Cọp Trắng hay là White Tiger, là cuốn tiểu thuyết của nhà văn Aravind Adiga. Cuốn sách này đoạt giải Man Booker Prize năm 2008.
Truyện xảy ra ở Ấn Độ, đọc nghe mùi Việt Nam trong đó, vì cảnh xã hội phân chia "Bóng Tối" và "Ánh Sáng" sao quá quen thuộc, cảnh một người đi làm nuôi cả nhà không xa lạ, cảnh đầy tớ với ông chủ chẳng phải lần đầu mới biết.
Truyện ở đây muốn nói là tác giả, Aravind Adiga, ở Mỹ về lại Ấn Độ sau một thời gian sinh sống xứ người, Ông ta nhìn ra những cảnh mà dân bản xứ không thấy hoặc điềm nhiên coi như là chuyện bình thường. Ông nhận ra ngay xã hội phân chia giàu nghèo rõ rệt, giai cấp tầng tầng lớp lớp chỉ tổ làm cho đất nước Ẩn độ của ông không khá lên được, mặc dù ông nhận xét "hơn 80% kỹ thuật vi tính" đang nằm ở Ân, ấy là nếu ông nói đến đội ngũ "Customer Service", ban ngày thì ngủ, ban đêm thức trắng phục vụ cho gần toàn bộ thế giới. Nếu không tin, thử gọi customer service của IBM, của GE, của Samsung. Bảo đảm sẽ nghe thấy tiếng Mỹ pha cà ri, mặc dù đầu dây đã tự xưng "This is James, may I help you?" Sau đó thì người gọi lẫn người nghe đánh vật với tiếng Anh vì mạnh ai nấy nói, mạnh ai nấy hiểu.
Nhân vật chính, Balram Halwai, hay Cọp Trắng, là một người không chịu số phận suốt đời làm đầy tớ, hay nói trắng ra là kiếp nô lệ. Mang mầm mống "phản động" từ thuở niên thiếu, Balram được gọi là Cọp Trắng, của quý hiếm, hay tiếng Việt có chữ hiền lành hơn, Cừu Đen. Suốt cuộc đời Balram chỉ mơ được một ngày thoát kiếp đầy tớ, dù cho có phải giết người, cụ thể là lão chủ, để sống một ngày không phải hầu hạ ai, không phải chùi chân cho ai. Và ông kết luận, nếu giết người để được có một ngày tự do như con người vốn phải có, thì rất xứng đáng và không hối hận gì.
Tôi đã từng nghe sông Hằng linh thiêng chảy ngang Ấn Độ, Aravind nhìn ra đó là một con sông hôi thối, mang mầm mống bệnh tật, mang xác chết từ đầu nguồn trôi xuống cuối nguồn, không xác chết thì là tro của xác chết, và trẻ em hồn nhiên bơi lội trong dòng nước đen thui, hôi hám. Nghe na ná như cầu Ông Lãnh hay cầu Thị Nghè. Ông mô tả thành phố Deli, thành phố không ngủ của những con người sống bên vệ đường, những người cả đời không biết đến một mái nhà là gì. Ông mô tả Pinky Madame, phụ nữ Ấn từ Mỹ về không chịu nổi đồng bào của mình, chân trước chân sau muốn quay lại Mỹ, mặc dù New Deli đang cố bắt chước New York ở những tòa nhà chọc trời, riêng ở Ấn thì khi nào cũng có xây tầng hầm dành riêng cho đầy tớ chứ không phải tầng hầm cho xe hơi đậu. Ông mô tả Ashok, cũng từ Mỹ về, tưởng đâu khá hơn với người anh em sống ở Ấn, rốt cuộc vẫn bộc lộ bản chất "địa chủ", vì nó vốn là vậy rồi.
Để dành tình tiết cho người đọc, mình chỉ nói ngắn gọn, hãy đọc Cọp Trắng, để thấy tại sao mình lại thông cảm với nhân vật chính đến thế.
Lan Hương
Fort Worth 05/0`/2018
No comments:
Post a Comment