Pages

Wednesday, December 14, 2016

Nước mắt của Già Noel


Chuyện kể cậu còn bé lắm và cậu đang đau nặng. Mắt cậu trong veo theo kiểu đôi mắt ngây thơ của một đứa trẻ lên năm, đứa trẻ hãy còn tin vào Già Noel. Cậu bảo bố mẹ con chỉ muốn gặp Già Noel mà thôi. Hàng năm đến mùa Giáng Sinh, những đứa trẻ tâm hồn trong veo tin rằng Già sẽ tuột theo ống khói, chui qua cửa sổ, mở cửa đi vào, cách này hay cách kia, điều này chẳng quan trọng gì đối với chúng, để đặt một món quà dưới gốc cây thông, bỏ vào chiếc vớ treo lủng lẳng trước lò sưởi, để trước bậc thềm, điều này lũ trẻ cũng không lấy làm điều. Cái chính là Già đã đến với chúng, đã nhớ đến chúng. Già Noel xuyên suốt năm lục địa ban phát quà cho tất cả trẻ em trên thế giới trong một đêm. Phải tất cả trẻ em, không đứa nào bị bỏ quên. Chỉ những đôi mắt trẻ thơ mới tin như vậy. Có điều chẳng đứa trẻ nào trong số chúng trông thấy Già Noel râu tóc bạc phơ, chẳng bao giờ già hơn theo năm tháng,  luôn mặc áo đỏ, vác túi quà to đùng đi vào nhà mình đêm trước Giáng Sinh cả. Dù chúng đã cố mở to mắt ráng thức thâu đêm để canh chừng Già qua khung cửa sổ, qua chấn song cầu thang, bao giờ chúng cũng kết thúc trên giường với một giấc ngủ thật sâu, thật êm mà không biết Già đã đến lúc nào, đã đi lúc nào, Già đi vào nhà chúng theo kiểu gì. Sáng hôm sau, việc đầu tiên khi chúng thức dậy là chạy đi tìm quà của mình, rồi sau đó lắm đứa bán tín bán nghi chạy đi xem cái bánh cookie dành cho Già có được cắn miếng nào không. Bố mẹ chúng bảo Già phải đi thâu đêm mình nên để một cái bánh một ly sữa cho Già để Già có sức đi tiếp. Không có một đứa trẻ tử tế nào mà không để một cái bánh một ly sữa bên cạnh chiếc vớ đựng quà của mình. Cái đám choi choi lên mười, mười một đã biết thế giới rộng lớn bao xa bắt đầu lục vấn bố mẹ, chỉ có 24 tiếng đồng hồ, Già Noel đi bằng cái gì mới có thể đến với TẤT CẢ mọi đứa trẻ, và cái đám quà cáp này làm sao chất lên hết được chỉ trong một chiếc xe kéo. Lúc này huyền thoại Noel bắt đầu lung lay vì có tí mùi khoa học và tí mùi con cái không còn tin tuyệt đối vào bố mẹ nữa. Và đó là điều thiệt hại của chúng vì điều thiêng liêng nhất của mùa Giáng Sinh đã bị hủy hoại.  

Riêng cậu, cậu chỉ mới có năm tuổi và cậu muốn gặp Già, một lần trong đời, và có lẽ là lần cuối cùng. Bởi cậu đang hấp hối. Bố mẹ cậu gạt nước mắt nhờ Già Noel ghé qua.

Già đến, bế cậu vào lòng ngồi trước cửa sổ. Cậu nhẹ bâng vì bệnh tật đã lấy tất tần tật trọng lượng của cậu. Cậu hỏi “Già ơi, là Già đấy hả?” Già Noel gật đầu “Ta đây” rồi Già nói tiếp “Cháu có nghe tiếng lục lạc của bầy tuần lộc không? Chúng đang ở trong sân nhà cháu đấy”. Cậu thều thào “Thế hả?” nhưng cậu chẳng có sức đâu mà quay đầu ra nhìn ngoài cửa sổ. Già bảo “Chúng mang đến cho cháu một món quà”. Cậu nhỏ nhẹ “Ông giúp cháu mở quà nhé, cháu yếu lắm.” Rồi cậu nói thêm, cam chịu “Người ta bảo cháu sắp chết”. Già khựng lại một giây rồi nói “Khi nào cháu gặp cánh cổng thiên đường sáng lấp lánh, cháu bảo với người gác cửa rằng cháu là người giúp việc Số Một của ta, cửa sẽ mở rộng đón cháu vào”. Mắt cậu sáng rực “Vậy sao? Họ sẽ mở cửa cho cháu chứ?” “Thật vậy, cháu ạ. Ta biết chắc như thế”. Cậu lấy hết sức tàn, quàng tay ôm Già. Già siết cậu vào lòng, lặng lẽ nuốt nước mắt. Đôi mắt trong veo kia đáng được hưởng nhiều hơn những gì cậu đang có. Hơn một nửa thời gian cậu có mặt trên đời, cậu dùng để chiến đấu với bệnh tật, cậu chẳng có bao nhiêu niềm vui. Cậu ngước lên nhìn Già hỏi nhỏ “Già Noel ơi, Già giúp cháu với nhé?” rồi cậu lả đi. Già Noel cúi nhìn đôi mắt trong veo khép lại, biết cậu đã trở thành thiên thần chấp cánh bay lên trời. Già nhìn mẹ cậu. Bà hốt hoảng kêu lên, ồ không, không, không phải bây giờ! Bố cậu chạy xô đến. Già trao thân xác cậu cho người thân rồi ra về.

Lái xe nửa chừng, Già phải tắp xe bên lề đường và bây giờ thì chẳng có gì ngăn những giọt nước mắt của Già. Giấc mơ cuối cùng của cậu đã được thực hiện nhưng sao Già buồn đến thế?

Chuyện kể những cô bé cậu bé kẹt lại giữa thành phố Aleppo. Mùa Giáng sinh đang đến, mùa của an bình, của tha thứ, của chia vui. Dù cho chúng ta có đang theo bất cứ đạo giáo gì, Giáng sinh đồng nghĩa với cuối năm. Một năm kết thúc, nhiều người tin rằng hận thù sẽ kết thúc, chiến tranh sẽ kết thúc theo. Chẳng ai muốn bắt đầu một năm mới với khói lửa, bom đạn, chết chóc và máu chảy. Chuyện xảy ra ở thế chiến thứ hai, một đêm Giáng sinh quân Đức và quân Đồng minh quyết định không bắn nhau nữa mà cùng hát bài Silent Night giữa hai bên chiến hào. Hai phe bước qua lằn ranh mà mới ngày hôm trước hễ ai đặt chân lên là bị hạ gục ngay tắp lự. Họ chia nhau điếu thuốc, ngụm rượu và ngồi kể cho nhau nghe chuyện Giáng sinh quê nhà, một cái làng nhỏ xíu nào đó ở Đức, ở Anh, ở Mỹ. Khi quá nửa đêm, chia tay nhau về lại chiến tuyến của mình, họ không thể nghĩ được ngày hôm sau họ lại phải cầm súng bắn cái kẻ vừa mới kể cho họ nghe ngày Giáng sinh của anh ta với vợ con, bố mẹ anh ta như thế nào. Chiến tranh vốn khốc liệt, tàn ác và vô nhân tính.

Nhưng ở Aleppo thì khác. Những thông điệp được gởi ra từ thành phố hoang tàn này bảo chúng tôi đang chết, đây là những lời nói cuối cùng của chúng tôi. Hy vọng toàn thế giới nghe được.

Già Noel nghe được. Lần này bầy tuần lộc của Già không cách gì đưa Già đến với những đứa trẻ đang trốn chui trốn nhủi giữa đống tro tàn để Già trao cho chúng một món quà, một niềm tin. Đã là thế kỷ 21, sao trẻ em vẫn còn phải chịu bom đạn của người lớn? Già tự hỏi. Trong các thông điệp được gởi ra từ thành phố đang hấp hối, không có thông điệp nào của một đứa trẻ. Chúng đã quá sợ hãi để mà cất lên lời. Bom đạn làm chúng chết khiếp đến nỗi câm lặng trơ trơ. Già Noel gạt nước mắt. Bầy tuần lộc và chiếc xe kéo huyền thoại của Già phải bay qua Aleppo mà không dừng lại. Mắt Già không cách gì lục lọi tìm cho bằng ra những hình bóng nhỏ nhoi đang ẩn núp thật kỹ dưới màn khói đen đặc, dưới những làn đạn chớp đỏ dữ dội, dưới những tiếng bom nổ tung bụi đất đầy trời. Những gói quà của bọn trẻ Aleppo, Già biết làm gì với chúng bây giờ? Ngay cả cơ hội được nhìn những đôi mắt trong veo trên khuôn mặt lấm bụi nhem nhuốc của chúng Già cũng không thấy được nốt.

Trong suốt cuộc đời làm Già Noel, thường thì Già có khoảng 98 phần trăm niềm vui đến từ những tiếng cười như chuông reo, hồn nhiên, hân hoan khi mở quà, 2 phần trăm còn lại là do những đứa trẻ cà khịa, cằn nhằn Già không biết ý chúng. Lần này Già không còn chắc vào cái khoản 98 phần trăm niềm vui của Già nữa.

Già Noel đang khóc vì trẻ em trên thế giới vẫn còn rất nhiều đứa đang chết đói, chết khát, chết vì bom đạn, chết vì bạo hành đổ lên đâu chúng. Những đứa trẻ chưa bao giờ một lần trong đời biết được quà của Già trông ra sao.

Ôi nhân loại!

Lan Hương

Fort Worth 12/14/2016

No comments:

Post a Comment