Pages

Friday, December 30, 2016

Một năm khép lại


Năm 2016 qua hình ảnh của CNN mở đầu bằng bức hình bắn pháo bông tưng bừng hoa lá ở Rio de Jainero. Thiên hạ nôn nao đón chào một năm 2016 khác hẳn các năm trước.

 Có khác thật vì sau đó khoảng hai bức hình là chân dung Obama nước mắt lưng tròng khi nhắc đến 27 người chết trong vụ thảm sát trường học Sandy Hook, ông bảo “Mỗi khi nhớ đến những đứa trẻ này, tôi rất giận”. Của đáng tội, đã hơn 4 năm qua, luật súng đạn ở Mỹ vẫn chưa ngã ngũ ra sao. Súng vẫn nổ ở trường học, ở các nơi công cộng bởi những bàn tay của kẻ điên khùng có máu lạnh.

Lướt thêm vài bức hình khác, thấy hình trùm ma túy ở Mexico bị bắt trong đường hầm sau bao năm lẩn trốn, hình tưởng niệm ca sĩ David Bowie hoa bày la liệt dưới đất. Rồi thì là cảnh tị nạn thuyền nhân trên biển Thổ Nhĩ Kỳ, làn sóng tị nạn ồ ạt vào Châu Âu không cách chi dứt được. Tiếp theo là dịch đầu to Zika bùng phát ở Châu Mỹ La Tinh khiến cho thế vận hội Brazil chao đảo, người đi kẻ ở rối tung rối nùi. Nói gì thì nói, nhìn những em bé mới sinh với một cái đầu to xù, méo mó, làm cha làm mẹ không biết phải nghĩ gì. Bảo sao những người dự định sẽ sang Brazil một chuyến tự dưng khựng lại, các vận động viên nghi ngại không biết nên đi hay ở.

Ngày tháng tiếp tục lướt qua, chết chóc chen vai cùng các mầm sống trỗi dậy. Tiếp đến là cái chết của Nancy Reagan, đi làm thấy cờ rũ để tang mới biết. Chiến tranh vẫn tiếp tục ở Syria, người tị nạn vẫn tiếp tục ra khơi. Và trẻ em trên thế giới vẫn được sinh ra với năm 2016 trong giấy khai sinh của mình.

Rồi thì bom nổ ở Bruxelles, bên Mỹ nghe tin không cầm được nước mắt, vì đó là quê hương thứ hai. Châu Âu rúng động, thế giới rúng động nhìn đâu cũng thấy khủng bố. Nỗi sợ ISIS làm mọi người quên chuyện Mỹ đã đưa tay làm hòa với Cuba, nối lại mối bang giao sau bao nhiêu năm cắt đứt. Dân Cuba tị nạn ở Florida kêu lên thôi thế thì chẳng còn ai được đi tị nạn hay vượt biên nữa. Dân Cuba bên Cuba dâng niềm hy vọng ở một đất nước biến chuyển sau khi bức màn cấm vận được dẹp bỏ.

Tháng tư mở đầu cho mùa bầu cử. Các ứng cử viên tổng thống Mỹ bắt đầu đăng đàn, trong đó có Donald Trump. Mọi người bảo nhau lão ra ứng cử chỉ để làm trò hề cho thiên hạ, xem lão múa may quay cuồng cũng vui chán.

Tin đưa động đất ở Ecuador, giết chết hàng trăm mạng trong khi hoàng gia Anh bắt đầu xuất hiện trước ống kính với bốn thế hệ tiếp nối nhau. Trên bầu trời Cali đã xuất hiện chiếc máy bay vượt đại dương sử dụng nhiên liệu từ ánh sáng mặt trời, thầm nghĩ lạy trời đừng mưa!

Cái chết của ca sĩ Prince làm rùm beng tất cả mọi media của Mỹ, không chú ý tới không được dù nhạc của ông ấy không phải ai nghe cũng lọt lỗ tai. Chen lẫn với những hình ảnh sự kiện nổi bật trên thế giới, là đời thường hàng ngày: bức hình một người chuyên dạy ngựa ở San Antonio Texas đang hấp hối xin được gặp những người thân yêu nhất của mình lần chót: Ringo và Sugar, hai con ngựa của ông. Cảnh hai con ngựa dí mũi vào chủ mình nằm thẳng cẳng trên băng ca khiến khối kẻ không cầm được nước mắt. Ông chết sau đó hai ngày.

Khi chiếc máy bay Egypt Air nổ tung mang theo sinh mạng của 66 người trên hành trình từ Paris đến Cairo, mọi người đồng loạt đổ tội cho khủng bố mặc dù đó chỉ là lý do kỹ thuật. Nỗi ám ảnh khủng bố bám chặt lấy trí óc mọi người sau vụ phi trường Istanbul bị tấn công, không lâu sau khi nhà ga Maelbeck ở Bỉ nổ tung. Cho nên bom súng nổ ở bất kỳ đâu, thiên hạ đều hỏi cùng một câu “Phải khủng bố không?” Nỗi ám ảnh này đến bao giờ mới chấm dứt?

Vận động viên khuyết tật Oscar Pistorus rốt cuộc vào tù về tội giết vợ dù cho anh ta đã để lại tấm gương không bao giờ  bỏ cuộc cho biết bao nhiêu người trên trái đất này. Hình ảnh anh ta trước tòa bỏ đôi chân giả, chỉ là hai cái mỏm chân cụt nhưng là người chạy nhanh nhất thế giới đã cổ vũ tinh thần cho không biết bao nhiêu người khuyết tật, đã đem lại hy vọng cho không biết bao nhiêu người. Tiếc thay anh ta kết thúc sự nghiệp trong tù chỉ vì một bóng hồng trong đời.

Bên Mỹ tình hình cảnh sát bắn chết người da đen xảy ra tứ tán, dẫn đến vụ năm viên cảnh sát ở Dallas bị bắn chết oan uổng vào một tối thứ năm bình thường. Texas lặng đi, cả da đen lẫn da trắng. Cờ rũ lại được đem treo, người chết đã nằm xuống, để lại vợ con ngơ ngác không hiểu vì sao chồng, cha mình lại phải đem sinh mạng đổi lấy sự thù hằn sắc tộc. Các cuộc biểu tình chống cảnh sát vẫn tiếp tục đây kia khắp các thành phố lớn nhưng không còn mang ý nghĩa như trước nữa. Riêng Texas không còn một vụ biểu tình nào xảy ra. Texas bận khóc thương cho những người nằm xuống.

Nỗi ám ảnh quân khủng bố lên đỉnh điểm khi một chiếc xe tải lao vào dòng người trên đại lộ ở Nice ngay ngày quốc khánh Pháp. Châu Âu đã và đang đối mặt với sự trả thù của những kẻ nhập cư. Nhiều người bảo nuôi ong tay áo, nhiều người kêu phải mở cửa vì lý do nhân đạo. Căng thẳng trên toàn bộ Châu Âu lây lan vào trong cả gia đình, nhất là những người đã và đang từng là dân nhập cư. Nghĩ mình thuở đó cũng được nhận vào vì nhân đạo, cớ sao bây giờ chối bỏ người tị nạn? Nhận vào nghĩa là đồng nghĩa với nhận một trái bom, quốc gia nào dám đối mặt với thử thách này? Khối kẻ suy luận như vậy. Sự nghiệp của thủ tướng Angela Merkel tuột dốc không phanh chính vì thế.

Đảo chánh nổ ra ở Thổ Nhĩ Kỳ ngỡ rằng phe cầm súng thắng thế ngờ đâu mèo vẫn hoàn mèo sau khi 246 người chết, hàng ngàn người bị thương chỉ trong một đêm. Riêng dân chúng Mỹ lo ngại nhìn nhau khi Donald Trump được chính thức công nhận đại diện cho đảng Cộng Hòa đi tranh cử vai trò tổng thống, trong khi phe Dân Chủ đưa Hillary Clinton lên đăng đàn. Nhìn sơ qua, ai cũng bảo thế là phải ở với Dân Chủ thêm bốn năm nữa vì chắc chắn Clinton sẽ thắng.

Mùa hè năm 2016 trò chơi Pokemon Go được tung ra, cuốn hút hơn cả mấy triệu người tham gia trên toàn thế giới. Ra đường cứ thấy ai cầm phone mắt dáo dác chung quanh hoặc dính chặt vào màn hình là biết ngay đang đi bắt thế giới ảo. Trò chơi này phá kỷ lục khi các servers chết lên chết xuống vì số lượng các cao thủ ngày càng đông. Gặp mùa hè con nít rảnh rang, bố mẹ lại khuyến khích con ra ngoài park hít thở khí trời cho nên đi đâu cũng nghe thấy Pokemon.

Thế vận hội Brazil khai mạc với hai hồ bơi hai màu nước khác nhau: xanh da trời và xanh lá cây, với tình hình chính trị ở ngay tại Brazil đang rối beng, tổng thống đang bị kêu gọi từ chức và nạn dịch Zika lơ lửng trên đầu. Thế nhưng rồi nó cũng kết thúc hoành tráng sau vụ các vận động viên bơi lội của Mỹ đã nói láo, dựng chuyện bị cướp để chạy tội. Sự nghiệp của Ryan Lochte kết thúc bằng toàn bộ các hợp đồng với các hãng quảng cáo bị hủy bỏ. Người ngoài cuộc không khỏi nói “Cho đáng đời!”

Cho dù thế vận hội nhằm đem các quốc gia xích lại gần nhau, cuộc chiến ở Syria vẫn tiếp diễn. Bức ảnh của cậu bé Omran Daqneesh câm lặng nhìn đã đánh động lương tâm thế giới. Các quốc gia đứng trước sự chọn lựa khắc nghiệt nhất: nỗi sợ khủng bố hay lòng nhân đạo. Một cậu bé lên tám ở Mỹ viết bức thư gởi Obama để xin nhận Omran làm anh em con nuôi cũng khó lòng đánh động được lương tâm khi nỗi niềm bom tự chế bom tự giết ám ảnh cuộc sống thường ngày của dân tình thường ngày.   


Song song với nhân tai là thiên tai. Động đất 6.2 tại Ý phá hủy nguyên ngôi làng cổ Amatrice mang 250 người cùng đi theo nó. Cái làng cổ này mãi mãi sẽ chẳng bao giờ khôi phục lại được các di tích cổ kính của mình, các di tích đã trải qua không biết bao nhiêu thế kỷ với mưa cùng nắng, bây giờ sụp đổ vì mất móng mất nền. Xây dựng cái mới thì dễ, giữ cái cũ mới khó.

Đó chỉ là mới đến tháng tám của năm 2016. Đời thường vẫn tiếp diễn với các cuộc ly dị của những ngôi sao màn bạc, những cuộc chia tay đã được đoán trước ngay trong ngày đám cưới, như Brad Pitt và Angela Jolie. Hay hình ảnh bệ rạc một cặp vợ chồng bất tỉnh nhân sự trong xe hơi trước mặt đứa con nhỏ của mình sau khi phê thuốc. Thế mới biết ai chết mặc ai, ma túy sẽ làm cho quên sự đời.

Nhưng có những con người không dùng ma túy để quên đi chết chóc mà dùng chính kiến thức của mình mang lại sự sống. Cuộc giải phẫu hai đứa trẻ sinh ra dính đầu với nhau thành công, mang lại hy vọng cho không biết bao nhiêu người khác. Riêng hai đứa trẻ song sinh Anias and Jadon McDonald lần đầu tiên được nhìn thấy mặt nhau mang lại nước mắt và niềm vui cho cả bố lẫn mẹ, lẫn những người chung quanh.

Cuộc đua vào Nhà Trắng bắt đầu. Cả nước Mỹ chưa bao giờ chia rẽ đến thế với chín người mười ý và hầu như ai cũng bảo trong cả hai người, không ai xứng đáng nhưng đi bầu thì vẫn phải đi bầu. Donald Trump chiến thắng mang lại bầu không khí hoang mang cho toàn quốc và cho cả toàn thế giới. Nạn kỳ thị chủng tộc như cá gặp nước, bắt đầu trỗi dậy đây kia. Những người da trắng thuần chủng bắt đầu đăng đàn, thoạt kỳ chỉ là trên giấy bút, sau rồi đến mức sinh viên cũng cầm micro bảo nước Mỹ là của người da trắng giữa đám đông biểu tình hò hét ầm ĩ.  

Tổng thống Phi Luật Tân bảo “Obama, ông cút đi” trong tiếng vỗ tay hoan nghênh của dân chúng bên cạnh quốc vương Thái Lan từ trần. Syria nổi trội hơn với vụ Aleppo bị ăn bom hàng ngày, dân chúng không kịp di tản, chỉ gởi ra thế giới bên ngoài những lời kêu cứu tuyệt vọng.

Bên cạnh những nỗi buồn chết chóc cũng có những niềm vui, như niềm vui không bờ của Chicago khi đội baseball Chicago Cubs chiến thắng thành vô địch năm 2016, danh hiệu mà mãi sau 108 năm mới đoạt được. Thế mới biết đường đến chiến thắng không dễ ngon cơm.

Tháng mười những người thích ngắm trăng sao bắt đầu chờ Super Moon xuất hiện sau 68 năm để rồi thấy một mặt trăng to chưa từng thấy ở chân trời. Thấy thế nhưng khi chụp hình nếu không có 1000$ mua ống kính mới, hình trăng chụp được khác xa một trời một vực với hình trăng nhìn bằng mắt thường. Đành để dành tiền chờ 24 năm sau chụp lại, nếu còn sống. 

Huyền thoại cộng sản Phidel Castro qua đời. Như dân Việt Nam chia rẽ đôi ngả, dân Cuba bên Florida tràn ra đường ăn mừng trong khi khối kẻ rơi lệ tại Havana. Và đến bây giờ không hiểu tại sao Việt Nam lại quốc tang ông này trong khi cả thế giới chỉ cử đại diện lấy lệ sang phúng điếu.

Ngày Thanksgiving nhà nhà tụ tập ăn con gà tây thì lửa rùng rùng bùng cháy ở Gattinburg Tennessee, thiêu rụi hàng trăm dặm rừng, mấy trăm ngôi nhà, người chết người bị thương. Tất cả chỉ vì hai ông nhô con chơi với hộp quẹt! Hai ông nhô đã vào tù, đang chờ không biết phải xử hai ông theo luật người lớn hay du di theo luật con nít.

Đã cuối năm ngỡ mọi tai ương cho trái đất đã dừng, ngờ đâu máy bay chở đội đá banh ở Brazil sang Comlubia trên đường tranh giải vô địch, rớt cái đụi, giết chết gần hết các cầu thủ của đội Chapecoense, Lý do lãng xẹt và cẩu thả hết chỗ nói, thiếu nhiên liệu hay nôm na hơn: hết xăng! 

Sau cái chết của đội banh là cái chết của nhà ngoại giao Nga bị bắn chết trước toàn dân thiên hạ bên Thổ Nhĩ Kỳ, là cái chết của những người đi dự hội chợ Giáng Sinh ở Bá Linh. Mầm mống khủng bố ở khắp nơi, mang tai ương đủ kiểu, nỗi sợ đủ kiểu đến với mọi người, dù biết rằng sống chết có số. Ngay sau đó là vụ chiếc máy bay Nga trên đường sang Syria bị rớt, để lại tiếng kêu hốt hoảng của phi công “Cánh tà hư rồi!”

Năm 2016 khép lại với nhiều chết chóc hơn là niềm vui. Tự nhủ thế giới ơi sao có đủ mọi kiểu chết chóc đến thế này. Từ những người không tên không tuổi, đến các ngôi sao màn bạc, các nhạc sĩ, ca sĩ, kịch sĩ, diễn viên. Tất nhiên họ chết thì được chú ý ngay, dân thường phải chết số đông mới được lên báo. Carrie Fisher trong vai Princess Leia chắc chắn sẽ được lên hình nhiều hơn người đàn bà vô danh ngã xuống trên mặt đất dơ bẩn của bãi đậu xe đêm Giáng Sinh chỉ vì bị bắn lầm.

Mong năm 2017 sẽ khấm khá hơn cho tất cả mọi người, mọi nhà, mọi quốc gia, cho toàn thể trái đất này.

Lan Hương

Fort Worth (12/30/16)






Thursday, December 22, 2016

Fort Smith


Đã lâu lắm tôi không về lại Fort Smith. Có dễ đến hơn ba năm rồi, nếu không kể mùa thu năm 2014 tôi xẹt ngang qua thị trấn chớp nhoáng trong năm phút trên đường đi camping ở White Rock gần đó. Những mùa Giáng Sinh, năm này sang năm khác, tôi vẫn đều đặn đi theo nhà chồng, hoặc ở Texas hoặc ở Arkansas, đây kia tùy hỉ các bà cô chị em chồng. Nhưng ba năm đổ lại, tôi mải mê với các chuyến đi ski ở Utah, ở Idaho, một chuyến về Bỉ dự đám cưới nên lần cuối cùng về lại Fort Smith đã qua rất lâu. Riêng lần này cả nhà tôi sẽ khăn gói về “quê chồng” vì ngày Giáng Sinh vào đúng ngay weekend và tôi thì hết sạch cả tiền lẫn ngày phép cho nên chuyện tuôn mình trên các trườn núi phủ đầy tuyết đành gác lại. Nhà chồng nhờ thế thở phào buông lời hiệu triệu mọi người về Fort Smith để mở quà.

Lần đầu tiên đến thị trấn này, tôi ngỡ ngàng với những hàng cây rụng sạch lá, trơ cành khẳng khiu dưới bầu trời xám xịt, ảm đạm, lạnh lẽo nhưng tuyệt nhiên không có tuyết. Trong đầu tôi còn đầy ăm ắp hình ảnh Grand Place, Đại lộ Anspach của Bruxelles rực rỡ các sắc màu nên tôi chưng hửng nhìn hai dây đèn lơ phơ buông từ chân thánh giá trên nóc giáo đường xà đến tầm cửa ra vào của nhà thờ chính tọa lạc ngay lối vào thành phố. Dọc chuyến xuyên bang từ Indiana đến Arkansas, khoảng 12 tiếng lái không ngừng nghỉ, tôi khá lạ lùng với cảnh nhà nhà giăng đèn đón mừng Giáng Sinh. Tiết mục này bên Bỉ không có, bên Việt Nam lại càng không có luôn. Đèn ngọn xanh ngọn đỏ lấp lánh trên mái nhà, trên hàng rào, viền quanh cửa sổ, quấn quanh gốc cây…Thỉnh thoảng tôi bắt gặp những ngôi nhà nhỏ trơ trọi giữa cánh đồng mùa đông mang màu xám xỉn khô cằn, nứt nẻ và buồn tê tái, nhưng vẫn lấp lánh. Chắc hẳn có những đứa trẻ trong nhà đang rộn ràng mong chờ ngày lễ đến. Mọi đứa trẻ dù ở bất kỳ nơi đâu, chốn nào đều có những mong mỏi rất giống nhau một cách kỳ lạ. Những ngôi nhà đìu hiu này làm tôi nhớ đến những mái nhà tranh trên con đường Dalat Saigon, đi qua khoảng Di Linh, Đức Trọng. Dạo ấy xe chạy chậm rì rì đủ cho tôi nhìn thấy những đôi mắt đờ đẫn dõi theo chuyến xe liên tỉnh, dõi theo những khuôn mặt hành khách mệt nhừ tử vì đường đi hoài không đến. Những chuyến xe đi qua để lại một màn bụi dầy đặc và nỗi niềm mong muốn được làm lữ khách đi ra khỏi đời thường.

Fort Smith là một thị trấn nhỏ, nằm sát ngay biên giới Arkansas với Oklahoma. Thị trấn rất mộ đạo, hết 90% là con chiên của Chúa nên chuyện uống rượu, bài bạc bị cấm tiệt. Khốn nỗi Oklahoma là tiểu bang Da Đỏ nên các sòng bài mọc ra như nấm. Từ dạo Oklahoma mở sòng bài Choctaw sát cạnh Fort Smith, khối con chiên phải đi xưng tội thường xuyên. Của đáng tội, nếu không biết đánh bài thì họ chẳng còn biết làm gì để giải trí, ngoài chuyện đi câu cá ngoài đập 13. Tôi buồn tình lên Google tìm các loại park đủ kiểu quanh Fort Smith để dẫn chó đi chơi thì đúng là mò kim đáy biển. Fort Smith năm phía dưới khu bảo tồn quốc gia nổi tiếng Ozak đồi núi chập chùng, rừng trải rộng bạt ngàn, nhưng cách thị trấn khoảng 20 dặm, rặng núi chấm dứt đột ngột để lại mấy ngọn đồi trọc thấp lè tè. Vì thế Fort Smith chịu thiệt thòi, trở nên tầm thường, xấu xí, chẳng dính líu tí gì đến cái vườn bảo tồn quốc gia nổi tiếng kia. Thật ra chịu khó lái xe vượt Fort Smith theo đủ bốn hướng khoảng một tiếng thì có khối chỗ để đi để nhìn. Về phía bắc là Ozak, về phía Nam là Ouchita, vượt qua biên giới đến Oklahoma sẽ gặp vùng hồ Eaufala nước mênh mông. Thế nhưng tôi đành thúc thủ với cái park khỉ gió Ben Geren đi chẳng được bao nhiêu đã gặp nhà cửa chen chúc lẫn lộn với đường xe chạy vù vù. Bảo sao thiên hạ không đi vào sòng bài Cherokee hay Choctaw cho quên mối sầu thiên thu của một thị trấn bé tí lái xe dăm phút đã thấy đồng không mông quạnh. Cách Fort Smith khoảng 60 dặm về phía Tây là hồ Ten Killers nước trong văn vắt. Hè năm nào về chơi, tôi hô hào mọi người ra đây đi picnic. Hậu quả đến cuối buổi em chồng tôi bị muỗi đốt dăm phát sau thành ghẻ, chị chồng tôi bị lá cây han làm cho ngứa ran, mọc rôm mọc xảy từ đầu đến chân. Nghe nói bà ấy cuối cùng phải đi bác sĩ chích một phát steroid mới hết. Ngoại trừ đám con nít chơi nước thỏa thuê không biết mệt, người lớn, không tính đến tôi, ngồi trên bờ chịu trận với đủ mọi thứ bất tiện nhất. Sau chuyến picnic này mọi người dè chừng tôi mỗi lần tôi về thăm, nói bóng nói gió trước với chồng tôi rằng họ không thích đi ra hồ, đi ra sông ra suối gì cả. Tôi cũng im re, để họ yên thân với cái mát lạnh của máy lạnh trong nhà và chương trình Thúy Nga Paris By Night cuốn số (…).

Đó là tôi nói người Việt mình ở Fort Smith. Như đã kể, một trong những thú vui của họ là đập 13. Mang con số xui xẻo nên năm nào cũng có kẻ hoặc tự dưng ngã nhào từ trên cửa đập xuống hoặc bị lật thuyền làm mồi cho Hà Bá. Dân Việt Nam rỉ tai nhau đập có ma da, mỗi năm phải cúng cho ổng một mạng rồi ổng mới để cho yên, nói xong mắt ngang mắt dọc không biết đến phiên ai làm vật tế thần tiếp theo. Đến mùa câu, dân Việt đội nón lá đứng xếp hàng dọc theo cửa đập, buông những cái cần câu dài thòng thò ra đến gần giữa mặt hồ! Câu mãi không có cá đâm ra cắn cảu, chửi thề dòn tan như súng liên thanh nghe rổn rảng quen tai ngỡ mình đang ở xóm Khánh Hội năm xưa. Luật câu cá tiểu bang chỉ cho phép bắt hai con. Dân Mỹ đẻ ra đã theo luật lệ nên vác đúng hai con ra xe đi về, chờ đến ngày hôm sau quay lại. Dân Việt khôn lỏi quen luồn lách, câu hai con mang về nhà cất tủ lạnh, chạy ra câu tiếp hai con khác. Hậu quả là tôi ăn cá đập 13 mệt xỉu.

Tôi biết được football không phải là đá banh cũng ở thị trấn này, tôi biết thiên hạ bỏ tiền chung độ các trận football cũng ở đây nốt. Cuối tuần, tờ báo Fort Smith Tribune bán chạy như tôm tươi vì nhà nào cũng mua một tờ. Tổng biên tập nghĩ bụng dân Việt thích đọc báo, có quan tâm đến tình hình chính sự trong nước, ngoài nước, có biết đâu họ mua về vứt toẹt vào thùng rác, chỉ giữ mỗi mục thể thao vỏn vẹn đúng một tờ để tiện bề theo dõi các trận đấu, biết đài tivi nào chơi trận gì để mà cá cược cho đúng cửa. Bây giờ không ai mua báo nữa mà xài smart phone lên Google tìm đủ mọi thông tin, nhanh hơn và không tốn đồng nào. Chính vì máu me cờ bạc ầm ầm cuối tuần, cách đây hơn mười năm, FBI bố ráp tóm cổ nguyên đám Việt Nam đứng chủ xị cá độ. Tin tức được đưa lên đài  CNN cho cả nước Mỹ xem và Fort Smith nổi tiếng được dăm ngày. Sau đó thì phe ta có khôn ra, lần này hoạt động âm thầm hơn, kín kẽ hơn, bốc điện thoại gọi đặt cửa thay vì ra tận nơi rồi chen chúc nhau, cãi nhau váng trời, gây chú ý cho đám cảnh sát.

Cộng đồng Việt Nam ở Fort Smith khá đông vì ở gần đó có trại tị nạn đầu tiên của dân Việt thưở chân ướt chân ráo làm Boat People. Fort Chaffee là cái tên quen thuộc của khối kẻ thoát khỏi Việt Nam sang đến Mỹ khoảng những năm 1978-1983. Ra khỏi trại, thiên hạ đổ về Fort Smith là thành phố lớn thứ nhì của tiểu bang Arkansas. Rồi sinh cơ lập nghiệp, rồi nhận đấy là quê hương thứ hai, rồi chuyện quay về  Việt Nam bỗng chốc xa vời, chuyện đi qua tiểu bang khác cũng xa vời không kém vì họ đã quen với thành phố nhỏ, không cần phải biết lái xe trên xa lộ, đi shopping tiếng Việt gọi nhau ơi ới đầu Mall cuối Mall cũng nghe thấy. Thêm nhà thờ có cha giáo xứ người mình, đi xưng tội không phải bập bẹ, lúng búng nói mãi không thành câu. Cha có hiểu trót lọt lời mình nói thì tội lỗi mới được tha thứ chứ. Thị trấn nhỏ, người Việt đông, đâm ra thành một cộng đồng gần gũi đến độ nhà nào mới thua bạc, nhà nào mới trúng cá độ, cả cộng đồng biết tuốt. Chuyện ngồi lê đôi mách không tránh khỏi nên tôi ở cách xa Fort Smith ít nhất năm tiếng lái xe, cũng vẫn biết chuyện rùng rợn một mộ chôn chung năm mạng, hay chuyện bà chủ nhà hàng bị cướp lột sạch trước cửa nhà, hay chuyện vợ chồng nhà nọ mới đâm đơn ly dị. Cứ thử ngồi với mấy bà cô nhà chồng khoảng một tiếng mà xem. Một con ruồi bay qua cũng được trình báo tỏ tường. Nhà chồng tôi tắp vào Fort Smith vì ông cậu chồng cắm rễ ở đây đã khá lâu, quen nước quen cái nên bảo lãnh cả nhà về đó. Sau này con cái trong nhà mới tạt qua các tiểu bang khác lập nghiệp vì xét cho cùng, ở Fort Smith chẳng có công ty nhà máy nào cần các IT cao cấp cả. Một nhà máy vặt lông gà của hãng Tyson, dân Việt đi làm khá đông vì công việc tuy hơi cực nhưng dễ tìm, một nhà máy làm máy lạnh cần sức mạnh cơ bắp hơn trí tuệ, một nhà máy chế biến thức ăn cho trẻ em mang tên Geber, Việt Nam đi làm ở đó coi như đẳng cấp hơn đám xẻ thịt gà hôi ình bên Tyson. Sau này nghề làm móng tay bùng phát, dân Việt giăng bảng mở tiệm khắp thị trấn, khắp ngóc ngách, như nhền nhện giăng tơ chờ mồi. Đi nhà thờ các bà các cô tha hồ khoe những bộ móng tay lấp lánh cực kỳ mà giá cả phải chăng vì sự cạnh tranh khốc liệt.

Khi tôi bước chân vào nhà chồng, tôi được ưu ái bảo để chị tìm chỗ cho em làm ở Geber, làm bên Tyson vừa cực vừa hôi. Tôi ất giáp chẳng biết gì chỉ dạ cho có nhịp. Đến khi tôi nhận được công việc của EDS tuốt bên Indiana, mối bất hòa của tôi với nhà chồng gia tăng lên mức độ cao hơn vì lòng ganh tị, ngoài cái chuyện tôi không thích shopping mà mê mải với đủ loại đường đi bộ, tôi không thích ngồi nhà karaoke mà chỉ lo tìm đường đi nước bước để chèo canoe. Tôi về nhà chồng, cừu đen ở với bầy cừu trắng. Nếu không vì cái tính ít nói và nhường nhịn chắc đã đổ bể từ lâu lắm rồi. Tiếc rằng chẳng mấy ai biết chuyện tôi nhường mà cứ nghĩ tôi đáo để lắm, gán cho tôi tội ít nói nhưng khiển chồng ra phết. Chuyện chồng nghe lời mình hay không nghe mình thì chỉ có ông ấy biết và tôi biết. Đã bao nhiêu năm tôi ngộ ra một điều, không phải nhà chồng tôi kỳ cục mà chính gia đình tôi đặc biệt.

Những năm sau này mỗi lần về lại Fort Smith dịp Giáng Sinh, trước khi tụ tập ăn uống, cả nhà phải kéo nhau ra ngoài nghĩa trang đọc kinh, dù trời mưa hay nắng, dù trời lạnh hay trời gió to. Không ai đành lòng vào tiệc mà không ghé qua thăm mộ cha mình trước. Bố chồng tôi ra đi để lại di chúc bảo đừng hỏa thiêu, ông nóng lắm cho nên hàng năm chồng tôi vẫn cố về lại Fort Smith một lần để đến thăm mộ ông. Lần nào ra nghĩa trang tôi cũng thấy hai lẵng hoa trạng nguyên giả bằng vải lụa đỏ rực để hai bên, nổi bật trên bia mộ đá hoa cương đen nhánh có in hình ông nhìn chúng tôi chằm chằm. Đọc kinh xong chồng tôi sẽ đốt  nguyên bó nhang phân phát cho con cháu đi cắm các mộ chung quanh, gọi là để thăm hỏi hàng xóm của ông nội, ông ngoại. Lũ trẻ khi còn nhỏ cầm nhang chạy tứ tán, thi xem đứa nào cắm được nhiều hơn. Khi lớn lên chúng hỏi lại “What?” rồi nghi ngờ nhìn “hàng xóm”. Nhân tiện mọi người sẽ ghé cái mộ chôn chung năm người gần đó xem nó rộng cỡ nào.  

Kỳ này tôi về lại Fort Smith mang theo hai chai champagne, một chai Cointreau, một chai Grenadine syrup với mục đích làm cho nhà chồng hoặc say rượu tắt tiếng không nói được hoặc nói huyên thuyên và nói rất to, chen nhau mà nói, vốn là điều họ đang làm. Kiểu nào đối với tôi cũng là “win-win”, chẳng thiệt thòi gì hơn. Nếu họ có vì thế mà nhức đầu ói mửa, đổ cho tôi cái tội phá hoại Noel của họ, cũng vẫn “win-win” như thường, tôi có cớ để lần sau tìm đường đi xa, không về Fort Smith. Các loại cocktail mang tên mỹ miều Mimosa, Sunrise và Sunkiss của tôi sẽ làm cho tôi đỡ chán cảnh quật ra ăn rồi quật ra mở quà. Tôi biết các loại cocktail hương vị cam quýt ngòn ngọt dễ uống này sẽ làm họ chóng say nhưng họ không hề hay biết. Thế thì tôi sẽ mạnh tay hơn trong khoản bỏ thêm grenadine cho ngọt ngào. Tôi sẽ lập quầy bar pha nước cam với champagne, bỏ thêm tí Cointreau, quăng vào đó một muỗng grenadine đầy ắp, điểm thêm một hột cherry đỏ au nổi lều bều làm cảnh, biết chắc “win-win” sẽ thuộc về tôi. Đã bao nhiêu năm mở quà với nhà chồng, tôi vẫn không quen được cái cảnh quà chất cả núi, lấp mất cây Noel, nhiều đến nỗi con nít sau khi mở khoảng năm sáu gói thì đâm ra chán, vừa ngáp vừa dửng dưng với món đồ chơi mới toanh! Thế mà có một năm tôi bị mắng xéo vì tội dám đề nghị chơi bốc thăm, mỗi người chỉ được một gói quà có chất lượng mà thôi. Sau chuyện ngu cực kỳ đó thì tôi tự thề với lòng mình mọi người sao thì tôi vậy, cấm tiệt không mở miệng đưa ra bất kỳ một đề nghị nào. Và tôi để cho ông chồng kiêm luôn khoản mua quà gói quà, tôi chỉ việc chờ sau mùa lễ đi mua giấy hoa lá cành màu mè hạ giá đến 80% chất trong tủ chờ đến mùa Giáng Sinh năm sau tha hồ mà gói.

Tôi không có ác cảm với Fort Smith. Nó chỉ là một thị trấn bình thường bên đàng với đủ mọi hỉ nộ ái ố của nó. Tôi không ghét nhà chồng. Họ là những con người rất người, suy nghĩ quá đơn giản để mà hiểu một kẻ phức tạp như tôi. Họ và tôi đến từ hai thế giới khác hẳn nhau trong lối sống, trong cách nhìn. Chỉ có tôi vì không giống họ mới đâm ra khổ sở mỗi độ Giáng Sinh về. Chỉ có chính bản thân tôi, sau bao nhiêu năm tha phương vẫn không khẳng định được chỗ đứng của mình ở đâu, chốn nào trên trái đất này, đâm ra mỗi mùa Noel đến, nếu không bần thần nhớ cây thông Dalat, thì lại ngoái vọng về cây Noel to đùng ở Grand Place. Chỉ có chính bản thân tôi tự làm cho cuộc đời mình thêm rắc rối. “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng….”.

Rồi tôi cũng biết Noel năm nay hay Noel năm sau, mọi chuyện như thế sẽ lập lại, chẳng có gì thay đổi. Muôn đời vẫn vậy. Có khác chăng năm nay tôi có chai Cointreau làm cách mạng. Để rồi xem có đi đến đâu không với cái tình thế “win-win” tôi tự đặt ra cho mình.

Merry Christmas 2016.

Lan Hương

Fort Worth 12/22/16




Friday, December 16, 2016

Chị em nhà họ Phan



Từ lúc còn nhỏ, Má vốn rất tự hào về ngũ long công chúa. Thật ra thì có hơi ăn gian một tí, vì danh vị này chỉ có được khi năm mống con gái nắm tay nhau trình diện với đời đứa trước đứa sau liền tù tì. Đây thi bị ngắt quãng bởi hai đấng con trai . Nhưng  thôi thì cũng  là năm chị em gái với nhau. 

Chả biết có khác gì với thiên hạ hay không, nhưng khi lớn lên, lần lượt lên xe bông về nhà chồng, hoặc hai mống con trai  rinh thêm hai bà dâu về nộp cho gia đình thêm đông vui, thì hễ dâu rể có dịp gặp nhau, bèn buông ra một câu có nhìn trước nhìn sau để không bị "tai vách mạch rừng " : "Đúng là chị em nhà họ Phan !"

Xấu tốt thế nào đây nhỉ, khen hay có ý tiếc nuối lỡ bước chân vào tròng , chả biết, để tôi phải tường trình rành mạch mỗi lý lịch trích ngang của mỗi nàng Phan trong gia đình tôi để người ngoài khách quan nhận xét.

Bắt đầu bằng bà chị cả. Từ hồi còn nhỏ, đã là đối tượng để chúng tôi tỵ nạnh, vì sinh ra đời trước chúng tôi vài năm, không phải trong hàng loạt cách nhau năm một. Nào là đi học trường tây, nào là ưu tiên thử các đồ chơi cho gia đình đông con, điển hình còn lưu lại trong trí tôi là cái xe đạp con nít ba bánh được bà Bác mua cho, không hiểu sao chỉ có bà chị này cộng với một bà chị họ khác ngang tuổi được quyền tập đi vòng vòng trong sân, con nít khác nhìn thèm nhỏ rãi, có khóc ăn vạ cũng không lay động lòng thương của người lớn, đợi đến lúc hai bà chị chán không thèm chơi mới tới phiên đám lau nhau, thì chỉ ngày bẩy ngày ba đã rã rời ra mấy mảnh, chả là đồ nội địa không bền, chứ đâu phải tại chúng tôi mạnh tay mạnh chân đạp ! Và bộ đồ chơi bằng nhôm đầy đủ nồi xoong đũa chén, hai Bà cất trên nóc tủ rõ cao những lúc không chơi chung. Tôi nhớ căn phòng ngủ của Ba Má với hai cánh cửa sổ nhìn ra hông nhà được sơn màu trắng lọc một ánh sáng vàng xuyên qua, cùng những cánh cửa chớp bằng gỗ được khép lại để ép chúng tôi đi vào giấc ngủ trưa. Dĩ nhiên chả đứa nào ngủ, nằm xì xầm nói chuyện chán chê, bắt đầu ngắm bộ đồ chơi nằm trên cao, và xúi mấy đứa con trai trèo lên lấy xuống, trốn ra  hiên nhà hui hem bếp núc cả buổi chiều mà người lớn ở lầu trên không biết.

Kinh nhất là bà chị này có quyền huynh thế phụ lúc Ba Má bận đi ra hàng buôn bán. Nên những cái cốc nháng lửa của Ba giờ học trưa được thay thế bàng nhũng tiếng rít lên 'Sao mày ngu thế " của bà chị trong giờ khảo bài hoặc  những giờ học Pháp văn.

Nói thế thôi, chứ bà chị như nữ tướng Hai bà Trưng đã từng dẫn đầu một lũ đi phiêu lưu khắp các khu vực quanh nhà. Sân trường Trần bình Trọng   trở nên chật hẹp, bà chị bèn dẫn dắt đi khám phá khu Lê Lai với một cái roi dài bằng cây hoa quì và vài cục đá trong túi mỗi đứa để chống lại lũ chó canh nhà trong các villa lúc nào cũng vắng chủ, sẵn sàng lập công với gác dan bằng cách tông hết sức bình sinh vào các cổng rào, nhe răng ra dọa lũ chúng tôi khi đi qua. May mà trong suốt những lần đi lang thang đó, không có con chó nào bị xổng chuồng. Nhớ quá những biệt thự muôn hình muôn vẻ, hoa lá quanh năm tươi tắn hết sức gần gũi với chúng tôi  với những bí mật ẩn chứa sau những khung cửa đóng kín, bao quanh bới khu rừng thông loại ba lá,  (phải đi đến đảo Corse bên Pháp ,mới tình cờ gặp lại trong một khudi tích đổ nát, thông chìa những cành khẳng khiu xơ xác  bởi khí hậu nắng lạnh bất thường, không xanh tươi quanh năm như ở Dalat ). Đi qua không biết bao nhiêu lần, đến độ cứ ngỡ như thuộc về mình, chỉ cách một hàng rào, trong đầu óc non nớt của chúng tôi thời đó, cũng có lúc mong ước sau này lớn lên sẽ oai phong lẫm liệt đi dạo quanh vườn với con chó hung dữ ve vẩy đuôi đi sau lưng mình.

Những chuyến trốn nhà đi chơi đó bị khám phá bởi lần bà chị dẫn cả lũ ra tuốt thác Cam Ly. Ở đây được tự do lội nước, tha hồ đùa dỡn. Xui sao có ông bán nước é đặt quán hàng gần đó, nhận ra lũ con "nhà Nhật Tân" đang tứ tán theo giòng nước chảy trên đầu thác, te tái trên đường về ghé vào báo cho Ba tôi biết. Tối đó lần lượt sắp hàng nhận vài roi mây vào mông. Phái đoàn con nít còn được dẫn dắt đi khám phá khu rừng quanh Domaine de Marie, nhờ trên đường đi tìm nhà một người bạn tên Nhàn trong lớp của bà chị. Tụi tôi học đi tìm cây trái trong rừng, tìm suốt cả tuổi thơ một cây tùng mọc dại để trồng trước cửa nhà, tìm cây gai hái lá giã ra nhớt nhợt để sản xuất đông sương, thất bại hoàn toàn, sau quay về giã vỏ cây bưởi, cũng chả đến đâu. Chưa bao giờ bắt được những con cá nhỏ phơi mình dưới dòng suối nước trong vắt, đành vớt một mớ nòng nọc về cho lội lăng quăng, đợi lúc chúng mọc đuôi  thì dem trả về nguồn. Tuổi nhỏ của chúng tôi chưa bao giờ gặp được một trái mát mát chín tím, chưa bao giờ hái được một trái sim sậm màu, chỉ an ủi bằng những vốc  trái ngũ sắc  ngọt lừ hoang dã.

Nhớ cả đận bà chị đau răng, phải mổ nằm bệnh viện bác sĩ Soignie, cuối bờ hồ Xuân Hương. Căn phòng nằm trên gần nóc nhà, nhìn ra thấy hết cả một mặt hồ trải rộng mờ sương buổi sáng, hoặc trong vắt bóng cây phản chiếu lúc trời trong.

Bà chị đi học mặc đồ đầm suốt thời tiểu học lẫn trung học, áo dài có lẽ chỉ tròng vào người khi lên đến đại học.

Trường y khoa ở Saigon nên bà chị phải đến ở trọ nhà một người quen. Sau đó vào đại học xá Trần quí Cáp, nơi tôi cũng có nhiều kỷ niệm khi đến phiên tôi đi học xa nhà, ghé vào thăm nhìn bà chị đang biểu diễn giặt mùng mền trong một cái chậu nhỏ xíu, hoặc chị em chia xẻ nhau một bữa cơm cư xá  ngày nghỉ cuối tuần.

Tri ân bà chị năm đầu tôi xuống học trường sinh lý sinh hóa. Xe bus rời Saigon lúc 6h giờ sáng để chở chúng tôi ra trường học ở Thủ Đức, bà chị không dám thả con em đi xe lam lúc 5 giờ, đi xuyên qua khu chợ Bến Thành còn ngái ngủ, đã tình nguyện đến chở tôi đi lúc sáng sớm cả mấy tháng trường. 

Xa nhà không có Ba Má ở bên cạnh, nhưng chúng tôi vẫn hết sức ngoan ngoãn trong các nhà nội trú, không nổi loạn hoặc học đòi rượu chè, cùng bạn bè chơi đùa thâu đêm như những đứa trẻ trong gia đình sau này, chắc vì nhờ đôi mắt của bà chị cũng vẫn lom lom củ soát chúng tôi.

Thời cách mạng đổi đời, bà chị theo phong trào chung đi vượt biên, vài lần đến điểm hẹn không thành, lần chót leo được lên tàu thì chưa ra hết cửa sông, tàu công an rượt theo xả súng bắn, dìu tất tật hành khách vào trại giam ở Mỹ Tho. Báo hại vợ chồng người chị cùng cha khác mẹ ở cùng thành phố có nhà tù,  xanh mặt vì lý lịch cách mạng của mình có cơ lâm nguy. Và lũ em ngồi trên những chuyến xe lam chạy trên con đường đất đỏ thẳng tắp, dài như vô tận đến tìm chị thăm nuôi, cũng yên tâm vì bà chị xem ra cũng không bị kham khổ lắm, còn được xem ciné " Soleil Rouge " và nhắn gửi đàn guitar vào để còn kíp kíp tập văn nghệ cho tết sắp đến. May mà thời hạn tù tội không bị kéo dài, nhờ người em kế xoay sở đút tiền kéo ra chỉ vài ngày trước tết.

Bà chị vẫn được tiếp tục hành nghề bác sĩ. Lương lậu chả bao nhiêu, nhưng nuôi được mấy đứa em xa nhà nhờ tiền bán thuốc vặt cho dân trong xóm. Sau giờ làm việc, chị còn mải đi vui chơi, lũ em ở nhà có lúc còn phải cho bệnh nhân vô nhà nằm ngả lưng chờ bác sĩ về khám bịnh, hoặc thay chị chẩn bịnh cho hàng xóm. 

Hàng xóm thì gọi bâng quơ: 

"Cô ơi em đau bụng quá hà "

Bác sĩ giả trong nhà nằm quạt thảnh thơi trên chiếu dõng dạc: 

"Đau bụng kiểu gì ?"

Và sau đó mở thùng thuốc ra chiêu cho bệnh nhân vài viên, hể hả cả đôi bên.

Bà chị không lập gia đình, thấy cũng không phiền hà gì lắm, chả thấy ca ri rỉ bài "Đời ta sinh ra đã cô đơn ", cứ bình tâm an hưởng cuộc đời bên đại gia đình may mắn cùng nhau bỏ nước ra đi  xây dựng cuộc đời mới ở Bỉ, sau đó tách ra hai đứa theo chồng qua Mỹ.

Bà chị này là người có số bạn ảo nhiều nhất trong nhà, tính đến vài trăm, suốt ngày thấy chuẩn bị chương trình đi họp bạn toàn thế giới. Cuối năm chả nhận được tấm thiệp chúc tết nào, vì thiên hạ gửi tất bằng mail, bấm một phát, hàng trăm người nhận được, chứ ngồi gò mình viết, chắc gẫy cả tay.

Bà chị cả đời không biết đến hoạt động thể thao, giỏi lắm là đi xe đạp, mới đây, sau khi té vài cú chỏng gọng, cũng đã chồn chân. Chỉ còn đi bộ, lại đi không đúng kiểu, đường dài cứ tha thẩn như thế, chừng nào cho tới. Nên chóng cả mặt với những đứa em quanh mình hùng hục leo núi, quật vợt tennis chí chết hằng ngày, đạp xe đạp cả hàng trăm cây số, bơi như cá heo dưới nước, trong khi sự nghiệp của bà chị đến giờ vẫn là bám rõ chặt một cái phao để tự cứu mạng mình !

Vậy mà lập những chương trình đi nghỉ hè chung, vẫn là bà chị vạch ra những hướng đi, những thành phố cần đến thăm, những con đường hiking dài hun hút cho lũ em. Bây giờ thì bà chị biết sức mình, soạn tiếp một chương trình khác bên cạnh cho đôi chân không còn muốn leo trèo  cộng thêm trái tim muốn nổi loạn, leo lên mấy bậc thang trong nhà đã muốn hụt hơi nữa là. 

 

Qua đến con em kế, tuổi thơ của nó chỉ còn nhớ suốt ngày đòi đi theo anh chị đến trường, ngang nhiên vào học ké trong lớp của ông anh được vài buổi, vì con nít đi học hết, thiếu người chơi.

Nhớ cả lần nó đi học, quên cả cartable trên trường. Đến giờ khảo bài, Ba hỏi vở đâu, nó tỉnh bơ trả lời, quên mang về, thế là lãnh vài roi. 

Nhớ cả lần cả lũ chơi ngoài sân thấy con em bị quăng qua cửa sổ vì học dốt quá. 

Nhớ cả năm Mậu Thân 1968, lần đầu tiên thấy mùi chiến tranh ở Dalat, cả lũ bị nhốt hết trong nhà, súng đạn và máy bay trực thăng ầm ầm chung quanh. Con nít bắt đầu buồn chân buồn cẳng, buồn cả miệng, bắt đầu đi lục lọi khắp nơi, khám phá ra cả một bao tải hạt dưa của Má dưới gầm cầu thang, thế là bắt đầu rút dần ra ăn tí tách. Con em sót của cho Má tìm kim chỉ khâu lại bị lũ con nít cạch ra không thèm chơi vì tội ... giữ của. 

Nó là đứa gần gũi với tôi nhất thuở mới lớn, chia xẻ với nhau những lần đi ăn kem chiều chủ nhật, tâm sự vắn dài về bạn bè các loại, kể cả những chuyện tình cảm vụn vặt như hoa lá điểm tô cho thuở thanh xuân.

Cũng phải nói là nhờ nó, tôi mới qua được những đêm dài thức học thi cho hai bận tú tài, bà chị ngủ gà gật, bị nó gọi dậy không thương tiếc, vì hai giường kê song song với nhau. Lần về Việt Nam 2004, tôi bồi hồi tìm thấy lại những vết ố trên tường trước đầu giường nằm  của tôi, nơi tôi vẫn vắt tấm khăn ướt đắp lên mặt cho tỉnh lúc học thi, màu sơn mới quét không xóa đi được hết, dù từ dạo ấy, đã bao nhiêu năm tháng trôi qua.

Mỗi lần có dịp xuống Saigon sau giải phóng, tôi vẫn tìm đến sở của nó để hai đứa đi shopping chung, cứ như không có nó, tôi không quyết định được cái cần phải mua.

Chả biết bắt đầu từ lúc nào, bỗng dưng nó trở thành một đứa thể thao ghê gớm, chạy bộ, có thể chạy đến đích cả marathon, hơn 42km ở tuổi ngoài 45, đi xe đạp, thì  hơn mấy trăm cây số đi về như chơi  đến gẫy cả xương lòng bàn tay cũng không hay, bơi thì không biết bao nhiêu vòng hồ bơi, cộng thêm màn lặn dưới nước. Cả nhà cứ nói, con này chỉ thiếu mỗi tiết mục đi nhảy dù là đủ bộ.

Nó cũng có một cá tính khá đặc biệt, chắc tại do công việc làm quen ở vị trí lãnh đạo. Nên nó che mờ hết mọi khả năng xoay sở của mọi người chung quanh. Hễ đi đâu với nó, chả cần xem xét gì, cứ tăm tắp đi theo chương trình đã được vạch ra đến từng chi tiết. Nó có biệt tài đẩy mọi người vượt qua mức mà thiên hạ nghĩ sẽ không làm được, dù trong lúc đi cùng nó, thiên hạ rên xiết vì chật vật quá sức. Nhưng lúc làm được rồi, mới thấy sung sướng gấp bao nhiêu lần.

Một đứa em khác, thuở nhỏ bị gọi là "Hương đen", chả biết tại sao. Trời Dalat cuối năm se lạnh, da con nít nứt nẻ, Má tẩm mặt nó bằng một lớp vaseline bóng lưỡng. Con bé ngồi ngoan ngoãn trên bậc thềm trước hiên nhà sưởi nắng nhìn anh chị chơi đùa.

Nó vẫn ngoan như thế cả thời còn bé, không làm phiền ai, không kêu khóc như ri, có lỡ té ngã, chỉ biết ngồi xoa vết bầm, giữ lời hứa với các đấng anh chị phải trông nó không đi mách Má anh chị ham chơi để nó lãnh một cục u trên trán. 

Nó vẫn giữ nguyên một cá tính như thế, nhu mì, lặng lẽ lướt đi trong cuộc đời của mình không một lời thở than, không một lần nổi loạn. 

Kỷ niệm nhớ đời của tôi với nó, là lần tôi chở nó đi bằng xe đạp vào Chợ Rẫy để mổ mụn lẹo trên mắt của tôi. Trước đó còn ghé vào thăm một ngôi nhà tính mua. Tự dưng thấy căn nhà u ám không có sinh khí, quyết định là sẽ nói bà chị đừng đến thăm. Một xe xích lô máy chở nặng lạc tay lái tông thẳng vào xe tôi. Kết quả là nó gẫy chân và tôi thì trật mắt cá. Nó nằm nhà thương cả mấy tháng, mất luôn năm học và lãnh một cái sẹo để đời ở chân.

Nhớ mãi thời ra vô thăm viếng nó ở bệnh viện Chợ Rẫy. Sau giải phóng, tình trạng bệnh xá rất ghê gớm. May có bà chị làm việc ở đây nên nó cũng được ở trong những phòng ưu đãi hơn những người khác. 

Lần nó từ giã theo chồng qua Mỹ, cả nhà bồng bế nhau ra phi trường Zaventem tiễn đứa em ít tiếng nói nhất nhà đi xa thêm lần nữa. Con gái tôi nằm úp ba ba khóc hết mấy ngày vì nhớ bà Cô dắt díu đến trường mỗi sáng  khi Ba Mẹ đã đi vắng từ lúc tinh mơ, nó không cho vứt đồ đạc sơ sài thuở lập nghiệp  của bà Cô để lại, kể cả một cây đa trồng cảnh trong nhà vẫn được tôi chăm sóc cho đến giờ. Sau đó gom góp được ít xu qua tận nơi thăm nó ở căn làng Kokomo heo hút, chứng kiến cảnh vợ chồng nó náo loạn lục lọi cả nhà để tìm đồ mở rượu ăn mừng ngày họp mặt mà không ra, đành khui rượu dã chiến, nhưng cảm động đến dường nào. 

Đứa út ra đời lúc anh chị đã nối gót nhau đi xa gần hết, nên nó được nuông chiều nhất, được nhiều quà cáp nhất mỗi độ chúng tôi quay trở về nhà ăn tết. Một con bé rất hiếu động, không bao giờ ở yên, nên suốt ngày té những cú như trời giáng, anh chị coi không xuể. Má bán hàng ban đêm về, ngửi thấy mùi dầu cù là và khám phá ra một cục u đỏ hỏn, không trên trán thì cũng ở tay chân, ngán ngẩm rên lên té kiểu này thì lớn sao được. 

Mỗi lần chờ xe bus đến chở nó đi học, là mỗi lần hồi hộp, vì nó ham vui không chịu đến trường, ứ thèm lên xe, lại một màn đánh vật áp tải nó ra đến hàng của Ba trình diện thì mới xong chuyện. 

Nó hơi có nam tính, không thêu thùa vá may gì hết, chỉ say mê đá banh với mấy đứa cháu trai, mùa hè còn được các cháu mời xuống Saigon để đá banh tiếp, cứ như đội tuyển quốc gia đi tranh giải ! Và có khiếu về cơ khí, cờ lê mỏ lết để sửa đồ vặt vãnh trong nhà, vẫn có lúc phải vời tới nó. 

Nó học tiếp những năm trung học và đại học dưới chế độ mới, cách xa hẳn với chúng tôi về kiến thức tổng quát , về trình độ sinh ngữ, nên không ai nói ra cũng thấy hơi lo không biết nó có theo học nổi nghành học bên Bỉ  không. Chỉ cần một năm, tiếng Pháp từ mức độ căn bản của nó đã tiến rất xa, và nó đậu được bằng cao đẳng hóa học, bây giờ tiếng tây nói như gió, quên cả tiếng Việt để dậy cho con.

Vậy đó, chị em mỗi người một vẻ  gắn bó với nhau khi xa nhà, đến lúc lập gia đình, vẫn vời vợi nghĩ đến nhau những lúc vui buồn. Cuộc sống gia đình riêng của mỗi đúa vẫn còn những khoảng trống, mỗi lần gặp lại nhau, huyên thuyên chuyện vắn chuyện dài không hết. 

Cũng đầy chiến tranh xảy ra, giận nhau không phải là không có, nhưng không bao giờ vì lòng ganh tỵ cuộc sống của mỗi người, mà chỉ là hiềm khích đến từ những đứa con, sinh ra, lớn lên trong xã hội mới, trong môi trường mới, không có cùng một kiểu thời thơ ấu như chúng tôi, nên chúng không hiểu được tại sao không nên ăn thua đủ với người trong nhà. Cuộc sống của chúng dựa trên những chân giá trị khác, chúng nhìn chúng tôi như đồ cổ. 

Cũng tùy đó thôi, lũ con cháu bên này không giữ truyền thống ăn chung tối thứ bảy với đại gia đình, nhưng dấm dúi với nhau tổ chức những bữa brunch giữa tụi nó với nhau, thay phiên cho mỗi nhà, tình thân từ đó nảy sinh ra thôi.

Cá tính mỗi chị em khác biệt hẳn nhau, nổi bật lên tính tự lập bên những người bạn đời, không có chuyện dựa dẫm đức ông chồng, mà góp công góp sức, hì hục đi làm tham gia với xã hội, rồi về nhà chu toàn  chuyện cơm nước nhà cửa  cùng nuôi dậy con cái. Có đi đâu chơi một mục riêng, thì cũng lo đâu đó chu đáo rồi mới tung mình đi. Vậy thì dâu với rể kêu lên " đúng là chị em họ Phan " thì khen hay chê đây. Chị em tôi thì thấy mình chu toàn bổn phận, không chịu để ai lên nước với mình, trừ con em nhu mì còn chịu ách bên nhà chồng suốt ngày chĩa mũi dùi, bởi sinh hoạt không giống nhau, phải thỏa thuận nước đôi nếu ông chồng khéo xử. Xem ra cứ như nước sắp vỡ bờ, nên nó chúi  mũi núp sau ống kính đi tìm góc cạnh độc đáo của thiên nhiên, như tôi lăn xả theo những quả bóng tennis, như con em đi bộ cho rạc cả chân ra, như muốn quên đi một điều gì. 

Chị em sẽ hiểu, giữa tụi mình có lời hứa thiêng liêng không cam kết, nhưng nằm đó mãi, là cất lên một tiếng hú, sẽ có lời đáp lại, không khi nào sẽ là một hòn đã quăng đi vô vọng vào biển khơi.....

Hương Quỳ

(Bruxelles, 12/14/16)





Wednesday, December 14, 2016

Nước mắt của Già Noel


Chuyện kể cậu còn bé lắm và cậu đang đau nặng. Mắt cậu trong veo theo kiểu đôi mắt ngây thơ của một đứa trẻ lên năm, đứa trẻ hãy còn tin vào Già Noel. Cậu bảo bố mẹ con chỉ muốn gặp Già Noel mà thôi. Hàng năm đến mùa Giáng Sinh, những đứa trẻ tâm hồn trong veo tin rằng Già sẽ tuột theo ống khói, chui qua cửa sổ, mở cửa đi vào, cách này hay cách kia, điều này chẳng quan trọng gì đối với chúng, để đặt một món quà dưới gốc cây thông, bỏ vào chiếc vớ treo lủng lẳng trước lò sưởi, để trước bậc thềm, điều này lũ trẻ cũng không lấy làm điều. Cái chính là Già đã đến với chúng, đã nhớ đến chúng. Già Noel xuyên suốt năm lục địa ban phát quà cho tất cả trẻ em trên thế giới trong một đêm. Phải tất cả trẻ em, không đứa nào bị bỏ quên. Chỉ những đôi mắt trẻ thơ mới tin như vậy. Có điều chẳng đứa trẻ nào trong số chúng trông thấy Già Noel râu tóc bạc phơ, chẳng bao giờ già hơn theo năm tháng,  luôn mặc áo đỏ, vác túi quà to đùng đi vào nhà mình đêm trước Giáng Sinh cả. Dù chúng đã cố mở to mắt ráng thức thâu đêm để canh chừng Già qua khung cửa sổ, qua chấn song cầu thang, bao giờ chúng cũng kết thúc trên giường với một giấc ngủ thật sâu, thật êm mà không biết Già đã đến lúc nào, đã đi lúc nào, Già đi vào nhà chúng theo kiểu gì. Sáng hôm sau, việc đầu tiên khi chúng thức dậy là chạy đi tìm quà của mình, rồi sau đó lắm đứa bán tín bán nghi chạy đi xem cái bánh cookie dành cho Già có được cắn miếng nào không. Bố mẹ chúng bảo Già phải đi thâu đêm mình nên để một cái bánh một ly sữa cho Già để Già có sức đi tiếp. Không có một đứa trẻ tử tế nào mà không để một cái bánh một ly sữa bên cạnh chiếc vớ đựng quà của mình. Cái đám choi choi lên mười, mười một đã biết thế giới rộng lớn bao xa bắt đầu lục vấn bố mẹ, chỉ có 24 tiếng đồng hồ, Già Noel đi bằng cái gì mới có thể đến với TẤT CẢ mọi đứa trẻ, và cái đám quà cáp này làm sao chất lên hết được chỉ trong một chiếc xe kéo. Lúc này huyền thoại Noel bắt đầu lung lay vì có tí mùi khoa học và tí mùi con cái không còn tin tuyệt đối vào bố mẹ nữa. Và đó là điều thiệt hại của chúng vì điều thiêng liêng nhất của mùa Giáng Sinh đã bị hủy hoại.  

Riêng cậu, cậu chỉ mới có năm tuổi và cậu muốn gặp Già, một lần trong đời, và có lẽ là lần cuối cùng. Bởi cậu đang hấp hối. Bố mẹ cậu gạt nước mắt nhờ Già Noel ghé qua.

Già đến, bế cậu vào lòng ngồi trước cửa sổ. Cậu nhẹ bâng vì bệnh tật đã lấy tất tần tật trọng lượng của cậu. Cậu hỏi “Già ơi, là Già đấy hả?” Già Noel gật đầu “Ta đây” rồi Già nói tiếp “Cháu có nghe tiếng lục lạc của bầy tuần lộc không? Chúng đang ở trong sân nhà cháu đấy”. Cậu thều thào “Thế hả?” nhưng cậu chẳng có sức đâu mà quay đầu ra nhìn ngoài cửa sổ. Già bảo “Chúng mang đến cho cháu một món quà”. Cậu nhỏ nhẹ “Ông giúp cháu mở quà nhé, cháu yếu lắm.” Rồi cậu nói thêm, cam chịu “Người ta bảo cháu sắp chết”. Già khựng lại một giây rồi nói “Khi nào cháu gặp cánh cổng thiên đường sáng lấp lánh, cháu bảo với người gác cửa rằng cháu là người giúp việc Số Một của ta, cửa sẽ mở rộng đón cháu vào”. Mắt cậu sáng rực “Vậy sao? Họ sẽ mở cửa cho cháu chứ?” “Thật vậy, cháu ạ. Ta biết chắc như thế”. Cậu lấy hết sức tàn, quàng tay ôm Già. Già siết cậu vào lòng, lặng lẽ nuốt nước mắt. Đôi mắt trong veo kia đáng được hưởng nhiều hơn những gì cậu đang có. Hơn một nửa thời gian cậu có mặt trên đời, cậu dùng để chiến đấu với bệnh tật, cậu chẳng có bao nhiêu niềm vui. Cậu ngước lên nhìn Già hỏi nhỏ “Già Noel ơi, Già giúp cháu với nhé?” rồi cậu lả đi. Già Noel cúi nhìn đôi mắt trong veo khép lại, biết cậu đã trở thành thiên thần chấp cánh bay lên trời. Già nhìn mẹ cậu. Bà hốt hoảng kêu lên, ồ không, không, không phải bây giờ! Bố cậu chạy xô đến. Già trao thân xác cậu cho người thân rồi ra về.

Lái xe nửa chừng, Già phải tắp xe bên lề đường và bây giờ thì chẳng có gì ngăn những giọt nước mắt của Già. Giấc mơ cuối cùng của cậu đã được thực hiện nhưng sao Già buồn đến thế?

Chuyện kể những cô bé cậu bé kẹt lại giữa thành phố Aleppo. Mùa Giáng sinh đang đến, mùa của an bình, của tha thứ, của chia vui. Dù cho chúng ta có đang theo bất cứ đạo giáo gì, Giáng sinh đồng nghĩa với cuối năm. Một năm kết thúc, nhiều người tin rằng hận thù sẽ kết thúc, chiến tranh sẽ kết thúc theo. Chẳng ai muốn bắt đầu một năm mới với khói lửa, bom đạn, chết chóc và máu chảy. Chuyện xảy ra ở thế chiến thứ hai, một đêm Giáng sinh quân Đức và quân Đồng minh quyết định không bắn nhau nữa mà cùng hát bài Silent Night giữa hai bên chiến hào. Hai phe bước qua lằn ranh mà mới ngày hôm trước hễ ai đặt chân lên là bị hạ gục ngay tắp lự. Họ chia nhau điếu thuốc, ngụm rượu và ngồi kể cho nhau nghe chuyện Giáng sinh quê nhà, một cái làng nhỏ xíu nào đó ở Đức, ở Anh, ở Mỹ. Khi quá nửa đêm, chia tay nhau về lại chiến tuyến của mình, họ không thể nghĩ được ngày hôm sau họ lại phải cầm súng bắn cái kẻ vừa mới kể cho họ nghe ngày Giáng sinh của anh ta với vợ con, bố mẹ anh ta như thế nào. Chiến tranh vốn khốc liệt, tàn ác và vô nhân tính.

Nhưng ở Aleppo thì khác. Những thông điệp được gởi ra từ thành phố hoang tàn này bảo chúng tôi đang chết, đây là những lời nói cuối cùng của chúng tôi. Hy vọng toàn thế giới nghe được.

Già Noel nghe được. Lần này bầy tuần lộc của Già không cách gì đưa Già đến với những đứa trẻ đang trốn chui trốn nhủi giữa đống tro tàn để Già trao cho chúng một món quà, một niềm tin. Đã là thế kỷ 21, sao trẻ em vẫn còn phải chịu bom đạn của người lớn? Già tự hỏi. Trong các thông điệp được gởi ra từ thành phố đang hấp hối, không có thông điệp nào của một đứa trẻ. Chúng đã quá sợ hãi để mà cất lên lời. Bom đạn làm chúng chết khiếp đến nỗi câm lặng trơ trơ. Già Noel gạt nước mắt. Bầy tuần lộc và chiếc xe kéo huyền thoại của Già phải bay qua Aleppo mà không dừng lại. Mắt Già không cách gì lục lọi tìm cho bằng ra những hình bóng nhỏ nhoi đang ẩn núp thật kỹ dưới màn khói đen đặc, dưới những làn đạn chớp đỏ dữ dội, dưới những tiếng bom nổ tung bụi đất đầy trời. Những gói quà của bọn trẻ Aleppo, Già biết làm gì với chúng bây giờ? Ngay cả cơ hội được nhìn những đôi mắt trong veo trên khuôn mặt lấm bụi nhem nhuốc của chúng Già cũng không thấy được nốt.

Trong suốt cuộc đời làm Già Noel, thường thì Già có khoảng 98 phần trăm niềm vui đến từ những tiếng cười như chuông reo, hồn nhiên, hân hoan khi mở quà, 2 phần trăm còn lại là do những đứa trẻ cà khịa, cằn nhằn Già không biết ý chúng. Lần này Già không còn chắc vào cái khoản 98 phần trăm niềm vui của Già nữa.

Già Noel đang khóc vì trẻ em trên thế giới vẫn còn rất nhiều đứa đang chết đói, chết khát, chết vì bom đạn, chết vì bạo hành đổ lên đâu chúng. Những đứa trẻ chưa bao giờ một lần trong đời biết được quà của Già trông ra sao.

Ôi nhân loại!

Lan Hương

Fort Worth 12/14/2016

Monday, December 5, 2016

Vào Rừng


Rất tiếc, những cảm xúc chân thật nhất đã đặt không đúng chỗ.

Tôi đâm bổ vào rừng. Dù bầu trời đang nặng trĩu mây xám, gió mùa đông thổi đã buốt cóng các ngón tay và tôi biết thừa sau hai ngày mưa, đường rừng có nguy cơ thành đường bùn đất nhão nhoẹt. Nhưng tôi vẫn nhất quyết phải vào rừng. Nhất là sau khi lội đúng năm phút ngoài tiệm quần áo cốt để nhấn chìm nỗi buồn trong niềm vui đi mua sắm. Giữa đám đông nhốn nháo, tôi chợt dưng không thấy chỗ của mình ở đâu, tôi bèn bỏ ra ngoài lái xe về nhà ngay tắp lự và quyết định dẫn hai con chó đi vào rừng.

Tôi có một ông chồng, hai thằng con, sáu anh chị em, mười hai đứa cháu, bên nhà chồng lực lượng hùng hậu cũng không kém, chưa kể cô em bạn dâu hay tâm sự với tôi mà điều tệ hại nhất là tôi chẳng bao giờ nói được lời tâm sự nào với nó. Tôi còn một đống bạn ở sở, bạn thân gần sát rạt ngay đây hai mống, bạn thân rải rác khắp nơi thêm vài mạng. Thế nhưng tôi đành đi vào rừng để nói chuyện với cây. Chưa bao giờ tôi nhớ và thiếu Má bằng lúc này. Má sẽ gác mọi thứ qua một bên và nghe tôi nói. Má sẽ không so sánh chuyện tôi với chuyện người khác, Má sẽ không bảo tôi đúng hay sai. Má sẽ chỉ lắng nghe. Đơn giản vậy thôi. Sau đó Má sẽ bảo đời còn dài, con ráng đi. Như ngày nào tôi khóc gọi về với Má vì bị bố chồng chửi tắt bếp tội mua xe mới đón gia đình bên Bỉ sang chơi.

Fort Worth đã vào thu. Ở cửa rừng bà bán vé bảo tôi đừng đi xuống River Bottom vì mưa hai ngày nước bờ sông lụt rồi, ráng đi lên chỗ này, màu sắc lá cây sồi sẽ làm tôi ngạc nhiên. Nghe lời bà, tôi đậu xe và bắt đầu bằng con đường Oak Motte. Tôi và hai con chó hăm hở cho chuyến đi nói chuyện với lá vàng. Được vài bước tôi gặp chiếc lá mắc kẹt trên hàng rào. Tôi thương cảm đứng nhìn và thấy mình mắc kẹt giống y nó. Nó sẽ dính ở đó mãi chờ một cơn gió mạnh may ra mới thoát để đáp xuống bãi cỏ nằm chung với đám lá chết còn lại. Tôi buồn cho nó và buồn cho chính mình. Đến khi gặp cây sồi đầu tiên lá vàng ảm đạm dưới đám mây xám chì, Má đã kịp bảo tôi “Đừng ăn miếng trả miếng”. Má đọc thấu tim đen của tôi. Tôi toan tính nếu cạch tôi ra tôi sẽ tẩy chay lại. Nếu coi tôi không tồn tại, tôi sẽ tuyệt giao, tôi sẽ không liên lạc, tôi sẽ cóc cần, mọi người sống chết ra sao tôi không màng tới, tôi sẽ không thăm hỏi gì ai nữa cả. Má nói tiếp “Nếu vậy đâm ra  giận nhau suốt đời à?” Tôi đếm trên đầu ngón tay và cả đầu ngón chân chợt thảng thốt vì dù tóc trắng đã xen lẫn tóc đen, số năm tháng còn lại vẫn còn nhiều lắm. Không, tôi chẳng muốn giận ai suốt đời. Má bảo thêm “Đừng làm cho người khác điều mà mình không muốn họ làm cho mình”. Tôi dẫn chó đi tiếp trên con đường mòn đất đỏ, tự nhủ mình sẽ ráng hết sức làm đúng như Má nói.

Đi gần hết con đường Oak Motte, rẽ sang con đường Prairie băng ngang qua cánh đồng cỏ cao đã ngả màu vàng, tôi bảo Má “Vậy những giọt nước mắt của con ai sẽ trả?” Má nhỏ nhẹ “Nuốt xuống đi, để nó chảy ngược vào trong”. Tôi gạt nước mắt để trôi xuống lòng.  Đồng thời tôi cũng ngộ ra một điều, nó đã lớn rồi. Nó không còn là thằng bé tóc đầu đinh, năng động, chân tay luôn bận rộn. Tôi biết nó từ thuở nó sanh ra nằm nôi, cho đến khi nó chững chạc ra trường trung học. Nó lên nhận bằng cả nhà hoan hỉ hét váng tên nó. Nắng tháng tám cháy da cả nhà tôi kéo xuống Austin giúp nó dọn vào ký túc xá. Nó chia mỗi người một thùng đồ vác lên phòng cho nó. Rồi từ đó, tôi xa nó dần. Cách đây hai năm, chỉ cần đúng mười lăm phút, tất cả những gì tôi và nó có được với nhau suốt 20 năm bị đem đổ hết ra sông ra biển. Nó từ mặt tôi mà tôi không biết. Suốt trong thời gian đó tôi vô tình gởi text gọi nó về nhà tôi ăn Tết, rủ nó đi ăn nhà hàng, vân vân. Nó lịch sự trả lời nó bận có chương trình riêng rồi. Tôi vô tình không để ý cho đến tận tháng sáu vừa rồi khi tôi giáp mặt nó mà nó cố tình làm ngơ, nhìn xuyên qua tôi như nhìn qua không khí. Cú đánh knock out cuối cùng là ngày tốt nghiệp đại học nó không mời chúng tôi đến. Má thủ thỉ “Chuyện đó đâu có to tát gì”. Vừa rẽ qua con đường Wild Plum, tôi vừa thấy đúng chuyện không có gì ầm ĩ, chỉ là một cái lễ ra trường mà thôi. Nếu như tôi đã không từng thân thiết gần gũi với nó đến vậy, nếu tôi đã không từng chứng kiến nó khôn lớn từng ngày, thì hẳn tôi đã không thấy chuyện đó có gì quan trọng lắm. hẳn tôi đã không té ngửa khi biết tin nó đã tốt nghiệp. Hẳn tôi đã chỉ cần im lặng và tự hiểu. Hẳn tôi chỉ buột miệng dửng dưng “Thế à”. Hẳn tôi đã chẳng cần phải đâm bổ vào rừng mà ở nhà nấu tiếp món Coq au Vin.

Tôi quyết định đi theo con đường Cap Rock nơi những cây sồi tầng tầng lớp lớp trộn lẫn với hàng cây Elm lá vàng nhỏ li ti, khi gió nhẹ thổi qua, lá rơi như mưa vàng. Dưới các gốc cây, những bụi rậm lá dại cũng thi nhau chuyển màu. Fort Worth không có lá phong đỏ ối nhưng các màu lá với mọi sắc thái từ vàng đến nâu đậm làm cả một bầu trời khởi sắc dưới màu mây xám vần vũ. Trời xấu nên không mấy người đi dạo, tôi và hai con chó tung hoành trên con đường ngập lá vàng rơi. Má thì thầm bên tai tôi “Có vay thì có trả”. Tôi hoàn toàn đồng ý với Má. Lỗi tôi đi vay bây giờ tôi phải trả. Giống như đan len vậy. Bớt một mũi chỗ này thì phải nhớ thêm một mũi đâu đó cùng hàng nếu muốn cái khăn foulard thẳng thớm. Mọi người nói rồi với thời gian nó sẽ hiểu giá trị của gia đình. Thông thường giá trị của người thân ngoài cha mẹ mình ra thường được gặp dưới dạng vô cùng “drama”. Chẳng hạn như nó gặp chuyện vô cùng khủng khiếp đến nỗi bố mẹ nó lo một mình không nổi phải nhờ đến người khác. Điều đầu tiên hết, tôi nào muốn nó gặp những chuyện như thế để cho nó thấy tôi vẫn còn rất thương nó để cưu mang nó lúc hoạn nạn? Điều thứ hai, tên tôi xếp dưới mãi tận cùng danh sách những người nó sẽ nhờ vả cho nên đến hết kiếp tôi, tôi sẽ không có dịp chứng minh cho nó thấy tình thương của tôi dành cho nó vẫn như thuở nó là một thằng bé cầm cần câu buông mồi bên suối, trong khi tôi ra sức chỉ cho nó xem con cá catfish béo ụ núp sau tảng đá. Vì thế nên quẹo qua con dốc lên Lime Stone Trail, tôi quyết định mọi người và ngay cả tôi nên để nó yên. Nó đã lớn và đã quyết định. Để nó sống với sự lựa chọn của nó. Hay dở gì chăng nữa thì cũng tự nó mà ra. Tôi không muốn bất kỳ ai đứng ra hòa giải. Thời gian cho nó thì còn dài, cho tôi chẳng còn mấy nả. Tôi và nó nói cho ngay, đâu có đi trên cùng một con đường? Thì cứ tưởng tượng tình huống tệ hại tiếp theo sẽ là đám cưới nó mà tôi không có mặt. Má bảo “Rồi thì sao?” Ừ, rồi thì sao? Tôi sẽ chẳng chết, và nó vẫn cứ là nó.  

Khi bước vào con đường Dear Mouse, tôi muốn nói với ông anh trai rằng bây giờ tôi đã hiểu, rất hiểu cái cảm giác bị bỏ lại bên lề. Nếu tình nguyện đứng sang một bên mọi sinh hoạt chung của gia đình, thì tôi không biết. Nhưng bị đẩy sang một bên thì nó đau như cắt. Đau ghê lắm. Nhất là tính tôi vốn hay chèo kéo người này người kia, đùng một phát tự dưng thấy mình bị gạt ra, không còn dính líu trong những tiết mục quan trọng của người thân. Thành thử đâm ra ngỡ ngàng, hụt hẫng. Dù cho đó có là quyết định của ai. Đã từ lâu tôi và nhà chồng vốn tránh nhau càng xa càng tốt, tôi chưa bao giờ được coi là một thành viên trong nhà họ, ngược lại tôi đến với họ chỉ vì họ là máu mủ của chồng tôi. Nếu được chọn lựa, tôi hẳn không quen biết họ. Những dịp cuối năm tôi thường hay đau đáu nghĩ về gia đình mình bên Bỉ, thấy mình đã bị loại ra khỏi sinh hoạt của gia đình lớn cả mấy chục năm nay . Về thăm Bỉ đôi khi mang tâm trạng đi du lịch, không phải nỗi niềm hân hoan khi về nhà. Nỗi buồn xa xứ bây giờ không giống nỗi buồn đêm Noel đầu tiên khi xa nhà, khi chuông điểm đúng 7 giờ tối giờ Bỉ, tôi thấy mình bị bỏ lại chơ vơ một mình trên trái đất mênh mông. Cảm giác cô đơn mỗi cuối năm càng mạnh mẽ hơn khi biết rằng mình chẳng bao giờ về lại với đại gia đình để cho một ngày Giáng Sinh có đông đủ anh chị em. Và rồi tôi tự nhủ vậy tôi thuộc về đâu, chốn nào trên trái đất này? Sao tôi ở đây mà hồn tôi cứ vương vấn ở tận nơi nào?

Tôi đi ngang qua chiếc ghế trống dưới vòm lá vàng, tôi ngồi xuống lấy nước cho hai con chó uống. Tôi chợt nghĩ nếu tôi ngồi trên chiếc ghế này và rồi bùm, biến mất. Đơn giản biến mất. Vậy thôi. Thế thì còn gì bằng. Nhưng tôi phải sắp xếp làm sao cho hai con chó cùng biến mất với tôi. Tôi không chịu nổi cảnh hai đứa nó lang thang trong rừng đi tìm tôi. Thế là đành quay về với đời thường và hỏi Má “Sao gánh nặng vì dây mây quấn nó đè con chết ngạt đến thế này?” Má bảo “Thế mới gọi là gia đình. Bỏ thì vương thương thì tội”. Có lúc tôi ước được làm con một, có lúc tôi ước được về ngồi giữa anh chị em đông đúc của mình. Dù có ước kiểu gì, tôi vẫn là đứa thứ sáu trong bảy người con của Ba Má. Má dặn tôi “Anh chị em gặp nhau lúc vui cả lúc buồn. Đừng để khi có chuyện chết chóc mới tìm đến nhau, Má buồn lắm”. Tôi cũng buồn lắm. Vì thế tôi đứng lên đi tiếp, không muốn mình biến mất để tránh cho anh chị em khỏi phải tụ tập lại thương khóc mình. Và tận thâm tâm tôi cũng không muốn anh chị em gặp nhau đầy đủ chỉ để khóc cùng với nhau. Tôi nhớ Noel đầu tiên cả nhà sum họp bên Bỉ. Nghèo rớt nhưng mọi người đã cùng cười với nhau thật lòng và cùng háo hức với một chân trời mới mở ra cho từng người. Năm tháng trôi qua. Không thương tiếc cho bất kỳ một ai. Chân trời mới mọi người đã chọn lựa, đã đi qua, đã biết nó giống gì rồi. Sao tự dưng thấy lòng không vui? Sao tự dưng thấy tim chùng xuống thật thấp? Vì chúng ta sau bao nhiêu nỗ lực để được đoàn tụ, bây giờ đã bị đẩy đi đúng là bốn phương trời ư? Và chỉ còn nghĩ đến nhau trong tâm tưởng thôi ư?  Tôi đang băn khoăn, nẫu ruột suốt tuần vì tin ông anh tôi không về Bỉ ăn Noel, thêm cú này tôi đâm ra nghi ngờ mọi thứ tình cảm quanh mình.  Tôi tính bảo ông ấy rằng dù sao gia đình chỉ có một. Nhưng bây giờ tôi chẳng biết phải bắt đầu từ đâu khi chính bản thân mình không còn được thuyết phục bởi câu “giọt máu đào” nữa.

Lá vẫn vàng quanh tôi. Lá vẫn khô dưới chân tôi. Mùa thu đến với tất cả mọi màu sắc của nó, dù trời xanh biếc hay xám xịt, dù tôi buồn hay vui. Dù tôi có là cái gì cho ai nữa, dù cho tôi có quan trọng hay không quan trọng trong cuộc sống này, lá vẫn rơi. Má nói nhỏ với tôi “Thôi bỏ qua cho nó đi, nó còn trẻ người non dại”. Tôi gật đầu với Má, nó còn nhỏ dại, và tôi đã là một người lớn. Và người lớn thì có quan trọng gì với một đứa trẻ trưởng thành hăm hở với mọi cánh cửa mở ra trước mặt mình? Đứa trẻ đó sẽ còn đi rất xa trong khi tôi đã dừng lại. Đứa trẻ đó còn mải mê khám phá bao nhiêu điều mới lạ chung quanh nó trong khi tôi chỉ còn đau đáu với mỗi màu lá vàng. Đứa trẻ đó đi qua mọi cảm xúc của người khác rất đỗi vô tình trong khi tôi đã bắt đầu nhạy cảm tự thương thân với cách mọi người đối xử với tôi. Như Má ngày xưa bảo tôi đầy người ra nhưng Má vẫn thấy buồn. Khi ấy tôi không hiểu nhưng bây giờ tôi muốn nói với  Má, con cũng thế. Thôi thì tôi biết tôi sẽ quên đôi mắt nó nhìn tôi như nhìn chốn không người, mà tôi sẽ luôn nhớ về nó với những hình ảnh đẹp đẽ nhất của nó mà tôi còn giữ được.

Ra khỏi cửa rừng, Má dặn với “Anh chị em thì phải thương nhau, phải lo cho nhau, vậy Má mới yên tâm”. Tôi gật đầu chào Má lái xe ra về, biết rất rõ nếu tôi chết bất đắc kỳ tử ai là người sẽ thi hành di chúc của tôi. Tôi biết rất rõ tôi sẽ làm gì khi anh chị em cần đến tôi. Tôi biết rất rõ mớ dây tình thân chằng chịt quanh tôi vừa làm tôi nghẹt thở, vừa nâng đỡ tôi, vừa là chỗ dựa vững chãi, vừa là đá tảng kéo tôi tuột xuống. Lái xe trên xa lộ, tôi thấy mình đang quay về với bổn phận và trách nhiệm, không cảm thấy mình quay về với tình yêu của tôi. Tôi biết sau bốn tiếng lặn lội trong rừng thu của Fort Worth, về đến nhà sẽ không ai hỏi tôi lá có vàng nhiều không, sẽ không ai hỏi tôi rừng có đông người không. Và thậm chí không ai biết tôi đã đi đâu. Cái điện thoại là mối liên lạc duy nhất giữa tôi và phần còn lại của thế giới, nếu tôi ném nó xuống mặt hồ Lake Worth, coi như tôi mất tích. Chẳng cần phải ngồi trên ghế vắng trong rừng chờ cú phép màu để biến mất làm gì.

Tôi biết tôi sẽ có xe mới, sẽ có điện thoại mới, sẽ có tivi mới, sẽ có những thứ mà người khác sẽ thèm rỏ dãi. Nhưng không ai hỏi tôi tại sao trời mây xám nặng chịch mà tôi vẫn khăng khăng vào rừng, không ai bảo sẽ cùng đi tìm màu lá vàng với tôi. Từ lâu lắm rồi tôi đi vào rừng đi ra park với chỉ hai con chó. Khi chúng chết, tôi sẽ đi một mình. Và rồi Má sẽ bảo tôi cái gì bây giờ?

Nếu bạn buồn, rất buồn mà không có bốn mươi ba cảnh mặt trời lặn để ngắm nhìn như Cậu Hoàng Con, bạn hãy vào rừng.  Dù cho rừng duy nhất chỉ có một cái cây, bạn cũng vẫn có thể nói chuyện được với nó.  Cây khi nào cũng biết lắng nghe. Thế nhé.

Lan Hương

Fort Worth (12/05/2016)