Pages

Friday, September 30, 2016

Màu hoa năm xưa


"Cứ tưởng...."
Chị hỏi “Nhà số 7 đấy sao?” Mình ngậm ngùi trả lời “Không , không phải. Đó là hình chụp ở Spain”. Chị nói “Trời ơi, tưởng…”. Mình thở dài, ừ, cứ tưởng… Nhà số 7, mình đã xa nó bao nhiêu năm rồi chưa một lần quay về, lâu đến nỗi nó dường như không còn tồn tại nữa, lâu đến nỗi nó chỉ còn là nỗi ám ảnh thỉnh thoảng hiện về trong những giấc mơ bồi hồi rạng đêm về sáng. Đây chỉ là một góc phố của Pals, nơi có con dốc, vách tường và giàn hoa giấy giống như căn nhà số 7 ngày nào. Góc phố Pals năm 2016 mang hình ảnh số 7 Dalat năm 1980 làm mọi người cứ tưởng, làm mình cứ tưởng…

Trong vòng ba ngày lượn lờ các bãi tắm gần Begur, cả nhà cứ va vào bảng chỉ đường đến Tamariu lúc ẩn lúc hiện, thế là mọi người quyết định đến Tamariu xem có cái gì. Tamariu thuộc về địa phận  Palafrugell nơi du khách đổ đến ồ ạt, tràn đầy các bãi biển nổi tiếng như Calella, Llafranc…So với Palafrugell, Begur chỉ là “nhà quê dân dã”.  


Tamariu
Nhà mình có truyền thống thay đổi ý kiến xoành xoạch, quyết định mọi chuyện chỉ trong tích tắc cho nên thay vì thả cá sấu ở Tamariu, cái mì ống màu tím lại xuất hiện trong làn nước trong vắt của bãi tắm Alga Dolça. Chỉ vì cái tội không thích chốn đông người đấy thôi. Buổi sáng kéo đàn kéo lũ tới Tamariu thì đã khoảng 10 giờ, và theo truyền thống tìm và chờ đậu xe, rồi xếp hàng trả tiền parking đến mướt mồ hôi,  bãi biển Tamariu đã đầy những người không phải lệ thuộc vào xe cộ, có tiền thuê nhà sát bãi biển, rồi thì thả thuyền thả bè đậu kín mặt nước. Cái bà ở quầy Info dúi cho mình một tấm bản đồ in đầy tiếng Tây Ban Nha, lấy cây bút highlight quẹt thêm một màu vàng trên con đường nhỏ xíu nhìn toét mắt, bảo nếu chịu khó đi bộ khoảng 15 phút ra bãi Alga Dolça này thì cảnh sẽ đẹp hơn, sẽ riêng tư hơn, sẽ vắng người hơn. Alga Dolça, cái tên nghemang đầy âm hưởng vùng Địa Trung Hải rực rỡ làm mình quyết chí lôi kéo mọi người từ bỏ Tamariu, chực chỉ Alga Dolça.

Alga Dolca
Nghe lời bà ấy cộng với cái bản đồ, cả lũ lạc toe lạc toét. Càng đi càng thấy xa biển dần dần, xa bãi cát dần dần, con đường vút thẳng lên dốc đến nỗi hai bắp chân muốn bị chuột rút! Nhìn phái đoàn ôm cá sấu với vác mì ống vác dù hì hà hì hụi leo dốc thấy mà thương. Nhưng rồi đường đi nào cũng sẽ tới một cái gì đó. Cả nhà đổ xuống bãi cát Alga Dolça chật ních vào đúng ngọ. Hình như cái bà ngồi ở quầy Info buồn đời quẹt màu vàng cho bất cứ ai đến hỏi thăm nên mới ra cớ sự. Mình tính tách ra đi tìm ghềnh đá nhưng thiên hạ sau khi bị đi lạc vòng vo đã quá mệt nhọc nên quyết định cắm dù ngay bậc thang đổ xuống bãi cho khỏe.  

Nước trong các vịnh khi nào cũng trong hơn, lặng hơn vì ít sóng. Alga Dolça không ngoại lệ. Màu nước trong leo lẻo mời mọc mọi người đeo ống thở vào đi săn cá. Và tất nhiên sau màn đi lạc thì độ lạnh của Alga Dolça chẳng đáng kể. Cá ở Địa Trung Hải màu sắc không bằng biển Carribes nhưng mình chỉ cần nhìn thấy bất cứ con gì miễn không phải là người nhúc nhích dưới nước là mình đã vui lắm rồi.

Pals
Lần này mình không kể chuyện biển nữa mà là chuyện phố cổ Pals kia.  Các phố cổ ở Châu Âu khi nào cũng thu hút mình vì những con đường nhỏ hẹp, cấm tiệt xe cộ đi vào, nhà cửa xây bằng đá, và nếu thấy một pháo đài trên nóc nhà thì chẳng lấy làm ngạc nhiên. Pals là một trong những phố cổ như thế.

Đến Pals vào lúc bốn giờ chiều, sau một chầu bia và tapas ở cái quán ngay bãi biển Tamariu. Đó là tự thưởng cho mình vì lúc đi thì lạc, lúc về đúng đường nên không bị leo dốc, xuống dốc, và đúng y boong mười lăm phút thay vì cả 45 phút như cái bà ở Info đã nói. Pals khá nhỏ, phố cổ đi dăm bước đã hết. Tên đường toàn bắt đầu bằng “Carrer del…” mà mình dịch là “ngõ”, để hình dung những con hẻm này uốn lượn thế nào quanh cái nhà thờ cổ, quanh co cái tháp đồng hồ. Nếu chịu móc hầu bao trả tiền cho hướng dẫn viên du lịch thì chắc sẽ biết nhiều hơn về thành phố này. Hoặc nếu có ông anh rể thì ông ấy sẽ đi đọc cho bằng hết tất cả các bảng ghi chú, vào museum các loại mày mò rồi về kể cho cả lũ nghe. Đàng này nhất định không chịu chi một xu nào, ngoại trừ cho bia, lại không có ông ấy nên cả lũ  vừa đi vừa nhìn chung quanh và đoán mò.

Đại khái như thể nào cũng có một ông vua hay một lãnh chúa sống ở đây, rồi thì sẽ có đánh nhau với ai đó vì nhìn cái dàn pháo đài là biết liền. Mình ngắm nghía một bức tường có để một cái bình cổ cao chót vót, tưởng tượng không chừng cái bình đó đang chứa một đống xương mục của ông thánh bà thánh tử vì đạo nào đó. Nhìn chung quanh chẳng thấy bảng đề gì cả đành ráng đi gần một đoàn khách du lịch đang nghển cổ nghe hướng dẫn viên thao thao bất tuyệt, khổ nỗi cả đám nói tiếng Tây Ban Nha cho nên mình  chào thua. Té ra để giữ gìn cảnh quan và để cho dân địa phương có nồi cơm, các di tích lịch sử ở Pals không được chú mục gì cả. Đành về nhà tìm Google học hỏi thêm.  Pals có bốn tòa tháp vây chung quanh và một cái đồng hồ mặt trời to đùng ở giữa quảng trường, được gọi ưu ái là Torre de les Horses, hay Tháp Đồng Hồ theo tiếng Việt của mình. Mình tha thẩn khắp nơi đi chụp hình, riêng cái đồng hồ đá này ngỡ là cái mặt bàn xấu xí nào đó nên lờ tít, không ngờ đó là điểm nhấn của Pals!
Đứng ở thành phố cổ này nhìn qua các khe hở của pháo đài sẽ thấy bình nguyên miền Nam Girona của xứ sở Tây Ban Nha trải dài ngút mắt, gồm những ngọn đồi trọc trộn lẫn màu xanh của cây ô liu với nhữngsắc vàng nâu của đất đá khô cằn, rồi thì những xóm làng be bé xúm xít bình yên quanh một cái nhà thờ, dõi mắt xa hơn sẽ thấy tít tắp nơi chân trời là thành phố du lịch nổi tiếng Estartit . Và biển tuyệt nhiên chẳng thấy đâu vì bị những ngọn đồi trọc che khuất.  Pals còn nổi tiếng vì kiến trúc vòm cung của nó. Các cánh cổng, các cửa nhà đều là những đường vòng cung tuyệt mỹ. Mà cứ tưởng tượng nó được xây hồi thế kỷ 12, 13, kiến trúc sư chắc chắn không có nguyên một cái software để đo đạc, vẽ tới vẽ lui cổng vòm cho thật tương xứng, thật hoàn hảo rồi in “blue print” ra để thợ cứ thế mà xây. Mình đồ rằng ngày ấy họ chỉ nhìn bằng mắt, đo bằng tay rồi đẽo đục mấy cục đá cộng với kinh nghiệm cha truyền con nối, sản xuất những cánh cổng duyên dáng bền vững qua bao nhiêu năm tháng đến tận bây giờ.

Pals vào lúc 4 giờ chiều bị hun nóng dưới ánh nắng tháng tám của Tây Ban Nha, bốc lên mùi bụi, mùi thời gian. Chính vì cái ánh nắng này mà dân thiếu nắng màu da nhợt nhạt ở phương Bắc bằng mọi giá đổ xuống, dân dư giả nắng ở Texas thì vội vàng tìm bóng mát đi trốn! Vì là một pháo đài ngày xưa nên chỉ có vài cây cổ thụ ở giữa quảng trường, còn thì toàn gạch với đá nên cái nóng được nhân gấp đôi. Nhưng đứng hoặc ngồi dựa lưng vào vách tường nhà thờ, sát vào vách tường  tu viện, sẽ cảm thấy hơi lạnh của lớp đá dãi dầu qua bao nhiêu thế kỷ truyền qua da thịt mình. Và rồi không tránh khỏi một cái rùng mình…

Pals có những tiệm bán đồ lưu niệm mà mới nhìn thoáng qua, trông giống y như quán hàng xén, đồ đạc xếp tràn ra khỏi cửa, lại gần mới thấy  hũ lọ chai chậu được làm thủ công ở địa phương, thở phào vì không phải “made in China” và giá cả cũng phải chăng, vừa túi tiền du khách, những kẻ đã chi không biết bao nhiêu cho con đường lục lâm thảo khấu “Payage” đi ngang qua Pháp, từ phía Bắc đổ xuống.  


Tiệm chap phô
Và trong khi lang thang trên những con hẻm của Pals, mình tìm thấy một khúc “màu hoa vách tường nhà số 7”, thoáng bồi hồi tự hỏi dàn hoa giấy năm xưa nay ở đâu, vách tả li năm xưa còn trơ trơ cùng với thời gian hay không. Rồi tự dưng thấy tất cả chìm dần dần vào quên lãng. Đã bao nhiêu năm rồi còn gì. Cái tuổi thơ đã xa tít tắp, bây giờ ngồi nhớ lại, đâm ra mù mờ, lẩn thẩn và thi thoảng tự nhủ hay mình bị bệnh Dementia rồi đây, cái bệnh quên hết hiện tại chỉ nhớ về quá khứ?    

Quanh co với Pals chỉ trong vài tiếng, ra về hân hoan đánh dấu thêm một thành phố mình đặt chân tới trên trái đất này và không biết đến bao giờ sẽ quay trở lại. Đành thở dài “biết đâu được”.



Lan Hương
Fort Worth (09/30/2016)


Bình nguyên Girona


Friday, September 23, 2016

Plaja Fonda, đường đi không đến


Aiguafreda
Người ta bảo hai bà cộng với một con vịt thành cái chợ! Mấy bà nhà mình cộng với cái bản đồ thì coi như nguyên ngày đi bộ rã chân! Khổ nỗi bây giờ khi gặp lại nhau, tóc tai các bà đã được nhuộm tùy nghi để che dấu những sợi bạc lấp lánh cho nên chương trình phải chia theo độ tuổi tác và sức lực. Nghĩa là cho dân đi bộ và dân không đi bộ được, hay nói trắng ra dân chịu khó vác nước vác bánh mì rong ruổi trên những con đường mòn các loại, và dân thích ngồi xe hơi đến tận phút cuối cùng mới chịu thò chân xuống mặt đường!

Vì thế nên sau một đêm êm ấm và một buổi sáng đón ánh bình minh tưng bừng trên pháo đài, cả nhà chia hai phe đi về hai hướng.


Aiguafreda và Sa Tuna
Mình thuộc loại tự hành hạ thân xác nên quyết chí đi bộ dọc theo bãi biển, bắt đầu từ Aiguafreda, và  điểm  đến ở Fonda. Trên bản đồ  vẽ ngoằn ngoèo con đường với con số 2 tiếng đính kèm, vừa đi vừa về chẵn 4 tiếng, toán cộng làm đâu trúng đó nên mình hăng hái ra đi, sau khi hẹn gặp phái đoàn lười lúc 12 giờ ăn trưa chung với nhau ở Plaja Fonda.  Phái đoàn lười quyết định ngủ nướng rồi mới lái xe đi chợ mua bánh mì rồi mới đủng đỉnh ra chỗ hẹn ăn trưa. Chương trình rõ ràng, giờ giấc rõ ràng, điện thoại sạc pin đầy ăm ắp, bản đồ in màu sắc vàng nâu đỏ xanh thì chẳng ai đi lạc vào đâu được.

Nghe bãi này bãi kia có vẻ xa vời vợi, thật ra ngồi trong xe nhoáy một cái đã đến nơi, cái cực ở đây là tìm được chỗ đậu. Bệnh mất ngủ Má để lại làm quà khiến lần này cả bọn đổ ra bãi Aiguafreda sớm sủa, dân đi nghỉ hè tắm biển còn quấn mền ngủ kỹ. Mặt nước lặng như tờ soi bóng những chiếc du thuyền trắng muốt, ánh nắng ban mai nhẹ nhàng và rất đỗi êm ả. Sáng sớm nước chưa được mặt trời sưởi ấm, sốc điện khi nhúng mình xuống nước bảo đảm sẽ nặng đô hơn, chả ma nào dại nhảy xuống biển giờ này, cung tử vi Song Ngư mang nặng trên đầu như mình cũng không đến nỗi liều mạng để thử xem! Cái xe được đậu êm ấm ngay cửa đường đi xuống bãi, cả người lái lẫn người được chở đều hí hửng khoác ba lô ra đi.

Qua một đêm thanh bình, không bị đám con nít người lớn quậy đủ kiểu nên nước Aiguafreda trong leo lẻo, nhìn thấy tận đáy. Bãi này toàn ghềnh với đá, chỉ có mỗi một rẻo xi măng cho tàu bè lên xuống. Theo kinh nghiệm của mình có đá là có cá cho nên vừa đi bộ vừa nhìn chằm chằm xuống tận đáy tự nhủ chờ đấy, lát nữa quay lại mình sẽ nhảy thẳng xuống xem có con gì! Mình đọc trong cuốn quảng cáo các ghềnh bãi của vùng Costa Bava mới để ý thấy họ hay đề thêm là bãi biển dài bao nhiêu mét rộng bao nhiêu mét! Chẳng hạn như San Riera thuộc loại nhỏ, dạng cát. Trong khi Aiguafreda còn tí hon hơn, thước tấc thua kém hẳn và thuộc dạng đá. Mình chẳng cần bãi  cát rộng mênh mông cả mấy chục cây số như Punta Cana làm gì, chỉ cần nước trong, có đá có cá là vui rồi. Mình đã chấm được một cục đá bự sát mặt nước, có chỗ dễ lên dễ xuống cho chị em để  khi quay về sẽ trải chiếu tuyên bố chủ quyền trên nó.

Tây Ban Nha chịu khó xây đường đi bộ nên bọn mình lại thả bước trên con đường ven biển. Đường đi vẫn đẹp như mơ, lượn theo triền núi. Lần này đi về phía Nam nên biển bên tay trái, núi ở tay phải và mặt trời treo chênh chếch trước mặt. Mỗi người một ba lô vác một chai nước với một khúc bánh mì nhồi cá hộp cộng với ba khoanh dưa leo. Chỉ cần thế thôi vì thiên nhiên thật ra đã là một món ăn khoái khẩu rồi.

Sau khoảng năm cây số đi đường lát gạch tráng xi măng, cả lũ ngỡ ngàng thấy mình bị quăng cái ạch vào con đường đá sỏi lổn ngổn. Chính phủ  bỏ tiền xây cái cầu thang uốn lượn dẫn từ vách núi dẫn xuống bãi đá chắc hết sạch tiền, dân tản bộ với giầy cao gót có bò được đến đây cũng hết xí quách nên cả đôi bên đều hỉ hả chấm dứt con đường xi măng cho xong chuyện. Riêng mình thì đường đất hay đường xi măng cũng thế cho nên cả bọn bắt đầu vào con đường đất đá dăm dẫn thẳng lên ngọn đồi trước mặt. Càng lên cao cảnh càng đẹp vì thoát ra khỏi những cành cây thông vướng mắt, biển trải rộng ra muôn phía, và bầu trời được nâng cao hơn. Và khi chụp hình, có cảm tưởng người được chụp đang bước thẳng xuống biển!

Đường đi tiếp tục lượn theo các vịnh nhỏ, quẹt ngang làng chài Sa Tuna đang ngủ nướng, thuyền bè gác hết lên bãi, đi qua sân gạch dăm ngôi nhà khác, lượn sát vài cánh cửa chớp đóng kín, rồi con đường chui tọt vào rừng! Đến bây giờ thì mồ hôi ra như tắm vì không khí thiếu hẳn làn gió biển trong lành. Biển đã để lại sau lưng, trước mặt là con đường mòn lượn lên lượn xuống trong rừng cây.

Bất thình lình chuông điện thoại của bà chị đổ hồi váng cả rừng. Thì ra phái đoàn ở lại không đề máy chiếc xe Audi cáu cạnh được. Và nghe đâu đã làm kẹt luôn cả thành phố Begur vì xe chết máy ngay ở cái bùng binh giữa phố! Chủ nhân của Audi đang ở giữa rừng, một tay đập muỗi, tay kia diễn tả phải làm gì với cái cần số, cái chân thắng, cái chân ga. Sau một hồi múa loạn lên thì chủ nhân quyết định quay về  cứu người cứu xe. Xe không nổ máy thì đi đâu được nữa? Thế là cả lũ đành quay trở lại với tinh thần tương thân tương trợ, lá lành đùm lá rách, có chết thì chết chùm với nhau cho vui.

Vừa tuôn xong cái dốc đứng thì điện thoại lại rung bần bật, hỉ hả bảo xe nổ máy rồi bây giờ tiếp tục lái đi chợ đây! Cả đôi bên cùng mừng như bắt được vàng. Đoàn khổ hạnh quay ngoắt leo lên lại con dốc, tiếp tục sự nghiệp thẳng tiến đến bãi Fonda. Kỳ này phải cộng thêm một tiếng vì sự cố của xe mà người đi bộ bị ảnh hưởng.


Nước vịnh Sa Tuna
Vừa leo đến đỉnh con dốc, điện thoại lại réo ầm ầm, rên rỉ báo tin xấu xe lại không nổ máy được! Còn tin mừng là xe đang đậu ở parking trong chợ nên thị dân Begur không bị tắc ách giao thông! Chủ nhân Audi lúc này phát cáu, quyết định dứt khoát quay lại xem cái xe của mình ra sao! “Oh my Audi, Oh my baby!” “My baby” đang dở chứng, dám đòi một đống tiền lắm đấy chứ chả chơi!

Cả lũ lại tuôn dốc. Có con dốc trong rừng mà leo lên leo xuống hết mấy bận! Đường quay về phải kíp kíp vì có đến bốn nhân mạng đang phụ thuộc vào tốc độ đi bộ của sáu mạng khác. Cho nên lúc đi rề rà hình với ảnh, lúc về tuôn luôn một mạch, tìm được đường tắt nào là lao thẳng vào, có lúc xém leo rào nhà người ta cho nhanh!

Về đến nhà đúng 11 giờ trưa, phái đoàn kia cũng đã nổ được máy xe, đã mò được về nhà. Audi được lôi ra đề máy, tắt máy rồi đề máy. Nó ngoan ngoãn bật tắt, bật tắt, êm ru bà rù, chẳng thấy hỏng hóc chỗ nào. Cả bọn nhún vai, có trời mới biết!

Thôi thì đã đứng ngọ, Plaja Fonda địa điểm hẹn gặp nhau chỉ có trên bản đồ, hai bên đã gặp nhau ở nhà rồi cho nên lôi bánh mì trong ba lô ra vừa gặm với ngắm vòng vịnh San Riera sáng ngời ngời dưới ánh mặt trời tháng tám. Rõ là mèo lại hoàn mèo!


Aiguablava
Các bà với cái bản đồ không bao giờ ngồi một chỗ cho nên mọi người lại kéo nhau đến bãi Aiguablava. Lần này quyết định đi chung, không chia hai ba nhóm để rồi đi cứu nhau đến bở hơi tai.

Nếu ra biển sau giờ trưa thì cứ thế mà lái xe vòng vòng tìm chỗ đậu như câu cá chờ thời cơ! Nghe nói mất hết cả hơn 20 phút, có cãi nhau với ai đó vì màn xí chỗ đậu. Ai đậu xe thì đậu, ai khăn gói đi tìm bãi đáp để trải chiếu thì tung ra tứ phía đi tìm. Bãi tắm đã đông người, mái dù san sát, khăn tắm giăng khắp nơi. Đừng nói gì đến hai ba chiếu, một chiếu cũng đã là khó tìm chỗ để trải rồi. Mình quyết chí “think out of the box”, đi vòng ra đàng sau đám đông, tiến thẳng vào các ghềnh đá, đường đi tuy khó nhưng vì vậy không ai mò đến cho nên mình tìm ra được một bãi đáp lý tưởng, ngay chân núi, mát mẻ không cần giương dù, và tha hồ trải chiếu.

Aiguablava rộng hơn San Riera. Nước rất trong và rất ấm vì khuất gió. Mình nghĩ chắc tại cả buổi sáng quần quật không đi đến đâu nên mọi người toát hết mồ hôi, không cảm thấy làn nước lạnh làm cho giật bắn cả mình. Con cá sấu được thả xuống, cái mì ống xốp được thả xuống. Hai thằng con trên đường khuân vác dù chiếu đã kịp ghé quán  bar vác thêm hai ly cocktail mojitos và ba lon bia để cả đám cụng ly trên mặt nước xanh ngắt lấp lánh. Mừng vì Audi không đổ bệnh bất thường, mừng vì cuối cùng cũng được xuống nước, và mừng luôn là sáng nay cũng đã được đi bộ dăm cây số.  


đường đi đến Plaja Fonda
Vẫy vùng trong làn nước mát lạnh một hồi, mình quyết định đi theo con đường dọc bờ biển đi tìm lại bãi Fonda, điểm hẹn nhưng không đến được sáng nay.  Đường đi đến Fonda ngang qua bãi Fonnell xinh xắn nép sát dưới chân núi. Rồi thì Fonda mở ra trước mắt, trông na ná như San Riera. Nhìn con đường dốc lẽ ra sáng nay phải đi, thầm nhủ thôi không đi cũng không có gì phải luyến tiếc vì phần lớn nó vòng vo trong rừng, chỉ quẹt ra biển tí xíu lúc đổ thẳng xuống bãi cát phía dưới mà thôi.

Aiguablava có cửa tiệm cho dân đi lặn và snokeling, mình hiên ngang bước vào hỏi giá cả, ngỡ ngàng vì rẻ hơn bên Carribes rất nhiều nên hăng hái chọn ngày chọn giờ cho con đi lặn, bố mẹ đi snokel. Sau đó cả lũ hỉ hả kéo thẳng vào tiệm bán cà rem bên cạnh mỗi người một que vừa liếm láp vừa ngắm biển. Thoáng nhớ những cây cà rem tuyệt vời sau mỗi chuyến đi bộ rạc cẳng ở Ý năm 2008.   

Buổi chiều về nhà, ngồi gác chân trên chiếc bàn ngoài sân, một tay cầm con cá nướng nóng hổi, tay kia nâng ly Sandria, nhìn thằng cháu bay chiếc drone nhỏ xíu của nó, rồi ngắm màu trời hoàng hôn từ từ đổi màu xanh sang hồng rồi tím, tự nhủ dù đường đi không đến nhưng niềm vui vẫn đầy tràn vì quanh mình còn biết bao nhiêu điều khác nữa, phải đâu chỉ có mỗi con đường đến bãi Fonda!

Lan Hương

Fort Worth (09/16/16)

 



Aiguablava

Thursday, September 15, 2016

Anh Meaulnes


Nhớ thuở ấp ủ trong cặp táp đến trường những cuốn sách Tuổi Hoa màu tím giúp mở rộng trước mắt tôi một chân trời đầy những mộng mơ. Tuổi mới lớn không trải qua những cơn khủng hoảng ghê gớm như giới trẻ bây giờ, có chăng cũng chỉ là nhìn lại hình vóc của mình, mặc cảm vớ vẩn với số cân tòm tèm trên 50 kg. Hồi tuổi chưa trăng tròn, tôi sẵn sàng  hăng hái hy sinh giặt cả đống chậu quần áo cho cả nhà  cùng với người chị họ, vắt từng dây drap và bọc mền không hề sợ nổi bắp thịt, chỉ hỷ hả tâm sự vắn dài với nhau. Sau đó thì biết phải đeo găng tay bảo vệ bàn tay để ngộ nhỡ có gặp đâu đó một em khác phái oai phong lẫm lẫm hoặc hào hoa đến nhão cả tim ra. 

Sau bắt đầu đâm ra hoang mang, không biết đào đâu cho ra các đấng anh hùng lẫm liệt đó, khi thế giới thuở mới lớn của tôi toàn được vây quanh bởi phái nữ. Từ trong nhà với khuynh hướng âm thịnh dương suy. Mấy ông anh họ lớn chê chúng tôi vắt mũi chưa sạch, chả thèm giới thiệu bạn bè cho. Mà mấy người bạn của các ông anh tôi thì rất đặc biệt, phần lớn hơi gàn gàn, lơ mơ với đời thực, lúc nào cũng mù mịt trong khói thuốc, chả phải người trong mộng của chúng tôi. Lại còn cả gan nhờ đan áo len vì thấy nhà có một cái máy đan, đâu biết sự nghiệp đan lát của chúng tôi chỉ dừng lại ở màn kéo ngang kéo dọc. Lâu lâu thấy một bà chị rú lên vì sau màn móc bớt nách, kéo roạt máy qua một nhát, thì cả tảng áo bái bai khỏi máy, lại làm lại hết từ đầu. Trong trí nhớ của tôi, hình như không có tác phẩm nào được hoàn thành ,vì các ông bạn lẫn các ông anh đã giang hồ tung cánh, và các bà chị của tôi phải rời Dalat xuống Saigon để theo học đại học. Và cả kỷ niệm một ông bạn nào đó còn dám gửi nhờ một trái mít ướt, được đến ngày thứ ba thì lũ trẻ ranh chịu không thấu với mùi thơm hấp dẫn đã móc sạch ruột xơi sạch, để lại một mớ da mít, nhưng chủ nhân cũng không thấy quay lai lấy.

Lên đến trung học, lại toàn con gái vây quanh, nhí nhố với nhau  những chuyện lặt vặt, giận hờn, và không tiếc ...mồm để nói xấu nhau, hoặc ăn quà, chả đứa nào có được một mối tình vắt ngang, cho đến tận lúc tốt nghiệp, chỉ có hai đưa được rước lên xe bông ,một đứa còn mang mớ bánh hỏi đến chia cho cả lớp, một đứa thì thấp thoáng những giờ học cuối vì còn bận làm giấy tờ xuất cảnh theo chồng, còn thì trơn lu!

Đọc chuyện nữ hoàng Anh đến thăm nước Ý, lẻn trốn ra ngoài đi chơi với một anh ký giả, chuyện lãng mạn đến muốn xỉu, nhất là cái đận anh ký giả ngày hôm sau được mời đến họp báo, thấy kiều nữ tối hôm qua đang lẫm liệt ngồi trên ngai vàng, vội vàng xá xuống tận đất và chôn chặt nhũng kỷ niệm xuống đáy lòng.

Lại chiêu thêm bộ phim Tàu "Xíu Phẩn ", hoàn cảnh còn cực kỳ éo le hơn vì chàng thì vừa là chủ vừa giàu hù, còn nàng thì chỉ là con của người gác dan , lại còn cõng thêm cái bệnh lao, lâu lâu khạc ra một bụm máu khi bị kích động quá cỡ, khiến tôi đã phải quyết tâm là sẽ không trèo cao để khỏi bị té đau !

Đang lúc hoang mang như đi trong sương mù, muốn lột xác, không làm garçon manqué nữa, không muốn nuôi vịt nuôi gà vì đã sạch sành sanh vốn vì dịch gà đốn sạch gà của cả nhà, không muốn được khen vì giờ thi thể dục lúc nào cũng được điểm cao so với các tiểu thư yểu điệu trong lớp , thì con bạn với một tủ sách kếch xù đến dí vào tay tôi cuốn truyện "Anh Meaulnes" (Le Grand Meaulnes).

Tôi lại càng không ngờ hơn là mấy chục năm sau, tôi gặp lại cuốn sách vốn như kim chỉ nam trong suốt cuộc đời tôi qua một chương trình triển lãm tranh của một tác giả vẽ theo các chương mục của cuốn sách, trong một lâu đài không xa nơi tôi ở trên đất Bỉ.

Bước chân vào cửa chính của lâu đài, cuốn sách mở ra trong ký ức của tôi với câu mở đầu " Anh đến nhà chúng tôi một buổi sáng chủ nhật năm 189...

Và những bức tranh vẽ làm sống lại trong tôi từng câu từng chữ  của cuốn sách tôi đã gần như thuộc làu.

Tôi có nhiều dịp để nói về cuốn sách này, một lần trong hồi ký của đứa bạn ra trường thời trung học , một lần thuyết trình ở trường cán sư xã hội để nói về tình cảm và ước mơ, một lần mới đây không lâu giúp đứa con gái làm bài dẫn giảng  trong lớp  . Nó vặn vẹo cả tiếng đồng hồ không viết ra được một chữ, tôi hoa tay trong 15 phút để dàn trải những cảm nghiệm của mình thấy được. Nó ngạc nhiên với tâm tình của tôi gửi cho cuốn sách mà nó thấy không một chút hấp dẫn, như tôi ngạc nhiên  khi lại một lần nữa thuyết trình trong lớp học tiếng Anh về một vài đề tài rút từ cuốn sách, thấy chả ai quan tâm trừ một vài người trong lứa tuối của tôi còn gật gù lắng nghe.

Cái thời ấy chắc qua rồi, thế hệ mới còn mải lao theo những chân giá trị mới, làm sao gieo được vào đầu chúng  những kim chỉ nam của Anh Meaulnes.

Khung cảnh của cuốn truyện giống hệt thành phố Dalat của tôi. Tôi thấm thía cảnh đìu hiu của một buổi sáng chủ nhật  như mọi buổi sáng chủ nhật, như tôi đã có rất nhiều lần trong tâm trạng đó, và một người lạ bước vào, cuộc sống thay đổi hết. 

Tôi tìm thấy tôi trong anh Meaulnes, trong thuở thiếu thời cho đến lúc vấp phải hàng rào của tuổi mới lớn. Những ước mơ giang hồ tung cánh, những cuộc phiêu lưu nho nhỏ trong những vùng đất quanh nhà, người thích mình không giống ai, lúc nào cũng phải có gì khác hơn, khi không có một năng khiếu gì đặc biệt hơn người, thì lấy cá tính của mình ra để khác người. 

Tôi thấy mình trong anh Meaulnes buổi tình cờ đi đón người quen ở nhà ga, lạc đường, bước vào một cuộc phiêu lưu tưởng như không thật, bằng chứng còn lại chỉ còn tấm áo hóa trang, trở về đời thường không được nữa, phải dấn bước đi tìm những hình ảnh chỉ đến trong chốc lát, như trong mơ. 

Chính là tôi đó, trong đoạn đường sống đi qua, đã bao lần đặt câu tự hỏi thật hay mơ, day dứt có, tiếc nuối có, nhưng hài lòng cũng có.

Và tình bạn thủy chung giữa tác giả với anh Meaulnes, là cái tôi mơ ước có được trong đời mình mà chưa hề gặp được, người bạn chân tình đứng bên lề, lặng lẽ đi theo, có mặt khi cần có mặt, chứng kiến mọi buồn vui của bạn mình, chứng kiến cảnh anh Meaulnes bọc đứa con ruột thịt của mình trong tấm áo ngự hàn tiếp tục tung mình vào những cuộc phiêu lưu mới, không trách móc thở than, chỉ sẽ như một chỗ dựa vững chắc để trong cuộc đời, có lúc nghĩ đến, sẽ còn chốn để quay về. 

Cái lãng mạn trong chuyện, có lẽ nếu không phải là người ở Dalat, hoặc ở một nơi nào khác có thiên nhiên vây quanh, sẽ không thể cảm nhận được.

Cho đến giờ, mỗi lần nhìn thấy lau lách mọc quanh ven bất cứ bờ sông hay bờ hồ, tôi đều nghĩ đến cảnh đi chơi thuyền buổi sáng sau đám cưới không thành của giòng họ De Galais. 

Tôi biết lâu đài làm nền cho cuốn chuyện đang ở đâu đó trong vùng Champagne bên Pháp, mong ước có một lần được đến đó thăm. Còn không thì tưởng tượng qua những lâu đài mình đã có dịp đi qua, như lâu đài đang triển lãm chủ đề cuốn sach Anh Meaulnes, một thời hoàng kim phôi pha lâu lâu được gợi nhớ lại, như mỗi lần tôi quay lưng nhìn lại dĩ vãng, luôn tự hỏi, những giấc mơ phiêu lưu đã thức hiện được chưa, và người trong mộng, đã giết đi từ lâu để sống vơi thực tế, không sóng gió, nhưng đều đều, như một buổi sáng mưa phùn êm ả đến não người của thời mới lớn xa xưa...

Hương Quỳ

(Bruxelles 09/14/2016)

 



Wednesday, September 14, 2016

Bruxelles Ma Belle


Một buổi chiều thứ bảy vào đầu tháng 9 ; hè vừa qua nhưng thu chưa tới , một ngày đặc biệt của mùa hè kéo dài ở Bỉ năm nay . Từ cuối tháng 8 đến nay là những ngày trời nắng trong xanh không  một sợi  mây  và có những hôm nóng lên suýt soát 30 độ hay hơn nữa khiến nhà nước phải  báo động đỏ cơn nóng cannicule ầm vang trên các làn sóng radio va TV đặc biệt là ở các viện dưỡng lão , phải cho các cụ uống nước cả ngày nếu không thì sẽ bị khô nước rồi trụy  tim mạch các thứ khiến tử vong đột ngột tăng lên như năm 2003 ỏ bên Pháp .


Vậy đó trong một ngày đẹp trời như thế có một sự  kiện đặc biệt được tổ chức lần đầu tiên ở Bruxelles , đó là mang âm nhạc thính phong «  xuống đường » đến với quần chúng  . Những nhóm nghệ sĩ , nhạc sĩ xưa nay vốn chỉ quen trình diễn ở các hí viện , các phòng hòa nhạc kín cổng cao tường  cho một nhóm khán thính giả  được chọn lọc và ưu đãi như Palais des Beaux Arts , Théâtre De la Monnaie  , nay họ phối hợp với nhau để đưa âm nhạc đến với người dân giả bình thường  ngoài đường phố . Có những tụ điểm được chọn sẵn , từ nơi cao sang như trong lobby một khách sạn 5 sao gần Grand-Place , đến một viện dưỡng lão của người nghèo khu Marolles  , hay một quán nước  bình dân và một tầng hầm của một rạp chiếu bóng nhỏ không ai ngờ tới lại có những hành lang quanh co đến thế ngay giữa lòng thành phố Bruxelles ! Chưa kể đến Grand-Place cái đinh của mọi tiết mục giải trí  nhằm thu hút du khách và những người dân của thành phố quay trở lại nơi đã bị hạ bệ , chê bai chì chiết  và xa lánh từ những vụ khủng bố ở tận bên Pháp nhưng đầu não tổ chức lại ở Bỉ , cho đến cú trời giáng ngày 22 tháng 3 khủng bố đã  làm nổ tung một cái phi trường và một hầm xe điện ngầm của thành phố Bruxelles . Sau cái ngày định mênh ấy mọi sự không còn như trước nữa . Hình ảnh thảm não của một thành phố trước đó chỉ biết  vui chơi vơi bia chảy như suối và chocolat  ngập miệng nay vắng lặng thưa thớt người qua lại kể cả cái quảng trường đẹp nhất thế giới cũng không còn hấp dẫn một ai nữa khi mà vấn an ninh va mạng sống của mình bị đe dọa ; ai mà còn lòng dạ nào đế dấn thân vào  cái nơi cả thế giới đã mệnh danh là hang ổ của khủng bố ?! Những hàng quán vắng teo , chủ nhân ra đứng tận của đế mong đón chào một người khách bộ hành can đảm bước vào ; thêm vào bức tranh thê thảm đó là ở mỗi góc phố lại có một cái xe nhà binh đứng án ngữ và những toán lính đồng phục rằn ri súng ống gườm gườm như sẵn sàng nhả đạn vào quân thù ; mà quân thù ớ đâu mới được chứ ? nó lẫn lộn trong dân chúng đó thôi ; bỗng chốc ai cũng có thể trở thành khả nghi. Mọi người không nói ra nhưng ai cũng nơm nớp lo sợ , tim thắt lại mỗi sáng đi làm phải bước lên xe điện ngầm  ,liệu có chuyện gì xảy ra không đây ?! thôi cũng liều , con người có số cả , tới số chết thì ngồi trong nhà cũng chết !



Bản thân tôi không thấy lo sợ mỗi khi lấy xe điện hay xe tram vào trung tâm để đi làm , không sợ nhưng thấy buồn  thật là buồn ! Hơn 25  năm  gắn bó với xứ sở  tạm dung này , với thành  phố này , bỗng nhiên có những tình cảm tự nảy sinh  . Tính ra thời gian  tôi ở đây hơn cả thời gian tôi ở Dalat  , hơn cả thời gian ở Saigon . Ngày xưa tôi gắn bó biết bao với Dalat thành phố của tuổi thơ vô tư hoa bướm  , đến nay những ký ức đôi khi  vẫn còn trở về ám ảnh  , nhưng Dalat đã là quá khứ rồi . Giờ đây bỗng thấy mình gắn bó với Bruxelles , thành phố đầu tiên khi xa xứ mình bỡ ngỡ đặt chân đến . Thành phố này đã trở thành một phần lớn và đáng kể trong cuộc đời mình . Gia đình ở đây mặc dù ngày nay cũng đã tản mạn đi những nơi khác nũa rồi , công việc ở đây  , sự nghiệp cũng ở đây , bảo sao không nhớ không thương , không có những tình cảm tất nhiên phải đến , không hòa nhịp trái tim mình với nhịp sống nơi đây , vui nỗi vui của Bruxelles , buồn nỗi buồn của Bruxelles  , những bước thăng trầm của một thành phố bỗng chốc trở nên thân thương và gần gũi vô cùng .

Nhớ lại lần đầu Quí dẫn mọi người đến Grand-Place  và tuyên bố đây là quảng trường đẹp nhất thế giới , chúng tôi đã ái ngại  và hồ nghi nhìn nhũng bức  tường rêu phong đen đúa,  các bức tượng điêu khắc không còn rõ nét  và các giàn giáo  đang bắc ngang dọc để cạo sửa , dưới một bầu trời xám nặng như chì , tự hỏi đẹp đâu mà đẹp ?! Vậy đó mà với thời gian từ từ mới khám phá ra lịch sử của  quảng trường này , của từng căn nhà bao quanh , từng góc phố nhỏ bên cạnh , và mới thấy được vẻ đẹp đích thực của những công trình người xưa đã xây dựng nên ở đây  cũng những lich sử thăng trầm của nó  .


Và rồi hơn 20 năm sau quảng trường này mới được tu bổ hoàn toàn . Hôm nay một buổi chiều thứ bảy ngập nắng vói gió đầu mùa thu hiu hiu thổi và rộn rã trong tiếng vọng của âm nhạc cổ điển đang được hòa tấu ở đây , tôi mới thực sự ngắm nhìn từng căn nhà một của cả quảng trường này , những bức tường đã được lau chùi trắng phau , những đường nét hoa văn mạ vàng sang loáng dưới ánh mặt trời ; tượng thánh Saint Michel trên nóc của hotel de ville với đôi cánh dang rộng như muốn che chở cho hết các cư dân ở bên dưới . Tôi cũng đã từng đi qua nhiều thành phố , ngắm nhìn nhiều quảng trường trên thế giới rồi , hôm nay phải công nhận là Grand-Place của Bruxelles  quả thật là đẹp nhất và không hổ danh là một di sản văn hóa của thế giới .
Vậy mà đã có lúc cách đây không lâu nó trống trơn đìu hiu trong mưa lạnh vì , mọi người xa lánh vì sợ bị khủng bố tấn công . Nhìn những hình ảnh đó tôi không khỏi thấy đau lòng , thành phố thân yêu của mình mà bị cả thế giới hắt hủi , vì ai , vì sao ra nông nỗi ?!  Sáu tháng sau ngày u ám nhất của Bỉ và Bruxelles ,  ngày định mệnh 22 tháng 3 năm 2016  ,mọi người dân của thành phố và chính quyền địa phương và trung ương  cố  gắng mọi cách để đem lại sự sống cho Bruxelles  ,lấy lại danh dự cho thành phố mà mới cách đó chỉ 1 năm còn rộn rã tiếng người qua lại , du khách nườm nượp ở quảng trường này và những con phố hẹp ở chung quang mang đầy màu sắc , vô tư và thoải mái không biết rằng tai họa đang chuẩn bị giáng xuống !

Galerie de La Reine
Nhưng hôm nay ,  tôi có cảm tưởng như thành phố đã và đang được hồi sinh  . Mỗi góc phố đều có một tiết mục . Ở gần Bourse la một dàn nhạc chơi điệu nhac của Mỹ American Feel Good Music voi West Side Story  , trong  Galerie de La Reine là một duo hát nhạc tango với  violon , piano và violoncelle ,  trong một quán nước là nghệ sĩ hát nhạc Jazz với tiếng đàn đệm piano , chưa bao giờ được nghe hát gần đến vậy  . Còn nhiều nơi nữa  mà tôi không còn đủ sức để  đi cho hết ; mà không phải do bất cứ ai đâu nhé , toàn là các nghệ  sĩ của Bozar , Monnaie , théâtre royal  Ixelles và các đoàn khác của thành phố . Các nghệ sĩ này hình như cũng đặc biệt yêu thành phố này và cũng mong muốn nó được hồi sinh sau tại họa vừa giáng xuống nên ra sức trổ tài ở những nơi hoàn toàn không bình thường . Mọi người tụ lại thưởng thức một dòng nhạc , một màn trình diễn rồi lại thong thả đi qua một tụ điểm khác nghe một dòng nhạc khác . Tất cả đều miễn phí , chỉ cần một đôi chân khỏe , và một tấm lòng sẵn sàng hòa nhịp với Bruxelles  trong một ngày đặc biệt như thế  này .Chìm trong làn sóng người nhấp nhô đi qua những con phố quen thuộc , nam thanh nữ tú , có nhiều người từ các vùng xa xôi ghé đến Bruxelles để nghe nhac , và họ ăn mực thật đẹp như đi dự một buổi hòa nhạc  thính phòng , bên tai vang vang một điệu nhạc « cung đình » nào đó tôi cảm thấy mình cũng hòa nhập như một phần của thành  phố , gắn bó với nó và thương yêu nó như xưa kia đã tùng yêu mến Dalat  của mình vậy . Dalat là tuổi thơ , còn Bruxelles là cuộc đời đích thực tôi đã gây dựng ở đây và mai sau chắc cũng sẽ gửi lại nắm xương tàn  nơi đây thôi ! Nỗi vui nhẹ nhàng như đang thắp nến lên những ngọn cây quanh đây , lên những tháp chuông , lên từng nóc những ngôi nhà cổ mãi mãi sẽ còn đứng vững qua năm tháng , qua những xoay vần của thời cuộc , vì trong lịch sử nó đã từng như thế rồi .
Trong một ngày nắng đẹp Bruxelles như đã được  hồi sinh .





TỐ MAI – BRUXELLES 14/9/2016 

Friday, September 9, 2016

Ngày bắt đầu ở Begur

Platja del Raco
Cả nhà đổ xuống phi trường Barcelona lúc 8 giờ sáng, giờ Tây Ban Nha, hay là 2 giờ sáng giờ Mỹ. Có nghĩa là bốn bộ mặt ngái ngủ nhìn mặt trời mọc ở Barcelona chỉ với nửa con mắt mà thôi. Lúc sắp hạ cánh, mình đã biết thân nên xin một ly trà đặc không đường không sữa để mà còn tỉnh thần hồn sống qua một ngày mới toanh trong khi đêm tối vẫn còn trong tiềm thức. Dù sao cái phi trường lộng lẫy đầy những cửa tiệm nổi tiếng trên thế giới cũng đánh thức mọi người dậy phần nào. Tất nhiên là không ai muốn sa đà vào các cửa tiệm này để khỏi mất thì giờ. Nhà mình đã từng ghé phi trường này mùa đông năm 2013, đã từng lê lết sờ mó đủ mọi thứ nhưng kiên quyết không mua gì cả vì giá ở trên trời nếu so với cái chợ Amazon.

Từ balcon nhìn xuống
Con đường từ Barcelona về Begur không có gì đặc sắc ngoài những ngọn đồi trọc lơ thơ mấy bụi cây. Khi cái bảng tên Begur hiện ra thì mình đánh thức hai thằng con dậy bảo chúng nhìn phải nhìn trái xem thấy biển không. Fort Worth nằm giữa Texas, biển xa vời vợi cho nên thấy biển hay không thấy biển lúc nào cũng là một câu hỏi lớn mình dành cho lũ con từ khi chúng còn nhỏ cho đến tận bây giờ, khi chúng đã lớn đã biết chia xẻ mùi vị ly bia với bố mẹ.  

San Riera
Và rồi biển òa ra trước mắt. Với mặt trời chói chang. Với bầu trời xanh ngắt. Tuyệt vời nhất là khí hậu rất mát mẻ, trong lành. Cứ tưởng tượng chỉ 24 tiếng đồng hồ trước đó, mình mặc áo sát nách, quần cụt, mồ hôi mồ kê đầm đìa dưới cái nóng 100 độ F của Texas để mà nhồi nhét, gói ghém đồ đạc cho chuyến du hành, mới thấy làn gió mát từ biển thổi lên quý giá biết chừng nào.

Cái nhà cho thuê có một vị trí tuyệt vời nhìn xuống bãi biển vòng cung Platja del Raco. Nhìn thấy nó mình chỉ muốn chân trước chân sau tiến thẳng xuống bãi với làn nước xanh ngăn ngắt. Mọi người hỏi thế không mệt à, mình bảo xuống bãi biển nằm ngủ cũng được nhưng mình cần phải ở gần nước, càng gần càng tốt. Cung tử vi của mình là Song Ngư cho nên mình rất cần và thích nước. Không có nước, mình như cá mắc cạn. Nước kiểu gì cũng được, mặn, ngọt, lờ lợ, trong đục cũng xong tuốt, hay dù chỉ là một cái ao thôi cũng đã là sung sướng lắm rồi, huống chi cả một màu nước xanh ngăn ngắt đang mời mọc thế kia.

San Riera
Sau bữa trưa cả nhà đổ xuống bãi San Riera với hai cái xe. Lúc này thì mình tỉnh ngủ hẳn nhờ chứng kiến cái màn lái xe chạy vòng vòng tìm chỗ đậu. À, bên Mỹ có màn lái xe thẳng xuống bãi cát, từ xe đến mép nước chỉ vài thước cho nên mình lạ lẫm với cái màn tìm chỗ đậu rồi khăn gói đi bộ ra bờ biển.

Gió trên bờ rất mát, nhưng cát phơi nguyên ngày dưới ánh nắng mặt trời nên bỏng rãy cả chân. Cứ ngỡ cát nóng như thế thì nước cũng ấm, ai ngờ nhảy xuống nước là cả một chuyện “cảm tử”. Như bà chị nói, nhúng người xuống nước như bị sốc điện vì làn nước lạnh buốt! Nhưng khi đã vượt qua được cú sốc này, nghĩa là chìm nghỉm từ đầu đến chân sau một phút thì mới thấy không đến nỗi cóng tay cóng chân. So với cái nồi nước sôi ở hồ bơi nhà mình, thì làn nước của Costa Bava là cả một thái cực! 

Chìm vào cái chô nào được nữa!
Bãi Sa Riera chỉ là một cái vịnh nhỏ giữa muôn vàn các vịnh rải rác dọc bờ biển Tây Ban Nha. Thiên hạ nằm ngồi san sát nhau, mái dù che nắng chỉ cách nhau vài tấc, không phải như bãi Galveston một mình chiếm cứ cả một khoảng không gian rộng, nhất định không chung đụng với hàng xóm. Sau một ngày ở Sa Riera, mình quyết định ra đơn vị là “chiếu” để khẳng định chủ quyền trên bãi biển. Đại khái trải được một tấm khăn ra thì “diện tích” của nhà mình trên bãi biển là một chiếu, trải được hai tấm là hai chiếu. Sau đó chiếm cứ lần lần, nới rộng cơ ngơi dần dần. Có hôm trên bãi biển đông nghìn nghịt, nhà mình ngoi lên được đến năm “chiếu”, tha hồ mà bày đồ đạc ra!

Con đường cái quan
Sa Riera là bãi dốc, nghĩa là năm bước từ mép nước thì úp, hụt chân,  nước mấp mé ngang tầm mắt.  Không biết đứng nước thì phải vội vàng quạt tay quạt chân vô bờ lại! Cả nhà nhìn quanh ngoài hai thằng con thì mình là người biết bơi khá nhất, cho nên những người còn lại biết thân, biết phận đã lo thủ thế bằng một cái áo phao, một cái ống “mì xốp” và một con cá sấu. Với chừng đó “phao cấp cứu”, cả nhà ra khơi. Chìm dưới làn nước mát lạnh của biển Địa Trung Hải sau gần 16 tiếng đồng hồ từ nhà ra phi trường lên máy bay rồi lại phi trường rồi máy bay rồi phi trường, mới thấy sảng khoái đến cỡ nào, tay chân được duỗi ra hết cỡ, các bắp thịt được duỗi ra hết cỡ, xương khớp được duỗi ra hết cỡ. Đầu óc lúc này khá minh mẫn vì tách cà phê đặc sệt uống vào lúc giữa trưa và cú sốc điện kể trên, thế nên mình thành cá trong làn nước lạnh trong veo thay vì ở nhà quấn mền ngủ bù.

Bãi Nude
Dọc theo bờ biển là con đường đi bộ được xây rất đẹp, một bên là núi bên kia là biển. Đi vài bước từ bãi đã thấy mình ngang lưng chừng núi để nhìn xuống bãi biển cắm đầy dù, du thuyền đậu lác đác trên làn nước xanh. Theo con đường này nhà mình đi sang bãi Platja del Raco, bãi biển rộng nhất vùng Begur. Trên con đường đi, cả đám phải đi ngang qua bãi Nude Illa Roja. Gọi là nude chứ nếu có mặc đồ tắm xuống đó cũng chẳng sao, và nó rất chi ư là chình ình ra đó cho quần chúng đi ngang qua như đi chợ, chứ không hề kín đáo nấp sau bụi cây, gốc cỏ, mỏm núi nào cả. Đây là một điều khá khác biệt với Mỹ, chốn được gọi là Tân Thế Giới chứ đầu óc không tự do bằng Âu châu về cái khoản đạo đức. Mình chụp được tấm hình một ông chả mặc gì ngoài đôi chân vịt, cái mặt nạ và cái ống thở nằm úp ba ba trên mặt nước biển xanh biếc mò mẫm snokeling. Bãi Plaja del Raco được nhìn thấy từ ban công nhà thuê là một dải vòng cung khá lớn, nếu nhìn qua ống zoom máy hình, sẽ thấy những con sóng thay phiên nhau đập vào. Bà chị bảo gió lớn sóng lớn vậy làm sao bơi! Thật ra là tùy ngày, hôm mình đến gió hơi to nên thấy sóng bạc đầu. Mấy hôm sau gió lặng, nhìn qua zoom toét mắt chỉ thấy một mặt biển tĩnh lặng, một bãi cát êm đềm.
Dọc con đường đi dạo, biển vẫn xanh ngăn ngắt một màu đặc biệt của Địa Trung Hải, màu xanh không giống vùng nước Caribes, vùng vịnh Mexico, hay ngay cả màu nước của Florida. Ở đây không cho xây những khu resort vĩ đại che khuất cảnh quan mà chỉ là những mái nhà trắng khiêm tốn nấp trên đồi, hay những khách sạn be bé cửa sổ mở to hết cỡ hướng ra biển.  

Hoàng hôn
Buổi chiều, mình đãi cả nhà ăn món nem nướng cuốn bánh tráng với bánh hỏi chấm tương Cự Đà. Hai  gói thịt nem nướng được nhét trong vali của thằng con, cái thằng tuyên bố mẹ là chuyên viên phá luật lệ. Nhưng nếu không phá luật thì không có nem nướng và cũng không có một thùng xoài của Mexico thơm lừng, một túi mít thơm lừng làm quà.  Nó rất ngạc nhiên khi thấy cái vali chứa hai gói nem nướng của nó cộng với cái vali xách tay chỉ chứa mỗi thùng xoài đi qua quay hải quan Tây Ban Nha mà không ai chặn lại hỏi han gì cả. Toàn bộ hệ thống kiểm soát dựa vào tính chân thật của hành khách. Lâu lâu không chân thật một bữa thì được ngồi ban công Tây Ban Nha ăn nem nướng Việt Nam uống rượu tì tì ngắm hoàng hôn buông dần trên vịnh San Riera. Cũng đáng để phá luật lắm chứ.
Buối tối lăn ra ngủ sau đúng 20 tiếng mắt ráo hoảnh, nửa đêm tỉnh giấc không biết mình đang ở đâu trên trái đất này. Ra ban công nhìn xuống biển đêm với ánh đèn lấp lánh, tự nhủ mình đang mơ đấy thôi.

Lan Hương

Fort Worth (09/01/16)