Pages

Thursday, July 27, 2017

Sweet Home Alabama





Sweet Home Alabama
Rồi có lúc tôi sẽ ngồi nhớ lại những ngày lặn lội ở Alabama với một tâm trạng khác hẳn, không như lúc tôi ngồi Uber mỗi sáng thứ hai, tầm năm giờ sáng ra phi trường, buồn rầu ngắm ánh đèn hiu hắt của cây xăng gần nhà, tự hỏi tại sao mình phải ra đi lúc sớm tinh mơ trời còn tối mặt thế này, để lại hai con chó nhìn tôi oán trách, một ông chồng mất phương hướng khi không có vợ ở bên, và hai thằng con luôn ngạc nhiên “Mẹ lại đi nữa hả?” Và tôi thì là chỉ muốn bỏ việc quách!

Rồi có lúc tôi sẽ nhìn lại Alabama dịu dàng hơn, không như tôi hằng trốn chạy nó mỗi thứ năm ngồi canh giờ check in chuyến bay, sáng thứ sáu dậy sớm hơn thường lệ để hân hoan lái xe về lại phi trường Florida, nóng lòng chờ máy bay quay về Texas, rồi lại ngồi Uber ngán ngẩm với hàng xe cộ dày đặc trên freeway, tự hỏi khi nào tôi mới về đến nhà được. Con đường về nhà khi nào cũng là đường thiên lý.

Tôi đến Alabama khoảng giữa tháng Năm, khi cái nắng oi ả của Texas đã nhấp nhổm đâu đó, khi những cơn mưa bất thường của Texas vẫn còn giận dữ trút xuống mảnh vườn trồng rau thơm tí hon của tôi. Tôi đến Alabama, choáng ngợp trước màu xanh mướt của cỏ của cây vì mưa nhiều, khí hậu dịu mát hơn so với Texas đang chuẩn bị đổ lửa, kinh ngạc trước vẻ hoang dã đậm đà chất nhà quê của tiểu bang miền Trung Mỹ này. Tôi đã được báo trước nên không ngạc nhiên khi vừa ra khỏi freeway 10, con đường xuyên bang từ Đông sang Tây của nước Mỹ, rẽ lên phía Bắc khoảng hai dặm, tôi lọt thỏm vào giữa rừng cây. Thì có sao đâu, tôi vốn yêu thiên nhiên và màu xanh lá cây là màu của tôi. Nhưng nếu bị lạc toe toét trong đám rừng xanh um đó, điện thoại không sóng, GPS câm tịt, và tôi thì chỉ còn biết lái thẳng trên con đường làng vỏn vẹn hai làn chiều lên chiều xuống, tiệt không bóng nhà cửa và tôi thì không dám quẹo trái hay quẹo phải, nhìn quanh cây xanh cao vút vây bủa tứ phía thì đó là chuyện khác. Tôi phóng đến hơn 80 dặm một giờ hòng thoát ra màu xanh bất tận đó nhanh chừng nào tốt chừng nấy. Bầu trời Alabama khi đó xanh không thể tả, riêng tôi mắt liếc tứ phía nhìn đường, vô vọng tìm bóng người bóng xe nên không cảm được cái màu xanh này. Chỉ đến khi tôi bị nhuyễn nhừ trên các con đường nhỏ ngoằn ngoèo dẫn từ Florida đến Elba, nhắm mắt cũng đi được, tôi mới dám ngước mắt nhìn trời, tự hỏi xanh như thế có bằng màu xanh của Texas? Bằng màu xanh thăm thẳm của Taos năm nào đi ski? Thật ra mang cùng tên nhưng mỗi màu xanh đều khác nhau cả đấy thôi. Tôi lái xe ở Alabama nhưng hồn tôi ở cùng Texas, không biết  bên đó đang mưa hay nắng và đôi khi tôi tự hỏi mình đang làm gì ở đây vậy? Có một lần đến Alabama, trời mưa như trút, quạt nước mở tối đa tôi vẫn không nhìn thấy gì đành tắp xe bên lề chờ mưa ngớt. Tôi nhìn cánh đồng ướt sũng, con đường ướt sũng, bầu trời ướt sũng xà thấp xuống, nghĩ giá mà lượng nước này được san sẻ cho Texas đang chết khô của tôi. Thêm một lần khác đến Alabama trời sương mù, lần này tôi đã thuộc đường làu làu rồi, tôi ung dung lái trong đám sương trắng lởn vởn để đến với cái thế giới mà cha sinh mẹ đẻ, tôi không tưởng tượng ra có ngày mình ở đây.


Walking trail -
Riêng Elba, gọi cho sang là thành phố, theo tôi chỉ là một cái làng, thì nhỏ xíu. Nếu Ban Mê Thuột đi dăm phút đã về chốn cũ thì Elba không được đến dăm phút, chỉ cần một phút đã ra khỏi thị trấn! Tôi đi giữa cái gọi là downtown của Elba, ngỡ mình quay về tầm đầu năm 1930, khi nạn khủng hoảng kinh tế gõ cửa từng nhà, với những hàng quán đóng im ỉm, cửa chính đóng ván gỗ chặn ngang, cửa sổ kính bể vụn nhền nhện giăng tơ. Riêng tòa nhà Court House vẫn còn mới mẻ sáng choang sát cánh với cái nhà quàn cũng sáng choang không kém và ty Cảnh sát thì ngay đó, vỏn vẹn hai xe đậu trước cửa. Cư dân Elba đa phần người lớn tuổi và là da trắng. Tuổi trẻ đã bỏ xứ ra đi tìm chốn thị thành, dân da đen không thấy mấy kẻ. Tôi đến Elba, mang theo một màu da khác, một màu tóc khác. Thiên hạ thỉnh thoảng liếc nhìn tôi hiếu kỳ nhưng không đến nỗi lỗ mãng nhìn tôi chòng chọc.


May mắn cho tháng đầu của tôi vì tôi ở nhà thuê ngay tại Elba, sát cạnh con đường chạy bộ dọc theo con sông Pea River nước cuồn cuộn và luôn luôn ngầu đục. Sát cạnh đó là chỗ cho thuê kayak thả trôi sông. Tôi gợi ý với tất cả mọi người xem có ai muốn đi chèo kayak với tôi không thì hết thảy đều lắc đầu quầy quậy trước màu nước bùn đỏ của Pea River, dọa tôi có rắn nước với lại cá sấu nhung nhúc! Thế thì tôi chỉ còn cách đi chạy mà thôi. Ở nhà trọ, tôi chỉ việc băng qua cầu là lên được con đường chạy bộ. Sáng sáng sáu giờ, tôi qua cầu, xe cộ chầm chậm sau lưng tôi tự hỏi không biết tôi làm cái giống gì. Elba và chuyện tập thể dục, chạy bộ, tennis, đá banh không đi cùng với nhau. Không có con đường chạy bộ này, chắc tôi bị khủng hoảng trầm trọng. Tôi thả hết mọi ấm ức, mọi nỗi nhớ nhà, mọi nguồn cơn của mình theo từng bước chân chạy. Về đến nhà trọ, mồ hôi từ đầu đến chân, tôi mệt lử không cần nghĩ đến phần còn lại của ngày chỉ gồm có ngồi, ăn và đi ngủ. Sau này dọn ra ở khách sạn, tôi nhớ con đường chạy bộ này muốn chết. Sáng sáng tôi chạy trên cái treadmill trong căn phòng nhỏ xíu hôi ình gọi là gym của khách sạn, cổ muốn trẹo vì ngóng xem cái tivi nhỏ xíu trước mặt, lòng thầm nhớ mặt đường trải nhựa cỏ dại mọc chen kẽ và đôi khi những cánh hoa dại mong manh nở sớm làm tôi thấy đời không phải khi nào cũng đen thui.
Pea River Lodge
Hãng của tôi không ở ngay downtown mà nằm mé ngoài thị trấn. Đi thêm khoảng 10 phút, leo lên ngọn đồi sẽ thấy cái warehouse to chảng bên tay phải, văn phòng dính liền với xưởng làm xúc xích nhả khói suốt ngày bên tay trái, và đầu dốc là ngôi nhà nhỏ màu trắng. Thiên hạ gọi nó là “White House”, tất nhiên chỉ vì nó màu trắng, và tuyệt nhiên không dính líu gì đến cái White House ở Washington DC. Hàng ngày tôi lái xe đến văn phòng, khi nào cũng nhìn lên đầu dốc tự hỏi bên kia con dốc là gì. Một buổi trưa, phần khủng hoảng vì xa nhà, phần vì các nhân viên ù lì của mình, phần vì chán việc đến óc, tôi bèn làm một chuyến lái xe qua bên kia dốc. Thì sau đó vẫn là rừng cây, là con đường chiều lên, chiều xuống, là nhà cửa lác đác, con nít dịp Halloween muốn đi xin kẹo phải lái xe chứ cuốc bộ qua ba nhà đã mệt xỉu. Tôi lái một hơi mười lăm phút, quang cảnh không thay đổi đến một ly, rừng thông thẳng tắp, chen chúc chật chội với bụi rậm, họa hoằn mới thấy một cái xe chạy ngược chiều. Tôi đành lòng an tâm quay lại văn phòng và không mơ về phía bên kia dốc nữa. Đôi khi phía bên kia là cả một bất ngờ, đôi khi chỉ đơn giản là đời thường mà thôi.

Tôi đến Elba của Alabama ngỡ ngàng với cuộc sống thong thả, không gì vội của tỉnh lẻ. Tôi mang phong cách thị thành, lái xe nhanh không chịu nổi vận tốc chỉ có 25 dặm một giờ, chân tôi giậm thắng nhấp nhổm ở mức 35, mắt liếc chừng không biết cảnh sát Elba đang ở đâu. Tôi thôi thúc muốn bắt tay làm việc gấp thì gặp phải giọng nói lè nhè, kéo dài đủ mọi âm tiết và đến đúng 4 giờ rưỡi thì không có câu hỏi nào được phép đặt ra bởi năm giờ chiều mọi người tự động tắt máy, tắt đèn, buông mành ra về, bất kể chuyện đã xong hay không xong, bất kể tôi ngồi chưng hửng với cái project ở lưng chừng xuân. Alabama bị thiên hạ chế giễu nói tiếng Mỹ giọng nhà quê. Cứ phát âm tất cả những chữ “a” thành “e” thì bạn sẽ thành Alabama chính hiệu. Nghe na ná như Nha Trang xứ mình nói tiếng Việt vậy.


Elba Court House
Thế nhưng chỉ cần hai tuần tôi bắt nhịp theo họ, nhập gia tùy tục. Tôi đi ăn trưa đủng đà đủng đỉnh, quen với chuyện gọi một cái hamburger ngồi nửa buổi chưa thấy có mặc dù tiệm chỉ vỏn vẹn dăm mống thực khách. Tôi quen chuyện ra quán ăn hỏi thăm tất tật mọi người chán chê mới bắt đầu gọi món. Và tôi không còn thắng gấp ở cái tốc độ 25 dặm một giờ nữa. Đến đúng bốn giờ tôi tự động gói gọn mọi chuyện, xách laptop ra về cùng với họ lúc năm giờ, để lại sau lưng bãi chiến trường ngày mai cùng họ tính sau. Riêng tôi về khách sạn bật laptop lên làm việc tiếp!

Cái bãi chiến trường đó là của tôi trong hai tháng trời. Kết thúc vào giữa tháng bảy khi cả công ty được chuyển sang system mới, tôi về lại Texas để lại đám nhân viên vẫn còn  cực kỳ hoang mang của mình. Nói gì thì nói, đến bây giờ họ làm việc rất tốt, sai sót đây kia nhưng không đáng kể và tôi thì đã được cái công ty đó tặng cho một thùng xúc xích đủ loại với tấm thiệp đầy đủ chữ ký của mọi người, cảm ơn tôi đã  chịu khó xa gia đình, đến giúp họ thay đổi system thành công rực rỡ. Cầm tấm thiệp tôi khá là cảm động, nhớ những lúc tôi muốn bóp cổ họ rồi đi tự tử cho xong vì không chịu nổi cái tính lề mề, nước đến chân không thèm nhảy, cháy nhà thì vẫn thong thả mặc quần mặc áo cẩn thận rồi mới đủng đỉnh chạy. Nhớ những đêm tôi ở lại khuya, mắt lõ ra đọc tất cả những contract của hãng cũ, chuyển nó qua system mới, dò giá từng món hàng và tự sửa luôn vì nhân viên đã ra về lúc năm giờ. Nhớ ngày bốn tháng bảy, tôi lang thang trong thành phố lớn Enterprise cách Elba 30 dặm, không biết làm gì cho hết buổi sáng ngoài chuyện đi xem tượng thần Bọ Rày Boll Weevil, bởi hội chợ Đậu Phụng, Peanut Festival chỉ bắt đầu lúc bốn giờ chiều, và chiều đó đương nhiên tôi phải vào hãng để làm việc đến tối mịt. Khi lết về được khách sạn, tôi không còn sức đi xem bắn pháo hoa, đứng ở khuôn cửa sổ khách sạn, tôi lắng nghe tiếng pháo đì đùng đây kia, nhìn những vệt sáng trên trời lấp ló sau hàng cây rồi quyết định đã xong một ngày lễ tôi xa nhà. Tôi nhớ những buổi chiều ngồi trong khách sạn, vắt chân trên bàn ngắm hoàng hôn qua cửa sổ, gặm trái táo lượm dưới phòng ăn. Mặt trời đỏ rực lặn xuống sau hàng cây, để lại đám mây tím hồng quanh nó. Tuần tiếp theo tôi vẫn ở cùng khách sạn nhưng phòng khác. Từ căn phòng này không thấy mặt trời lặn nữa vì nó đối xứng với cái phòng cũ, đâm ra sáng sớm tỉnh giấc thay vì quẹo phải vào phòng tắm tôi quen thói quẹo tay trái đâm vào cái ghế sa lông! Hai tuần tiếp theo tôi không muốn đầu óc mình hoang mang nên đề nghị được ở lại căn phòng đó, đành hy sinh những buổi hoàng hôn, thỉnh thoảng vớt vát tự nhủ mưa như thế chẳng có mặt trời nào mà nhìn.
Boll Weevil Status
Ròng rã hai tháng trời ở Elba Alabama, thiên hạ hỏi đùa tôi có ý định muốn dọn nhà sang đó ở luôn không. Nhà cửa ở đây khá rẻ. Đời sống vô cùng đơn giản. Hai trăm năm chục ngàn tôi sẽ có ngôi nhà trên đỉnh đồi, hơn năm mẫu đất chung quanh, được biếu không bốn con ngựa và một con lừa già tên Jenny 18 tuổi! Nếu tôi chịu đổi sân tennis để sáng sáng cưỡi một trong bốn con ngựa, nếu tôi hy sinh các con đường hiking ở Knob Hills, cái park Arcadia gần nhà, đổi lấy việc chăn Jenny, nếu tôi không biết đến shopping là gì và quên luôn chuyện đi chợ mua thịt bò Đại Hàn, mua nước mắm, mua rau muống, chỉ rặt ăn đồ Mỹ thì cũng là điều đáng suy nghĩ. Nếu tôi chịu đổi cái tiệm vừa bán đồ ăn vừa gội đầu uốn tóc, bao đồng việc bán lẻ quần áo các cỡ tên Happy Place, bà chủ là khách hàng của hãng tôi, chồng của bà chủ là nhân viên của hãng tôi với tiệm Tokyo One sushi buffet hàng hàng lớp lớp ở Dallas, thì tôi sẽ có một cuộc đời giản dị, kiểu “ngày ngày chỉ việc đặt chân này trước chân kia” mà thôi.

Thật ra sống ở vùng đất cách biệt với thế giới bên ngoài như thế này thì tôi chưa sẵn sàng. Nói theo kiểu đạo đời là tôi chưa “ngộ” và chắc cũng còn lâu lắm tôi mới “Ngộ” để cho lòng mình “sắc sắc không không”, coi chuyện không có wifi là chuyện nhỏ, coi chuyện bỏ nước mắm ăn ketchup là chuyện thường, coi chuyện lái xe một tiếng đến cái shopping square vỏn vẹn hai tiệm quần áo, một tiệm pizza, một tiệm ăn Tàu dở ẹc là chuyện không đáng nói. Lòng tôi chưa lắng nên tôi còn mải lo chặng đường hai tiếng chỉ có hai cây xăng, năm nhà thờ, hơn chục cái nghĩa địa và hàng hàng lớp lớp rừng mới đến được cái phi trường gần nhất. Dù cho cũng từng đó thời gian sẽ đưa tôi đến các bãi biển tuyệt vời của Florida. Panama City, Destin, Pensucola, Mobile cát trắng tinh như đường, biển và trời đều xanh biếc đón không biết bao nhiêu du khách, ngay trong tầm tay đấy nhưng tôi về với cái xứ cao bồi Texas của tôi thôi.


Jenny of Alabama
Thế cho nên Sweet Home Alabama chỉ là một chuyến công tác kéo dài, đôi khi mệt mỏi, phần nhiều là mệt lè vì những chuyến bay liên tục khiến nhân viên phi trường, nhân viên thuê xe nhẵn mặt, những chuyến lái xe suốt hai tiếng đồng hồ từ Florida, rồi chừng đó thời gian lái trở về, cộng với nỗi nhớ nhà khôn nguôi. Thật ra đôi khi có niềm vui đây kia từ phía các nhân viên mới mà tôi đã từng muốn giết quách cho rồi. Niềm vui ngày đầu tiên đổi sang system, các bảng giá của tôi không tì vết, các chuyến xe tải rùng rùng chở hàng đi, cả lũ hoan hỉ vỗ tay rồi dẫn nhau đi uống Margarita. Say bí tỉ quay ra nói xấu sếp các loại, dù rằng có sếp đã ra người thiên cổ và  có sếp đang ngắc ngoải trên xe lăn chúng tôi cũng không tha. Chếch choáng hơi men lúc chín giờ rưỡi tối bảo nhau tụi mình đã “close out” cái tiệm ăn này, có nghĩa khi tụi tôi ra khỏi cửa tiệm, đèn liền tắt sau lưng, đầu bếp và bồi bàn lục tục theo ra đi về. Tôi về lại Texas cầm theo cái chuông gió bằng sắt kêu leng keng trong vali do một nhân viên mới toe tặng tôi làm kỷ niệm. Cái chuông gió này tôi cẩn thận treo tuốt cuối góc vườn để khỏi mất ngủ. Hậu quả là tôi chưa nghe nó kêu bao giờ cả! Nó ở dưới gốc cây mận, lẫn trong đám lá xum xuê, hơi khuất gió cho nên dù gió có lớn cách mấy, nó vẫn im lặng hoàn toàn. Để rồi tôi sẽ đem nó treo chỗ khác vì không gì buồn hơn bằng một cái chuông gió bị câm.
Các niềm vui ấy thỉnh thoảng trở về làm cho tôi thấy Alabama thật sự không phải là cơn ác mộng của tôi. Nó chỉ là một quãng đời đi làm hơi khác thường của tôi mà thôi và nghe đâu trong tương lai, tôi sẽ còn phải đi như thế nếu hãng tôi quyết định mua công ty nào ở đâu đó. Tôi đang thầm mong hãng mua cái gì ở Denver cho tôi có chỗ đi ski, hay Tennessee cũng được vì rặng Smoky Mountain ngay đó, nếu là Chicago thì tôi quyết sẽ đi xem thử cái Broadway. Thật ra, nếu tôi đã đến được Alabama nhà quê dân dã thì 51 tiểu bang còn lại của nước Mỹ là chuyện nhỏ.

"Sweet home Alabama
Where the skies are so blue
Sweet home Alabama
Lord, I am coming home to you”

Lan Hương
Fort Worth 07/28/17


Wednesday, July 19, 2017

Hùng Vương ơi!



Bạn đến từ thuở học Hùng Vương áo len vàng, quần váy xanh. Lớn lên vào lớp sáu, váy được đổi thành cái áo dài trắng thướt tha. Bạn gặp lại ngồi kể chuyện lớp một có bà giáo già người Pháp, đứa nào chia động từ thì quá khứ, tương lai trúng phóc thì bà cho một viên kẹo ho bọc đường nhỏ xíu the the trong miệng. Bạn kể học lớp hai đi lột vỏ cây xá xị trong sân trường, rồi bảo nhau sao cây không chết dưới bàn tay bọn học sinh phá phách, bạn kể lớp ba ông Tây già chuyên môn đá bay bọn con trai từ đầu lớp xuống cuối lớp…

Có nghĩa là bạn rất xưa, bạn đã không gặp lại nhau 42 năm rồi.

Thì mình cũng thấy hình nhau được gởi qua facebook, messager, nhưng làm sao liên hệ được cậu bé mặt phúng phính với gã đàn ông gõ cửa nhà mình cách đây một tuần, tóc điểm bạc, má vẫn phúng phính cộng thêm cái bụng bia? Làm sao tìm được sợi dây nối kết cô bé tóc thả ngang vai, mặt tròn, mắt hiêng hiếng cùng mình vác thùng đi quyên tiền cứu lụt miền Trung năm 1974 với thiếu phụ mình hạc xương mai nhìn mình cười toe toét trước bậc thềm nhà cách đây một tuần?

Bạn đấy, thuở Hùng Vương thời thơ ấu vàng son của tụi mình. Bạn đến khi ánh nắng gay gắt của Texas đã khuất nhưng vẫn để lại nhiệt độ ấm áp khoảng 90 độ. Trời nóng không cản bạn ôm chặt lấy mình. Mình trong vòng tay bạn bè, thấy cả một thời trẻ thơ quay về. Những năm tháng rất xa ấy, lũ lượt theo bạn trở về trong ký ức mờ mịt của mình. Năm lớp một nhé, học ở Petit Lycee nhé, ngôi trường nằm giữa rừng thông mà từ cửa sổ phòng khách nhà mình nhìn sang thấy nó lẩn khuất trong bóng nắng, trong bóng cây. Rồi đổi sang Grand Lycee năm lớp hai nhé. Cả bọn đứng giữa sân trường ngưỡng mộ nhìn cái tháp chuông cao vút mà không biết rằng mình đang được học ngôi trường đẹp nhất Việt Nam! Ngôi trường mà mình cá rằng đã đi theo tất cả những ai một lần đã từng mặc áo len vàng, quần, váy xanh.  

Ngày hôm đó mình phải quay lại sở sau hai tháng lăn lộn với cái project ở Alabama, không đi làm không được. Buổi chiều về nhà, mình chỉ kịp nấu nồi mì vịt cho bạn, quên mất bạn có cô vợ Tàu chính hiệu, đâm ra món mì của mình bị “múa rìu qua mắt thợ”, sau này nghĩ lại biết vậy nấu bún riêu không có người cạnh tranh! Vừa ăn mình vừa nhìn nhau tìm lại nhau sau 42 năm. Gọi là hội ngộ họp mặt mặc dù vỏn vẹn có ba mống. Bao nhiêu mống cũng được, bạn rất xưa đến mang theo biết bao nhiêu là sợi dây kỷ niệm, rút sợi này, lòi ra sợi khác. Rút càng nhiều càng thấy mình nhỏ dại và ngây thơ biết bao nhiêu cái quãng tuổi lên chín lên mười ấy.  

Mình ngồi ôn chuyện xưa không quên hỏi chuyện hiện tại. Chúng ta đã có con cái, bạn còn có cả con dâu nữa kia. Có lúc chúng ta thoáng ngậm ngùi không tưởng tượng rằng ngày xưa lúc nhảy dây huỳnh huỵch không biết mệt, làm sao nghĩ ra mình phải lưu lạc xứ người và họp mặt ở xứ người. Lúc chúng ta còn bé, nhìn tầng ba của ngôi trường tưởng tượng ra đủ các loại ma lớn, ma nhỏ tự nhát nhau, nhìn tháp chuông cao ngất bảo có cho kẹo cũng không dám leo lên, có mấy ông Việt Cộng chết ở trên đấy hồi Mậu Thân kìa. Lúc chúng ta còn bé, đám con trai chơi tạt lon, đám con gái chơi nhảy dây, làm sao nghĩ ra được khi gặp lại, ngay cả con cái chúng ta cũng đều đã qua cái tuổi niên thiếu ấy rồi, và nhất là cả ba chúng ta mỗi khi cần đọc cái gì thì đều quýnh quáng đi tìm cặp kính lão!

Bạn đến Fort Worth ngay mùa hè nóng nhấp nhỉnh 100 độ F. Mình ngồi nghĩ nát óc không biết dẫn bạn đi đâu cho mát mẻ, gặp mình cái chân lúc nào cũng ở ngoài park, giờ này lôi bạn đi ra rừng chẳng khác nào tra tấn bạn. May sao bạn nghĩ ra cái zoo và mình nghĩ tới những hàng cây bóng mát trong đó. Thế là bộ ba chúng mình đi sở thú. Đã qua cái tuổi ồ à với voi với cọp, với gấu với khỉ. Chúng ta đi mắt để vào chuồng chim nhưng miệng lại nói chuyện năm xưa. Đến tầm chuồng voi thì chúng ta đang ở giai đoạn lớp bốn, qua chuồng sư tử chúng ta lên lớp năm. Đến chuồng chim bay đủ màu, chúng ta lại quay về lớp một, sang chuồng cá sấu chúng ta lên tiếp lớp hai. Cứ như thế, chen vào những lớp những năm là những cái tên bạn học. Bạn moi óc nhớ lại, mình lục tung ký ức để tìm cho ra một khuôn mặt non nớt khớp với cái tên được nêu ra. Chúng ta nhớ cũng nhiều và quên  cũng khá nhiều. Bao nhiêu năm tháng, bao nhiêu nước trôi qua cầu rồi còn gì, phải không bạn?

Buổi trưa dẫn bạn vào downtown Fort Worth. Dalat đã trôi vào dĩ vãng rồi, mình đành nhận Fort Worth làm quê hương và dẫn bạn đi ăn trưa, đi xem nước chảy ồ ạt trong cái Water park. Cả ba thở như cá mắc cạn dưới bóng cây vì cái nóng của Texas nào có tha ai bao giờ? Cũng may có tí nước nên đời còn mát mẻ. Đến lúc này thì chúng ta chú mục vào chuyện sống còn dưới cái nóng tóe khói, chuyện trường lớp, chuyện rừng thông hàng khuynh diệp đành để sang một bên. Cái tháp chuông của Hùng Vương cũng không mang nổi câu chuyện lên hàng đầu vì cả ba đã mồ hôi mồ kê nhễ nhại, và chỉ nghĩ về cái shower nước lạnh chứ không màng đến bất cứ cái tên nào cái kỷ niệm nào nữa cả. Cái nóng đã thui chột mọi tâm tưởng của chúng ta rồi.

Buối tối bạn đến nhà ăn cơm sườn Đại Hàn. Cái vườn rau nho nhỏ của mình hào phóng chia xẻ với bạn từ húng lủi, tía tô, kinh giới đến quế, hành ngò các loại. Riêng kim chi thì mình mua ngoài chợ, bạn cho công thức làm kim chi mình cười ruồi, thì giờ đâu đi cắt cải thảo, phơi héo rồi mắm muối nhét vào hũ? Bạn không ăn cơm đã cả tuần nay, nói như mình thì suốt chuyến du hành từ Maryland qua Atlanta đến Texas, bạn cơm đường cháo chợ một trăm phần trăm. Nhìn tô cơm trắng của mình, dân Việt chính gốc đi đâu cũng là Việt nên bạn vui mừng ra mặt. Mình lại hối hận với cái nồi mì vịt ngày hôm qua, biết vậy mình nấu cho bạn một nồi canh chua cá, xào cho bạn đĩa thịt bò với cải làn…Bạn xua tay bảo như thế này là nhất rồi. Mình vẫn áy náy bạn ạ.

Ngày hôm sau mình dẫn bạn đi xem in tiền. Cả nước Mỹ chỉ có hai chỗ in tiền giấy, các tờ dollar xanh xanh in hình các vị tổng thống ấy. May sao một chỗ ngay gần nhà mình, đi xem không tốn tiền vào cửa, chỉ cái không được mang phone, máy ảnh vào selfi chơi. Nhìn từng kiện tiền cả lũ thốt lên “Tiền ơi là tiền!” và đứa nào cũng ước không cần cả kiện, một khối be bé thôi cũng đủ cho chúng ta nghỉ việc ngay lập tức và lên đường đi chu du. Nhìn máy móc làm việc bạn thốt lên thế thì làm bạc giả thế nào được? Mình toàn xài credit card, ít khi có tiền mặt trong người, đôi khi đi ăn chung với bạn bè, đến khi trả tiền thì phải hỏi vay vì tiệm không nhận credit card! Thế cho nên nhìn tờ 100 dollar mình hơi lạ lẫm với cái màu tim tím ấy. Mình tò mò hỏi thế có in tiền 500, 1000 nữa không thì tin vui cho ai có những tờ này, giữ tiệt trong nhà nhé, chớ đem ra xài vì đó là của hiếm, họ không in những đồng tiền cao giá như vậy từ lâu rồi, và chúng chỉ để cho collection, giá trị ghê lắm. Mình tò mò hỏi thêm thế khi nào quý vị in tiền có hình người đàn bà đầu tiên trên tờ 20 đô? Câu trả lời là năm 2020. Về nhà nói với thằng con thì nó bảo chẳng hiểu tại sao lại lựa bà Rose Park, người phụ nữ da đen quyết định phải đi xe bus thập niên 1950 để đòi quyền bình đẳng màu da và giới tính. Nó nói thêm bà đó sao bằng tổng thống Jackson được? Con ơi đó là Obama và là sắc màu chính trị.

Sau khi lặn lội với cả đống tiền, chúng ta đi kéo ghế ăn bò bảy món. Mình hơi ngạc nhiên khi biết bạn chưa bao giờ ăn món này, sau chợt nhớ ở Maryland ít người Việt và vợ bạn là người Tàu thì bò ba món e đã là khó rồi. Bạn bảo nhà quê lên tỉnh, mình đính chính ai cũng bảo Texas dân cao bồi ít học, dân Maryland trí thức hơn, bạn bảo quê mùa thì có, bảy món thịt bò không biết gọi tên. Không cần biết tên bạn ạ, cứ cuốn chúng trong bánh tráng với bánh hỏi với rau rồi chấm mắm nêm hay nước mắm, dân dã người Việt mình là ở chỗ này thôi. Trong bữa ăn cả bọn thỉnh thoảng vẫn lôi nhau về những kỷ niệm xưa, lần này thoát ra ngoài hàng rào trường Hùng Vương, bọn mình nhắc đến Nguyệt Vọng Lầu, phở Huỳnh, phở Tàu Bay, nhà hàng Kim Linh, bạn nhắc đến tiệm kem Việt Hưng gần rạp Ngọc Lan. Minh bảo bạn có biết rằng tất cả những ngôi trường lớn ở Dalat trường nào cũng chiếm cứ cả một ngọn đồi không? Từ Hùng Vương đến Trần Hưng Đạo, Bùi Thị Xuân, Lycee Yersin, Couvent des Oiseaux…Bây giờ hẳn nhà cửa chen chúc, chẳng còn thấy đồi với dốc đâu cả. Bạn nhắc tới con dốc đến trường Hùng Vương ngang qua nha Địa Dư, cả bọn còn nhớ tới nhà ga Dalat và một góc hồ Xuân Hương. Cả ba chúng mình đều ra khỏi xứ khá lâu và chưa đứa nào quay về. Các hồi tưởng của bọn mình đều dừng lại vào cái khoảng năm 1988, 1989, hoặc tệ hơn nữa, năm 1975. Bạn kêu sao bạn không nhớ cái buổi học cuối cùng ấy? Mình thì nhớ như in. Sau đó một bạn vượt biên sớm, theo tàu chiến hạm ra khơi, hai đứa còn lại chia tay hai ngả, mình bên Bùi Thị Xuân, bạn bên Thăng Long. Thỉnh thoảng tự hỏi chúng ta cùng chung một thành phố đến cả mấy năm mà không nghĩ đến chuyện gặp nhau, để phải sang tận đây, lái xe suốt hai ngày mới tìm lại nhau.

Mình dẫn bạn thăm Dallas, nơi nổi tiếng với tòa nhà 6 tầng mà Lee Harvey Oswald núp sau đống thùng sách bắn chết John Kennedy năm 1963. Cả bọn thơ thẩn đọc hết chừng đó tấm panels, xem chừng đó phim về ngày cuối cùng của Kennedy thì đâm ra mỏi chân. Mình vốn không thích Kennedy nên cũng xem loáng thoáng, vả lại phim ảnh về ông ta cũng khá nhiều và khá gần với những gì đang được chưng bày kia. Nhìn qua khung cửa sổ, mình thấy tòa lâu đài màu đỏ, cái Red Castle mà trước khi đến đây bạn hỏi nó ở đâu. Lúc đó mình nghĩ nát óc Dallas làm gì có tòa lâu đài nào, các building chọc trời thì nhan nhản ra. Ai ngờ nó chỉ ở bên kia đường. Bạn vốn thích chụp hình các kiến trúc xưa cổ nên cả bọn lại lặn lội dưới cái nóng đến gần lâu đài để làm dáng. Bạn cũng đã để chân cạnh cái dấu thập trắng toát giữa đường đánh dấu nơi Kennedy bị bắn chết trên con đường Elm nóng rực dưới bầu trời xanh biếc của mùa hè. Dallas còn có những chỗ khác để đi nhưng trời chiều rồi và bạn quyết định về nhà.

Và chúng ta chia tay. Cả ba đứng ôm nhau nói không biết đến bao giờ gặp lại. Mình bảo hai ngày ngắn quá, bạn bảo ừ ngắn thật, ngày vui qua mau. Mình dặn nhớ đừng để lâu quá mới gặp lại nhau. Suốt hai ngày tụi mình hết hẹn nhau đi Las Vegas, rồi đi cruise, rồi sang Altanta, rồi lên Maryland, vân vân. Đến khi chia tay vẫn chưa biết năm nào mới được nhìn lại những khuôn mặt này. Bạn quay về lại miệt đông, mình quay về nhà,  bồi hồi vì những gì đã tìm lại được. Kỷ niệm thời thơ ấu khi nào cũng êm ái và tươi đẹp dù rằng mình buồn muốn khóc.

Chia tay thôi, Hùng Vương ạ!


Lan Hương
Fort Worth 07/19/2017

(Tặng Vân và Thế,  bạn đã đem kỷ niệm đến với mình)