Pages

Friday, May 6, 2016

Nỗi Buồn Nhân Đôi




Tôi đang ngồi viết danh sách đi chợ để mua đồ về làm giỗ Ba Má cuối tuần này. Ngày giỗ nếu không rơi vào 30 tháng Tư, làm nỗi buồn nhân ba, thì rớt vào ngày Mother Day làm niềm vui giảm hơn nửa. Những mốc ngày khó quên cho biết bao người và cho riêng mình tôi. Dân Việt Nam hai bên bờ Thái Bình Dương  hoặc biểu tình hoặc bán pháo hoa cho ngày 30 tháng Tư, còn tôi sẽ thờ ơ với chuyện thắng thua vận nước, chỉ thấy một màu trắng nhức nhối của dải khăn tang ngày Má mất. Nếu thiên hạ rộn ràng mua quà mua hoa cho ngày lễ Mẹ, tôi sẽ nhìn thấy màu đỏ thắm của những đóa hoa hồng được đặt trên nắp quan tài của Ba, vẻ lẻ loi côi cút của bó hoa linh lan dại hái trong rừng Hal, bọc lại bằng giấy bạc để cạnh Má. Ngày lễ trôi qua, ngày giỗ trôi qua, dư âm còn lại là nỗi cay đắng trong lòng khi gặm nhấm những mất mát của mình. Dù cho có ai đó đã bảo, chừng đó năm rồi còn gì. Ừ, thì đã không còn nước mắt, nhưng lòng vẫn còn quặn đau. Ừ, thì đã không còn nức nở, nhưng sao tim vẫn còn nhức nhối. Ừ,  thì xét cho cùng mất mát vẫn luôn luôn là mất mát.   

Năm nay ngày 30 tháng 4, buổi sáng tôi tất bật với giải thi đấu tennis, cái này không lựa chọn được,  Hiệp hội Tennis đâu có biết rằng tôi mất mẹ ngày này để mà tránh? Xong tennis quăng vợt nhảy vào sở ngồi chầu thêm hai tiếng nữa. Khi quyết định chọn ngày cho project lên khung, làm sao tôi có thể mở miệng nói, ồ không được, ngày này tôi phải ngồi nhà thương khóc Ba Má tôi? Và đến tối thì tôi ngồi cười ha hả với vở opera Người Thợ Cạo thành Seville, cái ngày duy nhất trong năm tôi có thể xem được, làm sao bảo Figaro rằng khoan để tôi làm giỗ cho hai đấng sinh thành trước đã rồi mới xem ông náo loạn sân khấu sau. Thế cho nên khi nhang khói đã lụi tàn trên bàn thờ Ba Má ở Bỉ, ở Houston, thì giờ mới đến phiên tôi. Không làm đúng ngày Má mất, tôi sẽ làm ngày 7 tháng Năm, ngày Ba mất.

Thế đấy, hoặc người này hoặc người kia, hoặc ngày này hoặc ngày nọ. Xê xích trong một tuần, tôi vẫn có thể làm giỗ cho cả hai người. Người trước người sau lần lượt bỏ chúng tôi ra đi biền biệt, đi mãi không bao giờ trở lại. Có còn chăng là những di ảnh của cả hai trên bàn thờ ở nhà các con, đôi mắt bất động nhìn xuống chúng tôi, nụ cười bất động dành cho chúng tôi, và cả hai rất đỗi bình thản. Ba đã ra đi mười năm, Má cũng được năm năm. Tro cốt của cả hai người chắc đã kịp đi vòng quanh thế giới được dăm vòng rồi, khởi đầu từ biển Bắc ở Bỉ, theo hải triều chu du ra đến Đại Tây Dương, rồi vòng xuống Thái Bình Dương.  Biển cả vẫn mênh mông mịt mùng,  tro cốt Ba tro cốt Má cứ thong thả mà đi, không còn chúng tôi ở đàng sau nôn nóng giục giã từng bước chân như những khi đi chơi với chúng tôi nữa. Lắm khi tôi lẩn thẩn tự hỏi từ dạng cát bụi, không biết sau chừng đó năm tháng, tro cốt hai người đã chuyển thể thành dạng gì rồi. Và dù có ở dưới hình dạng nào, liệu Ba Má có chịu khó lội dòng quay ngược về lại biển Bắc lạnh lẽo với chúng tôi, hay chỉ tìm đến nhau bằng tâm tưởng mà thôi? Trong những giấc mơ mộng mị mà thôi? Trong những nỗi nhớ ngút ngàn khi nhìn thấy một màu hoa, bắt gặp một mùi vị mà ngày xưa Ba hay Má đã từng ưa thích?

Cây lựu bên hông nhà tôi đã trổ hoa đỏ rực một góc trời. Mỗi khi hoa hé nở trên nền trời xanh biếc, tôi lại tự nhủ sắp tới ngày giỗ Ba giỗ Má. Màu hoa làm tôi nhớ những chuyến đi Bỉ vội vàng rồi quay về lại với tang tóc trong lòng, nhìn hoa lá quanh nhà mà lòng lạnh căm căm, sau đó phẫn nộ với màu hoa thắm vì tại sao hoa vẫn rực rỡ trong khi tôi đang tan chảy thành những vũng nước mắt. Sau này tôi chợt hiểu nỗi đau có lớn đến đâu, mọi sự còn lại vẫn tiếp tục sống còn,  vạn vật vẫn tiếp diễn, và tôi phải vượt qua nỗi đau để tiếp tục cuộc đời mình. Để cho năm năm sau ngày Má mất, mười năm sau ngày Ba mất, tôi ngồi trong rạp hát Fort Worth, cười thoải mái với Figaro. Tôi tiếp tục với cuộc đời mình. Ba Má, một lần nữa, lại đứng bên lề con đường tôi đi…Tôi tin rằng cả hai không màng lắm đâu, vì khi đứa con cuối cùng tung cánh ra ràng, Ba Má đã chọn cho mình chỗ đứng bên lề rồi. Và cũng như tôi bây giờ, đã đứng bên lề cuộc sống của hai thằng con mình.

Nói thế thôi chứ trong khi viết phải nấu gì phải mua gì để làm cỗ cúng, lòng tôi vẫn chùng  xuống, thật thấp, thật gần với những giọt nước mắt. Nhớ lại những ngày tháng ấy, tôi thật sự căm ghét tiếng chuông điện thoại dựng tôi dậy vào nửa đêm, hoảng hốt bảo tôi Ba không xong rồi, Má không xong rồi, liệu thu xếp về ngay. Tôi căm ghét phải hộc tốc vào internet lùng sục những chuyến bay đi sớm nhất, mua vé bằng mọi giá. Tôi căm ghét phải gọi vào sở run rẩy bảo tôi phải đi ngay vì gia đình có chuyện lớn, và tôi càng căm ghét chính mình, căm ghét tất cả khi xếp quần áo vào cái vali xách tay, tôi phải bỏ thêm vào đó bộ quần áo vest đen, sơ mi trắng, đôi giày đen, bộ đồ đưa tang của mình. Với tất cả những căm ghét đó tôi ra phi trường. Hai lần. Trong mười năm. Dù cho tôi đến Bruxelles vào mùa xuân, nắng nhẹ, trời trong, cỏ xanh và hoa lá tưng bừng, tất cả không làm cho lòng tôi cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Dù cho tôi có ngồi giữa anh chị em, những người chung cùng nỗi mất với tôi, cùng nhỏ lệ với tôi, cũng chẳng làm tôi thấy được nguôi ngoai. Và tôi đành chờ thời gian trôi qua để làm nước mắt phai nhòa…

Mười năm về trước, tôi biết Ba mất trước khi lên máy bay ở Fort Worth. Năm năm về trước tôi biết Má mất khi đặt chân xuống phi trường Zaventem.  Chuyến bay về với Ba, tôi ngồi cạnh một thương gia người Nhật, ông ta huyên thuyên về chuyện buôn cá buôn tôm với Bruxelles, tôi chỉ nghe bằng một lỗ tai. Khi ông ta hỏi cô về Bỉ thăm gia đình à, tôi gật đầu, không muốn dài dòng rằng tôi về để chịu tang Ba tôi. Nỗi đau mới mẻ quá cho nên tôi chẳng thể san sẻ nổi cho một người xa lạ. Tôi nhìn ra khung cửa tối mò, đêm đen bất tận tự hỏi giờ này Ba đang ở đâu, Ba có còn đau đớn nữa không rồi thổn thức trong lòng. Chuyến bay về với Má, tôi ngồi chờ ở phi trường Dallas Fort Worth lúc 7 giờ tối. Tivi khắp nơi đang chiếu cảnh đám cưới lộng lẫy của Hoàng Tử Williams với công nương Kate nước Anh. Tôi nhìn mà chẳng thấy gì. Lúc ấy không có Skype lẫn Viper, tôi đứng ngồi không yên, thấp thỏm không biết Má ra sao. Trên chuyến bay kỳ này, tôi ngồi cạnh một tên Đức to béo, nửa đêm nó nôn ọe vào cái mền tôi đắp vì nốc bữa tối quá nhiều! Tôi nhảy nhổm ra khỏi chỗ ngồi, gọi chiêu đãi viên dẫn tôi qua ngồi ghế khác. Tôi ôm quý bà Hôi Nách cho đến khi máy bay hạ cánh. Tất cả những phiền nhiễu đó chẳng là gì khi tôi nhận được câu trả lời từ con em  khi tôi hỏi Má ra sao, nó khóc “Elle est partie!” Tôi gào lên giữa đám đông nhộn nhịp kẻ đón người đưa ngoài phi trường. Mãi mãi tôi không thể nào quên được câu trả lời của nó.  Hơn 10 tiếng đồng hồ từ đại lục này sang đại lục khác, tôi đã thầm khấn vái hàng nghìn lần, rằng để cho khi tôi gặp lại Má, Má sẽ cười bảo tôi “Mày khéo lo, chạy vội về làm gì, Má đâu có sao”. Chuyện ấy đã chẳng thành sự thật để cho ngày hôm nay, khi nghĩ đến, tôi vẫn không thể hiểu nổi và rồi tôi mất niềm tin hoàn toàn vào tất cả các đấng Thượng Đế trên đời này vì đã chẳng có ai chịu nghe những lời cầu nguyện duy nhất trong đời của tôi. Chẳng đấng toàn năng nào đoái hoài đến những lời xin xỏ duy nhất trong đời của tôi.

Ba ra đi, phần nào trong tôi đã được chuẩn bị từ trước, nhưng vẫn hụt hẫng. Nửa đêm nghe tin, tôi xuống nhà mở computer, lập cập tìm hình Ba trong những năm những tháng gia đình còn đầy đủ, khóc không thành tiếng. Rồi tôi run lẩy bẩy không biết phải bày bàn thờ thế nào. Tôi thức trắng phần đêm còn lại trong nỗi đau quá xa lạ, quá mãnh liệt. Trước khi về Bỉ, tôi thắp nén nhang đầu tiên cho Ba, nhỏ những giọt nước mắt ngắn dài vì nỗi chia lìa lớn lao nhất và đầu tiên nhất trong đời mình.  Lên máy bay, tôi tự nhủ “Ba ơi con đã về không kịp rồi!”

Má ra đi, tôi không chuẩn bị trước nên có cảm tưởng như đó là một cú lừa lớn nhất trong đời tôi. Để cho mãi đến tận bao giờ tôi vẫn tự hỏi tại sao, tại sao lại chia lìa bất đắc kỳ tử đến vậy? Mới trước đó vài ngày, tôi gọi điện cho bà, bà còn bảo tôi “Sóng thần ở Nhật đấy, mày có xem không? Gớm, giết chết cả ngàn người, sao lại ác thế không biết”. Mấy ngày sau, tôi khóc thầm “Má không còn nữa, sao lại ác thế không biết hả trời”. Lần này, tôi cũng về không kịp. Thêm một điều nữa cho tôi căm ghét khi mình ở rất nhà, là cỡ nào chăng nữa, mình vẫn luôn luôn chậm trễ.

Hoa lựu đã nở bao nhiêu năm rồi, từ cái dạo tôi nhìn hoa và liên hệ nó với những mất mát trong đời mình. Người ta bảo thời gian là thuốc chữa cho mọi nỗi đau. Có thể thế, ngoại trừ nỗi đau mất cha rồi mất mẹ. Nỗi đau của một đứa con tự dưng không còn ai để mà gọi Ba hay gọi Má nữa. Của đứa con khi hoa nở là bắt đầu ngồi viết xuống phải nấu gì, phải mua gì để làm giỗ cho Ba Má mình. Của đứa con khi thắp nhang mời Ba Má về ăn cỗ, không khỏi chạnh lòng, trời ơi đã chừng ấy năm rồi đó sao.  Của đứa con mãi đến tận bây giờ không nghe nổi hết bài hát Bông Hồng Cài Áo mà nước mắt không ngập ngừng.

Và nỗi buồn của đứa con, của tôi bị nhân đôi, mỗi khi hoa lựu đỏ góc vườn.   



Lan Hương
Fort Worth, 05/06/2016



No comments:

Post a Comment