Pages

Thursday, April 28, 2016

Biển Chết


Cách đây mấy tháng, đọc thấy bản tin trên CNN News kêu toáng lên “Năm 2050 sẽ có nhiều plastic hơn là cá ở các đại dương”, tôi hốt hoảng về nhà la lối mấy thằng con không được vứt bất cứ cái gì bằng ny lông, bằng nhựa vào thùng rác mặc dù đến năm 2050, tôi xem chừng đã ra người thiên cổ từ lâu. Tôi bảo “Các con thích đi lặn không? Thích xem cá với san hô dưới đáy biển không? Hay là thay vì nhìn thấy từng đàn cá đủ màu, mình phải nhìn thấy những bao rác trôi lờ đờ, những thùng nhựa lớn bé ngập ngụa đáy biển? Bây giờ mẹ dẫn con đi xem cá, sau này con sẽ dẫn con của chính mình đi xem. Vì thế đừng vứt rác xuống đáy biển kẻo không thế hệ các con của con chẳng còn gì mà nhìn!” Xong bài giáo huấn, tôi ấn vào tay mỗi thằng một chai xà bông rửa chén bắt mang vào trường “Mẹ không tiếc tiền mua hộp nhựa đựng đồ ăn cho con, nhưng làm ơn đừng vứt chúng vào thùng rác, vì cuối cùng chúng sẽ ở dưới đáy biển mất thôi. Rửa sạch hộp rồi đem về cho mẹ.” Hai ông con nghe lời, thỉnh thoảng về thăm nhà vác theo mấy cái hộp nhựa, phần lớn có hộp không có nắp, hoặc có nắp mất tiêu cái hộp. Thôi thì được gì hay nấy. Tuổi trẻ chỉ biết sống cho ngày hôm nay, không nghĩ xa xôi đến tận năm 2050, không thấy cái viễn cảnh làm tôi sởn da ốc: cả một đại dương lềnh bềnh túi ny lông!

Ở nhà chỉ có thùng recycle cho vỏ chai, vỏ lon, thùng nhựa, và giấy…nhưng tuyệt nhiên không được vứt túi ny lông vào. Vì thế tôi đành phải gom túi lớn túi bé lại cuối tuần đi chợ xách tung tảy vứt vào cái thùng recycle lớn ở trong chợ Walmart. Austin, Dallas và gần như khắp Châu Âu đã nói lời từ giã với các túi ny lông, tôi cũng mong một ngày nào đó Fort Worth bắt chước làm theo. Khi nói ra ý này của mình, khối kẻ phản đối rầm rầm, bảo đi chợ mà phải mang theo túi của mình thật bất tiện. Đúng thế, nhưng làm ơn nhìn chung quanh mình một tí, phải chăng con người đang ra tay tàn phá thiên nhiên một cách không thương tiếc? Cả một cánh rừng bị hạ xuống để làm giấy, giấy đem bán để cho thiên hạ in ấn. Thiên hạ in ra tờ giấy nhìn đúng 2 giây rồi quăng toẹt vào thùng rác. Chẳng lẽ cả cuộc đời một cái cây chỉ có thế thôi sao? Vẫn thừa biết rằng ở các quốc gia tân tiến có đốn rừng nhưng bên cạnh cũng có trồng rừng, nhưng một cái cây to lừng lững thế, thả ra không biết bao nhiêu ô xy cho mình hít thở, một ngày kia cây nằm chết để cho ra một tờ giấy in tồn tại đúng 2 giây! Nghe vô lý quá. Thế cho nên tôi hạn chế in ấn, cái gì nhìn được qua màn ảnh máy tính thì nhìn, qua màn ảnh nhỏ xíu của cái điện thoại thì nhìn. Không xong mới nghĩ đến chuyện in ra. Rồi nếu giấy chất chật bàn không nỡ quăng vào thùng rác thường, tôi đành vác về nhà bỏ vào thùng recycle chờ cuối tuần xe rác đến đem đi. Công việc tôi làm để bảo vệ môi trường như muối bỏ biển nhưng nếu không bắt đầu từ những chuyện nhỏ nhặt đó thì phải bắt đầu từ đâu?

Và rồi mấy ngày hôm nay nghe tin cá chết trắng bờ biển ở miền Trung Việt Nam. Mới đầu tôi chỉ đọc như là một bản tin vô thưởng vô phạt. Tôi ở xa cái bờ biển đầy cá chết đó khoảng nửa vòng trái đất, chuyện chẳng dính gì đến tôi, ngoại trừ tôi đọc nó bằng tiếng Việt. Nhìn hình ảnh những con cá chết dạt bờ, thấy xúc động một tí,  nhìn hình ảnh người dân ngồi thẫn thờ bên bờ biển phơi xác cá trắng toát, thấy tràn một nỗi thương cảm, chỉ thế thôi. Mọi chuyện có lẽ tôi đã cho vào quên lãng, quên béng đi để lo cho những chuyện thực tại ngay mắt mình nếu như những hình ảnh đó không kéo dài đến mãi tận bây giờ, nghĩa là sau hơn 20 ngày. Biển vẫn đầy cá chết, người dân vẫn đầy thắc mắc và những khuôn mặt vẫn đầy nét hoang mang. Và tôi mỗi ngày mang nặng câu hỏi chuyện cá chết ra sao rồi, sao không thấy ai làm gì hết?

Đọc tất cả những mẩu tin trên Internet, tôi nhìn thấy cả cái chính phủ Việt Nam rối tung lên như gà mắc tóc. Buồn cười nhất là trong vòng 24 tiếng đồng hồ đã có hai nguồn tin xác nhận nguyên nhân cá chết hoàn toàn khác nhau. Ngày hôm trước Bộ Tài Nguyên Môi Trường bảo à thì tại tảo nở hoa, thải độc tố làm cá tắc thở, chỉ tay đổ tội cho đám tảo biển hiền lành. Dân chúng ùn ùn phẫn nộ. Từ giới đánh cá cho đến đám khoa học gia. Ngày hôm sau Bộ Nông Nghiệp bảo à không phải tảo mà chất độc do con người thả xuống biển, nguồn căn chất độc ấy ở đâu ra thì còn đang tìm.



Đến đây thì tôi không hiểu nổi. Hai mươi ngày đủ để mang một mẩu nước đem đi đâu đó kiểm nghiệm xem nó có chứa những thứ gì mà làm cho cả những con ngao, con hến cũng phải phơi thây. Tôi tin rằng Viện Hải học Nha Trang, viện Pasteur Dalat dư sức kiểm tra mấy mẫu nước này. Nếu không làm được thì Thái Lan, Singapore ngay bên cạnh đó, đi du lịch ngắn ngày còn được huống gì đi nhờ thử xét nghiệm một mẫu nước biển. Rồi thì cả đám chính phủ bộ này bộ kia cà lăm với nhau, mãi không chỉ ra được thủ phạm làm cá chết là ai. Dân chúng biết tỏng ai rồi chỉ cho chính quyền xem, chính quyền gạt phăng đi, làm gì có, không có bằng chứng, không được nói bừa. Dân chỉ bằng chứng, chính phủ bảo phải nghiên cứu, phải mất đến mấy tháng, rồi kêu lên có yếu tố nước ngoài, không tiện vào tận nơi xác minh được. Chính phủ tiếp tục xách đèn cù chạy loanh quanh giữa cơn phẫn nộ của quần chúng. Trong khi đó cá vẫn tiếp tục chết thảm, kéo theo ngư dân không dám đánh bắt tôm cá, lôi cả toàn dân một lòng không ăn đồ biển, thêm mùa hè sắp tới lôi luôn đám con nít lẫn khách du lịch không dám thò chân xuống nước . Chính phủ vẫn ra rả, đừng lo mọi sự đang trong tầm kiểm soát. Thử hỏi để cái ông nói câu ấy có dám ăn con cá chết tức tưởi ấy không, có dám nhúng mình xuống bãi biển được xem là nhiễm độc ấy không. Ngồi sa lông máy lạnh nói gì mà chẳng được nhỉ? Nếu chuyện xảy ra ở Nhật hay Đại Hàn, sẽ có khối ông Bộ trưởng cúi rạp đầu xin lỗi nhân dân rồi từ chức luôn, và chắc chắn chẳng có ai tệ bằng Thứ trưởng cái bộ Tài nguyên sau khi đổ lỗi cho thủy triều đỏ (mẹ cha ơi, tôi không biết nó là cái giống gì) thì nổi sung với phóng viên khi được gặng hỏi thế lượng kim loại nặng tìm thấy trong nước cao ngất ngưởng thì giải thích thế nào, ngài hầm hầm “Hỏi như thế là tổn hại cho đất nước!” rồi cút thẳng, chấm dứt họp báo với họp chí. Chưa bao giờ tôi thấy dân Việt bị đối xử tàn tệ như thế, chưa bao giờ tôi thấy dân Việt bị coi rẻ rúng đến thế. Họ, những người nuôi toàn bộ cái guồng máy ấy, bị khinh thường bởi chính người cầm đầu chính phủ của chính đất nước mình.

Đến đây thì tôi cảm thấy mình hơi rảnh rỗi, chuyện “xứ người” không phải “xứ mình” hơi đâu mà lo. Đúng vậy, tôi ở đây an toàn về khoản cá mú nếu không nghĩ đến chuyện sau dăm năm đi chợ mua chai nước mắm liệu nó có được làm từ những con cá chết oan ấy hay không. Nghe nói dân chúng đi dọc bãi biển thu gom cá chết đem bán. Bán cho ai thì người bán lúng túng á khẩu không biết, chỉ thấy có người muốn mua. Chính phủ bận với việc có hay không có tảo đỏ, quên béng không để ý theo dõi những con cá chết ấy đi về đâu. Dù cho chúng có đi về đâu nữa thì mầm mống chất độc mang theo cùng với chúng khá cao, ngay cả chỉ để làm phân bón. Đó là số phần của những con cá đã đành. Còn ngư dân thì sao? Những người quen giăng buồm trên biển, quen gỡ cá ra khỏi  lưới… Họ sẽ sống ra sao trong những ngày sắp tới? Sẽ làm gì để sinh tồn? Cả cái bãi biển trải dài hàng dặm ấy đang bốc mùi kinh khủng, ai là người sẽ dọn dẹp, và dọn dẹp như thế nào? Nước biển đang bị ô nhiễm tàn tệ, sao không thấy nói làm sao cho nó trong veo trở lại? Nếu tôi có hỏi thêm thì câu trả lời hẳn là để điều tra nguyên nhân trước đã. Đã 20 ngày rồi mà nguyên nhân còn lẩn trốn như trạch, chính phủ lần mò mãi không dám chỉ mặt vạch tên, vì “có yếu tố nước ngoài”.  Vụ tràn dầu trong vịnh Mexico năm 2010 làm dân chúng Mỹ giận dữ, thủ phạm rành rành ra đó chạy trời không khỏi nắng, nhưng tất nhiên không tóm ngay được mà còn phải điều tra. Trong khi điều tra, chính phủ chi trả tỉ tiền để lau rửa từng con chim lông dính đầy dầu, lau luôn mấy cục đá dính đầy dầu, rồi khử nước, lọc nước để cho các sinh vật khác tiếp tục tồn tại. Đây là sự cố môi trường lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Obama tá hỏa đi thăm vùng biển, ra lệnh om lên mà vẫn bị chửi là phản ứng chậm chạp. Các nhà bảo vệ môi trường không sốt ruột sao được khi thấy những con chim kiệt quệ dính dầu nhớt hôi ình, không bay nổi không đi nổi, chết dở sống dở, nước biển lờ đờ một vầng dầu nhìn kinh hãi. Tôi không tin Việt Nam sẽ làm được điều này, nhưng chí ít, cần hốt sạch những con cá chết đem chôn để cho mùi hôi thối không làm bầu không khí thêm nặng nề.

Tôi tính để mọi chuyện qua phà, đèn nhà ai nấy rạng nếu không kịp nhìn đến một mẩu tin khác: thu nhận chữ ký để thỉnh cầu Nhà Trắng can thiệp vụ cá chết! Cái này thì hơi quá rồi đấy. Nghe nói ở Việt Nam có khoảng hơn hai mươi ngàn tiến sĩ. Các tiến sĩ ấy đang làm gì mà phải vời đến ngoại bang can thiệp chuyện cá mú? Cái thân phận nhược tiểu mãi mãi là nhược tiểu đến thế hay sao? Cá mình chết ở biển mình cớ sao phải gởi thư đến tận đâu đâu để nhờ can thiệp? Tiếng nói người trong một nước không thiêng bằng tiếng nói của một tên mắt xanh mũi lõ ở cách mình cả nửa vòng trái đất à? Việt Nam mình đến khi nào mới thôi thói đội ngoại quốc lên đầu hả trời? Dân Việt Nam đã bao giờ dám tự đứng lên làm cái gì đó cho chính bản thân mình chưa nhỉ? Cái dân tộc ấy im lặng để cho một thằng cha Tàu Đài Loan quát vào mặt “Chọn tôm cá hay là chọn gang thép?” Sau câu nói làm nhục quốc thể đó “anh hùng bàn phím” xuất hiện nhan nhản, báo chí chắc cảm thấy hơi tủi thân nên rón rén lên tiếng. Viết đến đây tôi chợt buồn vì cái kiếp người Việt sao suốt đời phải làm nô lệ cho một ai đó, một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Suốt đời cứ ở mãi dưới đáy xã hội, nhìn quanh thấy bao nhiêu láng giềng đã ngoi lên, mình còn lóp ngóp tự bóp cổ nhau mà giết nhau.  

Cách đây 30 năm, nhà máy nguyên tử Chernobyl ở Ukraine nổ tung, ngoài chuyện đám mây nhiễm xạ bao phủ Nga, Belarus, Ukraine, tràn tới Châu Âu và tận miền Đông Hoa Kỳ, nguyên một thành phố phải bỏ không, người di tản không được mang theo quần áo, hậu quả còn khủng khiếp đến nỗi cả một chính quyền Liên Bang Xô Viết lung lay tận gốc rồi rã đám. Vụ nổ này cho thấy toàn bộ cái yếu kém của một chính thể không biết phải giải quyết những cơn khủng hoảng ra sao, cho thấy khi nói dối nhân dân, coi thường nhân dân chuyện gì sẽ xảy ra, khi ra lệnh cho bác sĩ không được chứng tử bằng hai chữ “phóng xạ”, khi nói dối về con số thật sự tử vong, ngăn cản những điều tra về hậu quả của vụ thảm họa, chuyện gì sẽ xảy ra. Tự hỏi với tất cả những phẫn nộ mà dân Việt có trong 20 ngày qua, liệu có thể sẽ là một mầm mống Chernobyl đâu đó không?

Thôi tôi chả rỗi hơi nữa. Ngày 30 tháng Tư này riêng ở Việt Nam sẽ có mùi cá rữa và màu trắng của cá chết.

Lan Hương

Fort Worth 04/28/2016

No comments:

Post a Comment