Aiguafreda |
Người ta bảo hai bà cộng với một con vịt
thành cái chợ! Mấy bà nhà mình cộng với cái bản đồ thì coi như nguyên ngày đi bộ
rã chân! Khổ nỗi bây giờ khi gặp lại nhau, tóc tai các bà đã được nhuộm tùy
nghi để che dấu những sợi bạc lấp lánh cho nên chương trình phải chia theo độ
tuổi tác và sức lực. Nghĩa là cho dân đi bộ và dân không đi bộ được, hay nói trắng
ra dân chịu khó vác nước vác bánh mì rong ruổi trên những con đường mòn các loại,
và dân thích ngồi xe hơi đến tận phút cuối cùng mới chịu thò chân xuống mặt đường!
Vì thế nên sau một đêm êm ấm và một buổi
sáng đón ánh bình minh tưng bừng trên pháo đài, cả nhà chia hai phe đi về hai
hướng.
Aiguafreda và Sa Tuna |
Mình thuộc loại tự hành hạ thân xác nên quyết
chí đi bộ dọc theo bãi biển, bắt đầu từ Aiguafreda, và điểm đến
ở Fonda. Trên bản đồ vẽ ngoằn ngoèo con
đường với con số 2 tiếng đính kèm, vừa đi vừa về chẵn 4 tiếng, toán cộng làm
đâu trúng đó nên mình hăng hái ra đi, sau khi hẹn gặp phái đoàn lười lúc 12 giờ
ăn trưa chung với nhau ở Plaja Fonda. Phái đoàn lười quyết định ngủ nướng rồi mới lái
xe đi chợ mua bánh mì rồi mới đủng đỉnh ra chỗ hẹn ăn trưa. Chương trình rõ
ràng, giờ giấc rõ ràng, điện thoại sạc pin đầy ăm ắp, bản đồ in màu sắc vàng
nâu đỏ xanh thì chẳng ai đi lạc vào đâu được.
Nghe bãi này bãi kia có vẻ xa vời vợi, thật
ra ngồi trong xe nhoáy một cái đã đến nơi, cái cực ở đây là tìm được chỗ đậu. Bệnh
mất ngủ Má để lại làm quà khiến lần này cả bọn đổ ra bãi Aiguafreda sớm sủa, dân
đi nghỉ hè tắm biển còn quấn mền ngủ kỹ. Mặt nước lặng như tờ soi bóng những
chiếc du thuyền trắng muốt, ánh nắng ban mai nhẹ nhàng và rất đỗi êm ả. Sáng sớm
nước chưa được mặt trời sưởi ấm, sốc điện khi nhúng mình xuống nước bảo đảm sẽ
nặng đô hơn, chả ma nào dại nhảy xuống biển giờ này, cung tử vi Song Ngư mang nặng
trên đầu như mình cũng không đến nỗi liều mạng để thử xem! Cái xe được đậu êm ấm
ngay cửa đường đi xuống bãi, cả người lái lẫn người được chở đều hí hửng khoác
ba lô ra đi.
Qua một đêm thanh bình, không bị đám con
nít người lớn quậy đủ kiểu nên nước Aiguafreda trong leo lẻo, nhìn thấy tận đáy.
Bãi này toàn ghềnh với đá, chỉ có mỗi một rẻo xi măng cho tàu bè lên xuống.
Theo kinh nghiệm của mình có đá là có cá cho nên vừa đi bộ vừa nhìn chằm chằm
xuống tận đáy tự nhủ chờ đấy, lát nữa quay lại mình sẽ nhảy thẳng xuống xem có
con gì! Mình đọc trong cuốn quảng cáo các ghềnh bãi của vùng Costa Bava mới để
ý thấy họ hay đề thêm là bãi biển dài bao nhiêu mét rộng bao nhiêu mét! Chẳng hạn
như San Riera thuộc loại nhỏ, dạng cát. Trong khi Aiguafreda còn tí hon hơn, thước
tấc thua kém hẳn và thuộc dạng đá. Mình chẳng cần bãi cát rộng mênh mông cả mấy chục cây số như
Punta Cana làm gì, chỉ cần nước trong, có đá có cá là vui rồi. Mình đã chấm được
một cục đá bự sát mặt nước, có chỗ dễ lên dễ xuống cho chị em để khi quay về sẽ trải chiếu tuyên bố chủ quyền
trên nó.
Tây Ban Nha chịu khó xây đường đi bộ nên bọn
mình lại thả bước trên con đường ven biển. Đường đi vẫn đẹp như mơ, lượn theo
triền núi. Lần này đi về phía Nam nên biển bên tay trái, núi ở tay phải và mặt
trời treo chênh chếch trước mặt. Mỗi người một ba lô vác một chai nước với một
khúc bánh mì nhồi cá hộp cộng với ba khoanh dưa leo. Chỉ cần thế thôi vì thiên
nhiên thật ra đã là một món ăn khoái khẩu rồi.
Sau khoảng năm cây số đi đường lát gạch
tráng xi măng, cả lũ ngỡ ngàng thấy mình bị quăng cái ạch vào con đường đá sỏi
lổn ngổn. Chính phủ bỏ tiền xây cái cầu
thang uốn lượn dẫn từ vách núi dẫn xuống bãi đá chắc hết sạch tiền, dân tản bộ với
giầy cao gót có bò được đến đây cũng hết xí quách nên cả đôi bên đều hỉ hả chấm
dứt con đường xi măng cho xong chuyện. Riêng mình thì đường đất hay đường xi
măng cũng thế cho nên cả bọn bắt đầu vào con đường đất đá dăm dẫn thẳng lên ngọn
đồi trước mặt. Càng lên cao cảnh càng đẹp vì thoát ra khỏi những cành cây thông
vướng mắt, biển trải rộng ra muôn phía, và bầu trời được nâng cao hơn. Và khi
chụp hình, có cảm tưởng người được chụp đang bước thẳng xuống biển!
Đường đi tiếp tục lượn theo các vịnh nhỏ,
quẹt ngang làng chài Sa Tuna đang ngủ nướng, thuyền bè gác hết lên bãi, đi qua
sân gạch dăm ngôi nhà khác, lượn sát vài cánh cửa chớp đóng kín, rồi con đường chui
tọt vào rừng! Đến bây giờ thì mồ hôi ra như tắm vì không khí thiếu hẳn làn gió
biển trong lành. Biển đã để lại sau lưng, trước mặt là con đường mòn lượn lên
lượn xuống trong rừng cây.
Bất thình lình chuông điện thoại của bà chị
đổ hồi váng cả rừng. Thì ra phái đoàn ở lại không đề máy chiếc xe Audi cáu cạnh
được. Và nghe đâu đã làm kẹt luôn cả thành phố Begur vì xe chết máy ngay ở cái
bùng binh giữa phố! Chủ nhân của Audi đang ở giữa rừng, một tay đập muỗi, tay
kia diễn tả phải làm gì với cái cần số, cái chân thắng, cái chân ga. Sau một hồi
múa loạn lên thì chủ nhân quyết định quay về cứu người cứu xe. Xe không nổ máy thì đi đâu
được nữa? Thế là cả lũ đành quay trở lại với tinh thần tương thân tương trợ, lá
lành đùm lá rách, có chết thì chết chùm với nhau cho vui.
Vừa tuôn xong cái dốc đứng thì điện thoại lại
rung bần bật, hỉ hả bảo xe nổ máy rồi bây giờ tiếp tục lái đi chợ đây! Cả đôi
bên cùng mừng như bắt được vàng. Đoàn khổ hạnh quay ngoắt leo lên lại con dốc, tiếp
tục sự nghiệp thẳng tiến đến bãi Fonda. Kỳ này phải cộng thêm một tiếng vì sự cố
của xe mà người đi bộ bị ảnh hưởng.
Nước vịnh Sa Tuna |
Vừa leo đến đỉnh con dốc, điện thoại lại
réo ầm ầm, rên rỉ báo tin xấu xe lại không nổ máy được! Còn tin mừng là xe đang
đậu ở parking trong chợ nên thị dân Begur không bị tắc ách giao thông! Chủ nhân
Audi lúc này phát cáu, quyết định dứt khoát quay lại xem cái xe của mình ra
sao! “Oh my Audi, Oh my baby!” “My baby” đang dở chứng, dám đòi một đống tiền lắm
đấy chứ chả chơi!
Cả lũ lại tuôn dốc. Có con dốc trong rừng
mà leo lên leo xuống hết mấy bận! Đường quay về phải kíp kíp vì có đến bốn nhân
mạng đang phụ thuộc vào tốc độ đi bộ của sáu mạng khác. Cho nên lúc đi rề rà
hình với ảnh, lúc về tuôn luôn một mạch, tìm được đường tắt nào là lao thẳng
vào, có lúc xém leo rào nhà người ta cho nhanh!
Về đến nhà đúng 11 giờ trưa, phái đoàn kia
cũng đã nổ được máy xe, đã mò được về nhà. Audi được lôi ra đề máy, tắt máy rồi
đề máy. Nó ngoan ngoãn bật tắt, bật tắt, êm ru bà rù, chẳng thấy hỏng hóc chỗ
nào. Cả bọn nhún vai, có trời mới biết!
Thôi thì đã đứng ngọ, Plaja Fonda địa điểm
hẹn gặp nhau chỉ có trên bản đồ, hai bên đã gặp nhau ở nhà rồi cho nên lôi bánh
mì trong ba lô ra vừa gặm với ngắm vòng vịnh San Riera sáng ngời ngời dưới ánh
mặt trời tháng tám. Rõ là mèo lại hoàn mèo!
Aiguablava |
Các bà với cái bản đồ không bao giờ ngồi một
chỗ cho nên mọi người lại kéo nhau đến bãi Aiguablava. Lần này quyết định đi
chung, không chia hai ba nhóm để rồi đi cứu nhau đến bở hơi tai.
Nếu ra biển sau giờ trưa thì cứ thế mà lái
xe vòng vòng tìm chỗ đậu như câu cá chờ thời cơ! Nghe nói mất hết cả hơn 20 phút,
có cãi nhau với ai đó vì màn xí chỗ đậu. Ai đậu xe thì đậu, ai khăn gói đi tìm
bãi đáp để trải chiếu thì tung ra tứ phía đi tìm. Bãi tắm đã đông người, mái dù
san sát, khăn tắm giăng khắp nơi. Đừng nói gì đến hai ba chiếu, một chiếu cũng
đã là khó tìm chỗ để trải rồi. Mình quyết chí “think out of the box”, đi vòng
ra đàng sau đám đông, tiến thẳng vào các ghềnh đá, đường đi tuy khó nhưng vì vậy
không ai mò đến cho nên mình tìm ra được một bãi đáp lý tưởng, ngay chân núi,
mát mẻ không cần giương dù, và tha hồ trải chiếu.
Aiguablava rộng hơn San Riera. Nước rất
trong và rất ấm vì khuất gió. Mình nghĩ chắc tại cả buổi sáng quần quật không
đi đến đâu nên mọi người toát hết mồ hôi, không cảm thấy làn nước lạnh làm cho
giật bắn cả mình. Con cá sấu được thả xuống, cái mì ống xốp được thả xuống. Hai
thằng con trên đường khuân vác dù chiếu đã kịp ghé quán bar vác thêm hai ly cocktail mojitos và ba lon
bia để cả đám cụng ly trên mặt nước xanh ngắt lấp lánh. Mừng vì Audi không đổ bệnh
bất thường, mừng vì cuối cùng cũng được xuống nước, và mừng luôn là sáng nay
cũng đã được đi bộ dăm cây số.
đường đi đến Plaja Fonda |
Vẫy vùng trong làn nước mát lạnh một hồi,
mình quyết định đi theo con đường dọc bờ biển đi tìm lại bãi Fonda, điểm hẹn
nhưng không đến được sáng nay. Đường đi
đến Fonda ngang qua bãi Fonnell xinh xắn nép sát dưới chân núi. Rồi thì Fonda mở
ra trước mắt, trông na ná như San Riera. Nhìn con đường dốc lẽ ra sáng nay phải
đi, thầm nhủ thôi không đi cũng không có gì phải luyến tiếc vì phần lớn nó vòng
vo trong rừng, chỉ quẹt ra biển tí xíu lúc đổ thẳng xuống bãi cát phía dưới mà
thôi.
Aiguablava có cửa tiệm cho dân đi lặn và
snokeling, mình hiên ngang bước vào hỏi giá cả, ngỡ ngàng vì rẻ hơn bên
Carribes rất nhiều nên hăng hái chọn ngày chọn giờ cho con đi lặn, bố mẹ đi
snokel. Sau đó cả lũ hỉ hả kéo thẳng vào tiệm bán cà rem bên cạnh mỗi người một
que vừa liếm láp vừa ngắm biển. Thoáng nhớ những cây cà rem tuyệt vời sau mỗi
chuyến đi bộ rạc cẳng ở Ý năm 2008.
Buổi chiều về nhà, ngồi gác chân trên chiếc
bàn ngoài sân, một tay cầm con cá nướng nóng hổi, tay kia nâng ly Sandria, nhìn
thằng cháu bay chiếc drone nhỏ xíu của nó, rồi ngắm màu trời hoàng hôn từ từ đổi
màu xanh sang hồng rồi tím, tự nhủ dù đường đi không đến nhưng niềm vui vẫn đầy
tràn vì quanh mình còn biết bao nhiêu điều khác nữa, phải đâu chỉ có mỗi con đường
đến bãi Fonda!
Lan Hương
Fort Worth (09/16/16)
No comments:
Post a Comment