là buồn chán.

Nhân vật F hôm đó tự dưng mò vào email của sở xem thử con bạn tennis có gởi email lộn địa chỉ không mà chờ hoài không thấy nó nói năng gì đến chuyện hẹn hò cho trận tiếp theo, tình cờ đọc đến đây thì kêu lên “Cái bà này! Có gì đâu mà lớn chuyện vậy hả? Nó đã gần như xin lỗi và giải thích rõ ràng rồi còn gì”. Nhân vật D đang thay nước hồ cá, hỏi chuyện gì vậy rồi lục tục gõ vào email sở xem chuyện gì xảy ra. Nhân vật D vốn dĩ hòa vi quý, “bắn” nhẹ một phát “Lo cho Mẹ chẳng ai có problem gì hết. Nó đã nói rằng nó đi trên xe nên trả lời ngắn gọn đừng có mà suy diễn nhiều rồi chị em hiểu lầm nhau. Mẹ cũng nên dễ dãi với vợ chồng nó một chút, ăn lương tháng làm việc 12 tiếng mỗi ngày nó muốn chết rồi còn gì…”

Nhân vật E xuất hiện, mang nguyên thùng dầu đổ vào lửa “C lần sau cẩn thận lời ăn tiếng nói một chút, dù sao mình cũng nhỏ nhất nhà mà. Nên cần ngắn gọn thì chỉ cần nói “Em ủng hộ” là được rồi. Lời nói có vẻ gay gắt đọc xong cũng thấy không vui. Biết là mẹ có nhiều cái rất phiền nhưng bà cũng già rồi. Hôm qua lên thăm cho quà thấy bà đang khóc, tủi thân vì cảm giác bị bỏ rơi, có muốn xa lánh mình…Về nhà thấy buồn lắm.” Kết thúc bằng Unhappy Face.

Đến lúc này thì đố có đứa nào buồn ngủ hay buồn chán gì cả. Không khí chiến tranh lảng vảng rất gần. Riêng nhân vật F thì rít lên với cái màn hình điện thoại “Đồ đạo đức giả!” (ý là cái nhân vật E ấy) nhưng ngu gì nói ra miệng hay gởi email. Giữa các lần lên gấu quần, chả là ngày may vá duy nhất trong năm mà lại, nhân vật F lẳng lặng tiếp tục theo dõi “email chiến”! Cũng cực khổ lắm chứ chẳng chơi vì toàn bộ email gởi ra chẳng có cái dấu hỏi dấu ngã dấu chấm dấu phẩy dấu nặng nào.

Nhân vật A gởi email tiếp, lần này gọi đích danh nhân vật D nhưng toàn gia vẫn được vời vào đọc luôn “D! Ngắn hơn một cũng không thêm được 1 chữ “em” hay sao? Lâu nay nó không có text cho A như vậy. D thấy “có SAO” nhưng A hì thấy khó chịu vô cùng vì lâu nay A vẫn thương nó như em, tự nghĩ chẳng làm gì để nó phải đối xử như vậy”.

Nhân vật F dựng tóc gáy, rùng mình, cám ơn nhé, may mà bà ấy không thương mình như em, thương như thế cái xương không còn! Mùi thuốc súng thêm khét lẹt, lấp ló mấy trái lựu đạn chực quăng lén. Nhân vật D giữa hai lần xách nước cho cá, vẫn rảnh tay trả lời “Chuyện nhỏ bỏ qua đi, anh chị em vui vẻ hòa thuận có thích hơn không. Email chừng đó đủ rồi. Tính mẹ hồi nào tới giờ như vậy rồi, có lo bao nhiêu thì bà cũng vẫn có chuyện để tủi thân”.

Nhân vật F thở phào nhẹ nhõm. Súng chưa kịp nổ lại đã được nhân vật D tắt ngòi khóa chốt gọn nhẹ . Đống quần áo chờ được sửa sang còn nhiều, cứ vào đọc và dịch email kiểu này đến Tết cũng không xong việc.

Ba phút sau nhân vật B lên tiếng “Xin lỗi mọi người vậy, gần đây gia đình gặp nhiều xui xẻo, hai vợ chồng đang rối lắm rồi đừng vì chuyện không đâu mà phải làm lớn chuyện. Mọi người sao thì gia đình này như vậy”.

Vỗ tay clap clap clap. Kết thúc rất tuyệt. Chiến tranh được dập tắt ngóm từ trong trứng nước.  Màn một được hạ xuống. Xém tí chút thì hàng chữ “That’s it, folks!” chạy ngang màn ảnh như trong phim hoạt họa Jerry and Tommy ấy mà.

Nhân vật F tắt điện thoại đi lên lầu xem bộ phim Sisters. Hai nhân vật chính là hai chị em, có đánh nhau, giận nhau, rồi thương yêu nhau, rồi cãi nhau, rồi lại giận nhau. Nhưng khi cả hai cùng mở cửa căn phòng mà hai chị em sống chung với nhau thuở nhỏ, ký ức xa xưa ùa về, thế là lại cầm tay nhau thắm thiết. Rồi ngày hôm sau lại chửi nhau như tát nước, vân vân. Phim kết thúc bằng cảnh hai chị em ôm nhau trước căn nhà rao bảng bán, nước mắt chan hòa, tình chị em vẫn đậm đà khi một người nói “Chúng ta là chị em từ lúc mới sanh cho đến mãi mãi sau này. Dù cho trái đất có nổ tung ra chăng nữa cũng không thay đổi được điều đó”. Chà, phim Mỹ cũng tình cảm thắm thiết lắm chứ không rặt chuyện rải vỏ đạn như rải vỏ đậu phụng.

Sáng hôm sau nhân vật F đang ngồi làm việc thì thấy text message chớp đèn nháy nháy. Tiện tay mở đọc. Từ nhân vật A (again!) “Tự xưng là đẳng cấp mà chơi trò hèn hạ ném đá dấu tay”. Toàn gia đâm ra hoang mang! Đang mò đoán không biết ai là đẳng cấp ai là hạ cấp thì thì text thứ nhì gởi ra, cũng từ nhân vật A “Sorry, send in error”. Ồ, bây giờ không chơi email nữa mà chơi text, lại còn gởi lộn (riêng Hamlet vốn đa nghi sẽ nói “cố ý hay không cố ý”) ra cho toàn gia đọc thế kia! Nhưng rồi cũng lăn tăn không biết ai tự xưng mình có đẳng cấp thế? Nhưng hơn hết là cục đá kiểu gì bị ném ra và quan trọng nhất là vào cái mặt ai? Rồi vẫn còn rảnh rang nên nghĩ thêm không biết đứa nào ăn cái gì mà thậm ngu, đến nỗi chịu vác giùm cái cục đá ấy đi ném thế.

Màn hai hạ xuống. Không một tiếng vỗ tay vì có gì mà phải vỗ ngoại trừ toàn gia mang một cái dấu hỏi bự chảng trong đầu mặc dù đã được xin lỗi (Hừ! “cố ý hay không cố ý”?)

Đến chiều nhân vật D gọi cho nhân vật F “Xong rồi, từ nhau rồi. Không chị em gì hết!”. Nhân vật F tá hỏa tam tinh. Nhân vật D thêm “Gọi điện thoại chửi nhau như tát nước xong từ nhau luôn. Coi như trong vòng mười năm nữa sẽ không nhìn mặt nhau!”

Suy nghĩ đầu tiên của nhân vật F là, ô là la, không cần phải ăn Noel với họ! Suy nghĩ tiếp theo “Ối! Mình nghĩ cái vỗ tay sau lời xin lỗi của nhân vật B là có thể kéo màn vãn tuồng rồi chứ”. Thì ra có một số kẻ chịu ảnh hưởng sâu đậm của phim Đại Hàn về cái khoản dai như đỉa, cộng với lối suy diễn rất chi ư soi xét kiểu chẻ sợi tóc làm tư, nên đã ấm ức mãi không thôi, giống như bị táo bón ấy, nhất định không tha cho nhân vật C, người đã “bút sa gà chết”. Nhân vật D bực mình quá bảo chuyện bé xé ra to, rồi thì đừng lấy quyền làm chị áp đặt mọi người, rồi thì tưởng tượng quá nhiều, vân vân và vân vân. Liền bị chửi lại mày là con trai trưởng không lo cho mẹ. Nhân vật D phản pháo liền “Tui lo cho mẹ thế nào thì tui biết. Bà có mắt như mù (chấm câu này nhất), chỉ nhìn thấy những cái nhỏ nhặt, không nhìn thấy những chuyện lớn hơn người khác đã làm” Nhân vật A vốn tuổi cọp, quen kiểu ăn sống nuốt tươi đối thủ như ăn gỏi, kiêm luôn khả năng tung và chụp lưới rất tài tình “Nó hỗn như vậy mà mày binh cho nó hả? Con vợ mày toa rập với nó chống lại cả nhà mà”. Nhân vật F suýt chết sặc vì cười! Tình đoàn kết của chị em dâu được nâng cao quá tầm và đáng được khen ngợi lắm. Trong cả cái đám email ngày hôm qua, nhân vật F chỉ rình xem có tên mình lọt vào không để còn cất lời ca bài chửi mất gà, sẽ bắt đầu bằng câu “Cả mấy năm nay tôi tránh các người như tránh dịch bệnh (dịch hạch? Họ có biết dịch hạch là gì không? Nhớ hôm nào cả nhà gân cổ cãi nhau đúng 10 phút để xem cừu, trừu mấy con. Câu kết luận lúc chưa có Google can thiệp khiến phải tự hỏi như thế. Thôi xài dịch tả cho có mùi nhé?)”. Nhân vật D vẫn còn sôi sùng sục. Nhân vật F thầm nhủ tiêu rồi, coi như cả tuần nay mình sẽ phải chịu đựng cái mặt nặng như chì của ổng, thêm những tiếng thở dài sườn sượt, sự im lặng bất tận và quả bom tự sát đâu đó làm bonus. Đã bao năm nay nhân vật F đã thề với lòng là chớ mà ngứa miệng dính vào việc nhà họ rồi còn gì. Lời thề đó cứ ngậm chặt miệng lại mà giữ đi.

Phần ba hạ màn với cảnh đèn nhà ai nấy rạng, những cái đầu ngùn ngụt bốc hỏa, lửa giận vung vãi  tứ phía. Chẳng còn tiếng vỗ tay. Buồn thế.

Sáu giờ sáng hôm nay text message lại nhấp nháy. Phim Đại Hàn kéo tới những mấy chục tập lận mà, đàng này coi như mới có phần bốn mở màn. Nhân vật C, người đã vô tình châm ngòi nổ cho cuộc chiến vô duyên nhất thế giới, gởi ra cho toàn gia, comme d’habitude  “Em xin lỗi vì đã gởi email đang lúc lái xe. Lúc đó em không có ý nghĩ gì cả chỉ thực sự thuận tay đánh máy exactly câu lời của chồng em không thêm bớt gì hết rồi send đi mà không đọc lại. Chị nghĩ là em không muốn chi tiền cho mẹ thì em cũng đành chịu mà thôi. bla bla bla (Phân bua trắng đen mạch lạc, rõ ràng)”.

Nhân vật A vốn rất khỏe về đủ mọi mặt, nhất là hai ngón tay bấm phím điện thoại, hồi âm ngay tắp lự  “Xin đừng hiểu lầm, với mức sống của anh chị em hiện tại, cho mẹ $50/tháng mà cằn nhằn thì chỉ là thứ đồ rác rưởi, đem ra hố rác mà đổ cho rồi. Chị chưa bao giờ nghĩ vì $50 mà gây ra cớ sự, chị nghĩ rằng hai đứa đang gây nhau trên xe và email của chị đến không đúng lúc! nhưng em phải nhớ, chị lớn, em nhỏ, cũng cần phải có trên có dưới, em không thể “giận cá chém thớt” được. Chị cảm thấy rất giận em. Lý do viết ngắn gọn không hợp lý vì một chữ yes, ok, hoặc em đồng ý, em suy nghĩ lại…Cũng chỉ mới 3, 4 chữ mà thôi. Vẫn ngắn hơn những gì em viết ra, nhưng thôi, nói rồi thì cũng đã xong rồi. em đã xin lỗi, chị cũng đã bỏ qua, không còn chuyện gì nữa, ráng tránh những rạn nứt không cần thiết, một cái chén có quá nhiều vết nứt sẽ có ngày bị bể thôi, không còn hàn gắn được nữa!”

Oái, cái chén này chắc bị bể tan từ đoạn kết của phần ba hôm qua đây. Còn cái màn suy diễn ra nguyên một vở kịch trong đó hai vợ chồng cãi nhau rồi giận cá chém thớt trên xe thì tác giả các loại thể kịch trên thế giới sẽ trịnh trọng ngả mũ xin chào thua, cho nhân vật A lên làm sư phụ. Phim Đại Hàn ngoài cái dài hơi chắc kiêm luôn phần vô tư giả tưởng không điều kiện nữa.

Nhân vật trung tâm là bà mẹ, người từ đầu đến đuôi không hề lên tiếng bằng email hay text message, mà bằng cái kiểu giữa đám đông, bà gọi riêng từng đứa con, kể cả con dâu, con rể, ra một góc để tỉ tê, thì thầm, to nhỏ. Hay độc chiêu hơn, giữa bàn tiệc đông đủ con cái, đưa cho bà con một bức thư, bảo đọc đi rồi xem coi có nên cho tụi nó (phần còn lại của toàn gia) đọc không. Cái kiểu giết người nửa kín nửa hở ấy… Í ẹ! Nhân vật F được nghe kể đến đây thì buông tiếng “Sao tâm bà mãi không yên?” rồi lại phân vân tự hỏi không biết bà ấy có biết rằng quan hệ chị em của các con mình đang là “những cái chén có quá nhiều vết nứt” không. Bà không chỉ đơn giản là một người mẹ đang tủi thân tủi phận. Bà phức tạp hơn thế rất nhiều. Muốn lội vào mớ tâm lý của bà ấy thì phải mượn vài cuốn sách của Freud đọc trước đi đã.

Màn bốn hạ. Im ắng tuyệt đối. Các nhân vật từ A đến E tử thương đâu đó vì những câu nói quăng thẳng vào mặt nhau, chẳng cần mượn đến dấu tay của ai. Thôi cứ coi như là tất tật các nhân vật đều chết sạch hết rồi.

Riêng nhân vật F còn sống sót giữa cuộc chiến email, đang lóp ngóp bò lên Google tìm cách làm sao chặn lại những cái message mà mình không muốn nhận từ những người mình không muốn dính líu đến. Có ai biết không thì chỉ giùm cái cho nhanh?

 Và cũng xin hạ màn luôn cái tấn trò đời này. Tiếc rằng đoạn kết không có cảnh anh chị em lao vào vòng tay nhau nước mắt chan hòa và nhạc nền vui vẻ tưng bừng….

Chưa đấy thôi. Hy vọng thế.

Lan Hương

Fort Worth 05/10/2016

Friday, May 6, 2016

Nỗi Buồn Nhân Đôi




Tôi đang ngồi viết danh sách đi chợ để mua đồ về làm giỗ Ba Má cuối tuần này. Ngày giỗ nếu không rơi vào 30 tháng Tư, làm nỗi buồn nhân ba, thì rớt vào ngày Mother Day làm niềm vui giảm hơn nửa. Những mốc ngày khó quên cho biết bao người và cho riêng mình tôi. Dân Việt Nam hai bên bờ Thái Bình Dương  hoặc biểu tình hoặc bán pháo hoa cho ngày 30 tháng Tư, còn tôi sẽ thờ ơ với chuyện thắng thua vận nước, chỉ thấy một màu trắng nhức nhối của dải khăn tang ngày Má mất. Nếu thiên hạ rộn ràng mua quà mua hoa cho ngày lễ Mẹ, tôi sẽ nhìn thấy màu đỏ thắm của những đóa hoa hồng được đặt trên nắp quan tài của Ba, vẻ lẻ loi côi cút của bó hoa linh lan dại hái trong rừng Hal, bọc lại bằng giấy bạc để cạnh Má. Ngày lễ trôi qua, ngày giỗ trôi qua, dư âm còn lại là nỗi cay đắng trong lòng khi gặm nhấm những mất mát của mình. Dù cho có ai đó đã bảo, chừng đó năm rồi còn gì. Ừ, thì đã không còn nước mắt, nhưng lòng vẫn còn quặn đau. Ừ, thì đã không còn nức nở, nhưng sao tim vẫn còn nhức nhối. Ừ,  thì xét cho cùng mất mát vẫn luôn luôn là mất mát.   

Năm nay ngày 30 tháng 4, buổi sáng tôi tất bật với giải thi đấu tennis, cái này không lựa chọn được,  Hiệp hội Tennis đâu có biết rằng tôi mất mẹ ngày này để mà tránh? Xong tennis quăng vợt nhảy vào sở ngồi chầu thêm hai tiếng nữa. Khi quyết định chọn ngày cho project lên khung, làm sao tôi có thể mở miệng nói, ồ không được, ngày này tôi phải ngồi nhà thương khóc Ba Má tôi? Và đến tối thì tôi ngồi cười ha hả với vở opera Người Thợ Cạo thành Seville, cái ngày duy nhất trong năm tôi có thể xem được, làm sao bảo Figaro rằng khoan để tôi làm giỗ cho hai đấng sinh thành trước đã rồi mới xem ông náo loạn sân khấu sau. Thế cho nên khi nhang khói đã lụi tàn trên bàn thờ Ba Má ở Bỉ, ở Houston, thì giờ mới đến phiên tôi. Không làm đúng ngày Má mất, tôi sẽ làm ngày 7 tháng Năm, ngày Ba mất.

Thế đấy, hoặc người này hoặc người kia, hoặc ngày này hoặc ngày nọ. Xê xích trong một tuần, tôi vẫn có thể làm giỗ cho cả hai người. Người trước người sau lần lượt bỏ chúng tôi ra đi biền biệt, đi mãi không bao giờ trở lại. Có còn chăng là những di ảnh của cả hai trên bàn thờ ở nhà các con, đôi mắt bất động nhìn xuống chúng tôi, nụ cười bất động dành cho chúng tôi, và cả hai rất đỗi bình thản. Ba đã ra đi mười năm, Má cũng được năm năm. Tro cốt của cả hai người chắc đã kịp đi vòng quanh thế giới được dăm vòng rồi, khởi đầu từ biển Bắc ở Bỉ, theo hải triều chu du ra đến Đại Tây Dương, rồi vòng xuống Thái Bình Dương.  Biển cả vẫn mênh mông mịt mùng,  tro cốt Ba tro cốt Má cứ thong thả mà đi, không còn chúng tôi ở đàng sau nôn nóng giục giã từng bước chân như những khi đi chơi với chúng tôi nữa. Lắm khi tôi lẩn thẩn tự hỏi từ dạng cát bụi, không biết sau chừng đó năm tháng, tro cốt hai người đã chuyển thể thành dạng gì rồi. Và dù có ở dưới hình dạng nào, liệu Ba Má có chịu khó lội dòng quay ngược về lại biển Bắc lạnh lẽo với chúng tôi, hay chỉ tìm đến nhau bằng tâm tưởng mà thôi? Trong những giấc mơ mộng mị mà thôi? Trong những nỗi nhớ ngút ngàn khi nhìn thấy một màu hoa, bắt gặp một mùi vị mà ngày xưa Ba hay Má đã từng ưa thích?

Cây lựu bên hông nhà tôi đã trổ hoa đỏ rực một góc trời. Mỗi khi hoa hé nở trên nền trời xanh biếc, tôi lại tự nhủ sắp tới ngày giỗ Ba giỗ Má. Màu hoa làm tôi nhớ những chuyến đi Bỉ vội vàng rồi quay về lại với tang tóc trong lòng, nhìn hoa lá quanh nhà mà lòng lạnh căm căm, sau đó phẫn nộ với màu hoa thắm vì tại sao hoa vẫn rực rỡ trong khi tôi đang tan chảy thành những vũng nước mắt. Sau này tôi chợt hiểu nỗi đau có lớn đến đâu, mọi sự còn lại vẫn tiếp tục sống còn,  vạn vật vẫn tiếp diễn, và tôi phải vượt qua nỗi đau để tiếp tục cuộc đời mình. Để cho năm năm sau ngày Má mất, mười năm sau ngày Ba mất, tôi ngồi trong rạp hát Fort Worth, cười thoải mái với Figaro. Tôi tiếp tục với cuộc đời mình. Ba Má, một lần nữa, lại đứng bên lề con đường tôi đi…Tôi tin rằng cả hai không màng lắm đâu, vì khi đứa con cuối cùng tung cánh ra ràng, Ba Má đã chọn cho mình chỗ đứng bên lề rồi. Và cũng như tôi bây giờ, đã đứng bên lề cuộc sống của hai thằng con mình.

Nói thế thôi chứ trong khi viết phải nấu gì phải mua gì để làm cỗ cúng, lòng tôi vẫn chùng  xuống, thật thấp, thật gần với những giọt nước mắt. Nhớ lại những ngày tháng ấy, tôi thật sự căm ghét tiếng chuông điện thoại dựng tôi dậy vào nửa đêm, hoảng hốt bảo tôi Ba không xong rồi, Má không xong rồi, liệu thu xếp về ngay. Tôi căm ghét phải hộc tốc vào internet lùng sục những chuyến bay đi sớm nhất, mua vé bằng mọi giá. Tôi căm ghét phải gọi vào sở run rẩy bảo tôi phải đi ngay vì gia đình có chuyện lớn, và tôi càng căm ghét chính mình, căm ghét tất cả khi xếp quần áo vào cái vali xách tay, tôi phải bỏ thêm vào đó bộ quần áo vest đen, sơ mi trắng, đôi giày đen, bộ đồ đưa tang của mình. Với tất cả những căm ghét đó tôi ra phi trường. Hai lần. Trong mười năm. Dù cho tôi đến Bruxelles vào mùa xuân, nắng nhẹ, trời trong, cỏ xanh và hoa lá tưng bừng, tất cả không làm cho lòng tôi cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Dù cho tôi có ngồi giữa anh chị em, những người chung cùng nỗi mất với tôi, cùng nhỏ lệ với tôi, cũng chẳng làm tôi thấy được nguôi ngoai. Và tôi đành chờ thời gian trôi qua để làm nước mắt phai nhòa…

Mười năm về trước, tôi biết Ba mất trước khi lên máy bay ở Fort Worth. Năm năm về trước tôi biết Má mất khi đặt chân xuống phi trường Zaventem.  Chuyến bay về với Ba, tôi ngồi cạnh một thương gia người Nhật, ông ta huyên thuyên về chuyện buôn cá buôn tôm với Bruxelles, tôi chỉ nghe bằng một lỗ tai. Khi ông ta hỏi cô về Bỉ thăm gia đình à, tôi gật đầu, không muốn dài dòng rằng tôi về để chịu tang Ba tôi. Nỗi đau mới mẻ quá cho nên tôi chẳng thể san sẻ nổi cho một người xa lạ. Tôi nhìn ra khung cửa tối mò, đêm đen bất tận tự hỏi giờ này Ba đang ở đâu, Ba có còn đau đớn nữa không rồi thổn thức trong lòng. Chuyến bay về với Má, tôi ngồi chờ ở phi trường Dallas Fort Worth lúc 7 giờ tối. Tivi khắp nơi đang chiếu cảnh đám cưới lộng lẫy của Hoàng Tử Williams với công nương Kate nước Anh. Tôi nhìn mà chẳng thấy gì. Lúc ấy không có Skype lẫn Viper, tôi đứng ngồi không yên, thấp thỏm không biết Má ra sao. Trên chuyến bay kỳ này, tôi ngồi cạnh một tên Đức to béo, nửa đêm nó nôn ọe vào cái mền tôi đắp vì nốc bữa tối quá nhiều! Tôi nhảy nhổm ra khỏi chỗ ngồi, gọi chiêu đãi viên dẫn tôi qua ngồi ghế khác. Tôi ôm quý bà Hôi Nách cho đến khi máy bay hạ cánh. Tất cả những phiền nhiễu đó chẳng là gì khi tôi nhận được câu trả lời từ con em  khi tôi hỏi Má ra sao, nó khóc “Elle est partie!” Tôi gào lên giữa đám đông nhộn nhịp kẻ đón người đưa ngoài phi trường. Mãi mãi tôi không thể nào quên được câu trả lời của nó.  Hơn 10 tiếng đồng hồ từ đại lục này sang đại lục khác, tôi đã thầm khấn vái hàng nghìn lần, rằng để cho khi tôi gặp lại Má, Má sẽ cười bảo tôi “Mày khéo lo, chạy vội về làm gì, Má đâu có sao”. Chuyện ấy đã chẳng thành sự thật để cho ngày hôm nay, khi nghĩ đến, tôi vẫn không thể hiểu nổi và rồi tôi mất niềm tin hoàn toàn vào tất cả các đấng Thượng Đế trên đời này vì đã chẳng có ai chịu nghe những lời cầu nguyện duy nhất trong đời của tôi. Chẳng đấng toàn năng nào đoái hoài đến những lời xin xỏ duy nhất trong đời của tôi.

Ba ra đi, phần nào trong tôi đã được chuẩn bị từ trước, nhưng vẫn hụt hẫng. Nửa đêm nghe tin, tôi xuống nhà mở computer, lập cập tìm hình Ba trong những năm những tháng gia đình còn đầy đủ, khóc không thành tiếng. Rồi tôi run lẩy bẩy không biết phải bày bàn thờ thế nào. Tôi thức trắng phần đêm còn lại trong nỗi đau quá xa lạ, quá mãnh liệt. Trước khi về Bỉ, tôi thắp nén nhang đầu tiên cho Ba, nhỏ những giọt nước mắt ngắn dài vì nỗi chia lìa lớn lao nhất và đầu tiên nhất trong đời mình.  Lên máy bay, tôi tự nhủ “Ba ơi con đã về không kịp rồi!”

Má ra đi, tôi không chuẩn bị trước nên có cảm tưởng như đó là một cú lừa lớn nhất trong đời tôi. Để cho mãi đến tận bao giờ tôi vẫn tự hỏi tại sao, tại sao lại chia lìa bất đắc kỳ tử đến vậy? Mới trước đó vài ngày, tôi gọi điện cho bà, bà còn bảo tôi “Sóng thần ở Nhật đấy, mày có xem không? Gớm, giết chết cả ngàn người, sao lại ác thế không biết”. Mấy ngày sau, tôi khóc thầm “Má không còn nữa, sao lại ác thế không biết hả trời”. Lần này, tôi cũng về không kịp. Thêm một điều nữa cho tôi căm ghét khi mình ở rất nhà, là cỡ nào chăng nữa, mình vẫn luôn luôn chậm trễ.

Hoa lựu đã nở bao nhiêu năm rồi, từ cái dạo tôi nhìn hoa và liên hệ nó với những mất mát trong đời mình. Người ta bảo thời gian là thuốc chữa cho mọi nỗi đau. Có thể thế, ngoại trừ nỗi đau mất cha rồi mất mẹ. Nỗi đau của một đứa con tự dưng không còn ai để mà gọi Ba hay gọi Má nữa. Của đứa con khi hoa nở là bắt đầu ngồi viết xuống phải nấu gì, phải mua gì để làm giỗ cho Ba Má mình. Của đứa con khi thắp nhang mời Ba Má về ăn cỗ, không khỏi chạnh lòng, trời ơi đã chừng ấy năm rồi đó sao.  Của đứa con mãi đến tận bây giờ không nghe nổi hết bài hát Bông Hồng Cài Áo mà nước mắt không ngập ngừng.

Và nỗi buồn của đứa con, của tôi bị nhân đôi, mỗi khi hoa lựu đỏ góc vườn.   



Lan Hương
Fort Worth, 05/06/2016