Bố
nó bảo “Nó có niềm khao khát được đi Mỹ đến phát khùng lên, cô ạ! Cháu chẳng hiểu
vì sao nữa! Nó cứ một hai muốn đi Mỹ để học. Cháu bảo để hè sang Mỹ chơi thì nó
bảo không đủ. Nó muốn được trải nghiệm đời sống thật ở Mỹ”. Cãi vã với bố mẹ
mãi, chắc làm cả nhà phát ớn, bố mẹ nó tống khứ nó sang Wisconsin , ở một cái
làng nhỏ cách Milwaukee 2 tiếng lái xe, đi theo chương trình trao đổi học sinh.
Đi theo diện này, nó không được chọn ở
thành phố nào, ở với ai, học trường nào. Vì thế rốt cuộc nó từ một cái làng nhỏ
bên Đức sang ở một cái làng nhỏ khác bên Mỹ. Khác màu cờ, khác quốc ca, khác
ngôn ngữ, khác lối sống. Hẳn đó là điều nó đang tìm kiếm.
Tôi
đón nó vào một ngày trời mưa lâm râm ở Corsicana, Texas. Tôi ngồi trong tiệm
bánh ngọt uống trà hương nhài thơm ngát nhìn mưa rơi chờ bà mẹ “nuôi” hộ tống
nó từ Hunsville lên. Nó sang đến Wisconsin từ hồi tháng 9 năm ngoái, tôi không
liên lạc gì với nó được cho đến tận cuối tháng 12. Lúc ấy tôi đang lò mò lật áo
jacket xem giá chơi trong tiệm thuê ski ở Salt Lake City thì nó gọi cho tôi, kêu
tôi bằng bà khiến tôi giật bắn cả người. Tôi bảo để tôi tìm cách cho nó xuống
Texas đến ở với chúng tôi vài ngày vào dịp nghỉ xuân. Nó mừng rơn vì được đi
chơi xa. Riêng tôi tự cắn lưỡi mình vì không biết sẽ phải làm gì với nó suốt một
tuần. Chúng tôi đi làm, hai thằng con đi học xa, nó có đến chơi thì vào vai ông
từ giữ chùa với hai con chó mất. Lỡ đâm lao phải theo lao, tôi liên lạc với bà
Cindy, mẹ nuôi của nó, hay đúng hơn, bà mẹ nơi nhà nó đến ở trong thời gian đi
học bên Mỹ để sắp xếp cho nó làm một chuyến đi Texas.
Cái
bà Cindy này lần đầu tiên đón một đứa lạ hoắc vào nhà cho ăn cho ở, lại còn chở
đi học hàng ngày, nên nhất nhất theo sách theo vở, theo luật lệ. Khi tôi nói
chuyện với bà ấy bảo để cho nó xuống Texas ở với chúng tôi vài ngày, Cindy
hoang mang bảo có lẽ không được vì theo luật nó không được ra khỏi tiểu bang một
mình. Mà cũng đúng, nếu không thiên hạ tìm cách sang đây đi học rồi băng qua
biên giới tiểu bang lạc vào mê hồn trận của 51 tiểu bang còn lại, biết đàng nào
mà mò, lỡ vui chân qua luôn biên giới Canada hay Mexico thì đúng là tìm kim đáy
biển! Chưa kể nạn buôn người nữa, thiên hạ có trăm ngàn kế để mà gạt nhau đấy
mà. Bà ấy cẩn thận thế cũng phải.
Mãi
đến đầu tháng 2 Cindy mới gọi cho tôi bảo bà ấy sẽ mang nó xuống Texas chơi, một
công đôi chuyện cho bà, vì bà ấy có đứa con gái đang học ở Sam Houston
University, bà thăm con nhân tiện để cho nó gặp tôi.
Kết
quả là tôi ngồi trong tiệm bánh thơm lừng mùi bơ một buổi sáng thứ sáu, giữa những
đám ông bà già ăn donut uống cà phê nhìn mưa rơi mà thấy viễn cảnh của mình một
ngày nào đó sẽ giống giống như vậy! Cindy lái xe 2 tiếng từ Hunsville lên, tôi
lái 2 tiếng từ Fort Worth xuống, gặp nhau giữa đàng.
Tôi
nhận ra nó ngay, phổng phao xinh xắn hơn
hẳn so với lần cuối cùng tôi thấy nó năm 2013 và một trời một vực khác xa con
bé nhút nhát núp sau cánh cửa thò mỗi một cặp mắt láo liên quan sát chúng tôi khi
tôi sang Đức năm 2005 đến chơi nhà nó. Nó mang nụ cười và nét mặt bố nó không lẫn
vào đâu được. Và giọng nói thì nhất định là từ mẹ nó mà ra.
Sau
khi tán dóc, rỉ rả chuyện nắng mưa với Cindy
khoảng gần hai tiếng, vừa đủ cho đôi bên nghỉ chân uống nước thì tôi mang nó về
lại Fort Worth. Dọc đường đi, vừa lái xe tôi vừa cố cạy miệng nó!
Chưa
thấy đứa nào kiệm lời bằng nó. Mới đầu tôi thử tiếng Việt, nó lọng cọng, chữ được
chữ mất. Sau đó tôi chuyển sang tiếng Anh, hỏi gì nó trả lời đúng cái nấy, tuyệt
không thêm thắt một chi tiết nào. Sau nửa tiếng vật lộn với mọi câu hỏi thì tôi
thầm nhủ hay là nó cứ việc tự nhiên lăn ra ngủ quách cho tôi thong thả lái xe,
mắt liếc ngang liếc dọc đi tìm những bụi hoa bluebonnet bên đường mà không cảm
thấy áy náy vì không nói chuyện gì với nó. Sau đó bố nó có bảo tôi ở nhà nó
cũng im thin thít như thế, chẳng nói chuyện với bố mẹ tiếng nào! Nghe vậy cũng
chẳng làm tôi thấy yên lòng hơn. Tôi nhớ hồi xưa còn nhỏ đi học về tôi hay la
cà xuống bếp tìm Má rồi hót như sáo với bà, kể đủ mọi chuyện trên trời dưới đất
cho bà nghe. Khi vào cái khoảng tuổi ương bướng nổi loạn 14, 15, tôi ít nói
chuyện với Má hơn, trong lòng có đôi phần ngấm ngầm phản đối mọi luật lệ bà đặt
ra với tôi nhưng không dám chống đối ra mặt. Giờ rảnh rang tôi hay rút lên
phòng nằm đọc sách nhưng nếu có chuyện gì hay ho để kể, tôi vẫn tìm đến bà để
“hót” cho bà nghe. Riêng con bé này, chẳng lẽ vì giấc mơ Mỹ mà nó nhất quyết
không nói chuyện với bố mẹ nó? Tôi hỏi nó có thường gọi cho bố mẹ không thì tiếng
Việt của nó làm cho tôi hiểu là không được nói nhiều với bố mẹ vì người ta cấm.
Tôi ngẩn tò te hoang mang. Ngày xưa có lẽ vì tiền gọi điện thoại đường dài là cả
một gia tài nên trong đám luật của bà Cindy chắc có hạng mục không được tiếp
xúc với thân nhân quá bao nhiêu lần mỗi tháng, quá bao nhiêu phút mỗi lần. Thời
đại của Skype, Viber thì cái luật này chỉ làm trò cười cho thiên hạ mà thôi. Bố
nó cũng nói với tôi từ hồi nó đi sang Mỹ đến giờ, nó chỉ gọi về nhà, đúng hơn bố
nó gọi cho nó, có ba lần, bố mẹ chưa kịp hỏi han ra ngành ra ngọn thì nó đã cắt
đường dây!
Trên
đường về lại Fort Worth, tôi đi lùng con đường Bluebonnet Trail của huyện lỵ Ennis,
cốt ý thử tay nghề chụp hình của tôi với hoa dại Texas. Sẵn có nó, tôi lôi nó
ra làm người mẫu. Cũng may nó cũng thích được chụp hình cho nên thay vì phải vắt
óc moi chữ nói chuyện phiếm, tôi chỉ có việc chỉ nó ngồi chỗ nào, đứng chỗ nào
để chụp hình mà thôi. Không ngờ đôi bên hả dạ hết ý. Kết quả là nó có khoảng hơn
30 bức ảnh với màu hoa biêng biếc của Texas mang về làm kỷ niệm. Tôi cũng thừa
biết mình với nó là hai thế hệ khác nhau, nói chuyện không xong đừng nói gì dẫn
nhau đi chơi chung. Chồng tôi bảo mời nó về nhà rồi biết làm gì với nó. Tôi đã
lo trước nên phát lời triệu tập hai thằng con về nhà, giao khoắng nó cho hai
ông con, mặc cho hai ông muốn dẫn nó đi đâu thì đi. Tôi mà dẫn đi chơi thì chỉ
có đi ngắm cảnh, đi bộ trong rừng, lang thang ngoài park, tuyệt nhiên không có
mục mua sắm và còn lâu mới lôi được tôi lên mấy cái trò đu quay, xe lộn ngược ,
rơi tự do vân vân ở Six Flags.
Và
kỳ cục thay, khi gặp hai thằng con tôi, nó mở miệng, bắt đầu líu lo ra trò! Tôi
cũng mừng, chỉ sợ hai thằng kia phải dẫn một “con hến ngậm miệng” đi chơi thì
cũng tội cho chúng. Riêng tôi không được may mắn bằng hai thằng con, trong hơn hai
ngày, tổng số câu nó nói với tôi có thể đếm hết 10 đầu ngón tay nhưng không hết
10 đầu ngón chân!
Nó
chỉ ở chơi với chúng tôi một thời gian rất ngắn ngủi, chưa đầy 50 tiếng đồng hồ,
nhưng cũng đủ cho tôi biết nó đang ấp ủ giấc
mơ được sống tại Mỹ vĩnh viễn. Nó bảo tôi nó muốn ở thêm một năm nữa nhưng bố mẹ
không cho. Tôi biết bố mẹ nó gần sạt nghiệp khi lo cho nó sang đây. Trao đổi học
sinh đâu có mà đơn giản, nó làm ngân quỹ của nhà nó giảm đi đáng kể, đến nỗi
tôi hỏi nó bố mẹ năm nay có đi nghỉ hè ở đâu không thì nó trả lời ngắn gọn bố mẹ
hết tiền rồi! Thế mà nó còn mơ sang thêm một năm nữa thì tôi thấy tội nghiệp
cho cả bố nó cả mẹ nó và cả cái tiệm bán đồ ăn nhanh của nhà nó bên Đức.
Tôi
đoán chắc nó muốn thoát ra khỏi cái làng nhỏ xíu cách Berlin 2 tiếng lái xe nơi
bố mẹ nó đang ở, nơi nó sinh ra và lớn lên. Hẳn nó đã phát ớn với những điều lập
đi lập lại hàng ngày, con đường hàng ngày, món ăn hàng ngày, những khuôn mặt
hàng ngày, ngay cả trường lớp cũng không còn hấp dẫn nó nữa. Tôi đã đến thăm chốn
này, một cái làng điển hình Châu Âu rất sạch sẽ, trật tự, ngăn nắp. Chỉ có điều
đó là một cái làng xinh xinh, không phải là một thành phố lớn tấp nập, mà nó thì
đang là một con cá trong ao muốn bơi ra biển! “Con cá” đó đang gởi những tấm
hình chụp với bạn bè bên Mỹ, những suy nghĩ rất Mỹ về cái trường làng bên Đức làm
cho cả đám còn lại bắt đầu mơ tới những con đường ra đại dương!
Còn
tại sao lại là biển Mỹ thì tôi chịu! Có những giấc mơ Mỹ không làm cho người ta
lý giải nổi. Khao khát cháy bỏng được đến Mỹ, ở Mỹ của nó là một trong những số
đó. Nó lớn lên tại Đức chứ nào phải cái xứ quê mùa lạc hậu ất ơ nào. Mà nền
giáo dục ở Đức cũng thuộc loại có tiếng trên thế giới, có lẽ còn hơn cả Mỹ, nơi
tụi học trò vừa học vừa chơi mà chơi là chính. Bố nó bảo bà Cindy nói với bố nó
rằng nó còn “Mỹ” hơn cả đứa con gái của bà ấy! Tôi không biết “Mỹ” đến thế nào
chứ cái màn ăn xong để nguyên chén đũa trên bàn cho tôi dọn, ngủ xong để nguyên
giường chiếu cho tôi xếp thì tôi nghĩ Mỹ trăm phần trăm chắc khấm khá hơn.
Nhưng
nói gì thì nói, nó đã đến nhà tôi chơi, mang theo những suy nghĩ của một thế hệ
con cái lớn lên ở nước ngoài, có những đam mê, khát vọng riêng của mình. Chúng
nó không phải tất bật cắm đầu học hành để ra trường, rồi long tóc gáy kiếm việc
làm để tồn tại trong thế giới này. Chúng nó không bị gánh nặng nuôi nấng chính bản
thân mình đính kèm nuôi nấng thêm cả gia đình đè nặng lên vai như thế hệ chúng
tôi, những người chật vật đến được bến bờ tự do bằng đủ mọi cách, không cách
nào dễ dàng cả. Tôi đã tiếp đãi nó đầy đủ với màn mở đầu chào đón bằng nem nướng,
kết thúc bằng phở gà tiễn đưa. Nó quay trở về Wisconsin với Cindy, mang theo niềm
hy vọng trước khi về lại Đức, Cindy sẽ cho nó xuống nhà tôi chơi một tuần!
Từ
giờ đến đó, chắc tôi phải viết ra giấy những gì tôi có thể nghĩ ra để cạy miệng
nó! Hy vọng lần này tôi sẽ đếm hết luôn 10 đầu ngón chân những câu nó sẽ nói với
tôi! Tiếng Việt hay tiếng Anh, thảy đều tốt cả. Có còn hơn không mà lại.
Lan
Hương
Fort
Worth 04/08/2016
No comments:
Post a Comment