Pages

Thursday, May 12, 2016

Tấn Trò Đời



Một buổi chiều Chủ nhật rất đỗi bình thường, hơi tẻ nhạt một tí, nhân vật A bắn một cái email cho toàn bộ cư dân trong đại gia đình, ngoại trừ thế hệ thứ ba, dĩ nhiên, vì trình độ tiếng Việt của chúng chỉ đủ để đọc thực đơn trong các tiệm phở, tiệm mì. Email như hồi còi tập trận, gióng lên “Ba gia đình ở Dallas, Mẹ muốn mua bảo hiểm xe một mình Mẹ, không dính dáng đến ai, Mẹ không muốn nhờ vả ai. Vậy mình lập quỹ công cho Mẹ, mỗi gia đình góp 50 đồng hàng tháng, bỏ vào quỹ công rồi tự ý Mẹ trả tiền bảo hiểm, hoặc Mẹ dùng để mướn người chở Mẹ đi bác sĩ, tránh việc khi Mẹ nhờ mà không rảnh thì Mẹ tủi thân. Tiền này cũng dùng để chi trả việc thay dầu nhớt, sửa xe.  Please answer”.  Kết thúc bằng cái hình Happy Face tươi roi rói.
 
Hơn một nửa email của người nhận là email chốn công sở, không phải yahoo hay gmail công cộng. Vào ngày cuối tuần, họa có điên mới vào lò mò vào email sở, lỡ vớ phải cái câu “Gấp! Gấp! Xin vui lòng xem xét việc này gấp!” thì coi như toi nguyên ngày  nghỉ, cho nên dân “sáng vác ô đi tối vác về” rất kỵ mở email ở sở ra xem chơi ngày chủ nhật, sợ đạp phải mìn! Vì thế nhân vật A chờ dài cổ chẳng ma nào trả lời, bèn gọi điện thoại cho nhân vật B “Mày đọc email chưa?” Nhân vật B đang lái xe, hỏi “Có gì quan trọng không?” “Có. Đọc email lẹ lẹ lên”. Nhân vật B quay sang bà vợ, người được gọi là nhân vật C, đang ngồi cạnh, bảo “Đọc email coi bả nói gì” rồi tắt điện thoại. Nhân vật C mắt nhắm mắt mở, chả là chuyến đi đường dài cả mấy tiếng đồng hồ mà, lui cui vào yahoo mail “Nè, nghe nè”. Nghe xong nhân vật B rít lên “Mẹ lộn xộn quá! Cái gì mà tủi thân với không tủi thân? Làm gì cũng không vừa lòng bả. Thôi bả không muốn dính tới mình thì kệ bả. Trả lời email đi: OK, chừng nào có account thì cho biết”. Nhân vật C vẫn còn ngái ngủ, đánh y chang từng chữ “OK, chừng nào có account thì cho biết “ rồi bấm nút “SEND” gởi đi.

Hai phút sau, nhân vật A lại gởi email cho toàn gia, nhưng người cần phải đọc nhất đã được nêu đích danh không chạy đi đâu được “Em (nhân vật C ấy) không vui hả? Chị chỉ muốn tìm biện pháp dễ dàng cho mọi người, con em còn nhỏ, bla bla bla…Có gì không thoải mái thì gọi cho chị”.

Nhân vật C bừng tỉnh ra khỏi cơn ngủ vật vờ, trả lời “Không có chuyện gì hết. Ngồi trên xe trả cho chị em quên là email chứ không phải là text ngắn gọn”.

Nhân vật A hôm ấy không biết ăn phải cái gì, bị hội chứng khó tiêu trầm trọng, nhất định không tha, nổ luôn phát súng kế tiếp “Chị rất ngạc nhiên vì xưa nay, dẫu là email hoặc text cho chị, em cũng rất đàng hoàng và chị thiết tưởng chị công bằng và không chèn ép gì em, phải không? Lâu nay em vẫn kính trọng, và thương mến mẹ, vậy đóng góp một chút, giúp cho cuộc sống của mẹ được thoải mái không sao chứ?”

Toàn gia bừng tỉnh ra khỏi một buổi chiều chủ nhật khá là buồn chán.

Nhân vật F hôm đó tự dưng mò vào email của sở xem thử con bạn tennis có gởi email lộn địa chỉ không mà chờ hoài không thấy nó nói năng gì đến chuyện hẹn hò cho trận tiếp theo, tình cờ đọc đến đây thì kêu lên “Cái bà này! Có gì đâu mà lớn chuyện vậy hả? Nó đã gần như xin lỗi và giải thích rõ ràng rồi còn gì”. Nhân vật D đang thay nước hồ cá, hỏi chuyện gì vậy rồi lục tục gõ vào email sở xem chuyện gì xảy ra. Nhân vật D vốn dĩ hòa vi quý, “bắn” nhẹ một phát “Lo cho Mẹ chẳng ai có problem gì hết. Nó đã nói rằng nó đi trên xe nên trả lời ngắn gọn đừng có mà suy diễn nhiều rồi chị em hiểu lầm nhau. Mẹ cũng nên dễ dãi với vợ chồng nó một chút, ăn lương tháng làm việc 12 tiếng mỗi ngày nó muốn chết rồi còn gì…”

Nhân vật E xuất hiện, mang nguyên thùng dầu đổ vào lửa “C lần sau cẩn thận lời ăn tiếng nói một chút, dù sao mình cũng nhỏ nhất nhà mà. Nên cần ngắn gọn thì chỉ cần nói “Em ủng hộ” là được rồi. Lời nói có vẻ gay gắt đọc xong cũng thấy không vui. Biết là mẹ có nhiều cái rất phiền nhưng bà cũng già rồi. Hôm qua lên thăm cho quà thấy bà đang khóc, tủi thân vì cảm giác bị bỏ rơi, có muốn xa lánh mình…Về nhà thấy buồn lắm.” Kết thúc bằng Unhappy Face.

Đến lúc này thì đố có đứa nào buồn ngủ hay buồn chán gì cả. Không khí chiến tranh lảng vảng rất gần. Riêng nhân vật F thì rít lên với cái màn hình điện thoại “Đồ đạo đức giả!” (ý là cái nhân vật E ấy) nhưng ngu gì nói ra miệng hay gởi email. Giữa các lần lên gấu quần, chả là ngày may vá duy nhất trong năm mà lại, nhân vật F lẳng lặng tiếp tục theo dõi “email chiến”! Cũng cực khổ lắm chứ chẳng chơi vì toàn bộ email gởi ra chẳng có cái dấu hỏi dấu ngã dấu chấm dấu phẩy dấu nặng nào.

Nhân vật A gởi email tiếp, lần này gọi đích danh nhân vật D nhưng toàn gia vẫn được vời vào đọc luôn “D! Ngắn hơn một cũng không thêm được 1 chữ “em” hay sao? Lâu nay nó không có text cho A như vậy. D thấy “có SAO” nhưng A hì thấy khó chịu vô cùng vì lâu nay A vẫn thương nó như em, tự nghĩ chẳng làm gì để nó phải đối xử như vậy”.

Nhân vật F dựng tóc gáy, rùng mình, cám ơn nhé, may mà bà ấy không thương mình như em, thương như thế cái xương không còn! Mùi thuốc súng thêm khét lẹt, lấp ló mấy trái lựu đạn chực quăng lén. Nhân vật D giữa hai lần xách nước cho cá, vẫn rảnh tay trả lời “Chuyện nhỏ bỏ qua đi, anh chị em vui vẻ hòa thuận có thích hơn không. Email chừng đó đủ rồi. Tính mẹ hồi nào tới giờ như vậy rồi, có lo bao nhiêu thì bà cũng vẫn có chuyện để tủi thân”.

Nhân vật F thở phào nhẹ nhõm. Súng chưa kịp nổ lại đã được nhân vật D tắt ngòi khóa chốt gọn nhẹ . Đống quần áo chờ được sửa sang còn nhiều, cứ vào đọc và dịch email kiểu này đến Tết cũng không xong việc.

Ba phút sau nhân vật B lên tiếng “Xin lỗi mọi người vậy, gần đây gia đình gặp nhiều xui xẻo, hai vợ chồng đang rối lắm rồi đừng vì chuyện không đâu mà phải làm lớn chuyện. Mọi người sao thì gia đình này như vậy”.

Vỗ tay clap clap clap. Kết thúc rất tuyệt. Chiến tranh được dập tắt ngóm từ trong trứng nước.  Màn một được hạ xuống. Xém tí chút thì hàng chữ “That’s it, folks!” chạy ngang màn ảnh như trong phim hoạt họa Jerry and Tommy ấy mà.

Nhân vật F tắt điện thoại đi lên lầu xem bộ phim Sisters. Hai nhân vật chính là hai chị em, có đánh nhau, giận nhau, rồi thương yêu nhau, rồi cãi nhau, rồi lại giận nhau. Nhưng khi cả hai cùng mở cửa căn phòng mà hai chị em sống chung với nhau thuở nhỏ, ký ức xa xưa ùa về, thế là lại cầm tay nhau thắm thiết. Rồi ngày hôm sau lại chửi nhau như tát nước, vân vân. Phim kết thúc bằng cảnh hai chị em ôm nhau trước căn nhà rao bảng bán, nước mắt chan hòa, tình chị em vẫn đậm đà khi một người nói “Chúng ta là chị em từ lúc mới sanh cho đến mãi mãi sau này. Dù cho trái đất có nổ tung ra chăng nữa cũng không thay đổi được điều đó”. Chà, phim Mỹ cũng tình cảm thắm thiết lắm chứ không rặt chuyện rải vỏ đạn như rải vỏ đậu phụng.

Sáng hôm sau nhân vật F đang ngồi làm việc thì thấy text message chớp đèn nháy nháy. Tiện tay mở đọc. Từ nhân vật A (again!) “Tự xưng là đẳng cấp mà chơi trò hèn hạ ném đá dấu tay”. Toàn gia đâm ra hoang mang! Đang mò đoán không biết ai là đẳng cấp ai là hạ cấp thì thì text thứ nhì gởi ra, cũng từ nhân vật A “Sorry, send in error”. Ồ, bây giờ không chơi email nữa mà chơi text, lại còn gởi lộn (riêng Hamlet vốn đa nghi sẽ nói “cố ý hay không cố ý”) ra cho toàn gia đọc thế kia! Nhưng rồi cũng lăn tăn không biết ai tự xưng mình có đẳng cấp thế? Nhưng hơn hết là cục đá kiểu gì bị ném ra và quan trọng nhất là vào cái mặt ai? Rồi vẫn còn rảnh rang nên nghĩ thêm không biết đứa nào ăn cái gì mà thậm ngu, đến nỗi chịu vác giùm cái cục đá ấy đi ném thế.

Màn hai hạ xuống. Không một tiếng vỗ tay vì có gì mà phải vỗ ngoại trừ toàn gia mang một cái dấu hỏi bự chảng trong đầu mặc dù đã được xin lỗi (Hừ! “cố ý hay không cố ý”?)

Đến chiều nhân vật D gọi cho nhân vật F “Xong rồi, từ nhau rồi. Không chị em gì hết!”. Nhân vật F tá hỏa tam tinh. Nhân vật D thêm “Gọi điện thoại chửi nhau như tát nước xong từ nhau luôn. Coi như trong vòng mười năm nữa sẽ không nhìn mặt nhau!”

Suy nghĩ đầu tiên của nhân vật F là, ô là la, không cần phải ăn Noel với họ! Suy nghĩ tiếp theo “Ối! Mình nghĩ cái vỗ tay sau lời xin lỗi của nhân vật B là có thể kéo màn vãn tuồng rồi chứ”. Thì ra có một số kẻ chịu ảnh hưởng sâu đậm của phim Đại Hàn về cái khoản dai như đỉa, cộng với lối suy diễn rất chi ư soi xét kiểu chẻ sợi tóc làm tư, nên đã ấm ức mãi không thôi, giống như bị táo bón ấy, nhất định không tha cho nhân vật C, người đã “bút sa gà chết”. Nhân vật D bực mình quá bảo chuyện bé xé ra to, rồi thì đừng lấy quyền làm chị áp đặt mọi người, rồi thì tưởng tượng quá nhiều, vân vân và vân vân. Liền bị chửi lại mày là con trai trưởng không lo cho mẹ. Nhân vật D phản pháo liền “Tui lo cho mẹ thế nào thì tui biết. Bà có mắt như mù (chấm câu này nhất), chỉ nhìn thấy những cái nhỏ nhặt, không nhìn thấy những chuyện lớn hơn người khác đã làm” Nhân vật A vốn tuổi cọp, quen kiểu ăn sống nuốt tươi đối thủ như ăn gỏi, kiêm luôn khả năng tung và chụp lưới rất tài tình “Nó hỗn như vậy mà mày binh cho nó hả? Con vợ mày toa rập với nó chống lại cả nhà mà”. Nhân vật F suýt chết sặc vì cười! Tình đoàn kết của chị em dâu được nâng cao quá tầm và đáng được khen ngợi lắm. Trong cả cái đám email ngày hôm qua, nhân vật F chỉ rình xem có tên mình lọt vào không để còn cất lời ca bài chửi mất gà, sẽ bắt đầu bằng câu “Cả mấy năm nay tôi tránh các người như tránh dịch bệnh (dịch hạch? Họ có biết dịch hạch là gì không? Nhớ hôm nào cả nhà gân cổ cãi nhau đúng 10 phút để xem cừu, trừu mấy con. Câu kết luận lúc chưa có Google can thiệp khiến phải tự hỏi như thế. Thôi xài dịch tả cho có mùi nhé?)”. Nhân vật D vẫn còn sôi sùng sục. Nhân vật F thầm nhủ tiêu rồi, coi như cả tuần nay mình sẽ phải chịu đựng cái mặt nặng như chì của ổng, thêm những tiếng thở dài sườn sượt, sự im lặng bất tận và quả bom tự sát đâu đó làm bonus. Đã bao năm nay nhân vật F đã thề với lòng là chớ mà ngứa miệng dính vào việc nhà họ rồi còn gì. Lời thề đó cứ ngậm chặt miệng lại mà giữ đi.

Phần ba hạ màn với cảnh đèn nhà ai nấy rạng, những cái đầu ngùn ngụt bốc hỏa, lửa giận vung vãi  tứ phía. Chẳng còn tiếng vỗ tay. Buồn thế.

Sáu giờ sáng hôm nay text message lại nhấp nháy. Phim Đại Hàn kéo tới những mấy chục tập lận mà, đàng này coi như mới có phần bốn mở màn. Nhân vật C, người đã vô tình châm ngòi nổ cho cuộc chiến vô duyên nhất thế giới, gởi ra cho toàn gia, comme d’habitude  “Em xin lỗi vì đã gởi email đang lúc lái xe. Lúc đó em không có ý nghĩ gì cả chỉ thực sự thuận tay đánh máy exactly câu lời của chồng em không thêm bớt gì hết rồi send đi mà không đọc lại. Chị nghĩ là em không muốn chi tiền cho mẹ thì em cũng đành chịu mà thôi. bla bla bla (Phân bua trắng đen mạch lạc, rõ ràng)”.

Nhân vật A vốn rất khỏe về đủ mọi mặt, nhất là hai ngón tay bấm phím điện thoại, hồi âm ngay tắp lự  “Xin đừng hiểu lầm, với mức sống của anh chị em hiện tại, cho mẹ $50/tháng mà cằn nhằn thì chỉ là thứ đồ rác rưởi, đem ra hố rác mà đổ cho rồi. Chị chưa bao giờ nghĩ vì $50 mà gây ra cớ sự, chị nghĩ rằng hai đứa đang gây nhau trên xe và email của chị đến không đúng lúc! nhưng em phải nhớ, chị lớn, em nhỏ, cũng cần phải có trên có dưới, em không thể “giận cá chém thớt” được. Chị cảm thấy rất giận em. Lý do viết ngắn gọn không hợp lý vì một chữ yes, ok, hoặc em đồng ý, em suy nghĩ lại…Cũng chỉ mới 3, 4 chữ mà thôi. Vẫn ngắn hơn những gì em viết ra, nhưng thôi, nói rồi thì cũng đã xong rồi. em đã xin lỗi, chị cũng đã bỏ qua, không còn chuyện gì nữa, ráng tránh những rạn nứt không cần thiết, một cái chén có quá nhiều vết nứt sẽ có ngày bị bể thôi, không còn hàn gắn được nữa!”

Oái, cái chén này chắc bị bể tan từ đoạn kết của phần ba hôm qua đây. Còn cái màn suy diễn ra nguyên một vở kịch trong đó hai vợ chồng cãi nhau rồi giận cá chém thớt trên xe thì tác giả các loại thể kịch trên thế giới sẽ trịnh trọng ngả mũ xin chào thua, cho nhân vật A lên làm sư phụ. Phim Đại Hàn ngoài cái dài hơi chắc kiêm luôn phần vô tư giả tưởng không điều kiện nữa.

Nhân vật trung tâm là bà mẹ, người từ đầu đến đuôi không hề lên tiếng bằng email hay text message, mà bằng cái kiểu giữa đám đông, bà gọi riêng từng đứa con, kể cả con dâu, con rể, ra một góc để tỉ tê, thì thầm, to nhỏ. Hay độc chiêu hơn, giữa bàn tiệc đông đủ con cái, đưa cho bà con một bức thư, bảo đọc đi rồi xem coi có nên cho tụi nó (phần còn lại của toàn gia) đọc không. Cái kiểu giết người nửa kín nửa hở ấy… Í ẹ! Nhân vật F được nghe kể đến đây thì buông tiếng “Sao tâm bà mãi không yên?” rồi lại phân vân tự hỏi không biết bà ấy có biết rằng quan hệ chị em của các con mình đang là “những cái chén có quá nhiều vết nứt” không. Bà không chỉ đơn giản là một người mẹ đang tủi thân tủi phận. Bà phức tạp hơn thế rất nhiều. Muốn lội vào mớ tâm lý của bà ấy thì phải mượn vài cuốn sách của Freud đọc trước đi đã.

Màn bốn hạ. Im ắng tuyệt đối. Các nhân vật từ A đến E tử thương đâu đó vì những câu nói quăng thẳng vào mặt nhau, chẳng cần mượn đến dấu tay của ai. Thôi cứ coi như là tất tật các nhân vật đều chết sạch hết rồi.

Riêng nhân vật F còn sống sót giữa cuộc chiến email, đang lóp ngóp bò lên Google tìm cách làm sao chặn lại những cái message mà mình không muốn nhận từ những người mình không muốn dính líu đến. Có ai biết không thì chỉ giùm cái cho nhanh?

 Và cũng xin hạ màn luôn cái tấn trò đời này. Tiếc rằng đoạn kết không có cảnh anh chị em lao vào vòng tay nhau nước mắt chan hòa và nhạc nền vui vẻ tưng bừng….

Chưa đấy thôi. Hy vọng thế.

Lan Hương

Fort Worth 05/10/2016

No comments:

Post a Comment