Rồi có lúc tôi sẽ ngồi nhớ lại những ngày lặn
lội ở Alabama với một tâm trạng khác hẳn, không như lúc tôi ngồi Uber mỗi sáng
thứ hai, tầm năm giờ sáng ra phi trường, buồn rầu ngắm ánh đèn hiu hắt của cây
xăng gần nhà, tự hỏi tại sao mình phải ra đi lúc sớm tinh mơ trời còn tối mặt thế
này, để lại hai con chó nhìn tôi oán trách, một ông chồng mất phương hướng khi
không có vợ ở bên, và hai thằng con luôn ngạc nhiên “Mẹ lại đi nữa hả?” Và tôi
thì là chỉ muốn bỏ việc quách!
Sweet Home Alabama |
Rồi có lúc tôi sẽ nhìn lại Alabama dịu dàng
hơn, không như tôi hằng trốn chạy nó mỗi thứ năm ngồi canh giờ check in chuyến
bay, sáng thứ sáu dậy sớm hơn thường lệ để hân hoan lái xe về lại phi trường Florida,
nóng lòng chờ máy bay quay về Texas, rồi lại ngồi Uber ngán ngẩm với hàng xe cộ
dày đặc trên freeway, tự hỏi khi nào tôi mới về đến nhà được. Con đường về nhà
khi nào cũng là đường thiên lý.
Tôi đến Alabama khoảng giữa tháng Năm, khi
cái nắng oi ả của Texas đã nhấp nhổm đâu đó, khi những cơn mưa bất thường của
Texas vẫn còn giận dữ trút xuống mảnh vườn trồng rau thơm tí hon của tôi. Tôi đến
Alabama, choáng ngợp trước màu xanh mướt của cỏ của cây vì mưa nhiều, khí hậu dịu
mát hơn so với Texas đang chuẩn bị đổ lửa, kinh ngạc trước vẻ hoang dã đậm đà
chất nhà quê của tiểu bang miền Trung Mỹ này. Tôi đã được báo trước nên không
ngạc nhiên khi vừa ra khỏi freeway 10, con đường xuyên bang từ Đông sang Tây của
nước Mỹ, rẽ lên phía Bắc khoảng hai dặm, tôi lọt thỏm vào giữa rừng cây. Thì có
sao đâu, tôi vốn yêu thiên nhiên và màu xanh lá cây là màu của tôi. Nhưng nếu bị
lạc toe toét trong đám rừng xanh um đó, điện thoại không sóng, GPS câm tịt, và
tôi thì chỉ còn biết lái thẳng trên con đường làng vỏn vẹn hai làn chiều lên
chiều xuống, tiệt không bóng nhà cửa và tôi thì không dám quẹo trái hay quẹo phải,
nhìn quanh cây xanh cao vút vây bủa tứ phía thì đó là chuyện khác. Tôi phóng đến
hơn 80 dặm một giờ hòng thoát ra màu xanh bất tận đó nhanh chừng nào tốt chừng nấy.
Bầu trời Alabama khi đó xanh không thể tả, riêng tôi mắt liếc tứ phía nhìn đường,
vô vọng tìm bóng người bóng xe nên không cảm được cái màu xanh này. Chỉ đến khi
tôi bị nhuyễn nhừ trên các con đường nhỏ ngoằn ngoèo dẫn từ Florida đến Elba,
nhắm mắt cũng đi được, tôi mới dám ngước mắt nhìn trời, tự hỏi xanh như thế có
bằng màu xanh của Texas? Bằng màu xanh thăm thẳm của Taos năm nào đi ski? Thật
ra mang cùng tên nhưng mỗi màu xanh đều khác nhau cả đấy thôi. Tôi lái xe ở
Alabama nhưng hồn tôi ở cùng Texas, không biết bên đó đang mưa hay nắng và đôi khi tôi tự hỏi
mình đang làm gì ở đây vậy? Có một lần đến Alabama, trời mưa như trút, quạt nước
mở tối đa tôi vẫn không nhìn thấy gì đành tắp xe bên lề chờ mưa ngớt. Tôi nhìn
cánh đồng ướt sũng, con đường ướt sũng, bầu trời ướt sũng xà thấp xuống, nghĩ
giá mà lượng nước này được san sẻ cho Texas đang chết khô của tôi. Thêm một lần
khác đến Alabama trời sương mù, lần này tôi đã thuộc đường làu làu rồi, tôi ung
dung lái trong đám sương trắng lởn vởn để đến với cái thế giới mà cha sinh mẹ đẻ,
tôi không tưởng tượng ra có ngày mình ở đây.
Riêng Elba, gọi cho sang là thành phố, theo
tôi chỉ là một cái làng, thì nhỏ xíu. Nếu Ban Mê Thuột đi dăm phút đã về chốn
cũ thì Elba không được đến dăm phút, chỉ cần một phút đã ra khỏi thị trấn! Tôi
đi giữa cái gọi là downtown của Elba, ngỡ mình quay về tầm đầu năm 1930, khi nạn
khủng hoảng kinh tế gõ cửa từng nhà, với những hàng quán đóng im ỉm, cửa chính
đóng ván gỗ chặn ngang, cửa sổ kính bể vụn nhền nhện giăng tơ. Riêng tòa nhà
Court House vẫn còn mới mẻ sáng choang sát cánh với cái nhà quàn cũng sáng
choang không kém và ty Cảnh sát thì ngay đó, vỏn vẹn hai xe đậu trước cửa. Cư
dân Elba đa phần người lớn tuổi và là da trắng. Tuổi trẻ đã bỏ xứ ra đi tìm chốn
thị thành, dân da đen không thấy mấy kẻ. Tôi đến Elba, mang theo một màu da
khác, một màu tóc khác. Thiên hạ thỉnh thoảng liếc nhìn tôi hiếu kỳ nhưng không
đến nỗi lỗ mãng nhìn tôi chòng chọc.
Walking trail - |
Pea River Lodge |
Tôi đến Elba của Alabama ngỡ ngàng với cuộc
sống thong thả, không gì vội của tỉnh lẻ. Tôi mang phong cách thị thành, lái xe
nhanh không chịu nổi vận tốc chỉ có 25 dặm một giờ, chân tôi giậm thắng nhấp nhổm
ở mức 35, mắt liếc chừng không biết cảnh sát Elba đang ở đâu. Tôi thôi thúc muốn
bắt tay làm việc gấp thì gặp phải giọng nói lè nhè, kéo dài đủ mọi âm tiết và đến
đúng 4 giờ rưỡi thì không có câu hỏi nào được phép đặt ra bởi năm giờ chiều mọi
người tự động tắt máy, tắt đèn, buông mành ra về, bất kể chuyện đã xong hay
không xong, bất kể tôi ngồi chưng hửng với cái project ở lưng chừng xuân.
Alabama bị thiên hạ chế giễu nói tiếng Mỹ giọng nhà quê. Cứ phát âm tất cả những
chữ “a” thành “e” thì bạn sẽ thành Alabama chính hiệu. Nghe na ná như Nha Trang
xứ mình nói tiếng Việt vậy.
Thế nhưng chỉ cần hai tuần tôi bắt nhịp
theo họ, nhập gia tùy tục. Tôi đi ăn trưa đủng đà đủng đỉnh, quen với chuyện gọi
một cái hamburger ngồi nửa buổi chưa thấy có mặc dù tiệm chỉ vỏn vẹn dăm mống
thực khách. Tôi quen chuyện ra quán ăn hỏi thăm tất tật mọi người chán chê mới
bắt đầu gọi món. Và tôi không còn thắng gấp ở cái tốc độ 25 dặm một giờ nữa. Đến
đúng bốn giờ tôi tự động gói gọn mọi chuyện, xách laptop ra về cùng với họ lúc
năm giờ, để lại sau lưng bãi chiến trường ngày mai cùng họ tính sau. Riêng tôi về
khách sạn bật laptop lên làm việc tiếp!
Elba Court House |
Cái bãi chiến trường đó là của tôi trong
hai tháng trời. Kết thúc vào giữa tháng bảy khi cả công ty được chuyển sang
system mới, tôi về lại Texas để lại đám nhân viên vẫn còn cực kỳ hoang mang của mình. Nói gì thì nói, đến
bây giờ họ làm việc rất tốt, sai sót đây kia nhưng không đáng kể và tôi thì đã
được cái công ty đó tặng cho một thùng xúc xích đủ loại với tấm thiệp đầy đủ chữ
ký của mọi người, cảm ơn tôi đã chịu khó
xa gia đình, đến giúp họ thay đổi system thành công rực rỡ. Cầm tấm thiệp tôi
khá là cảm động, nhớ những lúc tôi muốn bóp cổ họ rồi đi tự tử cho xong vì
không chịu nổi cái tính lề mề, nước đến chân không thèm nhảy, cháy nhà thì vẫn
thong thả mặc quần mặc áo cẩn thận rồi mới đủng đỉnh chạy. Nhớ những đêm tôi ở
lại khuya, mắt lõ ra đọc tất cả những contract của hãng cũ, chuyển nó qua
system mới, dò giá từng món hàng và tự sửa luôn vì nhân viên đã ra về lúc năm
giờ. Nhớ ngày bốn tháng bảy, tôi lang thang trong thành phố lớn Enterprise cách
Elba 30 dặm, không biết làm gì cho hết buổi sáng ngoài chuyện đi xem tượng thần
Bọ Rày Boll Weevil, bởi hội chợ Đậu Phụng, Peanut Festival chỉ bắt đầu lúc bốn
giờ chiều, và chiều đó đương nhiên tôi phải vào hãng để làm việc đến tối mịt.
Khi lết về được khách sạn, tôi không còn sức đi xem bắn pháo hoa, đứng ở khuôn
cửa sổ khách sạn, tôi lắng nghe tiếng pháo đì đùng đây kia, nhìn những vệt sáng
trên trời lấp ló sau hàng cây rồi quyết định đã xong một ngày lễ tôi xa nhà. Tôi
nhớ những buổi chiều ngồi trong khách sạn, vắt chân trên bàn ngắm hoàng hôn qua
cửa sổ, gặm trái táo lượm dưới phòng ăn. Mặt trời đỏ rực lặn xuống sau hàng
cây, để lại đám mây tím hồng quanh nó. Tuần tiếp theo tôi vẫn ở cùng khách sạn
nhưng phòng khác. Từ căn phòng này không thấy mặt trời lặn nữa vì nó đối xứng với
cái phòng cũ, đâm ra sáng sớm tỉnh giấc thay vì quẹo phải vào phòng tắm tôi
quen thói quẹo tay trái đâm vào cái ghế sa lông! Hai tuần tiếp theo tôi không
muốn đầu óc mình hoang mang nên đề nghị được ở lại căn phòng đó, đành hy sinh
những buổi hoàng hôn, thỉnh thoảng vớt vát tự nhủ mưa như thế chẳng có mặt trời
nào mà nhìn.
Boll Weevil Status |
Ròng rã hai tháng trời ở Elba Alabama,
thiên hạ hỏi đùa tôi có ý định muốn dọn nhà sang đó ở luôn không. Nhà cửa ở đây
khá rẻ. Đời sống vô cùng đơn giản. Hai trăm năm chục ngàn tôi sẽ có ngôi nhà
trên đỉnh đồi, hơn năm mẫu đất chung quanh, được biếu không bốn con ngựa và một
con lừa già tên Jenny 18 tuổi! Nếu tôi chịu đổi sân tennis để sáng sáng cưỡi một
trong bốn con ngựa, nếu tôi hy sinh các con đường hiking ở Knob Hills, cái park
Arcadia gần nhà, đổi lấy việc chăn Jenny, nếu tôi không biết đến shopping là gì
và quên luôn chuyện đi chợ mua thịt bò Đại Hàn, mua nước mắm, mua rau muống, chỉ
rặt ăn đồ Mỹ thì cũng là điều đáng suy nghĩ. Nếu tôi chịu đổi cái tiệm vừa bán
đồ ăn vừa gội đầu uốn tóc, bao đồng việc bán lẻ quần áo các cỡ tên Happy Place,
bà chủ là khách hàng của hãng tôi, chồng của bà chủ là nhân viên của hãng tôi với
tiệm Tokyo One sushi buffet hàng hàng lớp lớp ở Dallas, thì tôi sẽ có một cuộc
đời giản dị, kiểu “ngày ngày chỉ việc đặt chân này trước chân kia” mà thôi.
Thật ra sống ở vùng đất cách biệt với thế
giới bên ngoài như thế này thì tôi chưa sẵn sàng. Nói theo kiểu đạo đời là tôi
chưa “ngộ” và chắc cũng còn lâu lắm tôi mới “Ngộ” để cho lòng mình “sắc sắc
không không”, coi chuyện không có wifi là chuyện nhỏ, coi chuyện bỏ nước mắm ăn
ketchup là chuyện thường, coi chuyện lái xe một tiếng đến cái shopping square vỏn
vẹn hai tiệm quần áo, một tiệm pizza, một tiệm ăn Tàu dở ẹc là chuyện không
đáng nói. Lòng tôi chưa lắng nên tôi còn mải lo chặng đường hai tiếng chỉ có hai
cây xăng, năm nhà thờ, hơn chục cái nghĩa địa và hàng hàng lớp lớp rừng mới đến
được cái phi trường gần nhất. Dù cho cũng từng đó thời gian sẽ đưa tôi đến các
bãi biển tuyệt vời của Florida. Panama City, Destin, Pensucola, Mobile cát trắng
tinh như đường, biển và trời đều xanh biếc đón không biết bao nhiêu du khách, ngay
trong tầm tay đấy nhưng tôi về với cái xứ cao bồi Texas của tôi thôi.
Thế cho nên Sweet Home Alabama chỉ là một
chuyến công tác kéo dài, đôi khi mệt mỏi, phần nhiều là mệt lè vì những chuyến
bay liên tục khiến nhân viên phi trường, nhân viên thuê xe nhẵn mặt, những chuyến
lái xe suốt hai tiếng đồng hồ từ Florida, rồi chừng đó thời gian lái trở về, cộng
với nỗi nhớ nhà khôn nguôi. Thật ra đôi khi có niềm vui đây kia từ phía các nhân
viên mới mà tôi đã từng muốn giết quách cho rồi. Niềm vui ngày đầu tiên đổi sang
system, các bảng giá của tôi không tì vết, các chuyến xe tải rùng rùng chở hàng
đi, cả lũ hoan hỉ vỗ tay rồi dẫn nhau đi uống Margarita. Say bí tỉ quay ra nói
xấu sếp các loại, dù rằng có sếp đã ra người thiên cổ và có sếp đang ngắc ngoải trên xe lăn chúng tôi cũng
không tha. Chếch choáng hơi men lúc chín giờ rưỡi tối bảo nhau tụi mình đã
“close out” cái tiệm ăn này, có nghĩa khi tụi tôi ra khỏi cửa tiệm, đèn liền tắt
sau lưng, đầu bếp và bồi bàn lục tục theo ra đi về. Tôi về lại Texas cầm theo
cái chuông gió bằng sắt kêu leng keng trong vali do một nhân viên mới toe tặng tôi
làm kỷ niệm. Cái chuông gió này tôi cẩn thận treo tuốt cuối góc vườn để khỏi mất
ngủ. Hậu quả là tôi chưa nghe nó kêu bao giờ cả! Nó ở dưới gốc cây mận, lẫn trong
đám lá xum xuê, hơi khuất gió cho nên dù gió có lớn cách mấy, nó vẫn im lặng
hoàn toàn. Để rồi tôi sẽ đem nó treo chỗ khác vì không gì buồn hơn bằng một cái
chuông gió bị câm.
Các niềm vui ấy thỉnh thoảng trở về làm cho
tôi thấy Alabama thật sự không phải là cơn ác mộng của tôi. Nó chỉ là một quãng
đời đi làm hơi khác thường của tôi mà thôi và nghe đâu trong tương lai, tôi sẽ
còn phải đi như thế nếu hãng tôi quyết định mua công ty nào ở đâu đó. Tôi đang
thầm mong hãng mua cái gì ở Denver cho tôi có chỗ đi ski, hay Tennessee cũng được
vì rặng Smoky Mountain ngay đó, nếu là Chicago thì tôi quyết sẽ đi xem thử cái
Broadway. Thật ra, nếu tôi đã đến được Alabama nhà quê dân dã thì 51 tiểu bang
còn lại của nước Mỹ là chuyện nhỏ. Jenny of Alabama |
"Sweet home Alabama
Where the skies are so blueSweet home Alabama
Lord, I am coming home to you”
No comments:
Post a Comment