Bastogne
là một thành phố nhỏ nằm trên vùng núi cao nhất của Bỉ. Gọi là cao nhưng cũng
chưa phải như những ngọn núi nhọn hoắt của dãy Alpes quanh năm tuyết phủ. Ở đây
mùa đông đến sớm hơn và mùa xuân về muộn hơn so với dưới đồng bằng thành phố
nơi tôi ở. Định cư ở xứ này hơn 20 năm vậy mà tôi cũng chưa một lần đến đây mặc
dù vẫn thường nghe nói về địa danh này. Chả là vì nơi đây đã xảy ra một trận
chiến ác liệt trong năm cuối của Thế Chiến Thứ Hai, trận đánh vùng Ardennes, nổi
tiếng không thua gì trận Normandie với
ngày đổ bộ D Day lịch sử. Nhất là ở bên
kia bờ Đại Tây Dương, vì quân lính Mỹ đã nằm xuống rất nhiều ở đây, hơn cả ở bờ
biển Normandie ngày đổ bộ. Có lẽ người Mỹ khi nghe nói đến Châu Âu thì chỉ biết
liên tưởng đến Normandie và Bastogne nơi đã ghi đậm dấu chân ông cha họ.
Năm
nay ở Bỉ lại tổ chức rất lớn kỷ niệm trận đánh Ardennes với ba ngày lễ lạc, diễu
hành các thứ. Tình cờ xem TV truyền lại
chương trình này tôi chợt thấy ở Bastogne trời đang đổ tuyết, vua quan đang đội
nón mang dù đi dưới các bông tuyết đang rơi và cảnh vật chung quanh thì trắng
xóa. Ôi tuyết đầu mùa như mời gọi, thế là chúng tôi quyết định hôm sau đến thăm
Bastogne, một công đôi việc, trước là đi xem tuyết, sau là thăm nơi kỷ niệm trận
đánh Ardennes . Tôi vốn rất thích tìm hiểu
về lịch sử; ngày xưa đi học, về môn này khi nào tôi cũng đứng nhất! Các sách vở
minh họa, hồi đó chỉ lù mù không rõ ràng lắm, nhưng 2 trận chiến Thế Giới I
và II tôi đều phải học thuộc nằm lòng.
Nay vì đã được định cư ở một nước ở Châu Âu, bỗng nhiên mình thấy gần gũi hơn với
lịch sử của họ và cũng muốn tìm hiểu thêm về những gì các dân tộc ở đây đã phải chịu đựng trong
quá khứ.
Sáng
hôm sau chúng tôi lên đường. Trước khi đi, xem dự báo thời tiết, thấy
nói ở trên núi cao nhiệt độ là 0°c và tuyết vẫn còn đọng lại đó như
thêm mời gọi chúng tôi. Trong khi ở Bruxelles thì chẳng có gì cả, không mưa là
may lắm rồi, lại còn le lói vài tia nắng yếu ớt! Dọc đường đi, nắng càng ngày
càng nhiều hơn, có chỗ có sương mù bao phủ chẳng thấy gì, nhưng càng lên cao,
càng thấy lạnh hơn. Và kìa, tuyết đây rồi ! Bắt đầu lác những bông tuyết
còn đọng lại bên đường, rồi mỗi lúc một nhiều thêm. Sau thành phố Liège, cảnh vật
bắt đầu trắng xóa với những hàng thông bị
tuyết phủ và các cánh đồng màu trắng lấp lánh dưới mặt trời. Xa xa là những
ngôi nhà nhỏ miền quê đang nhả khói, cảnh vật thật thơ mộng y như như những tấm
carte postale mùa Giáng Sinh ngày xưa. Tất cả đang ngập trong nắng mai; đẹp đến
mê hồn! Chúng tôi đã phải dừng lại bên đường để kịp chụp những tấm hình để đời.
Trời đất chứng giám cho nhé, ở Bỉ cũng có tuyết đấy chứ! Chả là dạo này vì toàn
cầu đang bị hâm nóng nên thường mùa đông chẳng còn thấy tuyết đâu mà chỉ có mưa
và mưa! Chúng tôi đi qua vùng Hautes Fagnes đến địa điểm cao nhất của xứ Bỉ là
Barraque de Fraiture, nơi thỉnh thoảng cũng có đủ tuyết để thiên hạ lên đây trượt
ski. Vẫn những rừng thông phủ tuyết trắng xóa trùng trùng điệp điệp, cứ ngỡ
mình đang lên những vùng trượt tuyết nổi tiếng của Pháp!
Đến
thành phố Bastogne, bắt đầu thấy thiên hạ đang kéo về đây, xe cộ đậu đầy bên đường,
người người hăng hái đi bộ, xen vào đó rất
nhiều lính tráng với quân phục và quân cụ, phù hiệu đầy người. Tôi tự hỏi sao lại
nhiều lính thế nhỉ, và chợt nhớ ra hôm
nay là ngày diễu hành và dân chúng tự hóa trang thành lính thời Đệ Nhị Thế Chiến
để kỷ niệm trận đánh Ardennes. Lại còn các loại xe tăng thiết giáp,
xe jeep, xe moto của thời xưa đó
cũng được mang ra chùi rửa đánh bóng và đang
kéo ra đầy đường. Chúng tôi len lỏi trong dòng xe cộ và người đó để đến
đài kỷ niệm trên một ngọn đồi. Nơi đây đã được xây cất một đài tưởng niệm tri
ân các người lính Mỹ đã ngã xuống để bảo vệ Bastogne và chặn đường tiến của
quân Đức Nazi manh nha đến chiếm cảng
Anvers nhằm cắt đường tiếp viện của quân Đồng Minh vào cuối tháng 12 năm 1944. Tượng đài hình
ngôi sao 5 cánh, bên trên có khắc tên của tất cả 51 tiểu bang của Mỹ, trên vách
tường là tên của các đơn vị đã tham chiến ở đây cộng với dòng chữ tóm tắt diễn
tiến của trận đánh kéo dài hơn 1 tháng trời trong vùng này. Nơi đây cảnh vật đẹp
tuyệt vời với tượng đài vươn cao trong nắng mùa đông, chung quanh là những hàng
thông phủ tuyết trắng.
Đêm hôm qua ở đây
đã có buổi lễ lớn với show âm thanh và ánh sáng, thêm mục bắn pháo bông nữa. Một
cầu thang xoắn ốc dẫn lên sân thượng, trên đây còn ngập tuyết giờ đã đông thành
đá, trơn phải biết, phải bám vào lan can mà đi, và tôi cũng đã kịp thời chụp ếch
một lần đau điếng. Từ trên cao, cảnh vật chung quanh thật đẹp, xa xa là thành phố Bastogne nhỏ bé đang nép
mình giữa những núi đồi chập chùng. Ở
đây tôi cũng gặp nhiều khách đến thăm, phần lớn là người Mỹ, từng nhóm từng
đoàn với hướng dẫn viên du lịch. Chúng tôi có gặp một ông cựu chiến binh
Veteran, mặc quân phục với đầy huy chương ngồi xe lăn được con cháu dẫn đến đây
và được đỡ lên mấy bậc cầu thang. Thời ông có mặt và tham chiến ở đây đã 70 năm
rồi, thuở đó ông đang độ tuổi thanh xuân đôi tám hai mươi có lẽ, giờ đây hồi ức
về những gì đã xảy ra cho ông và các đồng đội chắc đang làm cho lòng ông se lại
bùi ngùi.
Veteran |
Mùa
đông năm 1944 ấy còn khắc nghiệt gấp mấy lần hôm nay. Thuở đó cũng có lúc sương mù bao phủ dầy đặc khiến
máy bay đồng minh không đi trinh sát và đổ quân tiếp viện được, và bên dưới nhiệt
độ còn xuống – 15°C. Những đoàn quân cầm
cự ở đây cũng như những thường dân ẩn núp trong các nhà kho hay trong những hầm trú ẩn ký ức của họ là gồm 3 chữ : lạnh, đói và sợ. Quân Đức thời đó còn rất hung hãn vì mặc dù
đang thua ở mặt trận phía Tây và phải rút lui dần về xứ, nhưng đã được lệnh phải
dốc mọi sức lực trong cuộc chiến vùng rừng
núi Ardennes này như một lần cuối vùng dậy
cố gắng chọc thủng hàng phòng ngự của Đồng Minh. Một mất một còn, cả hai bên đều
quyết chiến, và ở giữa là thường dân
cũng chịu nhiều số phận đau thương. Đó là chưa
kể những sự tàn sát vô tội vạ của quân Đức vào người dân thường và lính
Mỹ họ bắt được. Ngày nay còn đầy di tích của cuộc chiến này trong vùng. Vậy mà
tôi cũng thấy có một xe ca mang bảng hiệu
từ Đức sang đây thăm viếng nơi này. Hận thù rồi cũng phải xóa bỏ, họ không thể
bị chịu trách nhiệm về hành động của một thiểu số người trong qua khứ. Tất cả
đã là lịch sử rồi, ngày nay chỉ là ký ức để hồi tưởng, để khiến không bao giờ
những cuộc chiến tương tàn như thế xảy
ra nữa!
Patton and Mac Auliffe |
Bên
dưới đài kỷ niệm là một bảo tàng viện mới được sửa sang lại. Bên trong là lịch
sử kể lại trận đánh then chốt của vùng Ardennes này với một concept mới rất hiện đại: có audioguide tự
động dẫn người xem đi, kèm theo lời kể chuyện của 4 nhân vật có thật còn sống
sót trong cuộc chiến này: đó là một cậu bé 13 tuổi sinh trưởng trong vùng, một
cô giáo làng trong hàng ngũ kháng chiến, một sĩ quan Mỹ nhảy dù xuống trong rừng
Ardennes, và một sĩ quan Đức sau bị bắt làm tù binh. Như thế chiến tranh được
nhìn qua mắt của 4 nhân vật tiêu biểu, với
những cảm nghĩ khác biệt nhau. Cuối cùng cả 4 nhân vật đều tập trung trong một
hầm trú ẩn. Trong tiếng bom đạn ầm ầm bên ngoài, trong nỗi lo sợ hoang mang thì
tiếng đàn phong cầm của cậu bé (cậu bé khi
chạy đi nhất định mang theo cái phong cầm nhỏ bé của mình) như đã xoa dịu
đi tất cả. Chiến tranh như đang lùi lại và tiếng đàn dìu dặt đưa mọi người đến
một bến bờ bình yên đến kỳ lạ. Mặc dù chỉ trong chốc lát nhưng lại mang một ý
nghĩa rất đặc biệt, đó là nỗi khát khao
hòa bình của mọi con người trên trái đất này. Cuộc thăm viếng viện bảo tàng này rất đặc biệt và gây nhiều ấn tượng với cách sắp xếp rất hợp lý, với những show bằng
hình ảnh và âm thanh làm sống lại gần
như thật hoàn cảnh lúc bấy giờ.
Đến
cuối tháng giêng năm 1944 thì Bastogne được hoàn toàn giải phóng nhờ quân đoàn
của tướng Patton, vị tướng anh hùng rất được lòng quân lính của mình. Từ vùng Verdun bên Pháp
ông được lệnh rẽ ngang bẻ quặt bước tiến
thẳng về phía Ardennes này để giải vây cho đoàn quân nhảy dù của tướng Mac Auliffe ở đây . Trận chiến Ardennes chấm
dứt với cái bắt tay lịch sử của 2 vị tướng trong tổng hành dinh, tức một nhà
kho ở giữa Bastogne, chấm dứt vĩnh viễn tham vọng bá chủ toàn cầu của Hitler.
Sau
đó chúng tôi ra phố chính của thành phố, ở đây cuộc diễu hành vừa xong, các xe
thiết giáp đang tìm đường ra, các xe jeep, các loại mô tô chen chúc nhau với người đi bộ và lính tráng
đủ kiểu. Không khí như còn đang sôi lên như ngày lễ hội hóa trang lớn. Tản bộ
vào sâu trong phố là khu chợ Noel, đầy dấu tích của lính Mỹ như hồi xưa khi Saigon
được giải phóng. Sau đó trời bắt đầu tối
rất nhanh, rồi đột nhiên sương mù trùm xuống bao phủ lấy mọi vật. Những ánh đèn
trang hoàng lù mù trong sương. Mọi người hối hả ra về, hoặc đã nhảy vào trong
các quán bia bên đường. Chúng tôi cũng vội vã lên xe ra về, trong lòng hơi hoảng
không biết sương mù thế kia làm sao biết đường mà về? May quá, lần này GPS lại
chỉ một lối khác, không trở lại Hautes Fagnes, vì thế không còn thấy tuyết đâu
nữa và cũng không bị chìm trong màn sương mù đột nhiên kéo ập đến.
Thế là xong một ngày đẹp trời, với phong cảnh
mùa đông tuyệt đẹp và một chuyến hành trình về kỷ niệm lịch sử đầy thú vị . Lần sau các bạn bè có ghé đến xứ Bỉ này, chắc chắn sẽ được dẫn đến đây thăm viếng, lúc đó cũng hy vọng có trời nắng đẹp như hôm nay.
Tố
Mai ( 14 – 12-2014 )