Pages

Monday, November 7, 2016

Vai Ông vai Bà

Thả những bó hoa xuống biển , nhìn những con sóng vỗ về bờ đá đợi thủy triều dâng lên kéo hoa ra xa , thấy lòng se lại , không hẳn chỉ là thấm thía về sự mất mát đã có , mà đặt câu hỏi về chuyện mình làm , sao chẳng lôi kéo được những đứa cháu , vốn là niềm vui của Ông Bà xưa kia đi theo mình , gửi chút tình cảm nhớ nhung vào những bông hoa đang giạt trôi đến một bến bờ nào đó.

Số người cùng nhau ra biển ngày lế Các Thánh ngày càng ít dần , dám mai kia sẽ biến thành hình ảnh bài thơ "Ông đồ già " của Vũ đình Liên , một thứ đồ cổ , không thích hợp với những đầu óc thực tế , thiếu mong ngóng về cội nguồn của thế hệ mới . Ngày nghỉ , chúng thích quấn chăn nằm ngủ nướng , hoặc tung cánh giang hồ đi rõ xa , hoặc lu bu trong một sinh hoạt nào đó hơn là phí tiền mua hoa , rồi lại đi cả quãng đường hơn 300km đi về , để quăng hoa xuống biển , phí phạm đến muốn xỉu đi được !
Biển phương Bắc thì không có gì hấp dẫn cho chúng với bầu trời màu chì , gió quật rát cả mặt , nước biển xám xịt , cảnh trí thì chả gợi đến chuyện tung cánh giang hồ mà còn ủ ê thêm với tiếng chim hải âu.
Vẫn chỉ còn một đám chị em , tóc đã điểm bạc , ra đây hàng năm làm một chuyện như đi tảo mộ , và một vài đứa cháu còn phải bám theo bố mẹ vì không có sinh hoạt nào đặc biệt cho ngày nghỉ đó.
  Tôi nghĩ đến câu : "Rày chúng tôi , mai các người " . Đâu còn xa nữa , tuổi đời hơn 60 . Sẽ có một ngày có người đem hoa ra biển thả cho tôi .Chắc phải thỏa thuận giữa đám chị em tóc điểm màu , để có vòng hoa vây quanh , và tiền mua hoa được vất đi , cứ như không về đâu , nhưng chuyên chở theo bao nhiêu là kỷ niệm và những lời nhắn nhủ không cần nói nên lời.
Chớ có trông cậy gì vào lũ con và cháu , đã là suy nghĩ tôi đang gióng lên trong mình.
Cũng có căn cơ để nói vậy đấy , chứ chả phải những suy nghĩ trong lúc giận hờn.
Nhớ đến Ông và Bà hồi xưa , khi chúng tôi lập gia đình , sao thấy khác hẳn bây giờ . Ngày tôi cưu mang Tố Chi , Ông lẳng lặng đem một cái nôi đan bằng mây nằm đâu đó trên nóc mái nhà , phủi bụi và rửa ráy sạch sẽ , đăt êm ấm một góc trong phòng khách , chờ đứa cháu ra đời . Những ngày Hamdi còn nhỏ , nhà vang tiếng cười nói vì Ông Bà có thêm nhiều bận rộn mới với đứa cháu hiếu động.


Rồi Du và Long , góp mặt trong đại gia đình trong khoảng cách không xa nhau mấy . Du tính tình khó , bám chặt lấy Bố Mẹ , Bà lãnh Long về phòng mình , quấn chặt khăn ủ ấm Long trên giường lúc nào cũng có một khoảng nắng buổi sáng chiếu thành ô vuông . Cháu ngủ say sưa cạnh con mèo già gù gù sưởi nắng không xa.
Vợ chồng tôi bước đầu sự nghiệp buôn bán , nộp thêm Tố Chi những sáng tinh mơ cho Bà , yên tâm bên nồi mì quảng lúc đầu , rồi bún bò sau đó , biết rằng con mình , sau Bà , còn có người em dâu lãnh trông dùm cho đến trưa . Lúc ấy , tôi thấy như đương nhiên , đại gia đình giúp chúng tôi một tay , không nghĩ mình đang lợi dụng ai , đến giờ vẫn tự đặt lại vấn đề , có phải đó là đầu mối xung khắc giữa tôi và thàng em kế ?
Chúng tôi ra ở riêng , mỗi lần Tố Chi được đón ở nhà trẻ của Bà Sơ về , đứng chơi lang thang trước cửa hàng bán sách của Ông , vẫn được Ông dúi vào tay nó một viên kẹo , dù Ông không bồng bế nó nhiều bằng Hamdi, chắc tại vì hồi nhỏ nó hay khóc nhè , khóc quá đến độ bị đăt tên là Lệ Chi !
Qua đến đây , nộp thêm một số cháu mới . Có lúc Bà phải coi một lúc ba đứa Kim Liên , Nam Trân và Tố An , sinh cùng năm , nhốt chung một cũi trong căn nhà ở Halle , đâu phải là không vất vả cho Bà . Và trong những điếu văn của những đứa cháu được sống gần Ông bà , chúng vẫn nhắc nhở đến những lần Ông đón đưa đến trường , những hạnh phúc Ông Bà được có thêm thắt vào tuổi xế chiều.
Con cái mua nhà riêng , bán kính căn nhà được chọn , không cách xa nhà Ông Bà đến hơn 10km , cũng nằm trong ý đồ nhờ vả Ông Bà khi có con cái . Sự góp mặt của Thiên Ân , của Tâm , không thoát khỏi bàn tay Bà . Và cả những đứa cháu ở rất xa , bên Mỹ , Bà cũng đến tận nơi.
Những công lao to lớn đó , mọi người tri ân , nhưng có lúc nào đó tự vấn lại lương tâm mình , mới thấy đã bao lần làm Ông và Bà , nhất là Bà , thấy tủi thân vì một lời nói vô tình , cứ như hất hết mọi chuyện xuống sông xuống biển.
Tôi nhớ mãi lần đến nhà Ông Bà một buổi tối mùa hè , sau lúc bán hàng một mình vì Ông Lộc dẫn Tố Chi sang Mỹ , đập cửa mãi không ai mở , mà tôi thì đang mệt đứ đừ, hết váng cả đường phố rất lâu , Bà mới lò mò ra mở cửa , tôi giận quá vô cắp Tố An ra về, ghi mãi trong lòng câu Bà nói với theo : "Mày biết Tao thương Tố An nên mới làm như vậy , Tao không tha thứ đâu ".
Lúc đó tôi nghĩ là tôi đúng , vì thương thân mình trần ai với căn hàng , vất vả đến mụ mị cả người đi , chứ đâu phải tiền trên trời rơi xuống . Thức trắng cả một đêm , mới thấy mình nóng giận vô cớ , nhưng Bà thì không tha , từ chối giữ Tố An một thời gian rất lâu.
Thời gian qua đi , đến giờ đến phiên tôi lên chức Ông Bà với hai đứa con của Tố Chi. Tôi sắp xếp lại cuộc sống của mình , nghĩ rằng đó là một biến cố sẽ làm thay đổi hết.

Hai đứa sinh đôi , tôi thấy đương nhiên phải giúp một tay , nên sai lầm không hỏi ý kiến của chúng , mà thấy đương nhiên phải đến nhà chúng giúp đỡ . Những tháng đầu vất vả, vì lâu quá , chả còn nhớ quấn tã và cho uống sữa như thế nào . Hai đứa bị quấn chặt như hai con sâu kèn , nằm chung trong một cũi , vì lý luận của Bố Mẹ chúng , là sinh đôi phải sát cánh cùng nhau! Ba giờ uống sữa một lần , uống xong , không biết ngày và đêm nên không chịu ngủ , đếm không hết nhũng lần tôi đứng bên khung cửa sổ nhà chúng nhìn bình minh rạng sáng qua hàng cây mà mắt cháu vẫn mở đen nhánh !
Tôi còn gian hàng ăn để làm việc May gặp những người giúp việc trung thành , giúp tôi một tay giữ cho gian hàng sinh hoạt bình thường Tôi trở về làm việc , ngủ vờ ngủ vật , nhưng thấy lâng lâng hạnh phúc trong cái vất vả của minh , đâu biết có một cuộc tranh luận nổ ra giữa vợ chồng nó vì tôi có thói quen ngủ không kéo màn tối thui , vả lại cháu khóc thì biết mò mẫm ở đâu để bật đèn lên . Thằng chồng kết luận , vì tôi mà con chúng nó sẽ có thói quen không chịu ngủ trong bóng đêm , con vợ đúng giữa hai bên , một ngày kia yêu cầu tôi kéo màn lại , và giàn hòa bằng cách đồng ý để cho một cái đèn đêm nhỏ xíu kín đáo trong góc phòng.
Êm ái cả lúc cả nhà kéo nhau đi nghỉ hè chung . Ông anh tôi phản đối , bảo là chúng nó không có quyền kéo bố mẹ đi theo để coi con , tôi thì thấy không có gì phiền hà , tôi cũng sẽ sắp xếp chương trình riêng của mình , và không thấy ý nghĩ đó có gì nặng nề cho mình . Giúp chúng nó một tay , như Ba Má xưa kia , có gì phải ầm ĩ.
Những tấm hình tràn đầy hạnh phúc . Thằng con rể ngồi bảnh chọe ở ghế như tây thực dân , gia đình không cao lớn của tôi vây quanh , thấy cũng OK , vì nếu nó mà đứng lên , thì người chụp hình khó có một tấm ảnh équilibre !
Những ngày nghỉ hè rất vui , người nào làm việc đó , có lúc chúng nó coi con cho chúng tôi đi theo ý thích của mình.
Ngày rời đến chỗ ở mới nơi nghỉ hè, trùng ngày vợ chồng chúng nó đăng ký đi thuyền cả ngày . Hai vợ chồng tôi sắp xếp thu vén hết hành lý , cõng theo hai cháu lên dường đến căn nhà mới trong một cái xe không có GPS . May mà cái đảo không to lắm , đường xá chỉ dẫn rõ ràng , nên sau khi vượt qua những cái dốc đứng đến ngửa cả mặt , chúng tôi tìm ra căn nhà nhờ vào sự chỉ dẫn của người cho thuê là nhà có 3 cây dừa !Chiến đấu với muỗi để đặt hai cháu vô mùng , xoay sở bữa ăn trưa cho mọi người , xong đến chiều lại cõng cháu quay trở về chốn cũ tìm Bố Mẹ chúng . Xong xuôi hết , trên đường về , một cháu khóc nganh , phải ghé vào parking siêu thị gần đó để pha sữa , con tôi nạt tôi là cho lượng sữa sai , tôi ngớ ra , vì lượng sữa là do vợ chồng chúng nó đong , thằng chồng phang thêm một câu:
  "Hèn gì tụi nó bị bón từ hôm qua ".
Tôi nghẹn họng không nói được lời nào , nhảy xuống xe ra đứng ở ven đường , chỉ mong có cách nào trở về nhà mình ngay lúc này . Bầu trời chi chít sao và nắng ấm của hòn đảo vung Caraibe không xoa dịu được nỗi giận dữ của tôi , cứ như những gì tôi làm cho chúng , không có giá trị gì hơn việc làm của một đứa người ở.
Còn nhiều lần va chạm nữa , tôi hiểu ra rằng phải giết chết trong mình cái suy nghĩ đi nghỉ hè chung với nhau . Những hình ảnh dẫn hai cháu trượt luge trên những triền đồi phủ tuyết trắng cho lần đi trượt ski chung , những hình ảnh trông hai cháu nghịch cát trên bãi biển , sẽ là những ước mơ mà tôi không còn muốn thực hiện nữa.
Bé Loan có bộ tóc thẳng như người Á châu , tóc đằng trước không vén được qua một bên , bắt đầu phủ dài chấm mắt , tôi nhắc mẹ nó phải cắt bớt đi , nhiều lần không thấy phản ứng gì . Ngày kia cháu tớn mắt nhìn Bà xuyên qua những ngọn tóc , thế là tôi cầm kéo hớt đi đúng hai lọn , cháu được mở cửa sổ hài lòng hẳn.
Tối về Bố Mẹ chúng làm như bị chạm điện:
  "Tại sao Mẹ lại cắt tóc cho nó ? Nó đang giống hệt con trai , mai mốt con phải dẫn nó ra tiệm hớt tóc sửa lại."
Lại nghẹn họng , chỉ có hai lọn tóc tơ , có phải tôi xén hết cả bộ tóc của nó đâu cơ chứ . Nghĩ là chuyện chỉ thế thôi , nhưng thằng chồng nhắc lại thêm một lần , và con vợ nhắc lại thêm một lần:
  "Con không muốn mẹ cắt tóc cho tụi nó."
Chồng tôi giận tràn hông , nói phải lôi hai đứa ra làm việc , tóc sẽ mọc lại , và bà ngoại có làm chỉ là vì cho tóc khỏi chấm mắt , có phải là cái gì ghê gớm lắm đâu.
Bữa tối hai đứa đến nhà , bỗng dưng chúng tôi không mở được miệng ra nói lời nào . Nhớ đến những gì mình đã qua với Bố Mẹ mình hồi nhỏ , nhớ đến nhũng gì con cái mình nhận được từ ông bà của chúng nó , mới thấy khoảng cách về suy nghĩ của hai thế hệ đang đẩy chúng tôi về vị trí đứng của mình trong suy nghĩ mới của tụi nó , là không được dành quyền trên con cái của chúng . Quyền gì nhỉ ? Tình cảm của ông bà đâu giống tình cảm của bố mẹ chúng . Nên đứa cháu đang bập bẹ học nói , phát âm rành rẽ chữ "Bà " đã được tôi huấn luyện để đọc ra thành "Ba ba " cho khỏi dậy sóng ba đào !
Chỉ thấy mình như thứ đồ cổ , tri ân đến Ba Má của mình để sẵn sàng làm chuyện không thực tế là đem hoa vất ra biển khơi , còn thì không thấy buồn lòng trong vai trò Ông với Bà đang bị sắp xếp lại . Chấp nhận như thế trong một xã hội mới với những giá trị tình cảm được đánh giá theo kiểu khác , còn thấy mừng vì mình sẽ đi tiếp con đường của mình mà không phải áy náy là cần cưu mang giúp đỡ ai , muốn vậy sẽ được vậy , xã hội chính gốc ở Việt Nam cũng đang như một mớ hổ lốn . Nhớ đến quyển sách đọc ở đâu đó về xã hội thượng lưu xưa của Hà Nội vẫn lén lút gặp mặt nhau trong những bữa ăn bí mật , để các Bà còn được mặc áo dài nhung , đeo kiềng cổ , và các ông được dịp khoe ra những cử chỉ lịch thiệp hào hoa giữa một xã hội cộng sản đen lườm và càng thô lỗ càng gần với quần chúng !
Chúng tôi cũng sẽ như thế , những chị em tóc đã điểm bạc , cứ quay đầu tìm về quá khứ vàng son mà không gây được chút ảnh hưởng nào trên con cái về những giá trị vĩnh cửu.
Mai đây tôi qua đời , con tôi có đọc những dòng này , thì còn phải tìm ra được người cùng thế hệ chúng biết dịch từ tiếng Việt ra tiếng Pháp.
Bỗng dưng muốn nở một nụ cười , cay đắng , mỉa mai ? không biết , nhưng vẵn cứ nên cười hơn là khóc , đúng không?

Hương Quỳ
Bruxelles 01/06/2016





No comments:

Post a Comment