Khi
boss bảo mình khăn gói đi Las Vegas cho buổi hội thảo PHP, ngôn ngữ dùng để lập
ra các trang website, một món không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của con
người thế kỷ 21, mình như mở cờ trong bụng. Ngoại trừ chuyện cả một khối lượng
thông tin to đùng sẽ đổ xuống đầu mình trong lãnh vực chuyên môn, mình hồi hộp
chẳng phải vì các sòng bài đèn sáng lấp lánh thâu đêm, các con bạc say máu ngà sát
phạt nhau, chẳng phải vì con đường nổi tiếng The Trip lừng lững giữa sa mạc, hai
bên là các đại Casino đèn neon nhấp nháy, màn ảnh lớn nhỏ chói lòa, người tấp nập
từ sáng, đông nghịt buổi tối, đến nửa đêm là cao trào.
Sau khi mua vé, đặt khách sạn, lại còn phải đúng cái khách sạn nơi buổi hội thảo được tổ chức chứ không phải muốn ở đâu thì ở, mình lên ngay Google, đi tìm xem chung quanh Las Vegas còn có những cái gì, ngoại trừ cái Tour Eiffel giả của khách sạn Paris, hồ nước vĩ đại của Bellagio, Ceasar Palace với những cột chống nhại kiểu kiến trúc La Mã, building cao ngất nhại theo kiểu Manhattan của New York, hay thậm chí lâu đài thời trung cổ của Excalibur. Mình biết Grand Canyon ở rất gần, nhưng đã đi rồi và một ngày tới Grand Canyon thì sẽ chẳng thấy được gì nhiều ngoại trừ chen lấn với du khách Tàu. Từng đoàn đầu đen xí xà xí xồ tay cầm điện thoại selfi cả với cái cột điện, đang đổ bộ vào Las Vegas, dễ đến hàng ngàn người chứ không chơi. Hơn nữa mình đã xuống tận đáy của Grand Canyon năm 2013 rồi còn gì. Màu nước xanh đặc biệt của Havaisupai vẫn còn trong tâm tưởng. Hoover Dam cũng đã có mặt, chui trong lòng con đập, phục sát đất các ông kỹ sư không có máy tính, laptop hay cell phone gì cả mà xây được cả một kỳ quan vững vàng cùng năm tháng. Thành phố Las Vegas gần như nằm giữa cảnh đất đá khô cằn của tiểu bang Nevada, nơi một bóng cây xanh mướt là điều hiếm thấy, ngoại trừ ở các khách sạn nó được tưới tắm hàng ngày bằng tiền của các con bạc. Từ trong khách sạn mình ở, nhìn qua cửa kính thấy rặng núi xa xa, lấy máy hình zoom lại gần xem chơi thì tuyền là núi trọc, bụi cây cao nhất chắc chỉ quá đầu gối mình một tí, mà lại còn lốm đốm như mọc ghẻ, khô cằn, khắc nghiệt và hung dữ, nhìn không có hứng thú chinh phục đỉnh núi dưới bầu trời xanh nóng gắt của khí hậu sa mạc.
Mình
bắt đầu hơi chán. Ở Las Vegas cả tuần mà mình lại không có máu đỏ đen, sòng bài
nằm sát rạt các lớp hội thảo mình còn không thèm bén mảng tới, thế thì làm gì
cho hết cái weekend đây? Trên nguyên tắc đến thứ sáu mình xong thì phải khăn
gói về lại Texas, nhưng tiền vé máy bay hãng trả nên mình quyết định ở thêm hai
ngày thứ bảy và chủ nhật gọi là xả hơi. Đùng một cái, một mẩu quảng cáo xuất hiện
khi mình đang lục lọi trong Trip Advisor. Vài hàng quảng cáo đi tour ở Zion
National State Park, sáng đi chiều về, khởi hành từ Las Vegas, xe bus đến tận
khách sạn đón đưa, cho ăn luôn bữa trưa luôn.
Nếu
xe bus đi trong một ngày, thì chắc chắn tự lái xe đi sẽ nhanh hơn. Mình nhảy phắt
lên Google bắt đầu moi móc thông tin, từ lúc mướn xe, mướn ở đâu, trả xe ở đâu,
rồi quãng đường từ Las Vegas đến Zion bao xa. Đến được Zion chắc chắn mình
không lảng vảng dưới chân núi ngước mắt nhìn trời chĩa máy hình chụp đỉnh núi,
mà phải đi tìm các con đường đi bộ. Không ở lại đêm được, mình đã lục tung các
khu cắm trại lớn bé chung quanh đó, các hotel đủ kiểu chung quanh đó, chẳng có
lấy một đêm một phòng nào trống, thành thử đành tự lập chương trình đi bộ trong
một ngày. Do đó phải vào đọc đủ loại websites xem một ngày thì nên đi con đường
nào, bỏ con đường nào, đi từ đâu, dài mấy cây số, vân vân. Ơn trời bây giờ có
internet, có đủ loại websites với blogs cho nên tất cả mọi thứ trở nên dễ dàng.
Cứ tưởng tượng chỉ cầm mỗi cái bản đồ mò tới nơi rồi đứng gãi đầu không biết đi
đường nào trước đường nào sau thì tốn thêm cả đống thời giờ nữa. Thế mới thấy
dù muốn hay không muốn, mình vẫn phải lệ thuộc vào những kỹ thuật tân tiến của
thời đại. Cho dù trong buổi hội thảo có nói về 20 năm sau, khi mà hệ thống tin
học bao phủ toàn bộ đời sống con người, chẳng hạn như chỉ cần gõ vài chữ trên
bàn phím rằng một tuần sau sẽ đi hiking, thì ngay tắp lự giày đi bộ được tự động mua, tự động gởi tới,
xỏ vào chân vừa như in, system cẩn thận gởi luôn nguyên cái list để đóng đồ lề.
Nếu đi ở khách sạn thì khách sạn sẽ được đặt phòng trước, nếu đi nằm lều thì
campsite sẽ được xí chỗ sẵn. Cả một nền công nghệ thông tin quyết chí biến
thành “Aladin cây đèn thần” hô có là sẽ có ngay. Riêng mình cảm thấy càng ngày
con người càng giống robot. Nhưng thôi đó là vấn đề khác. Chống đối hay không,
không có Google thì mình cóc biết Zion ở đâu.
Sáng
thứ bảy, sau đúng 4 ngày quay vòng vòng với đủ loại đủ kiểu lập websites, với
codes, với programs, mình và ông chồng rời Las Vegas lúc năm giờ sáng. Lên đường
đi hiking khi cả thành phố mới bắt đầu
đi ngủ nên đường xá vắng tanh vắng ngắt. Lái khoảng hai tiếng thì thấy hai bên
đường các rặng núi mang tí màu sắc đỏ lẫn trắng xuất hiện, và tất nhiên, vẫn trọc
lóc. Mặt trời bắt đầu mọc le lói sau những đỉnh núi nhọn hoắt vươn thẳng lên trời.
Đến được Zion đã là 8 giờ sáng, giờ của Utah. Tóm lại, để đến được Zion, trong
vòng hai tiếng rưỡi mình đi đủ ba tiểu bang: bắt đầu từ Las Vegas Nevada, quẹt
qua một tí ở Arizona và cuối cùng là Utah. Từ trước đến giờ mình cứ nghĩ rặng
canyon chỉ quanh quẩn ở Arizona mà thôi, không hề biết chuyện nó có thò lên tận Utah!
Và
trời đất ơi là gió thổi vù vù qua thung lũng buổi sáng sớm! Thấy thiên hạ đi
hiking tay đeo găng, đầu đội mũ len, áo khoác dày kéo phẹc mơ tuya đến tận cằm,
mình ngán ngẩm tự thương thân vì chỉ có mỗi cái áo chạy bộ dài tay mỏng dính.
Ông chồng vì quên jacket ở Texas, đến Las Vegas sắm được cái sweater có nón
trùm đầu 12 đồng nhìn mình răng đánh bò cạp bảo cái gì cũng tìm, có mỗi thời tiết
thì không xem. Mình tự nhủ cả ngày gió thổi như vầy không trúng gió cũng trúng
lạnh! Sáng sớm thế mà cái parking to đùng ở Visitor Center đã đông đúc, nhộn nhịp.
Mình đọc trên website ai cũng khuyên nên đi sớm để có chỗ đậu xe, để tránh nắng
buổi trưa dọi vào lưng, để tránh đám đông, vân vân. Chắc mọi người ai cũng đọc
cái website đó cho nên “đến hẹn lại lên” thành cái chợ như thế này.
Khoảng
hai năm nay Zion không cho thiên hạ lái xe vào suốt chiều dài của park. Một phần
parking ở các hẻm núi rất có hạn, một phần vì ô nhiễm và một phần nữa là vì cảnh
quan. Nơi chốn hùng vĩ thế mà xe chạy ầm ầm ở chân núi đâm ra giống đám xô bồ
đô thị. Mình thấy leo lên cái shuttle bus mà năm phút có một chuyến chẳng có gì
là phiền phức. Chưa kể những ông bà già nặng lòng với cái park này nên thay vì
nghỉ hưu ở nhà đắp mền coi tivi, họ tình nguyện ra đây lái xe, vừa lái vừa thuyết
minh bảo cả bọn nhìn bên trái sẽ thấy một mỏm núi có hình dạng chú Sam, nhìn
bên phải ngọn núi trọc lóc màu trắng được gọi là Ống Khói, nhìn xa xa ba ngọn
núi khác chụm lại dân da đỏ bảo là đền thờ Chúa Trời. Có một lúc một bà thuyết
minh kêu lên “Quý vị nhìn sang tay trái, nhìn lên cao. Đấy đấy, quị vị có thấy
những người đang leo núi không? Tuốt trên cao ấy? Đó là Angel Landing trail!” Cả
xe nhốn nháo nhấp nhổm ngước nhìn. Một bà buột miệng “Lũ điên!” Ông khác
bảo “Không có tui nghe!” Thằng nhóc mắt
sáng rực “Con muốn đi! Con muốn đi!” Ông bố nạt ngang “Chờ lớn tí nữa đã
con.” Riêng hướng dẫn viên du lịch thiện
chí bồi vào “Té chết năm mạng rồi đó!” Cả xe lặng đi.
Thì đã bảo chỉ có một ngày với Zion, phải đi cái
nào đích đáng. Mình chọn ngay cái này vì nó nổi tiếng là đã nằm trong vô khối
bucket list của dân hiking rồi. Thiên hạ đi đông đi tây rất nhiều, nhưng phải
ghé Angel Landing thì mới thỏa lòng. Bucket List của mình dài vô tận, thôi thì
cái nào làm được thì làm. Và thế là mình có mặt trên con đường lên đỉnh Angel
Landing sau khi đọc kỹ cái bài “8 điều không nên đi hiking ở Angel Landing”.
Năm
1916, một nhóm bốn người tiên phong đi thám thính trong vùng canyon này,
leo đến được đỉnh núi, ông Frederick Fisher bảo chỉ có thiên thần mới hạ cánh
được ở chỗ này thôi. Thế là chết tên. Năm 1926, con đường hiking bắt đầu được
xây dựng cho dân đi bộ, trong đó có 21 khúc ngoằn ngoèo nhưng rất ngắn gọi là
Walter’s Wiggles. Ông Walter lúc ấy nắm
đầu toàn bộ Zion National State Park, đã giúp đỡ mấy ông kỹ sư xây 21 khúc này để
giúp mấy con ngựa chở đồ lên xuống từ thung lũng đến Cabin Spring trên đỉnh
núi. Sau này chẳng còn con ngựa nào mà đổ hết việc cho trực thăng nên dân đi bộ
cứ tà tà hổn hển xoắn ruột mèo đi lên. Thậm chí xây cầu thang cũng sẽ không
xong vì vách núi thẳng đứng, chỉ có nước đi lượn quanh co và rất dốc mới lên được.
Mình thấy nhiều người bò đến được chân 21 khúc, đứng nhìn nó ngao ngán muốn
chào thua. Đám thanh niên trẻ trung leo lên hùng hục không nghỉ, luống tuổi như
mình lấy cớ dừng lại chụp hình để mà còn thở ra hít vô, duỗi chân cho khỏi chuột
rút! Và vì nó dốc cho nên không cách gì chụp hình được đủ 21 khúc nếu không ngồi
trên trực thăng chĩa ống kính ngang tầm.
Mà
oái oăm là trước khi đến được 21 khúc này, con đường đã hành hạ dân đi bộ bằng
vô khối những đoạn quanh co, dài và dốc như thế. Đi tới chân núi nhìn dân đi
trước đang ở lưng chừng núi đã thấy thán phục, tự nhủ nó làm được thì mình làm
được, ráng đến lưng chừng núi thấy chúng trên đỉnh xa tít tắp lại bảo chẳng lẽ
đường đi không đến? Rồi khi tới đỉnh nhìn xuống thấy đám khác lúp xúp dưới chân
núi bỗng dưng có đôi chút tự hào. Và đến đây thì những ai quấn khăn trùm đầu,
đeo găng mới thấy cái áo tshirt cụt tay của mình là có lý. Leo dốc lúc nhiệt độ
dưới 0 độ còn toát mồ hôi nữa mà.
Nhưng
tất cả không bằng nửa dặm còn lại từ cái điểm Scout Lookout đến tận đỉnh của Angel
Landing. Đó là một sống lưng núi dài, hai bên là vực thẳm, một bên sâu khoảng 800
feet, bên kia một ngàn hai. Té bên nào, kiểu gì cũng sẽ thành thiên thần trong
nháy mắt. Ngay đầu con đường đã có một cái bảng to đùng in đủ 8 điều không nên
đi hiking trên con đường này. Một số người biết thân dừng lại nghỉ ngơi lấy sức
đi xuống, hoặc đi tiếp con đường West Rim Trail vốn đi ngang, không còn chỗ đi
lên. Đám còn lại nhìn sợi dây xích gắn vào vách đá lầm bầm leo hay không leo. Mình
và ông chồng ngồi dưới bóng mát mỗi người một nửa khúc bánh mì nhồi thịt nguội
đúng kiểu Việt Nam nhìn đám đi bộ bám vách như thằn lằn rồi tự nhủ “rày chúng
tôi mai các người”.
Con
đường hẹp, không có bao nhiêu chỗ tránh, chỉ đủ vừa cho một người đi, dây xích
lại chỉ có ở một bên vách núi cho nên nguyên tắc an toàn đầu tiên là nhường
nhau. Chen lấn chỗ này chỉ có chết. Ông chồng vốn ghét Tàu bảo may không có Tàu
lên đây, nếu không chúng lấn cho bằng lăn hết xuống vực! Đứng chờ người lên kẻ xuống mới thấy nhỏ con
như mình lại có lợi! To đùng như voi vòng bụng vượt quá chiều ngang của đường
đi đâm ra hoảng, bám xích rõ chặt, không lên không xuống được làm kẹt đường. Người
đứng dưới chẳng hiểu tại sao không ai nhúc nhích, đám trẻ nôn nóng muốn leo lên
vách đá để vượt thì mọi người hét toáng đừng có chơi dại, chờ đi! Cái đám trẻ
này chắc không nghe lời tường trình cái chết năm mạng của cái bà thiện nguyện
lái xe bus. Rồi thì ở trên vọng xuống hỏi có ai lên không, không thì chúng tôi
đi xuống đây. Ở dưới gào lên, đừng xuống, có người mắc kẹt! Một thằng nhỏ la
lên, thiếu cái đèn giao thông! Dốc đứng,
lại khuất sau những tảng đá to nên người trên người dưới thường không trông thấy
nhau. Chỉ thấy cái đầu nhấp nhô hay đôi chân thấp thoáng. Và những ai sợ độ
cao, xin đừng nhìn ngược xuống, nhìn rồi chân tay đâm ra bủn rủn chỉ tổ kẹt đường thiên hạ! Một trong
tám điều răn không nên làm thì cái điều sợ độ cao là số một đấy!
Tất
cả những khổ công nhọc sức đều được trả giá xứng đáng. Khung cảnh Zion Canyon với
những rặng núi có tuổi cỡ 270 triệu năm mở ra trước mặt. Và đúng như thiên hạ bảo,
thời đại kỷ nguyên Triassic với những
con khủng long chạy long nhong trên bình nguyên Colorado Plateau giống như
trong phim Jurassic Park là ngay đây chứ
không xa xôi gì. Nọn núi trứ danh The Great White Throne hiện ra trước mặt,
hùng vĩ, oai nghiêm, vĩ đại với số tuổi của nó, với độ cao của nó, với chiều
dài của nó, nổi bật trên sắc đỏ của những tảng núi đá chung quanh. Đứng trên độ
cao 1200 feet, nhìn xuống thung lũng nơi con sông Virgin River chảy ngang, nhìn
suốt theo chiều dọc của Zion State Park, nhìn xuống những chiếc shutle bus lượn
vòng vèo ngay chân núi, nhỏ xíu như đồ chơi, đúng là bõ công bám xích leo lên.
Ngồi trên đỉnh núi này nhìn sang bên kia núi sẽ thấy con đường Observation
Point ngoằn ngoèo từ parking bò lên tự biết thân sẽ không đủ thời giờ mà đi nên thôi
ngậm ngùi hẹn nó lần sau.
Cái
màn xuống núi cũng khó khăn chẳng kém khi lên núi, vì khi xuống dù muốn hay
không muốn, mắt mình phải nhìn xuống hai cái vực hai bên. Thật ra là cứ lờ nó
đi, chú ý vào từng bước chân đặt xuống thì cũng chẳng có gì ghê gớm. Nguyên tắc
nhường nhau lại được áp dụng triệt để. Chẳng ai muốn đi đường tắt về nhà bằng
đôi cánh thiên thần cả. Mình và ông chồng tuôn một hơi từ đỉnh Angel Landing xuống
tận chân dốc, hổn hển chờ xe bus đi tiếp đến The Narrows.
The
Narrows là con đường hẻm đi giữa hai vách núi cao vút, rất hẹp, rất tối. Đọc
trong website, đây là một trong những chỗ chụp hình nổi tiếng của Zion vì có thêm
dòng suối làm nền. Tiếc rằng website có nhấn mạnh phải đi sáng sớm lúc chưa có bao
nhiêu người thì mới chụp hình được. Mình tới nơi đúng ngọ, con nít chơi nước ầm
ầm, bọt văng tung tóe, thiên hạ nhốn nháo trên bờ, vừa ăn uống, vừa cười giỡn, và không
cách gì chụp hình mà không có bóng dáng người. Không
thể bắt cá hai tay, mình đã chọn Angel Landing trước rồi thì đành chấp nhận The
Narrows với đám du khách xắn quần lội nước ào ào. Con đường này đi một
khúc sẽ nhập vào con suối Virgin River cho nên muốn đi sâu vào hẻm núi phải có
giày lội nước. Mình gói đồ đạc đi học, ngoài đôi giày cao gót phải nhét thêm một
đôi giày hiking, kèm với một đôi giày đi bộ khác lịch sự hơn vì giữa chốn Las
Vegas hào nhoáng với Luis Vulton, Gucci, Pravada, đôi giày Columbia bám bụi của
mình sẽ chẳng giống ai, vì thế nên đành để đôi giày đi nước ở nhà. Mình ráng đi đến tận chỗ không thể đi tiếp được
rồi đành quay ra. Cũng còn vớt vát được cảnh lá vàng bên dòng suối. Lá ở đây
không có màu đỏ mà vàng rực rỡ trên bầu trời tháng mười xanh thăm thẳm của
Utah. Bầu trời xanh mình chỉ thấy khi đi ski vào mùa đông, không biết rằng vào
mùa thu nó đã xanh biếc trên những đỉnh núi mang màu sắc đỏ cam hay vàng nhạt.
Quay
về lại Las Vegas rồi Texas, “hồn tôi còn ở vùng sơn cước Zion” với Angel
Landing Trail, con đường không dành cho những trái tim yếu đuối mà chỉ dành cho
những trái tim mạnh mẽ. Mình sẽ thêm một câu, những trái tim không biết sợ là
gì.
Hẹn
Zion lần sau với West Rim Trail, Watchman Trail vậy.
Lan
Hương
Fort
Worth 11/01/16
No comments:
Post a Comment