Hôm
qua đi chợ Đại Hàn, tình cờ trông thấy món kẹo mỏng chua chua ngọt ngọt thường
được bày bán trước cổng trường năm xưa. Chồng cầm lên bảo hồi nhỏ ghiền ăn món
này lắm, vợ bảo vậy mua về ăn thử có giống không. Về nhà mỗi người nhón một miếng bỏ vào miệng, nhìn nhau cùng lắc đầu “Không
giống ngày xưa chút nào”.
Miếng
kẹo tròn xoe màu hồng nhạt y như ngày xưa, chỉ có người là khác, người bây giờ
không còn là đứa con nít tóc rối quần áo xốc xếch, sẵn sàng tấn công bất cứ món
ăn vặt nào đến tay mà không hề băn khoăn tự hỏi món ấy có sạch không, được làm
bằng gì, có con ruồi nào đã té ngang qua chưa. Người bây giờ đi tìm lại những
món ăn vặt ngày ấy, thấy hụt hẫng nhiều hơn là tìm lại được, dù chỉ là một tí,
cái vị ngọt ngào thấm đầu lưỡi của những năm tháng làm con nít. Bao nhiêu nước
chảy qua cầu, bao nhiêu mây trắng đã trôi rồi còn gì.
Ngày
ấy trong túi có bao nhiêu đồng tiền lẻ mình đem cúng hết cho tiệm bà Hậu ở nhà
số 10. Tiệm bà ấy chỉ là một gian hàng nhỏ, dài hẹp, bày mấy lọ thủy tinh bán kẹo,
bán bánh vớ vẩn, ngang tầm mắt treo lủng lẳng những bịch ny lông to tướng đựng
bánh tráng nướng, góc nhà bày hũ dưa cải, chậu nhựa ngâm giá sống. Mình mê mẩn
hũ bánh men của bà ấy, một đồng được một nắm khoảng 10 cái bánh men tròn tròn bỏ
vào miệng kiên quyết không nhai, để cho bánh tự tan trong miệng. Sau này thỉnh
thoảng mình cũng vác một hũ bánh men nước dừa thơm lừng ngoài chợ về ăn. Bỏ chiếc
bánh mập tròn vào miệng nhớ hồi nhỏ đứng sốt ruột nhìn bà Hậu bốc bánh cho vào
tờ giấy được quấn thành hình cái phễu, bà ấy chậm chạp nhẩn nha đếm bánh để làm
cho mình miệng ứa nước miếng, nôn nóng chờ.
Khi
chán bánh men, mình quay sang món xí muội ăn xong uống nước như điên. Nhưng cái
thú vị cầm từng hột xí muội lên nhâm nhi chút chút một thì không gì so sánh bằng.
Khi có bầu thằng con lớn, đọc sách bảo mấy bà bầu thường thích ăn xí muội vì trở
miệng. Mình với ông chồng lặn lội xuống Indianapolis vào tiệm tạp hóa Á Đông duy
nhất của “Thằng Khùng”, cái tiệm nhỏ nhít có gì mua nấy ấy vậy mà có bán xí muội
mới lạ. Mình khuân về một gói phòng ngừa lỡ thèm xí muội không phải cất công
lái 45 phút, qua bao nhiêu là xa lộ với ruộng bắp mới mua được. Rốt cuộc gói xí
muội được xếp trong tủ cho đến kỳ sinh thằng con thứ hai mà mình không buồn đụng
đến! Thế mới biết đâu phải bà bầu nào cũng thèm xí muội. Trước khi đem nó vứt
thùng rác, mình ăn thử một cục, thấy giống như gặm một cục muối, tự hỏi không hiểu
tại sao hồi nhỏ mình ghiền xí muội đến thế. Thường thì con nít thiếu đường chứ
ít đứa nào thiếu muối thì phải. Trước năm 75 nghe nói đến cụm từ tuổi ô mai,
mình chẳng hiểu là cái tuổi gì, nhưng ô mai đưa cho mình ở bất kỳ tuổi nào mình
cũng quất sạch. Ô mai đỡ mặn hơn xí muội, vị nhàn nhạt của cam thảo bọc bên
ngoài càng làm cho miếng mận (ô mai là mận xấy khô ra mặt chứ còn gì nữa, tên
chỉ nghe kêu bóng bảy thế thôi) bên trong thêm dậy mùi. Tất nhiên ô mai đắt tiền
hơn xí muội, nên mình vẫn trung thành với hũ xí muội của bà Hậu cho đến sau năm
75, bà ấy đóng tiệm bán nhà dọn đi đâu mất tăm.
Quà
vặt ngày xưa không kể đến món me ngào của Bà Cai là một thiếu sót lớn. Đã có ai
trong nhà mình lớn lên mà không qua giai đoạn liếm sạch tờ giấy báo nhỏ xíu đựng
vừa đúng một muỗng me ngào rắc tí mè bên
trên của bà ấy? Nghệ thuật ăn me ngào thoạt đầu là dùng đầu tăm khều khều phần
ngọt ngọt chua chua của nước cốt me trộn với đường, bỏ vào miệng mút từ từ cho vị ngọt vị chua trộn
lẫn chút ớt cay đi vào vị giác, sau đó là tấn công ba hột me chua đến óc, kết
thúc là thè lưỡi liếm tờ giấy liếm luôn vài con chữ in mà chẳng nề hà. Có hôm
lên trễ bà ấy hết me ngào, cầm mấy đồng tiền về thấy buồn vô hạn, nhất định
không mua gì khác mà chờ ngày hôm sau chen chúc với đám học trò tóc cháy nắng,
khê nồng mùi mồ hôi để mua một đồng một muỗng me của Bà Cai. Mặc dù Má bảo chậu
me của bà ấy ruồi bâu kín, viễn cảnh cứt ruồi không làm cho cơn thèm vị chua ngọt
ấy dừng lại. Má bèn tuyên bố tụi mày ăn phải bùa Bà Cai!
Không
biết có ai còn nhớ đến kẹo “cứt chuột” giống y như…cứt chuột, nghĩa là nhỏ xíu
nằm trong cái ống bằng nhựa đủ màu không? Kẹo này quá nhỏ để có thể nhâm nhi từng
viên cho nên sau khi mở nắp ống nhựa, mình trút thẳng tất tật vào mồm. Kẹo có vị
chua ngọt, chẳng biết làm từ cái gì, nhưng đó là món kẹo rẻ tiền nhất trong đám
quà ăn vặt ngày xưa của mình. Mình sẵn sàng hào phóng cho con em luôn hai ống một
lúc là phải biết nó rẻ đến thế nào. Riêng ống kẹo sau khi ăn xong đem cho Má để
Má đựng kim khâu. Thỉnh thoảng mở ống lấy kim chỉ cho Má, mùi kẹo thơm thơm còn
vương vấn đâu đây.
Xong
cái khoản chua ngọt của me, của xí muội, của kẹo cứt chuột là đến khoản ngọt lịm
của chè. Con nít luôn thiếu đường vì mấy cái chân chạy nhảy không ngừng suốt
ngày cần nạp năng lượng nhanh nhất, hữu hiệu nhất. Chè là giải pháp tối ưu. Mua
chè được gói trong bịch ny lông đem về nhà không bao giờ bỏ ra ly lấy muỗng ăn
cho tử tế mà mình sẽ cắn một góc bịch rồi để chè từ từ chảy vào miệng. Gặp chè
đậu trắng thì phải cắn góc to hơn một tí thì hạt đậu mới trôi ra được. Thế là
tay bóp miệng há, chè trôi vào họng mình, từ tốn, thong thả và chắc chắn ngon hơn
ăn chè trong ly với muỗng. Sau này về Saigon ăn chè Đồng Khánh mùi nước dừa nức
mũi, mình chạnh nhớ đến những cái bịch ny lông được mút mát sạch sẽ, mút luôn cả
sợi dây thun xanh đỏ cột chặt miệng túi của đứa con nít tóc cắt ngắn, quần ống
cao ống thấp, hoan hỉ với bịch chè trong tay, quên tuốt mọi sự quanh mình.
Mình
còn nhớ bà bán chè đậu đen thường hay gánh từ ngõ Ba Toa ra. Điểm dừng đầu tiên
của bà ấy là trước cửa tiệm Nhật Tân. Nồi chè của bà thơm lừng mùi gừng quyện với
mùi đường mía, rồi thỉnh thoảng Má gọi vào mua cho mỗi người một chén. Cái gánh
bán chè của bà ấy đơn giản vô cùng, một bên là thùng chè với cái bếp than nhỏ
xíu phía dưới giữ cho chè lúc nào cũng nóng, bên kia như một cái tủ chạn nho nhỏ
chứa mấy cái chén sành nhỏ xíu, muỗng ăn chè nhỏ xíu, và dưới cùng là thau rửa
chén. Thôi thì khỏi nói, ăn xong chén nào bà ấy cầm chén nấy khoắng trong chậu
nước, lấy cái giẻ treo bên đòn gánh lau một lượt xong úp vào đống chén hồn
nhiên chờ đến lượt người khác. Hồi ấy mình thấy đó là chuyện bình thường, sau
này kể cho con nghe nó bảo “Dơ quá!” Nghe kể thì kinh thật nhưng chè đậu của bà
nấu rõ khéo, hột đậu mềm thấm đường mà không nát nhừ ra. Mình cũng thử nấu chè
đậu đen ở đây. Đầu tiên hết là hột đậu to đùng, nhìn giống con nhặng đen, đem ngâm
đúng 24 tiếng chẳng thấy suy suyển, hạt đậu vẫn cứng ngắc, bỏ vào nồi hầm thêm
24 tiếng, đậu bây giờ chuyển sang dạng nát bét, đậu đi đàng đậu, đường đi đàng
đường. Nồi chè sẽ kết thúc trong thùng rác.
Mình
nhớ ngoài tiệm Ba có thẩu kẹo màu đỏ xếp ngay hàng thẳng lối với mấy hũ kẹo
khác trên mặt tủ kính. Mình nhớ hũ kẹo này là vì có bén mảng ra tiệm, Ba chỉ
cho mình mở nắp nhón mỗi món kẹo này mà thôi, trong khi thẩu bên cạnh đựng đống
kẹo bi đủ màu vui mắt hơn rất nhiều. Mình chẳng màng, kẹo nào cũng được hoan
nghênh cả, giống như con dê nuôi ở bên nhà Bác Tự. Mỗi lần nó đi lang thang trước
cửa tiệm, mình xin Má một cục kẹo đỏ đem ra đút tận miệng cho nó ăn! Nhìn nó
thè cái lưỡi dài liếm láp cục kẹo, mình vừa sợ vừa thích. Khi nghe tin Bác giết
nó, mình khóc hết mấy ngày trách người lớn sao mà độc ác thế và thề không ăn thịt
dê từ dạo ấy đến tận bây giờ. À, tất nhiên bây giờ thì không phải vì thương nhớ
con dê lông đen mướt ấy mà vì cái mùi thịt dê mình chưa vượt qua nổi. Thế cho
nên có đi ngang qua tiệm dê 7 món, thiên hạ dừng lại hít hà đọc thực đơn, mình
tỉnh bơ đi thẳng vào tiệm phở cho chắc.
Bây
giờ mỗi độ Halloween về, mình mua một đống kẹo phát không cho con nít, vừa phát
vừa thương bố mẹ nó chẳng chóng thì chầy phải dẫn nó đi gặp nha sĩ, nhưng làm
sao cấm một đứa con nít không ăn kẹo? Lẫn trong đống kẹo mua về, mình bắt gặp
những viên kẹo màu đỏ trong suốt gói trong giấy bóng kính, mình không khỏi nhớ
lại hũ kẹo ngoài hàng và con dê lông đen mướt. Ôi tuổi thơ, mình có thể quên
nhiều thứ nhưng cái hũ kẹo ấy và con dê con ấy mình chẳng bao giờ quên.
Trong
cái đám ăn vặt của ngày xưa phải kể đến bắp nướng. Đến mùa bắp, nhiều bà mở
hàng bán bắp ngay góc đường, đơn giản chỉ với một cái bếp lò than đỏ hồng, một
âu mỡ hành bên cạnh và tay quạt miệng đon đả chào mời. Người mua kẻ bán chỉ cần
có thế. Mình đi mua bắp về hiếm khi cầm cả trái gặm mà tảy ra từng hột, xong lấy
cây tăm xiên đống hột đó lại đem đi chơi trò đồ hàng. Trò chơi đồ hàng của mình
ăn giả lá dâm bụt, hoa bìm bịp với hoa ngũ sắc mãi cũng chán nên mấy que hột bắp
xiên là cả một yến tiệc. Thường thì sau ba bận mua bán qua lại, cả người bán lẫn
người mua đều mất kiên nhẫn, chia nhau phần bắp còn lại mà cạp cho nhanh. Những
hôm trời mưa, không ra hông nhà chơi đồ hàng được, mình và con em lấy tám cái
ghế trong bộ bàn ăn ra xếp thành nhà, phủ cái mền lớn lên trên coi như nhà có
nóc, rồi cả đám chui ra chui vào cái nhà đó, có giả bộ đi học, giả bộ đi chợ,
giả bộ nấu ăn. Ông anh học bài trên lầu,
chạy xuống hỏi đến giờ ăn chưa, lũ em đang phân vân quên mất mình đang ở cái
giai đoạn đang đi dậy học hay là đi chợ thì ông ấy bảo hôm nay làm sinh nhật
nhé, mình ăn sinh nhật bây giờ đi rồi nẫng luôn đống bắp xâu của mình. Hai con
em ấm ức nhưng vì đó là một phần của trò chơi nên đành im miệng không dám phản
đối.
Có
ai trong đám chị em họ hàng nhà mình ở Dalat lớn lên mà không biết đến khoai
lang trộn mật? Miếng khoai lang mỏng dánh được chiên vàng ruộm, rưới mật hay nước
đường vàng lừ làm cho mình dù tóc đã hai màu khi nghĩ lại thấy cả một trời
thương nhớ. Ở đây không có khoai lang mật như Dalat, có lần mình thử cắt mỏng củ
khoai lang mua ở chợ rồi đem chiên, nhưng càng chiên miếng khoai càng mềm ra và
ngập ngụa dầu ăn nhìn thấy phát sợ. Cho nên chưa kịp đến giai đoạn rưới mật miếng
khoai đã nằm gọn trong thùng rác để rồi cho mình vẫn tơ tưởng đến miếng khoai
vàng rụm trộn mật ngọt nơi góc đường Phan Đình Phùng với Hai Bà Trưng. Coi như
có thêm một kỷ niệm đẹp không tìm lại được vậy.
Giống
như kỷ niệm chiếc xe bán sắp sắp. Tên gọi mỹ miều là gỏi đu đủ nhưng tiếng chiếc
kéo to cắt thịt bò xấy khô, cắt miếng gan xấy khô lách cách mà thành món “sắp sắp”.
Hôm nào vời được ông sắp sắp đẩy chiếc xe đạp lên con dốc trước cổng nhà mình
thì hôm đó coi như trúng tủ. Lũ con nít đứng vây quanh chiếc xe đạp với thùng sắp
sắp cột sau yên xe, nhìn chằm chằm hai bàn tay ông lượn lên lượn xuống bốc đu đủ,
cắt khô bò, cắt miếng gan cháy, đến khi ông ấy cầm bình nước chấm xịt chung
quanh đĩa thì đã có khối đứa nuốt nước miếng ừng ực. Dạo ấy mình không ăn cay
được nên phải canh ông ấy cẩn thận để ông ấy đừng tiện tay cho một quầng tương ớt.
Sắp sắp được xếp trên chiếc dĩa nhôm méo mó, ăn bằng đôi đũa nhựa, gắp miếng đu
đủ lên thì tuột xuống hết một nửa nhưng chẳng làm chậm tốc độ ăn của bọn con
nít háu đói. Ăn xong một đĩa mắt liếc người lớn ra điều hỏi có được ăn thêm đĩa
thứ hai không. Hôm nào trời đi vắng thì người lớn sẽ gật đầu ban ơn cho cái bao
tử chỉ chứa một đĩa đu đủ chẳng bõ bèn gì. Sau này mình đã làm thành công món sắp
sắp bên xứ người, có đủ gia vị chẳng thiếu món gì ngoại trừ tiếng chiếc kéo
lách cách cắt miếng thịt bò, thiếu chiếc dĩa nhôm, đôi đũa nhựa và khoảng hơn một
chục con mắt lom lom của đám con nít.
Đúng
vậy. Có nhiều món ăn vặt mình tìm đã lại được bên này, nhưng giống như miếng kẹo
chua ngọt mua ở chợ Đại Hàn, cho vào miệng chỉ thấy thuở nhỏ tràn về, làm đầy ứ
con tim. Chỉ thấy lại hình ảnh đứa bé ngày xưa tay nắm chặt mấy đồng tiền cắc,
phân vân không biết nên mua bánh men hay mua xí muội, mắt đảo qua đảo về giữa
hai lọ kẹo vừng, kẹo bột, tính nát óc không biết nên mua theo số lượng hay theo
chất lượng, rồi lưỡng lự mãi không biết nên mua miếng dứa quệt muối ớt đỏ lừ
hay trái cóc ngâm được tỉa tót nằm im trong thẩu nước có màu vàng của cam thảo.
Đứa trẻ ấy đã lớn lên, kẹo me kẹo mút chùm
ruột ngâm không còn ở trong những món ăn vặt hàng ngày, kẹo cứt chuột không biết
bán ở đâu, chẳng lẽ lên Amazon mà tìm? Mía hấp lá dứa chỉ còn là kỷ niệm đẹp xếp
bên cạnh nồi xôi bắp thơm mùi hành phi. Bồi hồi nhớ lại những món ăn tuổi nhỏ chỉ
để cốt tìm ra hình ảnh chính mình trong những ngày tháng xa xưa ấy, vô tư lự liếm
láp tờ giấy dính me ngào hay mút mát đến trong veo bịch ny lông đựng chè, thèm
từng tí đường dính ở đây ở kia.
Ôi
nỗi thèm đường của những đứa con nít ngây thơ…
Lan
Hương
Fort
Worth, 04/26/2016
đúng là tuổi thơ vàng ngoc một thuở không bao giờ tìm lại được ! mới đây tớ cũng nghĩ đến món đậu hũ gánh với nước đường và gừng của một bà bán rong hay đi qua nhà mình hay ở trên sân cù . Sắp tới giỗ ba má tớ đã kêu Cúc nấu lại món này làm dessert ;để xem có tìm lại được hương vị ngày cũ không ?
ReplyDeleteở đây có bán món này nhưng được múc vào cái ly xốp to đùng, đem về nhà ăn không thấy ngon, chỉ sợ hàn the thôi.
ReplyDelete