Pages

Tuesday, January 17, 2017

Gần đến hồi kết thúc


Bạn gởi message cho tôi, tiếng Việt chen lẫn tiếng Anh,  bảo “Em phải về Michigan cuối tuần này, Ba em vào nhà thương hôm qua, liver stopped working and other complications. I think he is close to the end”.

Close to the end, gần đến hồi kết thúc một đời người.

Nếu bạn xem một bộ phim, nếu phim hay, biết sắp sửa đến hồi kết, mình muốn nó kéo dài thêm chút nữa, nhưng rồi Bùm! Chữ “The End” xuất hiện, kéo theo lũ lượt tên những người tham gia vào bộ phim. Khán giả lục đục vỗ tay, đứng dậy ra về. Màn ảnh khép lại tối đen, đèn bật sáng chờ đến xuất kế tiếp. Nếu là bộ phim dở, càng mong “The End” xuất hiện sớm chừng nào hay chừng đó, để khỏi mất thì giờ. Không chừng đèn vừa mới mở lưng chừng, diễn viên chính còn đang bận khóc dở mếu dở, thiên hạ đã lục tục đứng lên. Nếu phim hoạt hình kiểu như Tom and Jerry, thay vì “The End” lại là “That’s it, Folks!” Khán giả  miệng ngoác đến mang tai chờ coi tập kế tiếp rồi lại rũ ra cười với Tom với Jerry. Tôi chưa bao giờ thấy thiên hạ la ó một bộ phim dở ẹc ở đây, thường thì họ chỉ nhún vai bảo nhau, chẳng ra gì, phí tiền. Đại đa số trước khi bỏ tiền mua vé, thiên hạ hay vào internet đọc sơ sơ xem bình luận ra sao, xem xét phim được xếp mấy sao, nhiều sao càng tốt, cả năm sao như phim Moonlight thì chắc mẩm không sợ phí tiền, rồi để cho khỏi mất thì giờ, khối người đọc tiếp ai khen ai chê. Cho nên khi chữ “The End” hiện trên màn hình, đa phần mọi người thì thào tiếc rẻ, phần còn lại khoan khoái, thỏa mãn ra về.

Đó là chuyện phim ảnh. Đọc sách có toàn quyền gấp lại cất đi mà không cần chờ tới trang cuối, chẳng phiền đến ai. Nếu là cuốn sách hay, vẫn còn tiếc khi nhìn chữ “The End” bèn giở lại các chương đắc ý nhất đọc tới đọc lui. Đôi khi không đồng ý với hồi kết, tối ngủ thầm viết lại trong đầu, theo ý mình. Khi vui sẽ cho các nhân vật sống tuốt, vô cùng hạnh phúc, khi buồn sẽ cho chết sạch, chẳng còn nhân vật chính nào sống sót, cho đáng đời tác giả. Nếu là cuốn sách nuốt không vô, có đem trả lại cho thư viện không thấy áy náy, và coi như trang “The End” của nó chưa bao giờ được đụng tới. Cẩn thận hơn nữa, lần sau thấy cùng tên tác giả thì khỏi vác về nhà cho nặng túi.

Sách hay truyện, hay ca nhạc, hay kịch cọt, đều có lúc phải kết thúc, dù hay hay dở. Và đời người cũng thế. Có sinh có tử….Hình như đâu đó có người bảo cuộc đời là một cuốn phim, có mở đầu và có kết thúc. Thuốc trường sinh chỉ là một sự lừa bịp trắng trợn.

Nhưng “the end” của một đời người không đơn giản chỉ là một màn hình tối hù, một trang giấy trắng, hay hai cánh màn hạ xuống. Nó làm cho những người ở lại đau thấu tim. Close to the end  nghĩa rất gần với cái tận cùng, cái chấm dứt của sự sống đã tồn tại hàng bao nhiêu năm trên thế giới này. Đồng nghĩa với những nhịp đập cuối cùng của trái tim. Nếu nằm trong nhà thương sẽ thấy một vạch ngang thẳng tắp, tiếng bíp bíp hối hả kêu. Nếu ở nhà sẽ thấy bông gòn để trước mũi không còn rung nhè nhẹ nữa, và đôi tay buông xuôi bên người. Con tim, bắt đầu đập từ trong bụng mẹ, đến lúc này hoàn toàn ngưng lại, không làm việc, đem theo một đời sống đi cùng với nó. Tim không đập kéo theo hàng loạt các cơ quan trong người đình công, gắng sức lắm chỉ đủ cho một hơi thở hắt. Thế là xong. Một cái tên được xóa sổ trên thế giới này và bầu trời tiếp nhận thêm một ngôi sao để cho có người nhìn nó và tiếc thương. Tôi nhớ cách đây mấy tháng, tôi nằm mơ thấy Ba. Trong giấc mơ tôi biết Ba đã ra đi, thế nên khi gặp lại, câu đầu tiên tôi hỏi là Ba có bị lạnh không. Ba  trả lời, mỗi người có một ngọn đèn, nếu đèn còn sáng thì chẳng sợ lạnh chẳng sợ tối. Càng nhiều người nghĩ đến mình thì đèn càng sáng, giống như đèn được nạp thêm pin vậy. Tỉnh giấc giữa đêm, tôi chẳng biết cái ý tưởng đèn soi ấy từ cuốn sách nào hay bộ phim nào nhảy vào đầu tôi, chỉ biết rằng nếu thế thật thì tôi sẽ nhớ đến người thân của tôi hàng ngày hàng giờ. Để cho ngọn đèn của họ luôn luôn sáng rực ở thế giới bên kia.

Ba của bạn tôi là người Nam Định, ngồi nói chuyện với ông, tôi hân hoan biết ông là người cùng quê với Má tôi, ông biết con sông Giao Thủy, ông biết mùa đông ở cái làng khốn khổ đó nó lạnh lẽo và buồn đến mức nào. Ông có nêu tên vài người trong làng hỏi tôi, tôi chỉ cười khà khà. Những người này chưa chắc Má đã biết, huống gì tôi, người chưa bao giờ về quê ngoại đến một lần. Má ra khỏi dòng chảy của Giao Thủy khi Má đang độ tuổi teen, nghĩa là mười lăm, mười sáu. Cắp theo bọc vải đựng vài bộ đồ, Má xa quê lên Hà Nội ở với bà chị. Từ đó cho đến lúc Má vào Qui Nhơn, đi xa hơn vào Dalat, rồi xa hơn nữa sang Bỉ, rồi xa thật xa Má xuôi tay. Những năm tháng cuối đời, không hiểu sao Má lại hồi tưởng ký ức thuở nhỏ của Má, rõ ràng, rành mạch. Má bảo ở quê nhà nghèo cơ cực, ông bà ngoại tính bán Má cho người ta, bà chị nghe tin vội chạy về đem em đi theo mình. Khi tôi còn nhỏ, Má hay kể chuyện Má và ông anh chặt chuối làm bè thả trong ao cá, bị ông ngoại phạt quất mấy roi. Ông anh là con cầu tự nên sau một roi thì được tha, Má là con út, lại là con gái nên tội nợ gánh hết. Về sau hai anh em vẫn chặt chuối làm bè, nhưng khi bị phát giác, Má bỏ trốn bên nhà hàng xóm, chờ ông ngoại cất roi, bà ngoại đi khắp xóm réo tên Má mới lò dò về nhà. Con tim của Má bắt đầu đập từ cái làng bên bờ sông Giao Thủy, và nó chấm dứt đột ngột trên bàn mổ ở Bruxelles, cách nơi chôn nhau cắt rốn của Má cả mấy ngàn cây số. Cái vạch thẳng băng màu xanh ấy để lại tôi ngỡ ngàng đến tận bây giờ. Tôi không ở bên Má lúc ấy nên tôi không biết “Close to the end” của Má ra sao. Sau này tôi vẫn thầm nhủ tự dối lòng mình, khi ấy Má đã hôn mê, chắc chắn Má không cảm thấy đau đớn gì cả, Má đã không biết gì nữa cả. Nước mắt hai hàng, tôi lập lại suốt đời tôi, chắc chắn là như vậy.

Close to the end của Ba tôi biết được qua điện thoại hàng ngày gọi về, tôi không tận mắt chứng kiến nhưng nghe anh chị em thuật lại. Và tôi lại nhắm chặt mắt tự nhủ, mấy miếng băng morphine dán trên người Ba làm cho Ba chìm nghỉm vào giấc ngủ thật sâu nơi các hệ thần kinh được xoa dịu, không kêu đau kêu nhức, đánh tan bay biến cái đau của bệnh ung thư. Ba ra đi rất nhẹ nhàng, để lại chiếc kim đồng hồ chỉ đúng 9 giờ sáng. Ngày hôm sau tôi về bước vào phòng Ba, kim vẫn chỉ 9 giờ sáng nhưng Ba không còn với tôi nữa. Tim Ba đã ngưng hoàn toàn sau hơn 90 năm đập nhịp nhàng và đều đặn.

Những cái kết thúc của đời người thường đến theo mọi kiểu, dưới mọi hình thức, đôi khi làm người thân bất ngờ đến bàng hoàng, như đường tim đập thẳng băng của Má ở nhà thương. Hay cái hét cuối cùng của ông anh họ khi ngã xuống bên bàn cờ tướng. Ông ấy đang chơi cờ, không hiểu vì thắng hay thua mà bất ngờ té lọt ghế, ra đi đột ngột, tôi thêm thắt cho rằng tay ông ấy vẫn còn cầm con tốt, con thí gì đó, mang theo luôn cái tên ông ấy hay gọi tôi “Con Dế Mèn”. Hay một ông anh họ khác trên Virginia, người đã làm tôi cười bể bụng khi ông ấy cầm micro hát karaoke nhái kiểu Tuấn Vũ. Ông ấy đi nhổ răng về, nói là hơi mệt rồi lên giường đi nằm rồi tim ngừng đập, nghỉ khỏe re, nói theo kiểu lính dã chiến của ông ấy. Một cái chết êm ả nhất tôi từng biết. Đôi khi hồi kết thúc lại là một giải thoát, cho người ra đi và cho cả người thân. Bác Đoàn ở Fort Smith là một ví dụ. Chồng bác bị liệt, nằm trên giường sống như thực vật đúng 30 năm trời. Bác chăm chồng chu đáo không thiếu một buổi trừ những ngày chồng bác phải nằm nhà thương. Bác bảo nhờ vậy bác được ngủ thẳng giấc dăm bữa. Bác trai về nhà, bác lại thức hôm thức khuya, bón cho ông ấy ăn, lau rửa cho ông ấy và đọc kinh cầu Chúa. Ngày ông ấy ra đi, bác nói to với Chúa “Cám ơn Ngài đã mang ông ấy đi”. Nghe có vẻ tàn nhẫn nhưng bác bảo đó là giải thoát của ông ấy và của chính bác. Bác bảo đó là cái nghiệp mà ông ấy phải trả, mà bác phải trả. Tôi không hiểu nghiệp gì, sau này mới được biết cả hai vợ chồng khi xưa bên Việt Nam dính líu chuyện mua bán ma túy, bạch phiến với đám thanh niên trong xóm, ngoài ngõ. Tiền vào dễ quá, cả vợ lẫn chồng biết là việc không nên làm nhưng tham lam không bỏ được. Nghiệp chướng theo họ đến tận bây giờ.

Riêng ba bạn tôi ở Michigan được cả nhà săn sóc tận tình, con cái chung quanh không thiếu đứa nào. Mới mùa hè năm ngoái, ông còn xuống Fort Worth, đến nhà chơi gặp ông, ông gầy xọm và bảo chúng tôi Tết sang năm chưa chắc bác đã xuống được, tự dưng bác thấy mỏi mệt trong người. Sau đó ông vào nhà thương với chẩn đoán ung thư gan. Thoạt đầu gia đình dấu ông dấu bà, không cho họ biết để họ tiếp tục nuôi hy vọng một ngày kia ông sẽ khỏe lại. Nhưng ở nhà thương Mỹ, bác sĩ đến khám đi kèm thông dịch viên. Thông dịch viên không thể không dịch chính xác tất cả mọi điều bác sĩ nói. Cả ông lẫn bà chấp nhận tin dữ rất bình tĩnh. Ông bảo ông sống đến chừng này chắc đã đủ, bây giờ đến lúc về với Chúa. Bà bảo, Ngài sẽ đón ông. Riêng bạn tôi đi đi về về giữa Fort Worth với Michigan như con thoi. Cả nhà bạn căng thẳng chờ đến hồi kết thúc của ông. Và chúng tôi dù sao cũng chờ cùng với bạn.

Close to the end, hồi kết thúc của một trái tim khi nào cũng buồn, dù có Chúa hay Phật đứng đón ở bên kia thế giới. Khi tim ngừng đập, là lúc người chung quanh cảm thấy chuyện sinh tử quá phù phiếm. Rồi rất lâu sau này vẫn không quên được cảm giác phải chia tay vĩnh viễn với một ai đó. Cái cảm giác chia tay với một trái tim ngừng đập chỉ làm cho trái tim còn lại đau mãi mà thôi.

Lan Hương

Fort Worth 01/17/2017

No comments:

Post a Comment