Bà
chị bùi ngùi bảo nhớ Tết Dalat. Những cái Tết đó rất đẹp, năm tháng trôi qua
làm nó đẹp hơn lên, quý giá hơn lên, kiểu như đồ cổ. Dù sao cũng thoáng nhớ nếu
bây giờ ở Dalat thì mình đang làm gì? Trời Dalat có se se lạnh? Đêm Dalat có thật
sâu? Không khí có phảng phất mùi nhang khói quyện với mùi pháo nồng thơm ngát? Sau
khi tự hỏi chừng đó thì nghĩ mãi không ra hiện giờ đêm giao thừa Dalat ra sao.
Chỉ thấy buồn vì ngôi nhà số 7 chắc chắn đóng cửa im lìm tầng trên tầng dưới,
tuyệt không khói nhang không đèn đuốc. Nhớ những ngày xưa vào tầm 11 giờ đêm
không ngọn đèn nào không bật, không khung cửa nào không sáng, Má đã bày bàn thờ
ra giữa sân, lũ con nít bắt đầu chộn rộn nhà trên nhà dưới. Ba đi ra đi vào,
tay liếc đồng hồ chờ đúng 15 phút trước nửa đêm sẽ đem dàn pháo treo nơi cành hồng
góc vườn. Khi còn nhỏ buồn ngủ vào giường dặn Má nhớ đánh thức con dậy, khi lớn
thì ngồi đàn hát đến tận nửa đêm chờ khoảng gần 12 giờ lên ban công nhìn tứ
phía xem pháo nổ đây kia.
Ở
đây những cái chộn rộn đón Tết chỉ còn gói gọn vào chuyện chờ những thằng con
đi học xa về nhà. Bánh chưng, mứt Tết đã chẳng còn tha thiết đã từ rất lâu. 10
đồng một cái bánh ngoài chợ đâm ra xa lạ với việc lau lá, đãi đậu. Những hộp mứt
Tết đỏ rực chất đầy góc chợ rón rén mua về một hai hộp để bàn thờ không dám ăn
vì được nhập từ bên Việt Nam, nơi mà chính dân bản xứ còn không dám đụng tới huống
gì mình. Nhìn mứt dừa trắng quá sự thật, nhìn mứt sen mềm một cách đáng ngờ,
nhìn mứt quất bóng bảy không biết ai khéo tay đến thế…Thôi để ông bà ăn lấy
hương lấy hoa, và nói theo kiểu ông chồng, dù sao thì người chết cũng đã chết rồi,
có ăn mứt này thì cũng không thể chết hơn được nữa!
Còn
nửa tiếng nữa đến Giao Thừa. Chuẩn bị giờ nghỉ trưa chạy ra chợ Việt Nam lấy
cái giò thủ đặt sẵn, món giò một năm mới dám ăn một lần, một phần người gói
cũng chỉ gói một năm một lần, một phần người mua dè chừng với tất cả những mỡ
những gân những thứ chỉ tổ làm cho tăng bề ngang. Nhưng Tết không giò lụa,
không giò thủ thì không phải Tết. Tết không bánh chưng không bánh tét không phải
là Tết. Riêng khoản hoa mai hoa đào thì đã xin chào thua từ lâu, mua được 20
cành glaieul đỏ ngoài chợ đã cảm thấy gần Dalat lắm rồi.
Tết
xứ người làm khối kẻ hoang mang, không biết nên đón Giao thừa theo giờ Việt Nam
hay đón theo giờ bản địa. Nếu theo giờ Việt Nam, thì chả lẽ nghỉ ở nhà chỉ để
thắp ba nén nhang lúc đứng ngọ, mời ông bà về ăn Tết? Nhang khói vu vơ xa lạ giữa
buổi trưa mặt trời rực rỡ tiễn năm cũ đi đón năm mới về? Nếu đón theo giờ bản địa
chẳng ai thức được đến 12 giờ đêm rì rầm khấn vái vì ngày hôm sau là những tất
bật của một ngày như mọi ngày, chả lẽ lại lấy ngày nghỉ ngồi nhà chỉ để hồi tưởng
lại những Tết xưa, chỉ để dọn mâm cho những bóng ma ăn? Mà đi làm thì ngày nghỉ
quý như vàng, bỏ đâu thì bỏ nhất định không bỏ cho ngày Tết. Thế cho nên đại phần
ở đây ăn Tết theo sự thoải mái tiện lợi của người đón Tết. Giao thừa, mùng một
có rơi vào giữa tuần thì chẳng ai bảo ai, hoặc ăn Tết sớm hoặc ăn Tết trễ, theo
đúng vào ngày weekend cho tiện bề nấu nấu rồi cúng cúng. Một thủ tục không làm
thì lương tâm cắn rứt, nhưng đứng cầm cây nhang không biết khấn gì cho một năm
âm lịch ngày càng xa lạ với chính mình, huống gì thế hệ sinh đẻ ở đây, cầm cây
nhang như cầm đuốc, lạy bàn thờ như bổ củi.
Nói
gì thì nói, nhắc đến Tết, dù giữa tuần hay cuối tuần, cũng cảm thấy con tim chựng
lại một chút. Rồi thì lại lên danh sách đi chợ mua đồ về cúng. Năm nào rảnh
cúng đủ ba ngày từ giao thừa đến mùng hai, năm nào bận gom cả ba ngày vào một
buổi trưa. Nhìn quanh nhìn quất tính nấu nồi xôi thắp nhang cho phải lệ rồi đi ăn Tết ké thì khám phá ra thiên hạ quanh
mình còn tệ hơn cả mình, chưa Tết đứa nào cũng hỏi mình có làm gì không. Thôi
thì cũng một dịp để nấu lại món thịt đông, làm hũ dưa chua, và nấu miến gà. Ba
món mình chỉ làm dịp Tết dù cho giò heo, miến, gà, dưa cải bán quanh năm ở chợ.
Tối
giao thừa năm nay vào thứ sáu. Các chùa có tổ chức đón giao thừa lúc 12 giờ
đêm. Ở đây bao năm chưa bao giờ mình có ý định lên chùa vào lúc nửa đêm. Dù
chùa có làm gì chăng nữa mình vẫn cảm thấy lạc lõng, chẳng ra ngô ra khoai cho
một cái Tết dở dở ương ương. Vả lại giờ ấy mình xin ở nhà ngủ để còn ngày hôm
sau buổi sáng tennis, buổi chiều dọn bàn, khiêng ghế, xếp tiền lì xì, nấu cỗ,
buổi tối đón chừng khoảng 30 mạng lớn nhỏ đến ăn Tết chật nhà.
Và
dù có cố thế nào Tết như cái gì đó ráng níu lại, được năm nào hay năm ấy. Tết
như cái gì đó muốn truyền lại cho hai thằng con nhưng nửa vời, ngập ngừng không
đi đến đâu vì bản thân mình đã không còn chắc có muốn đón Tết hay không.
Tết
là một dịp để mặc áo dài, đi guốc cao đúng một tiếng để chụp hình, sau đó xin
được thay đồ thường đi đứng cho nhanh hơn, ăn uống cho thoải mái hơn. Một dịp để
các đấng con nít ngọng nghịu tiếng Việt chúc Tết người lớn khỏe trẻ vui vẻ, mắt
dán chặt vào cái phong bì lì xì màu đỏ. Một dịp để tụi nhỏ vây quanh bàn bầu
cua, cãi nhau ỏm tỏi đặt con gà hay con cá. Mấy năm trước chồng mình làm Cái, từ
ba năm nay giao công việc đó cho thằng con. Nó xóc ba hột bầu cua ầm ĩ, muốn bể
cái tô thủy tinh và khi tan cuộc khi nào nó cũng rủng rỉnh tiền lẻ, nhìn mấy đứa
nhỏ khác mặt mày bí xị nó lại moi tiền ra trả lại để cả lũ lại lăn vào trò Bingo,
bài cào. Mình biết nếu mình tuyên bố không ăn Tết, thì mọi người sẽ tự động giải
tán, đám con nít sẽ không thấy phong bì lì xì, bàn bầu cua nằm im một góc và thằng
con không về thăm nhà.
Thôi
thì nhang khói đó, bàn thờ đó, di ảnh cha chồng, Ba Má đó, cúng Tết cứ xem như
một dịp mời cả ba về ăn chung một cỗ vậy , đứng cầm cây nhang nhìn ba bức ảnh với
ba đôi mắt lom lom, bảo cỗ Tết của con nửa Nam nửa Bắc, con nghĩ ra được cái gì
thì nấu cái đó, ai ăn được cái gì thì ăn nhé. Bánh tét hay bánh chưng thật ra
chỉ khác nhau về hình dạng, bên trong giống y chang nhau, đậu nếp thịt mỡ, năm
ngoái con cúng bánh tét, năm nay con cúng bánh chưng, không ai tị nạnh gì cả
nhé.
Và
bây giờ là bốn giờ chiều giờ bên này quả địa cầu, tay vẫn lọc cọc, tai vẫn nghe
nhạc, hai mắt chạy qua chạy về giữa bài viết này và xem chừng cái program đang
chạy, rồi thì nhận ra bên kia quả địa cầu năm mới đã vào nhà…
Xin
chào, năm Đinh Dậu.
Lan
Hương
Fort
Worth 01/27/2016
No comments:
Post a Comment