Ru
mãi cháu không chịu ngủ, dương bốn con mắt tròn xoe đen nhánh nhìn Bà , miệng
ngậm chặt vú da nghe Bà dốc cạn hết những bài ru em ngô nghê còn nhớ
lại từ ngày xưa, lẩy thêm một mớ thơ Kim vân Kiều mà vẫn không đâu vào đâu.
Chợt
nhớ đến một bà khách nói với tôi về một site trên internet để tự học tiếng
Việt , nên bấm một phát vào Google trên smart phone đi tìm điệu hát
ru em Việt Nam. Loay hoay sao lại rớt vào tuyển tập những bài ca chọn lọc của
Việt Nam thời trước 1975, tò mò mở ra cho cả cháu lẫn Bà cùng nghe. Bỗng thấy lặng
người đi với những bài hát một thời xa xưa , vẫn bị chúng tôi chê là " nhạc
sến ",
Ca
sĩ Phương Dung hát rung bần bật bài "Nỗi buồn gác trọ", tôi nhớ đến
hình ảnh của chính mình với bà chị họ, quần áo tới bốn màu xốc xếch đứng trên
sân khấu là cái giường đại trên lầu nhà số bảy, ra sức diễn tả một nỗi buồn chả
ăn nhậu gì đến lứa tuổi lên 10 của mình. Khán giả ngồi mé giường bên kia, nhìn
qua khung cửa sổ in bóng những đóa hoa quí dại nở rộ, chắc cũng tự vấn lòng may
mà mình không bị ở trong một cái gác trọ hiu hắt đến vậy. Hoặc một bà chị họ
khác đơn ca bài "Nó ", bắt đầu bằng câu nghe đã thấy thương tâm :
"Thằng bé âm thầm đi vào ngõ nhỏ ... ", con nít ngồi thưởng thức, chả
so sánh đời ai sướng hơn ai, nhưng cứ rên rỉ cho bằng thích. Thằng em cùng với
đứa khác lên song ca bài "Mưa rừng ", thiên hạ vỗ tay rầm rầm
vì cám cảnh trời bên ngoài một hôm khác có trời mưa lê thê không dứt, giam
hãm hết mấy cái chân hay chạy nhảy ở cái sân khấu bỏ túi này. Mấy bà chị
trước giờ mở màn của những vở diễn kịch sau giờ học buổi trưa với ba tôi, đẩy một
ca sĩ thượng thặng tên là Thảo, con gái một gia đình không biết sao lại ở trong
nhà tôi lên hát mở màn bài " Biệt kinh kỳ " trước khi bắt đầu vở
kịch tâm lý xã hội kẻ ở người đi rất lâm ly. Hoặc bài " Nỗi buồn sơn cước
" trong lúc sơn nữ đang giã lúa huỳnh huỵch ở một góc, và chàng thợ săn
hào hoa khoác lơ lửng bó cung tên đang lạc toét lối đi trong rừng , ngơ
ngác với tiếng chày quyện với tiếng hát mê đắm lòng người .
Những
vở kịch dã chiến ấy, vai vế được chọn theo cá tính của từng đứa, tôi lúc nào
cũng được đóng vai lính hộ vệ, hộ tống những bà chị yểu điệu những khi gặp
... cướp cản đường. Nhiều lắm , nhưng nhớ mãi vở kịch "Hàn Mặc Tử ",
bà chị gân cổ ngâm nga mấy câu thơ " Ai mua trăng , tôi bán trăng cho, chẳng
bán tình duyên lẵn hẹn hò ..." khiến tôi đâm nghi hoặc khi nhìn những vầng
trăng rằm vằng vặc, biết là những người bị bịnh cùi đang bị vi trùng xơi tận
tình, chỉ đỡ được khi rán một chảo mỡ bên cạnh cho vi trùng nghe thơm quá chuyển
hướng tấn công, đó là lời nhận xét chắc nịch của bà chị họ có biệt tài kể chuyện
kinh dị . Hoặc một vở kịch hết sức tình cảm, nhân vật chính là bà chị họ
khác bị té xe đạp hôm trước gẫy chân , đành phải ngồi trên chiếc bàn thấp
do lũ con nít xúm lại đẩy đến tận sân khấu chính là phòng ngủ của Ba Má tôi, đạo
diễn phải sửa lại vở kịch để thích hợp với cái chân què này . Có mở màn sân khấu
đàng hoàng nhờ tâm rideau kéo che giường ngủ.
Truyền
thống ấy được giữ đến tận bên này, những dịp Noel , bắt tụi con nít đóng kịch .
Vở kịch " Les trois petits cochón " có một đứa hay hờn , thì được
chọn đóng vai ít lời nhất , nếu có ăn vạ thì chỉ cần nằm úp ba ba! Ngày họp mặt
đại gia đình năm 2002 , vở kịch " 101 Dalmaciens " diễn hết sức thành
công , cô em dâu đóng xuất sắc vai bà ác Cruella , mấy đứa cháu nhỏ trong bộ đồ
hóa trang đốm đen bò lồm cồm khắp nơi đúng hệt những chú chó con.
Mấy
chục năm trong nội chiến điêu tàn cùa đất nước, chiến tranh vẵn là chủ đề chính
của nhũng dòng nhạc, cộng với những chia lìa , những cảnh đời gẫy đổ cho
thấy nỗi ghê sợ của chiến tranh, còn thì thật ra trong thành phố Dalat, những
tham gia trực tiếp vào cuộc chiến không nhiều, không xảy ra hàng ngày như cơm bữa,
những tiếng bom dội vọng ì ầm ban đêm nghe quen như nghe tiếng sấm trộn lẫn
với mưa rơi, những trái hỏa châu thắp sáng bầu trời, nhìn riết quen, không
còn thấy kỳ lạ nữa mà chỉ mong có lần nào hỏa châu rớt thật gần, để còn lươm được
chiếc dù nhỏ giúp hỏa châu chao lươn trên bầu trời. Phi trường quân sự không xa
nhà mấy, còn giúp chúng tôi phân biệt được đủ kiểu máy bay lên xuống, và mỗi lần
một chiếc máy bay chuẩn bị hạ cánh, còn đủ sức chạy lên hết ngọn đồi
trường tiểu học Trần Bình Trọng, xem bóng máy bay đáp xuống chạy
dài trên phi đạo Cam Ly, thấp thoàng giữa rừng thông bao quanh.
Tôi
vẫn còn thích bài " Đồi Tím Hoa Sim ", bản đầu tiên, không phải là bản
thứ hai do nhạc sĩ Phạm Duy soạn lại, lời bài hát phổ thơ mộc mạc mà trữ
tình. Làm mỗi lần đi qua một đồi hoa sim tím ở quanh khu hồ Than Thở, nhìn thấy
bóng các tân binh trường Võ Bị Quốc Gia đang tập trận, lại nhớ đến bài hát với hình
ảnh lính tráng Việt Nam vừa oai hùng vừa lãng mạn. Và cũng là bản nhạc
cho các anh chị họ tôi tập nhảy điệu boléro. Những đợt anh chị mới lớn thôi,
còn lũ con nít chúng tôi ngồi chầu rìa trên tấm phản lớn trên phòng giữa
của tầng trên nhìn thiên hạ lả lướt , mong cho tuổi qua nhanh thêm nữa để được hết
bị coi là là lũ trẻ ranh.
Mỗi
chủ nhật, các bà chị họ lớn mở radio nghe hát tuyên lựa ca sĩ, không biết sao lại
đọng trong trí nhớ của tôi bài "Hoa Biển " do Nhật Trường hát ,
rồi nào là " Phiên Gác Đêm Xuân ," nào là " Đời ta sinh ra đã cô
đơn ".... Các thí sinh hát xong, đã được các bà chị tôi cho điểm trước
khi giám khảo quyết định, phê bình các giọng ca, chị em cười nắc nẻ với nhau,
qua đi những buổi sáng chủ nhật êm đềm để nhiều khi sau này, trong cuộc đời
riêng của mỗi người, lại không còn tìm thấy nữa , mà chỉ còn lại những
"chủ nhật buồn ".
Năm
tôi học đệ lục, đất nước như một nồi nước sôi. Biểu tình khắp nơi, phản đối
chính quyền , trường học phải đóng cửa, bàn thờ Phật chạy ra ngoài đường , mấy
bà chị họ lớn cũng tham gia đi biểu tình theo gương nữ sinh anh hùng Quách Thị Trang , người lớn ở nhà không ngăn nổi ,
vì cũng còn bận hì hục khiêng bàn thờ để chúng tỏ chính kiến tôn giáo của mình.
Tụi nhỏ lỡ cỡ như tôi không bị ai kiểm soát, đến trường , trường đóng cửa, thế
là đến nhà bạn bè chơi hoặc ra sức lội hết bao nhiêu quả đồi mỗi buổi sáng ra
chợ lớn Dalat mua rau về nuôi vịt khi cái màn hy sinh tô mì quảng với câu
yêu cầu bà bán hàng " để rau lên trên " vẫn không đủ sức cho lũ vịt
con háu ăn bớt gào toáng lên "cạp cạp".
Đó
là thời kỳ tôi có một con bạn học cùng lớp nhà nghèo , phải ở đưới tầng hầm một
căn phố đường Minh Mạng . Nó học cũng không giỏi , nhưng lại có giọng ca rất hợp
với các bản nhạc sến. Nó vẫn tha tôi đến các tiệm bán sách nhạc ở trên cùng con
đường , lôi về một mớ hát đến thuộc lòng rồi cho tôi. Tôi mang về nộp chung với
tập sách nhạc của các anh chị trong nhà , "Tình anh lính chiến " nằm
sát " Thu vàng " , "Nắng Chiều " ở cạnh "Tà áo
xanh" . Đến một ngày kia , anh chị mở tập nhạc để lựa bài hát , phát hiện
ra giòng nhạc lạc điệu này, rú lên như bốc phải sâu cây đào , quăng ra hết.
Tôi
cũng theo phong trào chung , không nghe những giọng hát của Thanh Tuyền, Chế
Linh , còn bận rượt theo Khánh Ly , Lệ Thu ,Vũ Khanh ...Kể chuyện như trò vui về
chuyện ca sĩ Hùng Cường hát bài "Ông lái đò " trên tivi,
quăng quật hết góc sân khấu này sang góc khác để diễn tả hoàn cảnh ông
lái đò đang sắp đến thời phá sản vì không hiểu sao mà không ai cần đò đi qua
sông nữa!
Hoặc
Chế Linh gầy nhom hốc hác trong bộ đồ lính dù, tóc chải láng coong dầu
briantine, dựa gốc cấy dừa trên sân khấu lê thê với bai "Xuân này con
không về " , khán giả chúng tôi tự hỏi, giặc đến, có cầm nổi súng chiến đấu
không , hay đã bị đóng đinh tại chỗ vì đôi giầy bốt đờ sô đi hành quân nặng
như hai cái cùm !
Lâu
rồi, nhìn những hình ảnh trên face book của Dalat, thấy lạnh băng , cứ như một
thành phố ở đâu đó , chả ăn nhậu đến mình. Nhưng khi nghe giọng Hoàng Oanh hát “Ai
lên xứ hoa đào đừng quên mang về một cành hoa ..." tim bỗng lặng đi , nước
mắt muốn dâng lên mi khi nhớ đến thành phố yêu kiều thanh lịch của mình xa xưa,
niềm kiêu hãnh với dân bản xứ , và cả khi ra nước ngoài, vẫn trang trọng nhắc đến
thành phố như một dấu ấn bảo đảm cho tính cách của mình . Tìm nghe lại
đi , để thấy lại Dalat của mình.
Và
mỗi lần giao thừa, trong cái nghiêm linh chờ lúc bước qua thềm năm mới, không
khỏi chùng lòng tri ân những người lính khi nghe bài " Phiên gác đêm
xuân ", hoặc câu " mùa xuân năm ấy con ra đi , mùa xuân này nữa con
chưa về "….
Vậy
đấy, hầu hết những bài ca về lính tráng của miền Nam , không rực lửa chiến
đấu, không đòi phanh thây xé xác kẻ thù , mà vẫn còn mơ mộng những đẩu đầu đâu
, nên bị phe bên kia phang ngay cho lời phê bình là nhạc vàng! Cho nên càng muốn
bịt tai lại khi thấy kẻ chiến thắng vò vẻ hát nhạc phản chiến, nhạc tình cảm
sau ngày giải phóng.
Tôi
chỉ đặt chân đến xứ Huế sau ngày đi lấy chồng, thành phố còn trầm lặng hơn cả
Dalat, và mãi sau này , trong những chuyến về thăm quê hương , thành phố vẫn chậm
rì đi theo phong trào phát triển nhà đất lẫn con người. Nhưng giờ đây ,
nghe lại " Đêm tàn Bến Ngự " do Thanh Thúy hát , mới thấm thía tình
quê của người xứ Huế.
"Bên
cầu biên giới ", có chạnh lòng không, những kẻ tha hương , những kẻ
thấy chân trời trước mắt mình không biên giới, nhưng sao lại có một rào cản
khi nghĩ đến ngày hồi hương.
Bốn
con mắt đen tròn xoe không còn ngơ ngác nhìn Bà Ngoại ra rả hát theo lời nhạc ,
mà trĩu nặng dần đi vào giấc ngủ theo điệu nhạc ảnh hưởng rất nặng nhạc
FADO của xứ Portugal, chắc ông Alexandre de Rhodes khi sáng chế ra mẫu tự tiếng
Việt , cũng mang theo bên mình điệu dân ca trữ tình của xứ sở, âm điệu lê thê ,
hiếm khi có những hành khúc vui tươi.
Chỉ
còn tôi ngồi đây, nhìn ra khu vườn của đứa con gái thiếu công chăm sóc , mà
cũng đang nở rộ những bụi hoa jascinthe xanh tím, những bụi jonquille vàng tươi
tắn, cùng vơi những cành hoa mận và lê trắng xóa trên cao, quay cuồng trong cơn
lốc kỷ niệm của mình, và thấy mình còn nhiều may mắn lắm, vì khi nghĩ về
những ngày tháng xa xưa ấy, vẫn còn tìm thấy những nụ cười , không một chút hối
tiếc 60 năm có hơn đã đi qua đời mình ....
Hương
Quỳ
Bruxelles,
04/17/2016
rất nhớ những buổi văn nghệ bỏ túi ngày xưa , từ đống củi ở gốc cây đào , đến cái giường của má và giường đại trên lầu , rồi phòng khách nhà số 7 và nhà bác Tự với những vở bi hài kịch ...của một thời !
ReplyDeleteMai có nhớ vở kịch cuối cùng tụi mình đóng trước khi đi sang Bỉ không? Vào cái dịp Tết nào đó. Trong đó có Hằng đóng vai bà mẹ, còn em làm bà con...
Deletecó phải là " Trương giả học làm sang " không ? tớ cũng chỉ nhớ mài mại...Tớ nhớ Hằng làm một bà mẹ Bắc kỳ quấn khăn vành dây đàng hoàng !
Deletecòn tớ với bà Hà dàn dựng vỏ kịch đầu tiên là Sơn Nữ Phà Ca , có chàng thợ săn là Quí , không biết ai đóng Sơn Nứ phà ca vậy ?