Pages

Friday, February 10, 2017

Tung cánh giang hồ


Thế là bà cháu tung cánh giang hồ!

Tiễn nó đi Cali, tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì nó sang bên ấy có người quen, có người mối lái tơ duyên, và trong khi chờ đợi, nó có việc làm đỡ ngồi nhà chơi không. Lo là vì không biết thật sự mối tơ duyên ấy ra sao và công việc cụ thể của nó là gì. Tôi sợ nó bị đồng hương bóc lột, tôi sợ người Việt cũ lừa đảo người Việt chân ướt chân ráo. Tất cả những gì nó biết về ông chồng tương lai của nó chỉ là một bức ảnh chụp gởi qua Messenger. Họ tên không biết, nghề nghiệp không biết. Tôi bảo nó thì cháu ít nhất cũng phải biết ông ấy đang làm gì ở đâu chứ rồi mình có thể kiểm tra lý lịch trước khi quyết định chứ. Nó kêu lên, ông luật sư không cho con biết cô ơi! Ông ấy bảo khi nào con đồng ý thì ông ấy mới cho thêm chi tiết. Lão luật sư cú vọ của nó nắm đàng chuôi “Cho em biết rồi em tự tiện đi gặp người ta, hai bên thỏa thuận với nhau đàng sau lưng anh à”. Đó là nồi cơm của lão mà.

Nó sang đây mấy ngày trước Tết. Tôi bảo Tết bên này đâu có gì đâu sao không ở bên Việt Nam đón xong Tết rồi hãy đi. Nó lỏn lẻn cười bảo con muốn biết Tết ở Mỹ ra sao mà. Riêng tôi, tôi nghĩ rằng vì nó có giấy tờ chóng vánh cũng muốn đi chóng vánh, bản thân nó chắc chẳng tha thiết với nhang khói với lạy bàn thờ với hoa mai hoa cúc trong ba ngày Tết. Nó ở nhà bà bác họ được dăm ngày thì gọi điện thoại cho tôi kêu trời “Nhà gì mà tối thui cô ơi, màn sáo không kéo lên, đi lại thì rón rén. Buổi sáng con thức dậy phải ngồi lì trong phòng đến hơn mười giờ mới được xuống nhà vì phải để cho con bé ngủ, cấm không được gây tiếng động. Nấu ăn thì qua quýt, ăn xong con lại phải vào phòng tự nhốt mình để con bé ngủ giấc chiều. Con không được tự động ra đường vì có thể FBI với CIA đang rình mò đến bắt bác! Cái nhà này hơi bị điên điên đó cô”. Tôi cười sằng sặc “Bên Việt Nam không nói cho cháu biết trước à” rồi cứu nguy nó “Thôi xuống nhà cô đi, ít nhất ở đây cháu được tự do chơi với hai con chó!”

Nó xông vào nhà tôi mười lăm phút sau Giao Thừa. Bà bác họ vốn mê tín dị đoan đã cẩn thận dặn nó “Đừng có mà hàm hồ đạp đất nhà cô đầu năm, để thằng Nam vào trước rồi con vào sau”. Tôi thức quá nửa đêm chờ thằng con tôi đi đón nó về. Chuông cửa reo thằng con nhảy vào nhà la toáng lên “Bác bảo con xông đất cho mẹ! Xông đất là cái gì hả mẹ?” Riêng nó cười ha hả bước theo sau “Vậy là không phải con nghe cô”.  

Nhìn nó tôi nhớ tới những năm 77, 78 bên Việt Nam, những năm đói khổ nhất. Tôi xuống Saigon chơi dẫn nó ra chợ Bến Thành. Con bé mặc váy đầm nhảy tung tăng như chim xổ lồng. Cô cháu đi vòng trong vòng ngoài chợ, nhìn ngó là chính, chẳng có tiền để mua bất kỳ cái gì. Mọi sự êm xuôi cho đến khi nó nhất định đòi mua đồ chơi mà tôi thì không một xu cũng không có, tôi giải quyết bằng cách cả cô lẫn cháu đi về nhà thôi. Nó liền tốc váy lên la hét ầm ầm rồi nằm lăn ra giữa chợ ăn vạ! Thiên hạ nhìn nó rồi nhìn tôi ái ngại. Tôi xấu hổ không biết để đâu cho hết. Lúc ấy giá mà tôi và nó chẳng bà con họ hàng gì cả, tôi sẽ làm ngơ bỏ nó ở đó, không cô chẳng cháu quách cho xong! Bây giờ nó kể lại cho tôi nghe chuyện đó rồi cười nói con hết ăn vạ rồi cô, bây giờ con ăn chực!

Nó sang Mỹ với lời hứa rằng đã có người mối lái. Nó kể cho tôi, mắt sáng ngời đặt hết lòng tin vào đó. Những lời hứa này tôi nghe quen quen nhưng không dám nói cho nó biết rằng tôi đã thấy trước hậu quả lời hứa đó sẽ kết thúc như thế nào. Những lời hứa hão huyền trên mây! Những lời hứa đầu môi chót lưỡi! Suốt ba ngày Tết nó ở với tôi huyên thuyên kể chuyện đi làm ở Việt Nam, kể chuyện tại sao nó ở đây. Nó bảo con đi chơi gặp người ưng ý thì con làm giấy tờ ở lại, còn không thì sau 2 tuần con về lại Việt Nam. Tôi hỏi 2 tuần thì kịp gặp được ai hả cháu. Nó bảo chị có người rồi cô, chủ nhật này chị với con đi gặp người ấy. Chị bảo con sang Mỹ sẽ ở lại luôn nên cái gì quý giá nhất thì mang theo mà cô, thế là con mang ngay ba bức tranh thêu con làm, thêm cây đàn tranh con đang tập chơi. Nghe chắc cú như bắp. Riêng tôi không nói gì.

Tối chủ nhật tôi chở nó về lại nhà bác họ. Khuya chủ nhật nó text cho tôi bảo “Chị nói người ta bỏ rồi, con bồ cũ quay lại phá đám nên không muốn gặp con cô ơi!” Tôi trả lời “Từ từ nhân duyên sẽ tới” Nó text lại một câu mà tôi vốn sợ nhất trên đời “Cô có quen ai không giới thiệu cho con với” Tôi cười. Nó nói tiếp “Con đang khóc sưng mắt mà cô còn cười con!” Tôi nghĩ thì chính nó đã nói là nếu không xong nó về lại Việt Nam, chuyện không có gì mà ầm ĩ. Nó ở lại cũng được, đi về cũng được kia mà. Tôi đã thấy trước câu trả lời của lời hứa nhưng không nhẫn tâm nói cho nó biết. Khi nó ở Việt Nam nó cũng chẳng nói với tôi nó sang đây mục đích chính là làm gì để tôi có thể nói “Lời hứa đó không đáng tin cậy đâu”.  


Hai ngày sau nó gọi tiếp “Cô ơi con xuống cô ở được không? Con ở đây chắc chết mất!” Tôi hỏi “Chuyện gì vậy?” “Bác khó chịu quá. Con ở đây bác không hỏi con mà cứ gọi điện thoại về Việt Nam để kiểm tra xem con làm gì ở đây, con ở bao lâu, tiền ở đâu con có. Con tính về Việt Nam rồi quay lại mà bác không muốn con để đồ ở lại nhà bác. Từ hồi sang Mỹ đến giờ con cứ ru rú trong nhà không đi đâu được. Con xuống cô con ở nhà lúc cô đi làm, weekend cô chở con đi chơi được không cô?” Tôi không nỡ lòng nào từ chối, hẹn ngày giờ đến đón nó. Gặp nó ở tiệm ăn giữa đường, nó hân hoan bảo “Chương trình thay đổi rồi cô, bây giờ con đi Cali tìm chồng!” Tôi hết hồn hết vía. Nó đã chuyển sang kế hoạch khác, sẽ sang Cali ở nhà người quen, người quen này biết luật sư sẽ lo liệu được cho nó. Thôi thế tôi cũng mừng.

Nguyên một ngày thứ bảy tôi dẫn nó đi thăm vòng vòng Fort Worth. Trời âm u, gió lạnh thổi từng cơn. Nó phấn khích chuyện giang hồ Cali nên quên cả cái lạnh. Nó kể cho tôi nghe chuyện ông luật sự 60 tuổi xưng anh em ngọt như mía lùi với nó. Lão này là dân đi lậu từ Na Uy sang, ở Mỹ không giấy tờ một thời gian dài, rồi lấy được vợ nên được ở chính thức. Sau khi vào quốc tịch, lão ly dị vợ, độc thân vui tính cả bao nhiêu năm nay. Lão bảo nó “Anh đã từng ở bất hợp pháp nên anh thông cảm với các em lắm. Bây giờ anh làm là để giúp người đồng hương thôi”. Tôi nhủ thầm tinh thần giúp đỡ người đồng hương gì mà giá cả mắc như ranh! Lão nói thêm, anh giúp nhiều cô lắm rồi, các cô đều nhận anh làm anh nuôi hay bố nuôi đó, bây giờ anh đi đâu cũng gặp em nuôi! Lão tí tởn gởi hình lão cho nó xem. Lão hao hao giống ông bác họ của nó, lưng khòm đầu hói, da nhăn nheo. Làm sao mà có thể xưng anh kêu em ngọt xớt với nó thì tôi không hiểu nổi. Nó bảo tôi con phải đưa đẩy với người ta để cho được việc đó cô. Tôi chỉ hơn nó có mười tuổi, tôi chỉ có thể bảo nó cẩn thận nghe cháu! Còn  biết khuyên cái gì hơn bây giờ?

Tôi tiễn nó đi Cali với một cái vali, ba bức tranh, một cái xách tay. Đó là tất cả hành trang của nó, ngoại trừ cây đàn tranh gởi nhà tôi vì không biết có được việc hay không, ngộ nhỡ phải quay về lại Việt Nam nó không phải tha lôi của nả đi khắp nơi. Nó bé người như tôi, len lỏi trong đám đông cao nghều chờ qua cửa xét hành lý. Nhìn nó tôi tự hỏi không biết nếu tôi là nó, tôi có đủ can đảm tung cánh giang hồ như thế không. Hay tôi sẽ an phận với đời thường của mình ở Việt Nam, nhanh nhảu trong công việc kế toán, bạn bè vui vẻ khắp nơi, có tiền thì đi du lịch, không Sing thì Hàn. Không chồng không con đôi khi mà sướng vì không có trách nhiệm với bất kỳ một ai ngoại trừ bản thân mình. Nếu tôi là nó, tôi có dám liều mình ký vào tờ giấy đám cưới với người tôi không hề quen biết, với số tiền kếch sù tôi bỏ ra nhưng không biết có đến đâu không. Liệu tôi có dám cột chặt ba năm đời tôi với một người xa lạ, quen biết nhau chỉ vì đôi bên cùng có lợi không. Không, tôi sẽ không liều. Vì tính tôi vốn thế.

Nó sang Cali được hai ngày lại text cho tôi “Không xong rồi cô ơi. Người này ở Mỹ sáu tháng về Việt Nam sáu tháng, vậy thì đâu có công ăn việc làm gì rõ ràng đâu. Làm đám cưới rồi tiền đâu ông ta bảo lãnh cho con ở lại?” Nó cũng còn khôn để biết dính vào những người như vậy là đổ nợ. Tôi an ủi nó Cali người Việt đông lắm, thế nào mình cũng tìm được người khác. Tôi nghĩ thêm thì phải người như thế nào mới dám mạo hiểm làm giấy tờ giả chứ, nhưng thôi tôi không dám làm nó lo ra. Tôi hỏi nó chỗ làm việc. Nó bảo việc không nặng nhưng phải đứng tám tiếng một ngày nhồi chocolat vào bánh rồi xếp bánh vào khay hoặc hộp. Nó là dân văn phòng quen ngồi máy lạnh, bây giờ thử chịu cực làm việc tay chân xem có được không. Bên Việt Nam nó không đụng móng tay móng chân làm việc nặng bao giờ. Nó sẽ tập chịu khổ vì nó biết nếu nó được ở lại, nó sẽ phải làm việc cực nhọc lắm để kiếm tiền trả món nợ “giúp đỡ người đồng hương”.
Tôi thở dài. Ở lại Mỹ làm gì cho cực vậy cháu?

Lan Hương

Fort Worth, 02/10/17


No comments:

Post a Comment