Pages

Wednesday, November 30, 2016

Con Đường Hoa Cúc

 


Lại trở về biển . Đầu tháng 11 biển phương Bắc vẫn một màu xám chì . Có bao giờ nó xanh lơ như Địa Trung Hải đâu mà mong mỏi làm gì nhỉ ? Ừ thì xám , ừ thì gió lạnh và mưa phùn , nhưng cứ vẫn muốn đi , muốn làm một cái gì đó như để giải thoát những  ấp ủ , những hoài niệm  vô vọng , những ray rứt chưa yên mỗi khi thu về và ngày lễ Các Thánh  nhắc nhở . Với chúng tôi đó là một ngày đi tảo mộ .
 


Lẽ ra Thanh Minh trong tiết tháng  Ba nhưng  ở đây là tháng Mười một  , cũng chẳng có mộ chí đế thăm  , để làm sạch  cỏ và thắp một nén nhang  như ở quê mình ; tất cả chỉ là trong tâm tưởng và cụ  thể là một bó hoa sẽ đem ra rải xuống nước  biển và mong nó được cuốn đi ra xa , để đi về đâu , về với ai ?

Cứ như thể  ngày này mùng Một tháng Mười Một Ba Má đã sẵn sàng ngự trên đám mây vần vũ kia và chỉ chờ con cháu mang hoa ra là thò tay  ra mà vớt lấy . Nào có được như thế  . Ba Má đã trở thành tro bụi từ lâu lắm  , đã không còn hiện diện nơi chốn này nữa rồi nhưng đây vẫn là nơi cuối cùng  tiễn đưa Ba Má đi , nơi cuối cùng âm dương chia cách đời đời . Chẳng cần ai khen hay chê là làm chuyện vô bổ  nhưng  trong tận đáy lòng các con xem như đây  là lúc cao điểm nhất  đế tưởng nhớ về Ba Má , những người  thân yêu muôn đời nay đã khuất  . Cũng không cần biết mai này liệu có còn ai tham dự cuộc hành hương này nữa không nhưng cho dù chỉ còn có một người  thì vẫn biết lúc đó trái tim và tâm can của các con vẫn hướng trọn về hương linh người đã khuất .Những ngày gần đến 1-11 tôi thường nằm mơ thấy Ba và Má , trong những sinh hoạt bình thường hằng ngày như trước kia  , như những tự kỷ ám thị , mình nghĩ đến nhiều thì đương nhiên  những hình ảnh sẽ hiện về trong giấc mơ .
 
 



Trên đường ra biển hôm nay , trời không mưa nhưng mặt trời cũng không thấy tăm hơi , chỉ tuyền một màu xám , chợt nhớ hôm nào đưa tro cốt của Ba và cả Má ra biển trời cũng vần vũ  toàn mây và  sau đó là những trận mưa như trút nước .  Có lúc mây đen chợt kéo đi mất và mặt trời hơi hửng lên  , trong lòng thấp thỏm lậy trời đừng mưa  , xin cho một ít nắng để vơi bớt  những  ý nghĩ sầu thảm chợt dâng lên . Dọc đường đi  những cánh đồng hoa cúc đã được  thu hoạch  sạch , chỉ còn  lác đác đây đó vài cụm hoa vàng hay tím còn sót lại . Nhìn cảnh sao thấy cả một nổi lòng cô liêu  làm sao !



Hẹn gặp nhau trên bãi đậu xe cạnh bến tàu .  Hơn 10 h sáng mà vắng lặng không một bóng người  . Những chiếc du thuyền đậu im lìm ngoài bờ biển , một thoáng nhớ về  chiếc du thuyền của Lân đậu ở đây khi xưa , những  lần cùng nhau vui vẻ trên boong tàu dưới nắng ấm mùa hè , và lần tiễn đưa cuối cùng Ba Má  ra biển khơi . Sau đó chúng tôi đến bãi biển ở bên cạnh , ở đây có con đê dài vươn ra biển xa nhất  , ít sóng hơn , và yên tĩnh hơn những  bãi khác , vào mùa nghỉ lễ thế nào cũng  đầy người  qua lại .
 
 


Ra khỏi xe và bước vào con đường mòn dẫn ra bờ biển  ,  năm nay đập vào mắt tôi là những  đóa hoa cúc dại màu vàng nhỏ  li ti  điểm dọc hai bên  con đường  cát .  Ở đây hoa cúc không  phải  để báo hiệu mùa Xuân và ngày Tết như ở quê nhà  mà hoa cúc lại biểu tượng cho mùa thu và những người  đã khuất . Chẳng thế mà cả tháng trước  hoa cúc đã hiện diện khắp nơi , trong các cửa hàng , các siêu thị , hoa trong chậu , hoa cắt cành , đủ màu đủ loại  , không thể nào không nhớ đến những người thân đã mất với bằng đó hoa .  Tháng Tư hoa đào , Ba Má bỏ chúng con  đi , tháng Mười hoa cúc chúng con trở lại tìm Ba Má là như vậy đó …
 


Con đường ngoằn ngoèo  sau dãy đồi cát với  lau sậy và hoa cúc lúc ẩn lúc hiện  rồi cũng dẫn chúng tôi ra đến bờ biển . Bãi biển vắng trải dài trước mắt , cát vàng và êm . Sóng nhấp nhô ngoài khơi . Hôm nay may sao trời không có gió và không lạnh lắm . Không phải trùm kín trong những khăn len và mũ áo bông như năm nào . Chúng tôi cùng thở hít khí trời trong lành , có một tí mặt trời đó , còn đòi hỏi gì hơn  , tâm hồn cũng lắng xuống . Bình an .

 

Lúc này thủy triều đang rút ra thật xa , bờ đê cũng xa tít tắp . Quên không xem trước giờ thủy triều lên xuống , cứ đi đại  cầu may thế mà lại hay , là vì thủy triều rút thì chúng tôi có thể đi ra thật xa tận đầu con đê gập ghềnh đá ,nơi tận cùng để thả những đóa hoa được ưu ái mang theo ;vì không ai muốn nó quay trở về bờ với dòng triều .

Hoa phải ra đi thật xa vì Ba Má nay cũng đã ở  thật xa chúng tôi rồi . Từng cành hoa được thả xuống biển  , sóng bạc đầu nhấp nhô , hoa lờ lững chờn vờn quanh  bờ đá  , như luyến lưu gì chăng ? Hoa ơi , hãy đi đi , đi thật xa về với Ba Má , mang theo những nỗi niềm thương nhớ gửi gấm  của các con và các cháu .

Mấy chị em đầu đã điểm sương , vẫn ngậm ngùi ngày  mất bố mẹ và vĩnh viễn mồ côi , các cháu thế hệ trẻ không biết có hiểu không , những nỗi niềm , những thông điệp thế hệ chúng tôi muốn nhắn gửi , biết đâu được , nhưng  những phong tục như thế có ngày sẽ tiêm nhiễm vào ký ức của chúng để sau này chúng sẽ có lúc nhớ lại một ngày 1-11 mang hoa ra biển . Để làm gì có biết không ? Dẫu sao cũng là một ngày đẹp đáng nhớ ; 200 cây số đi về có là bao so với nỗi niềm  và tâm tình trải dài từ thế hệ của ba má đến thế hệ các con hôm nay và các cháu  mai sau .











Để nhớ ngày 1-11-2016 

TỐ MAI

30-11-2016

Wednesday, November 23, 2016

Gia tài để lại


Ông bố qua đời để lại cho ông con toàn bộ gia sản. Nhưng mặt ông con chẳng có vẻ gì là người thừa kế được hưởng toàn bộ gia tài gì cả. Ông con mặt mũi ủ ê, khoát tay một vòng chỉ căn nhà bừa bộn, càu nhàu “Cả mấy năm trời ông ấy không cho tụi tôi sửa sang bất cứ cái gì, ngay cả xin cắt cỏ cũng không cho. Tôi bảo cái phòng tắm chật quá, để tôi sửa lại cho rộng, ông ấy bảo tao quen rồi, chớ đụng vào cái gì, để tao yên thân rồi đuổi tắp tụi tôi như đuổi tà. Có lần tôi phải đốn cái cây trong vườn vì cành nó sắp đổ vào mái, ông ấy giận tôi cành hông, cạch mặt tôi đến cả tháng!”

Cụ bà mất trước cụ ông cả hai chục năm. Từ khi bà mất, ông quyết chí không sửa sang nhà cửa vườn tược, lúc bà sống ra sao thì lúc ông chết nó y như vậy. Ông luyến tiếc hình bóng bà trong căn nhà thân thuộc. Ông sợ dù chỉ một thay đổi nhỏ, vía bà sẽ bị lạc không biết đường tìm về với ông, hay sợ mùi hương của bà không còn nữa. Con cái đến đề nghị ông sửa chỗ này, dọn chỗ kia, ông có cảm giác chúng chen vào giữa ông và bà, quyết tâm xua đuổi hình bóng bà trong từng góc nhà, từng gốc cây, trong ngay cả tâm tưởng của ông. Vì thế mỗi khi chúng đến thăm, ông tiếp đón đúng một tiếng đồng hồ, sau đó mở toang cửa trước, xua chúng ra về để ông yên thân với hình  bóng người vợ đã khuất.

Tôi đến nhà ông một buổi chiều nắng gắt, mục đích mua lại chiếc xe cũ của ông, chiếc xe ông không thể lái được những năm cuối đời mình. Vì già cả, bệnh tật, và cái chính là bằng lái của ông đã bị tịch thu sau khi ông lẫn lộn làn đường quẹo trái quẹo phải, tông phải một chiếc xe chạy ngược chiều. Cũng may cả đôi bên không sao. Ông biết thân nên lẳng lặng đưa bằng lái cho con trai sau khi nghe nó quát mắng cả nửa ngày. Kể từ đó, chiếc xe nằm im trong garage ba bốn năm trời, tha hồ cho bụi bặm bám lên cửa kính, nóc xe, mạng nhện giăng chi chít dưới gầm xe. Một ngày trước khi chúng tôi đến xem, nó được lôi ra đem đi hút bụi, chùi rửa cẩn thận. Màu sơn đỏ bóng lộn trở lại để lộ những vết trầy trụa bên hông xe, hậu quả của tai nạn ông gây ra khi bất thình lình quẹo trái, coi đèn xanh đèn đỏ chẳng ra gì.  Nệm ghế đỏ sạch sẽ, nhưng dù sao chăng nữa vẫn không xua đuổi được mùi thời gian bám chặt vào nó. Tôi hít vào một hơi, mùi thời gian và mùi của tuổi già phải chăng là một?

Căn nhà của ông khá rộng rãi, nằm trong địa hạt Hurst, cách phi trường mười lăm phút và cách cái shopping mall to đùng đúng năm phút. Tuy vậy khu  vực này khá yên tĩnh, nhà cửa nép mình dưới bóng những cây sồi lá xanh quanh năm. Bà con dâu, vốn dân địa ốc, chỉ cho tôi xem những căn nhà lân cận bảo “Nhà này mới bán, ông lão chết cách đây mấy tháng. Nhà kia cũng chuẩn bị lên danh sách bán, bà cụ cũng mới qua đời đây thôi. Nhà nọ vừa có người dọn vào, một cặp vợ chồng trẻ thay cho ông già chết vì ung thư phổi  cách đây hơn năm trời”. Tôi hãi hùng nhìn chung quanh. Té ra tuổi nhà tuổi khu phố gắn liền với tuổi đời. Những căn nhà được xây khoảng thập niên 1960, giờ đã cũ nhiều lắm. Mái rêu phong, tường thấp, cửa sổ bé tí, cây cối thành cổ thụ, rễ bò lung tung chồi lên làm bật đường xi măng. Và cỏ dại thì khỏi phải nói! Toàn thứ dữ, chỉ cần thò chân xuống bãi cỏ, những hạt gai bằng hột đậu phụng quyết tâm bám chặt vào gấu quần, dùng tay nhổ ra phải cẩn thận vì chúng cứng ngắc, gai đâm tua tủa như nhím. Vừa nói chuyện với chủ nhà, tôi vừa đứng nhổ gai, bà con dâu ái ngại nhìn tôi bảo “Chẳng có cách gì diệt chúng được, ý là chồng tôi đã đổ cả lít thuốc diệt cỏ xuống rồi đấy!” Tôi hình dung ngôi nhà sẽ được bán cho cặp vợ chồng trẻ nào đó, và đứa con nhỏ của họ chạy chơi trước sân nhà, cứ tưởng tượng bàn chân trần của nó giẵm phải đám hạt cỏ gai này!

Hai vợ chồng bảo chúng tôi vào xem nhà chơi. Đầu tiên tôi vấp phải một đống đồ gỗ vứt ngổn ngang trong garage. Bà con dâu nói sáng nay chúng tôi mới mở garage sales, cái gì bày lên bàn được là tôi bán tuốt, ai muốn trả giá bao nhiêu tôi cũng bán cho xong, vác những thứ này về nhà tôi không biết phải làm gì với chúng. Tôi nghĩ khi cụ ông còn sống, ông cóp nhặt đây kia từng chút từng chút, tha lôi những món đồ về lấp kín nhà mình. Ông tốn tỉ tiền vào đấy chứ không chơi. Bây giờ đến tay ông con, ông này chỉ muốn bán tống bán tháo cho xong của nợ, để dọn căn nhà trống  giao cho địa ốc. Nói đến chuyện bán nhà, bà vợ rỉ tai tôi kể chuyện một giấc mơ. Số là hai vợ chồng được thừa hưởng căn nhà này, trong lúc chờ giấy tờ hợp thức hóa, họ có ý định sửa sang rồi cho thuê. Nhưng rồi khi mời địa ốc đến xem, bà ấy vẽ cho luôn cả một cái plan sửa nhà! Bảo để như vậy không ai sẽ chịu bỏ tiền ra thuê đâu, bây giờ chỉ có nước sửa sang lại rồi bán. Rồi bà ta vác bút vác giấy vác thước ra bảo phải đập cái tường này, nới bếp ra cho rộng, phải đập luôn cái tường kia cho phòng khách thông thoáng, cái phòng tắm cũng phải sửa sang, bây giờ không ai chịu đứng trong cái góc kẹt đó tắm vòi sen. Chưa hết, phải lột thảm,  phong trào bây giờ là sàn gỗ đấy. Trần nhà cũng phải tẩy rửa, tráng lại cho bằng phẳng. Chưa xong, bà ấy tấn công luôn cái vườn sau. Hơn 20 năm trời không chăm sóc, những cơn mưa ngắn dài của Texas đã làm cho đất cát tấp sát vào bờ tường muốn bít cả cửa sổ, kết quả là ống cống nghẹt, nước chảy ngược vào nhà, phải mướn người tới san bằng vườn sau, thông cống trước cống sau. Còn phải chặt vài cái cây cổ thụ nữa để lấy ánh sáng vào nhà. Bà ta hỉ hả đưa cho vợ chồng một danh sách dài bất tận những việc cần làm nếu muốn sửa sang  rồi cho thuê hay đem bán. Ông con ngán ngẩm, ngày làm việc 8, 9 tiếng thời giờ đâu mướn thợ, coi thợ sửa? Cả hai vợ chồng chưa ngã ngũ vì một phần muốn bán, một phần muốn giữ lại. Đã từng ra vô căn nhà này từ lúc họ mới quen nhau rồi lấy nhau, khoảng 40 năm là ít, cho nên từng góc kẹt, từng phân vuông tường là những kỷ niệm chồng chất. Nhất là nhà bố mẹ mình, dù sao hình bóng các cụ vẫn luẩn quẩn đâu đây. Ông con vò đầu bứt tai không biết phải làm gì thì một hôm nằm mơ thấy bố mình hiện về, tươi tỉnh nói với con, bán nhà đi, bố không buồn đâu. Bố thật sự muốn con bán nó, bố đã gặp mẹ rồi, không cần phải về căn nhà này nữa! Ông con choàng tỉnh mồ hôi như tắm, thức đến sáng thì quyết định gọi cho bà địa ốc, bắt đầu làm giấy tờ bán nhà.

Tôi bước vào căn phòng ngủ của cụ ông. Ông đã qua đời gần một năm nhưng mùi người già cộng với mùi người bệnh vẫn còn đặc sệt trong không khí. Quần áo của ông vẫn còn vương vãi đầy dưới đất. Các khung hình bỏ chỏng chơ lăn lóc trên bàn. Tôi liếc nhìn thấy hình chụp cụ ông cụ bà tay nắm tay đứng sát nhau, hình trắng đen đã mờ nhiều, ố vàng nơi góc nhưng được lộng kính cẩn thận. Đối với cụ ông, hẳn đây là một kỷ niệm khó quên, đối với ông con, tất cả hình ảnh đều nằm êm ấm trong cái computer, không cần phải giữ bản gốc cho nên ông tính quăng thùng rác cho sạch nhà. Bà con dâu bảo tôi cả năm trời không được đụng đến bất cứ cái gì trong nhà này mặc dù di chúc có bảo nó thuộc về chồng bà. Nhưng đến khi chờ được giấy tờ chính thức là chủ của nó, được quyền mở cửa bước vào và muốn làm gì thì làm thì mướt mồ hôi. Mình cứ nghĩ có di chúc thì cứ thế mà nghiễm nhiên vào thu dọn đồ đạc trong nhà, không phải vậy đâu nhé. Đoạn trường được hưởng gia tài không phải dễ ăn, mất cả năm mới xong. Bà ta khuyên tôi nếu có để lại gì cho con thì vàng là tốt nhất, rồi đến tiền mặt, khỏi phải ra luật sư làm thủ tục giấy tờ rắc rối! Ông con tuồng như đã bị giấy tờ các loại hành cho mệt nhừ nên chỉ muốn bán tống mọi thứ cho nhẹ nợ.  Nhìn căn nhà mờ mờ tối, ông ta bảo nhìn vậy chứ cũng phải mất vài tuần nữa mới dọn sạch sẽ được, không ngờ bố tôi xả đồ nhiều đến thế! Cứ ngẫm mà xem, cụ ông sống ở căn nhà này ngót nghét năm mươi năm, bảo sao đồ đạc không nhiều? Bảo sao hình ảnh trên tường cái nọ treo lấn cái kia? Bảo sao quần áo chất trong tủ, mở cánh cửa thì đổ ập xuống đất thành một đống? Nhất là người già không thể vứt bỏ bất cứ thứ gì. Đại khái cụ ông có 2 cái tủ lạnh to đùng mặc dù đồ ăn thức uống của ông đã có người mang đến hàng ngày, ông có hai cái máy cắt cỏ mặc dù ông con đã thuê người đến cắt cỏ hàng tuần cho bố, trong garage xếp ngay ngắn khoảng 3 cái thang lớn nhỏ, bảo đảm ông không dám leo lên vì thang cũ, ọp ẹp, nhưng bỏ thì thương vương thì tội. Rồi thì bàn ủi khoảng 3, 4 cái xếp trong góc kho, ông làm gì với chừng đó cái thì trời mới biết. Riêng bàn ghế trong nhà đã được ông con lẳng lặng vác đi cho dần dần mỗi khi đến thăm bố nên bây giờ mới có lối mà vào. 

Mỗi khi tôi đi gặp những người già, hay đến nhà họ về, tinh thần tôi rớt bịch xuống tận chân. Như cái dạo làm hè ở một nursing home bên Bỉ vậy. Đi làm về không muốn ăn, muốn ngủ, nghĩ một mai kia Ba mình, Má mình rồi sẽ lẩn thẩn giống họ mất thôi. Tôi ước gì Ba Má mình chẳng bao giờ già! Tôi nghĩ đến những người ngồi suốt ngày bên khung cửa sổ, nhìn nắng rọi xuống hàng cây tiêu huyền chờ con đến thăm rồi dẫn ra phố đi dạo. Tất nhiên là con cháu bận không tới, chúng mải mê đâu đó không hề biết đến những đôi mắt mòn mỏi đợi chờ. Tôi thấy tội nghiệp nên sau giờ làm việc nán lại dẫn hai bà một lúc đi ra ngoài tản bộ. Các bà đồn nhau, ngày hôm sau hai bà khác túm tôi ngoài hành lang, bảo tôi có dẫn họ ra ngoài đi dạo được không, dù rằng chỉ mười lăm phút? Suốt một tháng trời làm hè, ngày nào tôi cũng dẫn hết người này đến người kia đi ra khỏi tòa nhà màu trắng sạch sẽ nhưng lạnh lùng, chỉ là đi đầu đường đến cuối đường cũng đủ cho họ hân hoan. Khi chia tay với họ, một bà bật khóc bảo bây giờ ai dẫn tôi ra ngoài đây? Bà giám đốc có ý trách tôi nuông chìu các ông các bà quá, bây giờ bà biết tìm đâu ra người dẫn họ ra ngoài. Tôi chia tay với nursing home thề không bao giờ làm nghề y tá chăm sóc người già!

Bây giờ tôi không nghĩ Ba hay Má có sẽ giống họ hay không nếu cả hai còn sống,  mà tôi nghĩ chính mình một ngày nào đó cũng giống họ!  Hiện tại tôi đang tỉnh táo, tự nhủ chắc mình phải sửa soạn từ bây giờ, rút gọn tất cả mọi thứ lại để mai sau lỡ có gì hai thằng con tôi không phải vừa bán đổ vừa cho không vừa cằn nhằn cả tía lẫn má nó sao khuân đồ khuân đạc về lắm thế! Vậy mới biết tại sao khi con khôn lớn ra ràng, bố mẹ bên này down size, nghĩa là dọn từ nhà lớn năm sáu phòng  xuống nhà nhỏ hơn còn khoảng ba phòng. Rồi từ nhà nhỏ hơn vào townhouse hai  phòng ngủ một phòng tắm, vẫn còn cái sân nhỏ vừa đủ cho ba chậu hoa. Sau đó từ townhouse vào appartment  một phòng ngủ  một phòng tắm với các đường ray gắn chung quanh đi vịn cho khỏi té ngã, và không sân khỏi cắt cỏ, bóng đèn hư có người đến sửa. Cuối cùng là một phòng trong nursing home, cả thế giới quây quần trong phạm vi một giường một tủ nhỏ đựng quần áo, kỷ niệm đồ đạc các loại được để lại đâu đó, có chăng vương lại một ít trong trí nhớ mù mờ của bệnh Dementia hay Alzheimer.

Tôi an ủi cả hai vợ chồng rằng cụ ông may mắn được chết trong nhà mình, không phải kết thúc cuộc đời trong một cái nursing home xa lạ, nơi ông sẽ lạc lối và tìm hoài không thấy hình bóng cụ bà ở đâu. Bà con dâu gật gù, đúng thế, thật ra mấy ai được chết trong chính căn nhà mình đã từng ở hơn nửa đời người?  

Tôi về nhà, nắng tháng chín vẫn còn oi ả trên lưng, trên mặt. Và tôi bắt đầu thu gom đồ đạc của mình lại. Khởi sự bằng các khung hình, gỡ ra xếp cất là vừa. Con cái chẳng màng tới hình với ảnh, thì mình cũng nên tập như chúng, không màng đến kỷ niệm nữa.

Lan Hương

Fort Worth 11/16/16

Tôi mới gặp ông con hôm qua, ông ấy kể chuyện đám thợ phần lớn là người Mễ Tây Cơ đến sửa sang căn nhà, lúc nào họ cũng có cảm giác có một người đàn bà đứng nhìn họ làm việc. Mà cứ quay ngoắt lại thì không thấy gì. Riêng bà địa ốc vừa chỉ cho đám thợ bức tường cần đập thì tự dưng lạnh toát sống lưng, phải vội vàng chạy ra ngoài đứng dưới nắng cho ấm áp. Ông con nhớ lại khi bố mình còn sống, ông cụ thỉnh thoảng kể chuyện rạng đêm về sáng thức giấc thấy bà vợ mình ngồi dưới chân giường. Ông cụ kể cho con nghe thì nó gạt phăng đi bảo ông tưởng tượng nhiều quá! Ngôi nhà đã được tu sửa, cửa sổ mở rộng, mái ngói được thay, sân trước sân sau san phẳng. Ông con được mời tới xem cứ ngỡ như mình đến nhà người lạ, không thấy tí dây mơ rễ má nào bảo mình đã từng đi qua cánh cửa này hơn bốn mươi năm trời. Và ông cảm thấy chưa bao giờ buồn đến thế.   


Tuesday, November 15, 2016

Chia rẽ


Nước Mỹ chưa bao giờ chia rẽ đến thế sau cuộc bầu cử 2016.

Chống Trump, theo Trump, chống Cộng Hòa, theo Dân Chủ…lộn xộn xà bần như một nồi cám heo! Dân chúng, đa phần là ở những tiểu bang Dân Chủ xuống đường biểu tình đốt cờ, đốt hình nộm, chống đối tân tổng thống. Bạo loạn xảy ra khi hai phe chống và không chống đập nhau. Đã một tuần rồi mà lòng người vẫn chưa được thuyết phục,từ  cả hai phía. Sinh viên bỏ học xuống đường, người không có công ăn việc làm xuống đường. Đúng thế, đi làm 8 tiếng như mình thì xuống đường vào lúc nào?

Nói đâu cho xa, ngay trong gia đình mình đây nè. Đứa con đứa cháu đã có những ý kiến trái chiều.

Thử xem nhé.

Từ con cháu mình ở Cali, nơi đảng Dân Chủ tung hoành từ thế hệ này sang đến thế hệ khác:

“To the so-called non-racist Trump supporters out there: I am a non-white, immigrant woman. I have Muslim and Black friends. Your chosen president has proudly said some disgusting and frightening things about us. People who do not look like you are being harassed and assaulted because your chosen president has emboldened them to do so. Minorities and immigrants now feel unsafe just walking down the street because you decided it was OK to trade their dignity and safety for campaign promises. And Trump and you, his supporters, are not the ones who are going to stand up for us. You may not be individually racist or sexist, but you are sure as hell OK championing someone who is. And that makes me want to both vomit and cry.”

“Only one of many indignities the orange scum's election has facilitated. Don't fucking tell me to sit down and "respect other people's opinions.”

“Don't tell me to respect other people's opinions that I don't matter as much as empty campaign promises if you're not ready to stand by my side with a rifle in hand.”

“Cho tất cả những người ủng hộ cho kẻ tự -xưng-là-chống-kỳ-thị-chủng-tộc Trump ở ngoài kia: tôi không phải dân da trắng, mà là một người đàn bà nhập cư. Tôi có bạn bè là người Hồi Giáo, người da đen. Vị tổng thống được lựa chọn do các người đã nói những điều kinh tởm và khủng khiếp về chúng tôi. Những kẻ khác không giống các người đã bị hà hiếp, chửi rủa bởi vì vị tổng thống mà các người đã chọn lựa đã khuyến khích họ thực hiện điều đó. Dân thiểu số và dân nhập cư bây giờ cảm thấy bất ổn khi đi ngoài đường bởi vì sự quyết định của các người đã đồng ý để trao đổi sự tự trọng và an toàn cho những lời hứa lúc tranh cử. Và Trump và các người, những kẻ ủng hộ ông ta không phải là những người đại diện cho chúng tôi. Các người có thể không phải là từng cá nhân đơn lẻ kỳ thị chủng tộc hay phân biệt giới tính, nhưng các người thật sự cá mè một lứa với những kẻ như thế. Và điều đó làm tôi vừa muốn mửa vừa muốn khóc.”

“Chỉ có một điều trong đám đê tiện cặn bã của bầu cử được tạo điều kiện. Đ.M! Đừng có mà nói với tôi ngồi yên một chỗ và tôn trọng ý kiến của người khác.”

“Đừng có nói với tôi rằng phải tôn trọng ý kiến của người khác, cái ý kiến mà tôi không thèm đoái hoài tới cũng như những luận điệu đưa ra trong cuộc tranh cử này nếu các người không sẵn sàng đứng về phía tôi với một khẩu súng trong tay.”

Và từ thằng con mình ở Texas, nơi đảng Cộng Hòa cầm cờ suốt bao nhiêu năm, không để cho Dân Chủ lấn sân:

“To all of you that are saying that you want to move to Japan, Germany, South Korea, or anywhere else, realize that many of these countries have stricter immigration policies than President Trump is proposing. Many of these countries also have worse views towards minorities and the LGBT community. The grass always looks greener on the other side. (Also the SK president has a 5% approval rating and her top adviser is a cult shaman).

Also don't shame people for who they voted for whether it was for Trump, Hilary, or a third-party. We all come from different backgrounds and different candidates have different policies that resonate with us differently. Trump winning wasn't exclusively because of racism. The same (small minority) of racists that voted for Trump had the same opportunity to vote against Obama and Obama still won twice. The nation voted against Hilary Clinton.

Even if you are unhappy with the result of the election, now is a time for our nation to come together, not become even more divided. Trump is not the scary typical old fashioned Republican everyone is afraid of - he has been a Democrat most of his life and has supported many liberal policies. Trump may not be the ideal person for the position (and he surely isn't who I wanted) but we the people have voted so let's go forward with (cautious) optimism.”Even if you are unhappy with the result of the election, now is a time for our nation to come together, not become even more divided. Trump is not the scary typical old fashioned Republican everyone is afraid of - he has been a Democrat most of his life and has supported many liberal policies. Trump may not be the ideal person for the position (and he surely isn't who I wanted) but we the people have voted so let's go forward with (cautious) optimism.

 

“Cho tất cả các bạn đã tuyên bố rằng các bạn sẽ dọn nhà đến ở Nhật, Đức, Nam Hàn, hoặc bất kỳ nơi nào, sự thật là rất nhiều các quốc gia trong số đó đang có luật di trú hà khắc hơn là luật di trú mà tổng thống Trump đề ra. Rất nhiều quốc gia cũng có những điều khá tồi tệ về vấn đề người thiểu số hay cộng đồng người đồng tính. Cỏ khi nào cũng xanh hơn ở phía bên kia (đứng núi này trông núi nọ). (Đồng thời tổng thống Nam Hàn chỉ có 5% được chấp thuận và người cố vấn thân cận nhất của bà là tín đồ của giáo phái Shaman).

Và cũng đừng làm mọi người xấu hổ vì kẻ mà họ đã lựa chọn để bầu, dù cho rằng đó là Trump, Hilary hay third-party. Chúng ta đều đến từ những nguồn gốc khác nhau và những ứng viên khác nhau có những điều lệ khác nhau tác động đến chúng ta không ai giống ai. Trump chiến thắng không phải do chỉ do vấn đề kỳ thị. những kẻ kỳ thị (phần nhỏ thiểu số) đã bầu cho Trump cũng có cùng cơ hội để chống lại Obama và Obama đã đắc cử hai lần. Cả đất nước này đã bầu để chống lại Hilary Clinton.

Ngay cả nếu bạn không bằng lòng với kết quả của cuộc bầu cử, bây giờ là lúc chúng ta cần đoàn kết, không phải để chia rẽ sâu sắc hơn. Trump không đến nỗi là một kẻ bảo thủ Cộng hòa ghê gớm mà mọi người lo sợ - ông ta đã từng theo đảng Dân chủ gần suốt cuộc đời ông ta và đã từng ủng hộ cho những điều tự do dân chủ. Trump có thể không phải là người lý tưởng cho vị trí này (và ông ta chắc chắn không phải là người mà tôi mong muốn) nhưng chúng ta đã đi bỏ phiếu, vậy thì hãy tiến về phía trước với một niềm lạc quan và cẩn trọng.”

Thế nhé, để xem trận chiến của thế hệ millennial – những đứa đang độ tuổi 20 – 30 bây giờ - đi về đâu.

Riêng mình thì ai thắng ai thua đã ngã ngũ, mình vác máy hình đi chụp bướm. Chớm thu bướm bay về đầy vườn sau khi đã xơi gần sạch đám rau thơm nhà mình.

Lan Hương

(Fort Worth 11/15/16)

 

Wednesday, November 9, 2016

Mặt trời vẫn mọc


Mưa dai dẳng suốt mấy ngày nay. Bắt đầu là một ngày thứ bảy ủ ê, mây xám kéo đến ngập chân trời và khoảng mười giờ sáng bầu trời rịn nước ra. Mưa không to nhưng lê thê, ẩm ướt và triền miên. Giống Dalat vào những mùa mưa bão. Chiều hôm qua đi làm về trong cơn mưa phùn mù mịt, tôi quyết định ghé qua phòng phiếu đi bầu, làm tròn bổn phận công dân. Của đáng tội tennis game đã bị bãi bỏ, cái park gần nhà nước bì bõm, không dẫn chó đi bộ được, thế nên vào phòng phiếu xem có gì.

Đứng trước tờ phiếu ghi tên Trump và Clinton, tôi có thoáng lưỡng lự mặc dù từ lâu tôi đã có những lựa chọn của mình. Thật tình mà nói, tôi không muốn khoanh vòng cho bất kỳ cái tên nào, theo tôi họ chẳng xứng đáng. Chẳng lẽ  bỏ trống thôi đành quẹt tên Clinton, nhưng tôi cố cứu quốc hội bằng cách bầu cho các ông các bà nghị sĩ phe Cộng Hòa. Tiện tay đang cầm bút khoắng một cái chống luôn vụ cho phép bán rượu tự do ở địa phương dù rằng tiền thưởng hàng năm của mình là từ bia rượu mà ra. Tôi vốn ghét kẻ say xỉn lái xe tông chết người vô tội vạ, hay ma men về nhà đánh đập vợ con nhừ đòn. Tôi ghét kẻ vô trách nhiệm có đồng nào đem cúng hết cho bia với rượu rồi ra rả chửi xã hội bất công.

Về nhà trời vẫn mưa u sầu ảm đạm. Hai con chó ai oán nhìn tôi, tôi buồn rầu nhìn chúng ai oán không kém. Một ngày không ra ngoài đi bộ như bị tra tấn cả chủ lẫn chó. Đâm ra rảnh rang đi bật tivi xem tình hình bầu cử. Lác đác những phòng phiếu ở các tiểu bang bên bờ Đông đóng cửa, cuộc đua đếm phiếu bắt đầu. Đến tầm 8 giờ tối, không khí sôi động hẳn. Tivi hai màu đỏ xanh thay phiên nhau xuất hiện, các phiếu bầu đổ về, các con số nhảy nhót vui mắt. Tôi vừa đánh vật với mẫu đan mới, vừa xem phe Trump hò la vang trời mỗi khi ông ấy thắng được một tiểu bang, phía bên kia phe Clinton hình như đã chững lại, những khuôn mặt lo âu xuất hiện và bớt hẳn những lời nói chắc như bắp. Các bình luận viên trên tivi cũng toát mồ hôi, vì chẳng có gì giống như dự đoán.

Từ khi Trump và Clinton bắt đầu đăng đàn tranh luận, cả nước Mỹ tiên đoán Clinton sẽ thắng, vì dù sao bà ấy cũng có học hơn, đã làm đến chức bộ trưởng bộ ngoại giao, đi ra đi vào White House như đi chợ, và ngón đòn chính trị là cơm sườn của bà. Ngược lại Trump chỉ là một tay kinh doanh địa ốc của New York, trình độ học vấn, chính trị có phần thua kém, và cách ăn nói bỗ bã của ông khiến không ít người phật lòng và ghét ông ra mặt. Ngay cả những người cùng phe Cộng Hòa với ông cũng thế. Hết người này đến người kia tuyên bố không bầu cho ông. Buổi tranh luận đầu tiên thiên hạ phê bình Clinton như một luật sư lão luyện chơi chữ, chơi luật đâu vào đó trong khi Trump giống một kẻ cố bán món hàng của mình bằng mọi thủ đoạn. Nếu để chường mặt ra với thế giới, khuôn mặt và trình độ của Clinton sáng láng hơn nhiều. Nhưng để đối đầu với các vấn đề thiết thực của nước Mỹ, Trump có phần sát với đại đa số dân chúng ở đây, những người đã quá chán ghét giới chính trị gia ở Washington, đám kền kền chỉ nói không làm, xảo quyệt, điêu toa.

Đến khoảng mười một giờ, phe Clinton bắt đầu căng thẳng, dăm kẻ sụt sùi nước mắt vì màu đỏ tăng lên trong khi màu xanh đứng khựng lại, không nhúc nhích. Tôi nhìn hai văn phòng hai phe, bên Clinton vừa đàn bà vừa đàn ông, bên Trump phần lớn là đàn ông, đàn bà không thấy đâu. Clinton mặt mày điềm tĩnh ngồi chờ kết quả, Trump vênh mặt xấc láo mỗi khi thắng một tiểu bang. Đến khi các tiểu bang thuộc loại lưng chừng ngả theo Trump, tôi thấy Clinton chẳng còn bao nhiêu hy vọng và tự hỏi bà đi vận động kiểu gì mà để cho mấy tiểu bang này bỏ phiếu cho một thằng cha ăn nói vô tội vạ, ỷ có tiền muốn làm gì thì làm, chưa kể tai tiếng, tội lỗi đầy đầu.

Thế rồi Trump chiến thắng vẻ vang đi vào Nhà Trắng, trở thành tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ trước sự ngỡ ngàng chưng hửng của cả thế giới, và ngay cả của dân Mỹ. Tôi nghe tin không lấy làm ngạc nhiên. Clinton luôn luôn dẫn đầu, để một khoảng cách khá xa với Trump, nhưng vài ngày trước khi đi bầu, FBI lại lôi vụ email ra làm cử tri hoang mang không biết có nên chọn một người mà tính chân thật đang được đặt dấu hỏi to đùng. Trong khi đó Trump đã dịu giọng xuống rất nhiều, nguyên dàn vận động bầu cử của ông đã làm việc suốt ngày đêm, ngăn không cho ông phát biểu lung tung, ngay cả Twitter account của ông cũng  bị tước mất. Suốt hơn một năm trời, Clinton khi nào cũng ở thế trên trong khi Trump vất vả giành từng chút sự ủng hộ đây kia. Clinton có cả một đội ngũ ủng hộ toàn tai to mặt lớn, kể cả các ngôi sao điện ảnh. Hậu thuẫn của Trump yếu hơn rất nhiều. Ông đành hướng về đại đa số dân Mỹ không có trình độ đại học, đang sốt vó vì công ăn việc làm bị mang ra nước ngoài, nguy cơ thất nghiệp tăng chóng mặt. Clinton để lấy lòng cử tri thiểu số, tuyên bố sẽ nhận cả triệu di dân, trong khi Trump đòi xây bức tường ngăn cách với Mexico. Dân chúng biết thừa chả có bức tường nào dựng lên được nhưng nguy cơ cả triệu di dân vào đất Mỹ, ngoài chuyện cạnh tranh công ăn việc làm, mầm mống khủng bố đi theo, nổ bom đây kia chết oan không ai muốn.  Clinton thua là thế, bà đã không nghe đại đa số những người thầm lặng đó muốn gì. Họ không cần biết Trump sỗ sàng như thế nào với phụ nữ, họ không xem cách ông nói như tát vào mặt người khác làm điều. Đối với họ, nồi cơm quan trọng hơn rất nhiều so với mấy cái chuyện lẻ tẻ cá nhân đó. Clinton mang gánh nặng   đường lối 8 năm trời của Obama, cái chủ trương làm cả nước Mỹ trì trệ, dở dở ương ương, ngày càng nhu nhược và yếu thế trên mọi mặt. Vì thế nên nhiều người không thích Trump, nhưng nghĩ phải sống thêm bốn năm nữa với Dân Chủ thì họ chào thua.  Hơn nữa, Clinton là phụ nữ. Mỹ hô hoán bình đẳng nhưng thực ra lắm kẻ không bầu cho Clinton chỉ vì bà mặc váy. Còn lâu, rất lâu nước Mỹ mới có nữ tổng thống. Hôm nay khi Clinton đọc diễn văn chấp nhận thua, bà đã nói các bé gái, đừng bao giờ bỏ cuộc…

Dân Mỹ thích thay đổi. Tám năm trước họ đã chọn Obama, tổng thống da đen đầu tiên. Bây giờ là Trump, người vốn hoàn toàn xa lạ với chính trường, sắp vào Nhà Trắng đến nơi mà  vẫn chưa đưa ra được bất cứ đường lối phương sách nào gọi là cho rõ ràng. Dù sao chăng nữa, ông đã làm được những điều mà mọi người nghĩ rằng còn xơi ông mới làm được. Kể từ ngay buổi đầu tiên khi ông ứng cử, nhiều người cười bảo có thêm thằng hề cho vui rồi họ vui vẻ theo dõi tên hề đó. Đến tận bây giờ. Sau một chiến thắng bất ngờ, lật ngược tình thế ngoạn mục nhất trong lịch sử nước Mỹ, ông đã đánh bại một Clinton kỳ cựu được coi là cầm chắc cái thắng trong tay.   

Dù có bi quan hay lạc quan, Trump sẽ là tổng thống Mỹ trong bốn năm tới. Dân chúng sau khi ngỡ ngàng, thất vọng bây giờ lại vui vẻ xem nước Mỹ đi về đâu. Hy vọng rằng sau bài diễn văn chiến thắng tối hôm qua, cái bài mà trong suốt cuộc đua của Trump và Clinton, tôi thấy được nhất, mọi người sẽ quên ông chỉ là tên trọc phú, lấy tiền đè đầu thiên hạ, sẽ làm được cái gì cụ thể cho dân chúng. Riêng tôi cầu nguyện cho dàn cố vấn của ông. Tổng thống tự mình sẽ chẳng làm được gì, nguyên bộ sậu cố vấn sẽ lèo lái quốc gia đàng sau lưng ngài.

Và tôi chờ xem khi nào ông ấy xây bức tường suốt chiều dài biên giới Mỹ và Mexico, một chủ trương của ông khiến khối kẻ lăn ra cười vỡ bụng và tổng thống Mexico hậm hực tuyên bố mắc mớ gì Mexico phải bỏ tiền ra xây?

Dù cho bất cứ điều gì đã xảy ra, ngày mai mặt trời vẫn mọc, Obama đã nói thế để trấn an dân chúng đang hoang mang trước kết quả kỳ tuyển cử năm 2016.

Lan Hương

(Fort Worth 11/09/2016)


Monday, November 7, 2016

Vai Ông vai Bà

Thả những bó hoa xuống biển , nhìn những con sóng vỗ về bờ đá đợi thủy triều dâng lên kéo hoa ra xa , thấy lòng se lại , không hẳn chỉ là thấm thía về sự mất mát đã có , mà đặt câu hỏi về chuyện mình làm , sao chẳng lôi kéo được những đứa cháu , vốn là niềm vui của Ông Bà xưa kia đi theo mình , gửi chút tình cảm nhớ nhung vào những bông hoa đang giạt trôi đến một bến bờ nào đó.

Số người cùng nhau ra biển ngày lế Các Thánh ngày càng ít dần , dám mai kia sẽ biến thành hình ảnh bài thơ "Ông đồ già " của Vũ đình Liên , một thứ đồ cổ , không thích hợp với những đầu óc thực tế , thiếu mong ngóng về cội nguồn của thế hệ mới . Ngày nghỉ , chúng thích quấn chăn nằm ngủ nướng , hoặc tung cánh giang hồ đi rõ xa , hoặc lu bu trong một sinh hoạt nào đó hơn là phí tiền mua hoa , rồi lại đi cả quãng đường hơn 300km đi về , để quăng hoa xuống biển , phí phạm đến muốn xỉu đi được !
Biển phương Bắc thì không có gì hấp dẫn cho chúng với bầu trời màu chì , gió quật rát cả mặt , nước biển xám xịt , cảnh trí thì chả gợi đến chuyện tung cánh giang hồ mà còn ủ ê thêm với tiếng chim hải âu.
Vẫn chỉ còn một đám chị em , tóc đã điểm bạc , ra đây hàng năm làm một chuyện như đi tảo mộ , và một vài đứa cháu còn phải bám theo bố mẹ vì không có sinh hoạt nào đặc biệt cho ngày nghỉ đó.
  Tôi nghĩ đến câu : "Rày chúng tôi , mai các người " . Đâu còn xa nữa , tuổi đời hơn 60 . Sẽ có một ngày có người đem hoa ra biển thả cho tôi .Chắc phải thỏa thuận giữa đám chị em tóc điểm màu , để có vòng hoa vây quanh , và tiền mua hoa được vất đi , cứ như không về đâu , nhưng chuyên chở theo bao nhiêu là kỷ niệm và những lời nhắn nhủ không cần nói nên lời.
Chớ có trông cậy gì vào lũ con và cháu , đã là suy nghĩ tôi đang gióng lên trong mình.
Cũng có căn cơ để nói vậy đấy , chứ chả phải những suy nghĩ trong lúc giận hờn.
Nhớ đến Ông và Bà hồi xưa , khi chúng tôi lập gia đình , sao thấy khác hẳn bây giờ . Ngày tôi cưu mang Tố Chi , Ông lẳng lặng đem một cái nôi đan bằng mây nằm đâu đó trên nóc mái nhà , phủi bụi và rửa ráy sạch sẽ , đăt êm ấm một góc trong phòng khách , chờ đứa cháu ra đời . Những ngày Hamdi còn nhỏ , nhà vang tiếng cười nói vì Ông Bà có thêm nhiều bận rộn mới với đứa cháu hiếu động.


Rồi Du và Long , góp mặt trong đại gia đình trong khoảng cách không xa nhau mấy . Du tính tình khó , bám chặt lấy Bố Mẹ , Bà lãnh Long về phòng mình , quấn chặt khăn ủ ấm Long trên giường lúc nào cũng có một khoảng nắng buổi sáng chiếu thành ô vuông . Cháu ngủ say sưa cạnh con mèo già gù gù sưởi nắng không xa.
Vợ chồng tôi bước đầu sự nghiệp buôn bán , nộp thêm Tố Chi những sáng tinh mơ cho Bà , yên tâm bên nồi mì quảng lúc đầu , rồi bún bò sau đó , biết rằng con mình , sau Bà , còn có người em dâu lãnh trông dùm cho đến trưa . Lúc ấy , tôi thấy như đương nhiên , đại gia đình giúp chúng tôi một tay , không nghĩ mình đang lợi dụng ai , đến giờ vẫn tự đặt lại vấn đề , có phải đó là đầu mối xung khắc giữa tôi và thàng em kế ?
Chúng tôi ra ở riêng , mỗi lần Tố Chi được đón ở nhà trẻ của Bà Sơ về , đứng chơi lang thang trước cửa hàng bán sách của Ông , vẫn được Ông dúi vào tay nó một viên kẹo , dù Ông không bồng bế nó nhiều bằng Hamdi, chắc tại vì hồi nhỏ nó hay khóc nhè , khóc quá đến độ bị đăt tên là Lệ Chi !
Qua đến đây , nộp thêm một số cháu mới . Có lúc Bà phải coi một lúc ba đứa Kim Liên , Nam Trân và Tố An , sinh cùng năm , nhốt chung một cũi trong căn nhà ở Halle , đâu phải là không vất vả cho Bà . Và trong những điếu văn của những đứa cháu được sống gần Ông bà , chúng vẫn nhắc nhở đến những lần Ông đón đưa đến trường , những hạnh phúc Ông Bà được có thêm thắt vào tuổi xế chiều.
Con cái mua nhà riêng , bán kính căn nhà được chọn , không cách xa nhà Ông Bà đến hơn 10km , cũng nằm trong ý đồ nhờ vả Ông Bà khi có con cái . Sự góp mặt của Thiên Ân , của Tâm , không thoát khỏi bàn tay Bà . Và cả những đứa cháu ở rất xa , bên Mỹ , Bà cũng đến tận nơi.
Những công lao to lớn đó , mọi người tri ân , nhưng có lúc nào đó tự vấn lại lương tâm mình , mới thấy đã bao lần làm Ông và Bà , nhất là Bà , thấy tủi thân vì một lời nói vô tình , cứ như hất hết mọi chuyện xuống sông xuống biển.
Tôi nhớ mãi lần đến nhà Ông Bà một buổi tối mùa hè , sau lúc bán hàng một mình vì Ông Lộc dẫn Tố Chi sang Mỹ , đập cửa mãi không ai mở , mà tôi thì đang mệt đứ đừ, hết váng cả đường phố rất lâu , Bà mới lò mò ra mở cửa , tôi giận quá vô cắp Tố An ra về, ghi mãi trong lòng câu Bà nói với theo : "Mày biết Tao thương Tố An nên mới làm như vậy , Tao không tha thứ đâu ".
Lúc đó tôi nghĩ là tôi đúng , vì thương thân mình trần ai với căn hàng , vất vả đến mụ mị cả người đi , chứ đâu phải tiền trên trời rơi xuống . Thức trắng cả một đêm , mới thấy mình nóng giận vô cớ , nhưng Bà thì không tha , từ chối giữ Tố An một thời gian rất lâu.
Thời gian qua đi , đến giờ đến phiên tôi lên chức Ông Bà với hai đứa con của Tố Chi. Tôi sắp xếp lại cuộc sống của mình , nghĩ rằng đó là một biến cố sẽ làm thay đổi hết.

Hai đứa sinh đôi , tôi thấy đương nhiên phải giúp một tay , nên sai lầm không hỏi ý kiến của chúng , mà thấy đương nhiên phải đến nhà chúng giúp đỡ . Những tháng đầu vất vả, vì lâu quá , chả còn nhớ quấn tã và cho uống sữa như thế nào . Hai đứa bị quấn chặt như hai con sâu kèn , nằm chung trong một cũi , vì lý luận của Bố Mẹ chúng , là sinh đôi phải sát cánh cùng nhau! Ba giờ uống sữa một lần , uống xong , không biết ngày và đêm nên không chịu ngủ , đếm không hết nhũng lần tôi đứng bên khung cửa sổ nhà chúng nhìn bình minh rạng sáng qua hàng cây mà mắt cháu vẫn mở đen nhánh !
Tôi còn gian hàng ăn để làm việc May gặp những người giúp việc trung thành , giúp tôi một tay giữ cho gian hàng sinh hoạt bình thường Tôi trở về làm việc , ngủ vờ ngủ vật , nhưng thấy lâng lâng hạnh phúc trong cái vất vả của minh , đâu biết có một cuộc tranh luận nổ ra giữa vợ chồng nó vì tôi có thói quen ngủ không kéo màn tối thui , vả lại cháu khóc thì biết mò mẫm ở đâu để bật đèn lên . Thằng chồng kết luận , vì tôi mà con chúng nó sẽ có thói quen không chịu ngủ trong bóng đêm , con vợ đúng giữa hai bên , một ngày kia yêu cầu tôi kéo màn lại , và giàn hòa bằng cách đồng ý để cho một cái đèn đêm nhỏ xíu kín đáo trong góc phòng.
Êm ái cả lúc cả nhà kéo nhau đi nghỉ hè chung . Ông anh tôi phản đối , bảo là chúng nó không có quyền kéo bố mẹ đi theo để coi con , tôi thì thấy không có gì phiền hà , tôi cũng sẽ sắp xếp chương trình riêng của mình , và không thấy ý nghĩ đó có gì nặng nề cho mình . Giúp chúng nó một tay , như Ba Má xưa kia , có gì phải ầm ĩ.
Những tấm hình tràn đầy hạnh phúc . Thằng con rể ngồi bảnh chọe ở ghế như tây thực dân , gia đình không cao lớn của tôi vây quanh , thấy cũng OK , vì nếu nó mà đứng lên , thì người chụp hình khó có một tấm ảnh équilibre !
Những ngày nghỉ hè rất vui , người nào làm việc đó , có lúc chúng nó coi con cho chúng tôi đi theo ý thích của mình.
Ngày rời đến chỗ ở mới nơi nghỉ hè, trùng ngày vợ chồng chúng nó đăng ký đi thuyền cả ngày . Hai vợ chồng tôi sắp xếp thu vén hết hành lý , cõng theo hai cháu lên dường đến căn nhà mới trong một cái xe không có GPS . May mà cái đảo không to lắm , đường xá chỉ dẫn rõ ràng , nên sau khi vượt qua những cái dốc đứng đến ngửa cả mặt , chúng tôi tìm ra căn nhà nhờ vào sự chỉ dẫn của người cho thuê là nhà có 3 cây dừa !Chiến đấu với muỗi để đặt hai cháu vô mùng , xoay sở bữa ăn trưa cho mọi người , xong đến chiều lại cõng cháu quay trở về chốn cũ tìm Bố Mẹ chúng . Xong xuôi hết , trên đường về , một cháu khóc nganh , phải ghé vào parking siêu thị gần đó để pha sữa , con tôi nạt tôi là cho lượng sữa sai , tôi ngớ ra , vì lượng sữa là do vợ chồng chúng nó đong , thằng chồng phang thêm một câu:
  "Hèn gì tụi nó bị bón từ hôm qua ".
Tôi nghẹn họng không nói được lời nào , nhảy xuống xe ra đứng ở ven đường , chỉ mong có cách nào trở về nhà mình ngay lúc này . Bầu trời chi chít sao và nắng ấm của hòn đảo vung Caraibe không xoa dịu được nỗi giận dữ của tôi , cứ như những gì tôi làm cho chúng , không có giá trị gì hơn việc làm của một đứa người ở.
Còn nhiều lần va chạm nữa , tôi hiểu ra rằng phải giết chết trong mình cái suy nghĩ đi nghỉ hè chung với nhau . Những hình ảnh dẫn hai cháu trượt luge trên những triền đồi phủ tuyết trắng cho lần đi trượt ski chung , những hình ảnh trông hai cháu nghịch cát trên bãi biển , sẽ là những ước mơ mà tôi không còn muốn thực hiện nữa.
Bé Loan có bộ tóc thẳng như người Á châu , tóc đằng trước không vén được qua một bên , bắt đầu phủ dài chấm mắt , tôi nhắc mẹ nó phải cắt bớt đi , nhiều lần không thấy phản ứng gì . Ngày kia cháu tớn mắt nhìn Bà xuyên qua những ngọn tóc , thế là tôi cầm kéo hớt đi đúng hai lọn , cháu được mở cửa sổ hài lòng hẳn.
Tối về Bố Mẹ chúng làm như bị chạm điện:
  "Tại sao Mẹ lại cắt tóc cho nó ? Nó đang giống hệt con trai , mai mốt con phải dẫn nó ra tiệm hớt tóc sửa lại."
Lại nghẹn họng , chỉ có hai lọn tóc tơ , có phải tôi xén hết cả bộ tóc của nó đâu cơ chứ . Nghĩ là chuyện chỉ thế thôi , nhưng thằng chồng nhắc lại thêm một lần , và con vợ nhắc lại thêm một lần:
  "Con không muốn mẹ cắt tóc cho tụi nó."
Chồng tôi giận tràn hông , nói phải lôi hai đứa ra làm việc , tóc sẽ mọc lại , và bà ngoại có làm chỉ là vì cho tóc khỏi chấm mắt , có phải là cái gì ghê gớm lắm đâu.
Bữa tối hai đứa đến nhà , bỗng dưng chúng tôi không mở được miệng ra nói lời nào . Nhớ đến những gì mình đã qua với Bố Mẹ mình hồi nhỏ , nhớ đến nhũng gì con cái mình nhận được từ ông bà của chúng nó , mới thấy khoảng cách về suy nghĩ của hai thế hệ đang đẩy chúng tôi về vị trí đứng của mình trong suy nghĩ mới của tụi nó , là không được dành quyền trên con cái của chúng . Quyền gì nhỉ ? Tình cảm của ông bà đâu giống tình cảm của bố mẹ chúng . Nên đứa cháu đang bập bẹ học nói , phát âm rành rẽ chữ "Bà " đã được tôi huấn luyện để đọc ra thành "Ba ba " cho khỏi dậy sóng ba đào !
Chỉ thấy mình như thứ đồ cổ , tri ân đến Ba Má của mình để sẵn sàng làm chuyện không thực tế là đem hoa vất ra biển khơi , còn thì không thấy buồn lòng trong vai trò Ông với Bà đang bị sắp xếp lại . Chấp nhận như thế trong một xã hội mới với những giá trị tình cảm được đánh giá theo kiểu khác , còn thấy mừng vì mình sẽ đi tiếp con đường của mình mà không phải áy náy là cần cưu mang giúp đỡ ai , muốn vậy sẽ được vậy , xã hội chính gốc ở Việt Nam cũng đang như một mớ hổ lốn . Nhớ đến quyển sách đọc ở đâu đó về xã hội thượng lưu xưa của Hà Nội vẫn lén lút gặp mặt nhau trong những bữa ăn bí mật , để các Bà còn được mặc áo dài nhung , đeo kiềng cổ , và các ông được dịp khoe ra những cử chỉ lịch thiệp hào hoa giữa một xã hội cộng sản đen lườm và càng thô lỗ càng gần với quần chúng !
Chúng tôi cũng sẽ như thế , những chị em tóc đã điểm bạc , cứ quay đầu tìm về quá khứ vàng son mà không gây được chút ảnh hưởng nào trên con cái về những giá trị vĩnh cửu.
Mai đây tôi qua đời , con tôi có đọc những dòng này , thì còn phải tìm ra được người cùng thế hệ chúng biết dịch từ tiếng Việt ra tiếng Pháp.
Bỗng dưng muốn nở một nụ cười , cay đắng , mỉa mai ? không biết , nhưng vẵn cứ nên cười hơn là khóc , đúng không?

Hương Quỳ
Bruxelles 01/06/2016





Tuesday, November 1, 2016

Chốn thiên thần hạ cánh


Khi boss bảo mình khăn gói đi Las Vegas cho buổi hội thảo PHP, ngôn ngữ dùng để lập ra các trang website, một món không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của con người thế kỷ 21, mình như mở cờ trong bụng. Ngoại trừ chuyện cả một khối lượng thông tin to đùng sẽ đổ xuống đầu mình trong lãnh vực chuyên môn, mình hồi hộp chẳng phải vì các sòng bài đèn sáng lấp lánh thâu đêm, các con bạc say máu ngà sát phạt nhau, chẳng phải vì con đường nổi tiếng The Trip lừng lững giữa sa mạc, hai bên là các đại Casino đèn neon nhấp nháy, màn ảnh lớn nhỏ chói lòa, người tấp nập từ sáng, đông nghịt buổi tối, đến nửa đêm là cao trào.

Mình hân hoan vì Zion National State Park – nơi chốn thiên than hạ cánh.
Sau khi mua vé, đặt khách sạn, lại còn phải đúng cái khách sạn nơi buổi hội thảo được tổ chức chứ không phải muốn ở đâu thì ở, mình lên ngay Google, đi tìm xem chung quanh Las Vegas còn có những cái gì, ngoại trừ cái Tour Eiffel giả của khách sạn Paris, hồ nước vĩ đại của Bellagio, Ceasar Palace với những cột chống nhại kiểu kiến trúc La Mã, building cao ngất nhại theo kiểu Manhattan của New York, hay thậm chí lâu đài thời trung cổ của Excalibur. Mình biết Grand Canyon ở rất gần, nhưng đã đi rồi và một ngày tới Grand Canyon thì sẽ chẳng thấy được gì nhiều ngoại trừ chen lấn với du khách Tàu. Từng đoàn đầu đen xí xà xí xồ tay cầm điện thoại selfi cả với cái cột điện, đang đổ bộ vào Las Vegas, dễ đến hàng ngàn người chứ không chơi. Hơn nữa mình đã xuống tận đáy của Grand Canyon năm 2013 rồi còn gì. Màu nước xanh đặc biệt của Havaisupai vẫn còn trong tâm tưởng. Hoover Dam cũng đã có mặt, chui trong lòng con đập, phục sát đất các ông kỹ sư không có máy tính, laptop hay cell phone gì cả mà xây được cả một kỳ quan vững vàng cùng năm tháng. Thành phố Las Vegas gần như nằm giữa cảnh đất đá khô cằn của tiểu bang Nevada, nơi một bóng cây xanh mướt là điều hiếm thấy, ngoại trừ ở các khách sạn nó được tưới tắm hàng ngày bằng tiền của các con bạc. Từ trong khách sạn mình ở, nhìn qua cửa kính thấy rặng núi xa xa, lấy máy hình zoom lại gần xem chơi thì tuyền là núi trọc, bụi cây cao nhất chắc chỉ quá đầu gối mình một tí, mà lại còn lốm đốm như mọc ghẻ, khô cằn, khắc nghiệt và hung dữ, nhìn không có hứng thú chinh phục đỉnh núi dưới bầu trời xanh nóng gắt của khí hậu sa mạc.

Mình bắt đầu hơi chán. Ở Las Vegas cả tuần mà mình lại không có máu đỏ đen, sòng bài nằm sát rạt các lớp hội thảo mình còn không thèm bén mảng tới, thế thì làm gì cho hết cái weekend đây? Trên nguyên tắc đến thứ sáu mình xong thì phải khăn gói về lại Texas, nhưng tiền vé máy bay hãng trả nên mình quyết định ở thêm hai ngày thứ bảy và chủ nhật gọi là xả hơi. Đùng một cái, một mẩu quảng cáo xuất hiện khi mình đang lục lọi trong Trip Advisor. Vài hàng quảng cáo đi tour ở Zion National State Park, sáng đi chiều về, khởi hành từ Las Vegas, xe bus đến tận khách sạn đón đưa, cho ăn luôn bữa trưa luôn.

Nếu xe bus đi trong một ngày, thì chắc chắn tự lái xe đi sẽ nhanh hơn. Mình nhảy phắt lên Google bắt đầu moi móc thông tin, từ lúc mướn xe, mướn ở đâu, trả xe ở đâu, rồi quãng đường từ Las Vegas đến Zion bao xa. Đến được Zion chắc chắn mình không lảng vảng dưới chân núi ngước mắt nhìn trời chĩa máy hình chụp đỉnh núi, mà phải đi tìm các con đường đi bộ. Không ở lại đêm được, mình đã lục tung các khu cắm trại lớn bé chung quanh đó, các hotel đủ kiểu chung quanh đó, chẳng có lấy một đêm một phòng nào trống, thành thử đành tự lập chương trình đi bộ trong một ngày. Do đó phải vào đọc đủ loại websites xem một ngày thì nên đi con đường nào, bỏ con đường nào, đi từ đâu, dài mấy cây số, vân vân. Ơn trời bây giờ có internet, có đủ loại websites với blogs cho nên tất cả mọi thứ trở nên dễ dàng. Cứ tưởng tượng chỉ cầm mỗi cái bản đồ mò tới nơi rồi đứng gãi đầu không biết đi đường nào trước đường nào sau thì tốn thêm cả đống thời giờ nữa. Thế mới thấy dù muốn hay không muốn, mình vẫn phải lệ thuộc vào những kỹ thuật tân tiến của thời đại. Cho dù trong buổi hội thảo có nói về 20 năm sau, khi mà hệ thống tin học bao phủ toàn bộ đời sống con người, chẳng hạn như chỉ cần gõ vài chữ trên bàn phím rằng một tuần sau sẽ đi hiking,  thì ngay tắp lự  giày đi bộ được tự động mua, tự động gởi tới, xỏ vào chân vừa như in, system cẩn thận gởi luôn nguyên cái list để đóng đồ lề. Nếu đi ở khách sạn thì khách sạn sẽ được đặt phòng trước, nếu đi nằm lều thì campsite sẽ được xí chỗ sẵn. Cả một nền công nghệ thông tin quyết chí biến thành “Aladin cây đèn thần” hô có là sẽ có ngay. Riêng mình cảm thấy càng ngày con người càng giống robot. Nhưng thôi đó là vấn đề khác. Chống đối hay không, không có Google thì mình cóc biết Zion ở đâu.

Sáng thứ bảy, sau đúng 4 ngày quay vòng vòng với đủ loại đủ kiểu lập websites, với codes, với programs, mình và ông chồng rời Las Vegas lúc năm giờ sáng. Lên đường đi hiking khi  cả thành phố mới bắt đầu đi ngủ nên đường xá vắng tanh vắng ngắt. Lái khoảng hai tiếng thì thấy hai bên đường các rặng núi mang tí màu sắc đỏ lẫn trắng xuất hiện, và tất nhiên, vẫn trọc lóc. Mặt trời bắt đầu mọc le lói sau những đỉnh núi nhọn hoắt vươn thẳng lên trời. Đến được Zion đã là 8 giờ sáng, giờ của Utah. Tóm lại, để đến được Zion, trong vòng hai tiếng rưỡi mình đi đủ ba tiểu bang: bắt đầu từ Las Vegas Nevada, quẹt qua một tí ở Arizona và cuối cùng là Utah. Từ trước đến giờ mình cứ nghĩ rặng canyon chỉ quanh quẩn ở Arizona mà thôi, không hề  biết chuyện nó có thò lên tận Utah!

Và trời đất ơi là gió thổi vù vù qua thung lũng buổi sáng sớm! Thấy thiên hạ đi hiking tay đeo găng, đầu đội mũ len, áo khoác dày kéo phẹc mơ tuya đến tận cằm, mình ngán ngẩm tự thương thân vì chỉ có mỗi cái áo chạy bộ dài tay mỏng dính. Ông chồng vì quên jacket ở Texas, đến Las Vegas sắm được cái sweater có nón trùm đầu 12 đồng nhìn mình răng đánh bò cạp bảo cái gì cũng tìm, có mỗi thời tiết thì không xem. Mình tự nhủ cả ngày gió thổi như vầy không trúng gió cũng trúng lạnh! Sáng sớm thế mà cái parking to đùng ở Visitor Center đã đông đúc, nhộn nhịp. Mình đọc trên website ai cũng khuyên nên đi sớm để có chỗ đậu xe, để tránh nắng buổi trưa dọi vào lưng, để tránh đám đông, vân vân. Chắc mọi người ai cũng đọc cái website đó cho nên “đến hẹn lại lên” thành cái chợ như thế này.

Khoảng hai năm nay Zion không cho thiên hạ lái xe vào suốt chiều dài của park. Một phần parking ở các hẻm núi rất có hạn, một phần vì ô nhiễm và một phần nữa là vì cảnh quan. Nơi chốn hùng vĩ thế mà xe chạy ầm ầm ở chân núi đâm ra giống đám xô bồ đô thị. Mình thấy leo lên cái shuttle bus mà năm phút có một chuyến chẳng có gì là phiền phức. Chưa kể những ông bà già nặng lòng với cái park này nên thay vì nghỉ hưu ở nhà đắp mền coi tivi, họ tình nguyện ra đây lái xe, vừa lái vừa thuyết minh bảo cả bọn nhìn bên trái sẽ thấy một mỏm núi có hình dạng chú Sam, nhìn bên phải ngọn núi trọc lóc màu trắng được gọi là Ống Khói, nhìn xa xa ba ngọn núi khác chụm lại dân da đỏ bảo là đền thờ Chúa Trời. Có một lúc một bà thuyết minh kêu lên “Quý vị nhìn sang tay trái, nhìn lên cao. Đấy đấy, quị vị có thấy những người đang leo núi không? Tuốt trên cao ấy? Đó là Angel Landing trail!” Cả xe nhốn nháo nhấp nhổm ngước nhìn. Một bà buột miệng “Lũ điên!” Ông khác bảo “Không có tui nghe!”  Thằng nhóc mắt sáng rực “Con muốn đi! Con muốn đi!” Ông bố nạt ngang “Chờ lớn tí nữa đã con.”  Riêng hướng dẫn viên du lịch thiện chí bồi vào “Té chết năm mạng rồi đó!” Cả xe lặng đi.  

Và riêng mình mới từ trên cái trail đó đi xuống.  Nó đó. Angel Landing. Chốn thiên thần hạ cánh. 

Thì  đã bảo chỉ có một ngày với Zion, phải đi cái nào đích đáng. Mình chọn ngay cái này vì nó nổi tiếng là đã nằm trong vô khối bucket list của dân hiking rồi. Thiên hạ đi đông đi tây rất nhiều, nhưng phải ghé Angel Landing thì mới thỏa lòng. Bucket List của mình dài vô tận, thôi thì cái nào làm được thì làm. Và thế là mình có mặt trên con đường lên đỉnh Angel Landing sau khi đọc kỹ cái bài “8 điều không nên đi hiking ở Angel Landing”.

Năm 1916, một nhóm bốn người tiên phong đi thám thính trong vùng canyon này, leo đến được đỉnh núi, ông Frederick Fisher bảo chỉ có thiên thần mới hạ cánh được ở chỗ này thôi. Thế là chết tên. Năm 1926, con đường hiking bắt đầu được xây dựng cho dân đi bộ, trong đó có 21 khúc ngoằn ngoèo nhưng rất ngắn gọi là Walter’s Wiggles.  Ông Walter lúc ấy nắm đầu toàn bộ Zion National State Park, đã giúp đỡ mấy ông kỹ sư xây 21 khúc này để giúp mấy con ngựa chở đồ lên xuống từ thung lũng đến Cabin Spring trên đỉnh núi. Sau này chẳng còn con ngựa nào mà đổ hết việc cho trực thăng nên dân đi bộ cứ tà tà hổn hển xoắn ruột mèo đi lên. Thậm chí xây cầu thang cũng sẽ không xong vì vách núi thẳng đứng, chỉ có nước đi lượn quanh co và rất dốc mới lên được. Mình thấy nhiều người bò đến được chân 21 khúc, đứng nhìn nó ngao ngán muốn chào thua. Đám thanh niên trẻ trung leo lên hùng hục không nghỉ, luống tuổi như mình lấy cớ dừng lại chụp hình để mà còn thở ra hít vô, duỗi chân cho khỏi chuột rút! Và vì nó dốc cho nên không cách gì chụp hình được đủ 21 khúc nếu không ngồi trên trực thăng chĩa ống kính ngang tầm.

Mà oái oăm là trước khi đến được 21 khúc này, con đường đã hành hạ dân đi bộ bằng vô khối những đoạn quanh co, dài và dốc như thế. Đi tới chân núi nhìn dân đi trước đang ở lưng chừng núi đã thấy thán phục, tự nhủ nó làm được thì mình làm được, ráng đến lưng chừng núi thấy chúng trên đỉnh xa tít tắp lại bảo chẳng lẽ đường đi không đến? Rồi khi tới đỉnh nhìn xuống thấy đám khác lúp xúp dưới chân núi bỗng dưng có đôi chút tự hào. Và đến đây thì những ai quấn khăn trùm đầu, đeo găng mới thấy cái áo tshirt cụt tay của mình là có lý. Leo dốc lúc nhiệt độ dưới 0 độ còn toát mồ hôi nữa mà.

Nhưng tất cả không bằng nửa dặm còn lại từ cái điểm Scout Lookout đến tận đỉnh của Angel Landing. Đó là một sống lưng núi dài, hai bên là vực thẳm, một bên sâu khoảng 800 feet, bên kia một ngàn hai. Té bên nào, kiểu gì cũng sẽ thành thiên thần trong nháy mắt. Ngay đầu con đường đã có một cái bảng to đùng in đủ 8 điều không nên đi hiking trên con đường này. Một số người biết thân dừng lại nghỉ ngơi lấy sức đi xuống, hoặc đi tiếp con đường West Rim Trail vốn đi ngang, không còn chỗ đi lên. Đám còn lại nhìn sợi dây xích gắn vào vách đá lầm bầm leo hay không leo. Mình và ông chồng ngồi dưới bóng mát mỗi người một nửa khúc bánh mì nhồi thịt nguội đúng kiểu Việt Nam nhìn đám đi bộ bám vách như thằn lằn rồi tự nhủ “rày chúng tôi mai các người”.

Con đường hẹp, không có bao nhiêu chỗ tránh, chỉ đủ vừa cho một người đi, dây xích lại chỉ có ở một bên vách núi cho nên nguyên tắc an toàn đầu tiên là nhường nhau. Chen lấn chỗ này chỉ có chết. Ông chồng vốn ghét Tàu bảo may không có Tàu lên đây, nếu không chúng lấn cho bằng lăn hết xuống vực!  Đứng chờ người lên kẻ xuống mới thấy nhỏ con như mình lại có lợi! To đùng như voi vòng bụng vượt quá chiều ngang của đường đi đâm ra hoảng, bám xích rõ chặt, không lên không xuống được làm kẹt đường. Người đứng dưới chẳng hiểu tại sao không ai nhúc nhích, đám trẻ nôn nóng muốn leo lên vách đá để vượt thì mọi người hét toáng đừng có chơi dại, chờ đi! Cái đám trẻ này chắc không nghe lời tường trình cái chết năm mạng của cái bà thiện nguyện lái xe bus. Rồi thì ở trên vọng xuống hỏi có ai lên không, không thì chúng tôi đi xuống đây. Ở dưới gào lên, đừng xuống, có người mắc kẹt! Một thằng nhỏ la lên, thiếu cái đèn giao thông!  Dốc đứng, lại khuất sau những tảng đá to nên người trên người dưới thường không trông thấy nhau. Chỉ thấy cái đầu nhấp nhô hay đôi chân thấp thoáng. Và những ai sợ độ cao, xin đừng nhìn ngược xuống, nhìn rồi chân tay đâm ra  bủn rủn chỉ tổ kẹt đường thiên hạ! Một trong tám điều răn không nên làm thì cái điều sợ độ cao là số một đấy!

Tất cả những khổ công nhọc sức đều được trả giá xứng đáng. Khung cảnh Zion Canyon với những rặng núi có tuổi cỡ 270 triệu năm mở ra trước mặt. Và đúng như thiên hạ bảo, thời đại kỷ nguyên Triassic  với những con khủng long chạy long nhong trên bình nguyên Colorado Plateau giống như trong phim Jurassic Park  là ngay đây chứ không xa xôi gì. Nọn núi trứ danh The Great White Throne hiện ra trước mặt, hùng vĩ, oai nghiêm, vĩ đại với số tuổi của nó, với độ cao của nó, với chiều dài của nó, nổi bật trên sắc đỏ của những tảng núi đá chung quanh. Đứng trên độ cao 1200 feet, nhìn xuống thung lũng nơi con sông Virgin River chảy ngang, nhìn suốt theo chiều dọc của Zion State Park, nhìn xuống những chiếc shutle bus lượn vòng vèo ngay chân núi, nhỏ xíu như đồ chơi, đúng là bõ công bám xích leo lên. Ngồi trên đỉnh núi này nhìn sang bên kia núi sẽ thấy con đường Observation Point ngoằn ngoèo từ parking bò lên tự biết thân sẽ không đủ thời giờ mà đi nên thôi ngậm ngùi hẹn nó lần sau.

Cái màn xuống núi cũng khó khăn chẳng kém khi lên núi, vì khi xuống dù muốn hay không muốn, mắt mình phải nhìn xuống hai cái vực hai bên. Thật ra là cứ lờ nó đi, chú ý vào từng bước chân đặt xuống thì cũng chẳng có gì ghê gớm. Nguyên tắc nhường nhau lại được áp dụng triệt để. Chẳng ai muốn đi đường tắt về nhà bằng đôi cánh thiên thần cả. Mình và ông chồng tuôn một hơi từ đỉnh Angel Landing xuống tận chân dốc, hổn hển chờ xe bus đi tiếp đến The Narrows.

The Narrows là con đường hẻm đi giữa hai vách núi cao vút, rất hẹp, rất tối. Đọc trong website, đây là một trong những chỗ chụp hình nổi tiếng của Zion vì có thêm dòng suối làm nền. Tiếc rằng website có nhấn mạnh phải đi sáng sớm lúc chưa có bao nhiêu người thì mới chụp hình được. Mình tới nơi đúng ngọ, con nít chơi nước ầm ầm, bọt văng tung tóe, thiên hạ nhốn nháo trên bờ, vừa ăn uống, vừa cười giỡn, và không cách gì chụp hình mà không có bóng dáng người. Không thể bắt cá hai tay, mình đã chọn Angel Landing trước rồi thì đành chấp nhận The Narrows với đám du khách xắn quần lội nước ào ào. Con đường này đi một khúc sẽ nhập vào con suối Virgin River cho nên muốn đi sâu vào hẻm núi phải có giày lội nước. Mình gói đồ đạc đi học, ngoài đôi giày cao gót phải nhét thêm một đôi giày hiking, kèm với một đôi giày đi bộ khác lịch sự hơn vì giữa chốn Las Vegas hào nhoáng với Luis Vulton, Gucci, Pravada, đôi giày Columbia bám bụi của mình sẽ chẳng giống ai, vì thế nên đành để đôi giày đi nước ở nhà.  Mình ráng đi đến tận chỗ không thể đi tiếp được rồi đành quay ra. Cũng còn vớt vát được cảnh lá vàng bên dòng suối. Lá ở đây không có màu đỏ mà vàng rực rỡ trên bầu trời tháng mười xanh thăm thẳm của Utah. Bầu trời xanh mình chỉ thấy khi đi ski vào mùa đông, không biết rằng vào mùa thu nó đã xanh biếc trên những đỉnh núi mang màu sắc đỏ cam hay vàng nhạt.   



Quay về lại Las Vegas rồi Texas, “hồn tôi còn ở vùng sơn cước Zion” với Angel Landing Trail, con đường không dành cho những trái tim yếu đuối mà chỉ dành cho những trái tim mạnh mẽ. Mình sẽ thêm một câu, những trái tim không biết sợ là gì.

Hẹn Zion lần sau với West Rim Trail, Watchman Trail vậy.

Lan Hương
Fort Worth 11/01/16